Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 25/06/2018

Monday, June 25, 2018 6:37:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 25/06/2018

Nguyễn Minh Kha trình diện công an Bình Thuận

Anh Nguyễn Minh Kha, người bị chính quyền Bình Thuận khởi tố với cáo buộc gây rối, huỷ hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong cuộc biểu tình ngày 10/6 và 11/6, vừa ra trình diện công an Bình Thuận hôm 25 tháng 6.
Thượng tá Trần Long Khánh, trưởng công an huyện Tuy Phong, Bình Thuận cho báo chí biết sáng hôm nay.
Theo ông Khánh, cơ quan cảnh sát điều tra đang lấy lời khai của Nguyễn Minh Kha và hiện Kha vẫn được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo Thượng tá Trần Long Khánh, Kha khai nhận đã trốn vào TPHCM ở nhà người thân, sau đó đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Phạm Ngọc Thạch để khám sức khỏe. Ông Long cũng cho biết kết quả khám bệnh là Kha bị viêm phế quản.
Chúng tôi đã nhiều cố gắng liên lạc với gia đình Anh Nguyễn Minh Kha, nhưng mọi số điện thoại người thân Anh Kha đều không thể liên lạc được.
Công an tỉnh Bình Thuận ngày 21 tháng 6 phát lệnh truy bắt anh Nguyễn Minh Kha, người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 và 11/6 để phản đối dự luật Đặc khu cho người nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.
Công an Bình Thuận được truyền thông trong nước trích lời cho biết anh Nguyễn Minh Kha và người nhà khi trả lời đài nước ngoài đã vu cáo bị lực lượng chức năng đánh trọng  thương và đang phải cấp cứu. Công an đưa ra một bản chụp X- quang của bệnh viện trước đó, nói rằng anh Kha không bị tổn thương.
Tuy nhiên, bản thân Nguyễn Minh Kha, bà ngoại và mẹ của anh Nguyễn Minh Kha trong các cuộc phỏng vấn trước đó với với Đài Á Châu Tự Do đều khẳng định rằng công an đã đánh anh Nguyễn Minh Kha bị thương nặng, ho ra máu. Mẹ của Kha hôm 21/6 còn nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, công an địa phương đã vu khống Kha đang trốn truy nã.
Tính đến ngày 25/6, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố và bắt giam tổng cộng 34 người (bao gồm Nguyễn Minh Kha) với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong cuộc biểu tình ngày 10/6 và 11/6 vừa qua.

Cá nuôi chết hàng loạt

tại khu vực gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận vào ngày 25 tháng 6 cho biết  xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, từ ngày 15 tháng 6 tới nay hiện tượng các chết bất thường tại khu vực nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong cách trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 1 km và cách bờ biển khoảng 1,2 km.
Cũng theo báo cáo, hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực này chủ yếu là cá nhỏ dưới 50 ngày tuổi với số lượng bị chết từ 10% đến 20% mỗi hộ. Đặc biệt có một hộ nuôi cá bị chết hoàn toàn với hơn 2000 con.
Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận cho hay đang tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt và bất thường tại khu vực này. Được biết, cơ quan chức này đã đo một số chỉ tiêu về hàm lượng trong nước tại nơi xảy ra cá chết cho rằng mọi chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành thu thập các mẫu nước, mẫu cá, thức ăn và nguồn con giống mang đi kiểm nghiệm và báo cáo kết quả chậm nhất vào ngày 27 tháng 6.

VN làm gì với du khách ’0 đồng’ từ TQ?

Một nhà tư vấn nhắc lại vụ du khách Trung Quốc mặt áo T-shirt có đường Lưỡi bò để lên vấn đề hơn thiệt về kinh tế của luồng du khách Trung Quốc tới Việt Nam.
Viết trên trang eastasiaforum.org (23/06/2018), ông Gary Sands từ Wikistrat và cũng là một giám đốc của quỹ đầu tư Highway West Capital Advisors cho rằng Việt Nam chắc muốn để vụ áo T-shirt có hình lưỡi bò xảy ra hồi tháng 5 ‘chìm xuồng’ đi.
Vấn đề tiếp theo và có vẻ lâu dài hơn là du khách Trung Quốc đem lại lợi ích thế nào cho Việt Nam.
Xu hướng chung và hiện tượng riêng
Theo một bài trên tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản (01/05/2018) trích dẫn số liệu từ Tổ chức du lịch thế giới LHQ nói du khách Trung Quốc chi tiêu 258 tỷ USD chỉ trong năm 2017.
Cùng thời gian, có tới 130,5 triệu du khách Trung Quốc đi ra nước ngoái, tăng ba lần so với một thập niên trước.
Điều này mang lại lợi nhuận cho kinh tế nhiều nước nhưng cũng gây ra vấn đề môi trường.
Vẫn trang báo này cho hay một thống kê của hãng Nielsen nói tính trung bình, một du khách Trung Quốc chi 3 nghìn USD ở Hàn Quốc, 2 nghìn 971 USD ở Singapore và 2 nghìn 952 USD ở Nhật Bản.
Nhưng ở Việt Nam, vấn đề hiện nay là có dòng du khách Trung Quốc chi tiêu ‘không đồng’ (zero-dollar).
Theo ông Gary Sand, du khách Trung Quốc nay chiếm gần một phần ba số khách nước ngoài đến Việt Nam.
Biên phòng cần hạn chế số du khách Trung Quốc đi các tour ‘không đô la’, và diệt trừ các hãng tổ chức tour trái phépGary Sands
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018 có 1,38 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm 2017, bài viết cho hay.
Nhưng “thu nhập từ dòng du khách Trung Quốc đóng góp vào kinh tế Việt Nam đang bị đặt câu hỏi”.
“Nhiều người Trung Quốc đi các tour trả tiền trước, còn gọi là ‘không đô la’ vốn đưa họ tới các khách sạn, nhà hàng Trung Quốc. Du khách dùng đồng nhân dân tệ, các ứng dụng điện thoại thanh toán và các máy bán hàng không phép khi trả tiền để trốn thuế với Sở thuế ở Việt Nam”, Gary Sands viết.
Trang Dân Trí (16/05/2018) ghi nhận ý kiến chuyên gia về hiện tượng này.
Ông Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được báo này trích lời nói về nhóm du khách Trung Quốc chi tiêu thấp, sang Việt Nam bằng đường bộ:
“…tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nha Trang… xuất hiện hàng loạt các tour 0 đồng, các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc. Điều này đã làm méo mó hình ảnh du lịch Việt và không mang lại nguồn thu đáng kể.
Bởi lẽ, du khách đến các nơi mua sắm đã được thỏa thuận trước, số tiền sau đó lại quay về Trung Quốc hoặc rơi vào tay các đối tác người Trung Quốc.”
Trang báo Nhật cũng trích lời một người dân ở Quảng Ninh, Việt Nam, than phiền về cảm giác “như ở Trung Quốc, vì số lượng đông đảo du khách, biển hiệu tiếng Trung”.
Báo này nói chỉ một ngày trung bình có 10 nghìn du khách Trung Quốc tới Quảng Ninh thăm Vịnh Hạ Long và trong ba tháng đầu năm 2017, 70% số khách đi tour trên 600 thuyền có giấy phép tại đây là người Trung Quốc.
Nay, ông Gary Sands cho rằng Việt Nam cần “làm mạnh hơn, quản lý chặt hơn, và Cơ quan Biên phòng cần hạn chế số du khách Trung Quốc đi các tour ‘không đô la’, và diệt trừ các hãng tổ chức tour trái phép”.
Ông cũng nói, nhân vụ áo thun có hình Lưỡi bò, rằng Việt Nam cần làm mạnh hơn để nêu cao chủ quyền ở Hoàng Sa, như qua cách để Nhà Triển lãm Hoàng Sa trình bày các tài liệu từ thời cổ đại về chủ quyền của Việt Nam gần đây.
Theo ông, Việt Nam có thể học Đài Loan trong việc đánh động dư luận quốc tế để ủng hộ mình.
Gần đây, các hãng hàng không Hoa Kỳ đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc bắt họ gọi Đài Loan là Trung Quốc trên các bảng hiệu hàng không.

Tàu Trung Quốc chìm ở vùng biển Việt Nam

Một tàu chở hàng của Trung Quốc đã “bất ngờ chìm” trên vùng biển của Việt Nam.
Sự cố đối với tàu Trung Quốc chở 116 tấn thịt trâu đông lạnh xảy ra trên vùng biển Móng Cái (Quảng Ninh) hôm 23/6, theo truyền thông Việt Nam.
Báo điện tử VnExpress đưa tin rằng trước khi bị chìm, nước tràn vào khoang lái của tàu hàng của Trung Quốc có tên Quế Bắc mang số hiệu 0345.
Theo tờ Tiền Phong, ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng Hải Quan, Cảng vụ Việt Nam đã điều người và phương tiện ra ứng cứu, nhưng “do vị trí xảy ra tai nạn nằm khá xa bờ và nước tràn vào khoang lái của tàu Quế Bắc quá nhanh nên lực lượng chức năng không thể tiếp cận sớm để ứng cứu con tàu”.
Tin cho hay, một tàu khác của Trung Quốc có tên Quế Khâm đi ngang qua lúc tàu chở thịt trâu đông lạnh gặp nạn nên đã cùng với lực lượng của Việt Nam tham gia cứu hộ.
Toàn bộ thuyền viên sống sót và đã theo tàu Quế Khâm trở về Trung Quốc, theo VnExpress.
Báo chí trong nước đưa tin thêm rằng vụ tai nạn của tàu Quế Bắc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, và theo phản ánh của người dân, “hiện xung quanh vị trí tàu đắm đã xuất hiện tình trạng dầu loang”.
Trang tin Kiến Thức dẫn thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chỉ hai tiếng sau khi tàu Quế Bắc bị chìm trên vùng biển Móng Cái, một vụ tai nạn liên hoàn tại vùng biển thuộc tỉnh này đã dẫn tới một vụ tàu chìm khác.

Nỗi lo ô nhiễm do dầu loang

sau vụ chìm tàu Trung Quốc ngoài khơi VN

Một tàu hàng của Trung Quốc chở theo 117 tấn thịt trâu đông lạnh vừa bị chìm ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh vào trưa ngày 23/6.
Theo truyền thông trong nước, tàu chìm cách bờ biển Quảng Ninh khoảng 3 miles. 2 thủy thủ trên tàu đã được cứu. 520 trên tổng số 4.650 kiện hàng đã được trục vớt. Tuy nhiên dầu loang và thịt đông lạnh từ chiếc tàu chìm đang đe dọa môi trường biển của Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long nổi tiếng thu hút nhiều du khách quốc tế hàng năm.
Giới chức quản lý môi trường biển của tỉnh Quảng Ninh cho báo chí biết đã phát hiện dầu loang từ tàu và các cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp để ngặn chặn dầu loang xa. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang chờ phản hồi từ chủ và thuyền trưởng của tàu để xác định biện pháp giải quyết.
Tàu Trung Quốc có tên Quế Bắc, số hiệu 0345, được cho biết đang đi từ cảng Vạn Gia ở thành phố Móng Cái đến đảo Bạch Long của Trung Quốc thì phát hiện nước tràn vào và chìm rất nhanh.

‘Khó trách các nhà báo VN chỉ viết điều được phép’

Nhà báo Bích Vi kể với BBC về những trải nghiệm khác biệt trong quá trình 50 năm làm báo từ thời Việt Nam Cộng Hòa, cộng sản đến hải ngoại.
Hơn 15 năm trước, bút danh Bích Vi của bà khá quen thuộc với bạn đọc của các tờ Tuổi Trẻ và Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh.
Cuốn sách Nửa Thế Kỷ Làm Báo sắp phát hành ở Mỹ của bà Bích Vi (Võ Thị Hai) kể về một hành trình khá truân chuyên của một nữ nhà báo. Bà bước vào lĩnh vực truyền thông dưới thời Việt Nam Cộng Hòa không lâu thì phải trải qua 30 năm trong khu vực báo chí “lề phải” trước khi chuyển sang gần 15 năm làm báo “lề trái” ở hải ngoại.
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 25/6, bà Bích Vi nói: “Trong giai đoạn làm báo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi mới ngoài 20 tuổi, hãy còn quá trẻ, có thể nói là còn quá non nớt, thiếu kiến thức căn bản về chính trị, nghề báo của tôi khi đó có vẻ chỉ là một nghề mưu sinh.”
“Việt Nam sau năm 1975, nhà báo làm việc trong một môi trường khắc nghiệt dưới sự áp đặt của chính quyền. Các nhà báo Sài Gòn như tôi không có kinh nghiệm để sớm nhận biết điều này như các gia đình người Việt Nam gốc Bắc đã có một thời gian dài sống dưới chế độ Cộng sản.”
Điều quan trọng nhất với một người làm báo là phải cam kết giữ gìn sự trung thực và trong sáng của ngòi bút, không viết sai sự thật, luôn bảo vệ lẽ phải, và chống mọi hiện tượng bất công xã hội.nhà báo Bích Vi
“Chừng 5 năm sau đó, tôi mới xác tín được một thực tế phũ phàng: Báo chí không được coi là loại quyền lực thứ tư, như tại các quốc gia theo thể chế tam quyền phân lập bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp. Quyền sinh sát tối cao nằm trong tay đảng Cộng sản.
Đảng làm hết và quyết định hết mọi việc. Đảng chọn người đưa vào quốc hội, hầu hết đại biểu quốc hội là đảng viên, nhất nhất phải làm theo ý đảng, mà Đảng ở đây là một nhóm cán bộ lãnh đạo nằm trong bộ Chính trị.”
“Đây là giai đoạn mà tôi đối diện với quá nhiều khó khăn và thử thách để tồn tại với tư cách của một người làm báo. Tôi tiếc đã không nhận ra điều này sớm hơn để có thể tìm kiếm con đường ít chông gai hơn, ít đau khổ cho đời mình, để không lãng phí tuổi thanh xuân.”
“Tôi còn điều tiếc rẻ thứ hai trong giai đoạn làm báo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1970-1975 là không biết đi tìm một người thầy dẫn dắt để giúp mình trở thành một ký giả giỏi nghề.”
‘Khác nhau nhiều lắm’
Bà Bích Vi chia sẻ: “Tính chất của giai đoạn làm việc suốt 30 năm trong khu vực báo chí “lề phải” so với gần 15 năm làm báo “lề trái” khác nhau nhiều lắm. Theo tôi, nhà báo làm việc với các báo “lề phải” chỉ cần ngoan hiền, dễ dạy, không biết bất bình, không biết bất mãn, bỏ ra ngoài tai mọi điều mà họ thấy là trái tai gai mắt, cả những điều được gọi là phục vụ tha nhân, nhân quần, xã hội.”
“Họ chạy theo lối sống hưởng thụ, vun đắp vật chất tiền tài cho mình và gia đình mình. Bằng chứng là nhà báo “lề phải” không cần viết đúng chính tả, không cần có kiến thức, không cần cả lương tâm chức nghiệp vẫn làm báo được.”
“Trái lại, muốn thành công khi làm việc tại các báo “lề trái”, người làm báo phải thật giỏi, giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, kiến thức phải hết sức phong phú, dồi dào. Người đọc quyết định số phận của nhà báo tại các báo “lề trái”, trong khi ở khu vực “lề phải”, người quyết định số phận của người làm báo lại là cán bộ lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền.”
“Sau 15 năm rời quê hương sang làm việc cho các tờ báo tiếng Việt ở bang California, Mỹ, tôi nhận ra sự nhạt nhẽo trong nội dung báo chí ở Việt Nam. Dường như các tờ báo ở quê nhà không còn cái để đọc. Hình ảnh, tít tựa giống khẩu hiệu, nội dung thì nghèo nàn và tràn ngập loại tin địa phương “cướp giết hiếp” mà tôi đã làm trước năm 1975.”
“Hồi đó, loại tin này chỉ chiếm một góc nhỏ chừng 1/16 trang. Còn bây giờ, loại tin này tràn ngập khắp các trang báo. Có vẻ các tòa soạn thiếu các bài chính luận về tình hình thời sự, cả các loại phóng sự. Thông tin thì một chiều, không có chiều ngược lại.”
“Dường như các tờ báo không được phép phê phán, chỉ trích một cá nhân, một tổ chức – kể cả tổ chức công quyền khi họ làm sai. Đó là điều không thể chấp nhận được, nếu muốn cho xã hội đó tốt đẹp hơn.”
Bà nói thêm: “Khó mà trách các nhà báo ở trong nước hiện nay. Họ chỉ viết được điều có thể viết và được phép viết. Lâu ngày, sự sáng tạo ở nhà báo tại Việt Nam bị tàn lụi, động lực nghiên cứu và ý chí làm giàu kiến thức của một nhà báo bị thui chột. Khi không còn là một nhà báo tự do thì việc họ biến thành một bồi bút là lẽ tất nhiên.”
Nhận định về làng báo hải ngoại, bà Bích Vi nói:
“Theo như tôi thấy, các tổ chức truyền thông từ báo giấy, cho đến đài phát thanh và truyền hình của cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ hiện nay muôn màu muôn vẻ, có đài mạnh, có đài yếu, và hầu như tất cả đều bị tác động bởi hoạt động tài chính.”
“Nghĩa là doanh thu quảng cáo quyết định sức mạnh của tờ báo. Có tờ báo coi lý tưởng tranh đấu cho dân chủ, tự do của người dân Việt ở trong nước hiện nay là mục đích hoạt động, có tờ vẫn còn chống Cộng gay gắt.
Nhưng ưu điểm bao trùm của báo chí tiếng Việt ở hải ngoại là thái độ tôn trọng và theo đuổi tính chất trung thực khách quan của một tổ chức truyền thông.”
Bà Bích Vi chia sẻ thêm:
“Cách nay hai năm, tôi muốn làm chủ một tạp chí quy tụ nhiều anh chị em có tâm, có nghề để tranh đấu cho hạnh phúc và nữ quyền, nhưng không thành công. Bây giờ thì điều mơ ước đó càng khó đạt vì tôi không còn trẻ và cũng không đủ sức khỏe.”
Khi được hỏi liệu có lo ngại mình có khả năng bị “cấm về Việt Nam” sau cuốn sách tiết lộ nhiều mặt trái của làng báo ‘lề phải”, bà Bích Vi đáp:
“Về thăm Việt Nam, thăm lại thầy cô giáo cũ, bạn bè và thân bằng quyến thuộc ở Việt Nam luôn luôn là điều mong muốn của tôi.”
“Tuy vậy, nếu như tôi có thể bị ghép vào tội chống nhà nước, chống Đảng, bị cấm về thăm nhà vì phát hành cuốn sách này thì thà tôi không về còn hơn.”

Bắc VN: Nhiều người thương vong do mưa lũ

Số người chết và mất tích tiếp tục tăng lên sau khi cơn lũ quét kéo qua các tỉnh miền núi Bắc Việt Nam hôm 24/6.
Đến 9:00 ngày 25/6, đã có ít nhất bảy người thiệt mạng, 12 người mất tích và năm người bị thương, theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Nạn nhân chủ yếu tập trung tại hai địa phương Lai Châu và Hà Giang.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết: “Phần lớn các trường hợp bị thiệt mạng ở trên lồng bè nuôi thuỷ sản, lán nương,” theo Zing.vn.
Ông Sơn cũng cho hay đây mới chỉ là đợt mưa đầu mùa.
Lũ lớn, sạt lở đất khiến 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; hơn 260 ngôi nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp và 525 nhà bị ngập nước.
Tại Lai Châu, nhiều tuyến đường chưa thể lưu thông. Nhiều hộ dân hiện đang bị cô lập đang được chính quyền tiếp tế bằng mì tôm và nước uống.
Tại Hà Giang, hơn 400 hộ dân bị cô lập. Nhiều đường giao thông bị chia cắt. Nhiều khu vực tại Hà Giang bị cô lập hoàn toàn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi dụ báo mới nhất cho hay vùng núi phía Bắc Việt Nam sẽ tiếp tục có mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét.
Tối 24/6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Các địa phương được yêu cầu hỗ trợ lương thực, thực phẩm, chỗ ở cho người dân và tiếp tục tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị xét xử

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cùng 4 bị cáo khác là các cựu quan chức ngân hàng đã ra hầu tòa trong phiên xử sơ thẩm tại Tòa Án Nhân Dân TP HCM vào ngày 25 tháng 6. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 5 ngày.
Ông Đặng Thanh Bình và các ông Hà Tấn Phước, Phạm Thế Tuân, Lê Văn Thanh, Ngô Văn Thanh bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Xây Dựng VNCB (nay là CB.)
Cụ thể vào tháng 8 năm 2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp thuận. Ông Bình tiếp theo đã lập tổ giám sát hoạt động VNCB do mình làm tổ trưởng, quyết định để ông Danh điều hành và liên tiếp rút tiền của VNCB.
Vụ án Ngân hàng Xây dựng VNCB đã gây thiệt hại 15 ngàn tỷ đồng và buộc Ngân Hàng Nhà Nước phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.
Ông Đặng Thanh Bình và các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại số tiền trên vì đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB như đã trình thủ tướng.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã tiến hành xét xử một loạt các quan chức ngành Ngân hàng với các cáo buộc tham nhũng và biển thủ.
Đáng chú ý là vào tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) bị án tử hình và ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank bị án tù chung thân vì đã cấu kết với các cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí quốc gia làm thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng.
Cũng liên quan, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng thương mại cổ phẩn Sài Gòn Thương tín- Sacombank và ông Phan Huy Khang, nguyên thành viên Tổng giám đốc Sacombank cùng 25 nghi can bị cáo buộc làm thất thoát 1.800 tỷ đồng trong vụ án Sacombank.

Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật 50 đảng viên cao cấp

 từ năm 2016 đến nay

Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng có 50 cán bộ cao cấp thuộc Trung ương đảng quản lý đã bị kỷ luật kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tức là từ sau Đại hội đảng toàn quốc đầu năm 2016.
Ông Phan Đình Trạc nói như vậy tại Hội nghi toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng tổ chức sáng nay 25/6 tại Hà Nội, với hơn 500 đại biểu toàn quốc.
Trong số 50 đảng viên cao cấp đó có 9 người là ủy viên trung ương đảng, một người là ủy viên Bộ chính trị bị khai trừ đảng.
Người ủy viên Bộ chính trị này là ông Đinh La Thăng, nguyên là Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Ông Thăng đã bị xử trong nhiều phiên tòa từ đầu năm 2018 đến nay với bản án tổng cộng hơn 30 năm tù giam vì những sai phạm liên quan đến tham nhũng.
Ông Phan Đình Trạc còn cho biết thêm số những vụ kỷ luật xa hơn, từ năm 2014 đến nay, Đảng Cộng sản đã kỷ luật 58.120 đảng viên, trong đó có 2.720 đảng viên phạm tội tham nhũng. Đặc biệt là có đảng viên cao cấp đã về hưu nhưng cũng bị đem ra kỷ luật.
Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc chống tham nhũng hiện nay là một cuộc chiến phức tạp chịu nhiều sức ép từ nhiều phía, và còn rất lâu dài. Ông hy vọng là sau hội nghị này việc chống tham nhũng chẳng những được duy trì mà còn được đẩy mạnh. Ông cho đó là một cuộc chiến chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệt.
Cùng ngày hôm nay, 25/6 ông Nguyễn Phú Trọng còn chủ trì một cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lao động Việt tìm công lý tại Đài Loan

sau vụ cháy chết chóc

Hầu hết các lao động Việt Nam bị thương và gia đình có người thân thiệt mạng trong hai vụ hỏa hoạn gần đây tại Đài Loan đã về nước sau khi được giới chủ trả một khoản bồi thường, nhưng gia đình của một nạn nhân người Việt đang tìm công lý tại tòa án, theo CNA.
Đó là người thân của anh Nguyễn Văn Trãi, 20 tuổi, người đã qua đời trong một vụ hỏa hoạn ở ký túc xá cùng với 5 lao động Việt khác vào tháng 12 năm ngoái. Sáu công nhân này làm việc cho công ty Sican, một nhà sản xuất phim chống nóng cửa sổ ở Quận Pingzhen, thành phố Đào Viên, Đài Loan.
Ký túc xá nằm ở tầng trên nhà kho của nhà máy và được làm bằng sắt tấm, và theo CNA, đây có thể bị coi là xây cất bất hợp pháp và đầy nguy cơ hỏa hoạn.
Ông Chang Yu-yin, luật sư đại diện pháp lý cho gia đình anh Trãi, được trích lời nói: “Chúng tôi hy vọng rằng các công tố viên sẽ lập hồ sơ vụ án để chống lại chủ công ty.
Gia đình anh Trãi đã nộp đơn kiện ông Chen Hung-ju, chủ sở hữu của công ty Sican và ông Hsieh Chao-yi, người phụ trách chi nhánh của công ty ở Pingzhen, vì tội ngộ sát theo Bộ luật Hình sự Đài Loan, và cho rằng họ coi thường sự an toàn về hỏa hoạn dẫn đến cái chết của anh Trãi.
Vụ việc đang được các công tố viên thành phố Đào Viên điều tra.
Luật sư Chang yêu cầu các công tố viên xem xét một số tài liệu có chứa thông tin nhưng đã bị các cơ quan hữu quan thu giữ. Ông cho rằng họ có thể dựa vào đó để xác định liệu ký túc xá của công ty có tuân thủ các quy tắc về xây dựng và an toàn cháy nổ hay không.
Anh Nguyễn Văn Chắc, anh trai của anh Nguyễn Văn Trãi, cho biết, anh muốn nói với thẩm phán về tình trạng người em xấu số đã bị buộc phải sống trong ký túc công ty, và buộc người chủ công ty phải có trách nhiệm và mang lại công lý cho người đã khuất.
Sau cái chết của em trai, anh Nguyễn Văn Chác, đồng thời cũng là một công nhân nhà máy ở Đài Loan, đã về nước do cha mẹ ở quê nhà rất lo lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, một linh mục người Việt tại Đài Loan, mãi đến tháng Năm vừa rồi, ký túc xá của anh Nguyễn Văn Chác mới được rời ra bên ngoài khu nhà máy.
Linh mục Hùng, người có văn phòng giúp đỡ các lao động và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, nói anh Nguyễn Văn Chắc sẽ trở lại Đài Loan để phát biểu trước tòa án quận trong một phiên xử.
Ông Liu Nien-yun thuộc Hiệp hội các nạn nhân bị tai nạn nghề nghiệp ở Đài Loan cũng đang cố gắng giúp đỡ các nạn nhân. Ông nói rằng các quan chức lao động địa phương đã đồng ý gặp gia đình nạn nhân.
Một vụ hỏa hoạn tương tự xảy ra tại ký túc ở tầng 4 của nhà máy thuộc công ty Chin Poon, một nhà sản xuất bảng mạch in ở thành phố Đào Viên, vào tháng Tư đã cướp đi sinh mạng của 6 nhân viên cứu hỏa và 2 lao động Thái Lan.
Hầu hết tất cả những người di cư – khoảng 300 người Thái Lan, Việt Nam và Philippines – sống trong ký túc xá tầm 1.322 mét vuông, đã bị chủ công ty chấm dứt hợp đồng và được cấp cho một ít tiền trợ cấp thôi việc.

TQ Giúp Tăng Tiến Sĩ Giấy VN Giá Rẻ,

Bán Bằng Tràn Ngập

HANOI — Bàn tay sắt Trung Quốc có khi chìa ra rất mềm mại…
Một độc chiêu là, chíinh doanh nghiệp Trung Quốc đã giúp tăng lượng tiến sĩ giấy Việt Nam…
Báo Đất Việt kề rằng hàng chục nghìn phôi bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng… được các công ty Trung Quốc bán cho Huỳnh Ngọc Hoàng với giá 13.000 đồng/phôi.
Ngày 15/6, VKSND Tối cao đã chuyển hồ sơ cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Ngọc Hoàng (trú tại xã Bảo Quang, Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đây là đối tượng thứ 14 nằm trong đường dây “nhập cảng”, làm giả bằng thạc sỹ, tiến sỹ do Lê Tấn Cường, trú tại TPSG cầm đầu.
Theo tài liệu điều tra, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, Cường không xin được việc làm nên đã “vận dụng” những kiến thức học được để hình thành đường dây mua bán bằng cấp giả. Thực hiện ý đồ trên, Cường rủ Huỳnh Ngọc Hoàng và một số đối tượng khác hợp tác “làm ăn”. Theo phân công, Cường chịu trách nhiệm về “công nghệ làm giả” bằng việc mua máy khắc dấu, máy in màu, máy scan, máy photo, máy ép đóng dấu…
Còn Huỳnh Ngọc Hoàng, có nhiệm vụ cung cấp các mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ. Để tìm nguồn “hàng”, Hoàng truy cập vào trang bán hàng Alibaba trên mạng Internet đặt mua các phôi bằng tiến sỹ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp…từ các công ty in ấn ở Trung Quốc với giá 13.000 đồng/1 phôi.
Báo Đất Việt kể rằng sau đó, Hoàng bán lại cho Lê Tấn Cường với giá 15.000 đồng đến 20.000 đồng/phôi để hưởng chênh lệch. Tổng cộng Hoàng đã bán cho Cường khoảng 20.000 chiếc phôi bằng, chứng chỉ, giá trị khoảng 300 triệu đồng, Hoàng được hưởng lợi tổng cộng 40 triệu đồng.
Sau khi “nhập hàng” của Hoàng, Cường và đồng bọn lập trang web để quảng cáo và đăng tin “nhận làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ” lên trang trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… với giá 5 triệu – 10 triệu đồng/bằng tuỳ theo nhu cầu của khách. Từ đó đã có nhiều người có nhu cầu mua bằng cấp giả để lừa dối các cơ quan, tổ chức đã liên hệ “đặt hàng” Cường.
Mỗi ngày đường dây của Cường bán được khoảng 20 bằng cấp, giấy tờ các loại với giá từ 1,5 đến 7 triệu đồng trong suốt khoảng thời gian từ năm 2014 đến khi bị bắt vào đầu tháng 6/2016.

Nhiều Quỹ Đầu Tư Ngoại Rủ Nhau Chạy Khỏi VN

HANOI — Một hiện tượng đáng ngại: nhiều quỹ ngoại tháo chạy khỏi Việt Nam.
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp báo động… và ghi nhận rằng một số quy định chưa rõ ràng liên quan đến hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp đã khiến nhiều nhà đầu tư ngoại ngán ngẩm.
Mới đây, một số quỹ ngoại đã thực hiện rút vốn đầu tư vì lý do lợi nhuận doanh nghiệp sau đầu tư sụt giảm hoặc bày tỏ về việc mất niềm đầu tư do một số quy định chưa rõ ràng liên quan đến hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp.
Cụ thể, đại diện quỹ đầu tư VinaCapital đã chia sẻ rằng, quỹ đầu tư này từng ghi nhận trường hợp, doanh nghiệp đã cổ phần hoá 1-2 năm, cơ quan kiểm toán nhà nước mới vào cuộc, kết luận và đề xuất truy thu một số khoản như cổ tức, thuế… mà theo vị này, đáng lẽ khi xây dựng phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, việc này đã phải được thực hiện và hoàn tất sau khi cổ phần hoá. Theo đó, điều này làm ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
“Điều này không chỉ gây bất ngờ mà còn lấy đi niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài”, vị này nhận định.
Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư khi chuẩn bị hoặc bắt tay tham gia cổ phần hoá một doanh nghiệp nhà nước vì cách thức cổ phần hoá “không giống ai”.
Câu chuyện quỹ ngoại quyết định rút vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp khi doanh nghiệp thua lỗ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với một quỹ đầu tư đã có thâm niên hoạt động tại thị trường Việt Nam và trong bối cảnh dòng vốn đầu tư FDI những tháng đầu năm 2018 đang ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì rõ ràng đây là cần chuyện cần phải chú tâm hơn.
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp viết:
“Cụ thể, tính đến tháng 5/2018, dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam đạt con số khoảng 10 tỷ USD, tương đương 81,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cả vốn đăng ký và vốn mở rộng đầu tư đều ghi nhận lần lượt chỉ đạt 83,2% và 52,6%.
Quay trở lại câu chuyện, mới đây, Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) đã quyết định rút vốn hoàn toàn đầu tư tại Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Lý do được đưa ra khiến GIC quyết định rút vốn
hoàn toàn là do lợi nhuận của Vinasun đã giảm sâu và lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 21% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, GIC đã có 4 năm hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam bằng việc rót vốn vào các định chế tài chính lớn.”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.