Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 17/12/2016

Sunday, December 18, 2016 6:22:00 AM // , ,

Tin Việt Nam – 17/12/2016

Truyền thông bất lương: Thượng bất chính hạ tắc loạn

Nam Nguyên, phóng viên RFA
Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn, hôm 14/12/2016 nhìn nhận quản lý nhà nước yếu kém và không chủ động trong lĩnh vực truyền thông báo chí.
Có chức vụ Đảng là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã phát biểu như vừa nêu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của các đơn vị thuộc quyền, gồm Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
Dẹp loạn báo chí
Câu chuyện quản lý nhà nước diễn ra trong bối cảnh, báo chí dòng chính có tới 50 đơn vị dính líu vào chiến dịch truyền thông bẩn mang tên “nước mắm nhiễm độc”. Chiến dịch này được mô tả là do báo Thanh Niên và Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Vinastas cầm trịch.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, một nhân vật bảo thủ, lần đầu tiên được dư luận khen ngợi vì đã nhanh chóng dẹp loạn báo chí. Theo VnExpress bản tin trên mạng ngày 6/12/2016, Bộ Thông tin Truyền thông đã thu hồi thẻ nhà báo của hai lãnh đạo báo Thanh Niên là Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Hoa và Tổng Thư ký Võ Khối của tờ báo. Trước đó ngày 21/11/2016, có đến 50 cơ quan báo chí dòng chính đứng đầu là báo Thanh Niên bị phạt 200 triệu đồng, báo Người tiêu dùng 50 triệu đồng, còn các báo khác từ mức 40 triệu tới thấp nhất là 10 triệu. Có thể nói hầu hết các báo giấy và báo điện tử lớn ở Việt Nam đã rơi vào vũng lầy truyền thông bẩn.
Luật báo chí vừa rồi đã có sửa đổi, do đó những người đứng đàng sau việc này họ không thực hiện đúng chức năng của báo chí là phản ánh dư luận xã hội. 
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu
TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền cho rằng, một số báo chí từng được gọi là báo chí cách mạng, giờ đây chạy theo chủ nghĩa kim tiền và truyền thông bẩn mượn danh ý thức hệ.
Theo lời nhân vật từng được tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đưa vào danh sách 100 anh hùng truyền thông thế giới năm 2014, thì những tờ báo dính vào vụ truyền thông bôi bẩn nước mắm truyền thống đã có được những hợp đồng quảng cáo béo bở; một số nhà báo trực tiếp nhận tiền để giúp một đại công ty nước mắm công nghiệp giành chiếm thị trường 200 triệu lít nước mắm/năm, mà phần lớn đang nằm trong tay các nhà làm nước mắm truyền thống quốc hồn quốc túy. Từ Saigon, TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
“Việc này cho thấy là một bộ phận lớn trong giới truyền thông nhà nước không những vô cảm mà họ còn dính dáng vào những vụ ăn chia bất hợp pháp. Đáng kể hơn là họ đã đạp trên đầu người dân, đạp trên đầu nước mắm truyền thống. Gần đây báo giới xôn xao về chuyện có một nhà báo bị công an khám nhà và tìm thấy tới 168 tỷ đồng tiền mặt trong nhà nhà báo đó, cùng với 8 sổ đỏ tức là chứng nhận sở hữu nhà. Tôi nghe chuyện này và rất ngạc nhiên, không thể tưởng tượng được số tiền tới hơn 7 triệu đô la tiền mặt, tức 168 tỷ đồng nằm trong nhà một nhà báo. Người ta còn khẳng định với tôi những chuyện như thế này ở Hà Nội là bình thường…tình hình thực tế cho thấy truyền thông ở Việt Nam đã bị suy thoái toàn thân… ”
Trên thực tế truyền thông báo chí Việt Nam thuộc về nhà nước, do nhà nước lãnh đạo và quản lý, cho dù cơ quan chủ quản có thể khác nhau về danh hiệu. Đáp câu hỏi về khả năng có sự buông lỏng quản lý trong vụ bê bối truyền thông bất lương, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:
“Luật báo chí vừa rồi đã có sửa đổi, do đó những người đứng đàng sau việc này họ không thực hiện đúng chức năng của báo chí là phản ánh dư luận xã hội. Đối với những người làm sai đó, cơ quan quản lý nhà nước đã căn cứ vào Luật Báo chí để xử lý. Đây là một trò mà dư luận xã hội đã lên án, như vậy xử lý mạnh tay vừa rồi chính là lời cảnh báo đối với những người làm báo không chân chính. Thông qua câu chuyện này thì pháp luật ở Việt Nam cần sửa đổi những quy định, những kẻ hở của Luật Cạnh tranh để có sự cạnh tranh lành mạnh. Về phía các nhà báo, tôi nghĩ rằng luật pháp không thiên vị bất cứ ai, họ có những sai phạm thì phải xử lý một cách nghiêm minh.”
Báo chí và nhóm quyền lực
Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống bày tỏ thái độ bất bình, khi báo chí do nhà nước quản lý lại tiếp tay trở thành công cụ cho kẻ xấu cạnh tranh bất chính. Kỹ sư Lê Anh, chủ hãng nước mắm truyền thống Lê Gia ở Thanh Hóa, mô tả nước mắm truyền thống làm bằng cá, đặc biệt cá cơm ủ chượp với muối trong thùng gỗ, thời gian lên men từ 18 tháng tới 24 tháng mới cho ra sản phẩm nước mắm. Còn nước mắm công nghiệp được cho là sử dụng một lượng nhỏ nước mắm truyền thống rồi pha loãng và cho thêm các phụ gia khác.
Vẫn theo lời ông Lê Anh, vừa rồi truyền thông bất lương trở thành công cụ cho một đại công ty  nước mắm công nghiệp muốn soán đoạt thị trường của nước mắm truyền thống, sản phẩm quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Kỹ sư Lê Anh đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước. Ông nói:
“Nếu tôi nhớ không nhầm, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cũng có nêu ra những bất cập trong quản lý báo chí. Cũng rất may ngoài thông tin các tờ báo lớn còn có thông tin mạng xã hội, thông tin trên internet cho nên mọi thứ được cân bằng hơn. Tuy nhiên là sức mạnh của báo chí, cũng như sự quản lý thì nó chi phối và trách nhiệm của cơ quan quản lý rất quan trọng. Chúng tôi rất mong báo chí truyền thông cũng như cơ quan quản lý nhà nước hãy làm sao để thông tin không bị nhiễu loạn, không bị các thế lực đứng phía sau làm nhiễu loạn vì các mục đích không lành mạnh, không trong sáng.”
Trả lời chúng tôi, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói rằng, khủng hoảng truyền thông bẩn về vụ nước mắm nhiễm độc không phải là biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa trong giới báo chí, mà nó phản ánh một thực tế khác. Ông nói:
Khi nhìn vào quan chức ‘ăn’ thế nào thì thấy báo chí ‘ăn’ chẳng là gì so với quan chức cả, thành thử cứ thoải mái mà ‘ăn’. 
- Ông Phạm Chí Dũng 
“Một số người bạn của tôi bên trong báo giới nhà nước nói thẳng với tôi là ‘Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Khi nhìn vào quan chức ‘ăn’ thế nào thì thấy báo chí ‘ăn’ chẳng là gì so với quan chức cả, thành thử cứ thoải mái mà ‘ăn’.”
VietnamNet đưa tin về Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông dẫn lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, cần lấy sự ổn định của báo chí làm mục tiêu quản lý, báo chí phải ở trong khuôn khổ hoạt động đúng pháp luật. Bộ Thông tin Truyền thông không lấy việc xử phạt làm thành tích.
Giáo sư Trần Hữu Dũng chủ trang mạng Viet Studies ở Hoa Kỳ, khi đưa tin về hoạt động vừa nêu đã bình luận vui rằng, cách “quản lý” tốt nhất cho ông Trương Minh Tuấn là đóng cửa tất cả các báo chí chừa báo Nhân Dân!
Trong khi đó, TS Phạm Chí Dũng từ Saigon nói với chúng tôi là đã quá muộn để Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chấn chỉnh quản lý, làm sạch làng báo. Bởi vì theo lời nhà báo tự do, sâu thẳm bên trong làng báo đã hình thành những tổ hợp khá vững chắc liên kết với những nhóm quyền lực chính trị, đứng sau lưng một nhân vật quyền lực nào đó.

Diễn viên Minh Béo bị tòa Mỹ tuyên án

Bas du formulaire
Bị cáo Hồng Quang Minh, được biết đến với nghệ danh Minh Béo, đã bị tòa án thành phố Westminster, bang California, Hoa Kỳ hôm 16/12 kết án 18 tháng tù về tội tình dục liên quan trẻ em.
Bị cáo bị giam từ cuối tháng Ba, tuy vậy thời gian ở tù của bị cáo đã được tính gần bằng 18 tháng, theo quy định một ngày ở tù bằng hai ngày bình thường nếu tuân thủ nội quy trong tù.
Vì vậy, chỉ vài ngày nữa, đến 19/12, là mãn hạn tù của bị cáo. Theo dự kiến, diễn viên này sẽ được chuyển sang nhà tù của Sở Di trú Mỹ để làm thủ tục trục xuất về Việt Nam.
Thông cáo của Văn Phòng Biện Lý Quận Cam nói ông Minh Béo bị ghi tên suốt đời vào danh sách của những người tấn công tình dục.
Nghệ sĩ hài Việt Nam, sinh năm 1977, bị cảnh sát thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, bắt hôm 24/3/2016.
Ông bị truy tố ba tội danh liên quan hành động dâm ô với trẻ em.
Hôm 10/8, trước tòa, bị cáo nhận tội cho hai cáo buộc “Quan hệ tình dục bằng miệng với một người dưới 18 tuổi” và “toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi”.
Với việc nhận hai tội này, bị cáo bị tòa đề nghị 18 tháng tù giam trước phiên tuyên án ngày 16/12.
Chánh Án Derek G. Johnson khi đó được báo chí dẫn lời nói sau khi thi hành án, bị cáo “sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ, bị từ chối cho quay trở lại, bị từ chối cho trở thành công dân Mỹ”.
Ông Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo, tốt nghiệp khoa diễn viên kịch năm 1999 và khoa đạo diễn năm 2005 tại Việt Nam.
Từ ngày 18/3/2016, ông sang lưu diễn ở California trước khi xảy ra vụ bắt giữ của cảnh sát Mỹ.

Lời kêu gọi thả luật sư Nguyễn Văn Đài

Một kiến nghị của nhiều tổ chức phi chính phủ yêu cầu chính phủ Việt Nam thả luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Kiến nghị được công bố vào ngày 16/12, hơn một năm ngày có quyết định khởi tố bị can luật sư Nguyễn Văn Đài về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.
“Chính phủ Việt Nam phải thả luật sư nhân quyền và blogger Nguyễn Văn Đài ngay lập tức và vô điều kiện,” thông cáo viết. “Chính quyền Việt Nam tiếp tục im lặng về quá trình điều tra, không có dấu hiệu đưa ông ra xử. Hơn nữa, cả vợ và luật sư của ông đều không được thăm”.
Kiến nghị của các tổ chức phi chính phủ trong đó có Phóng viên Không Biên giới, Văn bút Quốc tế, Việt Tân….đã được gửi tới Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc hôm 16/12/2016.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt sau khi ông nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hồi cuối năm 2015.
Tổ chức có tên trong kiến nghị
Phóng viên không biên giới
Văn bút Quốc tế
Việt Tân
Electronic Frontier Foundation (EFF)
Lawyers for Lawyers (L4L)
Medial Legal Defence Initiative (MLDI)
Lawyers’ Rights Watch Canada (LRWC)
Cuộc nói chuyện là một trong hàng loạt sự kiện các nhà hoạt động Việt Nam tổ chức để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế.
Luật sư Đài từng bị tù giam bốn năm và mãn hạn tù ngày 06/03/2011 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước.
Ông cũng bị quản chế bốn năm trong vụ án mà ông và một cộng sự, luật sư Lê Thị Công Nhân, bị bắt vào ngày 06/03/2007.
Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân trước khi bị bắt là hai nhân vật đấu tranh dân chủ tích cực, thành viên chủ chốt của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, một đảng chính trị không được công nhận ở trong nước.
Họ cũng tham gia phong trào đòi dân chủ có tên Khối 8406.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số tám nhà đối kháng Việt Nam được một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ Human Rights Watch trao tặng giải thưởng hồi tháng 2/2007.
Sau khi ra tù, luật sư Đài tiếp tục lên tiếng kêu gọi dân chủ đa đảng tại Việt Nam.

Tin hành lang:

‘nghị định casino’ được bộ tư pháp CSVN thông qua

Bản dự thảo cuối cùng của cái gọi là “Nghị định Casino” vừa được Bộ Tư Pháp và Văn Phòng Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam thông qua.
Trang mạng TechLaw của công ty luật Duane Morris LLP cho hay hôm Thứ Năm 15/12, là nghị định này giờ đây được chuyển lên Bộ Chính Trị và thủ tướng CSVN để xin ý kiến. Theo ông Oliver Massmann của Duane Morris LLP, Nghị định Casino có thể được ban hành ngay trong dịp Giáng Sinh 2016 hoặc đầu năm 2017.
Đến nay, vì nhiều lý do, công chúng Việt Nam vẫn chưa được trông thấy văn bản của nghị định. Bộ Tài Chính Cộng Sản Việt Nam được cho là đã nhận lệnh giữ kín về nghị định này. Theo TechLaw, vấn đề người dân Việt Nam có được phép vào sòng bài hay không sẽ vẫn là một câu hỏi lớn, có lẽ phải chờ quyết định từ cấp cao nhất trong hệ thống chính trị Cộng Sản Việt Nam.
TechLaw cho biết trước đây Bộ Công An CSVN đã đề nghị một dự thảo nghị định, xem casino là một doanh nghiệp có điều kiện, phải được Bộ Công An cấp phép xét dựa trên tình trạng trật tự xã hội địa phương. Ông Massmann chỉ ra rằng, điều đáng chú ý là dự thảo nghị định của Bộ Công An chỉ cấm người Việt đánh bạc với máy, mà không có điều khoản nào cấm công dân Việt Nam vào chơi bài trong casino. Theo TechLaw, đây là mấu chốt cho thấy công dân Việt Nam rất có thể sẽ được vào casino đánh bạc, nếu được “cấp phép” dựa trên một số điều kiện nào đó bao gồm mức lợi tức.
Huy Lam / SBTN

CSVN chuẩn bị làm báo

nhắm vào cộng đồng người Việt hải ngoại

Thủ tướng Cộng Sản Việt Nam vừa chấp thuận một kế hoạch phát triển cái gọi là nền “báo chí đối ngoại”, bao gồm xây dựng một vài tờ báo trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Báo mạng VnEconomy hôm Thứ Năm 15/12 đưa tin về “Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu phát triển một tờ báo điện tử đối ngoại lớn bằng những thứ tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Hoa, Tây Ban Nha và Nga.
Bản quy hoạch xác định cơ quan báo chí đối ngoại chính của Việt Nam sẽ là Thông tấn xã Việt Nam, với các sản phẩm của nó lâu nay gồm báo in, tạp chí in và báo điện tử. Thông tấn xã Việt Nam được giao nhiệm vụ trước năm 2020 sẽ thành lập một số báo in, tạp chí in và báo điện tử đối ngoại “có tầm cỡ khu vực và thế giới”. Thông tấn xã Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ thành lập thử nghiệm một tờ báo hoặc tạp chí in và một tờ báo điện tử nhắm vào một số cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Bản quy hoạch được Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt nêu rõ định hướng về nội dung cho “báo chí đối ngoại”, đó là loan tin theo quan điểm và đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam, và phản hồi kịp thời những thông tin khác đi ngược lại các quan điểm và đường lối này. Quy hoạch cũng nhắc nhở về việc tận dụng công nghệ để “bảo đảm tính kinh tế và tiết kiệm” của các tờ báo sẽ được thành lập ở hải ngoại.
Huy Lam / SBTN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.