Tin Biển Đông – 07/12/2016
Mối quan hệ Trump-Duterte và vấn đề Biển Đông
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ hai ngày sau cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 7 phút tuần trước, hai ông cùng “lưu ý đến tình bạn và sự hợp tác lâu dài” giữa 2 quốc gia, và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ cùng nhau về “những vấn đề và mối quan tâm chung”.
Tuy nhiên, không loại trừ việc ông Trump lên tiếng về vấn đề Biển Đông để có thể đàm phán hay đi đêm với Trung Quốc ở các lĩnh vực khác, theo nhận định của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả nghiên cứu về quan hệ châu Á-Mỹ. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng cố vấn cấp cao của ông Trump, bà Kellyanne Conway, từng tiết lộ vấn đề Đài Loan và Biển Đông đều nằm trong kế hoạch được dự tính từ trước.
Giáo sư Long nói: “Tôi nghĩ là cũng có chuyện dàn xếp ông Kissinger sang thăm Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình hai ngày trước khi ông Trump nói chuyện điện thoại với bà Tổng thống của Đài Loan và sau đó ông ấy Tweet cái vấn đề ở Biển Đông. Tôi nghĩ đây là vấn đề của hai nước lớn, tất nhiên là Trung Quốc và Mỹ, họ gờm với nhau chứ Duterte chỉ là con cá nhỏ thôi.”
Cũng theo vị học giả này, vai trò của Philippines ở Biển Đông nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam mặc dù đã giành phần thắng trong vụ kiện ở tòa La Haye vì hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa gần Trung Quốc và Việt Nam nhất.
Ông nói rằng mặc dù Philippines là một đồng minh của Mỹ nhưng Mỹ đã từng bỏ rơi quốc gia này trong nhiều năm và có lẽ “Duterte cũng phải nhớ bài học đó”.
Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Tổng thống Philippines đã mạnh miệng tuyên bố ly khai Mỹ, nhưng những động thái mới trong quan hệ với Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang dần nồng ấm trở lại.
Giáo sư Long nhận xét, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống của một cường quốc trên thế giới nên ông Duterte không thể xem thường và sẽ cư xử đàng hoàng hơn so với Tổng thống Obama. Ông nói: “Ông Trump là người cứng rắn, có thể nói là đanh đá không thua gì ông Duterte, nếu không nói là hơn. Thành ra tôi nghĩ Duterte sẽ có quan hệ tốt với ông Trump hơn bởi vì cùng là những người có cách cư xử giống nhau thì hiểu nhau.”
Hiện Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Philippines. Mỗi năm, hai nước cũng tiến hành khoảng 28 cuộc tập trận chung thường niên, trong đó có 3 cuộc tập trận lớn (như tập trận Balikatan mà năm nay có sự tham gia của 5.000 binh sĩ Mỹ và 3.500 binh sĩ Philippines), để chuẩn bị đối phó với thảm họa và các biến cố khác.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã gửi hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự và viện trợ phát triển cho Philippines. Ngoài ra, Philippines cũng là quốc gia nhận viện trợ của Mỹ nhiều nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ chương trình nhằm giúp các nước mua vũ khí – khí tài do Mỹ sản xuất.
Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương
Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương, để bảo vệ quyền lợi quan trọng của nước Mỹ, cũng như để bảo vệ sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Đó là nội dung phát biểu được ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter đưa ra hôm nay trong cuộc họp báo tại Tokyo, nhân dịp đến thăm Nhật Bản để thảo luận với giới lãnh đạo quốc gia đồng minh về tình hình an ninh khu vực và những điều cần thực hiện để cùng đối phó với những biến cố bất ngờ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Trong cuộc họp báo, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không là những quyền rất quan trọng mà mọi quốc gia có trách nhiệm phải bảo vệ, ám chỉ những hành động gây khó khăn mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ông Carter cũng cho hay công tác chuyển quyền giữa chính phủ Obama đương thời và chính phủ Donald Trump tương lai được thực hiện tốt đẹp, đảm bảo người kế nhiệm ông có thể bắt tay làm việc ngay từ ngày đầu tiên, bảo thêm là ông quý trọng Cựu Đại Tướng James Mattis, người được Tổng Thống Đắc Cử Trump chọn để điều hành Lầu Năm Góc.
0 comments