Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 19/11/2016

Saturday, November 19, 2016 7:44:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 19/11/2016

APEC : Trung Quốc « rình chờ »

Mỹ thoái lui tại châu Á – Thái Bình Dương

Đây là tựa bài nhận định trên Le Figaro số ra ngày 18/11/2016. Tại thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương APEC đang diễn ra tại Lima, thủ đô Peru, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tận dụng cơ hội ông Trump bỏ rơi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, vốn dĩ gạt Bắc Kinh ra khỏi cuộc chơi.
Cuối tuần này, Lima là nơi diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực mang tính biểu tượng, có tầm cỡ của thế kỷ XXI giữa đôi bờ Thái Bình Dương. Đương nhiên, tại thượng đỉnh APEC lần này (quy tụ 21 quốc gia thành viên, trong đó có Nga, Mỹ và Trung Quốc), chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chào từ biệt lần cuối ông Barack Obama, sau thắng lợi bất ngờ của ông Donald Trump.
Nhật báo ví cuộc gặp này như một biểu tượng ngắn gọn cho mối tương quan lực lượng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tranh giành ưu thế tại châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi ông Trump đắc cử, cán cân ưu thế nghiêng về phía đại cường Trung Quốc hồi sinh, nhắm vào thương mại để củng cố vai trò bá quyền khu vực.
Do đó, tại Peru, Tập Cận Bình có thể sẽ tận hưởng niềm vui chiến thắng đầu tiên. Tổng thống Obama sẽ phải thông báo chính thức với các thành viên APEC việc khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nạn nhân đầu tiên dưới thời tổng thống Trump.
Việt Nam lẻ loi
Thỏa thuận thương mại này, được chính quyền theo đảng Dân Chủ thương lượng với 11 quốc gia trong khu vực – không có Trung Quốc – chính là vũ khí kinh tế trong chính sách « xoay trục » sang châu Á của ông Obama, với mục đích kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực chiến lược này. Được đúc kết sau các cuộc đàm phán quyết liệt, nhất là với Nhật Bản, Việt Nam hay Singapore, hiệp ước này giờ trở thành « tờ giấy lộn », khi Quốc Hội Mỹ quyết định từ bỏ việc phê chuẩn, sau thắng lợi của ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa.
Le Figaro trích phân tích của ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Phát Triển Quốc Tế, một tổ chức tư vấn tại Hà Nội, Việt Nam, cho rằng : « TPP từng là vũ khí tốt nhất của Obama để tái cân bằng tương quan lực lượng tại châu Á. Đó từng là phao cứu hộ để đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Nhờ vào TPP, Việt Nam đã trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ». Với Donald Trump, kể từ giờ, Hà Nội lại lần nữa trở nên lẻ loi trước gã hàng xóm khổng lồ, mà tầm ảnh hưởng thương mại và tài chính ngày càng lớn trông thấy ở Việt Nam.
Úc chuyển hướng
Nỗi khiếp hãi về sự trống vắng và sự co cụm của Hoa Kỳ tạo cho Bắc Kinh một cơ hội bằng vàng để dúi các quân cờ của mình. Tại Lima, chủ tịch Tập sẽ cố gắng thúc đẩy dự án của chính ông về khu vực tự do mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 21 thành viên của APEC, theo lời thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông (Li Baodong). Ngay cả các đồng minh trung thành của Hoa Kỳ như Úc đang xem xét lại kế hoạch của họ và hiện đang đặt cược vào việc xích lại gần với Trung Quốc.
Theo quan điểm của Canberra, thất bại của TPP cũng « có thể bù đắp » bằng RCEP (Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực), một dự án thỏa thuận về tự do mậu dịch giữa ASEAN, Úc hay với Trung Quốc, mà không có Hoa Kỳ. Giờ phải chờ xem liệu các thỏa thuận đó có đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc các nước phát triển hay không nhất là trên phương diện gỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư trong ngành dịch vụ.
Bắc Kinh hiện vẫn tỏ ra dè chừng, lo ngại trước những lời đả kích mang tư tưởng bảo hộ của ông Trump, đe dọa áp thuế hải quan đến 45% lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Sau cuộc trao đổi điện đàm giữa Tập Cận Bình và chủ nhân tương lai của Nhà Trắng, báo chí chính thức tại Trung Quốc cho thấy tình hình có vẻ dịu xuống và bất ngờ đưa ra những lời ca tụng nhà tỷ phú New York.
Nhưng sự nghi kỵ vẫn tồn tại và các lãnh đạo Trung Quốc lưu ý tổng thống Mỹ tương lai không nên có ý định tiến hành một cuộc chiến thương mại, qua việc nhấn mạnh đến « sự lệ thuộc lẫn nhau » giữa các cường quốc.
Ông Thái Sùng Tín (Joe Tsai), phó chủ tịch tập đoàn Alibaba, chuyên buôn bán qua mạng cảnh báo : « Trung Quốc là một nguồn vốn và là một đầu ra quan trọng cho xuất khẩu Hoa Kỳ. Mỗi năm, Trung Quốc giúp cho thu nhập của Mỹ tăng 700 tỷ đô la. Nếu như ông là tổng thống, ông muốn tạo công ăn việc làm mà lại không hiểu điều đó, thì ông sẽ gặp nhiều vấn đề ».
Nếu như những cảnh báo này vẫn chưa đủ, thì Bắc Kinh còn sở hữu cả một kho « vũ khí trả đũa thương mại », sẵn sàng được sử dụng, Le Figaro kết luận.

Bên lề APEC : Barack Obama và Tập Cận Bình

trao đổi về Bắc Triều Tiên

Lãnh đạo 21 nước thành viên Diễn Đàn Hợp Tác kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC họp tại Peru. Tổng thống Obama tìm cách trấn an các đồng minh về chính sách thương mại của người kế nhiệm Donald Trump. Hạt nhân Bắc Triều Tiên là trọng tâm cuộc đối thoại Mỹ- Trung cuối cùng giữa Barack Obama và Tập Cận Bình.
Bên lề thượng đỉnh APEC tại Lima mở ra từ 18 đến 20/11/2016, tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ có một buổi làm việc cuối cùng với lãnh đạo Trung Quốc vào 17 giờ chiều nay, giờ địa phương. Theo giới phân tích Barack Obama cố gắng thuyết phục Bắc Kinh có thái độ cứng rắn trước các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Mỹ luôn chủ trương tăng cường các biện pháp trừng hạt với chế độ Bình Nhưỡng. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, chính quyền Washington đã có lập trường cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, xem tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại với chế độ Kim Jong Un.
Một số các nhà quan sát không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ lại thử nghiệm hạt nhân để nắn gân chính quyền Donald Trump.
Nhưng có lẽ với Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu tại diễn đàn APEC Lima lần này là hồ sơ thương mại. Trước viễn cảnh hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP có nguy cơ bị chính quyền Trump khai tử, ông Tập Cận Bình cố gắng thuyết phục các đồng minh của Mỹ trong vùng châu Á Thái Bình Dương về dự án tự do mậu dịch mang tên Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP, bao gồm Trung Quốc với ASEAN, Úc, và Ấn Độ mà không có Hoa Kỳ.
Riêng về hiệp định TPP, ông Obama dự trù họp riêng với 11 đối tác tham gia Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương. Sáu trong số 12 nước tham gia TPP tuyên bố quyết tâm tiếp tục con đường đã vạch ra, cho dù có sự tham gia của Hoa Kỳ hay không. Sáu nước đó gồm Nhật Bản, Mêhico, Úc , Malaysia, New Zealand và Singapore.
Ngoài cuộc gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc, bên lề thượng đỉnh Lima, tổng thống Barack Obama cũng nói lời từ dã với tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh quan hệ Nga Mỹ đang xấu đi đáng kể vì có quá nhiều bất đồng, nhất là trên vấn đề Syria.
Vẫn tại Lima, hôm qua, 18/11, ngoại trưởng Mỹ và đồng nhiệm Philippines có cuộc gặp gỡ song phương. Đây là buổi làm việc đầu tiên giữa hai ông John Kerry và Perfecto Yasay kể từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa cắt đứt quan hệ quân sự và kinh tế với Mỹ.
Trong thông cáo chung kết thúc buổi làm việc, hai bên khẳng định quan hệ vững chắc giữa Hoa Kỳ và Philippines, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống như chống tham nhũng, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Người dân Malaysia rầm rộ biểu tình đòi thủ tướng từ chức

Thủ đô Kuala Lumpur hôm nay, 19/11/2016, tràn ngập người dân Malaysia, biểu tình đòi thủ tướng Najib Razak từ chức, bị nghi ngờ biển thủ công quỹ. Lực lượng an ninh lo ngại xảy ra các vụ đụng độ giữa hai phe chống và ủng hộ chính phủ.
Theo lời kêu gọi của phong trào Bersih – theo tiếng Mã Lai có nghĩa là “trong sạch”, hàng nghìn người dân mặc áo vàng, gõ trống và thổi kèn vuvuzela, đã xuống đường biểu tình rầm rộ. Họ hô vang các khẩu hiệu đòi tổ chức bầu cử tự do, một chính phủ trong sạch, yêu cầu phế truất thủ tướng và đưa ra tòa xét xử.
Làn sóng phản đối chống ông Najib Razak tập trung chủ yếu vào vụ tai tiếng tài chính ầm ĩ có liên quan đến tập đoàn Nhà nước 1MDB (1Malaysia Development Berhad). Được thành lập theo sáng kiến của ông Razak ngay khi ông lên cầm quyền vào năm 2009, tập đoàn này hiện đang mắc nợ đến 10 tỷ euro và người ta nghi ngờ thủ tướng Najib Razak đã biển thủ khoảng 640 triệu euro.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, bầu không khí căng thẳng tăng lên từ nhiều tuần nay. Phe “Áo Đỏ” ủng hộ chính phủ đe dọa tấn công phe “Áo Vàng”. Vài giờ trước khi các cuộc biểu tình diễn ra, chính quyền đã tiến hành bắt giữ lãnh đạo của hai phong trào, có nguy cơ làm thổi bùng thêm căng thẳng hiện nay.
Lực lượng chống bạo động đã được huy động vây kín Kuala Lumpur. Giao thông tại thủ đô hầu như bị tê liệt do nhiều rào chắn được dựng lên. Hiện chưa có một vụ bạo động nào được ghi nhận.
AFP nhắc lại vào cuối tháng 08/2015, hàng chục nghìn người lần đầu tiên đã xuống đường yêu cầu ông Najib Razak từ chức trong vụ tai tiếng này. Hôm qua, phát biểu trên đài phát thanh, thủ tướng Malaysia đã xem lời kêu gọi biểu tình là một mưu toan “đáng xấu hổ” nhằm “lật đổ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ”.
Phong trào Bersih là một liên minh các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ. Từ nhiều năm nay, phong trào này đã lên tiếng kêu gọi cải cách bầu cử. Trong hai năm qua, các cuộc biểu tình của phong trào chủ yếu nhắm vào vụ bê bối 1MDB.

Hàng chục ngàn người biểu tình

đòi bầu cử công bằng ở Malaysia

Hàng chục ngàn người biểu tình tụ tập tại thủ đô của Malaysia hôm nay, thứ Bảy 19/11, để đòi cải cách chính trị, và các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Cuộc biểu tình về phần lớn diễn ra trong ôn hoà, mặc dù trước đó có lo ngại sẽ xảy ra các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và các nhóm thân chính phủ.’
Một rừng áo vàng, biểu tượng của phong trào tranh đấu cho một chính quyền trong sạch có tên là Bersih, tràn ngập khu trung tâm thủ đô Kuala Lumpur. Cuộc biểu tình vẫn diễn ra bất chất nhiều thủ lãnh biểu tình, kể cả chủ tịch của liên minh Maria Chin Abdullah đã bị bắt giữ.
Những người biểu tình còn đòi Thủ Tướng Najib Razak từ chức về cáo buộc có liên quan tới vụ tai tiếng biển thủ công quỹ hàng tỉ đôla.
Ông Najib bị chỉ trích và trở thành mục tiêu của các cuộc biểu tình phản đối sau những cáo buộc về tham nhũng. Ông đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng ông không làm bất cứ điều gì sai trái.
Những người biểu tình “Áo vàng” vừa tuần hành vừa hô khẩu hiệu trên các đường phố ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, giương cao các biểu ngữ có ghi những hàng chữ như “Dân chủ Malaysia chỉ còn trong Ký ức”, và “Chán ngấy với chế độ trộm cắp”.
Ngoài sự hiện diện hùng hậu của cảnh sát chống bạo động, người ta còn thấy những vòi rồng trên các đường phố, các trục lộ chính dẫn tới quảng trường Merdeka ở trung tâm thành phố bị phong toả để ngăn, không cho người biểu tình tụ tập theo kế hoạch dự trù.
Người cầm đầu phong trào thân dân chủ Bersih, tổ chức cuộc biểu tình, đã bị bắt giữ hôm thứ Sáu cùng với nhiều người ủng hộ, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo đối lập và sinh viên đấu tranh.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, ít có khả năng cuộc biểu tình sẽ dồn Thủ Tướng Najib tới chỗ phải từ chức. Cho tới nay, ông đã vượt qua cơn khủng hoảng, củng cố thêm quyền lực bằng một chiến dịch đàn áp giới bất đồng, kiềm chế các tổ chức truyền thông và đàn áp giới hoạt động đấu tranh.

Nga: Ngân sách quốc phòng 2017 vẫn tăng

Hôm qua, 18/11/2016, Hạ viện Nga, nơi mà đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Vladimir Putin chiếm đa số, đã thảo luận và thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Hầu như tất cả các lĩnh vực đều bị cắt giảm, ngoại trừ quốc phòng. Dự toán ngân sách sẽ còn được xem xét và bỏ phiếu thêm hai vòng nữa tại Hạ viện, trước khi được chuyển lên Thượng viện.
Từ Matxcơva, thông tín viên Murielle Pomponne cho biết thêm thông tin :
« Tổng thống Putin yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% tổng sản phẩm quốc nội, cho dù nguồn thu nhập từ dầu lửa bị tụt giảm. Khoản thâm hụt ngân sách sẽ được bù đắp bằng quỹ dự trữ và quỹ này sẽ cạn kiệt vào cuối năm 2017.
Để đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 1,9% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2019, cần phải tiến hành cắt giảm mạnh các khoản chi. Ngân sách dành cho các bộ sẽ giảm 6% trong năm 2017, 9% trong năm 2018 và 11% trong năm 2019.
Ngân sách dành cho giáo dục trong năm 2019 sẽ chỉ chiếm 3,5% tổng sản phẩm quốc nội và như vậy, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước phát triển. Ngân sách cho y tế cũng bị cắt giảm.
Ngân sách quốc phòng cũng giảm từ 4,7% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2016 xuống còn 2,9% trong năm 2019. Thế nhưng, có tới 17% tổng ngân sách không xác định mục đích chi, có nghĩa là trên thực tế, đây là những khoản chi cho quân sự. Như vậy, quân đội và lực lượng an ninh vẫn được ưu tiên.
Dự toán ngân sách được lập ra trên cơ sở giá một thùng dầu thô là 40 đô la, một đô la ăn 67 rúp và lạm phát ở mức 4%.
Bộ trưởng Tài Chính Nga nhấn mạnh để kỷ luật ngân sách, như điều kiện cần thiết để bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế vững chắc. Ông cũng khẳng định là các cam kết chi ngân sách cho lĩnh vực xã hội được tôn trọng.
Ngân sách đã được các dân biểu thuộc đảng Nước Nga Thống Nhất thông qua, còn các dân biểu cộng sản và dân tộc chủ nghĩa thì bỏ phiếu chống, coi đây là ngân sách tối thiểu để tồn tại ».

Nghệ thuật : Lê-nin “bảo vệ” Sa hoàng Nga

Cuối tháng 11/2016 bảo tàng thành phố Saint-Pétersbourg cho triển lãm một bức chân dung của vị Sa hoàng Nga cuối cùng Nikolai II, ngủ vùi trong 90 năm dưới bức tranh xưng tụng Lê-nin, cha đẻ cuộc Cách mạng tháng 10 Nga.
Cách nay ba năm, bảo tàng Saint –Pétersboug đã tình cờ khám phá một bức chân dung của vị Sa hoàng cuối cùng, Nikolai đệ Nhị. Tác giả là họa sĩ Ilia Galkine (1860-1915) thực hiện bức chân dung vị vua cuối cùng triều đại Sa hoàng Nga năm 1896. Bức tranh có khổ dài 4 mét, rộng 3 mét, được giấu ở phía dưới một bức tranh quý khác, đó là tác phẩm của danh họa Vladislav Izmaïlovitch, năm 1924 khi ông thực hiện bức chân dung lãnh tụ Lê-nin. Như vậy là trong gần 90 năm qua, hình ảnh một Lê-nin oai hùng, đứng trước pháo đài của thành phố đã “bao bọc” và vô hình chung góp phần bảo quản bức họa chân dung nhà vua.
Tác phẩm nói trên trong hàng thập kỷ được trưng bày ở một ngôi trường tại Saint Pétersbourg. Tranh vẽ Lê-nin có bị năm tháng hủy hoại, nhưng phải đợi đến năm 2013 bảo tàng thành phố mới có ngân sách để trùng tu một số di sản văn hóa và nghệ thuật. Các nghệ nhân của viện trùng tu các tác phẩm nghệ thuật khi đó mới phát hiện ra là họa sĩ Vladislav Izmaïlovitch (1872-1959) đã tìm cách bảo vệ một kho tàng nghệ thuật quốc gia, bằng cách phủ một lớp sơn mỏng lên chân dung của sa hoàng Nikolai II (1868-1918) trước khi vẽ đè lên trên chân dung vị anh hùng bolchevik, Vladimir Ilyich Ulyanov, được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi Lê-nin.
Theo lời quản thu thư viện Saint –Pétersbourg, cử trỉ nói trên của họa sĩ Izmaïlovitch trước hết thể hiện lòng tôn trọng với một họa sĩ đàn anh và đâu đó, ông cũng muốn hậu thế biết đến tác phẩm này của danh họa Ilia Galkine. Có điều dưới những năm tháng Cách Mạng Tháng 10, che giấu chân dung Sa hoàng là một hành vi chính trị can đảm và nếu bị phát hiện thì họa sĩ vẽ chân dung Lê-nin sẽ phải trả cái giá rất đắt.

TT Peru chỉ trích xu hướng bảo hộ kinh tế của ông Trump

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đang ở Lima, thủ đô của Peru trong chặng dừng chân cuối của chuyến công du cuối cùng của ông trong cương vị Tổng thống Mỹ. Tại đây ông sẽ tìm cách trấn an các đồng minh của Mỹ ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương sau thắng lợi bầu cử của ông Trump.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ông Obama đã tập trung vào nỗ lực tái cân bằng lực lượng của Mỹ sang châu Á, coi việc chuyển trục sang châu Á là nền tảng của chính sách đối ngoại của ông, nhưng chính sách này có thể thay đổi đáng kể dưới chính phủ do ông Donald Trump lãnh đạo, sau khi ông rời nhiệm sở trong 9 tuần nữa.
Tổng Thống Obama và các đồng minh của ông ủng hộ thương mại tự do trong nhiều năm đã hối thúc việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng Tổng thống tân cử Trump chống đối hiệp định này, và đề nghị một hướng đi khác hẳn.
Ông Trump đề nghị sẽ bớt chú ý tới châu Á, và mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh của Mỹ tại châu lục này, đồng thời gọi TPP là “phá hoại các quyền lợi của Mỹ”.
Tuy nhiên, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski một kinh tế gia được đào tạo tại Hoa Kỳ có ý chỉ trích xu hướng bảo hộ kinh tế của ông Trump, ông nói với các vị nguyên thủ tham gia hội nghị ở Peru rằng bất cứ ai muốn cổ vũ cho chính sách bao cấp kinh tế, hãy đọc lại lịch sử của nền kinh tế trong những năm của thập niên 1930, ám chỉ cuộc đại suy thoái mà nhiều người quy cho các chính sách bảo hộ kinh tế.

Mỹ trục xuất một con nuôi Hàn Quốc về nước

Một người Hàn Quốc được gia đình Mỹ nhận làm con nuôi gần 40 năm trước vừa bị trục xuất về nơi sinh quán, theo nguồn tin từ luật sư và một giới chức chính phủ cho biết ngày 17/11.
Đương sự tên Adam Crapser không hề biết ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan ICE ra lệnh trục xuất ông Craspser vì ông này phạm các tội hình sự trong đó có tấn công và sở hữu vũ khí.
Bà Lori Walls, luật sư của ông tại Seattle, trong một email hôm 17/11 cho biết “Ông Adam bị trục xuất tối qua. Tôi vừa nghe ông thông báo.”
Bà Rose Richeson, phát ngôn viên của ICE, cho hay ông Crasper đã đến Seoul, Hàn Quốc, sáng 17/11 trên một chuyến bay thương mại với sự hộ tống của các nhân viên trục xuất ICE.
Ông Crasper có vợ, một con gái và hai đứa con gái riêng của vợ tại Mỹ. Ông được đưa tới Mỹ khi lên 3, nhưng không ai xin quốc tịch cho ông. Ông và chị ruột được người Mỹ nhận làm con nuôi, nhưng sau đó bị bỏ rơi. Hai chị em ông sau đó bị phân ly và bị gửi tới các trại nuôi dưỡng.
12 tuổi, ông Crasper rơi vào tay một gia đình bạo hành. Người cha mới của ông bị kết án về nhiều tội. Bản thân ông sau đó cũng gặp rắc rối với pháp luật, khiến ông hội đủ yếu tố bị trục xuất. Ông bị nhà chức trách di trú liên bang để ý khi đệ đơn xin thẻ xanh.
Bà Richeson cho hay ông Crasper, 41 tuổi, bị ICE bắt vào ngày 8 tháng 2 năm nay, sau khi bị giam 60 ngày vì tội đe dọa bạo hành trong gia đình và âm mưu ép bức người khác. Ông bị giữ trong một trung tâm giam giữ của sở di trú tại quận Tacoma, tiểu bang Washington, kể từ đó.
Báo New York Times gần đầy cho biết mẹ đẻ của ông tại Hàn Quốc, người đã cho con trai làm con nuôi vì không nuôi nổi, đang học tiếng Anh để có thể giao tiếp với ông Crasper khi mẹ con đoàn tụ.

Các nước kêu gọi Trump

thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu

Ngày 18/11, nhiều nước kêu gọi ông Donald Trump tham gia cuộc chiến chống lại hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, Thủ tướng Fiji mời Tổng thống đắc cử Mỹ đến đảo quốc Thái Bình Dương để tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đột ngột đối mặt với khả năng Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước về khí thải thông qua tại Paris hồi năm ngoái, các phái đoàn tại hội nghị về khí hậu tại Liên hiệp quốc đã kêu gọi ủng hộ thỏa thuận cột mốc này và nói rằng sẽ thúc đẩy hiệp ước tiến tới dù thế nào đi chăng nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Morocco Salaheddine Mezouar, người chủ trì các cuộc thảo luận kéo dài hai tuần tại Marrakech, nói “thông điệp gởi tới tân Tổng thống Mỹ rất đơn giản “Chúng tôi trông cậy vào chủ nghĩa thực dụng của ông và tinh thần cam kết của ông.”
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã nói là ông sẽ “hủy bỏ” một hiệp ước quốc tế nhằm chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu và rút tiền thuế của người dân Mỹ ra khỏi các chương trình tăng nhiệt toàn cầu.
Hơn 190 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ đã cam kết trong hiệp ước Paris sẽ giảm khí thải nhà kính làm tăng nhiệt và nước biển dâng cao, gây hạn hán trầm trọng và tạo ra những đợt nóng.
Tại Marrakech, các phái đoàn từ Trung Quốc cho đến Brazil đều bày tỏ hy vọng các phát biểu của ông Trump khi tranh cử không thật sự là tâm ý của ông. Một số nước trực tiếp kêu gọi ông thay đổi nhận thức về vấn đề này.
Những đảo quốc nhỏ nằm trong số những nước bênh vực mạnh mẽ nhất việc cắt giảm khí thải nhà kính vì họ lo ngại sự sống còn của đất nước tùy thuộc vào việc này. Nhiều nước đã trải qua những hậu quả của biến đổi khí hậu, với nước biển dâng cao xói mòn bờ biển và xâm nhập vào nguồn nước ngọt.
Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks nói hội nghị Marrakech “đã chứng tỏ là tinh thần thỏa thuận Paris đang sống và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”
Với hầu hết những vấn đề thủ tục còn đang thương lượng, các quốc gia loan báo những đối tác và những sáng kiến khác nhau để chứng tỏ sự cam kết của họ về sự chuyển tiếp sang năng lượng sạch.
Trong một động thái tượng trưng, hơn 40 quốc gia dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong đó có những đảo quốc nhỏ và những nước chịu nạn hạn hán tại châu Phi, tuyên bố là họ sẽ theo đuổi năng lượng tái tạo 100% “càng nhanh càng tốt.”
Nhiều nước yêu cầu sự hỗ trợ của các nước giàu để chuyển sang năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời. Một số nước, trong đó có Philippines và Bangladesh, dự định mở rộng năng lượng than đá, một nguồn chính phát sinh khí thải làm quả đất ấm dần, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của họ.
Tuy nhiên, tuyên bố cho thấy có sự ủng hộ của các nước nghèo trước đây từng tuyên bố việc giảm bớt khí thải tùy thuộc vào phương Tây, là những nước có truyền thống gây ô nhiễm nhiều nhất.

TT Obama từ biệt Châu Âu,

kêu gọi hợp tác với ông Trump

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ biệt các đồng minh Châu Âu, khép lại chuyến công du cuối cùng của ông trong cương vị tổng thống, với những bảo đảm về sự hỗ trợ lâu dài của Hoa Kỳ và ông kêu gọi các đồng minh hãy đứng lên trực diện với Nga.
Nhà lãnh đạo Mỹ rời Berlin hôm thứ Sáu sau chuyến đi bốn ngày bắt đầu với Hy Lạp, chiếc nôi của nền dân chủ phương Tây, nơi ông suy niệm về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh cho những giá trị dân chủ. Chuyến đi kết thúc tại Đức, nền kinh tế hàng đầu Châu Âu, thủ tướng nước này Angela Merkel được coi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu lục.
Những ưu tiên trong nghị trình của ông Obama là trấn an các đồng minh Châu Âu đang lo lắng về tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới quyền tổng thống Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử, những phát biểu của ông Trump đã khơi lên bất định, đặc biệt là về cam kết của Mỹ đối với NATO, EU, và những tổ chức đa phương khác.
Trước khi rời Berlin, Tổng thống Obama đã gặp các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha và nhắc lại những bảo đảm này. Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama “bày tỏ tin tưởng rằng, vào lúc có những thay đổi lớn, các giá trị dân chủ đã làm được nhiều điều để thăng tiến các quyền tự do và tiến bộ của nhân loại hơn bất kỳ hệ thống nào khác trong lịch sử, và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai.”
Ông ngỏ lời cảm tạ các đối tác Châu Âu về sự hợp tác chặt chẽ của họ và kêu gọi họ làm việc với chính quyền của ông Trump “trên cơ sở các giá trị cốt lõi định hình Hoa Kỳ và Châu Âu như những nền dân chủ cởi mở.”
Ông Obama và các nhà lãnh đạo khác hôm thứ Sáu nhất trí duy trì những biện pháp chế tài đối với Nga về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Họ kêu gọi Moscow tuân thủ thỏa thuận Minsk và cho phép một môi trường an ninh có lợi cho bầu cử.
Họ nhất trí Châu Âu nên tiếp tục nỗ lực hướng tới việc hóa giải căng thẳng và một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria, và kêu gọi Nga ngừng ném bom Aleppo, nơi tình hình nhân đạo đang “hết sức đáng lo ngại.”
Ông Obama đang trên đường đến Peru, chặng chót trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông, để dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.

TQ yêu cầu Mông Cổ

cấm chỉ chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trung Quốc yêu cầu Mông Cổ cấm chỉ chuyến thăm dự kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày 18/11, viện lý do chuyến công du của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng có thể gây phương hại cho mối quan hệ của Bắc Kinh với nước láng giềng Mông Cổ.
Trung Quốc xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần tử ly khai dù Ngài nói rằng Ngài chỉ mưu tìm tự trị đúng nghĩa cho quê hương ở Hy Mã Lạp Sơn, vùng đất bị binh lính Trung Quốc ‘giải phóng hòa bình’ vào năm 1950.
“Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục Mông Cổ hành động cân nhắc tới tổng quan duy trì sự phát triển ổn định mối bang giao song phương và tôn trọng các cam kết về vấn đề này,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhấn mạnh.
“Chớ cho phép Đạt Lai Lạt Ma sang thăm. Chớ ủng hộ hay tạo điều kiện cho các hoạt động ly khai của bè lũ Đạt Lai Lạt Ma,” ông Cảnh phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ.
Truyền thông Mông Cổ cho hay Đức Đạt Lai Lạt Ma dự kiến sang thăm chiều ngày 18/11.
Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thăm Mông Cổ hồi 2006, Trung Quốc đã hủy các chuyến bay nối liền Bắc Kinh và Ulaanbaatar. Sau đó, các chuyến bay này đã được tái tục.
Bắc Kinh thường tỏ phẫn nộ với các nước tiếp đón khôi nguyên Nobel Hòa bình 81 tuổi, người từ năm 1959 sang Ấn Độ sống lưu vong sau cuộc nổi dậy bất thành chống lại Trung Quốc.
Giới hoạt động nhân quyền và những người sống lưu vong tố cáo Trung Quốc đàn áp tôn giáo và văn hóa của người dân Tây Tạng. Bắc Kinh bác chỉ trích này và nói rằng đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực lạc hậu này.

Không kích dữ dội vào khu vực của phe nổi dậy ở Aleppo, Syria

Chiến đấu cơ và pháo binh của chính phủ Syria, được đồng minh Nga yểm trợ, đã leo thang các cuộc tấn công nhắm vào những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở thành phố Aleppo sáng sớm thứ Sáu 18/11, giết chết nhiều người trong đó có trẻ em.
Đây là ngày thứ tư liên tiếp máy bay chiến đấu của chính phủ Syria thực hiện các cuộc không kích, kể từ hôm thứ Ba, khi Moscow tuyên bố chấm dứt một tháng tạm đình chiến vì lý do nhân đạo.
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh, ít nhất 65 thường dân đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch quân sự tái tục. Nguồn tin này nói thêm rằng phe nổi dậy đã bắn đi hơn một chục quả đạn pháo vào khu vực do chính phủ kiểm soát trong thành phố.
Cuộc tấn công dữ dội nhắm vào một vùng do phe nổi dậy kiểm soát có hơn 250.000 dân, đã bắt đầu với một thông báo của Nga cho biết họ sẽ mở một cuộc tấn công nhắm vào tỉnh Idlib ở miền bắc nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy, và tỉnh Homs ở trung bộ Syria.
Phe nổi dậy đã bị quân đội Syria vây hãm ở đông Aleppo kể từ tháng 7. Những cơ quan cứu trợ cho biết nguồn thực phẩm hầu như đã cạn kiệt.
Từng là trung tâm thương mại và công nghiệp chính của Syria, Aleppo đã bị chiến sự tàn phá từ năm 2012 khi phe nổi dậy chiếm đóng khu vực phía đông.
Phe nổi dậy cũng liên tục pháo kích vào khu vực có 1,2 triệu dân, đang nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Syria.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.