Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 03/08/2018

Friday, August 3, 2018 6:27:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 03/08/2018

Pompeo: Triều Tiên chưa tiến tới chỗ

thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Triều Tiên hiện vẫn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và còn phải tiến thêm một bước dài mới thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.
Phát biểu hôm 3/8 trước khi tham dự diễn đàn an ninh châu Á với Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Pompeo nói với các phóng viên ở Singapore rằng “vẫn còn phải đi một chặng đường dài” trước khi đạt được mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Pompeo lên tiếng sau khi Tòa Bạch Ốc thông báo hôm 2/8 rằng Tổng thống Donald Trump đã nhận được một lá thư mới từ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, và đã nhanh chóng trả lời với một bức thư riêng.
Ông Pompeo dẫn đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên, ông đã đến Bình Nhưỡng ba lần kể từ tháng Tư năm nay, và đã tháp tùng TT Trump trong cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim hồi tháng 6. Ông Pompeo sẽ ngồi họp trong cùng một phòng với người đồng nhiệm Triều Tiên hôm 4/8 tại diễn đàn khu vực thường niên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á. Một cuộc họp riêng giữa hai ông có thể diễn ra, nhưng chưa được xác định, theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nói chuyện với các phóng viên đi cùng ông từ Kuala Lumpur, Malaysia, đến Singapore, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chủ tịch Kim đã cam kết sẽ phi hạt nhân hóa, thế giới đã yêu cầu ông làm như vậy với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Với thực tế là họ đang hành xử một cách không phù hợp với đòi hỏi đó, người Triều Tiên đang vi phạm một hoặc cả hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an, chúng ta có thể thấy là hãy còn một chặng đường dài trước khi đạt được kết quả tối thượng mà chúng ta nhắm tới”.
Hôm 2/8, ông Trump đã gửi lời cảm ơn tới lãnh tụ Triều Tiên “về lá thư tốt đẹp của ông – tôi mong sớm gặp ông!”
Tòa Bạch Ốc không cho biết các chi tiết trong nội dung cụ thể của lá thư của ông Kim, nhận được hôm 1/8, hay của thư phúc đáp của ông Trump. Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết nội dung các lá thư đó bàn về cam kết của hai bên hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” Triều Tiên.
Bà Sanders cho biết hai bên chưa chốt lại chi tiết của cuộc họp thứ nhì tiếp theo cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore tháng 6, nhưng hai bên vẫn để ngỏ giải pháp tiếp tục các cuộc thảo luận.
https://www.voatiengviet.com/a/pompeo-trieu-tien-chua-tien-toi-cho-thuc-hien-cam-ket-phi-hat-nhan-hoa/4512291.html

Con gái Trump:

‘Báo chí không phải kẻ thù của nhân dân’

Ái nữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cô Ivanka Trump hôm thứ Năm ngày 2/8 tuyên bố cô không xem báo chí là ‘kẻ thù của nhân dân’ trong một động thái tách mình ra khỏi hành động đả kích báo chí thường xuyên của thân phụ cô, AP đưa tin.
Cô Ivanka, vốn cũng là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, cũng cho rằng việc cách ly con cái khỏi cha mẹ di dân là một ‘điểm trầm’ trong chính quyền Trump.
Cô Ivanka Trump đưa ra những phát biểu này tại một sự kiện do trang mạng tin tức Axios tổ chức.
Khi được hỏi liệu cô có đồng ý với cách mà thân phụ cô thường hay gọi báo chí hay không, cô Ivanka trả lời: “Không, tôi không đồng ý.”
Từ quan điểm cá nhân, cô nói: “Tôi chắc chắn cũng được báo chí để ý đến mình mà tôi biết là không phải hoàn toàn chính xác. Do đó… tôi cũng có sự nhạy cảm nhất định trước việc tại sao có người lại có quan ngại và than phiền như vậy, nhất là khi họ cảm thấy mình bị nhắm vào. Nhưng không, tôi không hề cảm thấy truyền thông là kẻ thù của nhân dân.”
Tổng thống Donald Trump thường chụp mũ truyền thông là ‘kẻ thù của nhân dân’ và thường xuyên cáo buộc phóng viên là ‘đưa tin giả’ – cách ông gọi những tin tức nào mà ông không thích.
Hành động của ông Trump đã bị người chủ quản của tờ New York Times chỉ trích. Ông A.G. Sulzberger nói rằng ông đã phê phán ông Trump vì ‘những luận điệu chống báo chí đáng lo ngại’ vốn ‘không chỉ gây chia rẽ mà càng ngày càng nguy hiểm’ khi ông có cuộc gặp riêng với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng trong tháng này.
Cô Ivanka Trump cũng được hỏi về những thăng trầm trong nhiệm kỳ Tổng thống của thân phụ. Cô đồng ý việc chia cắt trẻ em di dân khỏi những người cha mẹ bị bắt giữ là một ‘điểm trầm’. Cô nhấn mạnh rằng ‘cô cực lực phản đối chia cắt gia đình’ nhưng cũng nói thêm di dân là một vấn đề ‘vô cùng phức tạp’.
Trong những ngày đầu diễn ra khủng hoảng biên giới, cô Ivanka đã giữ thái độ im lặng. Tuy nhiên, ông Trump cho biết ái nữ của ông đã nói riêng với ông để kêu gọi ông tìm giải pháp. Sau khi ông ký sắc lệnh hành pháp cho phép các gia đình di dân được ở cùng nhau, cô Ivanka đã cám ơn trên Twitter.
Cô cũng lưu ý rằng thân mẫu của cô cũng là một di dân đến Mỹ hợp pháp và rằng Mỹ là ‘quốc gia của luật pháp’. “Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận để không phải khuyến khích những hành vi khiến cho các em nhỏ gặp nguy cơ bị buôn bán, hay nguy cơ vượt biên cùng với những kẻ vô lại hay phải đi trên những hành trình hết sức nguy hiểm một mình.”
https://www.voatiengviet.com/a/con-g%C3%A1i-trump-b%C3%A1o-ch%C3%AD-kh%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3i-k%E1%BA%BB-th%C3%B9-c%E1%BB%A7a-nh%C3%A2n-d%C3%A2n-/4511494.html

Trump bị lên án vì tấn công tự do báo chí

Hai chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump vì điều mà họ gọi là những cuộc tấn công ‘chiến lược’ vào báo chí.
Ông Trump đã chụp mũ truyền thông là ‘kẻ thù của nhân dân’ và thường xuyên cáo buộc các nhà báo là ‘loan tin giả’.
Trong một thông cáo chung, hai chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do ngôn luận là David Kaye thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Edison Lanza thuộc Ủy ban Liên châu Mỹ đã viết rằng ‘những hành động tấn công báo chí này đi ngược lại nghĩa vụ của nước Mỹ là phải bảo vệ quyền tự do báo chí và các luật nhân quyền quốc tế’.
Họ nói rằng những hành vi đả kích của ông Trump là ‘mang tính chiến lược nhằm phá hoại lòng tin vào báo chí và gây nghi ngờ về những sự thật đã được kiểm chứng.’
“Ông ấy đã không chứng minh được dù chỉ một lần là một bài báo cụ thể nào đó có động cơ không trong sáng,” hai chuyên gia Liên Hiệp Quốc nhận định.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-b%E1%BB%8B-l%C3%AAn-%C3%A1n-v%C3%AC-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-t%E1%BB%B1-do-b%C3%A1o-ch%C3%AD/4511492.html

Tổng thống Trump:

chỉ có “tin giả” mới là “kẻ thù của người Mỹ”

Washington DC – Hôm qua 2 tháng 8, Tổng Thống Trump nói rõ rằng không phải tất cả thành viên của giới truyền thông là “kẻ thù của người Mỹ”, mà chỉ có “tin giả” (đại đa số trong giới truyền thông) mới là “kẻ thù của người Mỹ”.
Ông Trump đưa ra tin nhắn trên để đáp lại bình luận của ái nữ Ivanka Trump, đồng thời là một phụ tá hàng đầu của ông ở Tòa Bạch Ốc. Trước đó trong ngày, khi một phóng viên hỏi Ivanka rằng cô có tin báo chí là kẻ thù của người Mỹ hay không, Ivanka trả lời không. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với những tuyên bố trước đây của cha cô. Trong tin nhắn, tổng thống viết rằng  con gái ông trả lời chính xác là không, vì chỉ có “tin giả” mới là kẻ thù của người Mỹ mà thôi.
Ivanka giải thích cô thường xuyên đọc được những báo cáo viết không đúng về cô. Vì vậy cô rất ngại khi xuất hiện trước công chúng, không hiểu tại sao mọi người thích nhắm về cô và tấn công cô. Nhưng cô vẫn không nghĩ rằng giới truyền thông là “kẻ thù của người Mỹ”.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cũng bác bỏ ý cho rằng phát biểu của Ivanka mâu thuẫn với những ý kiến trước đây của ông Trump.
Từ khi nhậm chức , rất nhiều lần ông Trump gọi “tin giả” là kẻ thù của người Mỹ. Mới đây nhất là sau khi ông bị giới truyền thông chỉ trích về cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin, ở Helsinki, Phần Lan. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-chi-co-tin-gia-moi-la-ke-thu-cua-nguoi-my/

Quan chức Mỹ cảnh báo

nguy cơ Nga tiếp tục can thiệp bầu cử

Các quan chức tình báo và an ninh của Mỹ lên tiếng báo động về nguy cơ có nỗ lực tác động vào các cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ trong năm nay và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, đồng thời cũng trấn an rằng họ đang làm mọi thứ trong khả năng để đối phó.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Paul Nakasone và Giám đốc FBI Christopher Wray đã có mặt ở Nhà Trắng hôm thứ Năm ngày 2/8 để trấn an người dân Mỹ rằng họ đang làm tất cả những gì có thể.
“Chúng ta tiếp tục chứng kiến một chiến dịch thông tin rộng khắp của Nga để cố gắng làm suy yếu và chia rẽ nước Mỹ,” Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats cho biết.
“Chúng tôi đang dùng mọi biện pháp có thể,” ông Coats nói thêm.
Hồi đầu tuần, cả Nielsen, Wray và Nakasone đều có mặt ở New York để dự một hội nghị về an ninh mạng. Khi đó, họ lên tiếng về nhu cầu cấp bách phải có một cách tiếp cận tập thể và hợp tác về an ninh.
Bà Nielsen cho biết nguy cơ tấn công mạng giờ đây đã vượt quá nguy cơ của một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường do một thực thể thù địch ở nước ngoài gây ra.
Ông Wray thì nhận định rằng so với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 thì trong năm 2018 họ ‘chưa thấy những nỗ lực tương tự tấn công cụ thể vào cơ sở vật chất bầu cử’. Tuy nhiên ông cũng nói rằng những nỗ lực ảnh hưởng đến công luận vẫn tiếp diễn.
Những nhận định này được đưa ra sau nhiều tuần Tổng thống Trump công khai chỉ trích kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ về hành vi can thiệp của Nga. Sau khi đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của cả hai Đảng, ông Trump sau đó đã lên tiếng rằng ông chấp nhận những kết luận của giới tình báo.
Hôm 2/8, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã chỉ thị ‘một nỗ lực rộng lớn của toàn bộ các cơ quan chính phủ’ để bảo vệ các cuộc bầu cử của Mỹ.
Đáp trả lại những chỉ trích của cả hai Đảng rằng chính quyền Trump không có chiến lược quốc gia rõ ràng để bảo vệ đất nước ở cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, đã viết trong một lá thư gửi đến các nghị sỹ Dân chủ ở Thượng viện rằng ‘Tổng thống Trump không và sẽ không bao giờ dung chấp sự can thiệp vào hệ thống chính phủ đại diện của Hoa Kỳ’.
Cả hai chính đảng của Mỹ đều lên án phản ứng của chính quyền Trump là ‘manh mún, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên bang’. Họ cũng kêu gọi Tổng thống Trump có lập trường mạnh mẽ hơn trên vấn đề hệ trọng đối với nền dân chủ Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-ch%E1%BB%A9c-m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-nguy-c%C6%A1-nga-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-can-thi%E1%BB%87p-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD/4511489.html

Thượng Viện giới thiệu dự luật mới để trừng phạt Nga

Washington DC – Hôm qua 2 tháng 8,  thượng nghị sĩ của lưỡng đảng Cộng Hòa và Dân Chủ giới thiệu một dự luật nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và chống tội phạm mạng.
Đây là nỗ lực mới nhất của các nhà lập pháp để trừng phạt Moscow, vì tội can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và hành động quân sự tại Syria và Ukraine. Dự luật bao gồm những hạn chế về giao dịch nợ quốc gia mới của Nga, về các dự án năng lượng, dầu mỏ và việc nhập cảng uranium của Nga, cũng như một số biện pháp trừng phạt mới đối với những nhân vật hoạt động chính trị của Nga.
Bên cạnh đó, dự luật cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với NATO, và sẽ yêu cầu 2/3 số phiếu cho mọi nỗ lực rời khỏi liên minh quân sự NATO của Hoa Kỳ.
Thị trường Nga phản ứng nhanh chóng với dự luật trừng này, đồng rúp của Nga giảm xuống mức thấp nhất của hai tuần qua.
Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham là một trong những nhà tài trợ chính của dự luật, nói rằng biện pháp trừng phạt hiện tại thất bại trong việc ngăn cản Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Theo Reuters, Quốc Hội thông qua một dự luật trừng phạt Nga vào mùa hè năm ngoái, nhưng Tổng Thống Trump tỏ ra rất miễn cưỡng khi phải thực hiện này, và chỉ ký sau khi Quốc Hội thông qua dự luật với số phiếu áp đảo. Thượng Nghị Sĩ Graham cho biết dự luật được thêm vào nhiều điều khoản để có tính trừng phạt nghiêm khắc hơn. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/thuong-vien-gioi-thieu-du-luat-moi-de-trung-phat-nga/

Mỹ khó lôi kéo Đông Nam Á khỏi Trung Quốc?

Vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công du đến đông nam Á để quảng bá cho chiến lược đầu tư mới của Mỹ vào khu vực, câu phản hồi mà ông nhận được có thể là: Cám ơn rất nhiều, nhưng xin vui lòng chấm dứt đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu không chúng tôi sẽ mất hàng tỷ đô la.
Các nhà phân tích cho rằng các ý tưởng đầu tư về kỹ thuật, năng lượng và hạ tầng trị giá 113 triệu đô la mà ông Mike Pompeo công bố hồi đầu tuần sẽ khó mà thuyết phục được các quốc gia vốn gắn chặt với hệ thống cung ứng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Kế hoạch này là những chi tiết cụ thể đầu tiên của chính sách ‘Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ cho đến nay vẫn còn mơ hồ của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên nó được cho là có thể làm bùng phát căng thẳng mới với Bắc Kinh, vốn đã rải tiền và ảnh hưởng ra khắp khu vực thông qua dự án ‘Vành đai-Con đường’.
“Các nước đông nam Á quan tâm nhiều hơn về hậu quả đối với họ do những căng thẳng mậu dịch Mỹ-Trung gây ra hơn là họ có thể được lợi ích gì từ gói đầu tư 113 triệu đô la này,” ông Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông nam Á ở Singapore, được Reuters dẫn lời nói.
Sau một cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ở Kuala Lumpur, ông Pompeo sẽ bay đến Singapore – một đầu mối thương mại toàn cầu và cũng là một trong những nước bị chiến tranh thương mại ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực – để tham dự cuộc họp với Ngoại trưởng các nước Asean vào ngày 3/8.
Ngân hàng lớn nhất Singapore, DBS, đã ước tính rằng một cuộc chiến mậu dịch toàn dịch – tức là mức thuế quan 15-25% trên tất cả các mặt hàng mua bán giữa Mỹ và Trung Quốc – sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng của Singapore giảm đi phân nửa vào năm 2019, từ 2,7 % xuống còn 1,2%. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia cũng sẽ giảm từ 5 xuống 3,7%.
“Chúng ta đều ý thức sâu sắc về đám mây bão của chiến tranh mậu dịch,” Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN hôm 2/8.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã nhận định rằng châu Á ‘cực kỳ dễ tổn thương’ trước chiến tranh mậu dịch do sự gắn kết giữa các nước trong chuỗi cung ứng.
Ông Pompeo cũng dừng chân ở Indonesia trong chuyến công du này. Dưới chính quyền Trump, đất nước này hiện đang đối mặt với nguy cơ mất đi một số ưu đãi mậu dịch mà Mỹ dành cho các nước đang phát triển.
Trước chính sách đối ngoại mới của chính quyền Trump đối với khu vực là ‘Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’, hiện giờ các nước đông nam Á vẫn tỏ ra thận trọng, theo Reuters.
Chuyến công du lần này của ông Pompeo sẽ là cơ hội để Mỹ ‘làm rõ và xây dưng lập trường thống nhất’ về chính sách này.
Chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama để đối phó với ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc đã bị xếp xó sau khi ông Trump vào Nhà Trắng với chủ trương ‘Nước Mỹ trên hết’. Một trong những hành động đầu tiên của ông Trump là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đưa ra để đối chọi lại với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Kết quả là trên khắp châu Á, ngày càng có nhiều nơi bị rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc: các nước có tranh chấp chủ quyền buộc phải mềm dẻo hơn với Trung Quốc trong khi phải vay hàng tỷ đô la từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Philippines là một ví dụ điển hình khi Tổng thống Duterte đã có thái độ hòa hoãn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm là Tổng thống Benigno Aquino đã làm căng với Bắc Kinh về các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Ông Duterte thường xuyên ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi tháng Hai, ông còn gây bão khi nói đùa rằng ông muốn Philippines ‘là một tỉnh của Trung Quốc’
Thái Lan, đồng minh có hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, cũng được cho là đã xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipitaks nói với hãng tin Reuters rằng nước ông đang tìm cách ‘tiếp cận cân bằng’ với cả Mỹ và Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-kh%C3%B3-l%C3%B4i-k%C3%A9o-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-kh%E1%BB%8Fi-trung-qu%E1%BB%91c-/4511500.html

Google ‘muốn mở công cụ tìm kiếm

tự kiểm duyệt ở TQ’

Google đang lên kế hoạch khởi chạy một phiên bản công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc nhưng sẽ tự kiểm duyệt về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo và biểu tình ôn hòa, theo trang tin The Intercept của Hoa Kỳ.
The Intercept cho biết đã thu thập được tài liệu mật về dự án mang tên Chuồn chuồn (Dragonfly) đã được thực hiện từ đầu năm nay, và được tiến hành từ sau cuộc gặp hồi tháng 12/2017 giữa CEO Google Sundar Pichai và các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Đội ngũ lập trình viên và kỹ sư tại Google đã tạo ra một ứng dụng Android với các phiên bản khác nhau được đặt tên là “Maotai” và “Longfei”.
Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh
Facebook lên kế hoạch mở văn phòng ở TQ
Cổ phiếu Facebook lao dốc, Mark mất hơn 16 tỷ đô la
Phiên bản hoàn thiện có thể được công bố trong vòng sáu đến chín tháng tới, trong khi chờ đợi sự chấp thuận của các quan chức Trung Quốc.
Động thái kế hoạch này thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Google về Trung Quốc và nếu thành công, thì sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, gã khổng lồ Internet xâm nhập được vào thị trường này.
Kiểm duyệt cả BBC và Wikipedia?
Hiện tại, dịch vụ tìm kiếm của Google vẫn không thể truy cập ở Trung Quốc.
Vẫn theo the Intercept, ứng dụng Google đang thiết lập cho Trung Quốc sẽ tuân thủ luật kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bắc Kinh, hạn chế quyền truy cập vào nội dung mà chế độ Đảng Cộng sản của Tập Cận Bình cho là không có lợi.
Chính phủ Trung Quốc chặn thông tin trên internet về các đối thủ chính trị, tự do ngôn luận, giới tính, tin tức và nghiên cứu học thuật.
Và cấm các trang web về vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, và khái niệm “chống chủ nghĩa cộng sản” và “bất đồng chính kiến.”
Những cuốn sách miêu tả tiêu cực về các chính phủ độc tài, như 1984 và Animal Farm của George Orwell, đã bị cấm trên Weibo.
Tài liệu mà The Intercept có được, được đánh dấu là “bảo mật thuộc Google”, chỉ ra rằng ứng dụng mới sẽ tự động xác định và lọc ra các website bị chặn bởi tường lửa của chính quyền.
Khi một người thực hiện một thao tác tìm kiếm, các trang web bị cấm sẽ bị xóa khỏi trang kết quả đầu tiên và sẽ xuất hiện một tuyên bố rằng “một số kết quả có thể đã bị xóa do các yêu cầu theo luật định”.
Một số trang web ví dụ được liệt có bao gồm trang tin của đài BBC và bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia.
Vi phạm quy tắc ‘Không độc ác’
Trước đó, giữa 2006 và 2010, Google từng thực hiện một phiên bản kiểm duyệt ở Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, công ty này phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt ở Hoa Kỳ về việc tuân thủ các chính sách của Trung Quốc.
Trong một phiên điều trần quốc hội tháng 2/2006, các thành viên của Ủy ban Quan hệ Quốc tế Hạ viện có những lời chỉ trích mạnh mẽ.
“Google đã thỏa hiệp với quy tắc ‘Không độc ác’ của nó một cách nghiêm trọng,” Dân biểu liên bang Chris Smith tuyên bố.
“Đúng vậy, [Google] là thành đồng lõa của cái ác,” ông Smith nói khi đó.
Thực tế, quy tắc ‘Không độc ác’ (Don’t be evil) đã bị Google xóa khỏi bản Quy tắc Ứng xử từ vài tháng trước.
Theo tờ Quartz, chính sách ‘Không độc ác’ bắt đầu từ 2001, với ý nghĩa rằng Google sẽ “cung cấp thông tin không thiên vị cho người dùng, tập trung vào nhu cầu của họ và cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất có thể.”
Tuy nhiên, bản Quy tắc Ứng xử cho thấy quy tắc ‘Không độc ác’ đã bị xóa từ hồi tháng 5/2018.
Thay vào đó, khẩu hiệu ‘Don’t be evil’ được đặt ở cuối bản quy tắc: “Và hãy nhớ rằng… đừng độc ác, và nếu bạn thấy gì bạn nghĩ là không đúng đắn – hãy lên tiếng!”
Google đã từ chối bình luận về sự thay đổi này, theo Quartz.
Khi được báo giới hỏi về thông tin The Intercept công bố, một phát ngôn viên của Google đã cung cấp một tuyên bố ngắn gọn.
“Chúng tôi cung cấp một số ứng dụng di động ở Trung Quốc, chẳng hạn như Google Translate và Files Go, giúp các nhà phát triển Trung Quốc và đầu tư đáng kể vào các công ty Trung Quốc như JD.com”.
“Chúng tôi không bình luận về những phỏng đoán về các dự án trong tương lai.”
Google có vẻ đang nối bước hai gã khổng lồ công nghệ khác là Apple và Facebook để xâm nhập thị trường Trung Quốc.
Gần đây nhất, Apple đã chuyển toàn bộ dữ liệu người dùng Trung Quốc cho hãng lưu trữ dữ liệu nhà nước China Telecom.
Trong khi đó, Facebook cũng đang tìm cách mở một văn phòng đại diện đầu tiên tại Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45056287

Giáo Hoàng Francis phản đối án tử hình

trong mọi trường hợp

Giáo Hoàng Francis thay đổi giáo huấn của nhà thờ nhằm chính thức phản đối án tử hình trong mọi trường hợp, Vatican cho biết.
Giáo hoàng chỉ dẫn nữ tu dùng mạng xã hội
Thông điệp của Phật Đản và tự do tôn giáo ở VN
TQ: Kẻ giết người hàng loạt bị án tử hình
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo trước đây tuyên bố rằng án tử hình có thể được áp dụng trong một số trường hợp.
Giờ đây sách nói rằng điều đó là “không thể chấp nhận bởi vì nó là sự tấn công vào sự bất khả xâm phạm và nhân phẩm của người đó”.
Giáo Hoàng Francis từng lên tiếng chống lại các hành quyết trong quá khứ.
Tháng Mười năm ngoái, ngài nói chính sách của Giáo hội về án tử hình là một lĩnh vực mà việc giảng dạy có thể thay đổi với những lo ngại hiện đại.
Nó thay đổi từ cái gì?
Văn bản giáo lý được đặt ra lần đầu tiên bởi Giáo Hoàng John Paul II vào tháng 10/1992, và trước đó tuyên bố rằng án tử hình là “một phản ứng thích hợp đối với tính nghiêm trọng của những tội ác nhất định và chấp nhận được, mặc dù cực đoan, là biện pháp bảo vệ lợi ích chung”.
Tuy nhiên, văn bản mới nói rằng có “một nhận thức gia tăng rằng nhân phẩm của người đó không bị mất ngay cả sau khi phạm tội rất nghiêm trọng”.
Nó cũng lập luận rằng phương pháp giam giữ hiệu quả hơn ngày nay bảo vệ công dân và “không tước đoạt hoàn toàn các tội có khả năng chuộc lỗi”.
Giáo hội giờ đây sẽ làm việc với quyết tâm bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới, tuyên bố từ Tòa Thánh cho biết.
Trong lịch sử, Giáo hội hầu như không phản đối án tử hình, kể cả trong thế kỷ 20. Năm 1952, Giáo Hoàng Pius XII nói rằng đó không phải là sự vi phạm quyền phổ quát đối với cuộc sống.
Giáo Hoàng John Paul II từng nói nên bỏ tù hơn là thi hành án tử hình, mặc dù Joseph Ratzinger, người sau này trở thành Giáo Hoàng Benedict XVI, viết rằng án tử hình có thể được cho phép.
Ở đâu án tử hình vẫn hợp pháp?
Án tử hình vẫn hợp pháp ở 53 quốc gia trên thế giới.
Ở Hoa Kỳ, nơi 22% dân số là Công giáo, việc thi hành án tử hình vẫn hợp pháp tại 31 bang.
Nó cũng hợp pháp ở Cuba, Dominica và Uganda – nơi có một nửa dân số là Công giáo.
Nơi duy nhất ở Châu Âu án tử hình vẫn còn hợp pháp là Belarus, mà có thiểu số dân Công giáo chiếm khoảng 7% dân số.
Burkina Faso, Madagascar và Benin, nơi phần lớn dân số theo Công giáo, tất cả đều cấm án tử hình trong những năm gần đây.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45043850

Tấn công tự sát tại đền Hồi giáo Shia-Afghanistan,

29 người chết

Hai kẻ đánh bom tự sát đã tấn công một đền thờ của người Hồi giáo Shia ở đông Afghanistan trong các buổi lễ cầu nguyện hôm thứ Sáu 3/8, giết chết ít nhất 29 người và làm bị thương 81 người.
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên của Tỉnh trưởng tỉnh Paktia, ông Abdullah Asrat, nói rằng các phần tử vũ trang tận răng, cải trang dưới những chiếc áo burka trùm từ đầu tới chân mà phụ nữ bảo thủ thường mặc, đã nổ súng vào lính canh bên ngoài đền thờ Hồi giáo ở thành phố Gardez. Sau đó, họ lẻn vào bên trong và kích thuốc nổ mang trên người ngay giữa đám đông gồm khoảng 100 tín đồ đang dự lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu.
Người phát ngôn cho biết trong số những người bị thương trầm trọng, có 5 trẻ nhỏ.
Hiện chưa có ai tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, nhưng trong thời gian qua, nhóm theo Nhà Nước Hồi giáo- IS ở Afghanistan thường xuyên nhắm vào các tín đồ Shia. Nhóm này từng cảnh cáo thiểu số người Shia ở Afghanistan rằng đền thờ của họ được coi là các mục tiêu để bị tấn công.
Giáo sĩ Hồi giáo Shia cao cấp nhất ở Gardez, Syed Sufi Gardezi, ước lượng số người chết có thể lên tới 30 người. Giáo sĩ Gardezi miêu tả cảnh tượng kinh hoàng và đau buồn bên ngoài đền thờ Hồi giáo Imam-e-Zaman khi tin vụ nổ loan truyền và thân nhân các nạn nhân tụ tập lại.
Giáo sĩ Gardezi nói những người bị thương kêu la để được cứu giúp giữa lúc các mảnh/ bộ phận của những xác người tung vải khắp đền thờ. Tất cả các nạn nhân đều thuộc phái nam, kể cả các trẻ nhỏ.
Một số thân nhân của các nạn nhân, phẫn nộ vì tình trạng thiếu an ninh, đã trang bị gậy gộc, súng kéo tới hành hung nhiều người, cả những nhân viên y tế đã chạy đến hiện trường để giúp những người bị thương.
Bác sĩ Mohammad Wali Roshan
Nói chuyện với hãng tin AP qua điện thoại, bác sĩ Mohammad Wali Roshan làm tại một bệnh viện địa phương, cho biết một số thân nhân của các nạn nhân, phẫn nộ vì tình trạng thiếu an ninh, đã trang bị gậy gộc và súng và hành hung nhiều người, ngay cả những nhân viên y tế đã chạy đến hiện trường để giúp những người bị thương.
Giáo sĩ Gardezi quy lỗi cho một nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Ông cho biết quân Taliban hiện diện trong khu vực nhưng chưa bao giờ đe dọa, hay tấn công người Shia trong quá khứ.
Trong hai năm qua, IS đã tấn công 24 trung tâm văn hóa, đền Hồi giáo và trường học Shia, theo Mohammad Jawad Ghawary, một thành viên của hội đồng giáo sĩ Shia. Ông kêu gọi chính phủ Afghanistan và cộng đồng quốc tế hãy làm nhiều hơn để bảo vệ người Shia.
https://www.voatiengviet.com/a/tan-cong-tu-sat-tai-den-tho-shia-afghanistan-29-nguoi-chet/4512436.html

Nga bố trí quân cảnh tại vùng cao nguyên Golan Heights

Damacus, Syria.- Hôm Thứ Năm 2 tháng 8, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Nga sẽ bố trí quân cảnh của nước này tại biên giới Golan Heights giữa Syria và Israel, sau nhiều tuần bất ổn tại khu vực này.
Cũng vào hôm Thứ Năm, đài phát thanh Israel cho biết quân đội nước này đã giết bảy chiến binh trong một cuộc không kích qua đêm được Syria phát động, tại một khu vực của cao nguyên Golan Heights.
Các cuộc tấn công của Tổng thống Syria al-Assad ở phía tây nam Syria, khiến Israel lo lắng rằng ông Assad có thể sẽ cho phép đồng minh Iran đóng quân gần khu vực biên giới Golan Heights. Israel luôn xem Iran và các đồng minh của Iran trong quân đội Hezbollah Shi’ite như là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hồi tháng trước, ông Netanyahu đã vận động điện Kremlin sử dụng ảnh hưởng của Nga đối với Tehran, và với chính quyền tổng thống Assad, để thuyết phục Iran giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Syria.
Hôm Thứ Năm, Ông Sergei Rudskoi, một viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng cảnh sát quân đội Nga đã bắt đầu tuần tra tại Cao nguyên Golan, và lên kế hoạch thiết lập 8 trạm quan sát trong khu vực. Ông này nói sự hiện diện của Nga góp phần hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trên Cao nguyên Golan. Hồi năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã đình chỉ hoạt động của họ tại khu vực này, vì sự an toàn của lực lượng gìn giữ hòa binh bị đe dọa. Sự hiện diện của Nga tại cao nguyên Golan chỉ là tạm thời. Khi tình hình ổn định hơn, mọi thứ sẽ được bàn giao lại cho các lực lượng chính phủ Syria.
Việc bố trí quân cảnh  của Nga cho thấy rõ mức độ ảnh hưởng của điện Kremlin đối với các cuộc xung đột ở Trung Đông. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nga-bo-tri-quan-canh-tai-vung-cao-nguyen-golan-heights/

Iran tập trận trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ

Gia Hưng
Một quan chức Mỹ hôm qua, 02/08/18, cho biết Iran hiện đang triển khai tập trận hải quân tại vùng Vịnh, sớm hơn hàng năm, bất chấp mối quan hệ căng thẳng với Washington.
Một quan chức Hoa Kỳ, xin được giấu tên, cho Reuters biết, có hơn 100 chiếc tàu lớn nhỏ đã tham cuộc tập trận. Một quan chức khác cho rằng cuộc tập trận sẽ kết thúc trong tuần này.
Thứ Tư, 01/08/18, bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ xác nhận Iran đã gia tăng hoạt động quân sự tại vùng vịnh Ba Tư, bao gồm cả eo biển Hormuz. Eo biển này có vị trí chiến lược giúp vận chuyển dầu lửa trong khu vực. Phát ngôn viên Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ tại Trung Đông Bill Urban cho biết : « Chúng tôi đang theo dõi một cách rất sát sao, và sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và tự do thương mại trên các đường biển quốc tế ».
Theo một số quan chức ẩn danh, cuộc tập trận này dường như có chủ ý gửi một thông điệp tới Mỹ vào lúc chính quyền Donald Trump đang gây áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Tehran nhưng không hề có động thái quân sự.
Israel đe dọa quân sự nếu Iran chặn lối vào Biển Đỏ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thứ Tư, 01/08/18 cảnh báo sẽ huy động quân đội nếu như Iran chặn eo biển Bab al-Mandeb. Đây là eo biển nối liền Biển Đỏ và vịnh Aden.
Thủ tướng Israel cho biết : « Nếu Iran cố chặn eo biển Bab al-Mandeb, tôi chắc chắn rằng một liên minh quốc tế sẽ quyết tâm ngăn chặn điều này, và liên minh này sẽ bao gồm cả quân đội Israel ».
Eo biển Bab al-Mandeb dài 29 km, khiến hàng trăm chiếc tàu đi qua đây trở thành mục tiêu tấn công. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính mỗi ngày có khoảng 4,8 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm từ dầu được vận chuyển qua đây kể từ năm 2016.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180803-iran-tap-tran-bat-chap-cang-thang-voi-hoa-ky

Kim Jong-un tiếp tục gửi thư cho ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 nhận thêm một lá thư từ nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tiếp theo cuộc hội đàm Mỹ-Triều về giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, Nhà Trắng loan báo hôm 2/8.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng Sáu. Khi đó họ đã công bố một thỏa thuận mà trong đó ông Kim tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa ‘không lay chuyển’. Tuy nhiên, kể từ đó đã không có tiến triển gì nhiều về vấn đề này.
“Thư từ qua lại giữa hai nhà lãnh đạo nhằm bàn tiếp về những vấn đề tại cuộc gặp ở Singapore và thúc đẩy những cam kết trong tuyên bố chung giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,” nữ phát ngôn nhân Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết trong một thông báo.
Ông Trump đã loan báo trên Twitter về lá thư này hôm thứ Năm ngày 2/8, trong đó ông cám ơn ông Kim đã hoàn trả hài cốt của các binh sỹ Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
“Tôi trông đợi được sớm gặp Ngài!” ông Trump viết trên Twitter. Tuy nhiên hiện không có kế hoạch để hai nhà lãnh đạo gặp thượng đỉnh lần thứ hai.
Ông Trump vẫn thường xuyên nói rằng thỏa thuận ông đạt được với ông Kim đã đem lại những kết quả tích cực do Bắc Triều Tiên đã duy trì đóng băng chương trình hạt nhân và thử nghiệm tên lửa và đã bắt đầu cho hồi hương hài cốt lính Mỹ.
“Tôi cho rằng mọi việc đang diễn ra rất tốt,” ông Trump phát biểu trước các ủng hộ viên ở Tampa, Florida, hôm 31/7. “Không thử nghiệm nữa. Hỏa tiễn không bay nữa. Nhưng chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.”
https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-g%E1%BB%ADi-th%C6%B0-cho-%C3%B4ng-trump/4511230.html

Trung Quốc : Một giáo sư bị bắt

khi đang trả lời phỏng vấn đài Mỹ

Thụy My
Một nhà trí thức lỗi lạc Trung Quốc thường chỉ trích chế độ đã mất tích hôm nay 03/08/2018. Giáo sư đại học về hưu Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang) đang trả lời phỏng vấn trực tiếp một đài truyền hình Mỹ thì công an bỗng ập vào nhà, và từ đó không ai liên lạc được với ông.
Giáo sư Tôn Văn Quảng, khoảng 80 tuổi, qua điện thoại đã đồng ý trả ời đài truyền hình bằng tiếng quan thoại thuộc hệ thống truyền thông VOA, thì tám công an vũ trang ập vào nhà ông ở Tế Nam (Jinan). Theo băng ghi âm được công bố hôm nay, giáo sư Tôn la lên : « Công an đã trở lại để buộc tôi im tiếng ». Trước khi đoạn ghi âm kết thúc, người ta còn nghe ông nói với công an : « Các ông vào nhà tôi bất hợp pháp ! Tôi có quyền tự do ngôn luận ! ».
Những cuộc gọi liên tục của AFP vào điện thoại di động cũng như máy bàn ở nhà giáo sư Tôn Văn Quảng đều không được hồi âm, cũng như các tin nhắn trên ứng dụng WeChat. Cơ quan an ninh Tế Nam không trả lời hãng tin Pháp.
Phát ngôn viên đài VOA, bà Bridget Serchak cho biết : « VOA theo dõi sát tình hình, và sẽ thông báo ngay cho thính giả khi nào có tin mới ».
Sự kiện này minh chứng cho nạn đàn áp các nhà đấu tranh nhân quyền và những tiếng nói ly khai ngày càng tăng lên từ khi Tập Cận Bình nắm quyền. Những chỉ trích dù nhẹ nhàng đối với đảng Cộng Sản đều bị kiểm duyệt và trấn áp.
Giáo sư Tôn Văn Quảng tháng trước đã viết một lá thư ngỏ cho ông Tập Cận Bình, phản đối « chính sách ngoại giao chi phiếu » của Bắc Kinh ở châu Phi, trong lúc chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chuyến công du trên lục địa đen.
Trong băng ghi âm, ông cố giải thích với các công an xuất hiện đột ngột trong nhà : « Hãy nghe những gì tôi nói, có gì sai chăng ? Người dân Trung Quốc còn nghèo, không nên đem tiền quẳng sang châu Phi ».
Vị giáo sư về hưu là một trong những nhà đấu tranh cho quyền công dân bền bỉ nhất tại Trung Quốc, bị chính quyền giám sát nghiêm ngặt. Năm 2008, ông đã ký vào bản Hiến chương 08 – bản kiến nghị đã đưa Lưu Hiểu Ba vào tù trước khi nhận được giải Nobel hòa bình. Năm 2009, giáo sư Tôn Văn Quảng bị đánh đập tàn nhẫn khi định ra khỏi nhà dự lễ tưởng niệm ngày mất của cố tổng bí thư cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), người đã phản đối vụ đàn áp Thiên An Môn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180803-trung-quoc-mot-giao-su-bi-bat-khi-dang-tra-loi-phong-van-dai-my

Trung Quốc đã tính toán sai lầm

trong cuộc chiến thương mại với Mỹ ?

Mai Vân
Ngày 01/08/2018, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chính thức loan báo việc tổng thống Donald Trump ra lệnh xem xét khả năng đánh thuế 25% lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, thay vì 10% như từng đề xuất lúc ban đầu. Đây mới chỉ là một lời đe dọa vì các sắc thuế mới, nếu được quyết định, sẽ chỉ có hiệu lực vào tháng 9 tới đây mà thôi. Tuy vậy, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng cảnh cáo là sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch “bắt bí” Trung Quốc.
Chính quyền Donald Trump như vậy đã bắn đi tín hiệu là họ sẵn sàng leo thang mạnh mẽ trong cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc, đã mở màn tháng 07 vừa qua với khối lượng khoảng 74 tỷ đô la hàng hóa của cả hai bên bị áp thuế quan.
Điều mà giới quan sát ghi nhận là thế bị động hiện nay của Trung Quốc, chỉ biết ăn miếng trả miếng trước các đòn tấn công của Mỹ, chứ chưa thấy có những biện pháp đối phó mạch lạc, có tính toán kỹ lưỡng như thường thấy trước đây. Bắc Kinh cũng có vẻ bị cô lập trong cuộc chiến thương mại, không lôi kéo được các thế lực kinh tế khác cùng chung sức chống Mỹ, mặc dù quyết định đánh thuế của ông Trump không chỉ nhắm vào một mình Trung Quốc, mà còn nhắm vào cả Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, hay một số nước khác.
Nhật báo Hồng Kông, The South China Morning Post, trong số ghi ngày 30/07/2018, đã đăng tải một bài phân tích của chuyên gia Trương Lâm (Zhang Lin),thuộc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thiên Tắc (Unirule Institute of Economics) tại Bắc Kinh, đã không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đã phạm phải « Hai sai lầm lớn » trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Washington : Đó là đánh giá sai lạc về cả tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn liên minh Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu.
Đối với Trương Lâm, vì các sai lầm đó, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt, một cái giá mà tác giả gói trong khái niệm « Bẫy thu nhập trung bình – Middle income trap », một khái niệm của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI, mô tả tình trạng một nền kinh tế thu nhập trung bình bị đình đốn và không còn khả năng vực dậy sau đó.
Bắc Kinh đã đánh giá sai về tổng thống Mỹ như thế nào ?
Về tổng thống Mỹ, chuyên gia Trương Lâm cho rằng sai lầm cơ bản của Bắc Kinh là quá coi thường ông Donald Trump, cho rằng các lời đe dọa đánh thuế hàng Trung Quốc mà ông đưa ra chỉ là đòn gió, nhằm đánh lừa đối phương mà thôi.
Theo tác giả, chính quyền Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng tổng thống Donald Trump chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là đòn phô trương thanh thế bề ngoài trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà thôi.
Bắc Kinh đã quên là trong thực tế, trong bản Chiến Lược Quốc Phòng công bố trước khi căng thẳng thương mại leo thang, Washington đã xác định rằng họ không thể chấp nhận các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc như hiện nay. Thông điệp được đưa ra là Bắc Kinh sẽ không thể vừa kiếm tiền từ Mỹ vừa thách đố Washington.
Trên vấn đề sai lầm trong đánh giá nói trên, hôm 27/07, báo South China Morning Post đã có một bài phân tích dài giải thích vì sao Trung Quốc lại bị bất ngờ trước các động thái quyết đoán về thương mại của tổng thống Donald Trump, đồng thời nêu bật sự thiếu nhạy bén của Bắc Kinh, quá coi thường tâm lý bài Trung Quốc đang dâng cao trong giới ưu tú tại Mỹ.
Đối với nhật báo Hồng Kông, sự kiện chính quyền Trung Quốc siết chặt quyền kiểm soát trên các think tank, tức là các cơ quan tham vấn, và việc đẩy mạnh chiến dịch chống lãng phí có dấu hiệu là đã tác hại đến cách thức giới lãnh đạo Trung Quốc xử lý các vấn đề đối ngoại – và làm suy yếu sự hiểu biết của Bắc Kinh về chính trị Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump.
Một cựu cố vấn về chính sách Mỹ, xin giấu tên, đã cho rằng cả giới lãnh đạo lẫn các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều không thấy được là tâm lý chống Trung Quốc ở Mỹ đã lên cao như thế nào, mà chỉ cho rằng tổng thống Mỹ chỉ tung đòn gió để tìm thắng lợi cho phe ông nhân cuộc bầu cử giữa kỳ, và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó.
Đối với nhà quan sát này, thì cái nhìn trên hoàn toàn sai lạc, và Bắc Kinh hoàn toàn hiểu lầm về tình hình. Nguyên nhân, theo ông, đến từ việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã tự cô lập mình nhiều hơn, trong lúc không một ai trong nước dám nói với giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ đang sai.
Nhiều nguồn tin ngay tại Trung Quốc và một sô quan sát viên đã xác nhận với tờ South China Morning Post rằng chính sách mà Bắc Kinh đang áp dụng nhằm củng cố quyền lực của đảng Cộng Sản, đã khiến cho các cố vấn chính sách Trung Quốc tránh thảo luận sâu với các đối tác Mỹ, điều có thể giúp họ hiểu rõ hơn về tư duy mới nhất ở Washington. Chính sách đó cũng làm cho họ ngần ngại, không dám nói lên suy nghĩ của mình.
Chính sự thiếu vắng thông tin đó đã khiến cho Bắc Kinh không ra được một chiến lược toàn diện để đối phó với chính quyền Trump, ít nhất là trên mặt trận thương mại, tại một thời điểm mà quan hệ hai bên đang rất căng thẳng.
Bắc Kinh ngộ nhận về quan hệ đồng minh Mỹ-Liên Âu
Theo chuyên gia Trương Lâm, sai lầm lớn thứ hai mà Trung Quốc đã phạm phải là không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, và đã hy vọng một cách thiếu thực tế rằng có thể hình thành liên minh thương mại với Châu Âu để đối phó với Washington.
Ông Trương Lâm thẩm định : Dù quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều bất đồng – như việc Anh, Pháp và Đức đều tham gia Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp phản đối từ Mỹ – nhưng nhìn chung, các nước phương Tây đều cùng chia sẻ một số giá trị chung cốt lõi.
Tuyên bố mới nhất về thương mại giữa Mỹ và Liên Âu EU đã gửi thêm một thông điệp đến Bắc Kinh, cho biết là Washington và Bruxelles sẽ « làm việc chặt chẽ với nhau, cũng như với các đối tác cùng chí hướng » để giải quyết một loạt vấn đề như « đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, tình trạng thị trường bị các công ty nhà nước bóp méo, và tình trạng sản xuất dư thừa ».
Đối với ông Trương Lâm, chẳng khó chút nào khi trả lời cho câu hỏi là Trung Quốc có nằm trong số các “đối tác cùng chí hướng” nói trên hay không.
Vì những sai lầm trên đây, Bắc Kinh đã bị đẩy vào một cuộc đọ sức thương mại với cường quốc kinh tế số một thế giới hiện nay, với hệ quả là “thời đại vàng son của ngành xuất khẩu” Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO năm 2001 được cho là đang trên đà cáo chung.
Một tín hiệu đáng ngại cho Bắc Kinh : Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, công bố hôm 31/07 vừa qua, hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm đi rõ rệt, giá cả tăng lên, cho thấy là căng thẳng thương mại với Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Rơi vào cái « bẫy thu nhập trung bình »
Chuyên gia Trương Lâm đánh gía là  ngoại thương giảm sụt – hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ – có thể tác hại sâu đậm bất ngờ đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí đẩy Trung Quốc rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình, một khái niệm lần đầu tiên được Ngân Hàng Thế Giới đưa ra vào năm 2006 để chỉ một nền kinh tế thu nhập trung bình trì trệ và không thể khôi phục đà phát triển cao hơn.
Đối với ông Trương Lâm, « Phép mầu kinh tế » của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua dựa vào hai yếu tố: Một là một khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho nền kinh tế tư nhân sinh động, bên cạnh đó là tiến trình hội nhập của kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.
Từ năm 1978, khi Trung Quốc cải cách và mở cửa theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc đã trải qua 4 chu kỳ tăng trưởng. Lẽ ra, kinh tế nước này có thể được hưởng một chu kỳ tăng trưởng thứ năm, nếu tiếp tục tự do hóa nền kinh tế trong nước, và mở rộng thêm cửa ra nước ngoài. Điều đó tuy nhiên đã không xẩy ra, và từ năm 2013 đến nay kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại
Trong mô hình phát triển kinh tế hiện nay, với nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp nhà nước lấn lướt trong khi khối tư nhân lùi bước, làm cho một trong hai trụ cột tăng trưởng bị phá hủy. Cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu làm lung lay trụ cột còn lại. Kết quả là cả hai trụ cột tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đều lỏng lẻo, đe dọa đến triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Nếu Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, và thậm chí Nhật Bản, hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, Bắc Kinh sẽ càng bị khó khăn trong việc phục hồi đà tăng trưởng…
Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình hình bằng cách đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bổ nhiệm phó Thủ tướng Lưu Hạc – người đã có những bước đi táo bạo để cải tổ khu vực kinh tế nhà nước gần đây – lãnh đạo một cơ quan cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Trương Lâm, rõ ràng là Trung Quốc phải nhanh chóng hành động, và không được phép có thêm sai lầm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180803-trung-quoc-da-tinh-toan-sai-lam-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-ok

Ngoại trưởng Mỹ ghé Malaysia

trước lúc đến Singapore dự các hội nghị ASEAN

Gia Hưng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tối qua, 02/08/18, đã ghé Malaysia, chặng đầu vòng công dụ Đông Nam Á kéo dài 4 ngày nhằm quảng bá sáng kiến đầu tư của Mỹ trong vùng, đồng thời tham gia các hội nghị cấp ngoại trưởng của khối ASEAN tại Singapore.
Theo Reuters, ông Pompeo đã gặp mặt tân thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vào sáng hôm nay, 03/08/18. Ngoại trưởng Mỹ là quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ đến thăm tân thủ tướng Malaysia kể từ khi ông tái đắc cử.
Theo lời của một quan chức cao cấp trong đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tới châu Á, chương trình nghị sự của ông Pompeo chủ yếu tập trung vào quan hệ song phương đã được cải thiện giữa hai nước. Ngoài ra, đây cũng là dịp để hai bên trao đổi về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington, cũng như về chủ trương xây dựng một khu vực « minh bạch, mở và vận hành trên cơ sở luật pháp ».
Hoa Kỳ không có ý định gặp mặt đại diện Iran tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN
Sau những cuộc tiếp xúc tại Malaysia, ngoại trưởng Mike Pompeo đã tới Singapore để tham dự một số cuộc họp trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 51 đã khai mạc vào hôm qua, 02/08. Quan trọng nhất sẽ là hai cuộc họp vào ngày mai của Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF, và hội nghị ngoại trưởng các nước trong khối Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á
Nhân Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN tại Singapore, ngày hôm qua, Iran đã chính thức được kết nạp vào khối Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác tại Đông Nam Á (TAC), với sự tham dự của ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Theo hãng tin nhà nước Iran IRNA, việc kết nạp Iran được sự đồng thuận của toàn bộ các nước ĐNÁ, đồng thời thể hiện tầm quan trọng và ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực và trên trường quốc tế.
Vào lúc quan hệ với Iran đang căng thẳng, ngoại trưởng Mỹ sẽ không gặp mặt đồng nhiệm Iran tại Singapore. Thông tin này được một quan chức cấp cao thuộc bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết vào ngày thứ Ba, 01/03/18. Ông cho biết thêm : « Iran không phải là thành viên của bất kỳ cuộc họp mặt song phương nào nên không có kế hoạch đàm phán gì với Iran », « các vấn đề có liên quan đến Iran khủng bố và việc khủng bố gia tăng nhanh sẽ được bàn bạc tại một số buổi họp ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180803-ngoai-truong-my-bat-dau-chuyen-cong-du-chau-a-khoi-diem-la-malaysia

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.