Tin khắp nơi – 10/12/2016
CIA: Nga đã can thiệp giúp Trump đắc cử
CIA kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump đắc cử chứ không chỉ làm giảm lòng tin của dân chúng vào hệ thống bầu cử Hoa Kỳ, theo tiết lộ từ một quan chức cấp cao của Mỹ.
Giới chức Hoa Kỳ không muốn nêu tên tối ngày 9/12 cho Reuters biết các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá rằng trong chiến dịch tranh cử, giới chức chính phủ Nga đã tăng cường quan tâm hỗ trợ ông Donald Trump.
Dẫn lời các quan chức Mỹ về vấn đề này, tờ Washington Post cùng ngày đưa tin rằng các cơ quan tình báo đã xác định những cá nhân có liên hệ với chính phủ Nga đã cung cấp cho WikiLeaks hàng ngàn email bị tấn công tin tặc của Ủy ban Dân chủ Toàn quốc và những người khác, trong đó có cả email của chủ tịch ban vận động cho bà Hillary Clinton.
Tòa Bạch Ốc ngày 9/12 loan báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo đánh giá các cuộc tấn công mạng và sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử 2016 và trình báo cáo trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, Lisa Monaco, cho báo giới biết kết quả báo cáo sẽ được chia sẻ cho Quốc hội và những nơi khác.
Trong khoảng thời gian cuối hè-đầu thu năm nay, các tin tặc Nga dồn gần như mọi sự chú ý vào đảng Dân chủ. Hầu như tất cả các email mà họ công khai đều có khả năng gây tổn hại cho Clinton và đảng Dân chủ, nguồn tin vừa kể cho Reuters biết thêm.
“Đây là một đầu mối quan trọng cho thấy ý đồ của họ”, quan chức này nói. “Nếu họ chỉ muốn làm mất uy tín hệ thống chính trị của chúng ta, tại sao họ lại chỉ công bố những thiếu sót của một đảng, nhất là khi đang có một mục tiêu như ông Trump?”
Một giới chức thạo tin khác cho biết kết luận phân tích tình báo về động cơ của Nga không có nghĩa là cộng đồng tình báo tin rằng những nỗ lực của Moscow đã thay đổi hoặc ảnh hưởng đáng kể đến kết quả cuộc bầu cử.
Các quan chức Nga phủ nhận tất cả những cáo buộc cho là họ can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Một phát ngôn viên của CIA nói cơ quan này miễn bình luận về việc này.
Nguồn tin của Reuters còn cho biết Nga đang tung đòn tương tự để ảnh hưởng cuộc bầu cử sắp tới tại Đức.
Hồi tháng 10, chính phủ Mỹ đã chính thức cáo buộc Nga thực hiện chiến dịch tấn công mạng chống lại các tổ chức của Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11. Tổng thống Obama cho biết đã cảnh báo Tổng thống Putin về hậu quả của các vụ tin tặc này.
Ông Trump từng tuyên bố ông không tin rằng Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công tin tặc, can thiệp bầu cử Mỹ.
Mỹ nói đã tiêu diệt kẻ khủng bố
liên hệ đến cuộc tấn công Charlie Hebdo
Các giới chức quốc phòng Mỹ cho biết một cuộc không kích của máy bay không người lái tại Syria giết chết một phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo có liên hệ đến cuộc tấn công vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris ngày 7 tháng 1 năm 2015.
Boubaker el Hakim bị giết vào cuối tháng trước tại Raqqa, thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi Giáo tại Syria. Các giới chức này nói thêm là Hakim được biết có liên hệ đến việc lập kế hoạch cho cuộc tấn công.
Charlie Hebdo, nổi tiếng về những bức hí họa trên trang bìa chế nhạo các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, đã mất nhiều nhân viên cao cấp trong ban biên tập khi hai anh em Cherif và Said Kouachi, vũ trang bằng súng tấn công và những loại vũ khí khác xông vào một buổi họp của ban biên tập và giết 12 người và làm bị thương 11 người khác.
Cuộc tấn công làm phát sinh một phong trào đoàn kết trên toàn thế giới với khẩu hiệu “Tôi Là Charlie” được phổ biến rộng rãi trên truyền thông xã hội.
Nhà nước Hồi Giáo, kiểm soát một phần Iraq và Syria trong những năm gần đây, đã mất một số lãnh thổ trong năm nay vào tay các lực lượng Iraq và Syria được sự yểm trợ bằng không lực và cố vấn của Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ngoài việc tàn sát tại Charlie Hebdo, những người có cảm tình với Nhà nước Hồi Giáo trên toàn thế giới đã thực hiện những vụ nổ súng và đánh bom vào thường dân.
Xuất hiện lời kêu gọi ông Trump gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma
Một dân biểu hàng đầu của đảng Cộng hòa đề nghị Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và giúp phát huy hòa bình giữa Tây Tạng với Trung Quốc.
Trong thư gửi ông Trump được công bố ngày 8/12, dân biểu Jim Sensenbrenner viết rằng “Trong lúc ông đang gặp gỡ các lãnh đạo trên thế giới chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Tổng thống, tôi muốn nhân cơ hội này đề nghị ông gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.”
Kể từ khi đắc cử hôm 8/11 tới nay, ông Trump và Phó Tổng thống tân cử Mike Pence đã nói chuyện với hơn 50 lãnh đạo thế giới. Trong số này, cuộc điện đàm ‘xã giao’ với Tổng thống Đài Loan đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh.
Trong nhiều năm qua, các đời Tổng thống Hoa Kỳ vẫn duy trì quan hệ với vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong ở Ấn Độ nhưng hễ một vị Tổng thống Mỹ nào tiếp đón Ngài ở Tòa Bạch Ốc thì Bắc Kinh lại bày tỏ ra phẫn nộ.
Cho tới nay, ông Trump vẫn chưa trao đổi với Đức Đạt Lai Lạt Ma, và đó là lý do dân biểu Sensenbrenner nhiều ảnh hưởng của phe Cộng hòa viết kiến nghị thư.
“Người dân Tây Tạng có quyền gìn giữ văn hóa, di sản, ngôn ngữ, và tôn giáo của họ. Trong nhiều năm qua, người Tây Tạng đã liên tục đấu tranh để tự giải phóng mình khỏi chính phủ Trung Quốc và bảo tồn các quyền tự do căn bản này,” thư có đoạn viết.
Tác giả bức thư nói “Trong suốt nửa thế kỷ qua, Mỹ đã có mối quan hệ vững chắc, ổn định với nhân dân và chính phủ Tây Tạng. Tôi hy vọng ông sẽ tiếp tục mối quan hệ vững mạnh với Tây Tạng cũng như cổ súy cho hòa bình giữa Tây Tạng với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Là một dân biểu từ năm 1979 tới nay, ông Sensenbrenner đã diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi 2008. Dân biểu này nói rằng kể từ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma sang Ấn sống lưu vong cách đây 57 năm, Ngài luôn là một tiếng nói cổ súy mạnh mẽ và kiên trì cho một giải pháp hòa bình để chấm dứt căng thẳng giữa Tây Tạng với Trung Quốc.
Trung Quốc xem Đức Đạt Lai Lạt Ma như một phần tử ly khai và thường xuyên phản đối mỗi khi các nguyên thủ trên thế giới gặp gỡ Ngài.
Theo Congressman PTI, The Hill
Trump: Quan hệ Mỹ-Trung phải cải thiện
Ngày thứ Năm, Tổng thống tân cử Donald Trump nói Hoa Kỳ cần phải cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc là nước ông đã chỉ trích về chính sách kinh tế và thất bại của nước này trong việc kìm chế Bắc Triều Tiên.
“Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta phải cải thiện là quan hệ của chúng ta với Trung Quốc,” ông Trump nói trong một cuộc tập hợp ở bang Iowa. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Trump liên tiếp chỉ trích Trung Quốc trong cuộc vận động tranh cử tổng thống và khiến cho Bắc Kinh phản đối về mặt ngoại giao sau khi ông nói chuyện bằng điện thoại với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh li khai.
Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao lần đầu tiên với Đài Loan của một tổng thống tân cử hay đương kim tổng thống kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter chấp nhận chính sách “một nước Trung Hoa” vào năm 1979, chỉ công nhận chính phủ Bắc Kinh mà thôi.
Ông Trump vẫn chỉ trích Bắc Kinh trong cuộc tập họp này, trong khuôn khổ “chuyến đi cám ơn” để bày tỏ sự biết ơn của ông đối với những tiểu bang giúp ông thắng ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong tháng trước.
Trung Quốc hiện không bị Bộ Tài chánh Mỹ hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế xem là đã nước thao túng tiền tệ. Tổ chức Thương mại Thế giới nói thuế quan của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu thường cao hơn thuế quan của Mỹ.
Ông Trump đã mời Thống đốc Iowa Terry Branstad, người được ông chọn làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc lên sân khấu và nói rằng ông Branstad luôn luôn khuyến khích ông không nên nói những điều tiêu cực về Trung Quốc tại tiểu bang của ông.
Ông Branstad đã nói ông và chủ tịch Tập Cận Bình có một tình bạn kéo dài 30 năm. Thống đốc Iowa đã đi thăm Trung Quốc ít nhất 6 lần và ông Tập đã đến Iowa hai lần.
Ông Trump nhắc lại thông điệp tranh cử của ông là ông có kế hoạch đặt nước Mỹ và công nhân Mỹ lên trước những lợi ích toàn cầu.
Chính quyền Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, 2017 sẽ chú trọng vào hai qui tắc: “Mua hàng Mỹ và thuê công nhân Mỹ.” Ông Trump nói thêm là ông sẽ tiếp tục làm áp lực với các công ty không nên mang việc làm ra nước ngoài.
Ông Trump chọn ông Andrew Puzder làm Bộ trưởng Lao động
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã chọn ông Andrew Puzder, một doanh nhân giàu có, một luật sư và là một nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho chức vụ bộ trưởng lao động, và chờ Thượng viện thông qua.
Puzder là người đứng đầu tập đoàn CKE Restaurant Holdings, công ty mẹ của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Carl Jr., Hardee và các chuỗi nhà hàng khác.
Theo trang web của Bộ Lao động, nhiệm vụ của cơ quan này là “duy trì và phát triển các phúc lợi cho người lao động, người tìm việc, và người về hưu của Hoa Kỳ; cải thiện điều kiện làm việc; tăng cường cơ hội tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động và đảm bảo lợi ích và các quyền liên quan đến việc làm.” Những người chỉ trích nói rằng những phát biểu bình luận trước công chúng của ông Puzder không phù hợp với nhiệm vụ ghi trên trang web của Bộ Lao động.
Ông cực lực chỉ trích việc nâng mức lương tối thiểu lên 15 đô la/ giờ và chỉ trích những quy định mới cho phép công nhân được trả lương làm việc ngoài giờ. Ông cũng không phải là người ủng hộ Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công nghệ tự động mà ông cho rằng các chủ doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nếu buộc họ phải trả tăng lương tối thiểu lên đáng kể, trợ cấp nghỉ ốm bắt buộc, và bảo hiểm y tế cho người lao động.
Ông từ lâu đã là nhà tài trợ đáng tin cậy của Đảng Cộng hòa. Ông là nhà tài trợ chính cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney vào năm 2012. Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà tài trợ hàng năm vào tháng Sáu, Puzder là một trong số ít người tham dự đã tích cực giúp ông Trump tiếp xúc với đến hàng chục người khó tính trong đảng đối với việc ủng hộ một ngôi sao mới.
Theo số liệu hồ sơ gây quỹ, ông Puzder là một trong những nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vào giai đoạn đầu tiên, trong đó ông giữ chức đồng chủ tịch của nhóm tài chính California và tổ chức gây quỹ. Cùng với vợ, ông Puzder góp 150.000 đô la hồi cuối tháng 5 cho cuộc vận động của ông Trump và các đối tác của Đảng Cộng hòa.
Không lực Trung Quốc diễn tập tầm xa
Đài Loan cho biết máy bay quân sự của Trung Quốc hôm 10/12 vần vũ trên các tuyến đường thủy gần Đài Loan trong khuôn khổ các cuộc tập trận tầm xa. Đây là các chuyến bay đầu tiên kiểu này kể từ sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Đài Loan với Tổng thống tân cử Mỹ khiến Trung Quốc khó chịu.
Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ tự trị Đài Loan là một tỉnh của họ và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để lấy lại vùng đất này.
Cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12 là cuộc gọi đầu tiên giữa một Tổng thống đắc cử hay đương nhiệm của Mỹ với một lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979.
Không có dấu hiệu cho thấy cuộc tập trận của các máy bay Trung Quốc hôm nay là một phản ứng đối với cuộc điện đàm khiến Bắc Kinh phẫn nộ đó.
Bộ Quốc phòng Đài Loan ra thông cáo cho biết các máy bay Trung Quốc đi vào Eo biển Miyako xung quanh các đảo phía nam của Nhật Bản và Kênh Bashi phía nam của Đài Loan, nhưng không xâm nhập vùng định dạng phòng không của Đài Loan.
Các cuộc tập trận kéo dài khoảng 4 giờ, với sự tham gia của hơn 10 chiếc máy bay, trong đó có 4 máy bay trinh sát điện tử đã bay qua Kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines.
Không lực Trung Quốc nói cuộc thao dượt này thuộc khuôn khổ các cuộc diễn tập thường xuyên hàng năm phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Giới ngoại giao yêu cầu Myanmar cho cứu trợ bang Rakhine
Mười bốn phái bộ ngoại giao trong đó có Hoa Kỳ kêu gọi Myanmar cho phép đưa cứu trợ nhân đạo đến bang Rakhine đầy biến động, nơi hàng chục ngàn người đang cần giúp đỡ mà không được tiếp cận với thuốc men hay những trợ giúp khác kể từ khi chính phủ Myanmar bắt đầu mở cuộc hành quân tại bang này cách đây hai tháng.
Một thông cáo chung được công bố vào ngày 9/12 cho biết “Cứu trợ hết sức cần thiết để giải quyết những nhu cầu nhân đạo nghiêm trọng và cũng để bắt đầu khôi phục lại lòng tin và hy vọng cốt lõi cho việc khôi phục hòa bình và ổn định.” Thông cáo chung cũng kêu gọi cho phép “tiếp cận đầy đủ và không giới hạn” phẩm vật cứu trợ.
Chính phủ không cho đa số ký giả và tổ chức cứu trợ đến bang Rakhine kể từ cuộc hành quân chống phe nổi dậy bắt đầu cách đây hai tháng, tiếp theo vụ 5 binh sĩ biên phòng Myanmar bị những kẻ tấn công không rõ tung tích sát hại.
Tuy nhiên, chính phủ đã nhiều lần tuyên bố ý định cho phép phẩm vật cứu trợ được phân phối cho khu vực này, nơi có hơn 80 người đã thiệt mạng và hơn 20.000 người đã trốn sang Bangladesh lánh nạn.
Thông cáo chung cũng viết “Chúng tôi hoan nghênh chính phủ đồng ý cho phép tái tục hoạt động cứu trợ nhân đạo và chuyển phẩm vật cứu trợ sơ khởi cho một số làng, nhưng chúng tôi lo ngại về những trì hoãn và chúng tôi yêu cầu tất cả giới hữu trách tại Myanmar vượt qua những trở ngại ngăn trở tái tục hoàn toàn công tác phân phối phẩm vật cứu trợ. Thông cáo chung cho biết thêm là hàng chục ngàn người đang cần cứu trợ nhân đạo trong đó có trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính mà không được cứu trợ gì cả trong gần hai tháng nay.”
Sau vụ bạo động năm 2012, hơn 120.000 người Hồi Giáo Rohingya buộc phải sống trong những trại giam với những điều kiện tồi tệ và bị giới hạn chặt chẽ việc di chuyển.
Cố vấn nhà nước Myanmar đồng thời là biểu tượng của dân chủ, bà Aung San Suu Kyi, bị chỉ trích ngày càng nhiều vì thất bại trong việc ngăn chặn bạo động. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc là có những vi phạm tràn lan kể cả nạn hiếp dâm và đốt phá hàng trăm nhà cửa trong chiến dịch đàn áp.
Thông cáo chung vừa kể do các quốc gia Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ đồng ký.
LHQ gia tăng chế tài đối với Bắc Triều Tiên
Tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 30 tháng 11 vừa qua đã bỏ phiếu chấp thuận một nghị quyết chế tài mới và tăng thêm mức độ của các lệnh chế tài hiện hữu đối với Bắc Triều Tiên, hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, để đáp lại việc nước này thử nghiệm hạt nhân mới nhất, và là lần thử hạt nhân thứ 5, vào ngày 9 tháng 9 năm nay.
Nghị quyết 2321 lên án cuộc thử nghiệm và tái xác nhận nghĩa vụ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không được thử nghiệm hạt nhân nữa và không được phóng phi đạn sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo, và từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có theo một phương cách hoàn toàn có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược.
Các chế tài nhằm vào khả năng của Bắc Triều Tiên thu về ngoại tệ mạnh cần thiết để tài trợ cho những chương trình hạt nhân và phi đạn, quy định một mức tối đa bắt buộc cho việc xuất khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, giảm mức xuất khẩu này xuống còn 700 triệu đô la một năm tức là giảm hơn 60%. Nghị quyết cũng cấm xuất khẩu các công trình kỷ niệm thu về hàng triệu đô la qua các hợp đồng trên toàn thế giới và cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu các kim loại không phải là sắt, đồng, kền, bạc và kẽm giúp Bắc Triều Tiên thu về các loại ngoại tệ mạnh trị giá cả 100 triệu đô la hàng năm.
Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power chỉ rõ là trong số những biện pháp khác, nghị quyết cũng nhắm vào việc Bắc Triều Tiên “sử dụng các nhà ngoại giao để chuyển tiền về tài trợ cho những chương trình bất chính của nước này.” Bà Power nói tiếp là nghị quyết đe dọa ngưng những quyền và đặc quyền của Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc nếu nước này tiếp tục bất chấp những nghĩa vụ của một thành viên Liên hiệp quốc.
Thêm vào đó, Đại sứ Power ghi nhận đây là lần đầu tiên Liên hiệp quốc đưa vào nghị quyết một điều khoản kêu gọi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tôn trọng phẩm giá của người dân Bắc Triều Tiên. Bà Power gọi việc đưa điều khoản này vào nghị quyết là một điều “có ý nghĩa.”
Đại sứ Power nói Nghị quyết 2321 “gởi đi một thông điệp rõ ràng” là cộng đồng quốc tế đoàn kết. tiếp tục “làm việc với nhau để gia tăng áp lực” để chống lại đe dọa bất chính đối với trật tự quốc tế của Bắc Triều Tiên.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh là việc nới rộng những chế tài không nhằm trực tiếp vào người dân Bắc Triều Tiên đã chịu nhiều thống khổ, nhưng là nhắm vào tầng lớp lãnh đạo chịu trách nhiệm trong việc vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong việc theo đuổi không ngừng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chủ tịch TQ kêu gọi trung thành với đảng cộng sản
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc trung thành với đảng cộng sản. Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm siết chặt kiểm soát giáo dục.
Chính phủ đã vận động chống lại việc lan truyền “những giá trị phương Tây” tại các trường đại học, và tháng giêng năm nay, các giới chức cho hay cơ quan kỷ luật và chống tham nhũng đã cử thanh tra theo dõi các giảng viên, đề phòng “những bình luận” “không thích hợp” trên bục giảng.
Bắc Kinh đàn áp tự do ngôn luận kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012, bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động và các luật sư, cấm đoán những chỉ trích trên Internet và tăng cường hạn chế với giới ký giả.
Theo Tân Hoa Xã, trong một hội nghị về tư tưởng trong giáo dục bậc cao, ông Tập nói các trường cao đẳng và đại học Trung Quốc phải “phục vụ đảng cộng sản trong việc quản lý đất nước.”
Bản tin này trích lời ông Tập nói rằng “Trung thành với sự lãnh đạo của đảng là thiết yếu trong việc phát triển giáo dục bậc cao trong nước.” Ông yêu cầu “Trung Quốc phải xây dựng các trường đại học thành những thành trì trung thành với sự lãnh đạo của đảng.”
Ông Tập nói tiếp “Chính sách của đảng về giáo dục phải được thi hành hoàn toàn” và đảng phải nâng cao khả năng những tổ chức của đảng tại các trường học để “thực hiện công tác tư tưởng và chính trị.”
Đàn áp giới học giả và sinh viên không phải là chuyện lạ tại Trung Quốc. Giáo trình và các bài giảng nhất là ở bậc đại học được chính phủ kiểm soát chặt chẽ vì e ngại tái diễn phong trào biểu tình đòi dân chủ hồi năm 1989 do sinh viên lãnh đạo.
Vào năm 2013, một kinh tế gia Trung Quốc cấp tiến thường lên tiếng chỉ trích chính phủ đã bị đuổi khỏi trường đại học danh tiếng Bắc Kinh.
Một năm sau đó, trường đại học, một thời là thành trì của tự do ngôn luận tại Trung Quốc, đã thành lập một hệ thống theo dõi 24/24 công luận trên Internet và có những biện pháp sớm để kiểm soát và giảm thiểu những phát biểu tiêu cực, theo tin của một tờ báo đảng lúc bấy giờ.
Trung Quốc nhắm xây dựng những trường đại học có tầm vóc quốc tế đưa một số đại học hàng đầu vào danh sách có hạng của quốc tế theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng hạn chế tự do tại các trường đại học có thể cản trở những tham vọng này.
Sri Lanka bán cho TQ 80% cổ phần cảng vị thế chiến lược
Chính phủ đang chồng chất nợ nần của Sri Lanka ngày 8/12 ký thỏa thuận trên nguyên tắc với công ty quốc doanh Trung Quốc, bán 80% cổ phần cảng nước sâu ở duyên hải miền Nam gần một trong những hải lộ nhộn nhịp nhất của thế giới.
Các giới chức cao cấp cho biết theo thỏa thuận vừa kể, công ty China Merchants Port Holdings sẽ chi khoảng 1,1 tỷ đô la; 20% cổ phần còn lại thuộc về Sri Lanka. Thỏa thuận dự kiến hoàn tất vào đầu tháng sau.
Cảng Hambantota nằm dọc theo đường vận chuyển thương mại quan trọng nối liền Trung Đông với Châu Á.
Một giới chức cao cấp của Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ theo dõi cẩn trọng vì những việc này có những “ẩn ý lâu dài.”
Bộ trưởng Phát triển Sri Lanka, Malik Samarawickrama, bác những quan ngại về chiến lược, nói rằng “không có vấn đề.” Ông nói thỏa thuận này chỉ thuần túy mang tính thương mại giúp giảm gánh nặng cho chính phủ.
Các giới chức Sri Lanka nói cảng Hambantota, với nguồn vay hơn 1 tỷ đô la từ một ngân hàng nhà nước Trung Quốc và được xây dựng bởi một công ty quốc doanh Trung Quốc, đang bị cạn tiền.
Chính phủ Sri Lanka, bị các nước Tây phương xa lánh sau các cáo buộc về vi phạm nhân quyền trong cuộc nội chiến kéo dài tới năm 2009, đang ngày càng trở nên lệ thuộc vào các nguồn quỹ từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Bắc Kinh nói các dự án của họ trong khu vực có mục đích thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế. Các dự án này thuộc kế hoạch ‘Một Vành đai Một Con đường’ của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng liên kết giữa Châu Á với Châu Âu.
Động đất mạnh ở Quần đảo Solomon hai ngày liên tiếp
Một trận động đất mạnh 6,9 độ Richter xảy ra vào sáng ngày thứ Bảy ngoài khơi bờ biển quần đảo Solomon, một ngày sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở vùng này.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương nói không có đe dọa sóng thần quan trọng nhưng dè dặt cho biết là sóng cao đến 3 mét có thể xảy ra dọc theo bờ biển quần đảo Solomon và Papua New Guinea.
Không có ngay báo cáo về thiệt hại hay thương vong.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ nói trận động đất xảy ra ở độ sâu 10km và ở khoảng 90km phía tây Kira Kira.
Trận động đất này xảy ra một ngày sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ Richter làm rung chuyển quần đảo, nhưng không có báo cáo về thiệt hại hay thương vong.
Quần đảo Solomon thuộc Vòng đai Lửa, là một vùng có hoạt động chuyển dịch của mặt đất chung quanh Thái Bình Dương gây nên những trận động đất và núi lửa phun trào.
Ấn Độ kỳ vọng biến kinh tế thiếu tiền
thành kinh tế không tiền mặt
Hàng trăm khách hàng đến mua bánh mặn nổi tiếng ở cửa hàng của ông Satnam Singh trong khu chợ nhộn nhịp ở New Delhi, họ mua hàng bằng tiền mặt — thường từ 2 đô la đến 5 đô la. Nhưng doanh thu của ông Singh đã giảm hẳn sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng tiền có mệnh giá cao hồi tháng trước, dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền tệ nghiêm trọng.
Nhận thấy khách hàng không có đủ tiền mặt để mua các món hàng giá trị thấp, ông Singh cho khách hàng trả tiền bằng ví điện thoại di động, một ứng dụng giao dịch ngân hàng, chẳng hạn như thẻ tín dụng, trên điện thoại động. Ông nói: “Xếp hàng dài tại các ngân hàng là một vấn đề, vì vậy tôi tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng.”
Cửa hàng của ông Singh đã trở thành một đơn vị của nền kinh tế “không dùng tiền mặt” mà chính phủ cố tìm những biện pháp thúc đẩy gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có lệnh cấm sử dụng giấy bạc 500 và 1000 rupee (tương đương 7,50 đô la và 15 đô la) vào tháng trước.
Chính phủ hy vọng biện pháp này sẽ rút đi một lượng lớn tiền mặt bất hợp pháp, tăng lượng dự trữ của hệ thống ngân hàng, siết chặt kiểm tra việc trốn thuế trong một đất nước mà đa số các doanh nghiệp và hoạt động thương mại giao dịch bằng tiền mặt để tránh thuế.
Kể từ khi công bố lệnh cấm, Thủ tướng Narendra Modi đã nhiều lần kêu gọi công chúng dùng các kênh thanh toán trực tuyến.
Chính phủ hy vọng việc sử dụng điện thoại di động rộng khắp trong những năm gần đây tạo nên đột phá bằng cách thanh toán điện tử. Nhưng các chuyên gia tài chính cảnh báo đó là một nhiệm vụ khó khăn.
Thách thức ở các khu vực nông thôn là rất lớn, nơi nhiều người không có tài khoản ngân hàng, nơi mà mạng Internet chưa phổ biến, nơi mà nhiều người hầu như chưa biết giao dịch trực tuyến là gì.
Ông Saloni Nangia, chủ tịch công ty tư vấn Technopak Advisors, nói cần phải có một sự thay đổi lớn trong tư duy trước khi nền kinh tế có thể chuyển sang “không dùng tiền mặt.”
Thủ tướng Modi hiểu rõ các thách thức. Ông nói cả một thế hệ trong nước không quen thuộc với thanh toán trực tuyến. Ông kêu gọi những người trẻ am hiểu công nghệ hãy “dành một ít thời gian mỗi ngày để giúp cho 10 gia đình” làm quen với ứng dụng công nghệ này trong sinh hoạt mua bán.
Mỹ, EU, Trung Đông họp bàn về Syria
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và các nhà ngoại giao hàng đầu khác đang có mặt tại Paris trong nỗ lực mới nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến gần 6 năm nay tại Syria khiến hơn 300 ngàn người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault chủ trì cuộc họp tại thủ đô Pháp để thảo luận vấn đề Syria với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Châu Âu, Ả Rập, và các thành viên phe đối lập ở Syria mang tên “Những người bạn của Syria”.
Ngoại trưởng Đức, Anh, Ả Rập Xê Út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và một đại diện của Liên hiệp Châu Âu đã tham dự cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Pháp trong lúc chính phủ Syria tiến vào các địa điểm tàn dư của đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.
Cho tới nay tất cả những lời kêu gọi ngưng chiến đều thất bại. Cuộc thảo luận tại Paris hôm nay còn có mục đích mở đường cho các cuộc hòa đàm mới tại Geneva giữa tất cả các bên tham chiến.
Phát biểu tối qua từ Paris, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Mục tiêu của tôi là … để đôi bên, tất cả các lực lượng, đi đến bàn hòa đàm tại Geneva.” Ông Kerry cho biết thêm rằng sự hủy diệt ở Aleppo là thảm trạng tồi tệ nhất “kể từ Thế chiến thứ hai.”
Bình luận của ông được đưa ra trong lúc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày thứ sáu tuyên bố rằng Nga và lực lượng chính phủ Syria sẽ tiếp tục các cuộc oanh kích ở Aleppo cho đến khi sạch bóng phe nổi dậy trong thành phố.
Trong khi đó, Đại hội đồng Liên hiệp quốc cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết vào tối thứ sáu, yêu cầu ngay lập tức đình chiến tại Syria và cấp bách cho tiếp cận cứu trợ nhân đạo.
Nga, Trung Quốc và Iran đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Nghị quyết không mang tính ràng buộc nhưng có trọng lượng chính trị.
Hơn 100 nhà văn
kêu gọi Trung Quốc ngưng đàn áp nhân quyền
Hơn 100 tác giả từ khắp thế giới đã ký tên vào một bức thư gởi đến chủ tịch Tập Cận Bình, đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền mồng 10 tháng 12, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động đàn áp nhân quyền « ngày càng tồi tệ ».
Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến, bắt giữ hàng trăm luật sư, nhà hoạt động và học giả và bỏ tù hàng chục người.
Bức thư, do Văn bút Quốc tế chủ xướng, kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động đang bị cầm tù, bị quản thúc tại gia chỉ vì họ đã hành xử quyền tự do ngôn luận.
Trong số những người ký tên vào bức thư có các nhà văn nổi tiếng thế giới như Salman Rushdie, Magaret Atwood và giải Nobel Văn Học JM Coetzee. Bức thư đặc biệt nêu trường hợp giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba hiện đang thọ án tù 11 năm về tội « âm mưu lật đổ chính quyền ». Vợ ông Lưu Hiểu Ba hiện đang bị quản thúc tại gia.
Các nhà văn thế giới cũng chú ý đến số phận của học giả Ilham Tohti, hiện đang thọ án tù chung thân về tội « ly khai », do đã chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đối với thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Chưa kể là khoảng một chục thành viên của Trung tâm Văn bút Trung Quốc Độc lập hiện đang bị giam giữ hoặc truy bức, theo nội dung bức thư của các nhà văn thế giới.
Thêm một người Tây Tạng tự thiêu phản đối Trung Quốc
Theo tin từ hiệp hội Chiến dịch Quốc tề vì Tây Tạng hôm nay, tối thứ năm vừa qua, một người Tây Tạng đã tự thiêu tại một vùng có đông người Tây Tạng sinh sống ở tỉnh Cam Túc. Người này đã tự thiêu để phản đối Trung Quốc và đòi để cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về.
Theo thông kê của chính phủ Tây Tạng lưu vong, đây là vụ tự thiêu thứ 145 ở Tây Tạng hoặc ở các vùng khác của Trung Quốc kể từ năm 2009.
Khủng bố :
Chính phủ Pháp đề nghị triển hạn tình trạng khẩn cấp
Chính phủ Pháp đề nghị triển hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/07/2017, do mối đe dọa khủng bố vẫn còn rất nghiêm trọng, theo thông báo của tân thủ tướng Bernard Cazeneuve ngày 10/12/2016, sau cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp. Đề nghị của chính phủ sẽ được Hạ Viện và Thượng Viện xem xét vào tuần tới trong hai ngày 13 và 15/12/2016.
Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành sau các vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015 ở Paris và đã được Quốc Hội triển hạn 4 lần, lần cuối là sau vụ khủng bố ở Nice ngày 14/07/2016.
Vào giữa tháng 11/2016, tổng thống François Hollande đã tỏ ý muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp này cho đến kỳ bầu cử tổng thống tháng 4 và tháng 5/2017 và bầu cử Quốc Hội tháng 6/2017.
Theo thủ tướng Cazeneuve, tình trạng khẩn cấp đã chứng tỏ hiệu quả ngăn ngừa khủng bố, với hơn 4000 vụ khám xét, hơn 500 người bị câu lưu, và khoảng 430 ngời bị tạm giam, chưa kể gần 600 vũ khí bị tịch thu. Cũng theo ông Cazeneuve, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 17 âm mưu khủng bố bị phá vỡ và hơn 400 người có liên quan đến các tổ chức khủng bố đã bị bắt giữ trên lãnh thổ nước Pháp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc ban hành tình trạng khẩn cấp, vì một số người cho rằng biện pháp này không có hiệu quả, mà lại có thể dẫn đến việc vi phạm các quyền căn bản của công dân.
Thẩm phán cho phép việc tái kiểm phiếu
tiếp tục ở Wisconsin
(Reuters) – Một thẩm phán ở Wisconsin hôm qua đã khước từ một yêu cầu của những người ủng hộ cho ông Trump đòi chấm dứt việc tái kiểm phiếu.
Trong khi đó, Tòa án tối cao Michigan đã bác bỏ kháng cáo của bà Jill Stein, ứng cử viên của Đảng Xanh để khởi động cuộc tái kiểm phiếu ở tiểu bang này. Kết quả của cuộc bầu cử 8 tháng 11 đã được bà Jill Stein thách thức ở ba tiểu bang. Trong cuộc bầu cử bà Stein đã về thứ tư. Ở Pennsylvania, một thẩm phán cho biết ông sẽ đưa ra phán quyết vào thứ Hai tới về việc có nên cho phép một cuộc kiểm lại phiếu bắt đầu hay không. Ngay cả khi các cuộc tái kiểm phiếu được thực hiện, nó sẽ rất khó để có thể thay đổi kết quả của cuộc bầu cử.
Tại Wisconsin, ủy ban hành động chính trị Stop Hillary PAC đã kêu gọi tòa án ngăn chặn cuộc tái kiểm phiếu mà cho đến này đã hoàn tất gần 88%. Một phát ngôn viên của ủy ban bầu cử Wisconsin cho biết trong một email là cuộc tái kiểm phiếu dự kiến sẽ hoàn tất vào thứ hai tới. Theo tờ trình của tòa án, Thẩm phán khu vực Hoa Kỳ James Peterson nói việc tái kiểm phiếu là một bộ phận quan trọng của tiến trình bầu cử. (Lê Hoàng)
Ông Giuliani rút khỏi danh sách nội các của ông Trump
New York. (Reuters) – Danh sách ngắn của những người có thể làm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã mất thêm một tên.
Vào chiều hôm qua 9 tháng 12, ban chuyển tiếp của ông Donald Trump cho biết ông Rudy Giuliani đã rút tên của ông ra khỏi danh sách các ứng viên. Ông Trump cho biết ông sẽ tiếp tục tham vấn với ông Giuliani và vẫn có thể bổ nhiệm ông Giuliani vào một chức vụ quan trọng trong chính quyền tại một thời điểm sau này. Ông Trump cho biết trong một tuyên bố là ông tôn trọng và thông cảm với ước muốn của ông Giuliani để tiếp tục ở lại trong khu vực tư nhân.
Các người chỉ trích đã bày tỏ mối lo ngại về các công việc tư vấn mà ông Giuliani đã làm cho nhiều chính phủ nước ngoài trong thời gian qua. Ông Giuliani được những người ủng hộ cho ông Trump ưa thích hơn là ông Mitt Romney cho chức vụ Ngoại Trưởng. Ông Giuliani đã chỉ trích ông Romney là đã đi quá xa trong việc đả kích ông Trump trong giai đoạn tranh cử. Ông Giuliani cũng nói ông ủng hộ cho cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton để nắm giữ chức vụ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. (Lê Hoàng)
0 comments