Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Khắp nơi

Monday, June 25, 2018 6:35:00 PM // ,

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dịu giọng

trước chuyến thăm Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm Chủ nhật, ngày 24/6 nói với báo chí trước chuyến thăm tới Bắc Kinh từ ngày 26 đến 28/6 rằng ông muốn lắng nghe Bắc Kinh và không muốn có những nhận định từ trước về những gì mà Trung Quốc sẽ nói trong cuộc gặp giữa hai bên.
Phát biểu mới này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là đã dịu đi so với những chỉ trích mà ông đã đưa ra trước đó tại Shangri-la, Singapore về việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Các vấn đề chính được hai bên bàn thảo sẽ bao gồm vấn đề giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vai trò của Trung Quốc trong quá trình này.
Hãng tin AP trích lời một giới chức Mỹ giấu tên cho biết ông Mattis sẽ sẵn sàng cho thấy lập trường của Mỹ đối với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa Biển Đông và các vấn đề liên quan nhưng ông không muốn bắt đầu những thảo luận giữa hai phía bằng các vấn đề gây khó chịu.
Hồi tháng trước, Mỹ đã không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới, để đáp trả những hành động triển khai vũ khí của Trung Quốc ra các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/mattis-focusing-on-strategic-security-issues-in-china-talks-06252018092906.html

Mỹ tính hạn chế TQ đầu tư vào ngành công nghệ cao

Bộ Tài chính Mỹ đang lập kế hoạch cấm các doanh nghiệp có ít nhất 25% vốn sở hữu của Trung Quốc không được mua lại các công ty Mỹ trong các ngành “công nghệ trọng yếu,” một viên chức chính phủ cho Reuters biết hôm 24/6.
Ý kiến của quan chức này giống với thông tin của tờ Wall Street Journal, trong đó nhấn mạnh rằng ngưỡng sở hữu của Trung Quốc có thể thay đổi trước khi công bố mức độ hạn chế đầu tư vào ngày 29/6.
Động thái này đánh dấu một sự leo thang khác trong cuộc chiến thương mại giữa Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, và Reuters cho rằng nó khuấy động thị trường tài chính và cản trở tăng trưởng toàn cầu.
Trước đó, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ đôla của Trung Quốc và quyết định này sẽ có hiệu lực vào ngày 6/7.
Bước đi này là một phần của hành động áp thuế mà Mỹ có thể thực hiện đối với tổng cộng 450 tỷ hàng hóa của Trung Quốc với lý do rằng Bắc Kinh đang chiếm đoạt công nghệ của Hoa Kỳ thông qua các quy định liên doanh và các chính sách khác.
Reuters dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng mức giới hạn đầu tư của Bộ Tài Chánh dự kiến sẽ nhắm vào các ngành then chốt, trong đó có một số ngành Trung Quốc đang cố gắng phát triển trong kế hoạch công nghiệp mang tên “ Made in China 2025.”
Trong số các mục tiêu của kế hoạch này, Trung Quốc muốn tăng cường khả năng trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, kỹ thuật hàng hải hay robot.
Tờ Wall Street Journal cũng cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng An ninh Quốc gia đang đề xuất “tăng cường” các biện pháp kiểm soát xuất khẩ để các công nghệ này không được chuyển giao cho Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/my-tinh-han-che-tq-dau-tu-vao-nganh-cong-nghe-cao/4453295.html

‘ICE phải chấm dứt ngay việc giam giữ vô nhân đạo’

Giới đấu tranh cho người Mỹ gốc Á bày tỏ sự quan tâm trước cái chết của một người Việt trong trại giam Eloy của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) tại Arizona.
Qua thông cáo báo chí gửi hôm 20/6, Asian Americans Advancing Justice – Atlanta (AAAJ) cùng 26 tổ chức ủng hộ quyền dân sự và nhân quyền cho người Mỹ gốc Á, gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình Huy Chi Tran và kêu gọi ICE:
”Ngay lập tức điều tra toàn diện cái chết của ông Tran và tiết lộ mọi chi tiết liên quan đến cuộc điều tra, bao gồm bất kỳ báo cáo nào về vấn đề này từ Văn phòng Tổng thanh tra DHS (OIG) hoặc Văn phòng Dân quyền và Tự do Dân sự của DHS (CRCL).”
Bày tỏ quan ngại sâu sắc “về việc chăm sóc và điều trị người nhập cư tại các trung tâm giam giữ, bao gồm tình trạng thiếu tiếp cận chăm sóc y tế, dinh dưỡng không đầy đủ và rất vệ sinh kém,” thông cáo báo chí cho biết:
“Kể từ khi ICE được thành lập vào năm 2003, 183 người đã chết trong trại giam của ICE. Chỉ riêng trong tài khóa 2018, ông Tran là tù nhân thứ bảy qua đời trong khi bị ICE giam giữ. Ông Tran cũng là tù nhân thứ 16 qua đời tại trại giam Eloy từ năm 2003.”
“Eloy có số tử vong cao nhất trong số các nơi giam giữ người nhập cư tại Hoa Kỳ. Trong số 16 trường hợp tử vong tại đây, năm trường hợp được xác định là tự sát, và ít nhất là hai trường hợp được báo cáo là do chăm sóc y tế không đầy đủ.”
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 23/6, bà Phil Nguyễn, Giám đốc Tranh tụng của AAAJ – Atlanta, cho biết AAAJ – Atlanta và những tổ chức đồng ký tên muốn: “Thu hút chú ý của dư luận về hành động vô nhân đạo của ICE trong việc giam giữ hàng ngàn người nhập cư trong các nhà tù trên toàn quốc với hy vọng rằng chúng ta những hành động này sẽ chấm dứt.”
“Đặc biệt trong trường hợp của ông Huy Chi Tran, ông Tran không thể bị trục xuất sang Việt Nam theo thỏa thuận giữa hai nước. Do đó, việc giam giữ ông không chỉ vô nhân đạo mà còn không cần thiết. Chúng ta cũng biết rằng ICE hiện vẫn đang giam giữ hàng chục người khác giống trường hợp ông Tran, tức không thể bị trục xuất về Việt Nam.” Bà Phil Nguyễn vạch ra.
Bà kết luận:
“Chúng tôi hy vọng rằng thu hút sự chú ý cho cái chết của Tran sẽ làm cho ICE xem xét lại giam giữ không cần thiết.”
Ông Huy Chi Tran, 47 tuổi, qua đời ngày 12/6, trong lúc đang bị ICE giam giữ tại Eloy Detention Center (Eloy) ở Arizona. Ông Tran đã bị giam giữ tại Eloy từ ngày 25 tháng 5 năm 2018.
Theo cơ quan Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) tại Arizona, ông Tran bị hôn mê hôm 5/6, và được vận chuyển đến Trung tâm Y tế Banner Casa Grande ở Casa Grande, Arizona, nơi ông qua đời một tuần sau đó.
ICE đã không tiết lộ nguyên nhân cái chết của ông hoặc bất kỳ sự kiện hay hoàn cảnh nào dẫn đến nhập viện của ông.
Cái chết của ông Huy Chi Tran xẩy ra giữa lúc chính sách nhập cư của chính phủ Hoa Kỳ ngày càng bị chỉ trích là ‘hung hăng’ và ‘vô nhân đạo’ dưới sự điều hành của chính phủ Trump, bao gồm việc tách rời trẻ em khỏi cha mẹ tại biên giới, và việc giam giữ vô thời hạn những người nhập cư không có khả năng bị trục xuất về quê cũ.
Thông cáo báo chí của 27 tổ chức nói trên cho biết năm 1984 ông Huy Chi Tran được nhận vào Hoa Kỳ như một thường trú nhân hợp pháp, và một thỏa thuận lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không cho phép trục xuất người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995. Tuy nhiên, kể từ tháng Ba năm 2017, ICE đã giam giữ một số người tị nạn Việt đến Mỹ trước 1995 từ vài tháng đến hơn 1 năm.
“ICE phải chịu trách nhiệm về số người chết đáng báo động này. Chúng tôi không chỉ yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về cái chết của ông Tran, mà còn yêu cầu cơ quan này chấm dứt ngay việc giam giữ và trục xuất vô nhân đạo. Cuộc sống của cộng đồng chúng ta phụ thuộc vào điều đó.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44599028

Jared Kushner chỉ trích tổng thống Palestine

không muốn tiếp tục các cuộc hòa đàm

Washington DC – Jared Kushner – con rể và cố vấn cao cấp của Tổng Thống Donald Trump, một người gốc Do Thái- cho biết Washington sẽ sớm công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, dù có hoặc không có  Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas.
Ý kiến của ông Kushner cho thấy sự bất đồng giữa Washington và lãnh đạo Palestine ngày càng mở rộng, kể từ khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Tòa Đại Sứ Mỹ từ Tel Aviv sang thánh địa này, đảo ngược chính sách đối ngoại kéo dài hàng chục năm của Hoa Kỳ.
Palestine vẫn  muốn khu vực Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của một nhà nước tương lai, vì vậy họ cáo buộc ông Kushner tìm cách làm suy yếu quyền lực của ông Abbas. Hiện nay ông Kushner đang làm việc tại Trung Đông, tổ chức những cuộc gặp với các lãnh đạo trong khu vực, nhưng không gặp ông Abbas. Trò chuyện với một phóng viên của tờ nhật báo Al Quds, ông Kushner nghi ngờ không biết Tổng Thống Palestine có sẵn sàng ký vào một thỏa thuận hay không. Ông Kushner nói nếu ông Abbas đồng ý quay lại bàn đàm phán, Hoa Kỳ sẵn sàng. Nhưng nếu ông Abbas không muốn, Hoa Kỳ vẫn công bố kế hoạch của họ.
Theo ông Kushner, quan điểm của ông Abbas không có gì thay đổi trong 25 năm qua. Theo phóng viên Reuters, ông Kushner mô tả ông Abbas 82 tuổi là một chính khách cổ hũ, và trực tiếp kêu gọi người dân Palestine nên quyết định số phận của họ. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/jared-kushner-chi-trich-tong-thong-palestine-khong-muon-tiep-tuc-cac-cuoc-hoa-dam/

Tổng thống Trump đề nghị trục xuất di dân bất hợp pháp

không cần tòa án xét xử

Washington DC — Reuters cho biết trong một loạt tin nhắn gởi đi ngày hôm qua 24/06, Tổng Thống  Trump đề nghị trục xuất ngay lập tức di dân bất hợp pháp, gởi trả họ về lại nơi mà họ ra đi, không cần một tình trình xét xử nào cả.
Theo ông Trump, họ là những kẻ xâm lược đang tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Đề nghị của tổng thống tức thời bị chỉ trích bởi nhóm phân tích pháp lý, và nhóm ủng hộ quyền của di dân. Họ cho rằng đề nghị của tổng thống Trump vi phạm quy định tiến trình pháp lý của Hiến Pháp Hoa Kỳ, áp dụng cho công dân Mỹ và không phải công dân Mỹ.
Qua một loạt tin nhắn, tổng thống đưa ra ý kiến rằng chính phủ của ông không cho phép bất cứ ai xâm nhập vào Hoa Kỳ, không chấp nhận bất cứ ai tìm cách vượt qua biên giới bất hợp pháp. Chỉ có biên giới mạnh mẽ mới ngăn chặn được tội phạm.
Hiện nay không rõ tổng thống Trump có ủng hộ việc mở rộng thời gian giam giữ di dân bất hợp pháp ở tại biên giới hay không. Mở rộng thời gian giam giữ là một chính sách mà chính phủ Donald Trump chấp nhận kể từ khi ông nhậm chức.
Reuters cũng không hiểu tổng thống Trump có phân biệt được sự khác biệt giữa di dân bất hợp pháp với những người vào lãnh thổ Hoa Kỳ để tìm kiếm sự tị nạn hay không.
Tòa Bạch Ốc không trả lời mọi câu hỏi của giới báo chí về một loạt tin nhắn của tổng thống. Sherrilyn Ifill – chủ tịch Quỹ Pháp Lý của tổ chức Vì Sự Tiến Bộ Của Người Da Màu NAACP- tuyên bố tổng thống Mỹ đề nghị chấm dứt sự tị nạn chính trị, và không cấp tiến trình xét xử cho di dân. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-de-nghi-truc-xuat-di-dan-bat-hop-phap-khong-can-toa-an-xet-xu/

Trump cho ngưng tập trận với Hàn Quốc,

 một cảnh cáo đối với đồng minh châu Âu?

Minh Anh
Ngày 12/06/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ thông báo ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn.
Nếu như tuyên bố này ban đầu đã gây ngỡ ngàng cho cả Hàn Quốc lẫn bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, theo phân tích của chuyên gia Peter Apps, được Reuters trích dẫn, thì đây còn là một lời cảnh cáo nhắm tới các đồng minh châu Âu của Mỹ.
Khi cho rằng các cuộc tập trận này mang tính chất « khiêu khích » và « quá tốn kém », tổng thống Mỹ đã làm hài lòng lãnh đạo Bắc Triều Tiên và cả Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng phải chăng nguyên thủ Hoa Kỳ cùng lúc muốn nhắc khéo các đồng minh châu Âu ?
Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump không ngừng nhắc lại điệp khúc Washington đã « hao tiền tốn của » để bảo vệ các đồng minh. Nguyên thủ Mỹ công khai chỉ trích các thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – đã đóng góp quá ít cho quốc phòng, trong khi Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp nhiều quân nhất tại Châu Âu (65.000 quân) để hỗ trợ các chương trình luyện tập cho nhiều nước vùng Baltic đối phó với mối đe dọa đến từ Nga.
Dù rằng Hoa Kỳ chưa chính thức đề cập đến việc rút bớt quân ở châu Âu, nhất là ở các nước Đông Âu, nhưng điều làm cho nhiều thành viên NATO lo ngại chính là ý định của chính phủ Ba Lan, một trong số ít quốc gia ủng hộ hết mình tổng thống Trump và quan điểm về thế giới của ông.
Theo các thông tin báo chí hồi tháng 05/2018, chính quyền Vacxava đã đề nghị chi tới 2 tỷ đô la cho Washington để có thêm một sư đoàn thiết giáp Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Ba Lan, bên cạnh một nhóm nhỏ các binh sĩ Hoa Kỳ đang có mặt tại đây. Quyết định này của Ba Lan đã gây lo ngại cho nhiều nước thành viên khác, e sợ việc này sẽ tạo thành một tiền lệ để chính quyền Donald Trump « mặc cả » với những nước nào đang bị lệ thuộc vào sự bảo hộ quốc phòng của Mỹ như Đức, Nhật Bản, Anh Quốc, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ…
Trên thực tế, cho đến lúc này, những nước đó cung cấp cơ sở hạ tầng và nhiều dịch vụ miễn phí cho các lực lượng Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ. Hiếm khi nào những nước đó phải chi trả cho sự hiện diện của binh sĩ Hoa Kỳ.
Các nước trong khối NATO giờ đây còn lo rằng trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 7 tới đây, các chính sách đối ngoại của Trump chẳng hạn như tái thương lượng lợi ích thương mại toàn cầu của Mỹ sẽ xen vào các vấn đề quốc phòng. Tổng thống Mỹ đả kích công khai nhiều nước, kể cả những nước được Mỹ bảo vệ, đã có được những « thỏa thuận dở », không có lợi cho Hoa Kỳ.
Nếu như quyết định ngưng tập trận Mỹ – Hàn Quốc của tổng thống Hoa Kỳ có những mặt lợi và hại cho cả hai nước, thì sự việc này gióng lên một hồi chuông báo động khả năng Mỹ rút quân trên diện rộng, nhất là ở những vùng giáp ranh với những đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Nga và Trung Quốc chẳng hạn.
Cách tiếp cận theo kiểu co cụm này của Donald Trump có thể nhận được sự ủng hộ từ một vài nước cũng như là từ những ai tin rằng các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Trung Đông hay ở những nơi khác là những sai lầm đắt đỏ và tốn kém.
Nhưng ông Peter Apps nhắc lại rằng tuy các chiến dịch quân sự của Mỹ trên thế giới trong hơn hai thập kỷ qua không hẳn đã mang lại sự ổn định cho thế giới, nhưng sự hiện diện của binh sĩ Mỹ đó đây cũng đã góp phần duy trì một nền hòa bình không mấy dễ dàng tại châu Âu và châu Á trong gần 70 năm qua.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180625-thong-bao-ngung-tap-tran-voi-han-quoc-cua-trump-don-canh-cao-cho-cac-dong-minh-chau-

Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan thắng nhiệm kỳ thứ hai

Lãnh đạo lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, cơ quan bầu cử cho hay.
Tổng thống được ghi nhận “giành được đa số tuyệt đối của lượng phiếu hợp lệ”, nhưng không có thêm chi tiết.
Truyền thông nhà nước nói ông Erdogan giành 53% trong 99% phiếu đã được kiểm, và đối thủ chính của ông, Muharrem Ince chỉ nhận được 31%.
Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan và đối thủ chê bai nhau
Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu một năm đảo chính
Phe ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng
Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng kẻ tấn công hộp đêm
Phe đối lập chưa chính thức thừa nhận nhưng cho biết sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh dân chủ “bất kể kết quả thế nào”.
Họ đã sớm nghi ngờ về kết quả được truyền thông nhà nước công bố. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào hôm 29/6.
Ông Erdogan cho biết liên minh cầm quyền của đảng AK đã bảo đảm đa số ghế trong quốc hội.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một bài học dân chủ cho toàn thế giới”, ông nói.
Theo hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực sau cuộc bầu cử, tổng thống sẽ nắm giữ thêm quyền lực.
Trump chúc mừng Erdogan
Tranh cãi về ảnh cầu thủ Đức chụp với Erdogan
Tăng cường truy lùng tay súng Istanbul
Một số nhà chỉ trích cho rằng vai trò tăng cường của tổng thống sẽ khiến dồn quá nhiều quyền lực vào tay của một người, và rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu cơ chế “kiểm soát và cân bằng” như Pháp hay Hoa Kỳ.
Trong 96% số phiếu bầu cho quốc hội được kiểm, đảng AK của tổng thống dẫn đầu với 42%, thông tấn Anadolu đưa tin. Đảng đối lập CHP đạt 23%.
Hội đồng bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng đảng HDP ủng hộ người Kurd đạt mức 10% cần thiết để vào quốc hội. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, các các nhà phân tích cho biết điều này có thể làm cho đảng của ông Erdogan khó khăn hơn và đồng minh MHP đạt đa số phiếu, dù hiện tại họ có khả năng đạt được điều đó.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, gần 87%, truyền hình nhà nước đưa tin.
Nếu ông Erdogan không được công bố thắng hơn 50% trong kết quả chính thức, ông và ông Ince sẽ đối mặt trong một cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 8/7.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44591846

Ba lý do Kim Jong-un ve vãn TQ nhưng muốn học VN

Chuyến thăm lần thứ ba mới đây của Kim Jong-un tới Bắc Kinh chỉ trong vòng ba tháng khiến các nhà phân tích nhớ tới một phát biểu của Kim hồi tháng Tư.
Lúc đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Kim nói Bình Nhưỡng muốn xem cách cải cách kinh tế của Việt Nam.
Tờ Nikki Asia Review ngày 25/6 có bài phân tích và đưa ra hai lý do chính.
Đó là Bắc Hàn muốn có sự ủng hộ từ Hoa Kỳ để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời vẫn thu hút được đầu tư từ Nam Hàn.
Tuy thế, các khả năng này, nhìn trên nền ví dụ của Việt Nam, cũng có các mặt hay và dở, theo ý kiến của những chuyên gia khác.
Giành ủng hộ từ Mỹ
Theo Nikk, tăng trưởng của Trung Quốc vượt qua Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người nay đạt 8 nghìn 123 đô la trong năm 2016, tăng gấp 29 lần so với ba thập kỷ trước.
Nhưng “Trung Quốc đang đi quá xa,” theo Junya Ishii, nhà phân tích cao cấp tại Sumitomo Corporation Global Research.
Việt Nam đã tìm cách ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do, với 12 hiệp định đã có hiệu lực, ít hơn một chút so với con số 17 của Trung Quốc.
Kim Jong-un ‘thích chính sách Đổi Mới’ của VN
‘Bên Thắng Cuộc’ chỉ ra hạn chế của Đổi Mới
Hàn Quốc ‘đầu tư lớn nhất’ ở Việt Nam từ khi Đổi mới
Và Hà Nội, không giống như Bắc Kinh, đã không ngần ngại đàm phán với các nước có kinh tế tiên tiến vốn đòi hỏi tự do hóa kinh tế sâu rộng.
Một điểm khác biệt nữa chính là việc Việt Nam theo đuổi “phát triển cân bằng”.
Trung Quốc làm theo cách của Đặng Tiểu Bình, “để cho một số người giàu có trước”, theo đó tập trung phát triển các đặc khu kinh tế ở Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố ven biển khác.
Trong khi đó, Việt Nam, vẫn còn đối phó với di sản phân chia Nam Bắc trong quá khứ, có xu hướng thu hút vốn nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh nhờ cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Ngoài ra, chính phủ cũng thu hút được các công ty điện tử, thép và hóa dầu đầu tư ở phía Bắc, theo trang báo Nhật Bản.
Bắc Hàn, với dân số ít hơn 25 triệu người, có thể thấy hấp dẫn trong ví dụ một Việt Nam luôn ưu tiên các động thái táo bạo của quốc tế và việc quản lý chặt các vấn đề trong nước, theo phân tích của tác giả Toru Takahashi.
Giữ khoảng cách với Trung Quốc
Theo Nikki Asian Review, một phóng viên kỳ cựu cho một tờ báo lớn của Hàn Quốc cho rằng sự ngờ vực lớn dần giữa Trung Quốc và Bắc Hàn dù hai bên vẫn có các hội nghị thượng đỉnh.
Theo ý kiến này thì Bình Nhưỡng sợ bị nền kinh tế Trung Quốc ‘nuốt chửng’.
Ở điểm này, Việt Nam là ví dụ điển hình mà Bình Nhưỡng có thể học hỏi.
Quan hệ Việt – Mỹ ấm lên nhanh chóng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Đến 2016, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may, điện tử và hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Một phần do xung đột về chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, và thậm chí còn bắt đầu mua vũ khí từ kẻ thù cũ của mình.
Tìm kiếm đầu tư từ Hàn Quốc
Về góc độ kinh doanh, Kim Jong-un chắc chắn muốn thấy các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Hàn như với Việt Nam, tác giả bài trên Nikki Asian Review bình luận.
Các tập đoàn như Samsung Electronics, LG Electronics, Lotte Group và các doanh nghiệp Hàn Quốc khác đầu tư vào Việt Nam, khiến Hàn Quốc trở thành nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất kể từ năm 2014, vượt Nhật Bản.
Trong cuộc gặp mặt với ông Moon Jae-in, ông Kim Jong-un có thể nhắc đến Việt Nam như một cách để nhắn nhủ cho đầu tư từ Hàn Quốc.
Kim đã thể hiện mình là một nhà đàm phán khôn ngoan, và nhận xét của ông về Việt Nam đưa ra những gợi ý về cách ông sẽ tìm cách tối đa hóa các nhượng bộ kinh tế.
Nhiều cản trở cho Bắc Hàn học VN
Một bài của tác giả Shuli Ren trên Bloomberg (13/05/2018) Bắc Hàn bây giờ giống Việt Nam thời điểm thực hiện Đổi Mới, năm 1986.
Nhưng Bắc Hàn có thể có bước khởi đầu đột phá hơn vì giàu hơn và công nghiệp hóa hơn.
Nhưng theo Anthony Fensom viết trên trang The Diplomat, cơ hội để Bắc Hàn thực hiện quá trình “Đổi Mới” của riêng mình ‘rất mong manh’.
Tác giả này nói hiện vẫn có quá nhiều cản trở cho Bắc Hàn trong việc học theo mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam.
Dù Bắc Hàn có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng lao động giá rẻ, việc ‘mở cửa’ có vẻ rất chậm.
Và mặc dù Bắc Hàn nói muốn phi hạt nhân hóa, người ta ngờ rằng Kim thực sự sẵn lòng mở cửa cho đầu tư nước ngoài, theo hai nhà phân tích Leather và Tan được The Diplomat trích lời.
Lý do là vì Kim nhìn thấy đảng cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc đạt được phát triển về kinh tế trong khi vẫn nắm chắc quyền lực trong tay.
Nhưng những nước như Hàn Quốc hay Đài Loan sau khi mở cửa kinh tế thì lại trở thành các hình mẫu tiêu biểu cho sự xuất hiện của các phong trào dân chủ.
Bình luận từ Việt Nam
PGS TS Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore, nói với BBC Tiếng Việt (11/05/2018) rằng nhìn vào Việt Nam, ông Kim Jong-un có thể hình dung ra bước chuyển đổi nềnkinh tế.
“Đó là bước chuyển từ một nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế quốc doanh có thể từng bước chuyển thành một nền kinh tế năng động dựa vào hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân và tôn trọng kinh tế thị trường.”
“Ông Kim có thể tương đối yên tâm về một mô hình chính trị ổn định để tập trung vào phát triển kinh tế.”
“Ông Kim có thể thấy mình có sứ mệnh giống như ông Đặng Tiểu Bình hay một số lãnh đạo Việt Nam trước đây: tạo ra một cục diện mới cho công cuộc phát triển của đất nước đó.”
Trong khi đó, bình luận với BBC hôm 8/5, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói “không ngạc nhiên” khi Bắc Hàn muốn học chính sách Đổi Mới của Việt Nam:
“Bắc Hàn đang đứng trước nhu cầu phải cải cách để thể phát triển tốt hơn.”
“Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đa dạng hóa đa phương hóa mối quan hệ với quốc tế, nên thu hút được đầu tư nước ngoài.”
Nhưng TS Doanh khuyên Bắc Hàn rằng, cải cách kinh tế nên đi kèm cải cách thế chế chứ không nên bỏ nó, vì đây là một kinh nghiệm xấu của Việt Nam.
“Việt Nam hiện nay đang chậm trong việc cải cách thể chế, trong việc phát huy tốt nguồn nhân lực, chưa phát triển kinh tế tư nhân đúng như tiềm năng của Việt Nam, nhưng những điều đó ông Kim Jong-un có thể rút kinh nghiệm, không cần phải mắc những sai lầm đó.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44598360

Đàm phán quân sự và kinh tế Liên Triều

Thanh Hà
Trong quan hệ Liên Triều, thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon ngày 25/06/2016 thông báo Seoul và Bình Nhưỡng đang đàm phán về khả năng Bắc Triều Tiên rút các đơn vị pháo ra khỏi khu vực biên giới hai nước Triều Tiên.
Theo hãng tin Mỹ AP, Bình Nhưỡng đã triển khai 1.000 khẩu pháo đến khu vực biên giới và đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của thủ đô Seoul cũng như đối với nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc. Tuyên bố của thủ tướng Lee xác nhận tin đã được báo chí Seoul đăng tải vào tuần trước. Hiện tại bộ Quốc Phòng Hàn Quốc chưa lên tiếng về phát biểu của thủ tướng Lee Nak Yon.
Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo Seoul và Bình Nhưỡng vừa đạt được đồng thuận để “nhanh chóng” nối lại đường dây liên lạc quân sự giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên nhằm giảm thiểu căng thẳng, tạo sự tin tưởng giữa hai bên.
Quyết định trên được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp tại Pha Châu (Paju) – Bàn Môn Điếm, giữa đại tá Cho Yong Geun đại diện cho Hàn Quốc và đồng cấp Bắc Triều Tiên Om Chang Nam. Bên cạnh đường dây liên lạc quân sự, đôi bên còn hướng tới việc mở lại các đường dây điện thoại giữa hai nước Triều Tiên.
Ngoài lĩnh vực quân sự, cũng hôm nay, Seoul thông báo một loạt các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng sắp tới về các dự án hợp tác kinh tế song phương. Thí dụ như cuộc họp nhằm nâng cấp hệ thống đường xe lửa sát đường biên giới (ngày 26/06/2018). Cuộc họp thứ hai nhắm vào các công trình tu sửa hệ thống cầu đường (ngày 28/06/2018) và cuộc họp thứ ba liên quan đến dự án cùng nhau bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ rừng (ngày 04/07/2018). Hàn Quốc nhấn mạnh các cuộc họp vừa nêu nằm trong khuôn khổ Tuyên bố Bàn Môn Điếm hôm 27/04/2018.
Cuối cùng trên hồ sơ cho phép các gia đình hai miền Nam và Bắc Triều Tiên hội ngộ, hãng tin Yonhap cho biết, Seoul bắt đầu xem xét trường hợp của 500 đơn xin được gặp lại người thân ở bên kia vĩ tuyến 38. Trong số này chỉ có 100 người trường hợp được toại nguyện. Sau ba năm gián đoạn, các gia đình bị ly tán vì chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) sẽ được gặp lại nhau tại núi Kim Cương từ ngày 20 đến 26/08/2018.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180625-dam-phan-quan-su-va-kinh-te-lien-trieu

Tổng thống Đài Loan kêu gọi thế giới đoàn kết

chống lại sự bành trướng của Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn mới đây lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới đoàn kết với nước này để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin AFP hôm 24/6.
Tổng thống Đài Loan nói, đối phó với Trung Quốc là một thách thức không phải của riêng Đài Loan mà còn của cả khu vực và thế giới vì hôm nay thách thức là của Đài Loan nhưng ngày mai có thể thách thức đó sẽ là của bất cứ nước nào đang phải đối mặt với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bà kêu gọi các nước làm việc cùng nhau để tái khẳng định giá trị của dân chủ và tự do, nhằm kiềm chế Trung Quốc và giảm thiểu ảnh hưởng bành trướng của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan đưa ra lời kêu gọi này giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Trung Quốc gần đây đã tiến hành những cuộc tập trận gần Đài Loan. Hôm 22/6, Đài Loan đã phải triển khai tiêm kích và tàu chiến để theo dõi hai chiến hạm Trung Quốc di chuyển về phía nam ngoài khơi bờ biển phía Đông Đài Loan.
Trước đó, truyền thông Đài Loan cho biết hai tàu chiến Trung Quốc đã vào vùng nhận dạng phòng không của nước này và ở lại đây hơn một tuần trước khi đi ra Biển Đông.
Trung Quốc từ trước tới nay luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chỉ chờ ngày được thống nhất với đại lục.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-s-tsai-urges-world-to-stand-up-to-china-06252018093724.htm

Nhật Bản giúp Indonesia

lắp đặt các cơ sở khai thác thủy sản ở các đảo xa

Nhật Bản hôm 25/6 cho biết nước này sẽ cung cấp 2,5 tỷ Yen (tương đương 23 triệu đô la) để giúp Indonesia xây dựng các cơ sở khai thác thủy sản ở 6 đảo xa. Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng loan tin này hôm 25/6.
Lễ ký thỏa thuận trợ giúp được thực hiện dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người tương nhiệm Indonesia Retno Marsudi tại Jakarta, Indonesia.
Thỏa thuận này là một phần trong những nỗ lực của Tokyo để thúc đẩy chiến lượng Ấn Độ Thái Bình Dương mở, nhằm đối phó với ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo thỏa thuận, các cơ sở này sẽ được xây dựng từ nay đến tháng giêng năm 2020 ở sáu đảo xa của Indonesia, bao gồm Natuna ở Biển Đông, nơi Indonesia gần đây cho bắt giữ nhiều tàu cá của Trung Quốc và các nước khác đến khai thác thủy sản bất hợp pháp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-to-help-develop-indonesian-islands-in-scs-06252018092102.html

Đám đông TQ ‘xúi’ nữ sinh

bị thầy giáo quấy rối tình dục tự tử

Xuất hiện nhiều sự chỉ trích sau vụ nữ sinh Trung Quốc nhảy lầu tự tử vì bị thầy giáo quấy rối tình dục. Nhiều người dân lên rằng án xã hội đang tha hóa, xuống cấp, khi một số người chứng kiến còn xúi giục và vỗ tay tán thưởng khi cô gái nhảy lầu, theo hãng tin Reuters.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, nữ sinh họ Lý, 19 tuổi, đã nhảy từ tầng 8 ở một tòa nhà tại thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, vào ngày 20/6.
Các đoạn video trên mạng cho thấy cô Lý ngồi mấy giờ liền trên mép của một tòa nhà trong khi nhân viên cứu hộ cố gắng thuyết phục cô đi xuống. Một số người theo dõi bên dưới hét lên: “Sao cô không nhảy đi?”
Và bất chợt cô nhảy thật, khi ấy nhân viên cứu hộ la hét trong vô vọng, còn một số người bên dưới lại vỗ tay tán thưởng.
Theo nhật báo Thanh niên của Trung Quốc, Cảnh sát đã bắt giữ một số người có hành động “xúi giục” cô Lý.
Các nhà bình luận trên mạng chỉ trích sự nhẫn tâm của đám đông tán thưởng.
Một người đặt câu hỏi: “Tại sao lại có những người trong xã hội nhẫn tâm kêu cô ấy nhảy chứ? Tiếng kêu nhói lòng của nhân viên cứu hộ cho thấy cái ác của con người.”
Theo Reuters, báo Thanh niên Trung Quốc trích lời cha mẹ của cô Lý nói rằng con gái của họ bị trầm cảm, đòi tự tử, sau khi bị một thầy giáo quấy rối tình dục vào tháng 9, khi ông này muốn hôn, ôm cô ấy.
Cha mẹ cô đã được nhà trường bồi thường 350.000 nhân dân tệ (khoảng 53,564 đôla) nhưng họ từ chối vì điều đó có nghĩa họ sẽ bị buộc phải rút đơn kiện nam giáo viên.
Tờ báo dẫn lời cha mẹ cô nói: “Chúng tôi không thể ký vào một thỏa thuận nhục nhã đó.”
Cũng theo tờ báo này, Phòng giáo dục thành phố Khánh Dương đã kỷ luật nam giáo viên và đề xuất tiền bồi thường cho gia đình.
https://www.voatiengviet.com/a/dam-dong-tq-xui-nu-sinh-bi-thay-giao-quay-roi-tinh-duc-tu-tu/4453514.html

Trung Quốc bỏ cấm vận thịt bò Pháp

Thanh Hà
Trong ngày cuối cùng chuyến viếng thăm Trung Quốc, hôm nay (25/06/2018) thủ tướng Pháp, Edouard Philippe hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình và thông báo Bắc Kinh cho nhập khẩu trở lại thịt bò Pháp bị bán sang Trung Quốc từ năm 2001 sau dịch bò dại. Ngoài ra, mọi người chờ đợi một loạt các thỏa thuận kinh tế sẽ được thông qua lần này.
Thông tín viên đài RFI, Julien Chavanne từ Bắc Kinh tường thuật.
“Họ chưa bao giờ gặp nhau. Trong một gian phòng rộng lớn tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp thủ tướng Pháp, Edouard Philippe và tuyên bố : Khi còn là thị trưởng thành phố Le Havre, ông Edouard Philippe đã nhiều lần đến Trung Quốc. Ông biết rõ Trung Quốc và điều này tạo thuận lợi cho các trao đổi giữa hai nước trong tương lai. Thủ tướng Pháp đáp lời, cảm ơn chủ tịch Trung Quốc đón tiếp nồng hậu và đánh giá cao các cuộc trao đổi giữa hai đối tác.
Trung Quốc là chuyến công du nước ngoài đầu tiên mang tính chiến lược của thủ tướng Pháp và ông sẽ không ra về tay không. Trong một vài giờ nữa thủ tướng Philippe cùng với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường ký kết hàng loạt các thỏa thuận. Một nửa trong số ấy liên quan đến các lĩnh vực cải tiến công nghệ và môi trường.
Thắng lợi của Pháp tuy nhiên liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ông Edouard Philippe thuyết phục được Trung Quốc nhập khẩu trở lại thịt bò Pháp. 17 năm trước, Trung Quốc cấm vận mặt hàng này do dịch bò dại.
Nhìn đến những hồ sơ nổi cộm khác, cần phải đợi thêm mới biết chính xác được nội dung. Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn trong hồ sơ mua bán máy bay Airbus hay là liên quan tới hợp đồng nhà máy tái xử lý rác hạt nhân với hãng Areva.
Một số các cộng tác viên của thủ tướng Pháp thận trọng cho rằng, không nên theo đuổi mục đích gặt hái được những hợp đồng lớn. Một cố vấn của ông Philippe quan niệm, với Bắc Kinh, Paris thiên về một mối quan hệ liên tục hơn là những hợp đồng nhất thời”.
Châu Âu và Trung Quốc
Trong khuôn khổ Đối Thoại Kinh Tế -Thương Mại giữa Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc mở ra ngày 25/06/2018, tại Bắc Kinh, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jyrki Katainen cùng cam kết “chống lại mọi quyết định đơn phương trong lĩnh vực thương mại và chống lại các biện pháp bảo hộ”.
Lời khuyến cáo này trực tiếp nhắm vào Mỹ. Cả Bruxelles lẫn Bắc Kinh vừa ban hành một loạt các biện pháp trả đũa chính quyền Trump đơn phương áp thuế nhôm và thép nhập sang Hoa Kỳ.
Mỹ muốn giới hạn đầu tư Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ cao
Tại Washington, theo tiết lộ của báo The Wall Street Journal ấn bản ngày 24/06/2018, bộ Tài Chính đang chuẩn bị một văn bản ngăn chận chuyển giao công nghệ cho các công ty do Trung Quốc nắm giữ vốn.
Cụ thể hơn, bộ Tài Chính Mỹ có kế hoạch cấm các công ty có 25 % vốn của Trung Quốc mua lại các tập đoàn Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nhậy cảm, có tầm mức quan trọng đối với nền công nghiệp của nước này.
Mục tiêu đề ra nhằm ngăn chận các vụ chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc.
Vẫn theo nguồn tin trên, tổng thống Hoa Kỳ có quyền viện cớ an ninh quốc gia để ngăn cản các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các đối tác Mỹ. Theo giới quan sát, quyết định nói trên của chính quyền Trump là một đòn mới nhắm vào Trung Quốc trong cuộc đọ sức thương mại hiện nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180625-trung-quoc-bo-cam-van-thit-bo-phap

Vanuatu và Úc thắt chặt an ninh,

nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của Trung Cộng

Canberra, Úc.- Vào hôm Thứ Hai 25/06, Úc đã ký kết một thỏa thuận nhằm giúp tăng cường và  hỗ trợ khả năng an ninh mạng của Vanuatu, đồng thời tăng cường ngoại giao để đối phó với  tầm ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Trung Cộng trong khu vực Thái Bình Dương.
Hành động này làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ Úc-Trung Cộng , kể từ sau khi  Úc cáo buộc Trung Cộng can thiệp vào chính trường nên đã đưa ra dự luật cấm nước ngoài can thiệp.
Thông tin do hãng truyền thông  Úc tiết lộ vào tháng 4 vừa qua về việc thảo thuận xây căn cứ quân sự giữa Trung Cộng và Vanuatu dẫn đến mối lo ngại của lãnh đạo nước này. Trong chuyến viếng thăm Canberra của thủ tướng Vanuatu, Charlot Salwai, Úc đã quyên góp 19.5 triệu Úc Kim trong hỗ trợ giáo dục và cho biết sẽ chi thêm 400,000  Úc Kim nữa cho chính sách và an ninh mạng của Vantuatu.
Theo giới phân tích, Trung Cộng cũng đang ngày càng trở nên tích cực hơn ở khu vực phía Nam của Thái Bình Dương, đảm nhận nhiều dự án hạ tầng, viện trợ và cấp vốn cho nhiều đảo quốc nhỏ, đang phát triển ở khu vực này, điều này làm giảm ảnh hưởng lâu dài của Úc.
An ninh mạng trở thành ngòi nổ, mà những công ty an ninh của Úc đang lo ngại rằng thiết bị truyền thông được cài đặt bởi công ty Huawei của Trung Cộng sẽ đe dọa đến hệ thống an ninh dữ liệu. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/vanuatu-va-uc-that-chat-an-ninh-no-luc-doi-pho-voi-anh-huong-cua-trung-cong/

Tiểu thượng đỉnh châu Âu

thất bại trong hồ sơ nhập cư

Hôm qua, 24/06/2018, tổng thống và thủ tướng của 16 nước trong Liên Hiệp Châu Âu 28 thành viên đã họp tại Bruxelles để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu sẽ được tổ chức trong các ngày 28 và 29 sắp tới.
Tại cuộc họp làm việc được coi là tiểu thượng đỉnh này, các nước vẫn tiếp tục bất đồng với nhau trong hồ sơ nhập cư và không ra được thông cáo chung.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm thông tin :
« Các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục có lập trường trái ngược nhau trong hồ sơ nhập cư. Một bên là các nước Trung Âu và đại diện cho nhóm này tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày hôm qua là Áo. Các nước này nhấn mạnh rằng việc định ra hạn ngạch phân chia đón nhận người nhập cư, ngay cả trong trường hợp có khủng hoảng, vẫn là chủ đề cấm kỵ. Bên kia là các nước thuộc vùng Địa Trung Hải, đặc biệt là Ý. Các nước này phàn nàn sự thiếu vắng tình đoàn kết bên trong Liên Hiệp Châu Âu và tố cáo việc duy trì quy định Dublin (người nhập cư làm thủ tục xin tị nạn tại nước đầu tiên đặt chân đến).
Thế nhưng, đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chính các vấn đề chính trị nội bộ tại một số nước đã làm chao đảo các cuộc thảo luận về nhập cư. Ông nói: Hiện nay, đó là một thách thức gắn liền với áp lực chính trị tại một số nước thành viên và người ta gọi đó là tình trạng nhập cư lần thứ hai, đó là những người đặt chân đến một nước để xin tị nạn nhưng sau đó họ lại sang nước khác. Hiện nay, châu Âu làm việc chưa đủ hiệu quả để hỗ trợ hồi hương những người không đủ điều kiện tị nạn. Trong hồ sơ nay, châu Âu cần phải là việc nhiều hơn, nhưng đồng thời, chúng ta cũng không nên tự dối mình. Lãnh đạo một số nước thành viên khai thác tình trạng di dân hiện nay để tạo ra căng thẳng chính trị và khai thác nỗi sợ hãi của người dân.
Dù sao, hội nghị thượng đỉnh hôm qua cũng đạt được một số kết quả cụ thể. Các nước châu Âu đạt đồng thuận đề ra ba hướng làm việc : thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách trong từng nước, bảo vệ biên giới và tìm kiếm sự hợp tác với các nước vùng Balkan hay châu Phi, để ngăn chặn từ trước áp lực nhập cư ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180625-tieu-thuong-dinh-chau-au-that-bai-trong-ho-so-nhap-cu

Đội nào sẽ vào, hay sẽ về

sau trận cuối vòng bảng World Cup?

Kết thúc loạt trận đấu thứ hai của vòng bảng World Cup 2018, những đội nào có nhiều khả năng vào vòng hai, hay vòng loại trực tiếp, hiện đã rõ ràng hơn.
Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ tiến vào vòng đấu loại 16 đội, mà nhiều người hâm mộ còn gọi là vòng nốc ao.
Trong trường hợp hai đội, hoặc hơn, kết thúc vòng bảng có cùng số điểm, FIFA sẽ áp dụng 7 tiêu chí khác để phân cao thấp. Đầu tiên là hiệu số bàn thắng thua, kế đến là tổng số bàn thắng ghi được trong tất cả các trận của vòng bảng. Và nếu các đội vẫn ngang bằng nhau thì các tiếu chí tiếp theo được áp dụng theo thứ tự như sau:
· Đối đầu trực tiếp giữa các đội có liên quan trong vòng bảng;
· Hiệu số bàn thắng thua giữa các đội có liên quan trong vòng bảng;
· Số bàn thắng ghi được trong trận đối đầu trực tiếp của các đội có liên quan trong vòng bảng;
· Điểm fair play của đội tại vòng chung kết căn cứ vào số thẻ vàng và thẻ đỏ;
· Rút thăm
Vị trí của mỗi đội trong bảng đấu của mình trước khi bước vào trận đấu vòng tròn thứ ba, tức là trận cuối của vòng bảng, như sau:
Bảng A
Nga và Uruguay, mỗi đội được 6 điểm sau trận thứ hai, đã giành được quyền vào vòng 16. Cuộc đối đầu của hai đội trong ngày thứ Hai, 25/6, để xác định đội nào đứng đầu bảng. Nga hơn Uruguay về hiệu số bàn thắng, do đó một trận thắng hoặc hòa sẽ đưa đội tuyển nước chủ nhà lên đầu Bảng A để đấu với đội thứ nhì Bảng B ở vòng 16 đội.
Cả Ai Cập lẫn Ảrập Xêút đều không có điểm nào trong tay. Ảrập Xêút đã bị thủng lưới sáu lần, do đó nếu không thắng được Ai Cập trong trận cuối thì họ sẽ rời khỏi World Cup 2018 ở vị trí cuối bảng.
Bảng B
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, mỗi đội có được bốn điểm, đứng đầu bảng, Iran được ba điểm đứng thứ ba và Morocco đã bị loại vì không có điểm nào.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có cùng hiệu số bàn thắng thua. Trong trận đối đầu ở vòng bảng, hai đội đã hòa nhau. Nếu sau trận thứ ba mà cả hai vẫn ngang bằng nhau thì ví trí nhất bảng sẽ được xác định bằng điểm fair play. Tây Ban Nha hiện mới bị một thẻ vàng, còn Bồ Ðào Nha đang bị hai thẻ vàng.
Bồ Đào Nha cần ít nhất một điểm từ trận cuối của vòng bảng để đảm bảo một suất trong vòng nốc ao. Iran sẽ đi tiếp nếu thắng Bồ Ðào Nha, và thậm chí hòa với điều kiện Tây Ban Nha thua Morocco.
Tây Ban Nha cần giành một điểm để đảm bảo một suất ở vòng hai trước đội Morocco hiện chưa có điểm nào.
Đội nhất Bảng B sẽ đấu với đội nhì Bảng A trong vòng 16 đội – hoặc là Nga hoặc là Uruguay;
Bảng C
Pháp, với sáu điểm, đang dẫn đầu bảng, đã giành quyền vào vòng hai, nhưng sẽ cần một điểm trong trận đấu với đội đang nhì bảng là Đan Mạch để giành ngôi đầu bảng. Đan Mạch, hiện có bốn điểm, sau trận đấu với Pháp có thể kết thúc là đầu bảng, thứ hai hoặc thứ ba.
Nếu Đan Mạch thua trận thứ ba, mà Úc thắng đội đang chưa có điểm nào là Peru, thì Úc có thể lên nhì bảng nếu hơn Ðan Mạch về hiệu số bàn thắng. Đan Mạch và Úc đã hòa nhau trong vòng bảng, do đó hai đội có khả năng phải phân biệt cao thấp bằng điểm fair play.
Úc đã bị ba thẻ vàng còn Ðan Mạch bị bốn thẻ vàng.
Peru đã bị loại nhưng vẫn còn khả năng kết thúc ở vị trí thứ ba trong bảng bằng chiến thắng trận cuối.
Đội đầu Bảng C sẽ đội nhì Bảng D.
Bảng D
Nhiều khả năng có thể xảy ra tại bảng này sau trận thứ ba – Croatia, với sáu điểm trong tay, chính thức vào vòng hai, trong khi ba đội còn lại đều có khả năng giành suất còn lại.
Croatia sẽ đứng đầu bảng nếu thắng hoặc hòa với Iceland.
Nigeria, đang có ba điểm, sẽ giành suất vào vòng 16 nếu thắng Argentina. Trong khi đó Argentina đang đứng cuối bảng, bằng điểm, nhưng kém Iceland hiệu số bàn thắng.
Một trận hòa cũng có thể đủ cho Nigeria đi tiếp, nếu Iceland thắng Croatia, và tùy thuộc vào hiệu số bàn thắng.
Để giành quyền đi tiếp, Argentina cần phải thắng Nigeria trong khi hy vọng Iceland thua hoặc hòa với Croatia. Nếu cả Iceland và Argentina đều giành chiến thắng, hai đội sẽ phân cao thấp bằng hiệu số bàn thắng.
Iceland phải thắng Croatia và phải phụ thuộc vào các kết quả khác cho hy vọng đi tiếp vào vòng hai.
Đội nhất Bảng D sẽ đấu với đội nhì Bảng C.
Bảng E
Chỉ có một điều rõ ràng nhất trong bảng này đó là Costa Rica, đội đang “trắng tay”, đã đặt xong vé về nước.
Brazil và Thụy Sĩ, mỗi đội đang có bốn điểm, tạm dẫn đầu bảng, còn Serbia có ba điểm, đứng thứ ba.
Brazil thắng hoặc hòa Serbia và Thụy Sĩ thắng hoặc hòa Costa Rica, thì cả hai đều vào vòng hai.
Serbia phải thắng Brazil để giành quyền chắc chắn vào vòng hai, nhưng nếu hòa và Thụy Sĩ thua Costa Rica hơn một bàn thì Serbia vẫn vào đấu nốc ao
Đội nhất Bảng E sẽ đấu với đội nhì Bảng F.
Bảng F
Đây là bảng đã xảy ra nhiều thay đổi kịch tính sau một bàn thắng vào thời gian bù giờ trong trận Đức – Thụy Ðiển. Đội Đức trước đó đứng trước nguy cơ bị loại, đã trở lại cuộc đua gây cấn sau pha đánh bại Thụy Điển vào phút bù giờ.
Mexico, với sáu điểm trong tay, đang dẫn đầu bảng, trong khi Đức và Thụy Điển, mỗi đội đang có ba điểm.
Mexico sẽ giành suất đầu bảng nếu thắng hoặc hòa với Thụy Điển. Họ cũng có thể vào vòng hai nếu thua Thụy Điển mà Đức thua hoặc hòa với Hàn Quốc, đội đang không có điểm nào.
Đức sẽ giành suất vào vòng hai nếu thắng Hàn Quốc và Thụy Ðiển không thắng được Mexico.
Một kịch bản khác có thể xảy ra là Đức vào vòng hai khi thắng đậm Hàn Quốc cho dù Thụy Ðiển thắng Mexico.
Thụy Điển giành suất đấu vòng nốc ao nếu thắng Mexico còn Đức thua hoặc hòa Hàn Quốc. Nếu cả Thụy Ðiển và Đức đều thắng, thì Thụy Ðiển vẫn còn hy vọng dựa trên hiệu số bàn thắng.
Mặc dù đã thua hai trận, Hàn Quốc vẫn còn một chút cơ hội nếu họ thắng Đức mà Thụy Ðiển thua Mexico và họ có hiệu số bàn thắng đủ cao hơn Đức và Thụy Ðiển.
Đội nhất Bảng F sẽ gặp đội nhì Bảng E
Bảng G
Anh và Bỉ đã giành quyền vào vòng hai, nhưng hai đội sẽ phân ngôi nhất nhì trong trận tỉ thí vào thứ Năm 28/6.
Hai đội đều được sáu điểm và cùng hiệu số bàn thắng. Nếu hai đội hòa nhau trong trận cuối, thì sẽ tính hơn thua bằng điểm fair play, với Anh hiện có hai thẻ vàng còn Bỉ có ba thẻ vàng.
Tunisia và Panama hiện chưa có điểm nào sẽ tranh nhau vị trí thứ ba trong bảng ở trận đấu cuối cùng trước khi chia tay World Cup 2018.
Bảng H
Nhật Bản và Senegal sẽ giành quyền vào vòng hai nếu họ hòa với Ba Lan và Colombia. Nếu cả hai đều hòa với cùng tỉ số, thì hai đội sẽ phân hơn thua bằng điểm fair play. Senegal hiện có năm thẻ vàng còn Nhật Bản có ba.
Colombia sẽ giành quyền vào vòng đấu nốc ao nếu họ thắng Senegal. Colombia hòa vẫn còn có hy vọng nếu Ba Lan thắng Nhật Bản. Ba Lan đã bị loại sau hai trận thua.
Hai đội nhất và nhì bảng sẽ gặp hoặc Anh hoặc Bỉ ở vòng nốc ao.
(Theo Reuters, FIFA)
https://www.voatiengviet.com/a/doi-nao-se-vao-hay-se-ve-sau-tran-cuoi-vong-bang-world-cup/4453415.html

Nghi phạm trộm cướp Brazil bị bắt tại World Cup

Một nghi phạm Brazil bị truy nã quốc tế đã bị bắt sau trận đấu giữa đội tuyển nước này và Costa Rica ở Nga và đang chờ bị dẫn độ về nước vì tội trộm cướp.
Nghi can Rodrigo Denardi Vicentini bị giữ theo trát bắt quốc tế sau khi nhân vật này xem trận so giày mà Brazil giành thắng lợi 2-0 ở St Petersburg hôm 22/6.
Reuters dẫn tài liệu của tòa án nói rằng Vicentini đã bị truy nã vì tham gia vào băng đảng và trộm cướp bưu điện ở Brazil năm ngoái.
Theo yêu cầu dẫn độ, tòa án ở quận Petrograd thuộc St Petersburg nói rằng họ sẽ giữ nghi can có song tịch Brazil và Italia này tới hai tháng.
Trang Fontanka của Nga trước đó đưa tin rằng tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol cùng cảnh sát Nga và Brazil đã nhận dạng Vicentini trong trận đấu.
Trang này đưa tin thêm rằng cảnh sát đã đợi cho tới hết trận đấu để bắt nghi phạm này vì không muốn làm ảnh hưởng tới các cổ động viên khác trên khán đài.
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-ph%E1%BA%A1m-brazil-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-t%E1%BA%A1i-world-cup/4452637.html

Argentina yêu cầu Nga

trục xuất cổ động viên quá khích

Argentina mới yêu cầu Nga bắt giữ và trục xuất 4 cổ động viên ẩu đả với fan của Croatia trong trận đấu tại World Cup.
Nga và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cam kết tổ chức một giải đấu an toàn và phi bạo lực.
Tuy nhiên, một đoạn video cho thấy một nhóm cổ động viên đánh nhau trên khán đài trong trận đấu giữa Argentina và Croatia ở Nizhny Novgorod hôm 21/6.
Ban tổ chức World Cup Nga cho biết rằng bảy người Argentina đã bị cảnh sát bắt giữ sau trận đấu mà Croatia hạ Argentina 3-0 và đẩy đội tuyển hai lần vô địch thế giới vào cảnh có thể bị loại khỏi vòng đấu bảng của World Cup.
Bộ Nội vụ Argentina nói trong một tuyên bố rằng Bộ này đã nhận dạng được bốn cổ động viên Argentina trong đoạn video và đã “yêu cầu cơ quan chức năng Nga bắt giữ và trục xuất ngay lập tức” những người này.
Một phát ngôn viên Ban tổ chức của Nga được Reuters trích lời nói rằng vụ việc giờ nằm trong tay của cơ quan pháp luật Nga và sẽ bị xử lý theo luật của nước này.
Đoạn video cho thấy rằng các cổ động viên mặc trang phục với màu áo của đội tuyển Argentina và Croatia đã đấm đá nhau trong khi một số người khác tìm cách can ngăn.
Một cổ động viên Croatia đã bị đấm liên tiếp và bị đá vào đầu trong khi nằm dưới sàn.
FIFA hôm 22/6 nói rằng đang phối hợp với chính quyền địa phương để nhận dạng những người có mặt trong đoạn video.
https://www.voatiengviet.com/a/argentina-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-nga-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-c%E1%BB%95-%C4%91%E1%BB%99ng-vi%C3%AAn-qu%C3%A1-kh%C3%ADch/4452275.html

World Cup 2018 :

Nhật Bản củng cố ngôi vị số 1 châu Á

Trọng Nghĩa
24/06/2018.REUTERS/Marcos Brindicci
Tại Cúp Thế Giới 2018, sau trận thi đấu thứ hai vào hôm qua, 24/06/2018, Nhật Bản khẳng định vị trí cường quốc bóng đá số 1 châu Á. Trong lúc đó thì Ba Lan ngậm ngùi trở thành đội bóng châu Âu đầu tiên bị loại.
Với trận hòa xuất sắc 2-2 hôm qua 24/06/2018 trước một đội Sénégal mạnh bạo, đội tuyển bóng đá Nhật Bản đã mặc nhiên khẳng định được vị trí cường quốc bóng đá châu Á số một của mình, đồng thời hé mở được cánh cửa vào vòng 1/8.
Phải nói là trong bảng H, khi bước vào Cúp Thế Giới 2018, Nhật Bản bị coi là đội lót đường để cho ba đối thủ còn lại, từ Colombia, Senegal, cho đến Ba Lan giành thứ hạng đầu. Không ngờ là ngay trong trận ra quân, các chàng võ sĩ đạo đã bất ngờ đánh bại ứng viên nặng ký nhất vào ngôi vị đầu bảng là Colombia, với tỷ số 2-1.
Trận thắng đó còn bị coi là nhờ thần may mắn phù hộ, và ít ai tin rằng Nhật Bản có thể trụ vững trong trận thứ hai hôm qua trước các tuyển thủ Sénégal châu Phi với thể lực đáng gờm, và quy tụ các chiến binh từng trải trong các câu lạc bộ châu Âu. Thái độ hoài nghi lại càng được củng cố khi Sénégal ngay từ phút thứ 11 đã ghi bàn dẫn trước.
Thế nhưng, được hun đúc trong tinh thần võ sĩ đạo, Nhật Bản đã gỡ hòa ngay trong hiệp 1. Qua hiệp hai, khi lại bị dẫn 2-1, các tuyển thủ xứ hoa anh đào vẫn bình tĩnh thi đấu, và lại gỡ hòa 2-2 cho đến khi trận đấu kết thúc.
Với 4 điểm, sau một trận thắng và một trận hòa, Nhật Bản đã trở thành nước châu Á có thành tích cao nhất sau hai ngày đấu tại Cúp Thế Giới 2018, và đáng nói hơn cả là có nhiều triển vọng đi tiếp vào vòng knock-out đầu tiên.
Đối với các tuyển thủ Nhật Bản, trong trận gặp Ba Lan sắp tới đây, chỉ cần thủ hòa là đội châu Á vào được vòng trong. Đấy sẽ không phải là điều khó khăn nếu căn cứ vào cách thi đấu quá nhiều sơ hở của đội bóng châu Âu, đã để thua cả Sénégal lẫn Colombia trong hai trận vừa qua, và lãnh một tiếng tăm đáng buồn là đội châu Âu đầu tiên bị loại khỏi Cúp Thế Giới sau hai lần đấu.
Ba Lan như vậy đã lọt vào danh sách 8 đội tuyển đã dứt khoát bị loại bất kể kết quả trận đấu thứ ba : Ngoài Ba Lan là đội châu Âu duy nhất, còn có 4 nước Ả Rập là Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Maroc, Tunisie, và ba nước châu Mỹ Latinh là Costa Rica, Panama và Peru.
http://vi.rfi.fr/the-thao/20180625-world-cup-2018-nhat-ban-cung-co-ngoi-vi-so-1-chau-a

Cúp bóng đá thế giới :

Khi chính trị tràn vào sân cỏ

Được truyền thông chú ý khai thác nhiều hơn hẳn bất kỳ sự kiện nào khác, Cúp bóng đá thế giới là nơi để các đội bóng tham dự không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn mà còn cả tinh thần tự hào dân tộc. Sânân cỏ của ngày hội bóng đá thế giới đã nhiều lần trong lịch sử phải chịu sự xâm nhập của chính trị.
Tại World Cup 2018, hai cầu thủ gốc Kosovo góp công lớn giúp Thụy Sĩ đánh bại đội tuyển Serbia (2-1) hôm 22/06. Đó là Granit Xhaka, sinh ra tại Thụy Sĩ trong một gia đình người Kosovo và Xherdan Shaqiri, thì sinh tại Kososvo một tỉnh cũ của Serbia có đa số dân gốc Albani, vẫn luôn đấu tranh đòi quy chế độc lập nhưng Serbia không bao giờ chấp nhận.
Trong trận trên hai cầu thủ gốc Kosovo đã ăn mừng chiến thắng bằng điệu bộ giang hai tay mô phỏng biểu tượng con đại bàng trên quốc kỳ Albani. Hành động này đã được truyền thông chú ý đặc biệt và suy diễn theo hướng chính trị.
Báo chí Serbia sau trận đấu đã phản ứng, coi hành động ăn mừng chiến thắng của hai cầu thủ Thụy Sĩ người gốc Kosovo là một sự « khiêu khích đáng xấu hổ ».
FIFA, trên nguyên tắc cấm mọi biểu hiện mang thông điệp chính trị trong các trận thi đấu tại Cúp thế giới, sau đó một ngày đã thông báo xem xét thủ tục kỷ luật với hai cầu thủ trên mặc dù huấn luyện đội tuyển Thụy Sĩ, Vladimir Petkovic, người gốc Sarajevo ( Bosnia-Herzegovina) đã khẳng định, « không nên lẫn lộn chính trị và bóng đá. Rõ ràng đó là cảm xúc bộc phát. Tất cả chúng ta trên sân cỏ và ở ngoài, đều phải tránh xa chính trị trong bóng đá để tập trung vào môn thể thao quy tụ đông đảo mọi người này ».
Tuy nhiên, thể thao, nhất là bóng đá, với sức hấp dẫn và phổ cập rộng rãi trong xã hội đã nhanh chóng trở thành đấu trường cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị.
Cho dù FIFA cô gắng kêu gọi phi chính trị hóa bóng đá nhưng chính phủ các nước vô tình hay cố ý vẫn cứ sử dụng bóng đá như một công cụ chính trị.
Nhìn lại lịch sử Cúp bóng đá thế giới từ khi ra đời 1930 đến World Cup 2018, không mấy khi ngày hội bóng đá thế giới thoát khỏi sự lợi dụng chính trị, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Cúp thế giới 1934 với chiến thắng của đội tuyển Ý trên sân nhà. Đó là một chiến thắng được Benito Mussolinia mong đợi để chứng tỏ sức mạnh chủ nghĩa phát-xít Ý. Tuyển Ý trở thành nhà vô địch đã trở thành một cơ hội vàng để chính quyền Mussolini tận dụng triệt để tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít Y.
Cúp thế giới 1978 được tổ chức tại Achentina đang trong chế độ độc tài. Đó là một chế độ đã khiến cho 30 nghìn người mất tích, 15 nghìn người bị hành quyết và 1,5 triệu người dân phải sống lưu vong trong khoảng từ 1976 – 1983.
Đội tuyển Achentina đăng quang vô địch khi đó là yếu tố « không thể thiếu » giúpngười dân quên đi những bạo tàn hàng ngày. Không ít các ngôi sao bóng đá thời bấy giờ, trong đó có danh thủ Hà Lan Johann Cruyff đã tẩy chay để phản đối chế độ quân sự Achentina.
Một sự kiện nữa liên quan đến Achentina. World Cup 1986 diễn ra tại Mêhicô. Khi đó cuộc chiến tranh giành quần đảo Malvinas giữa Achentina và Anh đã thế thúc được 4 năm với  phần thắng nghiêng về chính phủ của thủ tướng Margaret Thatcher.
Người Achentina vẫn ôm hận và họ muốn dùng bóng đá làm vũ khí phục thù người Anh. Trong lịch sử Cúp thế giới, chắc không mấy ai quên được cú ghi bàn của Maradona bằng « bàn tay của chúa », loại đội Anh khỏi sân chơi thế giới. Người hùng Maradona sau đó đã thú nhận anh đã dùng tay chơi bóng chỉ vì muốn Achentina phải thắng Anh bằng mọi giá. Theo Maradona, vấn để không phải là một trận thắng mà đó là trận loại người Anh.
Đôi khi chính trị còn tràn trực tiếp xuống sân bóng, ngay giữa trận đấu. Đó là trường hợp của Quốc vương Koweit, Fahid Al-Ahmad, trong trận Koweit gặp Pháp tại World Cup Tây Ban Nha 1982. Ông không giữ được bình tĩnh đã rời khán đài xuống tận sân cỏ để phản đối bàn thắng của cầu thủ Pháp Alain Giresse. Quốc vương xứ dầu mỏ lệnh cho các cầu thủ Koweit rời sân. Sau đó trọng tài không hiểu đã bị sức ép thế nào đã phải hủy bàn thắng của đội Pháp.
Cúp thế giới thời chiến tranh lạnh
Thời kỳ chiến tranh lạnh cũng đã để lại nhiều dấu ấn can thiệp của chính trị vào bóng đá.
World Cup 1950 tại Brazil, hàng loạt các nước Xã hội chủ nghĩa theo Liên Xô như Bulgari, Hungary, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc đã tẩy chay giải đấu. World Cup 1966 tại Anh. Tuyển Bắc Triều Tiên tham dự, nhưng nước chủ nhà không muốn công nhận chế độ Bình Nhưỡng ban đầu đã từ chối kéo cờ Bắc Triều Tiên, tuy nhiên sau đó đã phải rút lại quyết định.
Năm 1974, nước Đức còn bị chia cắt 2 miền Đông – Tây, Cúp thế giới được tổ chức tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Đội tuyển Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã có một chiến thắng 1-0 trước đội chủ nhà. Một chiến thắng tối thiểu ở vòng bảng thôi nhưng đã làm nức lòng người hâm mộ khôgn chỉ người Đông Đức mà còn được đón mừng như một thắng lợi chung của cả khối Xã hội chủ nghĩa. Nhưng giải năm đó, Tây Đức đăng quang ngôi vô địch.
Gần đây hơn là Cúp thế giới tổ chức tại Pháp 1998. Trận cầu giữa đội tuyển Mỹ và Iran được cho là trận cầu hứa hẹn những căng thẳng vì hai nước đang ở giữa cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn. Kết quả Iran giành chiến thắng 2-1, nhưng cả thế giới được chứng kiến cầu thủ cũng như cổ động viên của hai đội đã có những hành vi cử chỉ hữu nghị với nhau đến bất ngờ. Thế nhưng điều đó cũng chẳng cải thiện được gì trong quan hệ Mỹ-Iran.
Mỗi kỳ Cúp bóng đá thế giới diễn ra đều có những căng thẳng chính trị, những hy vọng, thất vọng và niềm hân hoan của người chiến thắng. World Cup 2018 lần này, nước chủ nhà và Anh Quốc đang trong khủng hoảng ngoại giao sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Luân Đôn. Không một thành viên Hoàng gia và chính phủ Anh tới Nga cổ vũ cho đội nhà. Chính quyền Anh còn cảnh báo các cổ động viên nhà cảnh giác khi tới Nga.
Sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái lập các trừng phạt với nước này. Nhà sản xuất thiết bị thể thao Nike đã quyết định ngừng cung cấp giầy cho các cầu thủ Iran.
Chủ tịch FIFA nhiều lần tuyên bố, Cúp bóng đá thế giới không phải là một sự kiện chính trị, nhưng đó vẫn là một trong những sân chơi chính trị cho các quốc gia.
http://vi.rfi.fr/the-thao/20180625-cup-bong-da-the-gioi-khi-chinh-tri-tran-vao-san-co

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.