Tin khắp nơi – 09/12/2016
Quốc hội Nam Hàn đủ phiếu bãi nhiệm
Tổng Thống Park Geyn-hye
Với 234 phiếu thuận và 56 phiếu chống, các đại biểu Quốc hội Nam Hàn đã bỏ phiếu bãi nhiệm bà Tổng Thống Park Geyn-hye.
Kết quả cho thấy 172 đại biểu của phe đối lập và hơn 60 đại biểu thuộc đảng Tân Thế Giới do bà lãnh đạo cùng bỏ phiếu tán thành đề nghị bãi nhiệm người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò lãnh đạo Nam Hàn.
Sau khi cuộc bỏ phiếu hoàn tất, bà Park cho triệu tập hội đồng chính phủ, đưa ra lời tuyên bố với đại ý nói rằng bà chấp nhận quyết định của Quốc hội, đồng thời mong muốn thấy căng thẳng chính trị đang gây nhiều khó khăn cho quốc gia sẽ được giải quyết một cách êm thắm.
Sau đó, trong phát biểu được truyền hình toàn quốc, bà cũng ngỏ lời xin lỗi mọi người, nói rằng bà nhìn nhận đã làm việc tắc trách, trong lúc quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.
Cũng cần nói thêm quân đội Nam Hàn đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, để để phòng chuyện Bắc Hàn có thể gây rối.
Mặc dù bị Quốc hội bãi nhiệm và tạm thời không nắm quyền điều hành đất nước, nhưng bà Park vẫn chưa từ chức, chờ đợi phán quyền của Tòa Hiến Pháp xem Quốc hội có làm đúng thủ tục hiến định khi bỏ phiếu truất quyền tổng thống của bà hay không.
Tòa hiến pháp có 180 ngày để bàn thảo trước khi đưa ra phán quyết. Trong thời gian chờ đợi quyết định của Tòa, bà Park phải tạm trao quyền lãnh đạo quốc gia cho Thủ Tướng Hwang Kyo-ahn.
Ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, hàng vạn người dân Nam Hàn đã tràn ra đường hoan hộ quyết định của Quốc hội, gọi kết quả cuộc bỏ phiếu là một thắng lợi lớn cho dân chúng và mở đường xây dựng một quốc gia Nam Hàn trong sạch hơn.
Bà Tổng Thống Park, 64 tuổi, bị cáo buộc đã để cho một người bạn thân từ thời niến thiếu can dự vào những quyết định quan trọng của chính phủ, và lợi dụng quen biết với nhà lãnh đạo để quyên góp tiền, sử dụng vào việc riêng.
Bà Park nhìn nhận đã sai lầm khi để cho người bạn thân làm những điều này, cho hay sẵn sàng từ chức. Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận đề nghị từ chức của bà, nhất quyết thực hiện cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm.
Quan hệ Philippines – Mỹ có dấu hiệu tốt
Ralph Jennings
ĐÀI BẮC —
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đã có dấu hiệu bình thường trở lại sau một khủng hoảng vào tháng 9 khi tổng thống Philippines yêu cầu Washington hãy rút lực lượng quân sự ra khỏi nước này và nêu lên vấn đề cắt đứt quan hệ với Mỹ.
Theo tin từ Philippines, trong một cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump đã chúc mừng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về chiến dịch bài trừ buôn lậu ma túy. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã làm cho ông Duterte, người vừa nhậm chức vào tháng 6, phát giận vì đã chỉ trích hành động trấn áp nghi can tội phạm ma túy.
Ông Trump mời ông Duterte đến thăm Tòa Bạch Ốc, một cử chỉ làm thân với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản.
Ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Tamkang Đài Loan nói rằng: “Những gì ông Trump đang làm là cố gắng khôi phục những gì Mỹ đã mất ở cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, và cố gắng tăng cường các quan hệ đối tác và đồng minh mà Hoa Kỳ đã có trong khu vực.”
Theo báo chí Manila, văn phòng Tổng thống Philippines cho biết trong tuần này đã diễn ra một cuộc thảo luận “rất có kết quả” kéo dài một giờ đồng hồ giữa ông Duterte và tân đại sứ Hoa Kỳ, ông Sung Kim.
Trong một video trên Facebook của đại sứ quán Hoa Kỳ ở Manila, ông Kim cho biết cuộc thảo luận rất “tuyệt vời” và đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau. Ông nói: “Hy vọng của tôi, kế hoạch của tôi, và cũng chính là cam kết của tôi là tăng cường và thắt chặt quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực, do đó các bạn có thể kỳ vọng rằng mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển.”
Vào tháng 9, ông Duterte gọi ông Obama bằng những từ tục tĩu và yêu cầu quân nhân Mỹ rút khỏi Philippines.
Manila là một trong những đồng minh chính của Washington ở châu Á kể từ khi hai bên ký hiệp định hợp tác quốc phòng vào năm 1951.
Từ năm 2002, có từ 50 đến 100 cố vấn Mỹ làm việc thường xuyên ở tây nam của đảo quốc Philippines để hỗ trợ việc đối phó với phiến quân Hồi giáo. Từ khi hai bên ký hiệp định vào năm 2014, hải quân Hoa Kỳ đã đến hỗ trợ việc theo dõi tàu thuyền của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Các nhà phân tích kỳ vọng rằng mối quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục được cải thiện. Theo Christian de Guzman, phó chủ tịch quỹ Moody ở Singapore, ông Duterte chưa phá bỏ một hiệp định nào với Hoa Kỳ, và hai nước đã vượt qua được giai đoạn quan hệ xấu nhất là vào đầu những năm 90, khi hai căn cứ quân sự Mỹ bị đóng cửa.
Ông Guzman nói:
“Hai bên đã vượt qua nhiều chặng đường chông gai, và chúng tôi nghĩ rằng chặng đường chông gai giữa ông Duterte và chính quyền ông Obama trong mấy tháng qua là chặng đường chông gai nhất.”
Các nhà phân tích nói, vào tháng Chín, những lời thô giọng nổi tiếng của ông Duterte là nhằm giảm sự phụ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ, chứ không phải là cắt đứt hoàn toàn, hay một phần trong chính sách đối ngoại đa quốc gia. Ông đã đến thăm Trung Quốc và Nhật Bản và đã liên lạc với thủ tướng Nga kể từ khi nhậm chức.
Bozzato nói:
“Mục tiêu của ông Duterte là không bao giờ chuyển hoàn toàn sang Trung Quốc và từ bỏ các loại mối quan hệ mà Philippines đã có với Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Thay vào đó, ông Duterte đang cố gắng để cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để tối đa hóa các viện trợ hoặc hỗ trợ chính trị mà ông có thể nhận được từ cả hai siêu cường.”
Ông Jonathan Ravelas, giám đốc chiến lược thị trường thuộc Banco de Oro UniBank ở Manila nói rằng mối quan hệ khắn khít giữa Philippines và Hoa Kỳ sẽ giúp thu hút vốn đầu tư từ các công ty Mỹ.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng Philippines nên thận trọng với chính sách thương mại và đầu tư mang tính bảo hộ nhiều hơn dưới thời ông Trump.
Khoảng 1,8 triệu người Philippines làm việc tại Hoa Kỳ, mang về một lượng lớn kiều hối, khoảng 20 tỷ đô la cộng với lượng kiều hối từ các nước khác mỗi năm.
Ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại của Philippine bắt đầu vào năm 2004 với một nhà đầu tư Mỹ và sau đó đã mở rộng tuyển dụng khoảng một triệu nhân viên, với doanh thu dự kiến là 25 tỷ đô la trong năm 2016.
Ngoại trưởng Kerry cảnh báo chủ nghĩa độc tài đang mở rộng
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cảnh báo các đối tác châu Âu về mối đe dọa của chủ nghĩa độc tài đang gia tăng ở châu Âu và trên thế giới.
Phát biểu hôm thứ Năm tại Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Hamburg, ông Kerry nói xu thế ngày càng tăng trong cách nghĩ độc đoán cùng với tình trạng nhân quyền xuống cấp, hạn chế truyền thông độc lập và những hành vi bất dung và tội ác hận thù tăng cao.
Ông nói: “Cố chấp, đàn áp và bịt miệng những tiếng nói bất đồng không thể là những chuyện bình thường đối với bất kỳ ai trong chúng ta”. Ông nói thêm rằng “Mỗi mảnh tách ra khỏi những nguyên tắc cơ bản của tự do thực sự là một khối xấu xí đắp vào con đường dẫn đến độc tài”.
Ông Kerry cũng nói rằng cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và hành động chiếm đóng Crimea của Nga đã kéo dài quá lâu. Ông kêu gọi OSCE tiếp tục nỗ lực thương lượng để tìm ra một giải pháp hòa bình cho những vấn đề này.
Ông nói thêm rằng việc kết thúc ngắn hạn bạo lực không làm lu mờ những nhu cầu dài hạn của Ukraine là xây dựng một nền dân chủ hưng thịnh.
Cuộc họp kéo dài hai ngày của OSCE có sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 57 quốc gia thành viên của tổ chức. Đức hiện đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của tổ chức này.
Động đất ngoài khơi Bắc California mạnh 6,5 độ Richter
Các giới chức Mỹ nói một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter được ghi nhận ở ngoài khơi bờ biển miền bắc California vào ngày thứ Năm nhưng không có báo cáo tức thì về thiệt hại tại thị trấn gần nhất.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất có trung tâm tại Thái Bình Dương cách Ferndale, tiểu bang California khoảng 165km về phía tây, ở độ sâu 10km.
Khu vực bờ biển gần trận động đất nhất là nơi ít dân cư.
Trung tâm Cảnh báo Sóng Thần Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia cho biết trên trang mạng của cơ quan này là không có cảnh báo sóng thần, khuyến cáo hay đe dọa sóng thần tiếp sau trận động đất.
Tại Ferndale, với dân số khoảng 1.300 người, Thị trưởng Don Hindley nói trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại là ông không nghe có những thiệt hại nào do trận động đất gây ra cả. Ông nói ông cảm thấy đất rung chuyển khoảng 15 giây.
Ông nói thêm là ông cảm thấy đất rung chuyển nhiều hơn trong một trận động đất khác xảy ra vào đầu tuần này.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, khu vực gần Ferndale đã xảy ra một trận động đất mạnh 4,3 độ Richter ngay trên bờ biển vào hôm thứ Hai vừa qua.
Tại Eureka, cách Ferndale chưa đầy 20km về phía bắc, bà Wanda Cloud, một người sử dụng Twitter cho biết bà cảm thấy choáng váng.
Ông Ashleigh Jordan, phụ tá hành chính Sở Cứu hỏa Humboldt Bay tại Eureka nói sở không nhận được cú điện thoại nào liên hệ đến trận động đất cả.
Trận động đất cũng được cảm nhận tại khu vực Vịnh San Francisco, cách Ferndale 400km về phía nam.
Cơ quan Chuyển vận Nhanh Khu vực Vịnh cho biết trên Twitter là hệ thống chuyển vận bị chậm 10 phút và xe điện phải giảm tốc độ vì trận động đất này. Động thái này là một biện pháp dè dặt theo chuẩn mực của cơ quan.
Ba mươi phút sau đó cơ quan chuyển vận đưa lên Twitter là cơ quan trở lại theo đúng kế hoạch.
Ban đầu, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất mạnh 6,9 độ Richter nhưng sau đó giảm cường độ của trận động đất này xuống còn 6,5 độ Richter.
Động đất tại ngoài khơi quần đảo Solomon, California
Một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra ngoài khơi bờ biển quần đảo Solomon vào sáng sớm ngày thứ Sáu, nhưng chưa có báo cáo về con số thiệt hại và cảnh báo sóng thần dọc theo bờ biển Nam Thái Bình Dương sau đó đã được dỡ bỏ.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương đã đưa ra cảnh báo sóng thần đối với những đảo nhỏ tại Thái Bình Dương bao gồm Vanuatu, Papua New Guinea, Nauru, New Caledonia, Tuvalu và Kosrae.
Ông Loti Yates, giám đốc Văn phòng Quản trị Tai họa Quốc gia Quần đảo Solomon nói ông nhận được những báo cáo về các tòa nhà sụp đổ tại Malaita, một đảo gần trung tâm động đất.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã hạ giảm cường độ trận động đất, xảy ra vào lúc 17:30 giờ GMT ngày thứ Năm, từ 8,0 độ Richter lúc ban đầu xuống còn 7,8 độ. Độ sâu của trận động đất vào khoảng 40km.
Một trận động đất cũng xảy ra ngày thứ Năm ở ngoài khơi bờ biển phía bắc California. Trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra tại Thái Bình Dương, cách San Francisco khoảng 400km về phía tây bắc.
Không có ngay báo cáo về thiệt hại hay bị thương và cũng không có cảnh báo sóng thần.
Lãnh đạo EPA
được đề cử chống kế hoạch giảm khí thải carbon
Người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn ra lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường là người từng chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Barack Obama để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải carbon của các nhà máy điện.
Ông Scott Pruitt, Chưởng lý bang Oklahoma, là một trong các quan chức đến từ 27 tiểu bang nước Mỹ đã đệ đơn kiện hồi tháng Giêng năm nay để ngăn chặn kế hoạch năng lượng sạch của chính phủ Tổng thống Obama. Theo kế hoạch này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, gọi tắt là EPA, kêu gọi các tiểu bang hãy tìm những phương cách để có thể giảm lượng khí thải carbon 32% so với mức của năm 2005, và phải thực hiện mục tiêu này trước năm 2030, trong khi cùng lúc, tăng năng lượng tái tạo.
Hồi tháng hai, Tòa án tối cao đã ban hành lệnh ngưng áp dụng các quy định trong khi vụ kiện đang được tiến hành.
Trong hồ sơ kiện tụng, các tiểu bang cho rằng kế hoạch giảm khí thải carbon để bảo vệ môi trường như vừa kể “là quy định sâu rộng nhất, quan liêu nhất mà EPA từng đưa ra từ trước tới nay.”
Ông Pruitt có thái độ hoài nghi về tính khoa học của hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông và vị đồng nhiệm ở bang Alabama, ông Luther Strange đã hết lời chỉ trích kế hoạch năng lượng sạch trong một bài viết đăng trên tạp chí National Review.
Hai ông nói hiện tượng tăng nhiệt địa cầu đã khơi lên một cuộc tranh luận quan trọng về mặt chính sách tại Hoa Kỳ, nhưng cuộc tranh luận đó “vẫn chưa ngã ngũ”.
Trong tuần này, hơn 800 nhà khoa học đã ký một thư ngỏ gửi đến ông Trump, đăng trên tạp chí khoa học Scientific American, nói rằng biến đổi khí hậu đe dọa nền kinh tế Mỹ, cũng như an ninh quốc gia và sức khỏe của dân chúng. Họ đưa ra một loạt khuyến nghị, yêu cầu ông Trump khẳng định công khai rằng biến đổi khí hậu do sinh hoạt của con người gây ra là điều có thực, và hứa sẽ tiếp tục các chính sách nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm cả kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Obama.
Tổng thống tân cử Donald Trump còn đang cân nhắc nên chọn ai vào vị trí ngoại trưởng. Một trong những người mới được nhắc đến là Tổng giám đốc ExxonMobil Rex Tillerson.
Ông Tillerson không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, nhưng có quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo thế giới khác.
Một số nhân vật khác cũng đang được cân nhắc vào vị trí quan trọng này gồm có cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, Tướng hồi hưu David Petraeus, cựu Thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani, Thượng nghị sĩ bang Tennessee Bob Corker, cựu Đại sứ LHQ John Bolton, và cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman.
Uỷ ban lưỡng đảng
đòi điều tra vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ
Các dân biểu Mỹ thuộc cả lưỡng đảng quốc hội hối thúc nên tiến hành điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một động thái có thể dẫn đến đối đầu với Tổng thống đắc cử Donald Trump, người vẫn một mực khẳng định là không hề có sự can dự nào của Nga trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Trong một tuyên bố hiếm hoi hồi tháng Mười, các giới chức chính phủ Mỹ cho biết các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức chính trị của đảng Dân chủ, và email của cựu ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton là do “các quan chức cấp cao nhất của Nga” chỉ đạo.
Hai dân biểu của đảng Dân chủ, Eric Swalwell và Elijah Cummings, hôm thứ Tư đề xuất một dự luật nhằm thành lập một uỷ ban lưỡng đảng để điều tra về sự can thiệp của Nga. Nỗ lực này được sự ủng hộ của cả hai đảng khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham hôm thứ Tư loan báo ông sẽ tiến hành cuộc điều tra về các cuộc tấn công mạng của Nga.
Những nghi vấn chưa được giải đáp là làm cách nào tin tặc Nga thu thập được các email từ chiến dịch tranh cử của bà Clinton và phát tán các email đó qua trang mạng WikiLeaks vào giai đoạn kết thúc chiến dịch tranh cử, trong một nỗ lực rõ ràng có mục đích ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói với VOA:
“Rõ ràng là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử vừa rồi, họ thu thập các dữ liệu của cả hai bên dự tranh, nhưng chỉ công bố dữ liệu của một bên, trong một âm mưu nhằm tác động tới kết quả bầu cử”.
Đảng đối lập Ý
khai thác cuộc khủng hoảng di dân sau khi thủ tướng từ chức
Henry Ridgwell
LONDON —
Nước Ý đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới tiếp theo quyết định từ chức của thủ tướng Matteo Renzi sau một cuộc biểu quyết “không” của cuộc trưng cầu dân ý về đề nghị thay đổi hiến pháp hôm Chủ nhật vừa qua. Trong khi các yếu tố về kinh tế và chính trị khiến cử tri muốn trừng phạt thủ tướng Renzi, các nhà phân tích nói cuộc khủng hoảng di dân ở Ý cũng đóng 1 vai trò và vấn đề này dường như sẽ là đề tài trong những chiến dịch vận động tranh cử sắp tới.
Hơn 176.000 di dân đang ở tạm trong các trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Ý.
Trước khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật, thủ tướng sắp ra đi Metteo Renzi đã đe dọa phủ quyết ngân sách của Liên Minh Châu Âu nhằm buộc các nước thành viên phải chia sẻ gánh nặng với nước Ý. Thủ tướng Metteo Renzi nói:
“Bối cảnh quốc tế là một sự hỗn loạn và châu Âu đang chật vật. Các nước mới gia nhập liên minh gần đây nhất lại là những nước muốn xây tường ngăn.”
Lời kêu gọi này lại quá nhỏ và quá muộn màng, theo lời của nhà phân tích Riccardo Fabiani của tổ chức tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới Eurasia Group:
“Nhiều người nghĩ rằng ông ấy quá yếu đuối đối với châu Âu và đặc biệt là bắc Âu. Ở Ý, người ta cho rằng chính phủ cần phải cứng rắn hơn với Đức và cả với những di dân.”
Hàng ngày có thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tới bờ biển phía nam của Ý. Cho tới lúc này, hầu hết họ tới từ Libya nơi sự hỗn loạn về chính trị cho phép những kẻ chuyển lậu người trục lợi từ các chuyến tàu chở người vô tận.
Châu Âu ủng hộ chính phủ đoàn kết quốc gia Libya được quốc tế công nhận. Nhưng sự ủng hộ đó đã không thể ngăn chặn làn sóng người di dân đổ vào châu Âu, theo ông Fabiani. Ông nói:
“Việc ủng hộ chính phủ đoàn kết quốc gia – một chính phủ yếu ớt, chia rẽ và cho tới lúc này không hề có hiệu quả – là không hợp với ý tưởng có một thỏa thuận với một chính quyền mạnh, một chính phủ mạnh ở Libya mà có thể chấm dứt được làn sóng di dân.”
Một số đảng đối lập, như Liên Hiệp Phương Bắc cực hữu theo chủ nghĩa dân túy, nói nước Ý nên thay đổi, thay vào đó ủng hộ tướng Khalifa Haftar của Libya:
“Haftar trong tâm trí của họ là một nhà lãnh đạo kiểu ‘tướng Sisi’ (tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ) có thể giúp họ có được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân. Do đó chắc chắn là có một số đảng sẽ tìm cách tận dụng vấn đề này.”
Làn sóng di dân giảm xuống khi mùa đông đến. Ông Ferry Schippers của tổ chức cứu trợ Bác sỹ Không Biên giới nói với VOA qua Skype từ con tàu cứu hộ Aquarius đang hoạt động cùng với tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải”
“Nước biển dâng cao hơn, mưa nhiều hơn, trời lạnh và tôi thấy ngạc nhiên khi mọi người vẫn tiếp tục vượt biển. Chúng tôi đang làm một công việc mà đáng ra chúng tôi không nên làm. Ý tôi là giải pháp này cần phải được đưa ra từ một tổ chức khác. Và chúng tôi ở ngoài đó bởi vì rõ ràng là những gì đã làm thì chưa đủ.”
Tổ chức Các Bác Sỹ Không Biên Giới nói có gần 5.000 người đã chết trong năm nay trên đường vượt biển. Ý và châu Âu đã chưa thể tìm ra một giải pháp nào cho vấn đề này.
Nga nói các cuộc hành quân tại Syria đã ngưng lại
Ngày thứ Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói chính phủ Syria đã ngưng các cuộc hành quân tại Aleppo và một hội nghị được dự trù tổ chức vào ngày thứ Bảy giữa các chuyên gia quân sự Mỹ và Nga để thảo luận về sự tiến triển của tình hình.
Ông Lavrov nói “Đã đạt được một thỏa thuận để các chuyên gia quân sự và các nhà ngoại giao họp vào ngày thứ Bảy tại Geneva để kết thúc những việc đã làm trong những ngày qua về một văn kiện qui định các đường lối và phương cách tiến tới một giải pháp cuối cùng cho vấn đề miền đông Aleppo theo đó phe nổi dậy rời khỏi vùng này cũng như các thường dân nếu họ muốn như vậy.”
Sáng sớm ngày thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói ông “hy vọng” về khả năng có một thỏa thuận ngưng bắn với Nga để chấm dứt giao tranh tại Aleppo.
Sau khi gặp ông Lavrov, ông Kerry nói với các phóng viên là ông vẫn chờ “một vài sự hồi đáp và kết quả,” nhưng ông nói thêm là “chúng tôi đang làm việc về một số vấn đề” nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Sáng ngày thứ Năm, Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố giao tranh sẽ tiếp diễn cho đến khi cuộc xung đột kéo dài 5 năm kết thúc.
Ông Assad cam kết như vậy trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ báo nhà nước Al-Watan hôm thứ Năm, một ngày sau khi quân đội Syria được Nga hậu thuẫn giành quyền kiểm soát hơn ba phần tư thành phố cổ Aleppo, vốn thuộc quyền kiểm soát của quân nổi dậy từ năm 2012.
Ông Assad nói chiến thắng ở Aleppo không có nghĩa là chấm dứt chiến tranh, nhưng là một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu đó.
Tổng thống Syria cũng bác bỏ bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Aleppo, chừng nào các lực lượng nổi dậy vẫn có mặt trong thành phố này. Các lực lượng nổi dậy đã đề nghị một lệnh ngừng bắn 5 ngày để cho phép thường dân sơ tán vì mục đích nhân đạo, và hứa sẽ thảo luận về tương lai của Aleppo một khi điều kiện đó được đáp ứng.
Ông Jan Egeland, cố vấn cao cấp của Đặc sứ Liên hiệp quốc về Syria, trong một cuộc họp báo nói chính phủ Syria đã cho phép Liên hiệp quốc tiếp cận phía đông Aleppo, nhưng Liên hiệp quốc không chở được vật phẩm cứu trợ cho thành phố nếu không ngưng bắn.
Ông Egeland nói ông đã tiếp xúc với các giới chức Nga. Những giới chức này hứa với ông là sẽ có một cuộc sơ tán có tổ chức nhưng các giới chức này không hứa sẽ có ngưng bắn.
Hôm thứ Năm, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết tổ chức này đã sơ tán khoảng 150 thường dân cần chăm sóc y tế khẩn cấp ra khỏi một bệnh viện ở thành phố cổ.
Phát ngôn viên ICRC Marianne Gasser nói với báo chí “Nhiều người không thể di chuyển và cần được chăm sóc đặc biệt”.
Hàng chục ngàn thường dân còn kẹt lại ở khu vực đông Aleppo, mặc dù làn sóng tị nạn tăng vọt trong hai tuần qua để chạy đến những nơi tương đối an toàn hơn ở các quận phía Tây đang nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Syria. Các nhà quan sát ước tính tuần trước có khoảng 18.000 thường dân ở đông Aleppo đã chạy vào khu dân cư ở tây Aleppo, trong khi hơn 9.000 người khác lánh nạn tại một khu vực do người Kurd kiểm soát.
Hoa Kỳ cùng với Canada, Pháp, Đức, Ý và Anh, hôm thứ Tư kêu gọi ngưng bắn ngay tức thì tại Aleppo và lên án Nga can thiệp trong nỗ lực mang vật phẩm cứu trợ nhân đạo đến các thường dân bị kẹt tại thành phố Syria.
Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria theo dõi và tường trình về cuộc nội chiến Syria nói có 369 thường dân thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Aleppo, trong đó có 45 trẻ em. 92 thường dân khác, gồm 34 trẻ em thiệt mạng trong các cuộc pháo kích của phe nổi dậy vào phía tây Aleppo do chính phủ kiểm soát.
Đặc sứ Liên hiệp quốc Stefan de Mistura, tuần qua tuyên bố là phía đông Aleppo sẽ rơi vào tay các lực lượng chính phủ vào cuối tháng 12, nếu không có một giải pháp bằng thương thuyết chấm dứt 4 năm chiếm đóng của phe nổi dậy.
LHQ kêu gọi Bà Aung San Suu Kyi thăm bang Rakhine
Liên Hiệp Quốc kêu gọi lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi đến thăm bang Rakhine để quan sát, điều tra tại chỗ những cáo buộc cho rằng binh sĩ và an ninh Miến đàn áp tập thể thiểu số Hồi Giáo Rohingya.
Lời kêu gọi được đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Vijay Nambiar đưa ra ở New York, nói rằng những tin tức ghi nhận được liên quan đến số phận của người Hồi Giáo Rohingya khiến cộng đồng quốc tế phải quan ngại, đòi hỏi bà Aung San Suu Kyi phải trực tiếp đến quan sát tại chỗ, và ban hành những biện pháp đảm bảo an ninh cho tập thể Hồi Giáo thiểu số đang sinh sống trong một quốc gia đa số dân theo Phật Giáo.
Những hình ảnh và lời khai của người Rohingya cho thấy họ bị binh sĩ và an ninh Miến Điện bắn giết, đốt nhà, cướp của và hãm hiếp. Phía chính phủ bác bỏ các cáo buộc này, tố cáo những tay súng Hồi Giáo hoạt động khủng bố chính là thủ phạm.
Trong những ngày gần đây, bà Suu Kyi có nói là sẽ thực hiện chinh sách đoàn kết và hòa giải, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên có những hành động mà bà gọi là đổ thêm dầu vào lửa.
Thượng viện Nhật phê chuẩn Hiệp Định TPP
Hôm nay (9/12), Thượng viện Nhật Bản đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Nhật đã ký kết với 11 nước khác.
Cuộc bỏ phiếu được một số nhà quan sát gọi là nhắm mục đích nhắn gửi với Hoa Kỳ rằng Nhật vẫn hy vọng bản hiệp định quan trọng này được thi hành, cho dù Tổng Thống Tân Cử Mỹ là ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút lui, hủy bỏ những gì chính phủ Obama đương thời đã ký kết.
Khi còn vận động tranh cử, ông Trump từng gọi bản hiệp định này là thảm họa cho nước Mỹ, giải thích rằng TPP không giúp Hoa Kỳ mà phát triển kinh tế, mà còn lấy mất hàng triệu việc làm của công nhân Mỹ.
Tháng trước, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe có nói là Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ trở thành vô nghĩa nều không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ ‘dùng Đài Loan kiềm chế Trung Quốc’?
Quốc hội Mỹ thông qua luật quốc phòng hôm thứ Năm với điều khoản mở lối cho trao đổi quân sự cao cấp với Đài Loan, đánh dấu một sự thay đổi mạnh trong chính sách an ninh châu Á.
Luật Ủy nhiệm Quốc phòng (National Defense Authorization Act – NDAA) thông qua khoản tiền khổng lồ 618,7 tỷ USD vừa được Thượng viện thông qua sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu thuận tuần trước.
Nay luật này sẽ được chuyển lên cho Tổng thống Barack Obama ký để có hiệu lực.
Ông Obama cũng có quyền phủ quyết luật này.
Một điều khoản quan trọng trong luật quốc phòng mới nói Hoa Kỳ cần “trao đổi quân sự cấp cao” với Đài Loan, hòn đảo bị Bắc Kinh cho là một tỉnh của họ.
Sang ngày thứ Sáu 9/12, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức yêu cầu Hoa Kỳ “xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng” và không “kéo lùi lịch sử”.
Nhưng giới bình luận nay tin rằng không chỉ Lưỡng viện Quốc hội Mỹ và cả Tổng thống tân cử Donald Trump đang thúc đẩy một chính sách mới, dùng Đài Loan làm đối trọng với Trung Quốc.
Trả lời BBC Tiếng Trung, quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan nói họ “lạc quan và cảm ơn sự ủng hộ từ những người bạn Mỹ”.
Phía Đài Loan cho hay họ tiếp tục chờ xem Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama có ký luật Quốc phòng của Hoa Kỳ hay không.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan không tiết lộ với BBC về chi tiết “chương trình trao đổi quân sự của Đài Loan với Hoa Kỳ”.
Trong khi đó, Giáo sư Lại Nhạc Khiêm, một chuyên gia tại Đại học Shih Chien University, Đài Bắc nói với BBC điều chắc chắn là luật quốc phòng mới của Hoa Kỳ sẽ nâng cấp quan hệ quân sự với Đài Loan và là dấu hiệu chính quyền Mỹ “tăng ảnh hưởng của họ tại Đài Loan”.
GS Lại Nhạc Khiêm cũng cho rằng “Đài Loan sẽ trở thành một quân bài lớn hơn trong quan hệ Mỹ – Trung”.
“Hoa Kỳ sẽ dùng Đài Loan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Syria, đồng thời nhằm kiềm chế Trung Quốc”.
Công khai chỉ trích TQ
Dù chưa chính thức cầm quyền, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có một loạt hành động cho thấy ông muốn thay đổi quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc.
Sau khi nhận cú điện đàm từ bà Thái Anh Văn, người mà ông Trump gọi là “tổng thống Đài Loan” nhưng Trung Quốc chỉ coi là “lãnh đạo Đài Loan”, ông Trump lên Twitter đáp trả lời phê phán từ Bắc Kinh.
Ông hỏi “Hoa Kỳ bán hàng tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan mà tôi lại không được quyền nhận một cú điện thoại chúc mừng?”
Chưa hết, không lâu sau đó, ông Trump lại dùng Twitter công khai phê phán Trung Quốc về tiền tệ và Biển Đông.
Các báo Mỹ sau đó xác nhận trong bộ tham mưu của Donald Trump có nhiều người thân thiện với Đài Bắc.
Trang Washington Post viết rằng:
“Bà Thái Anh Văn sẽ được lắng nghe ở Tòa Bạch Ốc. Ông Reince Priebus (sinh năm 1972, người được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc tương lai), đã từng thăm Đài Loan cùng một phái đoàn của Đảng Cộng hòa vào năm 2011 và tháng 10/2015, và gặp bà Thái trước khi bà thắng cử. Ngoại trưởng Đài Loan David Li cũng gọi ông Priebus là người bạn của Đài Loan và nói tin ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng cho ông rump là tin vui cho hòn đảo…”
“Edward J. Feulner, chủ tịch lâu năm của Quỹ Heritage Foundation cũng từng vun đắp các quan hệ với Đài Loan trong nhiều thập niên qua. Ông nay là thành viên của nhóm chuyển tiếp quyền lực giúp ông Trump nhậm chức.”
Sinh viên TQ vung tiền chơi xe sang ở Mỹ
Mark JohansonBBC Capital
Khi Michael Kwan từ Hong Kong tới Mỹ vào năm 2012 để theo học đại học, cha mẹ đã chu cấp cho anh với một khoản ngân sách hào phóng để chi tiêu.
Khoản tiền quá nhiều so với nhu cầu sinh hoạt phí ở khu học xá Midwestern thuộc vùng ngoại ô của Đại học Illinois tại Urbana–Champaign, cho nên Kwan dùng số tiền không tiêu hết để mua một chiếc Cadillac Escalade với giá 80 ngàn đô la.
Anh nói anh muốn “có một chiếc xe hơi thật to và thích hợp với văn hoá Mỹ”. Thế nhưng Kwan nhanh chóng nhận ra mình nằm trong nhóm bí mật gồm khoảng chục gương mặt sở hữu các xe hơi sang trọng trong khu học xá; tất cả đều từ Trung Hoa đại lục tới, và họ đều lái những chiếc xe thể thao nhỏ hơn nhiều, như Nissan GT-R hay BMW M5.
Vào cuối năm thứ nhất, anh chàng sinh viên theo học ngành kỹ sư dân dụng năm nay 22 tuổi đã đổi chiếc Escalade của mình lấy chiếc Maserati Quattroporte 100 ngàn đô la, là chiếc anh dùng để tới các buổi tụ họp đêm muộn được tổ chức trên WeChat, mạng xã hội phổ biến đối với người Trung Quốc.
Những người Mỹ đồng trang lứa với anh tỏ ra ghen tỵ. “Có rất nhiều người muốn ngồi trên chiếc ghế cạnh ghế lái trong xe tôi, và tôi thỉnh thoảng chở họ đi một vòng,” Kwan nói, và giải thích rằng anh cùng các bạn bè người Trung Quốc của mình có vẻ ngoài rủng rỉnh hơn so với cư dân địa phương.
Số sinh viên từ Trung Hoa đại lục tới Mỹ học trong năm 2014-2015 là 304.040 người, tăng 11% so với năm trước, và cao gấp năm lần so với một thập niên trước, theo phúc trình của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE).
Chỉ riêng Đại học Illinois tại Urbana-Champaign đã có gần 5.000 sinh viên Trung Quốc trong tổng số 44.000 sinh viên, khiến đây trở thành nơi tập trung nhiều sinh viên Trung Quốc nhất nước.
Từ các vùng bình nguyên Trung Tây Mỹ cho tới các thành phố lớn dọc hai bờ duyên hải nước Mỹ, sinh viên Trung Quốc không chỉ đang làm thay đổi bộ mặt văn hoá tại các trường đại học Hoa Kỳ, mà còn khơi nguồn cho sự bùng nổ kinh tế.
IIE tin rằng các sinh viên Trung Quốc trong năm ngoái đã bơm vào một khoản là 9,8 tỷ đô la vào nền kinh tế Mỹ thông qua tiền học phí và các loại lệ phí, và những bằng chứng về sức mua sắm hào phóng của họ được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết tại các thị trấn mà họ theo học.
Đại lý xe hơi hạng sang
New York City là điểm nhập cảnh phổ biến đối với nhiều sinh viên Trung Quốc tới Mỹ theo học. Nicholas Lam, người gốc Thượng Hải, là một trong những người đầu tiên ra đón khi các sinh viên hạ cánh.
Lam tốt nghiệp Đại học Stony Brook University, Long Island hồi 2013, và đã xây dựng được một đế chế nhỏ chuyên bán xe sang, cả mới lẫn cũ, cho các sinh viên Trung Quốc thông qua công ty riêng của mình là New York Auto Depot.
Người thanh niên 25 tuổi thừa nhận anh không hiểu biết gì nhiều về xe hơi khi bắt đầu tới Mỹ hồi 2009. “Nhưng sau khi mua một chiếc với mức giá mà sau này tôi mới biết là rất phi lý, tôi quyết định học mọi thứ và bắt đầu kinh doanh,” anh giải thích.
Hiện Lam có tám nhân viên làm việc toàn phần và 54 người chuyên đi quảng cáo tại các trường đại học nằm dọc Bờ Đông, những người giúp anh bán những chiếc xe ‘độc’ cho người nước ngoài, chẳng hạn như Lamborghini Huracan (là loại xe có mức giá bán lẻ của nhà sản xuất 199.800 đô la).
“Chúng tôi bán xe hơi ở mức khoảng một chiếc mỗi tháng,” anh nói, và cho biết xe hơi hạng sang với giá tầm 100 ngàn đô la chiếm 20% doanh số bán của công ty. Lam nói 95% khách hàng của anh là các sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc, hầu hết đều theo học các trường nằm từ Boston đến Washington DC.
Các sinh viên người Trung Quốc tại Mỹ mua xe, cả cũ lẫn mới, với số tiền lên tới gần 15,5 tỷ đô la trong năm học 2012-13, theo dữ liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường CNW Research. Mercedes-Benz, Lexus và BMW là các hãng được ưa chuộng nhất.
‘Thế hệ Đại gia Gatsby’
Timothy Lin là người theo dõi sát sao xu hướng thời đại của các dòng xe hơi hạng sang.
Năm nay 27 tuổi, anh điều hành một mạng truyền thông kỹ thuật số tiếng Trung có đông người dùng, CollegeDaily, nhắm vào các đối tượng là sinh viên du học tại Mỹ.
CollegeDaily nay đã đến được với hơn 600 ngàn người, gấp đôi số sinh viên thực sự đang theo học tại Mỹ, và moi móc đăng lên mọi loại thông tin trên trời dưới bể, từ tin thời sự (như thắng lợi của Donald Trump) cho tới các mẹo vặt (như cách sử dụng app hẹn hò Tinder), cho tới các sản phẩm hàng hiệu mới nhất (trong đó có cả xe hơi hạng siêu sang).
Lin nói rằng trong lúc sinh viên Mỹ coi xe sang là thứ đồ xa xỉ thì sinh viên Trung Quốc lại coi đó là cơ hội hiếm có trong đời.
“Bạn sẽ nghĩ sao nếu tôi nói cho bạn biết rằng khi ra nước ngoài, bạn có thể mua được một chiếc Ferrari với giá phân nửa, thậm chí chỉ bằng phần ba so với mức giá bạn phải trả khi còn ở trong nước? Khi đó bạn sẽ làm gì?” anh nói. “Bạn sẽ đi mua chiếc Ferrari đó bởi nó mức giá chiết khấu quá hấp dẫn, và một khi cơ hội cả đời mới có một lần đó qua đi, bạn sẽ không thể nào mua nổi nữa.”
Mức thuế khủng khiếp đánh vào các mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc khiến chiếc Ferrari 458 vốn được bán ra với giá 290 ngàn đô la ở Boston sẽ có giá hơn 700 ngàn đô la tại Bắc Kinh.
Do vậy, một số sinh viên Trung Quốc trong giới được gọi là “thế hệ thứ hai giàu có” coi bốn năm theo học ở Mỹ như thời gian để trải nghiệm các loại xe hơi trong mơ, mua quần áo hàng hiệu và sống một cuộc sống xa hoa.
Lin, người tốt nghiệp Đại học Miami, Ohio, hồi 2012, coi các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ lúc này như Thế hệ các Đại gia Gatsy.
“Rất nhiều người tại Trung Quốc nay kiếm được nhiều tiền, cho nên họ muốn dùng các món hàng xa xỉ, như quần áo xịn, đồ ăn sành điệu, xe hơi sang trọng. Họ muốn thử những thứ mới lạ.”
Các nhãn hàng xa xỉ hiểu rất rõ về nhu cầu không giới hạn này. Các sinh viên Trung Quốc vung tiền như rác thường đóng vai trò dẫn dắt khuynh hướng một cách không chính thức đối với bạn bè họ ở trong nước, và các hãng đã làm mọi thứ có thể để giành được nguồn khách hàng mới, đầy quyền lực này,
Bloomingdales hồi giữa năm tổ chức một buổi trình diễn thời trang cho sinh viên Trung Quốc tại Chicago, chuỗi bách hoá tổng hợp cao cấp Bergdorf Goodman tài trợ cho các lễ ăn mừng Tết Nguyên đán của học sinh Trung Quốc tại các trường đại học Columbia và NYU. Hãng đại lý xe hơi State College Motors (chuyên bán Mercedes-Benz, Audi và các dòng xe sang trọng khác) thì tài trợ cho một triển lãm xe hơi hàng năm dành cho Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania State University.
‘Câu chuyện phát triển kinh tế’
Những nhu cầu to lớn về hàng xa xỉ của sinh viên Trung Quốc có lẽ là bằng chứng rõ rệt nhất về một trong những vùng đất ít đa dạng sắc tộc nhất: miền Trung Tây nước Mỹ.
Một phúc trình mới đây của Viện Brookings Institution cho thấy chín trong tổng số 25 đại học Mỹ có lượng sinh viên Trung Quốc đông nhất thuộc về nhóm Big Ten, tức là nhóm gồm 14 trường đại học trong đó đa phần đặt tại vùng Trung Tây.
Trong thời kỳ suy thoái, các trường đại học lớn này, đa phần là trường công, đã tuyển nhiều sinh viên quốc tế, là các đối tượng đóng học phí cao hơn hẳn, giúp bù đắp giá học phí cho các sinh viên người Mỹ. Việc đăng ký theo học kể từ đó ngày càng tăng thêm.
Chẳng hạn như Đại học Iowa đã tăng vọt từ chưa tới 600 sinh viên Trung Quốc hồi 2007 lên gần 3.000 trong 2016. Tác động của việc chuyển dịch này, trong đó có cả chuyện xe hơi hạng sang ồ ạt đậu trong bãi để xe của khu học xá, đã xuất hiện trên các hàng tin chính ở Hoa Kỳ.
Các khu nhà hàng quán ăn tại các trung tâm mua sắm cũng nở rộ, mà nhiều nhà hàng trước đây từng có thời ế ẩm vắng khách. Đa phần đều là các quán ăn Trung Quốc.
Thành phố đại học Iowa nhỏ xinh chỉ có mọt tiệm Starbucks, nhưng nay có ba quán trà trân châu. Các hãng đại lý bán xe hơi cũng cho biết mức tăng vọt khách hàng là sinh viên quốc tế, theo Brittany Bungert thuộc Hiệp hội Đại lý Xe hơi Iowa.
Muốn mua xe hơi? Hãy tìm thông tin trên WeChat
Mỗi khi tới dịp sinh viên tốt nghiệp, hoạt động trên WeChat của nhiều sinh viên quốc tế cũng trở nên nhộn nhịp với việc rao bán xe hơi trước khi quay trở về Trung Quốc.
“Một số người, là những người chẳng buồn quan tâm tới giá cả và muốn bán nhanh thì sẽ bán lại cho đại lý, nhưng hầu hết sẽ tìm cách bán trên WeChat hoặc bán cho những người như tôi,” Lam, chủ doanh nghiệp New York Auto Depot, nói.
Kwan, từ Đại học Illinois, tán thành. Anh nói anh có thể sẽ bán xe sau khi tốt nghiệp, trước khi về nước. Nếu bạn quan tâm, bạn chỉ cần đăng ký vào WeChat để trả giá.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
Irak và Syria : 50.000 quân thánh chiến bị loại khỏi vòng chiến
Một viên chức bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết là Liên minh quốc tế đã loại khỏi vòng chiến 50.000 chiến binh thánh chiến ở Irak và Syria kể từ khi bắt đầu chiến dịch oanh kích vào tháng 8/2014.
Liên minh quốc tế đã thực hiện 16.600 phi vụ ở Irak và Syria kể từ thời điểm nói trên. Tuy nhiên cũng có 173 thường dân thiệt mạng, một con số mà các tổ chức hoạt đông nhân đạo đánh giá là quá thấp.
Riêng tại Mossoul, theo người phát ngôn của Liên minh, đại tá John Doman giải thích là chiến binh thánh chiến bị thiệt hại rất nặng nề, hàng trăm người chết, Daech đã gởi thanh niên thiếu kinh nghiệm chiến đấu lên tuyến đầu. Trong các cuộc tấn công bằng xe gài chất nổ họ chỉ còn sử dụng xe thường thay vì thiết xa, sức công phá yếu đi.
Tuy nhiên, cho dù đẩy lùi quân thánh chiến ở nhiều nơi, dân chúng chạy loạn ngày càng đông, nhưng công cuộc chiếm lại Mossoul hiện nay của quân đội Irak mất nhiều thời gian và gay go hơn dự kiến.
Sau 7 tuần lễ tấn công, quân đội Irak chỉ kiểm soát được có một nửa phía đông thành phố, và đà tiến cũng bị chậm lại trong tháng 11 vừa qua.
Theo AFP, thiệt hại nhân mạng trong quân đội Irak trong tháng vừa qua cũng gia tăng, lên đến 2.000 người, trong lúc tháng 10, số tử vong chỉ khoảng 600.
Syria và Nga tạm dừng chiến dịch oanh kích Aleppo
để di tản thường dân
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov vào hôm qua, 08/12, thông báo là quân đội Syria và Nga đã ngưng các cuộc tấn công ở Aleppo để di tản hàng ngàn thường dân. Thông báo đột ngột này gây ngạc nhiên không ít các nhà ngoại giao tại Hội Đồng Bảo An, và ngay cả đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc, cũng không biết rõ gì hơn.
Thông tín viên RFI, Muriel Pomponne tại Matxcơva, phân tích :
Đối với ông Serguei Lavrov, đây là một quyết định mang tính chất nhân đạo. Ông đã nhấn mạnh là một đoàn 8.000 thường dân, trong đó có 2.500 trẻ em đang ra khỏi thành phố, với sự trợ giúp của trung tâm hòa giải Nga.
Đài truyền hình Nga chiếu phóng sự về sự kiện, và nhấn mạnh đây là cuộc di tản dân thường quan trọng nhất từ khi mở ra cuộc tấn công Aleppo, và cho thấy cảnh phát lương thực, chăn mền cho những người di tản.
Ông Serguei Lavrov còn thông báo sẽ có cuộc gặp giữa quân đội Mỹ và Nga vào thứ Bảy để thảo luận về kế hoạch rút lui của lực lượng nổi dậy và những người dân muốn rời khỏi Aleppo.
Người ta thấy rõ là Nga thông báo thể như họ là những người làm chủ tình hình. Trả lời những người như ngoại trưởng Pháp cho là người ta có thể tránh được thảm cảnh hiện nay, ông Lavrov xác định vẫn còn thời gian để quan tâm đến những người còn có thể cứu được và phải tìm ra một giải pháp chính trị. Do vậy, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan de Mistura, vừa yêu cầu nối lại đàm phán chính trị bị cắt đứt từ tháng Tư.
Trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở Mỹ, Nga đang ở thế thượng phong.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria ông Staffan de Mistura, đánh giá, có lẽ đã đến lúc thật sự xem xét khả năng thúc đẩy lại các cuộc thảo luận chính trị, vì chiến thắng quân sự không phải là chiến thắng cho hòa bình. Vấn đề hiện nay là thái độ của chính quyền Syria có muốn thương thảo hay không và phe đối lập đang bị thua nặng có cam kết và ngồi vào bàn đàm phán hay không. Đây là điều kiện để phương Tây tài trợ tái thiết Syria – khoảng 200 tỷ đôla sau hơn 5 năm chiến tranh.
25 năm sau khi Liên Xô tan rã,
những tham vọng nào cho nước Nga ?
Cách đây 25 năm, Liên Bang Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô đã bị tan rã sau 69 năm tồn tại. Ngày 08/12/1991, tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Eltsine, cùng với các đồng nhiệm Ukraina là Leonid Kravtchouk và Belarus là Stanislav Chouchkevitch, đã ký giấy khai tử Liên Xô. Hiệp ước này đặt dấu chấm hết cho một trật tự thế giới được lập ra dựa ra sự đối đầu giữa hai cường quốc : Liên Xô và Hoa Kỳ.
Ngày nay, Vladimir Putin tìm cách đảo lộn trật tự hậu Xô Viết bằng cách cố gắng trả lại cho nước Nga vị thế cường quốc mà thế giới buộc phải để ý tới. Trên đây là những phân tích của phóng viên Anastasia Becchio trên đài RFI ngày 08/12/2016.
Một phần tư thế kỷ trôi qua sau sự sụp đổ của Liên Xô, 56% người Nga vẫn còn tiếc nuối sự tan rã đó, theo như thăm dò của trung tâm Levada ; 43% người Nga cho biết đã bị mất cảm giác và sự kiêu hãnh là công dân một cường quốc. Tuy nhiên, chỉ có 12% người được hỏi là ủng hộ phục hồi thể chế Liên Xô như trước đây.
Tâm tư đó được thể hiện trong hàng loạt các tuyên bố của Vladimir Putin về sự cáo chung của đế chế Xô Viết. Tổng thống Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự biến mất của Liên bang Xô Viết là một bi kịch đối với người dân Nga và là « thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX », như ông đã từng nói trước nghị viện Nga năm 2005. Thế nhưng tổng thống Nga cũng khẳng định : « Chúng ta quen nói : ai không nuối tiếc Liên Xô là không có trái tim, ai muốn phục hồi Liên Xô là không biết suy nghĩ ».
Tái thiết đế chế ?
25 năm sau, tuy không có chuyện phục sinh Liên Xô, nhưng Vladimir Putin không giấu giếm tham vọng làm cho nước Nga trở thành cường quốc trong một thế giới đa cực. Khi chiếm lại Crimée từ Ukraina năm 2014, tổng thống Nga không ngần ngại nhào nặn lại các đường biên giới có từ năm 1991, bất chấp các thỏa thuận quốc tế. Điều này đã dẫn đến việc Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra các lệnh trừng phạt và điện Kremlin đã đáp trả qua các biện pháp chống trừng phạt.
Ông Jean-Sylvestre Mongrenier, chuyên gia Viện nghiên cứu địa chính trị Pháp, trường đại học Paris VIII và là thành viên Viện Thomas More phân tích : « Người ta có thể nói đến dự án tân Xô Viết. Dự án này bao hàm vấn đề lãnh thổ với ý chí lấy lại quyền kiểm soát các lãnh thổ mà xưa kia là thuộc Liên Xô ».
Vào tháng 8/2008, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Xô Viết sụp đổ, Nga đã gởi chiến xa đến Gruzia nhằm cố gắng lấy lại quyền kiểm soát Nam Ossetia. Năm năm sau, sau cuộc cách mạng lật đổ tổng thống Ukraina Victor Ianoukovitch, Nga ủng hộ những mầm mống đòi ly khai, khi gởi quân đến Crimée đồng thời hỗ trợ các chiến binh thân Nga vùng Donbass. Ông Jean-Sylvestre Mongrenier nhắc lại : « Nhìn chung, Nga gây áp lực rất mạnh lên các nước láng giềng, kể cả các quốc gia vùng Baltic ».
Đối mặt với các mối đe dọa thật sự hay giả định, Estonia, Latvia và Litva thường xuyên bày tỏ các mối quan ngại của mình. Mặc dù là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, những quốc gia vẫn ám ảnh bởi nửa thế kỷ bị Liên Xô chiếm đóng, tỏ ra lo lắng về chính sách bảo vệ các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga mà Matxcơva đang thực thi tại Ukraina.
Florent Parmentier, giảng viên thuộc Viện Khoa học Chính trị (Sciences Po), cộng tác viên của trung tâm nghiên cứu địa chính trị HEC cho rằng : « Nét đặc thù của các quốc gia vùng Baltic là có một cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga, lớn nhỏ tùy theo từng nước, ở mức vừa phải tại Litva, và ở Latvia và Estonia thì lớn hơn. Do vậy, đây là một dự án gây lo ngại »
Ông Parmentier cũng cho rằng chiến lược Nga bao hàm « phản xạ công-thủ. Nga vừa có ý muốn mở rộng ảnh hưởng đến mức tối đa tại những nước có liên quan, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được là cả thế giới đang cố gắng ngăn chận sự hội nhập khu vực với Nga là nòng cốt ».
Phá hoại các định chế xuyên Đại Tây Dương
Nga bị đe dọa do NATO tìm cách bao vây: Kremlin thường đưa ra luận điểm này, vì theo Matxcơva, hấp lực của Liên minh Bắc Đại Tây Dương hoặc Liên Hiệp Châu Âu đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là kết quả của một chiến lược chủ ý thu hẹp không gian ảnh hưởng của Nga. Ông Olivier Schmitt, phụ trách Hiệp hội nghiên cứu về chiến tranh và chiến lược, giáo sư thỉnh giảng về Khoa học chính trị tại đại học Nam Đan Mạch, nhấn mạnh:
« Một số hành động của Nga có thể được hiểu là kết quả của ý muốn xóa bỏ những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương. Học thuyết quân sự Nga nhận định rằng việc mở rộng khối NATO và bản thân sự tồn tại của Liên minh này là một mối đe dọa sinh tồn đối với Liên bang Nga. Và Nga sẽ được bảo đảm an ninh bằng cách làm suy yếu các định chế này. Do vậy, một trong những mục tiêu là phải có khả năng phá hủy các công cụ an ninh xuyên Đại Tây Dương ».
Vẫn theo ông Olivier Schmitt, để đạt được các mục tiêu của mình, Nga sử dụng các phương tiện không chỉ thuần túy quân sự, mà « còn có thể dưới các hình thức khá cổ điển khác như các âm mưu lật đổ, chiến tranh thông tin hoặc tài trợ cho các chính đảng dân túy có các chương trình chống lại những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương tại châu Âu ».
Chuyên gia này nhận thấy, mục tiêu mà Nga theo đuổi – phá vỡ sự gắn kết xã hội-chính trị của các xã hội phương Tây – lại được công luận tại một số nước châu Âu lắng nghe, bởi vì « các nước này thất vọng về nền dân chủ tự do hiện nay, họ đang chờ đợi những hô hào thay đổi. Khẩu hiệu của hãng thông tấn Nga Sputnik – chúng tôi nói với các bạn những điều mà người khác không nói cho bạn – khuyếch đại tâm lý của công dân là họ bị bộ máy Nhà nước tước đoạt : như vậy, ở đây có một nhu cầu của xã hội mà Nga có thể khai thác thông qua các phương tiện truyền thông của mình ».
Liên minh Âu-Á
Để tìm cách chống lại những định chế xuyên Đại Tây Dương, Nga đã lập ra, với ít nhiều thành công, các định chế riêng nhằm củng cố khu vực ảnh hưởng của mình tại nơi mà Matxcơva vẫn thường xuyên gọi là khu vực ngoại quốc gần gũi. Là một dự án lớn, do Vladimir Putin đưa ra từ đầu thập niên này, Liên minh Âu-Á, mà nguồn gốc ban đầu chỉ là một liên minh thuế quan, dự tính, trong tương lai, tiến hành hội nhập nhiều hơn về chính trị.
Ngày nay, có bốn nước tham gia cùng với Nga, đó là Belarus, Kazakhstan, Arménia và Kirghizstan, nhưng không có Ukraina. Quốc gia này kiên quyết quay sang phe phương Tây kể từ khi có cuộc cách mạng 2014. Liên minh này, « một hiệp hội siêu quốc gia mạnh, có khả năng trở thành một trong những cực trong thế giới hiện đại và sẽ trở thành cầu nối giữa châu Âu và vùng châu Á-Thái Bình Dương năng động.»
Jean Sylvestre Mongrenier giải thích, « Ukraina là hòn đá nền tảng cho các quan niệm địa chính trị Nga. Điều đó làm cho mọi người nghĩ rằng Nga chắc chắn sẽ không tìm kiếm một dạng thỏa hiệp trong cuộc khủng hoảng Ukraina ».
Ông cảnh báo những ai ở phương Tây vẫn cố bám lấy ý định « Phần Lan hóa » Ukraina để có được một sự thỏa hiệp với Nga. Chuyên gia thuộc học viện Thomas More thẩm định, nếu Ukraina trung lập, thì điều này cũng không làm thay đổi nhiều việc. « Về trung và dài hạn, Nga muốn biến Ukraina lại thành một nước vệ tinh của mình ».
Để đạt được các mục tiêu của mình, Vladimir Putin vẫn giữ lại các phương tiện gây sức ép : « Ông ta đã sáp nhập Crimée và gián tiếp kiểm soát một phần ba vùng Donbass. Tất cả những điều này trở thành điểm tựa hành động để gây sức ép đối với Kiev. Về lâu dài, ông ta tin rằng chính quyền Ukraina sẽ tan rã và các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ sẽ không quan tâm đến nước này nữa ».
Kremlin rất quan tâm đến các cuộc bầu cử vừa qua và trong thời gian tới ở phương Tây. Matxcơva hy vọng là cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp và bầu cử lập pháp ở Đức trong năm 2017, sẽ đưa các chính khách có xu hướng thỏa hiệp với Nga lên cầm quyền. Việc Donald Trump trúng cử đã làm cho các quan chức Ukraina lo ngại. Tổng thống tương lai của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không hề chống lại việc Nga lập « các vùng đệm ».
0 comments