Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 09/12/2016

Friday, December 9, 2016 6:44:00 PM // , , ,

Tin Biển Đông – 09/12/2016

Hoàng Sa :

Một công trình bồi đắp của Trung Quốc bị bão phá hủy

Theo tin Reuters ngày 08/12/2016, ảnh vệ tinh do công ty Mỹ Planet Labs cung cấp cho thấy một công trình bồi đắp mà Trung Quốc tiến hành tại một khu bãi đá ở vùng quần đảo Hoàng Sa đã bị hư hại sau hai trận bão lớn vừa qua.
Trung Quốc đã bắt đầu công trình nạo vét, bồi đắp vào đầu năm nay ở đảo Bắc (North Island), cách Phú Lâm khoảng 12 cây số về phía bắc. Phú Lâm là nơi Trung Quốc có một căn cứ quân sự và năm nay đã đặt giàn hỏa tiễn địa đối không.
Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng Hai và Ba cho thấy tàu nạo vét đang hoạt động để xây dụng một cây cầu cát dài 700 mét nối đảo Bắc với đảo Trung (Middle Island) lân cận.
Tuy nhiên, hình ảnh chụp được sau 2 trận bão lớn thổi qua khu vực vào tháng 10, cho thấy hầu như toàn bộ dải cát hẹp đã bị quét đi.
Trung Quốc đã không bình luận về công trình ở đảo Bắc, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi của Reuters.
Toàn bộ Hoàng Sa đã bị Trung Quốc kiểm soát sau trận hải chiến năm 1974 với Hải Quân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo này được cho là có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đội tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ở Hải Nam.
Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền sở hữu của họ từ xa xưa. Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 08/12/2016, nước này đã long trọng kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay Nhật Bản.
Trang tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV nhắc lại rằng trong hai tháng 11 và 12 năm, chính quyền Trung Quốc thời đó đã phái 4 chiếc tàu đến tiếp quản hai quần đảo mà họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) đã bị Nhật Bản chiếm đóng.
Cần nối rõ, chính quyền Trung Quốc thời năm 1946 là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, chứ không phải là chính quyền của đảng Cộng Sản như từ năm 1949 đến nay.

Trung Quốc – Đài Loan

kỷ niệm 70 năm chiếm đóng các đảo ở Biển Đông

Hải quân Trung Quốc hôm thứ Năm kỷ niệm 70 năm chiếm đóng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) ở Biển Đông, khẳng định yêu sách chủ quyền tại vùng biển tranh chấp mặc dù một tòa quốc tế đã gián tiếp bác bỏ yêu sách đó.
Theo PTI, lễ kỷ niệm được tổ chức để chứng minh rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cho biết: “Giành lại quần đảo này là một thành tựu quan trọng của cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc, chứng minh rằng Trung Quốc đã kiên quyết bảo vệ trật tự quốc tế sau chiến tranh và bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.”
Xây dựng trên các đảo và rạn san hô là “hợp pháp, chính đáng và hợp lý” trên lãnh thổ của Trung Quốc, ông Ngô nói mà không đề cập đến các phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan tham dự lễ khai mạc một triển lãm hôm thứ Sáu, 9/12, đánh dấu kỷ niệm 70 năm khôi phục sự kiểm soát của Đài Loan đối với Đảo Ba Bình ở Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, tuân theo Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, Trung Quốc vào tháng 11 và 12/1946 đã chỉ định quan chức trên 4 tàu chiến tiến tới tiếp quản các đảo đã bị Nhật chiếm đóng bất hợp pháp.
Nhận định về động thái này của Trung Quốc và Đài Loan, Tiến sĩ Vũ Quang Việt – một nhà nghiên cứu về Biển Đông, cho biết, không có gì bất ngờ vì quan điểm của hai nước này không khác nhau nhiều và việc này cũng không khuấy động tình hình Biển Đông hiện nay.
Ông nói: “Từ xưa đến giờ cả hai đều coi Biển Đông là thuộc của họ. Có sự khác biệt một ít là Đài Loan coi các đảo thuộc Đài Loan thôi, còn Trung Quốc thì coi gần như cả Biển Đông là thuộc của họ.”
Hiện nay, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, và có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được hâm nóng trở lại sau khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, tuyên bố rời xa Mỹ và hòa hoãn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đầu tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ hai ngày sau cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 7 phút tuần trước, hai ông cùng “lưu ý đến tình bạn và sự hợp tác lâu dài” giữa 2 quốc gia, và sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc chặt chẽ về “những vấn đề và mối quan tâm chung”.
Việt Nam cũng đã bắt đầu tiến hành nạo vét một bãi cạn nằm trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Theo Reuters, đây là động thái mới nhất nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Dù không rõ mục đích của hoạt động này, nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc nạo vét như thế mở đầu cho việc xây dựng, mở rộng thêm trên các đảo khác.

Trường Sa:

Việt Nam cải tạo đảo đá dự phòng bị cấm trong tương lai

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 30/11/2016 cho thấy Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu công trình nạo vét tại “đảo” Đá Lát (Ladd Reef) một bãi ngầm dưới quyền kiểm soát của Hà Nội tại vùng quần đảo Trường Sa, bên trên có sẵn một ngọn hải đăng và một đồn lính nhỏ. Hành động của Việt Nam chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối làm cho tình hình căng thẳng thêm. Giải thích về hành động của Hà Nội, giới quan sát cho rằng Việt Nam đang chạy đua với thời gian, cố gắng củng cố các thực thể trong tay mình, trước khi những hoạt động loại này bị cấm trong một tương lai gần.
Trong ảnh vệ tinh của Planet Labs, một công ty vệ tinh trụ sở tại Mỹ, người ta có thể thấy một vài chiếc tàu nhỏ trên một kênh mới đào cắt ngang viền san hô của bãi Ðá Lát, nối phần bên trong của bãi với biển khơi. Hai bên con kênh đều có bờ kè.
Ảnh vệ tinh dĩ nhiên không cho thấy rõ quốc tịch của các chiếc tàu, nhưng rõ ràng là Việt Nam, nước đang kiểm soát thực thể đó, không thể để cho nước nào khác làm công trình nạo vét này. Theo giới phân tích, những công việc bồi đắp tương tự thường dự báo cho những hoạt động xây dựng trên quy mô lớn hơn.
Theo hãng tin Pháp AFP, thời điểm bắt đầu công trình nạo vét này chỉ là mới đây. Trong một tấm ảnh vệ tinh cũng do Planet Labs chụp vào tháng 7/2016, chưa thấy con kênh, chứng tỏ rằng công trình này chỉ mới được thực hiện trong một vài tháng gần đây.
Cấp tốc cải tạo trước khi bị cấm nếu Bộ Quy Tắc Ứng Xử được thông qua
Gắn liền với tiết lộ mới đây theo đó Việt Nam đã kéo dài phi đạo và xây dựng nhà chứa máy bay trên đảo Trường Sa Lớn, cách Ðá Lát khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía đông, giới quan sát cho rằng Việt Nam đang rốt ráo củng cố các thực thể mình nắm giữ tại vùng Trường Sa, trước khi mà các hoạt động loại này không còn được phép thực hiện, chẳng hạn trong trường hợp một Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông cho rằng rất có thể là Việt Nam đang cố gắng tích tụ lợi thế về mình, trước lúc các nước tranh chấp Biển Đông đồng ý về một bộ quy tắc ứng xử trong vòng một hoặc hai năm tới đây, trong đó sẽ quy định việc cấm các hoạt động thay đổi nguyên trạng.
Cho dù « Việt Nam đang vượt quá hiện trạng », nhưng giáo sư Thayer cho rằng những gì mà Việt Nam đang làm tại đảo Đá Lát không có nhằm mục tiêu quân sự, và cũng không hàm chứa mối đe dọa nào đối với Trung Quốc. Có điều là Bắc Kinh hoàn toàn có thể « thổi phồng» vấn đề để gây sức ép đối với Việt Nam.
Gọi là thổi phồng không sai, vì theo ước tính của trung tâm giám sát hàng hải AMTI của Mỹ, trong những năm gần đây, Việt Nam chỉ mở rộng thêm khoảng 49 hécta đảo tại Biển Đông, trong khi Trung Quốc đã bồi đắp thêm 1.300 hécta, chỉ riêng tại Trường Sa, xây dựng trên đó nào là phi trường quân sự, nhà chứa máy bay cỡ lớn, đài ra đa…
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể chịu áp lực từ phía Mỹ, nước luôn luôn kêu gọi mọi bên tại Biển Đông tránh những hành động như bồi đắp, cải tạo đảo đá ở những vùng đang tranh chấp.
Vào hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ xác nhận là đã biết thông tin về hoạt động của Việt Nam tại đảo Đá Lát, và đã nhắc lại lời kêu gọi các bên có những bước nhằm giảm bớt căng thẳng và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Dẫu sao thì trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến không mấy thuận lợi, Việt Nam được cho là đang tăng cường phòng thủ để bảo vệ những vùng mình còn kiểm soát được tại Biển Đông, chống lại tham vọng độc chiếm ngày càng rõ của Trung Quốc.
Trả lời hãng tin Reuters vào hôm qua, 09/12, ông Trevor Hollingsbee, một chuyên gia phân tích tình báo hải quân Anh nhận định : « Chúng ta có thể thấy rằng trong tình hình này, Việt Nam hoàn toàn không tin ai về chiến lược và đang cố gắng cải thiện sự phòng thủ ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.