Tin Biển Đông – 01/12/2016
Đài Loan bác phản đối của Việt Nam về cuộc diễn tập ở Ba Bình
Giới hữu trách Đài Loan ngày 30/11 tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trong đó có đảo Ba Bình, sau khi Hà Nội cáo buộc cuộc diễn tập cứu nạn của Đài Loan ở Trường Sa ‘xâm phạm lãnh thổ’ Việt Nam.
Cuộc thao dượt cứu hộ tại khu vực Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa với sự tham gia của 3 máy bay, 8 tàu hải quân, và 336 nhân sự nằm trong khuôn khổ chính sách của Tổng thống Thái Anh Văn muốn biến đảo Ba Bình thành một căn cứ hỗ trợ nhân đạo và hậu cần. Đây là cuộc diễn tập nhân đạo đầu tiên của Đài Loan tại Biển Đông kể từ khi bà Thái lên nhậm chức.
Tổng giám đốc Cơ quan Tuần duyên Đài Loan Lee Chung-wei nói “Chủ quyền các đảo ở Biển Đông thuộc về Đài Loan là một sự thật không thể phủ nhận. Chính phủ Đài Loan sẽ không thay đổi lập trường, bất chấp sự phản đối của chính phủ Việt Nam.”
Phản hồi được đưa ra sau khi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, hôm 29/11, tố cáo cuộc diễn tập Nam Viện 1 “là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông” và rằng Việt Nam “kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”.
Tổng giám đốc lực lượng tuần duyên Đài Loan khẳng định cuộc diễn tập vừa qua được hoạch định độc lập, không có sự can dự của Trung Quốc.
Đáp câu hỏi của báo giới Đài Loan rằng liệu có nên đưa lực lượng thủy quân lục chiến đóng quân trên đảo Ba Bình để cải thiện phòng thủ hay không, ông Lee nói đảo này, vốn trước kia do lực lượng hải quân quản lý, được bảo vệ bởi lực lượng do thủy quân lục chiến huấn luyện và các bố trí phòng thủ do hải quân lập ra tại đây vẫn không thay đổi.
Trung Quốc, nước lớn nhất có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, ‘kín tiếng khác thường’ về vụ diễn tập của Đài Loan.
Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cũng muốn để cho Đài Bắc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, vì Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai. Đó cũng là lý do vì sao tàu Trung Quốc đã đụng độ với tàu Malaysia, Philippines, và Việt Nam trong khu vực nhưng lại không cản trở các tàu bè Đài Loan.
Theo Reuters, Taipei Times
Học giả Việt – Trung ‘xung đột’ về vùng phòng không
Một nhóm cố vấn về biển Đông, với tiếng nói có trọng lượng ở Trung Quốc, mới cảnh báo rằng Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông, trong khi học giả Việt Nam nói Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.
Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của nhà nước Trung Quốc mới cho biết rằng năm ngoái, các tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ đã tiến hành hơn 700 cuộc tuần tra ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Chủ tịch Viện này, ông Ngô Sĩ Tồn, tuần trước, nói rằng “Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Đông nếu Mỹ tiếp tục gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp” ở vùng biển được coi là có trữ lượng dầu khí lớn này.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung và vấn đề biển Đông, nói với VOA tiếng Việt rằng cũng giống như chính quyền Bắc Kinh, các học giả Trung Quốc đang tìm cách củng cố chủ quyền ở biển Đông, và đó là điều “không có gì lạ”.
Sử gia này nói thêm:
“Để thực hiện ý đồ của họ, ngoài chính quyền ra còn có các học giả. Làm thế nào để lợi cho Trung Quốc thì họ làm thế thôi. Nó không có phù hợp với pháp lý quốc tế, và sự thật lịch sử. Không có một nước nào chấp nhận điều đó, kể cả Việt Nam. Hệ quả tương lai thế nào và những diễn biến như thế nào thì để lịch sử sẽ trả lời thôi”.
Đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc bị phía Việt Nam “đáp trả”. Cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị báo chí trong nước gọi là “ngụy biện” và “xuyên tạc” tại cuộc hội thảo quy mô lớn về biển Đông ở Việt Nam, sau khi họ khẳng định “chủ quyền lịch sử của đường lưỡi bò”.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Nhã nói tiếp rằng Trung Quốc bấy lâu nay “bất chấp pháp lý quốc tế” trong vấn đề biển Đông.
Hồi tháng Bảy, ngay sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines trong vụ kiện với Bắc Kinh, nhiều nhà quan sát nhận định rằng Bắc Kinh có thể tuyên bố vùng ADIZ ở biển Đông để “trả đũa”,
Trong khi trả lời các phóng viên nhân dịp công bố phúc trình về sự hiện diện tàu bè của Hoa Kỳ ở biển Đông tuần trước, ông Ngô Sĩ Tồn cũng cho rằng “rất có khả năng Tổng thống tân cử Donald Trump triển khai thêm tàu [Mỹ] ở Biển Đông”.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc nói thêm “sẽ không có sự thay đổi đột ngột chính sách của Hoa Kỳ ở biển Đông”, nhưng nói rằng khả năng xảy ra xung đột trong khu vực “rất nhỏ”.
Nhận định về áp lực của tân chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, tiến sĩ Nguyễn Nhã nói:
“Tất cả những tuyên bố của ông Donald Trump đã nói thì rất bất lợi cho Trung Quốc. Vì vậy cho nên Trung Quốc phải có những cách để đối phó. Hiện nay họ tranh thủ dư luận đấy. Nhưng mà, theo tôi, vấn đề đã rõ ràng rồi thì dù tranh thủ đến đâu, Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chứ không phải là đơn giản vì trong lịch sử, chưa bao giờ có một nhà nước, dù là siêu cường, mà lại bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử”.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, trả lời VOA Việt Ngữ trong khi tham dự một hội thảo lớn về biển Đông ở thủ đô Washington DC, ông Ngô Sĩ Tồn đã tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không ở biển Đông nếu cảm thấy an ninh bị đe dọa.
Ông Tồn nói rằng “các chuyến bay trinh sát và thu thập tình báo của Hoa Kỳ ở biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là biển Đông là một thách thức lớn đối với Trung Quốc” và “đe dọa tới an ninh quốc gia của Bắc Kinh”.
“Việc làm đó có thể khiến Bắc Kinh buộc phải tuyên bố vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này. Đó là yếu tố duy nhất có khả năng đẩy Trung Quốc phải làm chuyện đó”, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc nói.
Trung Quốc năm 2014 đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản, gây quan ngại cho các nước tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Đông.
Việt, Nhật, Anh hội thảo về pháp quyền ở Biển Đông
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật và truyền thông Việt Nam cho hay hôm 29/11 ba nước Việt Nam, Nhật và Anh đã tổ chức hội thảo về pháp quyền và hợp tác quốc tế liên quan đến Biển Đông.
Hội thảo phân tích tác động của phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng 7 về vụ án Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chia sẻ cách thức các nước châu Á áp dụng luật quốc tế trước đây, và tìm hiểu những hình thức hợp tác để tôn trọng và thúc đẩy pháp quyền.
Tham gia hội thảo có nhiều quan chức ngoại giao, học giả, chuyên gia của 3 nước. Cuộc thảo luận của họ cho thấy sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của pháp quyền đối với việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở các vùng biển châu Á, kể cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sau khi bế mạc hội thảo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Yasuhisa Kawamura cho báo chí biết thủ tướng nước ông “đã nhận được đề nghị cung cấp tàu tuần duyên mới cho Việt Nam” và Nhật “đang chuẩn bị cung cấp những tàu mới này”. Trước đó, Nhật đã cung cấp 6 tàu tuần tra đã sử dụng cho Việt Nam.
Thạc sỹ Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nói với VOA rằng việc Nhật gia tăng can dự với Việt Nam và ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu:
“Nhật Bản cũng gặp một nỗi lo là tham vọng của Trung Quốc trên biển, cụ thể là trên biển Hoa Đông. Biển Đông và Biển Hoa Đông có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, bởi vì cùng bắt đầu từ một tay chơi là Trung Quốc. Chính vì vậy, việc Nhật thúc đẩy các quan hệ, đặc biệt là tăng cường sức mạnh, đối thoại, và giúp đỡ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông thì đó là điều nằm trong chiến lược của Nhật Bản. Nhật Bản cũng muốn trở thành đồng minh tự nhiên. Tức là các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, Malaysia chẳng hạn, thì các quốc gia này đều gặp một mối lo ngại, đó là Trung Quốc”.
Chuyên gia này nhận định rằng chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn giới hạn hoạt động của Mỹ ở nước ngoài có thể đưa đến hệ quả là Nhật càng thúc đẩy vai trò của họ ở châu Á nói chung, và Biển Đông nói riêng:
“Trong bối cảnh đó, cái ảnh hưởng của phía Nhật Bản chắc chắn là theo tôi nghĩ họ cũng tìm mọi cách, họ sẽ phải thúc đẩy cái vấn đề hơn. Và vấn đề của Nhật thì họ không chỉ muốn là tăng hợp tác về dân sự, mà họ muốn các quốc gia khu vực ở Biển Đông phải có tiềm lực mạnh hơn, cùng với Nhật Bản thì sẽ có thể là nó cũng ngăn trở phần nào cái ảnh hưởng từ phía Trung Quốc, đặc biệt cái tham vọng của Trung Quốc trên biển”.
Về các động thái đối ngoại của Việt Nam với Nhật, Thạc sỹ Việt tin rằng quan hệ tương lai giữa hai nước sẽ mạnh hơn nhưng mạnh đến mức nào sẽ tùy thuộc vào sự thận trọng của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam còn muốn đánh giá thêm về tình hình quốc tế nhất là vào lúc đang có những thay đổi ở các nước có tầm ảnh hưởng lớn như Mỹ hoặc Anh.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật nói nước này và Anh chia sẻ những giá trị chung kể cả vấn đề pháp quyền và hai nước cũng có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
0 comments