Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19/11/2016

Saturday, November 19, 2016 7:45:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 19/11/2016

Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngừng xây dựng ở Biển Đông

Ngay sau khi có thông tin về việc Việt Nam nâng cấp phi đạo trên đảo Trường Sa, ở Biển Đông, ngày 18/11/2016, Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội ngưng chiếm đóng và không tiến hành các “hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ của Trung Quốc”.
Không nêu đích danh Việt Nam, nhưng trong cuộc họp báo ngày 18/11/2016, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) tuyên bố : “Trung Quốc kịch liệt phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của nước liên quan trên các bãi cạn ở Biển Đông, cũng như các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ của Trung Quốc (…) và mạnh mẽ thúc giục bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc, rút nhân viên và cơ sở hạ tầng ra khỏi” hòn đảo này.
Theo hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington tiết lộ, Việt Nam đã mở rộng một đường băng trên đảo Trường Sa Lớn, cách Cam Ranh 254 hải lý.
Theo giới quan sát, động thái nói trên của Việt Nam nhằm cảnh cáo Trung Quốc trước hàng loạt các công trình bồi đắp đảo của Bắc Kinh tại những nơi có tranh chấp chủ quyền lãnh hải, ở Biển Đông.

Chiến thắng của Trump trong mắt cử tri trẻ gốc Việt

Chiến thắng ngoạn mục đầy kịch tính của ứng viên Cộng hòa Donald Trump đã mở ra những điều chưa từng thấy trước nay, trong đó có làn sóng biểu tình rầm rộ hậu bầu cử, và hứa hẹn sẽ còn nhiều điều ‘đột phá’ khác nữa trong chính sách đối nội-đối ngoại của nước Mỹ trong 4 năm tới, kể cả vấn đề Biển Đông, chính sách xoay trục về châu Á, và mối quan hệ Việt-Mỹ.
Thông điệp của chiến thắng này là gì? Có thể trông đợi điều gì từ chính quyền của tỷ phú Trump? Mời các bạn cùng chia sẻ cảm nghĩ của một số cử tri trẻ gốc Việt tại Nam California, nơi được xem là thủ đô của người Việt hải ngoại. Khách mời chương trình hôm nay gồm Lý Vĩnh Phong, cựu thành viên của Tổng Hội sinh viên Nam California; Trương Ngãi Vinh, Chủ tịch cộng đồng Nam California; Lý Trí Anh, sáng lập viên nhóm Thanh niên Cờ vàng.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
Trí Anh: Mình là đảng viên Cộng hòa nhưng mình không bỏ phiếu cho ông Trump vì ông phát biểu những điều mình cảm thấy không thích hợp, không xứng đáng để trở thành Tổng thống.
Trà Mi: Dù chị thấy ông không xứng đáng, nhưng kết quả đảo ngược kỳ vọng của chị. Cảm nghĩ của chị thế nào?
Trí Anh: Mình cũng buồn một chút vì những cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra. Mình tôn trọng những cuộc biểu tình phản đối vì mình ở xứ dân chủ, nhưng mình không ủng hộ các cuộc biểu tình gây bạo loạn. Từ hồi qua Mỹ tới giờ 20 năm, mình chưa thấy cuộc bầu cử nào mà sau đó lại có biểu tình với số đông như vậy, làm mình cảm thấy lo lắng.
Ngãi Vinh: Ông Trump thắng cử cũng là điều bất ngờ. Tôi muốn ông thắng và đạt được điều đó, tôi cảm thấy vui. Tôi là người thuộc đảng Cộng hòa. Tôi chọn Tổng thống một là có lợi cho đất nước tôi đang sống, Hoa Kỳ, thứ hai có lợi cho đất nước Việt Nam.
Vĩnh Phong: Mình theo đảng Dân chủ và ủng hộ bà Clinton. Tâm trạng mình bây giờ rất buồn lo, không phải vì cá nhân ông Trump, mà vì chính sách của ông cực đoan mà mình nghĩ sẽ không mang lại sự đoàn kết và phồn thịnh cho Mỹ.
Trà Mi: Dù có nhiều lo âu, nhưng chiến thắng cuối cùng lại thuộc về nhân vật gây ra những lo âu đó, lý do vì sao?
Trí Anh: Đa số vì dân Mỹ sau 8 năm họ ngán, họ cảm thấy mệt mỏi. Họ không thích thú với 8 năm vừa qua của đảng Dân chủ, nên họ muốn thay đổi.
Trà Mi: Chiến thắng của ông Trump, ngoài thông điệp cho thế giới thấy nước Mỹ đang muốn thay đổi, còn mang thông điệp nào khác chăng?
Trí Anh: Nó cho thấy nước Mỹ là nơi tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra vì Mỹ có nền dân chủ rất đặc biệt, rất rõ ràng.
Trà Mi: Người Mỹ chấp nhận rủi ro để thay đổi. Rủi ro đầu tiên hiện giờ là nước Mỹ đang chia rẽ. Ông Trump bây giờ có thể làm gì để hàn gắn những rạn nứt đó?
Ngãi Vinh: Ông có thể mời những người như bà Clinton vào làm việc chung hoặc những người bên đảng Dân chủ vào làm việc chung. Ông phải đóng vai trò hàn gắn tất cả những vết thương do cuộc bầu cử này gây ra. Phải có sự chan hòa giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa ngay trong phòng làm việc của ông ở Tòa Bạch Ốc.
Vĩnh Phong: Cá nhân ông Trump phải là người đứng ra, bằng cách này hay cách khác, đưa ra những chính sách khác hơn những gì ông đã nói, đã làm khi tranh cử vì bây giờ bà Clinton có nói gì đi nữa thì những người biểu tình cũng không ngưng. Tất cả phải từ ông Trump. Một điều gây âu lo nữa là ông Trump vừa bổ nhiệm cố vấn quan trọng vốn thuộc phe phân biệt chủng tộc giữa người da trắng với da màu. Người biểu tình không phải họ tin rằng biểu tình có thể thay đổi kết quả bầu cử, mà họ biểu tình để chính quyền mới thấy là nếu ông Trump theo đuổi những gì đã nói thì sẽ có nhiều người chống đối.
Trà Mi: Các bạn dự kiến sẽ nhìn thấy những gì từ một chính phủ mới dưới tay ông Trump, về đối nội-đối ngoại và hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới?
Trí Anh: Mình không biết ông sẽ giải quyết mọi chuyện thế nào. Ông là một nhà kinh doanh, mọi người cứ nghĩ ông giàu có sẽ làm cho nước Mỹ giàu có lên, nên họ hy vọng. Mình thì nghĩ khác, một nhà kinh doanh khác với một nhà làm chính trị. Chính trị không phải là chuyện mua bán hàng hóa bình thường. Nhiều người Mỹ trắng, cách gì thì cách, họ vẫn còn dòng máu phân biệt chủng tộc dù họ phải làm việc với mình. Cái sắp tới mà mình thấy rõ ràng là nội bộ nước Mỹ không chỉ có chia rẽ bình thường mà còn dấy lên mầm mống kỳ thị chủng tộc, gây ra bạo loạn.
Trà Mi: Ngoài những âu lo, các bạn có dự kiến những điểm sáng nào dưới thời của ông Trump không?
Ngãi Vinh: Tôi chọn ông Trump vì lợi cho nước Mỹ và lợi cho Việt Nam. Ông Trump nói sẽ chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ông nói Trung Cộng đã lợi dụng nước Mỹ rất nhiều trong việc làm kinh tế. Ông nói nếu ông lên, ông sẽ có đường lối làm cho Trung Cộng không còn như trước nữa. Nếu ông làm được thì sẽ giúp cho Việt Nam rất nhiều. Ông nói một điều mà tôi rất thích là cộng sản Việt Nam lợi dụng nước Mỹ về vấn đề Biển Đông rằng khi Trung Quốc hùng hổ thì kêu gọi Mỹ vào giúp, nhưng phía sau lại chơi thân với Trung Cộng, đu dây qua lại kiếm lợi. Ông Trump thấy điều đó, ông sẽ tìm cách cắt bỏ hoàn toàn. Khi người dân Việt Nam thấy rõ nguy cơ mất nước, nguy cơ đồng hóa dân tộc của Tàu Cộng thì họ sẽ tự đứng lên. Lúc đó, Mỹ sẽ tiếp tay cứu Việt Nam, chứ cứ trong tình trạng này thì Trung Cộng sẽ lớn mạnh lên.
Trà Mi: Tiếp nối câu hỏi trông đợi gì ở ông Trump về vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt-Mỹ, anh Phong có ý kiến nào khác?
Vĩnh Phong: Về quan hệ Việt-Mỹ, hiện nay nhiều người lo sợ rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi khu vực, không tiếp tục chính sách xoay trục về Á châu của Tổng thống Obama. Ông Trump nhiều lần nói nếu một nước nào đó không trả tiền cho nước Mỹ thì tại sao nước Mỹ phải bảo vệ nước đó. Ông nói như vậy trong mối quan hệ giữa Mỹ với NATO, khối do Mỹ sáng lập và khi Mỹ bị tấn công 11/9 thì các nước trong NATO đã cùng Mỹ tham chiến ở Afghanistan. Nếu theo lý luận đó, có thể hiện nay Trung Cộng đang rất là vui mừng vì ông Trump thắng ông sẽ không tiếp tục theo đuổi chính sách xoay trục châu Á nữa. Nếu Việt Nam tiếp tục bị Trung Cộng lấn chiếm mà Việt Nam không chịu trả tiền cho Mỹ để Mỹ bảo vệ, liệu chính phủ Trump có bảo vệ Việt Nam hay không? Nói về tình hình Việt Nam, dưới chính quyền nào của Mỹ cũng vậy, những người Việt tranh đấu cho dân chủ Việt Nam không thể suy nghĩ rằng nhờ Mỹ đem lại tự do-dân chủ cho Việt Nam và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam. Chúng ta phải dựa vào sức của mình là chính. Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, nếu lên tiếng cho chúng ta thì tốt, nhưng chúng ta không thể đặt kỳ vọng vào trong đó quá nhiều. Chúng ta hy vọng rằng những người cố vấn, những người hiểu rõ tình hình thế giới và tình hình nước Mỹ sẽ giúp cho ông Trump thấy rõ đâu là những lời nói suông và đâu là chính sách phải theo đuổi.
Trà Mi: Các nước châu Á đang trông cậy vào Mỹ rất nhiều trước thế lấn lướt của Trung Quốc. Ông Trump làm đảo chiều tất cả, liệu các nước, kể cả Việt Nam, có hụt hẫng, mất chỗ dựa?
Vĩnh Phong: Hụt hẫng là cái chắc vì trong ba ứng viên Tổng thống gồm Clinton, Sanders, và Trump thì ông Trump là người phản đối TPP mạnh mẽ nhất. Đối với Việt Nam, e rằng Việt Nam sẽ lệ thuộc Trung Cộng nhiều hơn.
Trí Anh: Khi cộng sản Việt Nam dựa dẫm vào Trung Cộng, người bị ảnh hưởng đầu tiên chính là nhân dân Việt Nam. Mình lo lắng rằng khi cộng sản Việt Nam dựa dẫm Trung Quốc nhiều hơn, giới đấu tranh cho biển đảo Việt Nam lâu nay sẽ bị trả thù đầu tiên. Nạn nhân tiếp theo là những nạn nhân thấp cổ bé họng.
Trà Mi: Chính quyền mới của ông Trump sẽ mở ra cơ hội mới cho nước Mỹ, theo kỳ vọng của người Mỹ, nhưng là một thách thức mới với dân Việt Nam. Người Mỹ gốc Việt, cầu nối quan hệ Việt-Mỹ có thể làm gì để cơ hội mới ở đây cũng là một cơ hội mới cho người Việt trong nước?
Ngãi Vinh: Đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam phải quyết định, đi với Trung Cộng hay đi với Mỹ. Nếu họ chọn đi với Trung Cộng thì người dân, ai còn biết thương yêu đất nước và quan tâm đến sự tồn tại của Việt Nam sẽ tự đứng lên. Lúc đó, mọi chuyện sẽ khác. Đã đến giai đoạn người dân hiểu được cộng sản là gì, hiểu được tầm quan trọng của hai từ dân tộc thì tự mình đứng lên. Không một nước nào bên ngoài có thể giúp Việt Nam có dân chủ cả. Người Việt hải ngoại phải giao tiếp nhiều hơn với người dân trong nước, truyền sự thật về dân chủ trên thế giới để dân tộc Việt Nam mạnh dạn đứng lên, nếu cộng sản chọn đi với Trung Cộng.
Vĩnh Phong: Người Việt hải ngoại, đặc biệt ở Mỹ, việc chúng ta có thể làm chính là vận động chính giới ủng hộ phong trào dân chủ hóa Việt Nam và yểm trợ cho những người đấu tranh trong nước. Chúng ta phải nói cho những người trong chính quyền mới ở Mỹ biết nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông và ở Việt Nam để cân bằng sự bánh trướng của Trung Cộng.
Trà Mi: Chúng ta chờ xem và chúng ta kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ đến sau cuộc bầu cử này. Rất cảm ơn các bạn đã tham gia chương trình hôm nay.

Cử tri Việt bầu cho ông Trump có kỳ vọng khác nhau

Xung quanh bàn cờ mạt chược tại khu Sài Gòn nhỏ ở Quận Cam, bang California, những người Mỹ gốc Việt tham gia ván bài này đã theo dõi sát tiến trình cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Nhiều người trong số họ cho biết dè dặt ủng hộ ông Trump.
“Tôi bỏ phiếu cho ông Trump không phải vì nể phục ông, không phải vì chấp nhận ông là ứng viên rất có khả năng để làm Tổng thống, mà vì tôi không thích bà Hillary Clinton,” đại tá Lê Khắc Lý, cựu tham mưu trưởng quân đoàn 2 Pleiku, lực lượng võ trang Việt Nam Cộng hòa, cho biết.
Theo cuộc khảo sát người Mỹ gốc Á toàn quốc trước thềm bầu cử, có nhiều người Mỹ gốc Á bầu cho bà Cliton hơn ông Trump. Những người bỏ phiếu cho ông Trump có nhiều lý do khác nhau.
Ái Châu Cao Xuân gửi niềm tin nơi các nhân sự ông Trump tiến cử sẽ cố vấn cho ông Trump. Cô nói: “Nhân viên và cố vấn của ông sẽ giúp ông. Cho nên, vào phút cuối, tôi quyết định đầu phiếu cho ông.”
Những cử tri gốc Việt khác bầu cho phe Cộng hòa vì lòng tin.
“Tôi vẫn là người thuộc đảng Cộng hòa vì tôi không ủng hộ chuyện phá thai,” ông Long Phạm, một tín đồ Công giáo cho hay.
Khác với một số ủng hộ viên dè dặt của ông Trump, Mike Nguyen, cũng là một người Công giáo, tin tưởng nghị trình ông Trump đề xuất kể cả việc chọn lựa một thẩm phán bảo thủ cho Tòa Tối cao. Ông Mike hy vọng nhân vật này sẽ thay đổi một số vấn đề xã hội nhất định.
Ông cũng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện dưới sự lãnh đạo của ông Trump. Ông bày tỏ: “Như bất kỳ cử tri nào khác, tôi kỳ vọng rất nhiều. Tôi muốn thấy một số công ăn việc làm được trả về đây cho dân Mỹ.”
Về chính sách ngoại giao của ông Trump, đại tá Lý cho biết ông thích quan điểm mạnh mẽ của ông Trump đối với Trung Quốc vì điều này cũng có lợi cho Việt Nam.
“Tôi thích điểm ông Donald Trump xem Trung Quốc như kẻ thù, cố gắng đưa Việt Nam trở lại vị trí như một đồng minh Hoa Kỳ, tôi muốn thấy ông Donald Trump tiếp tục chính sách đó. Đó là cách duy nhất có thể chặn đứng tham vọng của Trung Quốc,” ông Lê nói.
Cho dẫu ông Trump có hứa hẹn điều gì trong khi tranh cử, nhiều người Mỹ gốc Việt hiểu rõ có những giới hạn trong những việc Tổng thống có thể làm, và ông ấy có thể cũng sẽ thỏa hiệp.
“Chúng ta có Quốc hội, chúng ta có Tòa Tối cao, không như một nước ở thế giới thứ ba là có một ông vua mới và ông ấy có thể thay đổi toàn bộ mọi chuyện.” Ông Long nói thêm rằng: “Tôi sẽ cho ông ấy ít nhất 1, 2 năm. Một trăm ngày có thể quá ngắn. Mỹ như một con tàu chiến khổng lồ. Khi quay đầu, cần phải có thời gian.”

Bầu cử Mỹ: Tiếng nói cử tri người Việt ở New York

Lucy HàGửi tới BBC từ New York
Bức ảnh của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được đặt giữa những ngọn nến bập bùng bên cạnh bàn thờ của nhà thờ Thánh Nicholas Tolentine ở Bronx, New York. Cha Thomas Trần, trong chiếc áo choàng màu xanh ngọc, đã chủ trì buổi lễ tưởng niệm 53 năm ngày mất của cố tổng thống Việt Nam Cộng Hoà.
Ngồi giữa các hàng ghế đầu là một nhóm các vị cao niên. Họ khoác trên mình những bộ vest đen bóng và chiếc cà vạt với ba sọc đỏ trên nền vàng tươi. Ông Đào Minh Châu, 72 tuổi, là một trong số họ. Chiếc cà vạt ông đeo là biểu tượng của lá cờ Miền Nam Cộng hòa và là hình ảnh thu nhỏ của sự cay đắng đối với chế độ cộng sản Việt Nam hiện thời.
“Trump! Trump! Tôi bầu cho Trump,” ông Đào nói. Ông từng là sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và là cựu tù nhân ở trại cải tạo. Gia đình ông di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1992. Từ khi trở thành công dân Mỹ, ông luôn bầu cho đảng Cộng hòa.
Cách một dãy phố về phía nam nhà thờ, hơn 40 người tập trung tại chùa Thập Phương để dự lễ cầu siêu.
Điệp Kiên, 48 tuổi, nói bà đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton vì đảng Dân chủ quan tâm đến người dân nhiều hơn. Điệp đi theo cha sang Hoa Kỳ vào năm 1989. Cha bà từng là thông dịch viên cho chính phủ Miền Nam Việt Nam. Là một Phật tử coi trọng sự tự do cá nhân, bà luôn bầu cho đảng Dân chủ.
Cuộc bầu cử tổng thống 2016 cho thấy sự chia rẽ trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Theo Khảo sát Cộng đồng năm 2014 của Mỹ, khoảng 13.400 người Việt và người Mỹ gốc Việt đang cư trú ở thành phố New York. Một phần di cư vì l‎ý do kinh tế nhưng đa số là những người tị nạn chính trị. Họ rời Việt Nam sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Mặc dù cộng đồng người Việt ở New York khá nhỏ, sự khác biệt trong quan điểm chính trị là khá rõ rệt. Khoảng phân nửa số người Việt theo Phật giáo và số này có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ trong khi hai mươi phần trăm theo đạo Thiên Chúa giáo lại có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa.
Phần lớn người Công giáo Việt thuộc thế hệ có tuổi hơn đã lớn tiếng phản đối phá thai và hôn nhân đồng tính. Peter Hoàng, 74 tuổi, đã bỏ phiếu cho Donald Trump một phần trên cơ sở đạo đức. “Nếu bà Clinton lên nắm quyền, bà ta sẽ ủng hộ việc phá thai,” ông Hoàng nói. “Nước Mỹ sẽ chẳng còn giá trị đạo đức.”
Ông Hoàng cũng đã từng phục vụ trong quân đội Miền Nam. Sau năm 1975, ông bị giam tám năm trong trại cải tạo. Năm 1992, chính phủ Hoa Kỳ cho phép ông, vợ ông và sáu người con di cư đến Hoa Kỳ theo chương trình tái định cư nhân đạo HO (Humanitarian Operation).
Theo Tyler Trần, 26 tuổi, phần lớn giới chức Miền Nam Việt Nam và người nhà của họ chịu ơn chính quyền Ronald Reagan và George H. W. Bush. “Họ coi Đảng Cộng hòa là đảng mà đã cứu họ và đưa họ sang đây,” Tyler chia sẻ.
Tyler và mẹ của anh đều bầu cho bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi. Cha anh, mặt khác, luôn ủng hộ đảng Cộng hòa và 2016 không phải là ngoại lệ. “Cha tôi có nguyên tắc riêng của ông,” Tyler nói. “Tôi hiểu và không phán xét về quyết định của ông.” Cha của Tyler từng là thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Sau chiến tranh, chính phủ cộng sản Miền Bắc đã giữ ông mười ba năm trong trại cải tạo và không cho ông làm bất kỳ công việc chính thức nào sau khi thả ông vào năm 1988.
Trong giai đoạn tranh cử tổng thống vừa rồi, cha của Tyler đã không bất bình với lời kêu gọi của Trump về việc trục xuất hơn 11 triệu người nhập cư không giấy tờ tại Hoa Kỳ. “Cha tôi lập luận rằng chúng tôi nhập cảnh hợp lệ còn họ thì không,” Tyler nói.
Khác với cha của Tyler, ông Peter Hoàng nhớ lại cảm giác bàng hoàng khi lần đầu nghe ông Trump nói về việc xây bức tường dọc theo biên giới Mexico và trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ. “Nhưng trong lúc bầu cử ông Trump nói vậy thôi chứ nói là một chuyện, làm lại là một chuyện,” ông Hoàng chia sẻ.
Tổng thống đắc cử đã có những lời phát biểu điềm tĩnh hơn về vấn đề nhập cư. Trong buổi phỏng vấn với chương trình 60 Minutes, ông Trump nói sẽ trục xuất khoảng hai đến ba triệu người nhập cư không giấy tờ và có tiền án tiền sự. Ông cũng ám chỉ rằng những người nhập cư không giấy tờ còn lại sẽ có thể được phép ở lại Hoa Kỳ.
Cũng giống như cộng đồng theo Thiên chúa giáo, không phải người Việt nào theo Phật giáo ở Thành phố New York cũng bỏ phiếu bầu cho bà Clinton. Một người 36 tuổi muốn ẩn danh quyết định bầu cho ông Trump vì lý do kinh tế. “Tôi muốn có một sự thay đổi,” người này nói.
Ông sở hữu hai cửa hàng thuốc ở Brooklyn và cho biết các tiệm thuốc đã bị ảnh hưởng do Obamacare, Luật Bảo Hiểm Y Tế. “Tỷ lệ hoàn trả là rất thấp”, ông chia sẻ. Đối với một số loại thuốc như thuốc điều trị HIV Truvada, ông nói mình bị lỗ 25 USD cho mỗi đơn thuốc. Đây là lý do tại sao ông ủng hộ lời kêu gọi bãi bỏ chương trình Obamacare của ông Trump.
Ngoài ra, người này cũng tán thành với chính sách giảm thuế của ông Trump. “Tại sao những người kinh tế khấm khá hơn lại phải chịu thuế cao hơn?” ông nói. “Chúng tôi cũng phải làm việc rất vất vả mới kiếm được tiền mà.”
Vào đêm trước ngày bầu cử, ông tự nhủ sẽ không đi bầu vì ông biết rằng bà Clinton chắc chắn sẽ giành chiến thắng tại bang New York. Thế nhưng cuối cùng ông đã đi bỏ phiếu cho ông Trump vào sáng sớm sau khi hai chị gái gọi điện nhắc ông đi bầu.
Theo Tyler Trần, thế hệ của bố mẹ anh rất coi trọng việc bầu cử. “Đó là thứ quyền mà lúc trước ở Việt Nam họ không được có,” Tyler nói. “Kể từ khi tôi đủ tuổi để đi bầu, gia đình tôi lúc nào cũng cùng nhau đi bỏ phiếu.”
Cộng đồng người Việt được coi là một trong những sắc dân thiểu số tích cực về đời sống chính trị tại Hoa Kỳ. Sau ngày bầu cử 08/11 tháng, bà Stephanie Ngoc Dung Murphy đã trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên, và là người gốc Việt thứ hai làm dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, sinh viên cao học Khoa Báo chí Đại học Columbia, New York.

Cách chống tham nhũng và cách chống người lên tiếng

Cát Linh, phóng viên RFA
Trong thời gian gần đây, hàng loạt những vụ việc liên quan đến hình thức xử lý sai phạm đối với các cán bộ cấp cao của nhà nước liên tục được cho là ‘khó khăn’ và ‘chưa có tiền lệ’. Lý do là những người đó đã không còn tại chức hoặc đã xuất cảnh sang nước ngoài với lý do chữa bệnh.
Bên cạnh đó thì hàng loạt những nhà đấu tranh dân chủ và hoạt động xã hội bị bắt giam với tội danh “chống phá nhà nước”.
Điều này được những nhà quan tâm theo dõi tình hình trong nước nhìn nhận như thế nào?
Những phiêp họp và phát ngôn
Chỉ trong vòng ba tháng gần đây, chính phủ Việt Nam, và cả bộ máy truyền thông nhà nước đã có rất nhiều cuộc họp, bài viết liên quan đến hàng loạt những sai phạm của cán bộ cấp cao khi còn tại chức, khi không còn trong nước và hình thức xử lý những sai phạm đó.
Tại phiên họp chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 16 tháng 11, rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến hình thức xử lý kỷ luật đối với sai phạm của các cán bộ quản lý cấp cao trong bộ máy nhà nước, cụ thể là ông Vũ Huy Hoàng, nguyên bộ trưởng Bộ Công thương.
Trong những ngày vừa thì dư luận bàn tán rôm rả sôi nổi về việc này và đúng là phải thấy nó buồn cười. buồn cười vì Đảng tìm cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa.
-TS Phạm Chí Dũng
Trước đó vào ngày 2 tháng 11, cuộc họp do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Quyết định này được ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên họp chất vấn đại biểu sau đó thừa nhận rằng có rất nhiều khó khăn.
Cũng tương tự với nhận định trên, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá trả lời báo trong nước rằng “đây là lần đầu tiên” xảy ra việc cách chức một cán bộ quản lý cấp cao, đứng đầu mộ bộ khi không còn đương vụ.
Theo ông Cuông thì ông cho rằng cách xử lý như thế đối với ông Vũ Huy Hoàng là “nhằm thực hiện ý nguyện của nhân dân, là xử lý nghiêm những sai phạm không có vùng cấm, không từ ai, khi có vi phạm phải bị xử lý, cả khi đương chức cũng như khi đã về hưu.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì có suy luận khác. Ông nhìn sự việc này và bình luận theo cách mà ông gọi là “con mắt khôi hài của nhân gian”:
“Tức là lấy đi một cái mà người ta không có. Và điều này trở nên 1 cái khôi hài trong con mắt của nhân gian. Trong những ngày vừa thì dư luận bàn tán rôm rả sôi nổi về việc này và đúng là phải thấy nó buồn cười. buồn cười vì Đảng tìm cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa.”
Ông bộ trưởng nội vụ Lê Vĩnh Tân trong lần trả lời báo chí trong nước đã dùng từ ‘không thể có chuyện hạ cánh an toàn’ được cho để thể hiện quyết tâm chính trị và cảnh báo những quan chức đương thời.
Cho dù vậy, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương cũng có vẻ như không có niềm tin về những động thái được cho là cảnh báo này:
“Bây giờ cách chức người đã về hưu, cách chức thời gian nó đang làm. Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng tội nó đến đâu xử đến đấy. Nó xà xẻo bao nhiêu tiền của, tước đoạt lấy lại nộp cho công quỹ. Cái trò người ta làm hiện nay tào lao cho vui vậy thôi chứ không ăn thua gì đâu.”
Sự lúng túng
Hình thức xử lý đối với ông Vũ Huy Hoàng khi không còn tại chức vẫn còn đang gây tranh cãi thì Bộ Công thương ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam kể từ ngày 15 tháng 11.
Quyết định này được Bộ Công thương đưa ra khi Cục quản lý xuất nhập cảnh cho biết ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh ngày 22 tháng 10, 2016.
Nhà bất đồng chính kiến Vũ Thanh Giang, trong lần trả lời Đài Á châu tự do chúng tôi có rằng cách xử lý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những vụ việc trên đã thể hiện rõ sự lúng túng:
“Tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng ông ấy xử lý cái vụ này nó lúng túng như thế nào ấy. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì sai trái quá rõ ràng lắm chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ 3300 tỷ. Rồi bây giờ Vũ Huy Hoàng cũng như vậy nếu có thể quy kết liên đới trách nhiệm đối với Trịnh Xuân Thanh.”
Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng cho biết sẽ xử lý “tương xứng về mặt chính quyền” đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Cách xử lý này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhìn nhận:
“Tôi có thể hiểu là ông Trần Quốc Vượng muốn ông Vũ Huy Hoàng bị xử lý trách nhiệm hình sự về hàng loạt những vụ việc được cho là sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Công thương.”
Trước khi khai trừ Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh thì Trịnh Xuân Thanh đã biến mất, và sau đó thì một Tổng bí thư phải đứng ra chủ trì một cuộc họp để khai trừ một Đảng viên rất bình thường và không thể xử lý bất kỳ một trách nhiệm nào về chính quyền.
-TS Phạm Chí Dũng
Tuy nhiên ông có nhấn mạnh thêm:
“Trước đây chính ở Uỷ ban kiểm tra đảng và trung ương của Việt Nam cũng đã nói tương tự về vấn đề có hình thức xử lý chính quyền tương xứng với Trịnh Xuân Thanh sau khi khai trừ Đảng, nhưng mà có điều trước khi khai trừ Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh thì Trịnh Xuân Thanh đã biến mất, và sau đó thì một Tổng bí thư phải đứng ra chủ trì một cuộc họp để khai trừ một Đảng viên rất bình thường và không thể xử lý bất kỳ một trách nhiệm nào về chính quyền.”
Thẳng tay với người lên tiếng
Vụ việc của các bộ cấp cao như Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ  Đình Duy đã tốn khá nhiều thời gian và bút mực của chính phủ Việt Nam cũng như báo chí trong nước. Điều đó làm cho những nhà quan sát đều đặt câu hỏi cho sự lúng túng, bối rối của bộ máy quản lý nhà nước, trong đó phải kể đến Ban bí thư mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, cũng cùng thời gian với những vụ việc của các nhân vật trên thì hàng loạt vụ  đàn áp, bắt bớ xảy ra với những nhà hoạt động dân sự, xã hội, những người bày tỏ chính kiến. Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam ngày 10 tháng 10, cho đến nay gia đình vẫn không liên lạc được.
Một tháng sau đó, ngày 6 tháng 11, hai nhà hoạt động xã hội là Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ bị giam giữ và theo tin nhận được từ người nhà, hai người này đã bị tra tấn.
Trả lời chúng tôi, Nhi Hoàng, người nhà của anh Nguyễn Văn Đức Độ hiện đang bị giam giữ cho biết phản ứng của chính phủ Việt Nam đối với những điều được cho là sai phạm của các cán bộ cấp cao và đối với những blogger, người hoạt động xã hội là rất mâu thuẫn nếu ai cũng bình đẳng trước pháp luật.
Cơ quan chức năng Việt Nam ra quyết định Lệnh truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh là vô thời hạn. Ban Bí thư quyết định cách chức nguyên bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng khi ông này đã về hưu. Bộ công thương Việt Nam quyết định đình chỉ công tác ông Vũ Đình Duy sau khi Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công An xác nhận ông Duy đã xuất cảnh từ ngày 22 tháng 10 và chưa quay lại. Và những blogger, những nhà hoạt động xã hội vẫn bị bắt giam, cũng như phiên toà phúc thẩm người phụ nữ đấu tranh cho dân oan Cấn Thị Thêu vẫn tiếp tục diễn ra ngày 30 tháng 11 này.

Đại biểu quốc hội CSVN đề nghị cấm

hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam

Nhiều đại biểu quốc hội Cộng Sản Việt Nam hôm Thứ Sáu 18/11 than vãn về trình độ phát triển yếu kém của ngành du lịch nước nhà, bao gồm tình trạng thiếu nhân lực.
Một trong những lời kêu gọi họ đưa ra nhắm vào việc cấm hướng dẫn viên Trung Cộng hành nghề tại Việt Nam. Đại biểu Triệu Thanh Dung từ Cao Bằng nhận định rằng nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay “vừa thiếu vừa yếu”. Bà cho biết cả nước chỉ có 9,500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, phục vụ cho 8 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, và 6 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch mỗi năm. Cả nước cũng chỉ có 7,150 hướng dẫn viên du lịch nội địa, phục vụ cho hơn 45 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Bà ước tính để phục vụ những số lượng khách vừa nêu, Việt Nam cần 25,000 hướng dẫn viên quốc tế và 50,000 hướng dẫn viên nội địa.
Vị đại biểu từ Cao Bằng cũng cho rằng, hướng dẫn viên du lịch hiện nay cũng “yếu” ở vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử và giải quyết tình huống.
Bà Triệu Thanh Dung cũng nhắc đến tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui” ngày càng nhiều ở các điểm du lịch nổi tiếng, mà bà chỉ rõ đó là những hướng dẫn viên Trung Cộng. Họ bị cho là nói tiếng Hoa, tiêu tiền Trung Cộng, và thường xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi giới thiệu những danh lam thắng cảnh của Việt Nam cho du khách đến từ Trung Cộng.
Huy Lam / SBTN

Khách Trung Cộng lại ăn cắp trên máy bay tại Đà Nẵng

Chiều 17-11, Trung tâm an ninh hàng không phi trường quốc tế Đà Nẵng cho biết, Cảng vụ hàng không miền Trung đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7.5 triệu đồng đối với ông Yang Yong, sinh năm 1969, quốc tịch Trung Cộng, về hành vi “trộm cắp tài sản”.
Theo an ninh sân bay, khi chuyến bay VN 164 từ Đà Nẵng đi Hà Nội chuẩn bị cất cánh, ông Yang Yong ngồi ghế số 28D đã thực hiện hành vi lục túi xách của hành khách ngồi ghế số 19 gần với mình. Trong túi xách có tài sản gồm: 2 chiếc máy ảnh hiệu Sony và 1 phong bì đựng 5 triệu đồng tiền mặt. Hành vi của vị khách này đã bị những hành khách khác cùng chuyến bay bắt quả tang. Bị bắt tại trận, Yang Yong đã bị các tiếp viên và an ninh trên máy bay lập biên bản, bàn giao cho Cảng vụ hàng không miền Trung.
Ngày 6-11 vừa qua, lực lượng an ninh hàng không đã tiếp nhận từ nhân viên chuyến bay VN 166, vụ việc có hành vi lục túi xách của người khác. Tiếp đến, ngày 14-11, cũng xảy ra 2 vụ việc tương tự. Thủ phạm đều là người có quốc tịch Trung Cộng.
Hiện có 10 đường bay trực tiếp từ các địa phương Trung Cộng đến Đà Nẵng với 54 chuyến/tuần. Số lượng khách du lịch Trung Cộng đứng đầu trong các thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng (6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 211,079 lượt người). Hướng dẫn viên du lịch cũng là người Trung Cộng, và sẵn sàng đánh bất kỳ hướng dẫn viên tiếng Trung là người Việt, nếu người ấy dám lên tiếng phản đối việc dùng từ ‘China beach’ khi họ giới thiệu về biển Mỹ Khê. Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết như vậy.
Tuần lễ trước, ông Trương Đức Giang, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Cộng cùng đoàn tùy tùng đã làm việc với các quan chức của Đà Nẵng.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.