Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 17/12/2016

Sunday, December 18, 2016 6:26:00 AM // , ,

Tin khắp nơi – 17/12/2016

Ấn bác phản đối của Trung Quốc

về cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma

Ấn Độ ngày 16/12 bác phản đối của Trung Quốc về cuộc gặp trước đây trong tuần giữa Tổng thống Pranab Mukherjee với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bộ Ngoại giao Ấn khẳng định sự kiện này không mang tính chính trị.
Cuộc gặp diễn ra tại Rashtrapati Bhawan nhân một thượng đỉnh do Quỹ Nhi đồng của Khôi nguyên Nobel, Kailash Satyarthi, tổ chức hôm 10/12.
Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh hết sức thất vọng và phản đối việc này.
Đáp lại, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ấn, Vikas Swarup, bác bỏ hoàn toàn phản đối của Bắc Kinh rằng: “Quý vị biết rõ lập trường kiên định của Ấn. Đức Đạt Lai Lạt Ma là một lãnh tụ tinh thần đáng kính. Đó là một sự kiện phi chính trị do các Khôi nguyên Nobel tổ chức hướng tới phúc lợi của trẻ em.’
Ấn đã mời Đức Đạt Lai Lạt Ma năm tới sang thăm Tawang, thị trấn trên biên giới Ấn-Trung, tâm điểm tranh chấp giữa hai nước. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang sống lưu vong tại Ấn.
Theo Indian Express

Trung Quốc trả tàu lặn lại cho Mỹ ‘đúng cách thức’

Trung Quốc hôm thứ Bảy 17/12 cho hay quân đội của họ đang liên lạc với phía Mỹ để “giao trả lại đúng cách thức” một thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ bị Trung Quốc “bắt” trong hải phận quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông.
Bắc Kinh không cho biết khi nào vụ này mới được giải quyết.
Ngũ giác đài sử dụng các kênh ngoại giao để yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức trả lại thiết bị lặn không người lái khảo sát đại dương và yêu cầu Trung Quốc không lập lại những vụ việc như vậy nữa. Mặc dù không có người lái, thiết bị lặn tự hành này vẫn thuộc chủ quyền và được bảo vệ của tàu hải quân Mỹ.
Đại tá Hải quân Jeff Davis, phát ngôn viên Ngũ giác đài, nói: “Đây là một hành động bất tuân luật pháp quốc tế. Rõ ràng chúng tôi không xem một quân đội chuyên nghiệp như của Trung Quốc lại đi làm một chuyện không xứng tầm như vậy.”
Đại tá Davis nói với các phóng viên báo chí rằng một tàu khảo sát hải dương có người điều khiển của Hải quân Mỹ hôm thứ Năm đang thu hồi hai thiết bị lặn không người lái “bị ngưng hoạt động dưới lòng biển” cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 93 kilômét thì một tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện.
Ông Davis nói tàu khảo sát của Mỹ “đã cố gắng liên lạc qua sóng radio, yêu cầu trả thiết bị lại. Tàu Hải quân Trung Quốc phản hồi có nhận sóng liên lạc radio, có nghĩa là sóng radio thông suốt, nhưng tàu chiến Trung Quốc vẫn phớt lờ yêu cầu trả thiết bị.”
Người phát ngôn của Ngũ giác đài này nói tiếp rằng Trung Quốc không cho biết lý do họ thu bắt thiết bị lặn không người lái mà ông nói trị giá khoảng 150.000 đôla này.
Thủy thủ của tàu chiến Trung Quốc trong lúc tàu của họ rời khỏi địa điểm đó đã trả lời bằng sóng radio cho tàu của Mỹ rằng “chúng tôi tiếp tục hoạt động thường nhật của chúng tôi,” theo lời Đại tá Davis.
Ngũ giác đài nói rằng hai thiết bị lặn đang thực hiện những khảo sát để tìm giải đáp cho một số thông tin, trong đó bao gồm những dữ liệu như nhiệt độ, độ trong, độ mặn của nước biển và tốc độ âm thanh lan truyền trong môi trường nước đó. Các dữ liệu giúp việc nghiên cứu về định vị dưới nước được Hải quân Mỹ khảo sát và thu thập ở các hải phận quốc tế trên khắp thế giới.
Hai thiết bị lặn này được lập trình để tự vận hành và dừng lại trong hải phận quốc tế ở Biển Đông để tàu khảo sát thu hồi.

Ông Trump được kêu gọi

đối đầu với Trung Quốc về nhân quyền

Người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong ngày 16/12 tuyên bố ông cảm thấy khích lệ vì quan điểm cứng rắn của Tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump đối với Trung Quốc và thúc giục ông Trump tỏ ra cương quyết đối đầu hơn nữa.
Ông Lobsang Sangay, một học giả luật khoa từng tốt nghiệp đại học Havard, nói vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ngày càng trầm trọng trong khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra gây hấn, từ việc đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông đến đàn áp bất đồng chính kiến tại Hong Kong.
Ông Sangay kêu gọi đã đến lúc phải áp lực chính phủ Trung Quốc, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động thực tế. “Hãy thẳng thắn về những gì đang diễn ra ở Tây Tạng và tại Trung Quốc nói chung để nêu vấn đề,” ông nhấn mạnh.
Bắc Kinh lâu nay bác các cáo buộc về đàn áp nhân quyền tại Tây Tạng và khẳng định tôn trọng tự do tôn giáo. Trung Quốc quy trách lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cổ súy bất ổn.
Ông Sangay nói ông Trump đã tỏ dấu sẽ có chính sách thẳng thắn, cương quyết với Trung Quốc và 6 triệu dân Tây Tạng trong nước cùng 150 ngàn người Tây Tạng lưu vong đang trông chờ xem ông sẽ hành động như thế nào.
Ông Sangay cho biết phong trào Tây Tạng chưa chính thức tiếp xúc với đội ngũ của ông Trump nhưng sẽ sớm xúc tiến việc này ngay khi Tổng thống tân cử Mỹ lập xong nội các.
Vẫn theo lời ông, người Tây Tạng kỳ vọng ông Trump, cũng như các vị Tổng thống trước là Barack Obama và George W. Bush, sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài sang Mỹ vào năm tới.
Bắc Kinh xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần tử ly khai nguy hiểm, đang mưu tìm độc lập cho Tây Tạng. Vị lãnh tụ tinh thần này nói rằng Ngài chỉ muốn tự trị đúng nghĩa cho quê nhà.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ nước sang Ấn Độ sống lưu vong từ năm 1959 sau cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Ông thành lập Chính quyền Tây tạng Trung ương ở Dharamsala, Ấn.

FBI, CIA đồng thuận

về động cơ Nga tấn công tin tặc bầu cử Mỹ

FBI ủng hộ kết luận của CIA rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với mục tiêu hậu thuẫn cho ứng viên đảng Cộng hòa, Donald Trump.
Trong thông điệp gửi cho nhân viên, Giám đốc CIA, John Brennan, cho biết ông đã nói chuyện với Giám đốc FBI, James Comey, và cả với Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper.
Ông Brennan viết rằng: “giữa chúng tôi có sự đồng thuận mạnh mẽ về phạm vi, bản chất, và ý định của Nga trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của chúng ta.”
Một giới chức Mỹ đã xem qua thông điệp của Giám đốc CIA xác nhận tin này với hãng thông tấn AP ngày 16/12.
Tổng thống Barack Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ trả đũa Nga vì nhúng tay vào tiến trình bầu cử Mỹ, một cáo giác mà điện Kremlin phủ nhận.
Ông Obama tuyên bố sẽ nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin liên quan các quan ngại về hành động của Nga. Tổng thống Mỹ nói hễ một chính phủ nước ngoài tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ, nước Mỹ phải có hành động ‘và chúng ta sẽ hành động vào thời điểm và địa điểm chúng ta tự chọn.’
Phát biểu của Tổng thống Obama là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy cách đáp trả Mỹ đang dự tính chưa xảy ra.
Tòa Bạch Ốc nhiều tháng nay quả quyết rằng một khi Mỹ trả đũa, có thể sẽ không công bố công khai.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói chuyện Nga tấn công tin tặc để giúp ông Trump trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton là một ‘thực tế.’
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, ngày 15/12 cũng chỉ trích ông Trump về việc không thừa nhận thực tế này và về những công kích của ông đối với ngành tình báo Mỹ.
Phát ngôn nhân của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, gọi các cáo buộc chống lại Moscow là vô căn cứ và không thích hợp.
Chưa có bằng chứng cụ thể hay thuyết phục nào được trưng ra công luận về vai trò hoặc sự hiểu biết của ông Putin liên quan các vụ tấn công tin tặc vừa kể.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc viện dẫn một đánh giá tình báo được công khai hồi tháng 10 nói rằng ‘chỉ các giới chức cao cấp nhất của Nga mới có thể ra lệnh cho các hoạt động này.’
Ông Trump ngày càng bị áp lực nhiều hơn từ cả hai đảng buộc phải thừa nhận chuyện Nga có tấn công tin tặc dù ông một mực khăng khăng rằng không tin Moscow đã ra tay.
Ông Trump cũng bác đánh giá của CIA rằng mục đích của Nga là nhằm giúp ông đắc cử. Ông phản pháo trên Twitter: “đây cũng chính là những người từng tuyên bố rằng Saddam Hussein có võ khí hủy diệt hàng loạt.”
Các tố cáo nhắm vào Tổng thống Nga gợi ý rằng ông Putin đã tác động đến cuộc bầu cử Mỹ, gây phương hại cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ chưa đoan chắc rằng nếu không được Nga hỗ trợ thì ông Trump đã bị bà Clinton đánh bại trong cuộc bầu cử hôm 8/11 và cũng chưa có chỉ dấu nào cho thấy Nga can thiệp vào quá trình kiểm phiếu.

Ông Trump gọi

phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest là ‘ngốc’

Hôm thứ Năm, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục đi “tạ ơn” cử tri ở các tiểu bang, những người đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử. Trong dịp này ông đã chỉ trích phát ngôn viên hàng đầu của Tổng thống Barack Obama.
Tại một cuộc mít tinh ở Hershey, bang Pennsylvania, ông Trump chỉ trích thư ký báo chí của Tổng thống Obama, ông Josh Earnest, người đã bày tỏ hoài nghi trong cuộc họp báo hàng ngày về một số người được ông Trump chọn vào các chức vụ chính phủ.
Ông Trump nói: “Gã ngốc Josh Earnest, tôi không biết gã ấy có trao đổi trước với Tổng thống Obama hay không. Vị trí thư ký báo chí đúng là rất quan trọng, đằng này anh ấy truyền tải một thông điệp quá tệ hại. Gã ấy có thể loan báo một thông điệp tích cực thành một tin đáng lo ngại. Gã có thể loan báo rằng thưa quý vị hôm nay chúng ta đã đánh bại hoàn toàn nhà nước Hồi giáo IS, nhưng nghe như chẳng có gì phấn khởi cả.”
Ông Trump sẽ công bố lựa chọn người làm phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc trong vài ngày tới.
Trong khi đó, ông sẽ tiếp tục hành trình “cảm ơn” tại Orlando, Florida vào hôm thứ Sáu và tại Mobile, Alabama vào ngày thứ Bảy.”
Hôm thứ Năm, ông Trump cũng đề cử Nghị sĩ Ryan Zinke, đại diện bang Montana làm Bộ trưởng Nội vụ.
Ông Zinke, một cựu biệt kích SEAL của Hải quân, là người ủng hộ việc xem đất công thuộc quyền sở hữu của liên bang. Chức bộ trưởng nội vụ sẽ đặt ông vào thế khó, vì quan điểm của ông đi ngược lại với các đảng viên Cộng hòa, những người ủng hộ tư nhân hóa, hoặc giao cho các tiểu bang kiểm soát đất công. Nhưng ông có cùng quan điểm với ông Trump đó là đất công nên được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Ông Trump chọn nhân vật gây tranh cãi làm đại sứ Mỹ ở Israel

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử một nhân vật gây tranh cãi làm đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Israel.
Luật sư chuyên ngành phá sản, ông David Friedman có khuynh hướng cực hữu được ông Trump chọn làm tân đại sứ Mỹ ở Israel.
Ông Friedman từng phản đối một chính sách Đại tướng của Hoa Kỳ trong khu vực, đó là giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine chung sống hòa bình. Ông từng ví người Do Thái cấp tiến ở Hoa Kỳ giống như người Do Thái đã giúp phát xít Đức trong Thế chiến II.
Trong tuyên bố xác nhận được đề cử, ông Friedman cho biết ông mong đợi làm đại sứ “ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô vĩnh cửu Jerusalem của Israel.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ hiện nay của Israel là ở Tel Aviv. Jerusalem là thành phố mà cả hai nước Israel và Palestine đều tuyên bố là thủ đô của mình. Quy chế của Jerusalem lâu này luôn là một phần tranh chấp trong các cuộc hòa đàm.
Ông Friedman là một cố vấn của Trump trong chiến dịch tranh cử, khi đó ông Trump cho biết ông sẽ chuyển tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem, một biện pháp chắc chắn sẽ khiến quốc tế phản đối, đặc biệt là từ thế giới Ả Rập.
Thị trưởng thành phố Jerusalem Nir Barkat nói với hãng tin Associated Press rằng vào tuần này ông đã trao đổi với các nhân viên của ông Trump về việc di dời tòa đại sứ về Jerusalem. Ông Barkat nói cuộc hội thoại của ông khiến ông tin tưởng rằng ông Trump sẽ rất nghiêm túc về việc di dời tòa đại sứ.

Đánh bom xe buýt ở Thổ Nhĩ Kỳ, 13 binh sĩ thiệt mạng

Một xe ô-tô gài bom nổ ngay cạnh một chiếc xe buýt ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ làm 13 quân nhân thiệt mạng và 55 người, đa số là binh sĩ, bị thương. Sáu nạn nhân đang trong tình trạng nguy cấp.
Vụ nổ xảy ra tại thành phố Kayseri đã phá hủy chiếc xe buýt đang chở các binh sĩ trên đường làm nhiệm vụ. Vụ tấn công xảy ra gần một trường đại học.
Giới hữu trách nói rằng chiếc ô-tô mang bom chạy gần vào chiếc xe buýt và được kích nổ.
Chưa ai tuyên bố thực hiện vụ đánh bom, nhưng Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Veysi Kaynak nói rằng vụ tấn công này giống vụ xảy ra cánh nay một tuần mà một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị đặt ngoài vòng phát luật tuyên bố đã thực hiện.
Vụ tấn công tuần trước xảy ra gần một sân vận động ở Istanbul, làm 44 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Động đất mạnh 7,9 độ Richter gần Papua New Guinea
Một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ở độ sâu 73 kilômét đã xảy ra tại khu vực New Ireland của Papua New Guinea hôm thứ Bảy 17 tháng 12.
Trung tâm Sóng thần Thái Bình Dương ra cảnh báo nguy cơ sóng thần tại các khu vực gần cơn địa chấn.
Tuy nhiên trung tâm nói rằng Hawaii và những khu vực xa hơn không bị sóng thần đe dọa.
Chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong, nhưng một trận động đất mạnh như vậy là rất nguy hiểm cho dù nó xảy ra tương đối sâu dưới lòng đất.

TQ bác tố cáo gieo ‘vũ khí sinh học’ tại Indonesia

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Indonesia khuyến cáo các tin tức truyền thông tố cáo Trung Quốc dùng ‘vũ khí sinh học’ chống lại Indonesia sau khi 4 công dân Trung Quốc bị bắt vì gieo trồng hạt ớt nhiễm khuẩn.
Các bài báo lan truyền trên khắp Indonesia đã dấy lên làn sóng bài Trung trên mạng xã hội tại quốc gia trong lịch sử và cả trong thời gian gần đây đã nổi lên tinh thần chống cộng sản, chống Trung Quốc.
Nhà chức trách cho hay các hạt ớt nhập cảng bị tịch thu tại một nông trại cách thủ đô Jakarta chừng 60 cây số về hướng Nam có chứa vi khuẩn gây hại cho mùa màng nhưng vô hại cho con người.
Giới hữu trách đã cho tiêu hủy hạt giống và phá bỏ những cây ớt do 4 người Trung Quốc và 30 nhân công gieo trồng trên một khoảnh thuê gần thị trấn Bogor.
Tòa đại sứ Trung Quốc nói tố cáo về âm mưu dùng vũ khí sinh học phá hoại kinh tế Indonesia là vô căn cứ và hết sức gây quan ngại.
“Chúng tôi hy vọng quan hệ song phương và hữu nghị giữa người dân Trung Quốc-Indonesia không bị ảnh hưởng bởi vụ này,” thông cáo của sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Tình cảm thiếu thân thiện với Trung Quốc tại quốc gia Hồi giáo Indonesia đặc biệt dâng cao trên mạng xã hội giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông và trong chiến dịch tái tranh cử của thống đốc Jakarta, một tín đồ Cơ đốc giáo gốc Hoa.
Nhìn chung, người gốc Hoa khá giả hơn các nhóm sắc tộc khác tại Indonesia và dân Indonesia lâu nay vẫn quan niệm rằng các công dân gốc Hoa kém ái quốc hơn các công dân khác của Indonesia.

Tin giả lan truyền trong chính giới Indonesia

Vào tháng trước, các nhà lãnh đạo của một nhóm Hồi giáo cực đoan mang tên Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) đã phải nhập viện sau khi bị quân đội Indonesia đánh đập tại trụ sở của FPI.
Trên thực tế, không có việc đó xảy ra. Nhưng hàng ngàn người Indonesia vẫn nghĩ rằng việc này có thật, nhờ vào một câu chuyện ngụy tạo được phổ biến trước khi diễn ra cuộc biểu tình hàng loạt ở Jakarta vào ngày 2/12. Một số trang mạng cho rằng nhà lãnh đạo FPI Habib Rizieq, người tổ chức cuộc biểu tình chống thống đốc gốc Hoa của Jakarta, đã bị nhà nước lạm dụng.
Tin không có thật đó tiếp tục lan truyền trong dân chúng vốn rất chuộng truyền thông xã hội, ít nhất là từ năm 2014, khi họ đe dọa phá vỡ các chiến dịch của tổng thống đương nhiệm Joko “Jokowi” Widodo. Nhưng tình hình trong những tháng gần đây nghiên trọng hơn, khi căng thẳng giáo phái tăng cao do việc xét xử vị thống đốc Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama của Jakarta tội báng bổ đạo Hồi.
Tuần này, tướng quân đội Gatot Nurmantyo nói rằng những tin tức giả đã cho thấy có sự can thiệp của nước ngoài vào nội tình chính trị Indonesia. Việc này cho thấy chính phủ Indonesia, dù có kiểm duyệt, cũng không thể ngăn chặn tin giả mạo làn truyền bằng cách chỉ chặn các trang web có vấn đề.
Bộ thông tin liên lạc Indonesia đã chặn một số trang web đưa tin tức giả mạo, tuy nhiên việc lập trang web mới ở nước này khá dễ dàng và không quá tốn kém.

Phó TT Philippines phản đối

chiến dịch diệt ma túy của ông Duterte

Việc từ chức khỏi nội các gây nhiều sóng gió của Phó Tổng thống Philippines sẽ cho phép bà phản đối quyết liệt hơn đối với chiến dịch chống ma túy đẫm máu, gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế của Tổng thống Rodrigo Duterte, mặc dù sự phản đối kịch liệt của bà có lẽ sẽ không làm thay đổi các chính sách của ông Duterte.
Theo truyền thông Philippines, vào đầu tháng này Phó Tổng thống Leni Robredo đã từ bỏ chức danh Bộ trưởng Nhà ở trong nội các sau khi ông Duterte yêu cầu bà không được tham dự các cuộc họp. Bà đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông Duterte. Chiến dịch này đến nay ước tính đã giết chết 5.000 người.
Hôm thứ Hai, ông Duterte nói tại một diễn đàn doanh nghiệp rằng khi làm thị trưởng thành phố Davao chính ông đã ra tay giết người. Davao là thành phố lớn thứ hai của Philippines, nơi ông đã làm thị trưởng 22 năm, trước khi trở thành tổng thống.
Ông Eduardo Araral, một giáo sư chính sách nhà nước của Đại học Quốc gia Singapore, nói bà Robredo có lẽ sẽ phải đi vận động công chúng trên khắp đảo quốc này. Nhưng hiện giờ ông Duterte vẫn còn được người dân tín nhiệm vì các chính sách quyết đoán của ông đối với vấn đề tội phạm ma túy hết sức nghiêm trọng.
Ông Araral nói: “Bà phải đi khắp nước để vận động công chúng từ các làng xã địa phương ủng hộ bà tập hợp sức mạnh cho phe đối lập.”
Philippines bầu cử tổng thống và phó tổng thống riêng biệt với mục đích kiểm tra và cân bằng quyền lực. Ông Duterte của đảng Dân chủ Philippines (PDP Laban) thắng cử tổng thống vào tháng 5. Đảng của ông được thành lập vào năm 1982 để ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa liên bang. Bà phó tổng thống cũng ra tranh cử vào tháng 5, nhưng thuộc Đảng Tự do, được thành lập cách nay 70 năm.
Bà Georgina Hernandez, người phát ngôn của bà Robredo, nói rằng bà Robredo đã từ chức bộ trưởng nội các sau khi không “nói chuyện được” với ông Duterte thông qua một trợ lý đặc biệt.
Bà Hernandez nói thêm rằng bà Robredo, một luật sư 52 tuổi và là nhà hoạt động xã hội, sẽ tập trung nỗ lực văn phòng phó tổng thống mà thôi, với nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục, phát triển nông thôn, các quyền của phụ nữ và giảm nghèo trên khắp đất nước. Bà sẽ là một “tiếng nói thống nhất của phe đối lập.”
Bà Hernandez nói: “Trong chừng mực nào đó bà Robredo đã khảng khái chống lại vụ giết người trái phép, chống lại việc hạ độ tuổi của tội phạm, cũng như qui định án tử hình. Nạn nhân của những vụ giết người thuộc các gia đình nghèo.”
Ông Duterte cho biết ông sẽ yêu cầu Quốc hội Philippines khôi phục án tử hình, vốn đã bị hủy bỏ vào năm 2006. Các nhà lập pháp đã đề xuất cắt giảm tuổi hợp pháp của tội phạm từ 15 xuống 9 tuổi.
Sự phản đối của bà Robredo về việc giết người ngoài vòng pháp luật theo dự kiến sẽ không gây ảnh hưởng đến chiến dịch chống ma túy hay các chính sách khác của ông Duterte. Người dân ở các thành phố của Philippines nói rằng họ cảm thấy an toàn hơn khi Duterte nhậm chức và loại trừ bọn mua bán ma túy nhan nhản ở các góc phố. Vào tháng Mười, cuộc thăm dò do Pulse Asia thực hiện cho thấy ông Duterte được 86% người ủng hộ.
Theo số liệu của Cảnh sát quốc gia Philippines, tội phạm ghi nhận đã tăng từ 217.812 vụ trong 2012 đến 1.160.000 vụ trong năm 2014, một xu hướng gia tăng trong nửa đầu năm ngoái.
Các vụ giết người là nghi phạm ma túy trái phép đã tạo ra sự chú ý của quốc tế, bao gồm cả những lời chỉ trích vi phạm nhân quyền từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Di tản thường dân Aleppo được nối lại

Một thỏa thuận đạt được hôm thứ Bảy 17/12 để nối lại việc di tản thường dân ra khỏi vùng chiến sự ở thành phố Aleppo của Syria. Cuộc di tản bị dừng lại hôm thứ Sáu theo yêu cầu của các lực lượng thân chính phủ muốn dân chúng ở hai làng Foua và Kfarya cũng được rời khỏi hai làng đó. Người dân ở hai làng này sẽ được di tản trong ngày thứ Bảy.
Chính phủ Syria đã ngưng cuộc di tản hôm thứ Sáu sau khi có những vụ nổ lớn và tiếng súng ở Aleppo. Phe nổi dậy và các lực lượng chính phủ đổi lỗi cho nhau đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vốn mong manh.
Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc, ông Filippo Grandi hôm thứ Bảy cảnh báo rằng bạo động ở Aleppo có thể lan sang vùng lân cận nếu Syria không chấm dứt bạo động ngay lập tức.
Các hãng truyền thông của Nga hôm thứ Bảy loan tin rằng Bộ Ngoại giao Nga hy vọng phiến quân nổi dậy rút khỏi đông Aleppo sẽ dẫn đến khả năng có những thỏa thuận ngừng bắn mới cho các khu vực khác của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã tham dự nhiều vào tiến trình hòa bình cho Aleppo, nói rằng việc ngưng di tản thường dân chỉ là tạm thời.
Chính phủ Syria nói phe nổi dậy đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn bằng việc tìm cách đưa vũ khí hạng nặng và con tin ra khỏi Aleppo. Ngược lại phe nổi dậy tố cáo chính phủ Syria ngưng cuộc di tản để tăng áp lực đòi họ thả thường dân ra khỏi hai làng Foua và Kfarya – là hai làng của người Shia do chính phủ kiểm soát đang bị phe nổi dậy bao vây.
Chính quyền Syria nói việc di tản thường dân ở hai làng này phải được diễn ra cùng lúc với việc di tản ở khu vực đông Aleppo, nhưng phe nổi dậy nói rằng hai việc đó không liên hệ với nhau.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước ông đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức một vòng hòa đàm mới cho Syria với mục tiêu là một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã họp kín hôm thứ Sáu để thảo luận về vấn đề Aleppo và sẽ có thêm các cuộc thảo luận nữa dự trù sẽ diễn ra trong ngày thứ Bảy.
Pháp, nước triệu tập cuộc họp, muốn chuẩn bị sẵn các quan sát viên để theo dõi cuộc di tản thường dân. Các thỏa thuận ngừng bắn trước đây dường như đã đổ bể ngay tức khắc sau khi ký khiến cho nỗ lực di tản thường dân không thể nào thực hiện được.

IOM: Số di dân tử vong tăng cao kỷ lục trong năm 2016

Công bố mới nhất của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) nói trung bình mỗi ngày có 20 di dân thiệt mạng trong năm 2016, vượt xa con số của những năm trước.
Phúc trình của IOM phổ biến hôm thứ Sáu nói trong số gần 7.200 người thiệt mạng ghi nhận được, hơn phân nửa xảy ra tại Ðịa trung hải trong các chuyến vượt biển của di dân trên đường hướng đến Hy Lạp, Italia, Đảo Síp và Tây Ban Nha.
IOM nói số di dân thiệt mạng tăng cao ở Ðịa trung hải thật sự đáng báo động bởi vì số di dân nói chung cập bờ châu Âu đã giảm mạnh trong năm nay so với năm trước, từ 883.393 người của năm 2015 xuống 357.249 người trong năm nay.
Số di dân thiệt mạng ở Trung Mỹ, biên giới Mỹ Mexico, bắc và nam châu Phi cũng tăng cao hơn mức của những năm trước. Số liệu của IOM ghi nhận 5.740 di dân thiệt mạng hoặc mất tích trong năm 2015 và 5.267 người trong năm 2014.
IOC ước tính sẽ có thêm khoảng 300 di dân nữa có nguy cơ thiệt mạng trong khoảng thời gian từ bây giờ đến hết năm nếu làn sóng di dân vẫn tiếp tục. Tổ chức này cũng cho biết là khó có thể biết được con số thiệt mạng chính xác. Số liệu của bản báo cáo vừa được sửa lại đêm hôm thứ Năm, khi có tin thêm 88 người nữa có thể đã mất tích vì thuyền vượt biển của họ theo tin nói đã bị đắm ngoài khơi của Libya.

Ban Ki-moon có thể tranh cử tổng thống Nam Hàn

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tỏ ý ông có thể sẽ sớm tranh cử tổng thống tại Nam Hàn.
Nhiệm kỳ của ông Ban sẽ kết thúc vào cuối tháng 12 này.
Trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách lãnh đạo LHQ, ông Ban nói rằng sau khi nghỉ ngơi đôi chút ông sẽ trở về Nam Hàn và cân nhắc làm gì để có thể giúp được nước ông tốt nhất.
Bầu cử tổng thống Nam Hàn được lên lịch vào tháng 12 năm 2017.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử có thế được tiến hành trong vòng hai tháng kể từ khi quốc hội nước này bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì bê bối.
Bà Park bị cáo buộc để một người bạn thân trục lợi từ mối quan hệ của hai người.
Nếu tòa hiến pháp giữ nguyên lá phiếu quyết định luận tội vào tuần trước, bà sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị phế truất và bầu cử tổng thống có thể được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Tòa hiến pháp có 180 ngày để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Ông Ban đưa ra bình luận trong bối cảnh tiếp tục có các cuộc biểu tình tại Seoul.
Các cuộc biểu tình vào cuối tuần này dự kiến tiếp tục kêu gọi bà Park từ chức ngay lập tức và thúc giục tòa hiến pháp chính thức hạ bệ bà.
Đây là tuần thứ tám liên tục diễn ra biểu tình chống bà Park.

Obama từng yêu cầu Putin ‘ngừng tấn công mạng’

Tổng thống Barack Obama nói ông đã từng ra lệnh cho ông Vladimir Putin “dẹp trò tấn công mạng” trong một cuộc đối thoại về truy cập lén email trước kỳ bầu cử Mỹ.
Với ngụ ý rằng Tổng thống Nga biết về các vụ truy cập mạng, ông Obama nói: “Ở Nga chằng có chuyện gì xảy ra mà lại thiếu Putin.”
Tổng thống Obama nói ông đã cảnh báo ông Putin về hậu quả nghiêm trọng tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín.
Một tháng sau đó, Hoa Kỳ cáo buộc Nga can thiệp vào tiến trình dân chủ của họ.
Ông Obama hứa sẽ phản ứng “tương xứng” với việc email của Đảng Dân chủ và của chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng viên Hillary Clinton bị truy cập lén.
Ông dường như tỏ ý rằng Hoa Kỳ có thể tấn công bằng sức mạnh mạng của riêng mình, và nói: “Bất cứ điều gì họ làm ảnh hưởng tới chúng tôi, chúng tôi có khả năng làm như thế với họ”.
Phát biểu của ông Obama được đưa ra trong cuộc họp báo cuối năm.
Trong khi đó, bà Hillary Clinton lần đầu tiên quy thất bại bầu cử tổng thống Mỹ cho tin tặc Nga.
Bà nói với các nhà tài trợ đảng Dân chủ rằng Tổng thống Putin có “bất mãn” khi bà mô tả bầu cử quốc hội Nga năm năm trước là bị dàn xếp.
Bà cũng nói việc giám đốc FBI James Comey công bố thư đã khiến bà thua tại một số bang chủ chốt.
Trong khi đó, tin tức nói FBI ủng hộ đánh giá của CIA rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ.
Trong thông điệp gửi nhân viên, Giám đốc CIA John Brennan tuyên bố ông đã gặp ông Comey và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper, và “có đồng thuận mạnh mẽ về quy mô, tính chất, dự định của Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống”.
Báo New York Times dẫn lời bà Clinton: “Putin công khai đổ lỗi cho tôi vì nhân dân Nga nổi giận, đó là liên hệ trực tiếp giữa những gì ông ta nói khi đó và những gì ông ta làm trong bầu cử này.”
“Đây là cuộc tấn công đất nước chúng ta.”
Hôm thứ Năm, một phát ngôn nhân Nhà Trắng nói Tổng thống Putin liên quan các cuộc tấn công mạng.
Vụ để lộ các email đã làm mất mặt đảng Dân chủ vào thời điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử.
CIA nói động cơ của Nga là tạo thuận lợi cho ông Donald Trump, nhưng không công bố bằng chứng.
Ông Trump, người thắng cử, bác bỏ tuyên bố này, gọi nó là “ngớ ngẩn” và có động cơ chính trị.
Giám đốc FBI James Comey gây quan tâm khi ông loan báo điều tra máy chủ email của bà Clinton, 11 ngày trước bầu cử. Vụ này được ngừng hai ngày trước khi cử tri Mỹ đi bầu.

Syria: Damas và phe nổi dậy đồng ý

tiếp tục chiến dịch sơ tán ở Aleppo

Vào hôm nay, 17/12/2016, quân đội chính phủ Damas và lực lượng nổi dậy tại thành phố Aleppo, đã lại đạt được một thỏa thuận mới để hoàn thành việc sơ tán khu vực phía đông Aleppo vẫn nằm trong tay phiến quân. Công cuộc sơ tán bắt đầu hôm 15 vừa qua đã bị đình chỉ hôm qua vì lực lượng thân Damas đã đòi phải cho sơ tán hai ngôi làng bị quân nổi dậy bao vây.
Thông tin về thỏa thuận sơ tán mới đã lần lượt được một thủ lãnh phiến quân và một quan chức chính phủ Syria loan báo.
Phát biểu trên đài truyền hình Ả Rập Arabiya al Hadath, đại diện phiến quân al Farouk Abu Bakr đã giải thích rằng thỏa thuận dự trù việc di tản hai ngôi làng al Foua và Kefraya của người Shia ở tỉnh Idleb bị quân nổi dậy bao vây, sơ tán người bị thương ra khỏi Madaya và Zabadani, hai thị xã gần biên giới Liban đang bị lực lượng thân phong tỏa, đồng thời với việc sơ tán toàn bộ vùng phía đông Aleppo vẫn nằm trong tay phiến quân.
Thông tin trên đã được giới thân cận với chính phủ Syria xác nhận. Một thành viên trong đoàn đàm phán của chính quyền Syria cho biết là hai bên đã « quyết định nối lại các cuộc di tản khỏi Đông Aleppo, song song với việc sơ tán (về mặt y tế) khởi Kefraya et al Foua và một số trường hợp ở Zabadani và Madaya ».
Pháp trình dự thảo nghị quyết nhân đạo
Trước thảm cảnh xẩy ra tại Aleppo, Pháp vào hôm qua đã đưa ra trước Hội Đồng Bảo An một dự thảo nghị quyết nhân đạo. Văn kiện chưa thật sự hoàn chỉnh, dự kiến triển khai quan sát viên quốc tế để bảo đảm việc di tản khoảng 40.000 thường dân, mà theo Liên Hiệp Quốc, vẫn còn kẹt lại trong khu vực của phe nổi dậy. Nga tuy nhiên đã nêu lên một số bất đồng.
Thông tín viên RFI, Marie Bourreau, tường thuật từ New York
” Điểm bất đồng đầu tiên mà Nga nêu lên rất lớn : Ngưng bắn và di tản thường dân đang dậm chân tại chỗ ở Aleppo. Và phải trở lại thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của Nga trước khi tiến thêm trên lãnh vực nhân đạo.
Nhưng Paris muốn đi nhanh và đề nghị một văn kiện được Mỹ ủng hộ, và có thể được bỏ phiếu thông qua vào cuối tuần này để ‘tránh một thảm họa như Srebrenica’.
Văn kiện yêu câu di tản thường dân một cách an toàn, dưới sự bảo trợ của quan sát viên quốc tế. Những người này có thể là nhân viên Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại Syria và sẽ được triển khai đến Aleppo.
Nghị quyết này còn sẽ bảo đảm việc cung cấp trợ giúp nhân đạo, bảo vệ bệnh viện và nhân viên y tế.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitali Tchourkine cho đấy là những gì mà Nga đang làm ở hiện trường, nhưng ông cũng hứa sẽ xem xét văn kiện « nếu đây là một sáng kiến đúng đắn ».
Nga đến nay đã phủ quyết 6 nghị quyết liên quan đến cuộc chiến ở Syria.”

Hỗn loạn

vì luật giới hạn quyền tự do báo chí tại Quốc Hội Ba Lan

Vào một giớ sáng nay 17/12/2016, cảnh sát Ba Lan giải tán người biểu tình trước trụ sở Quốc Hội ở Varxava phản đối luật giới hạn tự do báo chí tại Ba Lan. Cảnh tượng hỗn loạn ở bên trong và bên ngoài tòa nhà Quốc Hội diễn ra từ hôm qua.
Thông tín viên RFI từ Vacxava, Damien Simonartcho biết :
« Cho đến nay, Quốc Hội Ba Lan vẫn được xem là nơi dành cho các phóng viên quyền tự do rộng rãi nhất ở Châu Âu. Máy quay phim được đặt bất cứ ở chỗ nào, từ khu vực giành cho báo chí cho đến tận ở bên trong Quốc Hội, từ ở hành lang cho đến văn phòng của các nhóm làm việc, của các ủy ban ở Hạ Viện.
Thế nhưng tất cả những quyền tự do đó sẽ không còn nữa kể từ ngày 01/01/2017. Chính quyền của đảng bảo thủ Ba Lan từng bị tố cáo thâu tóm các phương tiện truyền thông, truyền hình, giờ lại bị cáo buộc thu hẹp quyền tự do báo chí ngay tại Hạ Viện.
Theo luật mới, mỗi phương tiện truyền thông ở Ba Lan, chỉ được phép cử hai phóng viên thường trực ở Quốc Hội và chỉ có 5 đài truyền hình chính thức của Nhà nước được quyền đặt máy thu hình tại đây.
Phần còn lại các nhà báo bị đưa về một trung tâm báo chí ở nơi khác, và như vậy họ không có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với các dân biểu.
Đảng đối lập có khuynh hướng tự do chỉ trích chính quyền chà đạp một trong những nguyên tắc cơ bản của một nền dân chủ và đòi tự do cho ngành truyền thông. Ngày hôm qua, trong suốt 7 giờ đồng hồ hàng chục đại biểu phong tỏa phòng bán nguyệt ở Quốc Hội. Cùng lúc ngoài đường phố, trước cửa Hạ Viện, cả ngàn người bao vây tòa nhà cả đêm.
Thủ tướng Ba lan, chủ tịch đảng bảo thủ cầm quyền Pháp Luật và Công Lý và khoảng 200 đại biểu của phe đa số bị kẹt ở bên trong Quốc Hội.
Một vài dân biểu của đảng Pháp Luật và Công Lý tìm cách thoát khỏi vòng vây nhưng xe của họ đã bị đám đông chận lại và cuối cùng những người này lại phải quay vào bên trong tòa nhà Quốc Hội Ba Lan.
Mãi đến khoảng 1 giờ sáng nay cảnh sát mới giải tán được đám đông.

Vùng Baltic muốn

nhanh chóng ký Thỏa Thuận Hợp Tác Quân Sự với Mỹ

Lo ngại chính quyền Mỹ tương lai thân thiện với Matxcơva, ba nước trong vùng Batic là Estonia, Litva và Latvia sát biên giới Nga hy vọng ký kết Thỏa Thuận Hợp Tác Quân Sự (DCA) với Mỹ vào đầu năm tới, trước khi Barack Obama chuyển giao quyền lực cho Donald Trump ngqfy 20/01/2017.
Estonia, Litva và Latvia là thành viên NATO nhưng lại nằm sát với biên giới Nga. Cả ba cùng xem Matxcơva là một mối đe dọa tiềm tàng sau khi quân đội Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina vào tháng 3/2014.
Trả lời hãng tin Pháp AFP ngày 17/12/2016, ngoại trưởng Litva giải thích một trong những điều khoản của thỏa thuận DCA cho phép Hoa Kỳ triển khai lực lượng quân sự tại chỗ trong trường hợp cần thiết. Và “đây là một lợi ích lớn đối với các nước trong vùng Baltic”.
Còn theo phân tích của một quan chức cao cấp Mỹ, thỏa thuận nói trên sẽ “bổ sung cho những thỏa thuận đã có trong khuôn khổ song phương, hoặc là với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO của từng nước trong vùng Batic”.
Tháng 10/2016 Phần Lan, quốc gia có đường biên giới chung với Nga nhưng không là thành viên NATO, đã ký kết với Hoa Kỳ thỏa thuận DCA quy định đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương, từ lĩnh vực tin học đến chia sẻ thông tin, gia tăng các cuộc tậ trận song phương …
Một ngày trước lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Washington và Helsinki, máy bay quân sự Nga đã thâm nhập không phận của Phần Lan.

Donald Trump làm lung lay quy chế tế nhị của Đài Loan

Chủ đề Donald Trump và quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục thu hút sự chú ý của làng báo Pháp. RFI điểm lại một số bài.
Báo Le Monde số ra ngày 16/12/2016, đề cập đến những phát biểu « phá lệ » của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump qua bài « Quy chế tế nhị của Đài Loan trước thử thách của yếu tố Trump ».
Chỉ với một vài tuyên bố về Đài Loan, Donald Trump đã thu hút mọi sự chú ý vào một vấn đề tưởng đã được giải quyết : đó là quy chế mập mờ, không rõ ràng của Trung Hoa Dân Quốc – tức Đài Loan, ở châu Á, nơi mà Trung Hoa lục địa luôn luôn tìm cách tăng cường sự thống trị của mình. Chủ nghĩa biệt lập mà Donald Trump chủ trương dường như làm lung lay lời cam kết của Washington luôn luôn bảo vệ Đài Bắc.
Quy chế mập mờ
Quả thực là mọi việc không hề đơn giản đối với Đài Loan, bởi vì tất cả các nước lớn trên thế giới đều không thừa nhận hòn đảo tự trị này là một quốc gia. Hiện nay, Đài Bắc chỉ có quan hệ ngoại giao với khoảng hai chục quốc gia nhỏ bé. Mặc dù có tới 23 triệu dân, nền kinh tế đứng hàng thứ 21 trên thế giới, Đài Loan không có mặt trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và Bắc Kinh, với các đạo luật chống ly khai, luôn nhắc nhở là sẽ có ngày sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, Đài Loan, hay đúng ra người dân trên hòn đảo này, do không còn cách nào khác, vừa mong muốn duy trì nguyên trạng – tức là không độc lập, không sáp nhập với Trung Quốc- vừa khao khát có được một quy chế « bình thường » trong cộng đồng quốc tế. Theo nhận định của ông Mathieu Duchatel, thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế châu Âu, thì tình trạng hiện nay là hệ quả của việc không có công nhận kép (công nhận cả Trung Quốc lẫn Đài Loan) và tạo ra tương quan lực lượng với sự thống trị của Trung Quốc.
Thế nhưng, theo báo Le Monde, cú điện đàm giữa Donald Trump và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 02/12/2016 vừa qua, đã xóa bỏ đi cái « ảo tưởng về sự thuận tiện » vốn đã tồn tại từ lâu nay. Ngày 11/12/2016, trên đài truyền hình Fox News, ông Trump tuyên bố không hiểu vì sao Hoa Kỳ lại bị ràng buộc vào chính sách một nước Trung Hoa, trừ phi Bắc Kinh có một sự trao đổi nào đó đối với Washington, ví dụ trong lĩnh vực thương mại.
Phát biểu này đã nhắc nhở Bắc Kinh rằng nguyên tắc một nước Trung Hoa chỉ liên quan và có giá trị đối với họ mà thôi. Bởi vì, ngoài nội dung mập mờ trong thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 trong đó, Hoa Kỳ « ghi nhận » lập trường của Trung Quốc, thì Mỹ là nước bảo đảm về « quyết tâm duy trì một cách hòa bình » quy chế Đài Loan, thông qua Đạo Luật về quan hệ với Đài Loan, được Quốc Hội Mỹ thông qua năm 1979 cũng như « Sáu Bảo Đảm » dưới thời Ronald Reagan năm 1982. Các văn bản pháp lý này cho phép Washington bán vũ khí cho Đài Bắc và duy trì quan hệ ngoại giao trên thực tế giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Đài Loan : Một phương tiện để mặc cả
Trong con mắt của Đài Bắc, các phát biểu của ông Trump đã xóa bỏ nhiều điều kiêng kỵ. Thậm chí, tổng thống đắc cử Mỹ còn được khuyến khích áp dụng chính sách « một nước Trung Hoa, một Đài Loan » và tiến tới « bình thường hóa » quan hệ ngoại giao với hòn đảo có thể chế dân chủ này.
Tuy nhiên, Le Monde lưu ý, kịch bản tồi tệ nhất là Donald Trump có thể làm nẩy sinh nguy cơ biến Đài Loan thành một phương tiện để mặc cả, nhất là khi các hồ sơ khác như Iran, Bắc Triều Tiên, buộc Hoa Kỳ phải thỏa hiệp với các đòi hỏi của Trung Quốc. Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan nhận định : mối rủi ro là Đài Loan trở thành một đòn bẩy thuần túy khi Donald Trump buộc phải tính tới các thực tế khác. Và trong lĩnh vực bảo vệ dân chủ, thì phe Cộng Hòa có truyền thống nhẫn tâm hơn ; đối với họ, chỉ có các lợi ích của Hoa Kỳ là đáng quan tâm.
Điều trớ trêu đối với Đài Loan là các mối quan hệ không chính thức của Đài Loan với các nước có ảnh hưởng, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu, lại giúp bảo vệ Đài Bắc tốt hơn chống lại chủ nghĩa nước lớn ham muốn lãnh thổ của Trung Quốc, chứ không phải là các mối quan hệ ngoại giao chính thức với khoảng hai chục nước nhỏ.
Chính mối lo ngại nguy cơ mặc cả với Trung Quốc về Đài Loan đã thúc đẩy chính quyền Obama phải tái khẳng định hôm 12/12 rằng « Đài Loan không phải là một đòn bẩy, mà là một đối tác gần gũi của Hoa Kỳ ». Barack Obama dường như sẽ ký công bố một đạo luật đã được Quốc Hội Mỹ thông qua, cho phép các quan chức bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ở một cấp nào đó, công du Đài Loan.
Le Monde cho biết là hiện có nhiều đề xuất được đưa ra để tăng cường quan hệ với Đài Bắc, như cho phép tổng thống Đài Loan công du Mỹ và tổ chức các cuộc gặp cấp cao. Trừ phi ông Trump sẽ thúc đẩy nhanh vấn đề này trước khi nhậm chức vào ngày 20/01/2017 nhân sự kiện tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào đầu năm tới, sẽ quá cảnh New York trên đường đi thăm chính thức Guatemala.
Trung Quốc – Hoa Kỳ : Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu ?
Những phát biểu « phá lệ » của tổng thống Mỹ tân cử có lẽ đang gây ra nạn nhân đầu tiên. Chính quyền Trung Quốc mở một điều tra nhắm vào một hãng sản xuất xe ô tô Mỹ.
Theo báo Les Echos, 16/12/2016, « General Motors bị vạ lây vì những lời khiêu khích của Trump nhắm vào Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng nếu ông Trump cố tình chạm đến « những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc », thì không khác gì ông ấy đang cố « nhấc một tảng đá để rồi đá rơi xuống dập chân mình ».
Lời cảnh báo lạnh lùng trên được đưa ra vào lúc tổng thống tân cử Hoa Kỳ liên tiếp có những lời lẽ khiêu khích nhắm vào Trung Quốc, nhất là về một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm liên quan đến vấn đề độc lập cho Đài Loan.
Quả thật, tập đoàn sản xuất xe ô tô lớn của Mỹ hiện đang trong tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh, bị điều tra về « lợi dụng thế độc quyền » theo như tiết lộ của nguồn thạo tin. Trước các cáo buộc thông đồng giá bán với các đại lý, hãng xe này khẳng định « hoàn toàn tuân thủ luật pháp nước sở tại ».
Với việc tấn công vào hãng xe số một của Hoa Kỳ, cường quốc số hai thế giới như muốn bắn đi một thông điệp rằng Trung Quốc có đầy đủ các biện pháp đáp trả hiệu quả. Đương nhiên, GM khó có thể cho phép mình chấp nhận một cú đánh đau đến thế tại Trung Quốc : quốc gia này là đầu ra hàng đầu – có số xe bán ra trong năm 2015 là 3,6 triệu chiếc.
Biển Đông : Một mặt trận khác của Trump với Trung Quốc ?
Liên quan đến Biển Đông, Les Echos cho biết « Hoa Kỳ trưng bằng chứng có vũ khí của Trung Quốc tại Biển Đông ». Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tên lửa phòng không đã được thiết lập tại đây. Nguy cơ leo thang với Washington là có thật.
Tờ báo trích nhận định của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (l’Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) cho rằng như vậy là Trung Quốc đi thêm một bước mới, từ tháng 6 tới nay. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tòa nhà có hình lục giá, giống nhau nằm rải rác trên các đảo nhỏ, dùng để che giấu các hệ thống vũ khí.
Theo AMTI, những tòa nhà đó rất có thể là dàn tên lửa phòng không. Điều đó cho thấy là «Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ các đảo do Bắc Kinh cải tạo trong trường hợp có leo thang vũ trang tại Biển Đông ». Chính sách « sự đã rồi » này của Trung Quốc đã gây ra những căng thẳng với nhiều nước láng giềng (Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia).
Hoa Kỳ công bố những hình ảnh này khi chỉ còn có một tháng nữa là ông Donald Trump chính thức nhậm chức. Nhiều lần và nhất là bằng cú điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ông Donald Trump muốn cho thấy sẽ có những đường lối cứng rắn với Trung Quốc.
Vì thế trong nhiều ngày qua, ông Trump liên tục có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước trong vùng Biển Đông. Ông đã có buổi điện đàm trực tiếp với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, thông báo thiện chí củng cố quan hệ với Hà Nội.
Cuối cùng, Les Echos cho rằng, một cách hiển nhiên, việc thiết lập những gì mà Washington xem như là những tiền đồn quân sự Trung Quốc tại Biển Đông, có thể nhanh chóng trở thành một yếu tố nữa tạo nên căng thẳng giữa các đối thủ. Hoa Kỳ có thể quyết định gởi thêm nhiều tầu chiến hơn để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải.

Nga xoay trục sang châu Á: Quá khứ và tương lai

Chính sách địa chính trị mà tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hôm 01/12/2016 đã rõ ràng: không phải là Liên Hiệp Châu Âu, mà đó là ba nước châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tổng thống Nga mong muốn xây dựng quan hệ song phương tốt đẹp với từng nước trên.
Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Pierre Grosser, giáo sư quan hệ quốc tế của đại học Science Po, Pháp trong bài viết có tiêu đề “Quá khứ và tương lai của chính sách xoay trục sang châu Á của Nga”. Bài viết được đăng tải ngày 09/12/2016 trên trang mạng The Conversation.
Từ cách đây rất lâu, Nga đã tung ra chiến lược ganh đua giữa các cường quốc trên quy mô Âu – Á, xuất phát từ việc cạnh tranh với người Anh từ đầu thế kỷ 19, ở cả vùng Baltic và Biển Đen, ở trung tâm Âu – Á, nơi người Nga và người Anh cùng kìm kẹp các đế quốc Hồi Giáo như Ottoman, Ba Tư, Mông Cổ, và cả Trung Hoa, rồi cuối cùng là ở Thái Bình Dương, nơi Anh đã dùng Nhật để chống Nga.
Cả Anh và Liên Xô đều lo sợ phát xít Đức liên minh với Ý và Nhật, nhưng phải đến năm 1941 thì hai nước mới có thể đi cùng với nhau đối mặt với hiểm họa này. Trong giai đoạn 1943 – 1945, Staline đã nghĩ đến chiến lược của Liên Xô trên phạm Âu – Á bằng cách có được các căn cứ gần các đối thủ của mình (Kaliningrad và quần đảo Kuril), dùng ván bài “sắc tộc” để tác động đến các nước láng giềng như Ukraina, Azerbaijan và Mông Cổ, hay thiết lập các khu vực ảnh hưởng mà Liên Xô coi là vùng đệm, chẳng hạn như ở Đông Âu hay ở phía bắc Trung Quốc.
Nhưng đến đầu những năm 1980, Liên Xô phải đối mặt với liên minh gồm toàn các trung tâm quyền lực quốc tế như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Chính sách quân sự hóa chạy đua vũ trang của Liên Xô đã góp phần hình thành liên minh này. Cũng chính vì điều này mà Liên Xô đã thua trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.
Thách thức từ Hoa Kỳ tới Trung Quốc
Sau thất bại trong cuộc chiến Crimée, vào những năm 1860, người Nga đã tiến về phía Trung Á. Còn sau thất bại với Nhật năm 1905, Nga lại hướng sang Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần làm gia tăng căng thẳng dẫn tới Thế Chiến 1. Thắng lợi trước phát xít Nhật năm 1939 đã cho phép Liên Xô tập trung vào châu Âu, ký hòa ước Đức – Liên Xô và xâm lược Ba Lan.
Năm 1945, Mỹ độc quyền cả về bom nguyên tử và chiếm đóng lãnh thổ Nhật, điều này đã buộc Staline phải có thái cứng rắn ở châu Âu và tìm kiếm vận may ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi khối NATO và Cộng Hòa Liên Bang Đức ra đời năm 1949, Staline đã bật đèn xanh cho Bắc Triều Tiên để thống nhất bán đảo Triều Tiên, và đó có thể là điều khiến Hoa Kỳ xoay sang châu Á. Sau khi Cộng Hòa Liên Bang Đức gia nhập NATO năm 1955, Matxcơva đã hướng sang các nước châu Á trung lập, đặc biệt là Ấn Độ.
Vào những năm 1970, hòa dịu ở châu Âu đã cho phép Nga quan tâm chú ý đến mối thách thức Trung Quốc. Lãnh đạo Gorbatchev đã tiến hành chính sách mở cửa với châu Á trong giai đoạn 1985-1987, nhưng hiệu quả khá hạn chế. Vì thế, Gorbatchev muốn “gia nhập”phương Tây, và đặc biệt là “Ngôi Nhà Chung Châu Âu”.
Xoay trục sang châu Á có chức năng đối trọng
Sau cuộc khủng hoảng Ukraina và các trừng phạt của phương Tây, việc xoay trục sang châu Á của Nga có vẻ như được bù đắp. Kremlin đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ các hợp đồng béo bở về dầu lửa và khí gaz ở vùng Viễn Đông.
Có thể đây là một chiến thuật giản đơn: từ đầu thế kỷ đến nay, ve vãn Trung Quốc dường như là kế sách mà Matxcơva ưu tiên để tác động đến quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, hiện giờ, Kremlin đang cố gắng giải thích rằng đó không phải là một sự lựa chọn chiến thuật mà là chiến lược, cho dù Bắc Kinh, vốn bị bắt chẹt khi liên minh với Nga trong những năm 1950, đã từ chối vào năm 2014 liên minh với Nga chống lại “các cuộc cách mạng màu” và khủng bố.
Nga cũng đang quay lưng lại với phương Tây mà Kremlin coi là không còn là một phương Tây theo đúng nghĩa, vì đã trở nên quá duy vật, yếu đuối và nữ hóa. Và giống như Washington xoay trục sang châu Á, Matxcơva cũng muốn tận sự năng động mạnh mẽ của châu Á.
Nhà nghiên cứu Pierre Grosser nhận định, đúng là việc xoay trục sang châu Á của Nga có chức năng đối trọng với sự bá chủ của Mỹ hay phương Tây, và không chỉ tuân theo lô gích địa chính trị. Đây còn là phương tiện để phản bác các phương thức và chuẩn mực, chẳng hạn như can thiệp vào nội bộ các nước khác (thậm chí can thiệp quân sự) hay về các giá trị dân chủ và nhân quyền, (và vấn đề người đồng tính).
Ngay từ năm 1955, Matxcơva đã mơ ước thành lập khối Nga – Trung Quốc – Ấn Độ để đối đầu với phương Tây, nhưng những năm 1960 – 1970 là giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa người Ấn Độ và người Trung Quốc (với cuộc chiến năm 1962) và giai đoạn ganh đua giữa Liên Xô và Trung Quốc (với cuộc chiến năm 1969). Trong khi đó, liên minh Liên Xô – Ấn Độ lại phải đối đầu với trục Trung Quốc – Pakistan. Năm 1986, lãnh đạo Gorbatchev đã muốn khôi phục lại trục này. Đây cũng là mục tiêu của thủ tướng Evguenni Primacov vào cuối những năm 1990, và là một trong những lý do để Nga khuyến khích thành lập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sau năm 2007 và thúc đẩy Ấn Độ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.
Nhật: quân bài mới của Nga
Nga luôn lo ngại bị coi là “đối tác non trẻ” của Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì chỉ thèm muốn nguồn tài nguyên thiên nhiên và vùng Viễn Đông vắng bóng người của Nga và coi Nga như là một cựu cường quốc đế quốc đã tước đoạt Siberia, khu vực Primorié và vùng Ngoại Mông từ tay Trung Quốc. Với liên minh kinh tế Âu – Á, Nga có thể là đối tác trong nhiều dự án lớn xuyên Âu – Á liên quan đến “các con đường tơ lụa mới” trên biển và trên đất liền mà Trung Quốc đang xúc tiến. Nhưng Matxcơva cũng có thể thấy là Trung Quốc (cũng như là Nhật Bản và Hàn Quốc)  làm giảm ảnh hưởng của Nga tại Trung Á. Chính là để duy trì chính sách xoay trục, Nga đã nhắm tới Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và thậm chí là với Pakistan vì Matxcơva đã đóng vai trò trung gian, hòa giải cho cuộc chiến tranh Ấn Độ – Pakistan năm 1965.
Trong những năm 1970, khi Hoa Kỳ dường như không muốn dấn thân vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã phát triển hải quân ở vùng biển Thái Bình Dương và liên minh với Việt Nam. Bắc Kinh nhìn nhận đây là một hành vi khiêu khích. Vì coi thường Nhật, nên thời đó Liên Xô không hề tìm cách chơi lá bài Nhật Bản giống như Mỹ chơi lá bài Trung Quốc. Người Nhật bị ám ảnh phải giành lại quần đảo Kuril từ tay Liên Xô, còn Liên Xô thì chỉ mong ngóng Nhật đầu tư vào vùng Siberia.
Ẩn số Donald Trump
Tương lai chính sách xoay trục của Nga phụ thuộc phần lớn vào các lựa chọn của Donald Trump. Nếu quả thật tổng thống Mỹ tân cử làm cho các đồng minh châu Á lo ngại khi đe dọa bỏ rơi họ, như ông đã từng tuyên bố, thì cánh cửa châu Á sẽ mở rộng ra với Nga, và Nhật sẽ tìm cách tham dự trò chơi với Nga như đã từng làm vào giữa những năm 1950.
Còn nếu Trump tiếp tục chọc giận Trung Quốc, đồng thời vẫn tiếp thủ tướng Nhật hay điện đàm với tổng thống Đài Loan như mới đây, thì Nga có thể sẽ phải làm rõ hơn sự lựa chọn liên kết của mình, hoặc chơi lá bài trung gian hòa giải giữa Washington và Bắc kinh.
Trừ phi Donald Trump và Vladimir Putin quay trở lại chính sách cũ về phân chia các khu vực ảnh hưởng và cùng hợp tác để đối đầu với Hồi Giáo cực đoan và « hiểm họa từ Trung Quốc ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.