Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 10/12/2016

Saturday, December 10, 2016 7:19:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 10/12/2016

Nike bị phản đối vì thông tin ngược đãi công nhân ở Việt Nam

Sinh viên tràn vào văn phòng hiệu trưởng trường đại học danh tiến Georgetown của Mỹ hôm 8/12, yêu cầu trường xem lại quan hệ với công ty Nike.
Hợp đồng trị giá trên 86 tỷ đô la cho phép Nike sản xuất áo và giày cho đại học Georgetown hết hạn tháng này, nhưng các sinh viên muốn hiệu trưởng trường đại học ở thủ đô Hoa Kỳ này khước từ hợp đồng mới với Nike trong năm tới sau những thông tin về điều kiện lao động tồi tệ dưới sự quản lý của Hansae, nhánh vận hành xưởng sản xuất của Nike tại Việt Nam.
“Nike không bị bắt phải ký kết quy tắc hành xử của trường Georgetown, nhưng trên website của trường quy định rằng mỗi đơn vị được cấp phép hợp đồng với trường không chỉ phải ký kết mà còn phải tuân thủ quy tắc hành xử của trường Georgetown,” sinh viên Isabelle Teare trong nhóm phản đối cho biết.
Tờ báo Hoya của trường Georgetown nói đại học này có hợp đồng lớn nhất nước với nhãn hàng Air Jordan của công ty Nike.
Cô Teare cho biết Ủy ban Đoàn kết Georgetown (GSC), một tổ chức của sinh viên Georgetown bảo vệ quyền cho người lao động, tháng 10 vừa qua phát hiện các điều kiện lao động ‘tồi tàn’ sau cuộc đình công của các công nhân thuộc công ty Hansae.
Thứ tư tuần này, các sinh viên trong tổ chức GSC đã gửi thư tới hiệu trưởng yêu cầu chấm dứt liên hệ.
Trước đây trong năm, trường đã phản hồi trước áp lực của sinh viên khi hiệu trưởng gửi thư cho Nike yêu cầu nhà sản xuất hàng thể thao này tuân thủ cuộc điều tra của Hiệp hội Quyền Công nhân WRC về cơ sở Hansae. Nike đã để cho WRC cùng thanh tra xưởng này với Hội Lao động Công bằng, một tổ chức giám sát về lao động.
Trong báo cáo, WRC cho biết các nữ công nhân mang thai thường bị đuổi việc, nhiều công nhân bị bắt làm ngoài giờ, bị giới hạn thời gian đi vệ sinh, và bị ‘ăn cắp tiền lương.’
Theo Washington Post, Guardian

Luật sư: Bộ trưởng TNMT nói

giải quyết vụ Formosa là ‘sinh mệnh chính trị’

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà hôm 8/12 đã có cuộc họp với các nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường do công ty Formosa ở Hà Tĩnh gây ra và nói “sẽ không làm bộ trưởng nữa” nếu không giải quyết ổn thỏa hậu quả của vụ ô nhiễm.
Cuộc họp cũng có sự tham dự của các luật sư đại diện cho người dân và đại diện chính quyền địa phương. Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư tham gia buổi họp, cho VOA biết về nội dung chính của cuộc họp kéo dài 4 tiếng ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh:
“Có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là vấn đề giấy phép xả thải cho Formosa do Bộ TNMT cấp ngày 11/12/2015 thì hiện nay các hộ dân đang khiếu nại và cho rằng nó được cấp trái pháp luật. Cụ thể là nó chưa được tham vấn cộng đồng theo Luật và Nghị định của chính phủ về tài nguyên nước. Thứ hai, các hộ dân, ngư dân cũng trình bày những vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hiện nay. Trong cuộc gặp này có cả Phó Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch xã. Các ngư dân đã trình bày và ông Bộ trưởng cũng đã đề nghị giải quyết địa phương hoặc trong khả năng của Bộ TNMT”.
LS. Trần Vũ Hải cho biết người dân ở thị xã Kỳ Lợi cho rằng những thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ vụ ô nhiễm môi trường là “gấp 3 lần” các nạn nhân ở những vùng khác. Cụ thể là cuộc sống, công việc của họ đã bị đảo lộn do phải di dời, tái định cư vì dự án Formosa trước đây. Khu vực đánh cá của họ bị ảnh hưởng nặng nề vì cửa xả thải của Formosa đổ trực tiếp vào đây. Ngoài ra, họ cũng phải gánh chịu những thiệt hại liên quan khác như tất cả các nạn nhân của vụ ô nhiễm.
Đáp lại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu chính quyền địa phương nội trong năm nay phải giải ngân số tiền bồi thường 500 triệu đôla của Formosa để giao cho người dân, đồng thời tiến hành các thủ tục để xem xét việc có những bồi thường thiệt hại khác tương xứng cho người dân.

Ông Nguyễn Phú Trọng lo ngại ‘tự diễn biến’ trong đảng

Hôm 9/12, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc để học tập Nghị quyết trung ương 4 của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xem đây là một cuộc chiến “không thể không làm” vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ.
Tình hình nghiêm trọng
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Phú Trọng nói Nghị quyết 4 đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của các đảng viên và xem đây là một “cuộc chiến đầy cam go” mà “khó mấy cũng phải thực hiện”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về Chính sách Công của Học viên Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng tình trạng tiêu cực trong nội bộ Đảng đã ở mức độ rất nghiêm trọng. Ông nói với VOA:
“Tình hình là rất nghiêm trọng rồi. Có những vấn đề mà người ta đánh giá trong Nghị quyết 4 về ‘tự chuyển hóa, ‘tự diễn biến’, rồi đạo đức, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo thì đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng. Đảng thì thường ra rất nhiều nghị quyết những việc thực hiện nó rồi kết quả ra sao, báo cáo thì vẫn là tốt nhưng tình hình chuyển biến như thế nào thì là cả một vấn đề rất phức tạp”.
Ranh giới mong manh
Cũng trong bài phát biểu trước hội nghị hôm 9/12, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến việc phải kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Ông nói “chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực” nhưng “cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng”.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Thọ, ranh giới giữa “chống tiêu cực” và “chống Đảng” là rất mong manh. Chuyên gia của Việt Nam nhận xét tình trạng tiêu cực trong Đảng qua các vụ chạy chức chạy quyền, tham nhũng, bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” nhưng không đủ phẩm chất hay hiện tượng hàng loạt các cán bộ chạy ra nước ngoài khi “bị động”… đã đến mức đáng báo động, và việc chống tiêu cực trong Đảng là điều “hết sức khó khăn” vì nó đòi hỏi phải cải tổ, thay đổi cả một hệ thống.
Tiến sĩ Thọ nói:
“Phải có một sự đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, nếu sự đồng thuận này còn có vấn đề, bởi vì trong số những lãnh đạo này đương trong quá trình người ta còn phải củng cố của chính họ, bởi vì nếu không có quyền lực thì anh không thể chống lại được những cái tiêu cực này, vì những tiêu cực này núp bóng những quyền lực mà từ xưa đến nay cũng rất lớn. Thậm chí Tổng bí thư cũng có lần nhắc là chống cái này là ‘ta chống ta’ nên rất là khó. Điểm thứ hai, bây giờ người ta nhấn mạnh đến vấn đề chống phá Đảng không phải là vấn đề ngoại xâm mà thường rất dễ nhận ra, với giặc nội xâm thì rất khó nhận ra. Cho nên việc này là phải hoàn thiện cả thế chế, cả điều lệ, quy chế trong Đảng nữa. Nếu không cải tổ Đảng trước thì việc chống này rất khó khăn”.
Gần đây trong những vụ bê bối liên quan đến công tác nhân sự như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng…, những hình thức kỷ luật của đảng Cộng sản như khai trừ Đảng, cảnh cáo… bị công luận cho là quá nhẹ và không có tác dụng, không hiệu quả.
Tiến sĩ Thọ nhận định:
“Cách làm vẫn là vũ khí ‘phê bình và tự phê bình’. Trong Đảng, đây là một vũ khí, cách làm quan trọng. Nhưng mà sau khi phê như thế này thì có đạt được vấn đề gì không? Sau đợt học tập Nghị quyết 4 này mà nếu không ra được những đồng chí nào hoặc những biểu hiện nào, những cá nhân cụ thể nào mà chỉ chung chung thôi thì chắc chắn là người ta sẽ thấy được tính hiệu quả thấp của việc này”.
Ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ
Trong hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh đến “tính chất nguy hiểm” và “hậu quả khôn lường” của tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ông Trọng nói tình trạng trên “liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”.
Tiến sĩ Phạm Quý Ngọ cũng đồng ý với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói tình trạng tiêu cực nghiêm trọng hiện nay trong Đảng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ nếu không tìm ra giải pháp giải quyết hiệu quả.
Ông nói thêm với VOA:
“Tuy nhiên bây giờ làm như thế nào? Giải pháp như thế nào để làm thì đó là một bài toán hết sức khó. Cải tổ trong Đảng, trong Nhà nước như thế nào? Đây là vấn đề hết sức cấp bách, mà đặt ra thì có vẻ chưa được cụ thể và rõ ràng lắm. Học Nghị quyết xong nhưng còn những quy chế thì sửa như thế nào? Rồi tất cả những việc triển khai nghị quyết này vào trong thực tế, cũng như làm sao đấy để những vấn đề của Đảng, những nghị quyết, chỉ thị, chuẩn mực của Đảng phải được luật hóa để bên chính quyền, chính phủ làm. Nhưng liệu có làm được không? Cái đó là cái mà người ta đặt ra rất nhiều về vấn đề cải tổ trong thời gian tới”.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc để học tập nghị quyết. Ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh và các lãnh đạo chủ chốt khác tham dự hội nghị.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.