Tin Việt Nam – 01/12/2016
Phát hiện vỉa dầu mới cách bờ biển Vũng Tàu 145 km
Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) hôm nay cho biết tập đoàn đã phát hiện được vỉa dầu mới nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, ở khu vực Đông bắc mỏ Bạch Hổ, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km, vốn là mỏ cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho Việt Nam hiện nay.
Phó Tổng Giám đốc địa chất Vietsovpetro, một liên doanh khai thác dầu khi giữa Nga và Việt Nam, cho báo chí biết vỉa dầu mới được phát hiện vào sáng ngày 30 tháng 11 vừa qua. Ước tính ban đầu cho thấy vỉa dầu mới có thể cho khai thác 610m3 dầu một ngày và 110.000m3 khí một ngày. Ông Hải cũng cho biết sau khi kết thúc toàn bộ công tác khoan và thử vỉa, giếng khoan này sẽ được bảo quản để sử dụng cho mục đích khai thác sau này.
Trong khi đó, tại buổi tiếp Phó Chủ tịch tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil ông Paul Greenwood vào ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công thương, tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Exxonmobil đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm khai thác mỏ khí Cá Voi xanh, cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía đông.
Đây là mỏ khí do tập đoàn ExxonMobil điều hành và là mỏ khí được cho là lớn nhất Việt Nam tính cho đến thời điểm hiện tại.
Mới đây, Thủ tướng chính phủ cũng đã đồng ý quy hoạch xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 3.000 mw sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh. Hai nhà máy sẽ được xây dựng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam và hai nhà máy khác được xây dựng ở khu kinh tế Dung Quất. Thủ tướng chính phủ cũng đồng ý với chủ trương dành một lượng khí của mỏ khí Cá Voi Xanh cho phát triển công nghiệp hóa dầu.
Một số quan chức bị kỷ luật liên quan đến Trịnh Xuân Thanh
Truyền thông Việt Nam hôm 1/12 cho hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản đã xác định các biện pháp kỷ luật về mặt đảng với 6 quan chức của tỉnh Hậu Giang và Bộ Nội vụ do có liên quan đến những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Thanh từng là Phó Chủ tịch Hậu Giang, hiện đang bị nhà chức trách Việt Nam truy nã vì sai phạm khi quản lý một tổng công ty nhà nước.
Tin cho hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020; và khiển trách bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Ủy ban đề nghị Ban Bí thư của Đảng Cộng sản cảnh cáo ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Ông Chắc và ông Hải từng là Ủy viên Trung ương Đảng.
Ủy ban cũng đề nghị Ban Bí thư “xem xét xử lý” ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Thăng cũng là Ủy viên Ban cán sự đảng.
Các quan chức nêu trên bị quy kết có những khuyết điểm, sai phạm trong quy trình nhân sự để ông Trịnh Xuân Thanh trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào năm 2015; làm sai luật khi cấp biển số công vụ cho xe cá nhân của ông Thanh; và khen thưởng, trao huân chương một cách bất hợp lý cho ông Thanh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn bị cho là “có vi phạm, khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến” về quy trình nhân sự đối với ông Thanh. Nhưng Ủy ban Kiểm tra cho rằng những việc làm của ông Tuấn “chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.”
Trong quyết định của mình, Ủy ban nói “vi phạm, khuyết điểm” của các quan chức “đã ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội.”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét với VOA rằng quyết định kỷ luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người dân:
“Xử nhiều người liên quan thì tôi cho đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng mà vẫn chưa thấy nó có gì mạnh mẽ. Người ta đang chờ có hoạt động mạnh mẽ hơn, xử lý trách nhiệm cao hơn. Việc phê chuẩn ông Trịnh Xuân Thanh được làm phó chủ tịch là cái phê chuẩn cuối cùng thì đó là của bên chính phủ, của ông thủ tướng, nhưng mà không thấy có ý kiến [về kỷ luật đối với] chỗ đấy. Bởi vì kết quả bầu cử Hội đồng Nhân dân của Hậu Giang, [bầu] chủ tịch và phó chủ tịch, và thành viên Ủy ban [Nhân dân] thì phải được phê chuẩn của thủ tướng.”
Sau khi quyết định của Ủy ban Kiểm tra được công bố, nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng việc cảnh cáo các quan chức đã rời khỏi chức vụ không có nhiều ý nghĩa, trong khi sẽ ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của những người đương chức.
Luật sư Thuận giải thích thêm với VOA về ý nghĩa, tác động của các biện pháp kỷ luật về mặt đảng đối với các quan chức:
“Thông thường, về kỷ luật [của đảng] hễ mà cảnh cáo thì đồng nghĩa là thôi cái chức của chính quyền. Còn dĩ nhiên là những hình thức khiển trách này kia thì nó vẫn ảnh hưởng. Thường nó có một thời gian, tùy cái sai phạm. Có thể từ 1 đến 5 năm, người ta có cuộc kiểm điểm để xem xét người ta có sửa chữa khuyết điểm không. Thì chi bộ ra nghị quyết đã sửa chữa khuyết điểm, gửi lên trên. Sau khi có nghị quyết đã sửa chữa khuyết điểm thì việc đề bạt không bị ảnh hưởng gì.”
Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã thu hút sự chú ý của công luận từ giữa năm 2016 khi ông bị báo chí nêu ra việc ông đi xe hơi rất đắt tiền gắn biển nhà nước.
Hồi tháng 7, ông Thanh bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Khoảng giữa tháng 9, ông bị khai trừ khỏi đảng, cùng lúc Bộ Công an khởi tố bị can và truy nã ông Thanh liên quan đến cuộc điều tra về khoản thua lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng ở Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) khi ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong thời gian từ 2011-2013.
Nhưng trước khi ông bị khai trừ, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng và bỏ trốn. Đến nay vẫn chưa rõ ông Thanh đang trốn ở đâu.
Tư lệnh tuần duyên Mỹ muốn giúp Việt Nam
Tư lệnh tuần duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft, mới tuyên bố rằng lực lượng do ông lãnh đạo có thể giúp Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác “phát triển năng lực” trên biển.
Phát biểu tại viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, ông Zukunft nói rằng tuần duyên Mỹ có thể đóng vai trò lớn hơn ngoài biên giới Mỹ.
Vị tư lệnh này cho biết đang nhắm tới vai trò duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông dưới chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Zukunft nói thêm rằng nếu tân chính quyền ủng hộ ý tưởng này, thì lực lượng tuần duyên Mỹ “cũng có thể giúp Việt Nam, Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác phát triển năng lực thực thi luật pháp hàng hải, và giúp đỡ duy trì hòa bình, và an ninh tại các vùng biển lân cận”.
Năm 2014, người tiền nhiệm của ông Zukunft, Đô đốc Bob Papp nói với VOA Việt Ngữ rằng một sĩ quan của lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ được cử tới làm việc tại đại sứ quán của Hoa Kỳ tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, ông Papp trở thành tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam trong nỗ lực củng cố hợp tác với các lực lượng tuần duyên trên thế giới.
Vị đô đốc sau đó được báo chí trích lời nói rằng “tăng cường mối quan hệ đối tác với các lực lượng quản lý lãnh hải như cảnh sát biển Việt Nam là điều quan trọng nhằm cải thiện an ninh khu vực”.
Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là một trong lĩnh vực chính mà Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường thời gian qua. Ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị, năm ngoái nói với VOA Việt Ngữ rằng an ninh biển, nhất là vấn đề tự do hàng hải, là một trong các vấn đề quan trọng trong cuộc đối thoại thường niên Việt – Mỹ.
Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là một trong lĩnh vực chính mà Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường thời gian qua. Ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị, năm ngoái nói với VOA Việt Ngữ rằng an ninh biển, nhất là vấn đề tự do hàng hải, là một trong các vấn đề quan trọng trong cuộc đối thoại thường niên Việt – Mỹ.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ năm 2013, ông John Kerry thông báo rằng Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam một khoản trị giá 18 triệu đôla cũng như giúp huấn luyện và cấp 5 tàu tuần duyên cho Việt Nam.
Hà Nội thời gian qua đã có những bước đi tăng cường lực lượng tuần duyên như trang bị nhiều tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển.
Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ tư lệnh cảnh sát biển. Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các lực lượng tuần duyên khác như Nhật Bản.
Thủ tướng Việt Nam cấm quan chức chính phủ biếu quà Tết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các quan chức trong chính phủ không quà cáp, “chúc Tết thủ tướng” và các cấp lãnh đạo chính phủ cũng như không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi.”
Thủ tướng Phúc được truyền thông trong nước trích lời phát biểu tại một phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 11 tại Hà Nội, đề nghị “tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì.” Thủ tướng cũng “yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.”
Biếu xén phong bì trong dịp Tết đã là một “vấn nạn” ở Việt Nam trong nhiều năm qua vì kỳ nghĩ lễ cuối năm được coi là dịp tốt cho người ta tặng quà và thậm chí cả tiền cho cấp trên với mong muốn được giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc và kinh doanh.
Theo tiến sỹ Đặng Ngọc Dinh, giám đốc trung tâm Nghiên Cứu Hỗ Trợ Cộng Đồng (CECODES) được Tiền Phong trích dẫn “Tết chính là thời cơ và cơ hội để người ta đưa và tặng quà hối lộ.” Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu Niên của Quốc Hội Nguyễn Viết Chức nói với VNExpress, “ranh rới quà Tết và hối lộ mỏng như sợi tóc” và dẫn chứng rằng “hiện nay đến nhà sếp, người ta lì xì hàng trăm nghìn đồng, thậm chí vài trăm đô la.”
Nhưng hôm 29/11, thủ tướng đã đưa ra lệnh cấm này và yêu cầu các lãnh đạo chính phủ và các bộ, ngành không nhận quà biếu xén trong dịp Tết vào cuối tháng 1/2017.
Tuy nhiên chỉ đạo này của thủ tướng Phúc không phải là mới. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên nói với VOA Việt Ngữ rằng “đây là cái Tết đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ quốc hội khóa 14.”
“Chúng ta nghe thấy thế thì có vẻ như mới nhưng nó cũng là một hoạt động bình thường của chính phủ trong nhiều năm gần đây. Nhưng đến thời điểm này có cái mới là thủ tướng chính phủ yêu cầu bản thân các bộ phải gương mẫu thực hiện để các địa phương không chúc Tết.”
Theo ông Kiên, chúc Tết ở đây không chỉ là những lời nói mà thường là những món quà biếu xén có giá trị cao. Tại phiên họp của chính phủ, thủ tướng Phúc đã cấm biếu xén quà Tết dưới bất kỳ hình thức nào. Và ông Kiên nói chỉ đạo này “nhằm kêu gọi đi vào thực chất và tiết kiệm.”
“Tham nhũng không phải là thông qua quà Tết mà thông điệp của chính phủ muốn nhấn mạnh là một chính phủ có tiết kiệm và tập trung vào những việc trọng tâm chứ không quan tâm nhiều đến những hình thức lễ nghĩa bình thường nữa và chúng ta phải đi vào hoạt động. Nếu gắn tuyên bố của thủ tướng với tuyên bố của chính phủ về việc ngay từ tháng 1/2017 chúng ta phải tổ chức triển khai đầu tư công, giải ngân ngay từ những ngày đầu trước Tết (tháng 1/2017) thì chúng ta thấy nó là cả 1 logic bình thường.”
Theo Dân Trí đưa tin, thủ tướng Phúc yêu cầu các địa phương “cũng cần thực hiện nghiêm việc này” và “Chính phủ cần làm gương” khi từng “thành viên của Chính phủ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.”
Việt Nam vẫn là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới, theo xếp hạng của Trace Matrix – một tổ chức quốc tế vận động chống hối lộ có trụ sở tại Mỹ. Trên bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về vấn nạn hối lộ trên toàn thế giới năm 2014. Trace International cũng xếp Việt Nam trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41.8.
Tiến sỹ Dinh của CECODES nói trong bài phỏng vấn với Tiền Phong rằng “khi tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phổ biến thì việc lợi dụng quà tặng để đưa hối lộ vẫn sẽ xảy ra, khó mà ngăn chặn được.”
Cựu quan chức QH: Nghị định về từ chức phụ thuộc vào đảng
Tại phiên họp mới đây của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Bộ Nội vụ cần thảo ra nghị định về từ chức. Ông Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức Quốc hội hoan nghênh phát biểu của ông Phúc song cũng cho rằng việc hiện thực hóa điều đó sẽ khó khăn do thể chế chính trị Việt Nam.
Các báo Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Phúc phát biểu hôm 28/11 tại một phiên họp chính phủ nói rằng: “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”.
Một ngày sau, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trả lời trong một cuộc họp báo là: “Vấn đề xây dựng nghị định này không có gì khó khăn nhiều, Bộ Nội vụ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi xây dựng nghị định phải có cơ sở luật pháp, văn bản nào không đúng luật phải theo quy chế mới”.
Trong những năm gần đây, cử tri và các đại biểu quốc hội Việt Nam đã nhiều lần gây sức ép về việc “cán bộ lãnh đạo” phải từ chức khi họ “không hoàn thành tốt trọng trách”, đồng thời cũng đòi hỏi phải có quy định pháp lý về vấn đề này.
Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc tháng giữa tháng 11, khi trả lời chất vấn, Thủ tưởng Phúc khẳng định “văn hóa từ chức là cần thiết” và khi đó ông cũng đã nói “Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để báo cáo Chính phủ nhằm có văn bản phù hợp tạo điều kiện từ chức trong điều kiện cụ thể”.
Cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận hoan nghênh việc ông Phúc tiếp thu ý kiến cũng như có các hành động về vấn đề quan trọng này. Ông Thuận nói với VOA:
“Cái ý kiến chấp nhận văn hóa từ chức và xây dựng một cơ chế để mà có thể từ chức thì tôi cho rằng điều đó là tốt, đó là dấu hiệu tích cực. Mình nên ủng hộ. Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đưa ra những câu nói thì tôi thấy dư luận ủng hộ, chẳng hạn như ‘chính phủ liêm chính’, ‘chính phủ hành động’. Tôi cho rằng cũng nên động viên ổng”.
Tuy nhiên, ông Thuận cũng lưu ý rằng do thể chế chính trị Việt Nam nơi Đảng Cộng sản kiểm soát mọi việc và đưa ra quyết định cao nhất, nên công chúng cần phải chờ xem những ý tưởng, dự định của thủ tướng sẽ được đảng thông qua đến mức độ nào. Vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đảng cần phải ra quy chế về từ chức trước:
“Mặc dầu trên hình thức chủ nghĩa thì là của Quốc hội nhưng mà thực tế quyền lực là ở đảng cho nên là đảng phải có một cái quy chế như vậy. Bởi vì ông thủ tướng ông hô hào như thế nhưng mà ông làm gì có quyền cách chức một ông bộ trưởng, làm gì có quyền cách chức một ông chủ tịch tỉnh. Kể cả quận huyện, ông làm gì có quyền cách chức được. Hệ thống chính trị Việt Nam là quyền lực nằm ở chỗ đảng. Đảng phải xây cơ chế, thể chế để có thể tạo điều kiện cho người ta từ chức. Hoặc là đảng có thể ủy quyền, hay là giao quyền cho Quốc hội rồi cho Chính phủ một số lĩnh vực gì đấy”.
Cách đây 4 năm, trong một phiên họp Quốc hội, người tiền nhiệm của ông Phúc là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị một đại biểu Quốc hội hỏi ông “có hướng tới văn hóa từ chức” thay vì chỉ xin lỗi về những vấn đề trong điều hành chính phủ hay không. Ông Dũng đã trả lời ông “không bao giờ xin đảng làm chức vụ này, chức vụ kia và cũng chưa bao giờ thoái thác, từ chối nhiệm vụ mà đảng giao phó”.
Civil Rights Defenders kêu gọi trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm
Tổ chức bảo vệ quyền công dân có tên Civil Rights Defenders, lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực đối với nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang bị bắt giam.
Hôm thứ ba 29 tháng 11 vừa qua, Civil Rights Defenders, trụ sở chính tại Thụy Điển, nhân ngày những người bảo vệ quyền phụ nữ quốc tế năm nay, lên tiếng kêu gọi cộng động quốc tế tiếp tục gây sức ép đòi chính quyền Việt Nam trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một nhà hoạt động xã hội và môi trường vừa bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 10 tháng 10 vừa qua.
Blogger Mẹ Nấm bị khởi tố với tội tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Trong bài viết kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến trường hợp của Blogger Mẹ Nấm, Tổ chức Người bảo vệ nhân quyền viết rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những người bảo vệ nhân quyền là nữ giới đang phải chịu hậu quả do bảo vệ quyền con người trong một xã hội áp bức.
Blogger Mẹ Nấm là thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam và đã từng được tổ chức những người bảo vệ nhân quyền trao giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền 2015.
Cuộc sống di cư của phụ nữ miền Tây Nam Bộ
Hòa Ái, RFA
Hội thảo Khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, hồi cuối tháng 10 cho biết làn sóng di cư khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long đáng báo động, trong đó nữ giới chiếm tỉ lệ cao. Đời sống di cư của những phụ nữ miền Tây như thế nào?
Hội thảo Khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, hồi cuối tháng 10 cho biết làn sóng di cư khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long đáng báo động, trong đó nữ giới chiếm tỉ lệ cao. Đời sống di cư của những phụ nữ miền Tây như thế nào?
Tỉ lệ nữ giới Tây Nam Bộ di cư cao
Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Tây Nam Bộ, có diện tích rộng 40 ngàn km2. Kể từ thời khẩn hoang và xuyên suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, nơi đây nổi tiếng là vùng đất của chim trời cá nước, gạo trắng nước trong, cây trái xum xuê…Vùng đất này được xem như là một nơi dễ sống với mật độ dân số khoảng 18 triệu người, đóng góp cho quốc gia đến 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, thật khó hình dung nỗi trong vòng 20 năm, tính đến năm 2014, có hai triệu người di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng này được ghi nhận là đáng báo động vì theo số liệu thống kê chỉ riêng trong vòng 5 năm, từ 2009 đến 2014, số người di cư chiếm hơn nửa triệu. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng di cư được nêu ra trong Hội thảo Khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới” là do biến đổi khí hậu. Thế nhưng, theo nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn với Đài RFA bên cạnh biến đổi khí hậu còn có những nguyên nhân khác, như do đói nghèo hoặc do sự hấp dẫn của các đô thị hay do sự thay đổi của giới trẻ không muốn gắn bó với nông thôn.
Có thể nói nữ giới là thành phần chủ chốt trong làn sóng di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Có phải họ ra đi vì những nguyên nhân như vừa nêu hay không? Để tìm lời giải đáp, Hòa Ái trao đổi với một số chị em phụ nữ miền Tây đã bỏ quê nhà ở nông thôn để tìm cuộc sống mới bằng nhiều nghề khác nhau. Họ cho biết không thể đeo đuổi nghề nông truyền thống vì tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng cũng như không thể trụ lại vùng châu thổ sông Cửu Long vì công ăn việc làm không có nhiều và việc buôn gánh bán bưng không mang lại thu nhập ổn định.
Cuộc sống di cư nhiều rủi ro
Đi làm ca 3 là mình không đủ sức khỏe thì xỉu. Tại vì ca 3 bắt buộc ban ngày phải ngủ, nhưng sống trong khu lưu trú chung với mọi người nên đi làm về ngủ là giờ sinh hoạt của người khác nên mình không ngủ được
-Nữ công nhân
Những cô gái mười tám, đôi mươi tốt nghiệp phổ thông trung học tìm kiếm công việc làm trong những hãng xưởng ở các khu công nghiệp tại Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…Để thay đổi từ nếp sinh hoạt quen thuộc thôn quê dân dã sang thích nghi với nhịp sống công nhiệp đối với những cô gái miền Tây là điều không phải dễ. Một nữ công nhân, quê Bến Tre, làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh nói về công việc hàng ngày nơi đô thị:
“Lúc đi làm thì người ta yêu cầu mình phải tăng ca, tức là phải làm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, mà chỉ có một tiếng đồng hồ ăn cơm giờ buổi khuya và nghỉ ngơi thôi. Lúc đó mình cứ bị xỉu liên miên. Cứ đi làm ca 3 là mình không đủ sức khỏe thì xỉu. Tại vì ca 3 bắt buộc ban ngày phải ngủ, nhưng sống trong khu lưu trú chung với mọi người nên đi làm về ngủ là giờ sinh hoạt của người khác nên mình không ngủ được.”
Mặc dù cuộc sống mới của những nữ công nhân quê miền Tây Nam Bộ khá vất vả nhưng họ cho biết đồng lương kiếm được chỉ đủ trang trải cho cuộc sống cá nhân hàng ngày. Riêng đối với nữ giới, những người có trình độ học vấn không hết bậc phổ thông và có hoàn cảnh gia đình nghèo khó thì họ kiếm sống bằng các công việc, có thể gọi là “nhạy cảm”. Một cô gái rời quê ở Tiền Giang được 4 năm và hiện đang làm việc trong quán karaoke ở một thành phố lớn chia sẻ về công việc hàng ngày của mình:
“Nhiệm vụ là ngồi ca và nhậu với khách. Vậy thôi hà. Khách nào lịch sự thì không làm gì nhưng khách nào không lịch sự thì họ tái mái tay chân. Em nói vậy chị hiểu mà. Em thừa biết công việc như vậy nhưng vì đồng tiền lo cho cuộc sống của con em nên em phải chấp nhận và cố gắng làm.”
Với những công việc như thế này, nhiều phụ nữ miền Tây đánh đổi sức khỏe vì bệnh tật do phải uống nhiều bia rượu ngày qua ngày để có thể gánh vác đủ chi tiêu trong cuộc sống không chỉ cho mình mà còn cho người thân. Bên cạnh đó, có không ít những em gái rất trẻ quyết định chọn nghề mại dâm vì đây là cách có thể kiếm nhiều tiền hơn so với các công việc khác để phụ giúp gia đình. Một em gái quê ở Long An tâm sự:
“Trong hoàn cảnh của mình thì em đành nhắm mắt một thời gian ngắn gọi là tạm thời. Khi mà em có một số tiền như em mong hoặc hơn em mong, em toàn là gởi về nhà”.
Nói chung, nói thẳng, nói thiệt thì đa số chị em Việt Nam lấy chồng ở nước ngoài là vì chữ hiếu gia đình. Qua đây đâu có tình thương đâu. Không hạnh phúc thì nhiều lắm. Rất ít người được hạnh phúc
-Cô dâu Việt
-Cô dâu Việt
Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, các cô gái miền Tây hành nghề mại dâm còn chọn cuộc sống mưu sinh nổi trôi ở một quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia…Và còn một thành phần rất đông chị em phụ nữ miền Tây chọn cách lấy chồng ở một số nước Châu Á với hy vọng có cuộc sống tốt hơn nơi xứ người. Đây là lời tâm tình của một “cô dâu” ở Đài Loan:
“Nói chung, nói thẳng, nói thiệt thì đa số chị em Việt Nam lấy chồng ở nước ngoài là vì chữ hiếu gia đình. Qua đây đâu có tình thương đâu. Không hạnh phúc thì nhiều lắm. Rất ít người được hạnh phúc.”
Theo số liệu thống kê được công bố vào năm 2012, phụ nữ khu vực Tây Nam Bộ kết hôn với người nước ngoài chiếm đến 79%. Họ chấp nhận một người chồng xa lạ qua môi giới, lớn hơn nhiều tuổi và bất đồng ngôn ngữ lẫn văn hóa với mong muốn đổi đời. Tuy vậy, đa số những “cô dâu” miền Tây ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu mà thê thảm nhất như trường hợp của chị Võ Thị Minh Phương, quê Cần Thơ, ôm hai con nhỏ nhảy lầu tự tử sau một năm sinh sống cùng chồng ở Hàn Quốc.
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do dành cho những phụ nữ di cư nhưng không may mắn trong cuộc sống mới rằng có bao giờ muốn trở về sinh sống nơi mảnh đất miền Tây, hầu hết người nào cũng tiếc nuối cuộc sống giản đơn ngày xưa cũ dù nghèo nhưng không đói với những đồng lúa cò bay thẳng cánh, những mùa nước nổi đầy ắp cá tôm…Và ai ai cũng trông mong một ngày về, nhưng biết bao giờ những nhánh lục bình có thể ngược dòng trở lại vùng đất phù sa thân yêu mang tên đồng bằng sông Cửu Long?
0 comments