Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 01/12/2016

Thursday, December 1, 2016 7:02:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 01/12/2016Thái tử Thái Lan về nước kế vị ngôi vua
Theo Reuters, một tháng rưỡi sau khi vua cha Thái Lan qua đời, hôm nay, 01/12/2016, thái tử Maha Vajiralongkorn đã từ Đức trở về nước để kế vị ngôi vua.
Theo thủ tục, cuối ngày hôm nay (01/12), thái tử gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Prayut Chan-o-cha, người đứng đầu Tòa án tối cao và chủ tịch Quốc Hội. Chủ tịch Quốc Hội là người chính thức trực tiếp mời thái tử đăng quang, trở thành quốc vương Rama X của Thái Lan.
Sau nhiều tuần tình hình không rõ ràng, hôm thứ Ba vừa qua, Quốc Hội Thái Lan đã quyết định mời thái tử lên ngôi. Ít giờ sau khi vua Bhumibol qua đời, thái tử Vajiralongkorn, 64 tuổi, đã gây ngạc nhiên khi đề nghị cho ông « một thời hạn » trước khi quyết định kế vị ngai vàng.
Việc truyền ngôi vua mới diễn ra trong bối cảnh đất nước Thái Lan hết sức chia rẽ, giữa hai phe, một bên là phe bảo hoàng và bên kia là những người ủng hộ hai anh em Thaksin và Yingluck Shinawatra, hai thủ tướng bị quân đội lật đổ vào năm 2006 và 2014.
Thái tử Maha Vajiralongkorn có tính cách hoàn toàn tương phản với người cha. Vua Bhumibol, trị vì 70 năm, được rất nhiều người dân Thái sùng kính như « người cha của dân tộc», trong khi đó, người con nổi tiếng với tính khí thất thường. Theo các nhà quan sát, nhiều cố vấn của hoàng gia và tướng lĩnh không ưa gì ông.

« Tinh thần yêu nước »,

học thuyết kinh tế Mỹ thời Donald Trump

Hào phóng giảm thuế, điều chỉnh lại các quy định ngân hàng và hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng: Ban cố vấn về kinh tế cho Donald Trump với sự góp mặt của Steven Mnuchin trong bộ Tài Chính và Wilbur Ross ở bộ Thương Mại đang đưa ra một học thuyết mới dựa trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước trong lĩnh vực kinh tế. AFP ngày 01/12/2016 phân tích về đường hướng kinh tế của chính quyền Mỹ sắp tới.
« Hoa Kỳ là quốc gia tốt nhất cho đầu tư »« Tập trung ưu tiên cho tăng trưởng và tạo công ăn việc làm », còn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP là một « thương vụ giao dịch khủng khiếp, cần phải được thực hiện thông qua các đàm phán song phương »… Trên đây là những lời tuyên bố của hai vị tân bộ trưởng vừa được ông Trump bổ nhiệm : Ông Steven Mnuchin, cựu lãnh đạo tập đoàn tài chính Goldman Sachs vừa được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng Tài Chính và Wilbur Ross, bộ trưởng Thương Mại khi trả lời phỏng vấn trên đài CNBC.
Phải chăng với những tuyên bố trên, tân chính quyền Hoa Kỳ muốn xem xét lại mọi thỏa thuận thương mại đa phương và thật sự muốn thực hiện một chính sách bảo hộ như cam kết của ông Donald Trump trong quá trình vận động tranh cử ? Đương nhiên, ông Wilbur Ross, doanh nhân 79 tuổi, phải phủ nhận đó là « chủ nghĩa bảo hộ ». Với ông, đó là một « thuật ngữ mang nghĩa xấu » và cần phải phân biệt rõ giữa « nền thương mại hợp tình và kiểu kinh doanh xuẩn ngốc ». Và theo doanh nhân này, nước Mỹ trong thời gian qua đã tiến hành một chính sách « thương mại ngu xuẩn », giờ cần phải được « sửa chữa ».
Hồi hương vốn
Theo đó, để có thể khuyến khích các doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng, và làm cho «dòng vốn » trở lại Mỹ, ông Steven Mnuchin có ý định giữ nguyên các lời hứa hẹn của ông Trump là giảm thuế lợi tức doanh nghiệp xuống còn 15% so với mức 35% hiện nay. Giảm thuế thu nhập, nguồn thu chính của chính quyền liên bang. Tầng lớp trung lưu cũng sẽ được giảm thuế. Chính sách này cũng được áp dụng tương tự cho tầng lớp giầu có hơn, nhưng đổi lại, họ phải chấp nhận từ bỏ một số khoản khấu trừ.
Theo bộ trưởng Tài Chính tương lai, để cho phương pháp này có thể vận hành tốt không làm tăng nợ và thâm hụt ngân sách thì cần phải có « xung động mới », đó là giảm thuế để kích thích tiêu dùng. Trong chiều hướng đó, ông Steven Mnuchin tiên đoán kinh tế «có thể đạt mức tăng trưởng từ 3% đến 4% ».
Trong lĩnh vực tài chính, cựu lãnh đạo ngân hàng có ý định « vứt bỏ » chính sách cải cách Wall Street có tên gọi là Dodd-Frank, quy định các cơ sở ngân hàng phải có nguồn vốn dự trữ nhiều hơn. Tương tự cho quy định Volcker, cấm hiện tượng thao túng của các ngân hàng. Theo ông, những quy định này « quá phức tạp và cản trở các hoạt động cho vay ».
AFP trích dẫn phân tích của cơ quan thẩm định tài chính Fitch cho rằng « trong ngắn hạn, chính sách giảm thuế này sẽ tạo ra một cú hích cho tăng trưởng », nhưng không kìm hãm được « mức tăng nợ trong tương lai » của Hoa Kỳ. Do đó, « điều này có thể tạo ra áp lực lên khả năng thanh khoản » nhưng trong trước mắt « chưa có rủi ro nào tác động đến điểm AAA », hiện đang là điểm tốt nhất của Hoa Kỳ.

D.Trump bổ nhiệm cựu lãnh đạo ngân hàng

làm bộ trưởng Tài Chính Mỹ

Hôm qua, 30/11/2016, tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump đã bổ nhiệm thêm 2 bộ trưởng trong chính phủ của ông. Nhà tỷ phú Wilbur Ross được giao giữ chức bộ trưởng Thương Mại. Đặc biệt là cựu lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs, ông Steven Mnuchin, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Tài Chính. Đây là một bất ngờ vì trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump đã liên tục đả kích giới tài chính.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
Tom Price, bộ trưởng Y Tế tương lai và Elaine Chao, người sẽ được giao chức bộ trưởng Cơ Sở Hạ Tầng, đều là hai chính khách kỳ cựu. Ông Tom Price là người chống đối kịch liệt chính sách bảo hiểm y tế Obamacare. Còn bà Eliane Chao, từng là bộ trưởng Lao Động dưới thời tổng thống George W. Bush trong 8 năm, cững là một người rất cứng rắn với các công đoàn.
Trong khi đó Steve Mnuchin ( bộ trưởng Tài Chính ) và Willbur Ross ( bộ trưởng Thương Mại ) lại là những nhân vật không có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ đảm trách. Nhưng cả bốn người đều có quan điểm đúng theo những lời hứa hẹn của ông Donald Trump khi tranh cử. Đó là những nhân vật bảo thủ, với mục tiêu là cắt giảm chi tiêu xã hội và phục hồi kinh tế bằng việc giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài Chính tương lai Mnuchin đã đề ra những ưu tiên của ông khi tuyên bố : « Chúng tôi nghĩ rằng giảm thuế cho các doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhưng đơn giản hóa thuế cho công dân cũng quan trọng không kém. Đó là điều mà chúng tôi sẽ làm trong ba tháng đầu. Chúng tôi cũng nghĩ rằng 3 đến 4% chính là mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. »
Cả hai ông Steve Mnuchin và Wilbur Ross đều là những tỷ phú. Người này thì phất lên từ ngân hàng, người kia thì nhờ mua lại các công ty gặp khó khăn và sản xuất phim cho Hollywood. Như vậy là đội ngũ bộ trưởng đặc trách về kinh tế đã hình thành, nhưng hai chức quan trọng nhất của chính quyền là bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng thì vẫn chưa được bổ nhiệm, mà phải chờ đến tuần tới. 
Donald Trump bày tỏ ủng hộ Pakistan
Trong lĩnh vực ngoại giao, ông Trump cũng gây bất ngờ. Đêm qua, chính phủ Pakistan đã công bố nội dung cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Hoa Kỳ với thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, người đã gọi điện cho ông Trump để chúc mừng thắng cử. Theo nội dung cuộc điện đàm được công bố, nhà tỷ phú New York đã hết lời ca ngợi Pakistan, trái ngược hẳn với những chỉ trích của ông về nước này và với lập trường chống Hồi giáo của tổng thống tân cử Hoa Kỳ.

Pháp: Bệnh nhân thứ 5 ghép tim nhân tạo qua đời

Bệnh thân thứ 5 được ghép tim nhân tạo Carmat mùa hè vừa qua cũng đã vừa qua đời, theo thông báo của công ty Pháp Carmat, nhưng công ty này khẳng định nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân này không phải là tim nhân tạo.
Thông cáo của công ty Carmat không nói rõ bệnh nhân chết khi nào, nhưng theo một nguồn tin từ giới y tế, người này đã qua đời một tháng rưỡi sau khi được ghép tim. Trước bệnh nhân này, 4 bệnh nhân đầu tiên được ghép tim của Carmat trong giai đoạn nghiên cứu khả thi từ cuối năm 2013 đến 2016 cũng đều tử vong.
Theo yêu cầu của Cơ quan an toàn dược phẩm và các sản phẩm y tế ANSM, công ty Carmat đã đình chỉ việc thử nghiệm lâm sàng ghép tim nhân tạo.
Bệnh nhân thứ 5 nói trên là bệnh nhân đầu tiên được ghép tim trong khuôn khổ giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng, mà công ty Carmat khởi đầu từ cuối tháng 8, tức là giai đoạn trước khi có thể được cấp phép tung ra thị trường tim nhân tạo của công ty này.
Về phần ANSM, cơ quan này cho biết đang chờ kết quả điều tra xem tim nhân tạo có phải là nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân thứ 5 hay không, trước khi quyết định cho phép các cuộc ghép tim mới. Carmat đã dự trù sẽ ghép tim cho từ 20 đến 25 bệnh nhân tại 10 trung tâm ở châu Âu.

Ukraina mang tên lửa tập trận gần Crimée

Hôm nay, 01/12/2016, Ukraina mở cuộc tập trận với tên lửa ở gần vùng Crimée, đã bị sáp nhập vào Nga năm 2014, một hành động biểu dương lực lượng và thách thức Matxcơva.
Một phát ngôn viên quân sự Ukraina cho biết là cuộc tập trận kéo dài 2 ngày huy động các đơn vị phòng không, máy bay quân sự không người lái và các hệ thống tên lửa địa đối không S-300. Nhưng phát ngôn viên này nói rõ là sẽ không có tên lửa nào rơi xuống cách Crimée  trong phạm vi dưới 30 km và Kiev không vi phạm luật quốc tế vì cuộc tập trận được tiến hành « trên lãnh thổ Ukraina ».
Theo báo chí Ukraina hôm qua, Nga đã tuyên bố sẽ bắn rơi các tên lửa Ukraina khi cuộc tập trận bắt đầu. Hiện tại, điện Kremlin chưa xác nhận lời cảnh cáo đó, nhưng phát ngôn viên Dmitry Peskov hôm nay tuyên bố trên báo chí Nga rằng Matxcơva sẽ bắn rơi các tên lửa của Ukraina nếu cảm thấy bị đe dọa.
Một nguồn tin quân sự cho hãng tin Nga RIA Novosti biết, hệ thống chống tên lửa của vùng Crimée đã được đặt trong trình trạng báo động cao.
Chính quyền Kiev vẫn khẳng định Nga đã sáp nhập vùng Crimée một cách trái phép vào tháng 03/2014, một tháng sau khi tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Ianukovich bị truất phế. Ukraina cũng thường xuyên cáo buộc Matxcơva yểm trợ cho lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina, trong cuộc xung đột đã kéo dài từ 31 tháng qua, khiến gần 10 ngàn người thiệt mạng.

Donald Trump rút khỏi kinh doanh, xung đột lợi ích có hết?

Tổng thống tân cử Hoa Kỳ muốn chấm dứt các dị nghị xung quanh khối tài sản khổng lồ của ông có thể gây xung đột lợi ích khi bước vào Nhà trắng. Hôm qua, 30/11/2016, Donald Trump thông báo sẽ rút khỏi đế chế bất động sản của mình Trump Organization.
Từ tổng hành dinh Trump Tower ở Manhattan, nhà tài phiệt bất động sản qua Twitter thông báo ngày 15 /12 ông sẽ có « cuộc họp báo quan trọng » với sự hiện diện của các con. Theo như nội dung thông báo thì cuộc họp báo này sẽ đề cập đến việc ông rút khỏi hoạt động làm ăn để « tập trung toàn diện vào lãnh đạo đất nước và để trả lại cho nước Mỹ sự vĩ đại ».
Ông Trump cũng giải thích thêm : « Trên cương vị tổng thống, tôi cảm thấy không có xung đột lợi ích nào với công việc kinh doanh của mình » đồng thời ông khẳng định đang soạn thảo các văn bản pháp lý để ông « rút toàn bộ hoạt động quản lý …. Vì làm tổng thống là nhiệm vụ còn quan trọng hơn ! »
Ngay sau khi ông chủ của một đế chế kinh doanh có chi nhánh ở khắp thế giới đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều câu hỏi về khả năng xung đột lợi ích đã được gợi ra. Những tuần qua, nhà tài phiệt bất động sản đã đánh tiếng cho biết ông sẽ lập một blind trust, tức là một cơ cấu tài chính được giao cho một lãnh đạo độc lập, chịu trách nhiệm quyết định hoạt động của những cơ sở làm ăn của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống.
Trong quá khứ, giải pháp này đã được một số tổng thống Mỹ áp dụng. Tuy nhiên với trường hợp của ông Trump, giải pháp này không thuyết phục được dư luận, nhất là khi ông khẳng định cơ quan tài chính độc lập nói trên sẽ là do các con của ông nắm.
Theo nhiều chuyên gia, điều đó không giải quyết được vấn đề xung đột lợi ích. Ba người con của ông, Ivanka, Eric và Donald Jr đều từng là những cố vấn thân cận của ông trong chiến dịch tranh cử, nay tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc chọn lựa lãnh đạo bộ máy chính quyền Trump.
Các luật sư chuyên về các vấn đề đạo đức chính quyền, Norman Eisen của tổng thống Barack Obama và Richard Painter, dưới thời tổng thống George W.Bush, đã kêu gọi tân tổng thống cắt tất cả các mối liên hệ với công việc kinh doanh nếu không, thế nào cũng xảy ra xung đột lợi ích riêng với lợi ích chung.
Theo hai luật sư trên, chỉ có một giải pháp triệt để giải quyết được vấn đề, đó là bán toàn bộ cổ phần tài sản của ông Trump, đem tiền đặt vào một blind trust được quản lý một cách độc lập thực sự. Vấn đề còn lại là làm sao ông Trump có thể chấp nhận như vậy.
Trump, trường hợp chưa có tiền lệ
Cho dù về mặt luật pháp, không có gì cấm cản một tổng thống Hoa Kỳ điều hành hay duy trì các mối quan hệ làm ăn với các công ty riêng, nhưng trường hợp của ông Trump là chưa từng có, bởi khối lượng tài sản của ông quá lớn, phạm vi hoạt động của đế chế Trump quá rộng, ở khắp thế giới.
Trump Organization trên thực tế cũng là một con nợ của nhiều ngân hàng nước ngoài lớn từng có vấn đề với chính quyền Obama. Đế chế Trump có liên hệ với những đại tập đoàn thân cận với các chính phủ nước ngoài. Tập đoàn của Trump đã kết nối các mối quan hệ đối tác với những nhà thầu bất động sản để xây dựng khách sạn, sân golf, khu cao ốc văn phòng. Các đối tác này luôn gắn thương hiệu Trump để thu nhập như là một quảng cáo.
Một số trong các đối tác làm ăn như vậy của Trump Organization lại thường có quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương. Tập đoàn của Trump hoạt động ở hơn hai chục quốc gia, trải khắp các châu lục, thuộc đủ loại chế độ chính trị khác nhau, trong đó có những nước như Azerbaidjan, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Tranh luận gần đây nhất liên quan đến chính nước Mỹ và tòa nhà Trump International Hotel, vừa khánh thành tại Washington, cách Nhà Trắng có vài bước chân. Hợp đồng thuê đất ký năm 2013, giữa Trump Organization và cơ quan quản lý tài sản Nhà nước Liên bang có quy định : « Không một thành viên Quốc hội hay lãnh đạo dân cử (….) được phép giữ cổ phần hay tham gia vào hợp đồng này hay thu lợi từ hợp đồng ».  Theo các chuyên gia Mỹ, như vậy khi lên làm tổng thống, trên thực tế Donald Trump vừa là người đi thuê và cũng là chủ thuê mảnh đất trên. Nguy cơ xung đột lợi ích có thể gọi là nhãn tiền.
Các dân biểu tiểu Ban Tư Pháp Hạ viện mới đây đã gửi thư lên chủ tịch Ủy ban Bob Goodlatte, bày tỏ ngại khả năng các chính phủ hoặc công ty nước ngoài có thể can thiệp vào chính sách của nước Mỹ bằng việc, chẳng hạn như « tạo những điều kiện làm ăn thuận lợi hơn cho các công ty của Trump để gây áp lực ảnh hưởng với chính sách của chính quyền Trump ».
Trong khi chờ đợi ông Donald Trump làm sáng tỏ vấn đề trong cuộc họp báo ngày 15/12 tới, CNN đã tiến hành một thăm dò dư luận và cho công bố hôm 22/11, theo đó 59% người Mỹ cho rằng đề nghị của ông Trump trao quyền lãnh đạo công ty của mình cho các con để tránh xung đột lợi ích sẽ không giải quyết được gì.

Truyền thông kiểu Donald Trump làm dư luận Mỹ đau đầu

Ba tuần sau khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump vẫn không thay đổi phong cách và phương tiện truyền thông rất đặc trưng đã được dùng trong chiến dịch tranh cử là Twitter. Có điều giờ đây, ông là tổng thống tân cử của cường quốc hàng đầu thế giới, nhất cử nhất động của của ông đều được dư luận chú ý.
Từ khi trở thành tổng thống tân cử, ông Trump chưa hề tổ chức họp báo một lần nào, duy nhất có lần hạ cố tới trả lời phòng vấn nhật báo New York Times hôm 22/11. Ngoài ra nhà tỷ phú vẫn có vẻ say sưa với cách tiếp cận dư luận qua Twitter, mạng xã hội hiện có hơn 300 triệu người dùng trên thế giới.
Phong cách và nội dung thông tin của vị tổng thống tân cử trên Twitter cũng rất riêng. Có hôm, ông Trump lên án gáy gắt « gian lận tràn ngập » trong bầu cử tổng thống. Đến một hôm khác, ông lại đưa ra gợi ý, trái khoáy hẳn với quyết định của Tòa án Tối Cao, là phải đưa ra tòa xử tất cả những ai đốt cờ Mỹ.
Mỗi lần đón nhận những dòng Twitte mới của ông Trump, dư luận Mỹ lại có gần như chung một thắc mắc : Liệu đó có phải là một đề xuất chính sách, ông định làm luật về chủ đề này hay thậm chí là muốn cải cách Hiến pháp ? Hay đó chỉ là những tâm trạng cáu bực, vui vẻ thoảng qua của ông ?
Với các nhà báo, họ có một thắc mắc ám ảnh là làm sao đánh giá được tầm quan trọng của những mẩu thông điệp mang màu sắc cảm tính trên Twitter mà đôi khi ngay đến cả ê kíp của ông cũng phải lúng túng ? Những ngày gần đây, mỗi khi ông Trump thả ra vài dòng trên Twitter các tòa soạn báo Mỹ lại phải đau đầu tranh cãi : Bỏ qua, hay là khai thác vài dòng trên Twitter đó ?
Nói về phong cách thông tin thì Donald Trump là người đã phá bỏ mọi quy tắc. Lấy thí dụ, khi cha đẻ của cách mạng Cuba qua đời, đây là một hồ sơ ngoại giao nhạy cảm với Hoa Kỳ lúc này. Ông Trump đã phản ứng theo ba nhịp khác nhau.
Đầu tiên ông tung lên Twitter dòng chữ ngắn gọn « Fidel Castro chết ! ». Vài giờ sau, trong một thông cáo, ông lên án sự nghiệp « của một kẻ độc tài thô bạo đã áp bức nhân dân mình ». Hai ngày sau, lại trên Twitter, ông đe dọa chấm dứt tiến trình bình thường hóa với Cuba, nếu chế độ cộng sản không nhượng bộ.
Thượng nghị sĩ John McCain, một gương mặt kỳ cựu của đảng Cộng Hòa đã phải bực bội nói trước với các nhà báo rằng ông sẽ không trả lời các câu hỏi về những tuyên bố của Trump.
Nhật báo New York Times, trong bài xã luận hôm qua đã phải phẫn nổ về cách thông tin của tổng thống tân cử của Mỹ bằng bình luận : « Ông Twitte, ông khiêu khích, ông chọc vào mọi chuyện, ông làm chủ một nền tảng thông tin rộng rãi. Nhưng cần phải nói và nói lại điều này. Điều đó là không bình thường. Nó làm hạ thấp chức vụ tổng thống ».
Hôm qua, Donald Trump trong một cuộc tiếp xúc hiếm hoi với một nhà báo, ông Donald Trump đã thổ lộ rằng « tôi sẽ kiềm chế » trên mạng xã hội khi bước chân vào Nhà Trắng.  Rất đông người Mỹ, những người ủng hộ ông cuồng nhiệt và cả những người chống đối ông dữ dội, vẫn nghi ngờ lời hứa này của ông Trump.

Liên Hiệp Quốc tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua 30/11/2016 đã nhất trí thông qua một nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, sau vụ thử hạt nhân ngày 09/09/2016. Các biện pháp mới đánh vào việc xuất khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, một trong những nguồn thu nhập chính của quốc gia này.
Nếu như Trung Quốc, đồng minh chính của chế độ Bình Nhưỡng, áp dụng lệnh cấm này, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ phải tạm dừng.
Từ New York, thông tín viên RFI, Marie Bourreau cho biết thêm về phiên họp này:
«Ba tháng thương lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ nhằm đạt được một thỏa hiệp: Thu nhập từ xuất khẩu than đá của Bắc Triều Tiên sẽ bị giới hạn ở mức tối đa là 400,9 triệu đô la/năm, hoặc 7,5 triệu tấn than/năm. Tức là giảm gần 2/3 so với lượng bán ra của năm 2015, và như vậy Bình Nhưỡng sẽ bị thất thu khoảng 700 triệu đô la.
Các nhà ngoại giao hy vọng là biện pháp trừng phạt mới này, mạnh hơn so với biện pháp đề ra hồi tháng 3/2016, sẽ kìm hãm tốc độ thực hiện chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vì Bắc Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân vào tháng Giêng và tháng Chín năm nay cũng như thực hiện khoảng 25 vụ bắn thử tên lửa đạn đạo.
Nhưng mọi cặp mắt hiện đang đổ dồn về phía Bắc Kinh, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng. Cho đến lúc này, Trung Quốc đã lợi dụng một khe hở trong nghị quyết đưa ra lần trước để tăng mức mua than. Theo ý kiến của giới chuyên gia, dẫu sao, việc Trung Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết lần này chỉ là một cử chỉ bất bình có tính toán: Bắc Kinh phải có được sự bảo đảm là lệnh trừng phạt này sẽ không dẫn sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng».
Đáng chú ý là theo các con số thông kê chính thức đưa ra hôm nay, được AFP trích dẫn, lượng than xuất khẩu từ Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc trong những tháng gần đây đã tăng vọt, bất chấp các lệnh trừng phạt đưa ra hồi tháng Ba.
Trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Tám 016, lượng than nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên đã lên đến 60% và trong tháng 10 là 40% tính trên cả năm. Không chỉ có than, lượng sắt nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên cũng tăng gần như gấp đôi trong cùng giai đoạn nói trên.

Trung Quốc quan ngại về thỏa thuận tình báo Nhật-Hàn

Tiếp theo bộ Ngoại Giao đến lượt bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng phản đối thỏa thuận trao đổi tin tức tình báo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, ký kết ngày 23/10/2016.
Theo Reuters,ngày 30/11/2016, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) tuyên bố : « Quân đội Trung Quốc rất lo ngại về việc này… Chúng tôi sẽ tiến hành mọi chuẩn bị cần thiết, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ của mình,… kiên quyết bảo vệ các lợi ích về an ninh của đất nước, và bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực ».
Theo đại diện bộ Quốc Phòng Trung Quốc, thỏa thuận tình báo Nhật-Hàn là một nhân tố mới đe dọa ổn định và an ninh của khu vực Đông Bắc Á, khuyến khích tâm lý chiến tranh lạnh.
Thỏa thuận tình báo Nhật – Hàn cho phép Tokyo và Seoul trao đổi thông tin về các đe dọa do chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên, hiện đang được tăng tốc với một loạt các vụ thử hỏa tiễn mới đây. Bình Nhưỡng tuyên bố có khả năng lắp được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa.
Bắc Kinh tiếp tục là đồng minh số một của chế độ Bắc Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng không từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa, bị công đồng quốc tế nhiều lần lên án và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra các biện pháp trừng phạt.
Về nguyên tắc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953, sau khi hai miền đạt thỏa thuận đình chiến. Chính quyền Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa hủy diệt Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ.

Nga và Trung Quốc qua mặt Mỹ về tên lửa siêu âm

Trong một công trình nghiên cứu của Không lực Hoa Kỳ, được đăng trên trang The Washington Free Bacon ngày 30/11/2016, các chuyên gia báo động là Mỹ đang bị Nga và Trung Quốc qua mặt về phát triển tên lửa siêu thanh và điều này có thể gây nguy hại cho Hoa Kỳ.
Vào tháng trước, cả Nga và Trung Quốc đều loan báo đã thử nghiệm các tên lửa siêu âm có thể phá hủy các mục tiêu cách hàng trăm cây số. Tên lửa siêu thanh có vận tốc nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh và có thể tránh bị phát hiện, bị bắn chặn.
Trong báo cáo nói trên, các chuyên gia của Không lực Hoa Kỳ cảnh báo rằng loại vũ khí mới này là một mối đe dọa không chỉ đối với các lực lượng Mỹ ở nước ngoài, mà ngay cả đối với lãnh thổ Hoa Kỳ.
Các chuyên gia này kêu gọi Hoa Kỳ nên đầu tư đúng mức vào các vũ khí siêu âm vì những cường quốc khác như Nga và Trung Quốc đang tiếp tục nâng cao khả năng của họ về loại vũ khí này.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên của quân đội Mỹ báo động về cuộc chạy đua vũ khí siêu âm diễn ra một cách thầm lặng từ nhiều năm qua giữa các cường quốc. Ngoài Nga và Trung Quốc, một số nước khác như Ấn Độ cũng đang nghiên cứu phát triển vũ khí siêu âm.

Người phụ nữ gốc Á trong chính quyền Trump là ai?

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, mới chọn bà Elaine Chao vào vị trí Bộ trưởng Giao thông Mỹ, truyền thông Hoa Kỳ đưa tin hôm 29/11.
Theo kênh CNN, tại Bộ này, bà Chao sẽ đóng vai trò giúp ông Trump đưa các dự luật về chi tiêu cũng như các dự án chính phủ thông qua tại Quốc hội Mỹ, nơi chồng bà, ông Mitch McConnell là trưởng khối đa số trong thượng viện.
Nữ chính trị gia gốc Á kỳ cựu này từng phục vụ ở vị trí Bộ trưởng Lao động trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush trong suốt hai nhiệm kỳ từ năm 2001 tới năm 2009. Khi ấy, bà trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên nắm giữ một vị trí trong nội các Hoa Kỳ.
Trong thời kỳ nắm quyền của cha ông Bush, bà Chao từng làm Thứ trưởng Giao thông Mỹ từ năm 1989 tới 1991, theo CNN.
Bà cùng gia đình từ Đài Loan di cư tới Hoa Kỳ khi bà mới 8 tuổi, và khi ấy, bà không thể nói được tiếng Anh. Nữ chính trị gia này có tên tiếng Hoa là Triệu Tiểu Lan.
Trải nghiệm chuyển tới sinh sống tại một quốc gia hoàn toàn mới đã tạo cảm hứng cho bà dành phần lớn sự nghiệp của mình để thúc đẩy cơ hội cho tất cả mọi người gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là Bộ trưởng Lao động đầu tiên của Mỹ trong thế kỷ 21, bà Chao đã tập trung nỗ lực cải thiện tính cạnh tranh của đội ngũ nhân công của Mỹ bằng cách tái cơ cấu các chương trình hoạt động của Bộ này nhằm trao quyền cho công nhân và cải thiện các điều luật cho phù hợp với thế kỷ mới.
Trang web chính thức của bà viết rằng “sự nghiệp lẫy lừng của bà Chao trải qua các lĩnh vực cả công, tư lẫn phi lợi nhuận”.
Bà Chao có bằng MBA từ Đại học Harvard và bằng cử nhân kinh tế từ trường Mount Holyoke.

Chính sách Mỹ- Cuba sau thời đại Fidel Castro

Hai năm sau khi Tổng thống Barack Obama mở lại quan hệ ngoại giao với Cuba, lại có thêm một biến cố có thể thay đổi đáng kể mối quan hệ song phương, đó là cái chết của cựu Chủ tịch Fidel Castro, xảy ra vào lúc chỉ còn vài tuần nữa là ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Mỹ với Quốc hội mới do Ðảng Cộng hòa kiểm soát. Từ trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, thông tín viên Katherine Gypson của VOA tường trình về khả năng chính sách với Cuba có thể thay đổi.
Tại Miami, nơi lập cư của cộng đồng người Cuba đông đảo nhất nhất nước Mỹ, cái chết của ông Fidel Castro gây xúc cảm mạnh trước bối cảnh mối quan hệ đầy uẩn khúc giữa Hoa Kỳ và Cuba.
Những xúc cảm đó sẽ phai nhạt dần…
các nhà lập pháp ở Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, đã bắt đầu nêu lên nghi vấn liệu cái chết của ông Castro có mang lại một thay đổi nào hay không.
Dân biểu Chris Smith, đại diện Đảng Cộng hoà ở bang New Jersey nói:
“Người dân Cuba cần biết rằng cuộc thử nghiệm dựa trên một ý tưởng thiếu cân nhắc và ngây thơ đến tột cùng đã thất bại. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với những người có ý thức tôn trọng nhân quyền.
Dân biểu Chis Smith, vốn rất quan tâm về tình trạng nhân quyền ở Cuba, nói yếu tố lớn nhất đưa đến thay đổi có lẽ không phải là cái chết của ông Castro, mà là do Mỹ có một tổng thống mới. Ông nói:
“Tôi nghĩ ông Donald Trump có thể là bước ngoặt cho quan hệ Mỹ-Cuba. Trong quá khứ, chúng ta đã theo đuổi một chính sách đối với Cuba thiếu hiệu quả, ấu trĩ, để đòi nước này tôn trọng nhân quyền.”
Một quốc hội do Ðảng Cộng hòa kiểm soát không phải làm gì nhiều để hậu thuẫn những cam kết mà tân tổng thống Mỹ đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử.
Ông William Leogrande là chuyên gia về các vấn đề Châu Mỹ La tinh ở Đại học American:
“Nếu chính phủ của ông Trump muốn đảo ngược những gì Tổng thống Obama đã làm thì ông có thể dùng sắc lệnh hành pháp để làm điều đó, bởi vì ông Obama là người đầu tiên đã sử dụng cái quyền đó để thay đổi chính sách.”
Nhưng không phải tất cả các đại biểu Ðảng Cộng hòa đều tiên đoán sẽ có thay đổi đáng kể trong thời gian tới.
Ông Rick Crawford là dân biểu Ðảng Cộng hòa tại bang Arkansas. Như nhiều đồng nghiệp, ông Crawford coi trao đổi thương mại là giải pháp tốt hơn để giúp nhân dân Cuba. Ông nói:
“Tôi không nhất thiết tin rằng sẽ có một phản ứng tự động thiếu suy xét đòi bãi bỏ tất cả những gì mà Tổng thống Obama đã làm cho tới nay.”
Như nhiều dân biểu trong đảng của ông, ông Crawford theo quan điểm cho rằng thương mại là một giải pháp hữu ích hơn để giúp nhân dân Cuba. Ông nói:
“Theo tôi, đã tới lúc phải gạt sang một bên lăng kính Chiến tranh Lạnh và bắt đầu suy nghĩ về những cách tích cực và hiệu quả mà chúng ta có thể làm để vận động Cuba giữa lúc nước này đang ở bên bờ của một thay đổi lớn về chính trị xã hội và văn hoá.”
Cho dù các chính sách của Mỹ đối với Cuba có thể đổi theo hướng nào đi nữa, thì rõ ràng cái chết của ông Castro cũng đánh dấu một điểm khởi đầu của một thời đại mới.
Giáo sư William Leogrande nhận định:
” Theo tôi, cái chết của ông Fidel Castro dù không trực tiếp tới tác động tới chính sách của Hoa Kỳ, nhưng là một yếu tố làm thay đổi quang cảnh và bầu không khí trong mối quan hệ hai nước.”

Nga quyết dẹp sạch “khủng bố” ở Aleppo

Hôm thứ Năm, Nga tuyên bố tiếp tục hỗ trợ cho các lực lượng Syria ở Aleppo cho đến khi thàng phố này “sạch bóng quân khủng bố”.
Đó là lời bình luận của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sau khi ông gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm thứ Năm. Ông Lavrov nói rằng cả hai bộ trưởng đã đồng ý cần đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc xung đột, trong đó Nga là đồng minh với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các lực lượng nổi dậy hòng lật đổ ông al-Assad trong hơn 5 năm qua.
Chiến dịch quân sự của Syria, trong đó có các cuộc không kích của Nga, làm cộng đồng quốc tế lo ngại về tính mạng của thường dân ở phía đông thành phố Aleppo, do phiến quân nắm giữ. Syria lâu nay cho rằng chiến binh đối lập ở khu vực này và ở các nơi khác là “khủng bố”.
Giám đốc phụ trách hoạt động cứu trợ LHQ Stephen O’Brien đang kêu gọi các nước có ảnh hưởng cần phải làm mọi điều trong thẩm quyền của mình để bảo vệ các thường dân, không để nơi từng là thành phố lớn nhất nước này trở thành “bình địa.”
Ông O’Brien phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an hôm thứ Tư rằng từ ngày thứ Bảy đến nay có đến 25.000 người đã mất nơi ở tại các quận ở phía đông Aleppo, và cho biết thêm rằng số người dời cư này thay đổi “từng giờ, từng ngày.”

Quốc hội Colombia phê chuẩn thoả thuận hoà bình với FARC

Hôm thứ Tư, Quốc hội Colombia đã thông qua một thoả thuận hoà bình giữa chính phủ với lực lượng nổi dậy cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 50 năm qua.
Thoả thuận này đã được Hạ viện thông qua với 130 phiếu thuận, không có phiếu chống, chỉ một ngày khi được nhất trí thông qua tại Thượng viện.
Các thành viên thuộc đảng chính trị của cựu Tổng thống Alvaro Uribe đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định của lưỡng viện quốc hội . Ông chỉ trích thảo thuận này là quá khoan dung đối với các thành viên FARC, đặc biệt là đối các thủ lãnh của lực lượng nổi dậy này. Họ còn phản đối việc giao toàn quyền cho các nhà lập pháp để thông qua văn bản này, thay vì qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Vào tháng 10, một văn bản trước đây không được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Việc phê chuẩn thoả thuận hoà bình tại quốc hội sẽ khởi động một tiến trình 6 tháng để hơn 7.000 phiến quân FARC giao nộp vũ khí.
Tổng thống Juan Manuel Santos, được trao giải Nobel Hòa bình vào tháng 10 nhờ những nỗ lực của ông trong việc thương lượng thoả thuận hoà bình với FARC nói: “Ngày mai một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu.”
Các cuộc thương lượng hòa bình đã kéo dài suốt 4 năm để chấm dứt cuộc xung đột đã giết chết hơn 220.000 người chết và buộc hàng triệu người phải dời cư.

OPEC nhất trí giảm sản lượng

OPEC ngày 30/11 nhất trí cắt giảm sản lượng dầu lần đầu tiên kể từ năm 2008, trong nỗ lực đẩy giá lên và thách thức các nhà sản xuất không thuộc OPEC làm theo.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày, hoặc khoảng 1% sản lượng của toàn cầu.
Trước cuộc họp hôm 30/11 tại Vienna, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út cho biết OPEC sẽ yêu cầu các nước không phải thành viên OPEC cùng nhập cuộc.
Nga, không phải là thành viên OPEC, đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu khoảng 300.000 thùng một ngày.
OPEC kỳ vọng giá dầu toàn cầu sẽ đạt từ 55 đến 60 đôla một thùng – mức mà khối này cho rằng sẽ giúp phục hồi các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu vốn hai năm nay bị thiệt thòi vì giá dầu rớt thường xuyên, xuống dưới 50 đôla một thùng.
Thông tin từ OPEC và Nga khiến giá dầu ở New York tăng 10% và giá các cổ phiếu năng lượng cũng được tăng tổng thể.

Slovakia siết chặt luật chế tài đạo Hồi

Slovakia ngày 30/11 thông qua luật ngăn cản Hồi giáo được hưởng quy chế chính thức như một tôn giáo trong tương lai gần, một chỉ dấu mới nhất về tinh thần bài đạo Hồi trên khắp Liên hiệp châu Âu.
Quốc gia từng là cộng sản này đã cực lực phản kháng những nỗ lực của EU trong việc giải quyết làn sóng tị nạn khổng lồ đa phần là người Hồi giáo tràn vào châu Âu kể từ năm ngoái tới nay, một phần qua việc phản đối tiêu chuẩn quota chia nhận người tị nạn giữa các nước EU. Chính phủ của Thủ tướng Robert Fico từng tuyên bố là người Hồi giáo không có chỗ ở Slovakia.
Nay, Quốc hội thông qua dự luật yêu cầu một tôn giáo phải có ít nhất 50 ngàn thành viên (thay vì 20 ngàn như trước đây) mới đủ tiêu chuẩn được nhận trợ cấp của nhà nước và được phép điều hành các trường lớp riêng của mình.
Thay đổi này sẽ khiến đạo Hồi thêm nhiều khó khăn để đăng ký. Hiện đạo này chỉ có 2 ngàn tín hữu tại Slovakia và không có đền thờ nào được công nhận, theo thống kê mới nhất. Tuy nhiên, Hội Hồi giáo ở Slovakia ước tính con số tín đồ ở đây hiện khoảng 5 ngàn người.
Luật được thông qua bởi đa số 2/3 số phiếu tại Quốc hội gồm cả đảng cầm quyền và các đảng đối lập.
Quốc gia nhỏ bé ở Trung Âu này có dân số 5,4 triệu; 62% theo Công giáo La Mã.
Châu Âu đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu nhận hơn 1,36 triệu di dân mới kể từ khởi điểm vào năm ngoái cùng một loạt các cuộc tấn công Hồi giáo. Tất cả những điều này đã khơi dậy tinh thần bài Hồi giáo trên khắp EU và thúc đẩy cho những lời kêu gọi của các đảng phái chống di dân trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Anh Quốc có thể ‘trả tiền để vào thị trường EU’

Bộ trưởng chuyên trách về quá trình Anh rời châu Âu (Brexit), ông David Davis, vừa tiết lộ chính phủ Anh sẽ xem xét việc đóng tiền vào quỹ của Liên hiệp châu Âu (EU) để được tiếp tục tiếp cận thị trường chung của khối.
Phát biểu của ông Davis ngay lập tức khiến đồng bản Anh lên giá.
Ông Davis là bộ trưởng đầu tiên trong chính phủ của Đảng Bảo thủ Anh nói ra điều nhiều nhà phân tích đã gợi ý từ một thời gian qua, sau khi quá bán cử tri Anh bỏ phiếu hồi tháng 6/2016 để nước này rời EU.
Theo ông David Davis, chính phủ có thể sẽ cam kết đóng góp vào ngân quỹ EU để “có thể nhận được các thỏa thuận tốt hơn cho hàng hóa và dịch vụ của Anh tại châu Âu”.
Điều này hàm ý một khả năng Anh giữ quan hệ với EU và vẫn nằm trong thị trường chung của khối còn gọi là ‘Brexit nhẹ’ chứ không phải là cắt đứt các quan hệ hoàn toàn.
Các dạng quy chế
Các nước không phải thành viên EU như Na Uy và Thụy Sỹ đều phải đóng góp vào quỹ của khối này để có thể tiếp cận thị trường chung hơn 500 triệu dân.
Nhưng hai nước này nhận hai quy chế khác nhau.
Na Uy tham gia toàn bộ thị trường chung EU, còn Thụy Sỹ chỉ tham gia một phần.
Trên nguyên tắc, nước không phải thành viên EU vẫn có thể tham gia thị trường chung EU nhưng phải chịu thuế nhập khẩu khi bán hàng vào khối này.
Ở một cấp độ khác, các nước thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu (European Economic Area, EEA) có chung một thị trường nội địa nhưng chấp nhận liên kết lỏng lẻo hơn.
EEA gồm các nước EU cùng ba nước không phải thành viên là Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Đồng bảng Anh đã lên ngay trong ngày 1/12, đạt 1,2628 USD, cao nhất từ ngày 11 tháng 11 vừa qua.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.