Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 07/12/2016

Wednesday, December 7, 2016 6:26:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 07/12/2016

Đã có 15 người chết do mưa lũ ở miền Trung

Đã có 15 người chết và 3 người bị thương do mưa lũ ở miền Trung trong các ngày vừa qua. Thống kê của Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên cho biết như vậy vào hôm nay.
Tình trạng ngập lụt sâu và ở diện rộng đang xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi. Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh này cho biết tính đến 16 giờ chiều ngày 6 tháng 12, hai đợt lũ tính từ ngày 30 tháng 11 đến nay đã làm cho 7 nhà dân bị sập, 62 nhà bị hư hỏng.
Mưa lũ cũng làm cho 583 ha lúa bị hư hỏng, hơn 1.400 ha rau màu và 463 ha cây lâu năm bị hư hỏng.
Giao thông trên các tuyến quốc lộ của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đất đá sạt lở, cầu tạm bị cuốn trôi.
Trong khi đó tại Bình Định, mưa lũ cũng khiến lũ trên các sông tiếp tục dâng cao trên mức báo động 2. Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng công an, dân quân tại chỗ tiến hành di dời khẩn cấp những nhà dân bị ngập sâu, nhà bị nước lũ chảy xiết có nguy cơ sạt lở. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, tỉnh này đã có 10 người chết do lũ.

EU cần yêu cầu Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Ủy ban Nhân quyền Việt Nam trụ sở tại Paris, Pháp, hôm nay lên tiếng kêu gọi Liên Minh Châu Âu – EU thúc ép nhà cầm quyền Việt Nam nghiêm túc giải quyết những vi phạm về nhân quyền cũng như cam kết có những tiến bộ thực chất, cụ thể trong lĩnh vực này.
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm nay, Ủy ban Nhân quyền Việt Nam cho biết vào ngày mai 8 tháng 12, tại Brusels, Bỉ sẽ diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên minh Châu Âu – Việt Nam. Nhân dịp này Ủy Ban Nhân quyền Việt Nam kêu gọi EU yêu cầu phía Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo, dừng bắt bớ các nhà hoạt động xã hội dân sự cũng như chấm dứt mọi hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ ý kiến, lập hội và tôn giáo…
Ủy ban Nhân quyền Việt Nam nêu rõ vào khi cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra thì chính quyền Hà Nội đang tiến hành đợt bắt bớ dữ dội đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng như xã hội dân sự độc lập.
Ủy ban Nhân quyền Việt Nam mô tả năm 2016 là một năm đen tối cho nhân quyền tại Việt Nam với tình trạng gia tăng độ tàn bạo của lực lượng an ninh đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự, trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, chống cướp đất và môi trường bị hủy hoại như thảm họa do Formosa gây nên. Năm 2016 cũng là thời điểm diễn ra tình trạng bạo lực đối với báo giới, tiếp tục có những vụ xử không công bằng và đối xử bất công với người bị giam giữ…
Thống kê đưa ra cho thấy có ít nhất 20 nhà hoạt động dân sự bị tù đày trong năm nay.

250 hộ dân ở Ba Vì biểu tình đòi đất

Hơn 250 hộ dân ở thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Linh, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội đã biểu tình đòi đất 4 ngày nay tại khu du lịch  Đầm Long thuộc địa bàn xã này.
Người dân biểu tình cho biết theo hợp đồng đấu thầu từ năm 2002 thì tới năm 2013, hạn sử dụng khu đất của du lịch hết hạn và quyền sử dụng khu đất này phải được trả lại cho người dân. Tuy nhiên, tới giờ họ vẫn chưa nhận lại được đất của mình.
Theo trang web của Khu du lịch Đầm Long, khu này có diện tích hơn 20 héc ta và là khu du lịch sinh thái. Khu này được giới thiệu là nơi bảo tồn và phát triển rừng Bằng Tạ với nhiều công trình phục vụ vui chơi giải trí như bể bơi, khu du thuyền, khách sạn và nhà hàng.

Điều trần vụ ô nhiễm Formosa tại Quốc hội Đài Loan

Trong hai ngày 5/12 và 6/12, hai linh mục Nguyễn Đình Thục và Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan tại Đài Bắc, liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam do Tập đoàn Formosa của Đài Loan gây ra.
Buổi điều trần có sự tham dự của các dân biểu Đài Loan Tô Thị Phần, Ngô Côn Dụ, Trần Mạn Lệ và người đại diện của Chủ tịch Quốc hội Tô Gia Truyền.
Phía Việt Nam có Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh. Linh mục Nguyễn Đình Thục đã thay mặt cho người dân bị ảnh hưởng của vụ ô nhiễm môi trường đề đạt lên Quốc hội Đài Loan những yêu cầu và nguyện vọng của các nạn nhân Formosa tại Việt Nam. Ông nhận xét với VOA:
“Họ rất quan tâm đến vấn đề của Việt Nam, thể hiện qua việc có 3 dân biểu tham gia trong buổi điều trần, có nhiều luật sư, đại diện của Chủ tịch Quốc hội và các đại diện của các tổ chức xã hội dân sự. Sau khi tôi trình bày các vấn đề của chúng tôi xong thì họ đã thảo luận, xem ra họ rất nỗ lực để tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Ở Việt Nam, lẽ ra trách nhiệm của họ phải bảo vệ người dân, phải lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân để hiểu được các nạn nhân đã phải chịu thiệt hại, khổ cực như thế nào. Nhưng xem ra việc đó rất khó để thực hiện ở Việt Nam. Ví dụ như bây giờ tôi đến để gặp một vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì tôi nghĩ chắc là rất khó. Nếu tôi đi gặp một vị bộ trưởng thì có lẽ nằm ngoài ước mơ của tôi, có lẽ tôi không thực hiện được. Nhưng chính phủ Đài Loan đã dành cho chúng tôi điều đó. Tôi cảm thấy đó là một vinh dự vì họ đã quan tâm đến vấn đề của Việt Nam”.
Kể từ khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 cho tới nay, đa số người dân ở khu vực này vẫn chưa tìm được công ăn việc làm mới. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết nhiều người đã phải bán cả thuyền bè để trả nợ ngân hàng khi chưa tìm được nguồn thu nhập thay thế. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đồng ý mức bồi thường thiệt hại 500 triệu đôla của Công ty Formosa, nhưng các nạn nhân nói số tiền trên là quá nhỏ bé so với mức độ thiệt hại gây ra cho người dân và đối với môi trường, ước tính sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục. Một số linh mục Công Giáo đã giúp đỡ cho người dân bằng cách quyên góp vật chất và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người dân khởi kiện Formosa.
Sau buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan, Linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan cho biết kết quả:
“Bên phía các dân biểu, với sự bảo trợ của Quốc hội, sẽ yêu cầu công ty China Steel, là công ty có cổ phần 25% trong cổ phần của Công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh, phải đến một buổi tranh luận công khai ở Quốc hội, để yêu cầu Công ty China Steel phải trình bày những kết quả kiểm nghiệm về chất độc đã thải ra trong nước biển, và hiện nay đã làm gì để giải quyết những độc hại trong nước biển. Đồng thời, yêu cầu Công ty China Steel của chính phủ Đài Loan phải có trách nhiệm về việc đó”.
Ngoài ra, các đại diện của Việt Nam trình lên Quốc hội Đài Loan những yêu cầu phải sửa đổi một số quy định luật pháp về việc kiểm soát và xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nước ngoài như Formosa. Linh mục Hùng cho biết thêm chi tiết:
“Thứ nhất, chúng tôi yêu cầu bên Bộ Kinh tế, trong việc xét duyệt những đề án kinh tế đến các nước làm việc, đầu tư, thì không thể chỉ báo cáo miệng mà phải có trình tự đi qua. Thứ hai, nếu công ty ra nước ngoài mà gây thiệt hại hoặc vi phạm nhân quyền, thì chính phủ phải có trách nhiệm để ràng buộc công ty đó. Thứ ba, những nạn nhân ở những quốc gia mà những công ty làm kinh doanh gây ra những tai hại đó, thì dân chúng tại những địa phương ở quốc gia đó có quyền tới Đài Loan để thưa kiện”.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 2 ngày làm việc, Dân biểu Tô Thị Phần (Su Chih Fen) đã nhiều lần đề cập đến việc chính phủ Đài Loan trong những năm qua đã tạo điều kiện cho tập đoàn Formosa phát triển quá lớn mạnh. Chính điều này đã gây khó khăn cho việc giới hạn những việc làm sai trái của tập đoàn này. Theo Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Tập đoàn Formosa ở Đài Loan cũng không giành được thiện cảm của người dân bản xứ sau những vụ gây ô nhiễm môi trường ở trong và ngoài nước.
“Công ty Formosa, trên trường quốc tế và cũng ảnh hưởng đến Đài Loan, đã được một huy chương đen, là huy chương mà một tổ chức ở bên Đức trao cho công ty vì công ty này đã đóng góp vào việc gây ô nhiễm môi trường và làm hại cho trái đất mà chúng ta đang sống”.
Cũng trong buổi làm việc, các linh mục Việt Nam đã trao một thỉnh nguyện thư của 46 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Campuchia và Iran tới Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Đài Loan.
Các linh mục Việt Nam hy vọng các dân biểu Đài Loan có thể giúp Việt Nam bằng cách yêu cầu công ty Formosa công bố thông tin về mức độ ô nhiễm phát thải từ các nhà máy thép cũng như những nỗ lực để cải thiện môi trường và bồi thường, đồng thời đảm bảo các nhà máy được trang bị các thiết bị phù hợp để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường.
Các đại diện Việt Nam nói những vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra tại Việt Nam và những nơi khác trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đài Loan và cũng có tác động tới “chính sách hướng Nam mới” của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Đáp lại yêu cầu từ phía Việt Nam, các dân biểu Đài Loan hứa sẽ gây áp lực đối với công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh thông qua Công ty China Steel, đòi công ty này phải cung cấp kế hoạch cụ thể để bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam. Ngoài ra, các dân biểu hứa sẽ nỗ lực đưa những yêu cầu về môi trường vào bản dự thảo kế hoạch trong “chính sách hướng nam mới” của Đài Loan.

Hơn 2.000 ngư dân biểu tình

phản đối Formosa bồi thường không công bằng

Khoảng hơn 2.000 ngư dân xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã biểu tình tại nhà văn hóa thôn Xuân Hòa của xã này vào sáng ngày hôm nay để phản đối quyết định đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường mà họ cho là không công bằng. Số người biểu tình này cũng là giáo dân xứ Xuân Hòa, hạt Hướng Phương, giáo phận Vinh.
Linh mục Phê rô Mai Xuân Ái, quản xứ Xuân Hòa trên địa bàn xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết nguyên nhân giáo dân biểu tình:
“Dân bức xúc ở chỗ Nhà nước chưa đền bù cho dân; nhưng cô giáo ở các trường đòi nợ học sinh bắt phải đóng học phí, bảo hiểm y tế trong khi không tổ chức khám theo quyền lợi của các em.
Một lý do nữa thì người đáng đền bù lại không đền bù, còn người đáng hỗ trợ lại kêu lên… Dân không tán đồng cách làm của họ (cơ quan chức năng) nên họ quyết tâm xuống đường để đòi lại công lý.”
Linh mục Phê rô Mai Xuân Ái cũng cho biết số lượng tham gia, địa điểm biểu tình và phía chức năng làm việc với người dân:
“Trẻ có, già có. Tất cả trẻ em đều nghỉ học để tham gia. Số lượng chừng trên 2 ngàn người. Tổng số giáo dân của xứ chừng 3 ngàn rưỡi, trừ đi những người ở nhà và những người đi lao động ở phương xa. Họ đến tại Nhà Văn hóa Thôn. Họ sợ giáo dân đi ra đường nên họ xin đến đó để gặp. Cơ quan chức năng có chủ tịch huyện, cán bộ huyện, công an, bộ đội; chủ tịch xã cũng có ra. Khi tập trung được dân ở đó rồi họ cũng chỉ hứa như vậy thôi.”
Theo ghi nhận thì nhiều người dân biểu tình mang những biểu ngữ phản đối như ‘hủy hoại môi trường là tội ác’, ‘yêu cầu Formosa bồi thường thỏa đáng’, ‘Formosa cút khỏi Việt Nam’.
Hồi tháng 6 vừa qua, công ty Formosa có vốn đầu tư Đài Loan, đóng tại tỉnh Hà Tĩnh đã đứng ra nhận trách nhiệm xả hóa chất độc hại ra biển khiến hải sản chết hằng loạt, hủy hoại môi trường biển dọc ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ở miền Trung Việt Nam. Đồng thời cam kết với chính phủ Hà Nội đền bù 500 triệu đô la.
Hôm 29 tháng 9, chính phủ đã ra quyết định bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Nguồn kinh phí được lấy từ khoản tiền 500 triệu đô la mà Formosa trả cho Việt Nam.

Việt Nam quyết xử lý tiền ảo

Chính phủ Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện một đề án quản lý việc sử dụng và kinh doanh tiền ảo trong bối cảnh có nguy cơ chảy máu ngoại tệ và bất ổn thị trường tài chính tiền tệ.
Theo một đề án mới của chính phủ được truyền thông trong nước đưa tin, chính phủ sẽ “hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” trước những rủi ro về nạn rửa tiền, trốn thuế và chảy máu ngoại tệ từ hoạt động kinh doanh tiền ảo.
Theo VNEconomy ghi nhận từ bản dự thảo, việc kinh doanh và đầu tư tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phổ biến ở nhiều nước và trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới, với 670 loại trên toàn cầu, bao gồm cả Bitcoin.
Theo Bộ Tư Pháp, Việt Nam không công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác và việc sử dụng và kinh doanh tiền ảo là bất hợp pháp. Tuy nhiên giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ đô la. Bộ Tư Pháp cho rằng kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm… nên việc sử dụng và kinh doanh tiền ảo không thể nằm ngoài vùng quản lý và giám sát của nhà nước.
Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VOA Việt Ngữ rằng quan điểm của chính phủ Việt Nam chưa rõ ràng liên quan tới xu hướng kinh doanh tiền ảo trên thế giới:
“Ngân hàng Nhà nước không cho phép và cũng không đồng ý với đề nghị được sử dụng Bitcoin nhưng trên thế giới xu hướng sử dụng đồng tiền điện tử ngày càng phổ biến hơn thì tôi không biết quyết định của Việt Nam sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.”
Gần đây trên các website, diễn đàn và mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin về các loại tiền ảo với những lời chào mời đầu tư tham gia mạng lưới “tiền ảo” để thu lãi “khủng.” Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo việc sở hữu, mua bán và sử dụng tiền ảo đi kèm với nhiều rủi ro đối với người dân và họ không được pháp luật bảo vệ. Cục Thương Mại Điện Tử và Công Nghệ Thông Tin cũng đã khuyến cáo các tổ chức và cá nhân về các giao dịch tiền ảo.
Theo viện trưởng Viện Quản Lý Trung Ương Lê Đăng Doanh, việc quản lý mạng của Việt Nam cần được củng cố lại để đối phó với vấn đề này:
“Qua tình hình an ninh của các ngân hàng và việc ăn cắp các tài khoản để lấy cắp các mật khẩu để lấy tiền từ tài khoản thì đúng là vấn đề an ninh mạng và vấn đề an ninh của hệ thống ngân hàng của chúng ta có vấn đề.”
Nếu nghị định này được thông qua thì việc kinh doanh đa cấp các loại tiền ảo đang thịnh hành ở Việt Nam sẽ “hết đất sống.” Theo bộ Công Thương, một số doanh nghiệp trong thời gian qua đã lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới.
Có nhiều ý kiến trong công chúng ở Việt Nam cho rằng không nên hợp pháp hóa tiền ảo nhưng tiến sỹ Doanh cho rằng điều đó sẽ phản tác dụng:
“Vấn đề là phải có một thái độ rõ ràng, có căn cứ về việc sử dụng đồng tiền điện tử trong một phạm vi nhất định nào đấy. Tốt nhất là cho thí điểm và sau đó dần mở rộng ra và bên cạnh đó thì phải tăng cường an ninh mạng và quản lý các giao dịch về đồng tiền điện tử. Theo tôi đấy là hướng đi có lẽ là hợp lý hơn.”
Theo trang tin CoinFox, những người kinh doanh Bitcoin trong khu vực hy vọng chính phủ Việt Nam không đưa ra những chính sách quá nghiêm ngặt đối với tiền ảo. Người đồng sáng lập Bitcoin Vietnam, Dominik Weil, nói với Bloomberg BNA rằng ông đã thảo luận với Ngân hàng Nhà nước về các điều lệ trong bản dự thảo mới.
Theo hãng tin CNBC, Bitcoin – loại tiền ảo phổ biến nhất trên thế giới – tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Giá tiền ảo này đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ trong vòng 1 tháng gần đây đã tăng khoảng 70%. Theo mức giá mà VOA ghi nhận, giá trị của Bitcoin trong ngày 7/12 là 765 USD/Bitcoin.
Tiến sĩ Doanh cho rằng “trước một xu thế trên thế giới mà mình không cho phép sử dụng gì cả thì theo tôi đấy là một vấn đề cần bàn cãi.”

Thủ tướng ra lệnh truy kẻ tung tin đổi tiền

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho bộ Công An truy tìm những kẻ đứng sau các tin đồn đổi tiền thất thiệt.
Truyền thông trong nước đưa tin, thủ tướng Phúc hôm 6/12 khẳng định rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định và không có lý do để đổi tiền. Trang mạng Dân Trí trích lời thủ tướng Phúc nói tại một hội nghị rằng việc tung tin đổi tiền là nhằm mục đích trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư cũng như sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Nhận xét về nguyên nhân đưa đến những tin đồn như vậy, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết:
“Rõ ràng trong 1 bối cảnh có những biến động tài chính, có nợ của chính phủ tăng cao thì có những tin đồn thất thiệt. Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị phải truy tìm ra thủ phạm và phải có cách xử lý.”
Theo Dân Trí, tin đồn xuất hiện vào cuối tháng 11, gây biến động trên thị trường ngoại tệ và vàng, đồng thời gây tâm lý bất ổn trong xã hội. Truyền thông trong nước đưa tin người dân đã đổ xô nhau đi mua vàng và đô la để tích trữ, để phòng trường hợp đồng tiền Việt Nam có thể mất giá sau khi đổi tiền.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 1/12 chính thức phủ nhận tin đổi tiền, nói rằng đó là những tin đồn thất thiệt và vô căn cứ. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã cảnh báo về ảnh hưởng của những tin đồn đó đối với an ninh tiền tệ quốc gia.
Tiến sĩ Doanh cũng có nhận xét tương tự:
“Đấy là một thông tin ác ý, không có tính xây dựng và cần phải được xử lý nghiêm. Bởi vì hiện nay Việt Nam không có nhu cầu phải đổi tiền như thế.”
Theo VNExpress, mức giá của đồng tiền VND đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua so với đồng đô la Mỹ sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới lỏng các quy định về mức quy đổi ngoại tệ.
Việt Nam trước đây đã có 6 lần đổi tiền trong thời gian từ năm 1947 đến 1985. Một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas từng cho VOA biết rằng việc Việt Nam có những lần đổi tiền trước đây là cơ sở cho các tin đồn xuất hiện và lan truyền. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính từng làm việc cho ngân hàng ở Mỹ, được trích lời nói rằng trong một nền kinh tế có độ mở ít như Việt Nam, và thông tin không thông thoáng và đầy đủ và cơ quan chức năng không minh bạch công khai tin tức thì việc xuất hiện tin đồn là điều tất yếu.

Nghi vấn tỷ phú Trung Quốc

đang giấu kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam

Kho nhôm lớn nhất thế giới vừa được vận chuyển tới một cảng biển Việt Nam trong khi cách đây vài tháng còn nằm phủ bạt ở một hoang mạc của Mexico.
Theo một phóng sự điều tra của tờ Wall Street Journal, phần lớn số hàng này đang được phủ bạt đen, canh giữ bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui ở một nhà máy trong khu cảng Vũng Tàu.
Theo nguồn tin này, hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian – người được cho là đang giấu 1 triệu tấn nhôm trị giá 2 tỷ đô la để thao túng thị trường.
Theo Dịch Vụ Thông Tin Thương Mại Toàn Cầu (GTIS) chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên thế giới, Việt Nam là đích đến của 91% lượng xuất khẩu phôi nhôm.
Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 9 năm nay, kho nhôm của Mexico hiện đang nằm ở Việt Nam có liên quan tới ông Liu Zhongtian, chủ tịch tập đoàn nhôm China Shongwang, người giàu có nhất Trung Quốc. Ông Liu bị các nhà quản lý thương mại nhôm cáo buộc là xuất khẩu nhôm sang Mexico để xóa nguồn gốc Trung Quốc của mặt hàng này. Mục đích là lợi dụng hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Mexico để trốn thuế, bởi vì nếu là sản phẩm của Trung Quốc, mặt hàng này sẽ bị đánh thuế tại Hoa Kỳ. Tỷ phú Liu và tập đoàn China Zhongwang đã bác bỏ cáo buộc này.
Mỹ áp đặt các sắc thuế rất cao đối với nhôm nhập từ Trung Quốc, thuế xuất chống bán phá giá lên tới 374% cho phôi nhôm từ Trung Quốc trong khi nhôm Việt Nam chỉ chịu mức thuế trên dưới 5%. Trung Quốc được cho là đang dùng Việt Nam để có thể hưởng thuế xuất ưu đãi này.
Việc giá nhôm giảm giá trên thị trường đã đe dọa ngành sản xuất nhôm của Hoa Kỳ, dẫn đến nguy cơ hàng loạt nhà máy có thể đóng cửa. Theo Infonet, việc Trung Quốc tăng sản lượng nhôm và không phải đóng thuế đúng mức, là một mối đe dọa đối với ngành sản xuất nhôm tại Hoa Kỳ.
Theo phóng sự của Wall Street Journal, hành trình của nhôm Trung Quốc được vận chuyển từ Mexico sang Việt Nam trùng hợp với thời điểm lượng nhôm Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam và Mỹ tăng đột biến qua những cảng có liên hệ với tỷ phú Liu của Trung Quốc. Tuy nhiên người phát ngôn của tập đoàn China Zhongwang, Harriet Lau, bác bỏ là có bất kỳ liên hệ nào với kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam.
Theo người sáng lập Harbor Aluminum Intelligence LLC, tổ chức nghiên cứu thị trường nhôm toàn cầu, được WSJ trích lời nói Vũng Tàu là cảng xuất nhập khẩu chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có khả năng quản lý kho hàng khổng lồ như vậy.

Tàu hải quân Hàn Quốc thăm Cam Ranh

Hai tàu huấn luyện của hải quân Hàn Quốc là tàu ROKS Cheon Ji và tàu ROKS Chung Mu Gong Yi Sun Shin vừa cập cảng quốc tế Cam Ranh vào sáng ngày hôm nay, thực hiện chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 7 đến 10 tháng 12.
Các tàu này có 39 sỹ quan và 485 thủy thủ do Chuẩn Đô đốc Lee Sang Hoon làm trưởng đoàn.
Chuyến thăm lần này của hai tàu Hàn Quốc được báo chí trong nước viết là để góp phần tăng cường hợp tác quân đội giữa hai nước nói chung, giữa hải quân hai nước nói riêng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu.
Hồi tháng 5 vừa qua, một tàu quân sự và công vụ của Hàn Quốc khác cũng đã ghé thăm Đà Nẵng.
Hôm 5 tháng 12, tàu chiến của hải quân Philippines cũng đã cập cảng Cam Ranh để tham gia các hoạt động diễn tập tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ nhân đạo trên biển giữa hai nước.
Cảng quốc tế Cam Ranh của Việt nam từ khi được khánh thành vào tháng 3 năm nay đã liên tục tiếp đón nhiều tàu hải quân nước ngoài ghé thăm như của tàu của các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc, Nhật, Ấn Độ, Singapore…

Hội nhà báo đề nghị xử lý quan chức

Trong một động thái hiếm hoi, Hội Nhà báo Việt Nam gửi công văn đề nghị Thanh tra Chính phủ “xem xét và có ý kiến” về phát ngôn bị cho là xúc phạm phóng viên của ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ 3 cơ quan này.
Theo công văn do ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam ký, ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ 3, Thanh tra Chính phủ, “đã có những lời lẽ xúc phạm những người làm báo, gây bất bình sâu sắc trong giới báo chí và dư luận xã hội”.
“Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xem xét và có ý kiến về việc này”, công văn viết.
Trước đó, trong một đoạn video clip dài hơn 10 phút được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội từ cuối tháng 11/2016, người được cho là ông Nguyễn Minh Mẫn nói trong một cuộc họp: “… Báo chí lúc này nhiều quá, hơn 20.000 nhà báo mà nó xâu xia vào… thì không có lịch mà tiếp đâu.”
“Nên tôi đề nghị trong quá trình đoàn thanh tra làm việc, các đồng chí không tiếp, trừ báo Đảng vào tuyên truyền giúp đỡ nhà trường trong dịp tết.”
“Bất kỳ đồng chí nào bị báo chí quấy nhiễu thì điện trực tiếp cho tôi. Tôi nói thật, nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch các tỉnh, bộ trưởng… đã điện trực tiếp cho tôi.”
“Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi, đuổi đấy. Đuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Đấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…”.
‘Làm rõ’
Hôm 7/12, trả lời BBC từ Long An, nhà báo Trương Hữu Danh, công tác tại báo Nông Thôn Ngày Nay, nói: “Tôi cho rằng động thái của Hội Nhà báo sẽ giúp các phóng viên, nhà báo cảm thấy thoải mái hơn khi nghề nghiệp được bảo vệ mà không có vùng cấm.”
Tuy vậy, ông Danh từ chối bình luận thêm về việc tại sao Hội Nhà báo Việt Nam phản hồi sự việc quá chậm và trước đây thường xuyên giữ im lặng mỗi khi có một tổng biên tập bị cách chức hay một tờ báo bị phạt.
Một số phóng viên ở Hà Nội cũng từ chối trả lời BBC với lý do “nói về nghề báo, về Hội Nhà báo là dính tới chính trị và có nguy cơ bị tòa soạn phạt nặng”.
Một phóng viên đề nghị không nêu tên ở TP Hồ Chí Minh nói với BBC: “Vụ Hội Nhà báo Việt Nam ra công văn đề nghị xử ông Nguyễn Minh Mẫn thì giống như theo đóm ăn tàn thôi, kiểu như ông này bị vùi dập quá thì họ cho ông ấy chết luôn.”
Hôm 7/12, BBC gọi điện cho ông Nguyễn Minh Mẫn và Hội Nhà báo Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.
Báo Dân Trí hôm 7/12 dẫn lời Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Các cơ quan phải chủ động cung cấp cho báo chí, trừ lĩnh vực về quốc phòng an ninh còn những gì không thuộc bí mật Nhà nước ta đều phải minh bạch, công khai.”
“Ở đây, có những cách ứng xử, lời nói không đúng thì chúng ta lên án. Cán bộ, công chức, viên chức không được xúc phạm đến những người [phóng viên] đang làm nhiệm vụ vì đây là quyền của các cơ quan được thông tin, được công bố trừ khi các công việc đang thanh tra không được cung cấp thông tin”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.