Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 03/08/2018

Friday, August 3, 2018 6:38:00 PM // ,


Tin Biển Đông – 03/08/2018

TQ, ASEAN lần đầu diễn tập cứu hộ

giữa lúc có những tranh chấp

Hải quân của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã tổ chức cuộc diễn tập mô phỏng trên máy tính đầu tiên để có thể cùng nhau ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, đồng thời xây dựng lòng tin trong bối cảnh còn tồn tại các cuộc tranh chấp trên Biển Đông vẫn kéo dài bấy lâu nay.
Cuộc diễn tập hai ngày đã kết thúc hôm 3/8 với sự tham gia của hơn 40 thủy thủ đến từ Trung Quốc và 10 nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á. Những người tham gia hợp tác với nhau trong các tình huống tìm kiếm và cứu nạn sau một vụ va chạm tàu giả định.
Hải quân Singapore đăng cai cuộc diễn tập này tại một trung tâm huấn luyện thuộc căn cứ hải quân Changi, ở đó, các sĩ quan điều phối việc triển khai lực lượng và điều khiển máy bay trực thăng hạ cánh trên các tàu hải quân. Họ theo dõi các diễn biến trên ba màn hình lớn, trong đó có một màn hình cho thấy vị trí va chạm giữa một tàu chở dầu, được cho là đã bốc cháy, và một chiếc tàu chở khách bị chìm làm cho nhiều người trôi dạt trên biển.
Theo lời Đại tá Lim Yu Chuan thuộc hải quân Singapore, cuộc diễn tập này là phần mở màn thành công cho cuộc diễn tập thực tế trên biển được lên kế hoạch diễn ra trong tháng 10 năm nay ở Trung Quốc.
Hạm trưởng Liang Zhijia thuộc hải quân Trung Quốc nói với các phóng viên: “Cuộc diễn tập này có lợi cho việc thúc đẩy giao lưu quân sự và hợp tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, thúc đẩy lòng tin lẫn nhau giữa chúng tôi”.
Ban tổ chức không liên kết trực tiếp cuộc diễn tập với các tranh chấp lãnh thổ đã leo thang sau khi Trung Quốc bồi đắp 7 bãi cạn trong vòng tranh chấp thành các đảo nhân tạo, 3 trong số đó có đường băng. Hiện các hòn đảo nhân tạo này không khác mấy các căn cứ quân sự với những tòa nhà và vũ khí, kể cả tên lửa đất đối không, làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, các thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực tranh chấp. Trong cuộc đối đầu đẫm máu nhất, Trung Quốc đã đụng độ với các lực lượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974, khiến 74 quân nhân miền Nam Việt Nam thiệt mạng. Một cuộc đụng độ khác xảy ra vào năm 1988 tại quần đảo Trường Sa, vùng có nhiều tranh chấp nhất ở Biển Đông, đã khiến hơn 60 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng.

VN hợp tác Nhật Bản khai thác khí ở Biển Đông

Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam cho biết vừa ký một thỏa thuận với hai công ty bán khí đốt của Nhật Bản để khai thác dầu khí ở Biển Đông.Theo Reuters, Việt Nam đang rất nỗ lực để duy trì sản lượng dầu thô và khí đốt trong bối cảnh lượng sản xuất giảm và áp lực liên tục từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới nhiều dự án khai thác.
“Sự phát triển của dự án rất quan trọng kể từ khi hoạt động thăm dò và sản xuất đã chậm lại trong những năm gần đây do căng thẳng ở Biển Đông, cuộc chiến chống tham nhũng và việc giá dầu thô liên tục giảm,” một quan chức của PetroVietnam từ chối nêu tên, nói với Reuters.
Hiệp định mua bán khí đốt, ký kết tại Hà Nội hôm thứ Ba, sẽ “đóng góp đáng kể để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước” PetroVietnam cho biết trong một tuyên bố.
Từ hồi tháng Tư PetroVietnam cho biết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng các hoạt động thăm dò và khai thác ngoài khơi trong năm nay.
Hồi tháng 3, PetroVietnam đã phải dừng dự án dầu ngoài khơi với hãng Repsol của Tây Ban Nga vì áp lực của Trung Quốc.
Đến tháng 5, đơn vị khai thác dầu của Nga, Rosneft cũng lo ngại hoạt động khoan dầu sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu.
Greg Poling, chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế của Washington thì cho rằng hai lô này (màu vàng) nằm ngay trong đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Ông cũng nói thêm rằng hai lô này nằm không xa lô 06-1 (đỏ) và 07/07 và 136/03 (xanh) của Rosneft.
Trong một tweet khác, ông cho rằng bản đồ của PVN có thể đã sử dụng phiên bản trước 2009. Phiên bản mới hơn sẽ có thấy hai lô 05-1b và 05-1c nằm trong vùng 9 đoạn.
Đường chín vạch hình chữ U của Trung Quốc đánh dấu một dải rộng lớn ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả khu vực thuộc vùng Kinh tế Đặc quyền của Việt Nam.
Mỏ khí Sao Vàng-Đại Nguyệt nằm ở Lô 05-1b và 05-1c cách 300km về phía Đông Nam bờ biển của Việt Nam, có 43.08 % cổ phần thuộc sở hữu của Idemitsu Kosan, 36,92% của Teikoku Oil Co. và 20% được sở hữu bởi PetroVietnam, theo tuyên bố của PetroVietnam.
Theo Reuters, lô Sao Vàng-Đại Nguyệt chưa từng bị Bắc Kinh thách thức chủ quyền, tuy nhiên Lô 05-1b và 05-1c nằm trong vùng đường 9 đoạn của Trung Quốc.
PetroVietnam cho biết thỏa thuận ký kết hôm Thứ Ba sẽ khởi đầu cho dự án sản xuất khí đốt cho quý thứ 3 của 2020.
Sản lượng dầu thô của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với năm ngoái xuống còn 7,16 triệu tấn, số liệu của chính phủ công bố hôm Chủ nhật cho thấy.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.