Đọc báo Pháp – 19/11/2016
Merkel không muốn đơn độc “giữ gìn” giá trị tự do dân chủ
Chuyến công du châu Âu cuối cùng của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama chiếm trọng tâm trên các trang báo chí Pháp ngày 18/11/2016. Việc chọn Athens và nhất là Berlin để « nói từ biệt châu Âu », được giới quan sát cho rằng ông Obama muốn thủ tướng Đức tiếp tục « gìn giữ » các giá trị dân chủ phương Tây trước đà đi lên của chủ nghĩa dân túy. Câu hỏi đặt ra: Liệu rằng bà Angela Merkel có muốn đảm nhận trọng trách này hay không?
Hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận định, việc chọn Đức là nơi để « từ biệt » các lãnh đạo châu Âu là một quyết định mang tính biểu tượng. Vì sao chỉ có hai điểm đến này thôi mà không là Paris, hay Luân Đôn, đồng minh truyền thống của Washington ? Đó là vì hai thủ đô này đã « đối nghịch nhau dữ dội trong suốt những năm gần đây ».
Barack Obama muốn nhắc lại « tầm quan trọng của thách thức đang đè nặng lên sự thống nhất của toàn châu Âu », theo như phân tích của bà Almut Moller, giám đốc văn phòng European Council on Foreign Realations đóng tại Berlin với báo Le Monde. Giải thích cho sự chọn lựa này, Le Figaro đưa ra một luận điểm khác cho rằng theo quan điểm của ông Obama, Athens là cái nôi của nền dân chủ và Berlin là chiến lũy của châu Âu.
Đối với tổng thống Mỹ mãn nhiệm, Berlin mới chính là trung tâm của châu Âu và ông có thể « trông cậy vào Merkel để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy », là hàng tít lớn trên trang nhất của Le Figaro. Bởi vì bà mới chính là « đối tác tuyệt hảo » nhất, là « đồng minh thân cận nhất trong suốt 8 năm làm tổng thống Mỹ » (Le Monde) và chỉ có thủ tướng Đức mới có thể « giữ gìn được những giá trị tự do của phương Tây ».
Angela Merkel là một người có đức tính « bền bỉ » và sẵn sàng đấu tranh cho những « giá trị của phương Tây », những đức tính mà ông Obama đã ca ngợi khi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Spiegel và ARD tại Đức. Trái với tuyên bố ca tụng thắng lợi của Donald Trump, bà cũng cứng rắn nhắc lại « những giá trị cơ bản » hình thành nền tảng cho mối quan hệ Mỹ – Đức. Những lời lẽ rất được giới báo chí tán thưởng cho rằng bà là người « xứng đáng » nhất trong số các lãnh đạo châu Âu và kêu gọi bà cầm lấy ngọn đuốc bảo vệ các giá trị dân chủ phổ quát.
Đối mặt với một vị tổng thống Mỹ vừa đắc cử gây lo ngại, chỉ có « Angela Merkel là chống Trump », như tựa bài nhận định trên Libération. Vì sao ? Le Figaro cho rằng giữa bà Merkel và ông Trump có nhiều điểm đối lập. Ông Trump là tỷ phú, trong khi bà Merkel vẫn phải tự tay xách giỏ đi chợ. Ông Trump bốc đồng, bà Merkel điềm tĩnh. Một người khó đoán, người khác lại chính xác khoa học. Ông Trump la ó người tị nạn hay người Hồi Giáo, bà ấy lại là « thủ tướng của người tị nạn ».
Đức nắm quyền lãnh đạo châu Âu ?
Câu hỏi đặt ra : Phải chăng đã đến lúc Đức nắm giữ vai trò lãnh đạo tại châu Âu hay chưa ? Le Figaro và Le Monde có cùng quan điểm cho rằng « chưa chắc ». Đối với Berlin, « một vai trò lãnh đạo chỉ có thể có với các đối tác » như cảnh báo của ông Volker Perthes với Le Figaro.
Cho dù cuộc khủng hoảng Ukraina là cơ hội để Angela Merkel nắm lấy vai trò quyết định, nhưng nước Đức lại không có các phương tiện ngoại giao và quân sự để gây sức ép hàng đầu trong quan hệ quốc tế như khủng hoảng Syria cho thấy. Đức chưa thể nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP như đòi hỏi của các đối tác trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Do đó, cho dù ông « Barack Obama có đưa ra một cảm giác muốn thủ tướng ĐỨc tiếp lấy vai trò bảo vệ thế giới tự do và dân chủ, chưa chắc gì bà Merkel thật sự muốn đảm nhận vai trò này », theo như quan sát của nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer trên Le Monde.
Nếu như Le Fiagro cho là việc lãnh đạo bốn nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha phải tề tựu về Đức để hội đàm lần cuối với ông Obama cho thấy vai trò trung tâm của Berlin tại châu Âu, thì Le Monde nghĩ rằng « Điều đó chứng tỏ bà Merkel không muốn đơn độc mang ngọn đuốc bảo vệ nền dân chủ đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay ».
Duy có một điều có lẽ La Figaro có lý, đó là việc ông Obama chọn Đức để nói lời giã biệt với châu Âu làm nổi rõ một điểm « Với Washington, Angela Merkel đã làm lu mờ François Hollande».
Châu Âu ngơ ngác do Hoa Kỳ đổi hướng
Báo Le Monde tiếp tục bình luận về những tác động của việc Donald Trump thắng cử. Trong bài « Châu Âu ngơ ngác do Mỹ đổi hướng », tờ báo nhấn mạnh, mô hình của châu Âu bị đe dọa vì hai đối tác thương mại hàng đầu thế giới, tức Mỹ và Trung Quốc, chủ trương giảm bớt mở cửa, bảo vệ các lợi ích quốc gia nhằm chống lại những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa.
Theo tờ báo, một trong những lý do giải thích vì sao các nhà quan sát không dự báo được thắng lợi của ông Donald Trump, đó là việc một bộ phận tầng lớp trung lưu đã bác bỏ tiến trình toàn cầu hóa. Có một thực tế hiển nhiên là việc Trung Quốc nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới, năm 2001, đã gây chấn động mạnh mà đến giờ người ta mới đánh giá được một vài hậu quả.
Tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa thể rõ tại hai quốc gia gần như thống trị thương mại thế giới. Tại Hoa Kỳ, việc giá cả nguyên nhiên liệu trên thế giới giảm, tình trạng các doanh nghiệp di dời ra nước ngoài đã làm cho mức lương nhân công bị đình trệ, nợ gia tăng vì hỗ trợ nhu cầu, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực giảm và hàng triệu người thất nghiệp. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế nói bối cảnh kinh tế đình đốn trong nhiều năm và nguy cơ thoái lạm. Một bộ phận tầng lớp trung lưu có cảm giác bị bỏ rơi và bị rơi xuống tầng lớp nghèo.
Còn tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế ở mức trên 10% trong nhiều năm đã làm giàu cho tầng lớp trung lưu, thế nhưng nước này vẫn còn tới 13% dân số sống trong cảnh rất nghèo khó. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng.
Chính trong bối cảnh đó mà lãnh đạo Trung Quốc và ban lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ tin tưởng rằng cần phải chú trọng đến thị trường nội địa, áp dụng bảo hộ mậu dịch ở một mức độ nào đó và Nhà nước cần can thiệp để vực dậy một số ngành nghề ; các biện pháp này sẽ giúp làm giảm sự bất bình của người dân.
Do vậy, theo báo Le Monde, châu Âu bị mất phương hướng. Các phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ càng gây lo ngại hơn. Ngoài nguy cơ xem xét lại, thậm chí bác bỏ các thỏa thuận tự do thương mại với các nước châu Á, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ sẽ làm suy giảm trao đổi thương mại thế giới và gây ra hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng của châu Âu. Việc thay đổi chiến lược kinh tế của Mỹ còn có thể đi kèm với chính sách « tự cô lập » của Hoa Kỳ trên phương diện ngoại giao.
Các chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính quyền sắp tới tại Mỹ phản ánh mối lo ngại là cái thế giới hiện nay đang dần dần biến mất. Bởi vì, kể từ sau đệ nhị thế chiến cho đến nay, nhờ có mối quan hệ ưu tiên với Hoa Kỳ mà châu Âu đã có thể khẳng định ảnh hưởng và lập trường của mình đối với phần còn lại của thế giới.
Ấy vậy mà trên lĩnh vực kinh tế, Donnald Trump lại có quan điểm trái ngược hẳn với lãnh đạo các nước trong khu vực đồng euro : giảm thuế ồ ạt, tăng chi tiêu công. Về ngoại giao, chính quyền sắp tới tại Mỹ chủ trương có quan hệ mang tính « xây dựng » với Matxcơva, trong lúc châu Âu và Nga đang có nhiều bất đồng, căng thẳng, đặc biệt trong hồ sơ Syria, Ukraina. Trong trao đổi thương mại quốc tế, việc từ bỏ đàm phán về các thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ tạo thêm sức mạnh cho phe tố cáo châu Âu ký kết các hiệp định thương mại bất bình đẳng với những nước nghèo.
Nói tóm lại, các tuyên bố của Donald Trump đe dọa mô hình hiện nay của giới lãnh đạo các nước châu Âu, theo đó, tự do mậu dịch là yếu tố tạo ra sự phồn thịnh của các quốc gia, duy trì kỷ luật ngân sách, coi ngoại giao thương mại là yếu tố mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.
Các cam kết của Donald Trump còn thể hiện xu hướng quay trở lại mô hình Nhà nước – Quốc gia mà các lãnh đạo châu Âu không hề muốn vì hai lý do :
Trước tiên là không một nước châu Âu đơn lẻ nào có thể có sức nặng chính trị và kinh tế khi đối mặt với những nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga. Lý do thứ hai là chiến lược « mạnh ai nấy đi » sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nước ở Trung và Đông Âu củng cố quan hệ song phương với Hoa Kỳ và điều này làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp và Đức.
Tại Ấn Độ, thủ tướng Modi sai lầm
khi quyết định phi tiền tệ hóa ?
Thời sự châu Á khá hiếm hoi trên các báo Pháp. Libération và La Croix quan tâm đến việc thủ tướng Ấn Độ bất ngờ ra quyết định phi tiền tệ hóa các tờ giấy bạc có mệnh giá lớn để chống tham nhũng. Vấn đề là gần 90% giao dịch thương mại thường nhật của nền kinh tế lại được thanh toán bằng tiền mặt. Quyết định này đã làm tê liệt các hoạt động kinh tế của đất nước. Có thể nói là « Chiến dịch chống tham nhũng tại Ấn Độ biến thành hỗn loạn » (tựa của La Croix). Và đó còn là « Sai lầm lớn trong cuộc săn đồng rupi tại Ấn Độ », nhận định của Libération.
Vì sao Nga rút ra khỏi CPI ?
Le Monde trích dẫn giải thích của Matxcơva cho rằng định chế này thiếu tính độc lập. Thông cáo của bộ Ngoại Giao cho rằng : « Nước Nga không thể thờ ơ trước thái độ của CPI đối với vụ việc 08/2008 ».
Hồi tháng Giêng năm 2016, CPI thông báo mở một điều tra về những tội ác phạm phải vào năm 2008. Chưởng lý CPI quyết định trong trước mắt không điều tra về cái chết của các binh sĩ Nga, mà phía Matxcơva đang tiến hành, và chỉ tập trung vào những tội ác nhắm vào các dân quân Nam Ossetia và các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, theo Le Monde, sở dĩ Nga có quyết định trên là vì Matxcơva đang bị nhắm đến trong một cuộc kiểm tra sơ bộ – bước đầu tiên để mở điều tra về Ukraina. Theo giám đốc Amnesty International tại Nga, Serguei Nikitine, Nga ra quyết định này « chỉ vài giờ sau khi chưởng lý CPI tuyên bố tình hình trên lãnh thổ Crimee và Sebastopol có thể hình thành một xung đột vũ trang quốc tế giữa Nga và Ukraina ».
Le Monde nhắc lại trước Nga đã có ba nước châu Phi lên tiếng rút khỏi định chế này vì cho rằng có tình trạng « nhất bên trọng, nhất bên khinh ». Một sự thật mà chưởng lý CPI cũng công nhận nhưng kêu gọi các quốc gia đừng rút mà tiến hành cải cách định chế.
Sắp có một tuần trăng mật Mỹ-Trung ?
Chiến thắng ngoạn mục của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp tục được các tạp chí ra tuần này bình luận rộng rãi và dành cho những hồ sơ đặc biệt. Đáng chú ý nhất là bài phân tích về khả năng rất hiện thực của « Một chuyện tình Mỹ-Trung » – trái hẳn với dự đoán của nhiều người – trên tuần báo Anh The Economist đề ngày 19/11/2016.
Theo tuần báo, thoạt nhìn thì thấy quan hệ Mỹ-Trung sẽ rất tệ hại sau khi ông Trump lên cầm quyền : Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã vạch mặt Trung Quốc là thủ phạm chính trong việc cướp công ăn việc làm của người Mỹ, đe dọa khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hứa là khi lên làm tổng thống, ông sẽ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đánh mức thuế trừng phạt 45% trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Và như để khẳng định thêm quyết tâm « chống » Trung Quốc, ông Trump còn cam đoan xé bỏ thỏa thuận khí hậu mà tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama đã ký với đối tác Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 09/2016, một điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thêm vào đó, trong mấy ngày qua, tin đồn về những người sẽ được ông Trump cử làm ngoại trưởng, tức là phụ trách giao dịch với Trung Quốc, cũng khiến Bắc Kinh không yên tâm. Hai tên được gợi lên là Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York, lính mới trong quan hệ với về Trung Quốc, và John Bolton, một con diều hâu rất ghét Bắc Kinh.
Bắc Kinh đổi giọng ca ngợi Donald Trump
Thế nhưng, theo The Economist, Trung Quốc lại bắt đầu nhìn thấy khía cạnh tươi sáng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ở Bắc Kinh, người ta ngày càng lạc quan cho rằng, nếu thực sự muốn có thêm việc làm và tăng trưởng trong nước, sớm muộn gì ông Trump cũng phải mở cửa thương mại vì lẽ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phù hợp với chủ trương « Hãy làm nước Mỹ lớn mạnh trở lại » mà ông từng đưa ra.
Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng những lời đe dọa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử chỉ là để câu phiếu. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thấy ông Trump có nhiều nét giống họ, tức là không thiết tha lắm với dân chủ mà đặt vấn đề phát triển và tăng trưởng lên trên hết.
Khi loan tin về cuộc điện đàm đầu tiên hồi đầu tuần này giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc thường khi rất hung hăng, thì lần này lại không ngớt tán dương tổng thống tân cử Mỹ đã có những lời lẽ « ngoại giao hoàn hảo » khi trả lời đề nghị hợp tác của ông Tập Cận Bình, đã củng cố triển vọng « lạc quan » về quan hệ giữa hai cường quốc trong vòng bốn năm tới.
Đối với Hoàn Cầu Thời Báo, ông Trump là người đã không bị « giới tinh hoa chính trị tại Washington bắt làm con tin », và sẽ là « một nhà lãnh đạo Mỹ biết tạo ra những bước tiến quyết định trong việc tái định hình quan hệ giữa các cường quốc một cách thực tiễn ».
Bắc Kinh hoan hỉ vì Trump đã “dẹp” Obama và sẽ “phá” nước Mỹ
Theo The Economist, thái độ lạc quan trong giới diều hâu Trung Quốc rõ ràng còn xuất phát từ tính toán của họ theo đó chính quyền của ông Trump sẽ hỗn loạn và bất tài, làm cho Mỹ mất uy tín.
Đây là điều rất có lợi cho Trung Quốc, vốn đang đặt cược trên khả năng về lâu dài nước Mỹ ngày càng suy thoái, trong lúc Trung Quốc ngày càng vươn lên. Chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã viết chỉ cách nay một tuần về ông Trump là : « Chúng ta nên chờ xem ông ta có thể gây nên những hỗn loạn nào ».
Ngoài ra, cũng theo The Economist, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất vui mừng khi thấy ông Barack Obama rời khỏi chính trường. Họ rất ghét chiến lược « xoay trục » qua châu Á của ông, họ cay đắng với suy nghĩ « không khoan nhượng » của ông, vốn thúc đẩy ông từ chối đề nghị (gọi là nhóm G2) của ông Tập Cận Bình vào năm 2013 muốn hình thành một « loại quan hệ mới giữa hai cường quốc » trên cơ sở hợp tác « hai bên cùng có lợi ». Đối với The Economist, làm sao mà ông Obama có thể chấp nhận nhường vùng Đông Á lại cho Trung Quốc !
Tập Cận Bình sẽ lại dùng chiêu “kinh tế” để nhử Donald Trump ?
Trong bối cảnh kể trên, tuần báo Anh cho là rất dễ tiên đoán những gì sẽ được hai lãnh đạo Mỹ-Trung thảo luận nhân cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Trump từng cam kết xây dựng thêm tại Mỹ nào là đường cao tốc, sân bay, nào là trường học, bệnh viện. Ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh rằng ông vừa có tiền, vừa có chuyên môn trong lãnh vực xây dựng, xuất phát từ việc điều hành một đất nước rộng lớn với hơn 18.400km đường xe lửa cao tốc so với con số không tại Mỹ, với đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử cao gần bằng đập Hoover tại Mỹ nhưng dài hơn sáu lần.
Tóm lại, ông Tập Cận Bình sẽ cung cấp tiền và chuyên môn cho những nỗ lực xây dựng của tổng thống Mỹ mới đắc cử, và sẽ nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc sẽ tạo ra công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Để đánh đổi lại, ông Trump có thể dễ dàng tỏ một cử chỉ thiện chí là tham gia vào Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á do Trung Quốc lãnh đạo, điều mà ông Obama từng bác bỏ, và hậu thuẫn nhiều hơn cho chiến lược « Một vành đai, một con đường » của ông Tập Cận Bình. Nhiều cố vấn của ông Trump đã tiết lộ rằng việc đó đã được dự trù.
Tuần trăng mật không ngờ nhưng không thọ
Nhìn chung, theo The Economist, sẽ có một tuần trăng mật giữa hai ông Trump và Tập Cận Bình mà ít ai dự đoán. Nhưng có kéo dài hay không thì lại là một chuyện khác. Đối với ông Tập Cận Bình, ông đang cần có một môi trường bên ngoài yên ổn để rảnh tay thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng trong cơ chế lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm tới để củng cố quyền lực của mình.
Tuy nhiên, The Economist cho là đừng hy vọng tuần trăng mật Mỹ-Trung sẽ kéo dài. Lý do đầu tiên là rất có thể Trung Quốc đã đánh giá thấp sức mạnh của bản năng con buôn của ông Trump. Ngoài ra Bắc Kinh cũng có thể đổi ý nếu đồng đô la trở nên quá mạnh khiến cho đồng yuan Trung Quốc khó quản lý.
Bên cạnh đó, dù các đồng minh châu Á của Mỹ đang hoảng hốt sau khi ông Trump đắc cử, càng lúc càng có thêm những lời bảo đảm từ phía ông Trump rằng ông vẫn duy trì các liên minh mà Trung Quốc căm ghét, nhưng đã góp phần củng cố thêm sức mạnh của Mỹ ở vùng Đông Á từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc đến nay.
Sau cùng, theo The Economist, làm sao biết được chắc chắn là sẽ không có sự cố nào nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Lãnh đạo hai nước chưa hề bị một cuộc khủng hoảng lớn nào thử thách từ sau vụ va chạm trên không vào năm 2001 giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ. Một sự cố tương tự hoàn toàn có thể xẩy ra trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông đầy tàu thuyền và đang có tranh chấp.
Điều đáng ngại là không chỉ có ông Trump là người hoàn toàn chưa được thử thách trong một cuộc khủng hoảng trên quy mô đó, mà ông Tập Cận Bình cũng vậy!
Hiệu ứng Donald Trump tại Pháp ?
Sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục lôi cuốn báo giới. Tạp chí Pháp tuần này không thoát khỏi làn sóng, nhất là khi tại Pháp cũng đang diễn ra cuộc tranh cử sơ bộ cho cuộc bầu tổng thống năm sắp tới.
Các tạp chí e ngại tác động dây chuyền từ Mỹ qua Pháp. Bên cạnh ảnh Donald Trump tươi cười trên trang bìa, L’Express đã chạy hàng tựa : « Trump và chúng ta », bên trên là dòng tiểu tựa nhắc đến sự kiện ở Pháp : « Hollande – Macron : hai ứng viên lâm chiến ».
Tạp chí L’Obs, trên phông nền đen, cũng ở trang bìa, chạy hàng tựa đỏ : « Làn sóng dân túy » với hai gương mặt đối diện nhau : Trump ở Mỹ và Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu FN tại Pháp.
Courrier International, đăng môt tranh biếm họa trên trang bìa : bà Marine Le Pen như đang múa trong trang phục của nhân vật Bạch Tuyết với hai chú lùn bên cạnh : Ông Sarkozy nép vào váy phía sau và Juppé khom lưng nhìn lên với một quả táo nhỏ đặt trước mặt. Bên cạnh là dòng tựa lớn : « Pháp, rẽ ngay sang cánh hữu ! » bên trên câu hỏi : « Có chăng một hiệu ứng Trump ? » kèm theo ghi nhận : « Đối với báo giới nước ngoài, những ý tưởng của Marine Le Pen làm ô nhiễm cuộc bầu sơ bộ trong cánh hữu (Pháp) ».
Le Point nêu câu hỏi : « Có thể nào đắc cử mà không cần nói nhăng nói cuội ? », bên dưới có dòng ghi chú : « Sau Brexit và Trump, những gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử sơ bộ Pháp » với 3 gương mặt : hai cựu thủ tướng François Fillon, Alain Juppé và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.
Ngoại giao Mỹ thời Trump :
Chống Tàu, thân Nga, bỏ châu Âu ?
Giống như tuần báo Anh The Economist, hồ sơ chính trên tạp chí L’Express cũng dành cho đường lối đối ngoại của Donald Trump với hơn một chục trang cho hồ sơ này. Theo tuần san, một cách sơ lược có thể nói là Donald Trump nhắm vào Trung Quốc, nhưng tương đối hóa sức mạnh của Nga và… quay lưng lại lục địa già Châu Âu. Điểm này đã khiến tạp chí chạy tựa « nỗi buồn của Châu Âu ».
L’Express giải thích rằng các quốc gia Châu Âu rất ghét Donald Trump, và nhìn thấy họ bị thua thiệt lớn trong cuộc bầu cử Mỹ. Và điều này cũng đúng thôi. Người ta không hiểu làm thế nào mà nhà kinh doanh này lại có thể thương lượng được với một vật thể phức tạp như Liên Hiệp Châu Âu.
Tìm hiểu xem có cái gì có thể làm ông Trump quan tâm đến Châu Âu, tác giả bài viết cho là ngoài bà vợ là người Slovenia, thì có rất ít điều gắn bó ông với Châu Âu. Tập đoàn Trump Organisation có những cao ốc Trump Towers ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hai sân golf trên lãnh thổ Châu Âu – ở Ireland và Scotland – nhưng tài sản chủ yếu của ông ở nước ngoài dưới dạng nhà chọc trời là ở Vancouver (Canada), Seoul, Manila, tựa như là ông Trump cũng đã xoay trục sang Châu Á như ông Obama !
Nhưng L’Express, trích dẫn nhà phân tích Knut Hammarskjold, cho là trong mắt Donald Trump, thì « Trung Quốc có tầm quan trọng chủ chốt vì nước này là mối đe dọa tài chính, chiến lược đối với Mỹ, đe dọa cuộc sống sung túc của cử tri cơ sở của ông, trong lúc Châu Âu, chỉ là một yếu tố gây bực mình vì tốn kém đối với Mỹ về mặt quốc phòng. Lãnh đạo Châu Âu lại luôn lên lớp, rất giống thành phần ưu tú tại Mỹ đã ủng hộ Hillary Clinton.»
Riêng về nước Pháp, trong mắt Donald Trump, đây là nước « xã hội chủ nghĩa » bị khủng bố nhắm vào. Cho nên để có uy tín trên chính trường thế giới, Paris phải định lại khung hợp tác với Washington. Theo L’Express, quan hệ Trump-Paris sẽ khó mà nồng ấm. Tạp chí nhắc lại câu nói của đại sứ Pháp tại Mỹ, Gérard Araud, trên twitter của ông, thể hiện thái độ sững sờ sau kết quả bầu cử : « Một thế giới đang sụp đổ trước mắt chúng ta. Thật là chóng mặt ». Câu này đã được xóa đi vài giờ sau đó. Nhưng sự việc đã rồi. Những ai rõ biết cá tính của Donald Trump cho là ông sẽ không quên và giận rất dai.
Bầu cử Mỹ : Người thắng cuộc là … Putin
Đối với Nga, L’Express đặt mối quan hệ trong bối cảnh Donald Trump đã cam kết giảm đóng góp của Washington cho NATO. Điều này làm cho Nga rất hài lòng. Cho nên tác giả bài phân tích trên tạp chí L’Express đã chấm biếm bằng tiếng Anh : « And the Winner is …Vladimir Putin ! » (tạm dịch là « Và người chiến thắng là… Vladimir Putin »).
Thật vậy theo Axel Gylden, một người thắng khác của cuộc bầu cử tại Mỹ là tổng thống Nga, vốn rất lo ngại viễn cảnh người đắc cử là « ứng viên của chiến tranh », biệt hiệu mà Matxcơva đặt cho Hillary Clinton. Ngược lại, khi « ứng viên của hòa bình » – tức là Trump – thắng cử thì quan hệ Nga-Mỹ có thể « tan băng ».
Quan hệ Mỹ-Nga đã cực kỳ xấu đi từ sau chính sách « reset – tái khởi động » của Obama từ năm 2009. Obama muốn xây dựng lại một quan hệ mới tốt hơn giữa Nhà Trắng và điện Kremlin, nhưng ông đã không thành công, thậm chí tình hình còn xấu hơn, với một loạt biến cố từ việc lật đổ chế độ Kadhafi đến tình hình Ukraina, cuộc chiến Syria…
Trong khi đó, với Donald Trump thì không khí đã thay đổi. Từ nhiều năm qua, nhà tỷ phú Mỹ luôn khen ngợi tổng thống Nga. Ngay từ năm 2007, trên đài CNN, ông đã nói « Hãy nhìn Putin, ông đã xây dựng lại hình ảnh nước Nga và xây dựng lại đất nước ông ». Gần đây hơn, trong cuộc tranh cử, ông Trump không ngớt có những lời lẽ tốt đối với Putin, và từng chỉ trích bà Hillary như trong cuộc mít tinh tại Ohio, tháng 10/2016, khi ông tuyên bố : « Nói không tốt về Putin, tôi không nghĩ đó là hay ».
Ngoài những lời lẽ bênh Nga kể trên, điều làm tổng thống Nga hài lòng là thái độ của Trump đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, không muốn nước đầu tầu là Mỹ phải gánh vác thêm nữa.
Những sai lầm khi đánh giá uy tín của Trump trong cử tri Mỹ
Tạp chí Le Point tuần này rà soát lại thành phần cử tri đã dồn phiếu cho Donald Trump, gây ra hệ quả hiện nay. Tờ báo đã nêu lên tình trạng một số đánh giá không sát với thực tế, chẳng hạn như việc cho rằng ông Donald Trump được ủng hộ ở những bang gặp khó khăn, thất nghiệp cao, cụ thể là vùng gọi là Rustbelt – bao quanh khu vực Đại Hồ (phía bắc). Nhưng xem kỹ kết quả thì không hẳn như vậy. Trong số 30 bang mà ông Trump đã thắng, thì có đến 18 bang có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn mức trung bình trên toàn quốc.
Còn nói rằng ông Trump là người được tầng lớp giàu có ủng hộ cũng không đúng. Le Point nhìn thấy là ông đạt đa số nhưng bà Hillary tuy thua nhưng cũng được hậu thuẫn không kém là bao. Nếu những người thu nhập ‘thấp’ – dưới 30.000 đô la – dồn phiếu cho bà Hillary và khoảng cách với ông Trump khá rõ rệt (41% – 53%), thì khoảng cách giữa hai người trong tầng lớp thu nhập cao trên 200.000 đô la thì không là bao : Donald Trump 49% – Clinton 48%.
Tạp chí cũng nhìn thấy là phụ nữ không hề xa lánh ông Trump. Nhìn chung, 42% phụ nữ đã bỏ phiếu cho Trump, trong đó 53% là phụ nữ da trắng. Còn về người da màu, thành phần cử tri da đen bỏ phiếu cho Trump cao hơn 2% so với lần bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng Hòa Romney năm 2012, tỷ lệ người gốc châu Mỹ La tinh bỏ phiếu cho Trump cũng cao hơn 2 điểm so với Romney trước đây. Điều đúng là ông Donald Trump giành được phiếu ở những bang mà tỷ lệ súng ống trên đầu người rất cao.
Việt Nam : Luật pháp cởi mở hơn với giới đồng tính
Về Việt Nam, tuần báo Courrier International đã quan tâm đến tình trạng người đồng tính trong bài « Các bậc phụ huynh của giới đồng tính sát cánh bên nhau ».
Trích dịch một bài viết trên báo Tuổi Trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 12/09/2016, mang tựa đề « Đi cùng con trên đường chông gai », Courrier International ghi nhận là sau nhiều năm dài sống trong đau khổ và phải chịu đựng cảnh con em mình vì đồng tính nên đã bị xã hội ruồng rẫy, nhiều gia đình Việt Nam đã thay đổi thái độ : Không chỉ thông cảm và chấp nhận hoàn cảnh con em mình, mà còn đứng ra hỗ trợ các em thông qua một hiệp hội.
Đó là Hội phụ huynh và bạn bè của người đồng tính, tên tắt tiếng Anh là PFLAG (Parents, Family and Friends of Gays and Lesbians), hiện có 70 thành viên thường trực, hoạt động ở 13 tỉnh thành.
Courrier International đã ghi nhận bước tiến bộ của luật pháp Việt Nam trong việc đối xử với người đồng tính. Luật về gia đình và hôn nhân năm 2014 đã chấp nhận hôn nhân đồng tính, và tháng 11 năm 2015, Quốc Hội Việt Nam đã cho phép người chuyển giới thay đổi hộ tịch, nghĩa là đã công nhận quyền của giới này. Theo Courrier International, sau Thái Lan, Việt Nam là nước Đông Nam Á thứ hai cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính trong hộ tịch. Vấn đề là giữa luật pháp và thực tế xã hội vẫn còn một cái hố ngăn cách.
Nhìn về nơi khác ở Châu Á, Courrier International chú ý đến Hàn Quốc và Ấn Độ đang bị khủng hoảng. Hàn Quốc thì bị vướng vào vụ xì căn đan « quân sư-thầy pháp » của nữ tổng thống, trong lúc Ấn Độ thì điêu đứng với quyết định thu hồi giấy bạc mệnh giá lớn.
Tin đọc nhanh
AFP – Hơn nửa triệu người Hàn Quốc biểu tình ngày 19/11/2016. Đây là cuộc biểu tình thứ tư đòi tổng thống Park Geun-Hye từ chức do có liên đới đến vụ “Choigate”.
AFP – Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp tại Mông Cổ từ 19/11/2016. Trung Quốc đã gia tăng áp lực, đòi Oulan Bator cấm đức Đạt Lai Lạt Ma đến giảng đạo. Tránh làm phật lòng Bắc Kinh, ngoại trưởng Mông Cổ nói chuyến đi của Đạt Lai Lạt Ma mang tính cách cá nhân.
AFP – Ấn Độ có số người chết vì chụp ảnh « selfie » cao nhất. Theo nghiên cứu của trường Đại học Hoa Kỳ Carnegie Mellon và viện Indraprasth về công nghệ thông tin tại New Delhi công bố trong tuần qua, tính từ tháng 3/2014 đã có 127 người chết vì selfie. Số nạn nhân chết vì selfie riêng trong năm 2015 còn « thê thảm » hơn là số nạn nhân bị cá mập tấn công trên toàn cầu.
AFP – Tập đoàn Mỹ Lockheed Martin giành được hợp đồng 1,2 tỷ đô la của Không quân Hàn Quốc. Theo thông tin ngày 18/11/2016 từ bộ Quốc Phòng Mỹ, kế hoạch hiện đại hóa 134 chiếc chiến đấu cơ F-16 cho Không quân Hàn Quốc sẽ hoàn tất vào năm 2025. Cụ thể hơn, Lockheed Martin được chọn để thay thế từ hệ thống radar đến điện tử của toàn bộ các chiến đấu cơ mà Mỹ đã bán cho Hàn Quốc.
AFP – Nhiều sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ, sau đảo chính hụt, xin tị nạn tại các nước trong NATO. Tổng thư ký khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, ông Jens Stoltenberg, ngày 18/11/2016, cho biết như vậy, trong buổi họp báo về an ninh tại Bruxelles.
AFP – Công luận Thổ Nhĩ Kỳ phản đối dự luật ân xá tội cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. Hôm qua, 18/11/2016, nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã xem xét và bỏ phiếu dự luật cho phép đình chỉ truy tố, kết án một người có hành động cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, xẩy ra trước ngày 11/11/2016, nếu như thủ phạm kết hôn với nạn nhân. Nhiều dân biểu đối lập lên tiếng phản đối. Một kiến nghị trên mạng internet kêu gọi ngăn chặn dự luật, đã thu thập được hơn 600 ngàn chữ ký.
AFP – Giới công chức Bồ Đào Nha biểu tình ngày 18/11/2016, tại Lisboa, đòi tăng lương. Giới công đoàn còn đòi áp dụng chế độ làm việc 35 giờ/tuần. Trong bốn năm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng về ngân sách để có được sự trợ giúp tài chính của quốc tế, thu nhập của giới công chức đã bị giảm 17,5%.
AFP – Phía đông Aleppo, Syria, bị oanh kích liên tiếp trong 5 ngày qua. Một trong những bệnh viện cuối cùng ở khu vực này đã bị tàn phá và nhiều trường học buộc phải đóng cửa.
SPA- Lệnh hưu chiến trong 48 giờ tại Yemen. Có hiệu lực từ 9 giờ sáng ngày 19/11/2016 và có thể được triển hạn, lệnh hưu chiến cho phép chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới những thành phố đang bị vây hãm. Từ năm 2015, Ả Rập Xê Út đã dẫn đầu một liên minh can thiệp vào Yemen ủng hộ tổng thống Mansour Hadi, chống lại phe nổi dậy Houthis, được Iran yểm trợ.
AFP – Biểu tình tại Achentin đòi ban bố tình trạng khẩn cấp về xã hội. Cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục ngàn người, diễn ra ngày 18/11/2016 theo lời kêu gọi của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xã hội, chứ không phải của giới công đoàn. Nạn thất nghiệp đã lên tới 9,3%. Từ đầu năm đến nay, đã có 130 ngàn người bị mất việc làm. Kinh tế tiếp tục trì trệ và tỉ lệ lạm phát là 40%.
AFP -Bob Dylan sẽ đến Thụy Điển vào mùa xuân 2017. Nobel Văn Học 2016 đã thông báo không dự lễ trao giải ngày 10/12/2016 tại Stockhlom.
Tạp chí đặc biệt
Làng Nhị Khê – Hà Nội, trung tâm buôn bán động vật hoang dã
Làng Nhị Khê – Hà Nội, trung tâm buôn bán động vật hoang dã. Ngày hội giảm giá trên mạng : Trung Quốc phá kỷ lục thế giới. Chiến thắng của Donald Trump và niềm vui của các nhà sản xuất đồ lưu niệm Trung Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ bị tê liệt vì đổi tiền. Bí ẩn về tập phác thảo mới được tìm thấy của danh họa Van Gogh. Trên đây là các chủ đề chính trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 19/11/2016.
Làng Nhị Khê – Hà Nội, trung tâm buôn bán động vật hoang dã
Tổ chức phi chính phủ Ủy ban Công lý Động vật hoang dã đã tổ chức một buổi điều trần công khai vào ngày 14 – 15/11/2016 về cuộc điều tra bí mật kéo dài một năm về các hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại làng Nhị Khê, Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 17 km về phía Nam. Hãng tin Pháp AFP cho biết, tại phiên điều trần đặc biệt ở The Hague, Hà Lan, Ủy ban Công lý Động vật hoang dã đã gọi ngôi làng này là « siêu thị buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã ».
Nhưng có vẻ như Hà Nội đã tích cực hành động trước khi hội nghị quốc tế về buôn bán động vật hoang dã diễn ra vào cuối tuần này. Ngày thứ Bảy 12/11/2016, chính quyền Việt Nam đã tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác và nhiều mẫu vật từ loài hổ, gấu hoang dã thu giữ được từ các vụ buôn bán bất hợp pháp. Vụ tiêu hủy diễn ra trước sự chứng kiến của đại diện Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES tại Việt Nam.
Cựu trợ lý Mỹ của Ủy ban Tư pháp Động vật hoang dã ở New York, biện lý Marcus Asner, cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama về chống buôn bán động vật hoang dã, đã tuyên bố đó là « một bước đi tốt », nhưng Việt Nam cần làm nhiều hơn thế nữa. Ủy ban này cho biết đã xác định và thông tin cho Hà Nội biết danh tính 51 người có liên quan đến đường dây buôn bán phi pháp ở làng Nhị Khê và 16 cửa hàng nằm rải rác trong làng.
Trong năm lần trở lại vào các năm 2015 và 2016, các nhà hoạt động bí mật tìm thấy tại làng Nhị Khê các bộ phận của 907 con voi, 579 con tê giác và 225 con hổ, với giá trị lên tới 53.100.000 đô la. Một chiếc ngà voi có giá khoảng 29.000 đô la. Họ cũng tìm thấy xác các loài động vật khác như tê tê, gấu, rùa đồi mồi và hồng hoàng mũ cát.
Các loài động vật này được nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ châu Phi và dành cho khách hàng ở Trung Quốc. Việc thương lượng mua bán được tiến hành trên WeChat, phiên bản Trung Quốc của dịch vụ tin nhắn điện thoại di động WhatsApp. Sau đó, khách hàng Trung Quốc cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng Trung Quốc để thanh toán.
Ngày hội giảm giá trên mạng : Trung Quốc phá kỷ lục thế giới
Ngày 11/11 hàng năm là ngày độc thân ở Trung Quốc. Từ 8 năm nay, đó cũng là ngày hội giảm giá trên mạng Internet. Người Trung Quốc cuồng nhiệt mua sắm nhân dịp này, phá vỡ mọi kỷ lục thế giới về mua hàng trên mạng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :
« Vào nửa đêm, lễ hội truyền hình đã mở màn cho một đêm mua sắm điên cuồng trên mạng Internet. Nhưng để mua được món hời thì phải dùng mẹo, vì với 700 triệu cư dân mạng, việc săn hàng giảm giá là vô cùng khó khăn.
Cô Trương Yến Yến chia sẻ : « Đúng nửa đêm, tôi bắt đầu lên mạng, nhưng đến lúc thanh toán tiền thì mạng bị nghẽn vì có quá nhiều khách hàng. Năm nào cũng thế, tôi đều để lỡ các món hời, vả chăng, các khuyến mãi cũng chẳng hấp dẫn lắm, lễ hội này cũng chỉ như một buổi biểu diễn mà thôi ».
Đến 00h05’, trang Taobao đã thỏa mãn, những người bán hàng đã thu về hơn 900 triệu euro. Cô Song, 25 tuổi, cảm thấy thất vọng. Cô giải thích : « Từ đầu tháng 11, tôi đã chọn hàng và cho sẵn vào giỏ hàng trên mạng. Tôi rất muốn mua quần áo lót, nhưng khi tôi mua xong các món hàng cho con mèo của tôi, các mặt hàng giảm giá mà tôi muốn mua đã hết ».
Năm nay, cơn cuồng nhiệt mua sắm của người Trung Quốc đã đánh bại mọi kỷ lục : chỉ sau 15 tiếng, cư dân mạng đã tiêu 12 tỉ euro, hơn rất nhiều so với con số trong suốt cả ngày này năm ngoái. Thương mại điện tử đã vực dậy nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Trong vòng 10 tháng đầu năm, thương mại điện tử đã tăng 26%. »
Donald Trump đắc cử : Các nhà sản xuất đồ lưu niệm Trung Quốc “hốt bạc”
Donald Trump đắc cử vào Nhà Trắng đã mang lại niềm vui cho nhiều nhà sản xuất đồ lưu niệm ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc vì ứng viên mà họ đặt cược đã thắng cử. Đơn đặt hàng về các đồ lưu niệm liên quan đến tổng thống Mỹ tân cử nhiều vô kể.
Từ Chiết Giang, thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết :
Nhà máy dệt Gia Hào vận hành hết công suất. Các đơn đặt hàng đổ về ào ào, nào là cờ với khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », nào là cờ có in hình tổng thống tân cử. Chủ doanh nghiệp là Diêu Đan Đan vui vẻ giải thích với đài RFI : « Hiện giờ tôi rất bận bịu. Ngày nào tôi cũng xuất nhiều kiện hàng sang Mỹ. Hàng sẽ bán rất chạy ít nhất là cho đến Noel, bởi vì họ sẽ cần rất nhiều cờ từ cơ sở sản xuất của chúng tôi cho các buổi tuần hành vào dịp lễ nhậm chức của Donald Trump. Từ khi ông ấy đắc cử, tôi đã nhận được đơn đặt hàng 30.000 lá cờ. Tổng cộng, tôi đã cho sản xuất 11.000 lá cờ, mỗi lá cờ có giá 60-80 cent (100 cent = 1 euro).»
Nhà sản xuất và kinh doanh cờ xoa tay hài lòng, bởi vì ngay từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông đã đặt cược cho ứng viên Donald Trump. Ông Diêu chia sẻ : « Tôi nhanh chóng ngừng sản xuất cờ với khẩu hiệu và hình của bà Hillary Clinton. Khi đó, tôi tin là bà ấy không được nhiều người ủng hộ. Tôi vui vì Donald Trum đắc cử, điều này tốt cho nền kinh tế của chúng tôi. »
Trả lời câu hỏi liệu có sợ ông Trump có áp thuế 45% đối với các mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc như đã hứa hay không, Diêu Đan Đan tự trấn an rằng đó chỉ là những « lời nói gió bay ». Ông Diêu lại đang bắt tay vào chuẩn bị hàng cho các đợt tranh cử khác. Ông hy vọng người Pháp sẽ liên lạc với ông để đặt ông sản xuất cờ cho chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp tới đây. Ông cho biết sẽ cố gắng hết sức vì việc làm ăn này mang lại nhiều lợi nhuận.
Nền kinh tế Ấn Độ bị tê liệt vì đổi tiền
Cách đây hơn 1 tuần, thủ tướng Ấn Độ đã bất ngờ tuyên bố rút các tờ bạc mệnh giá lớn là 500 và 1.000 rupi ra khỏi lưu thông, thay vào đó là các tờ bạc mới và buộc dân chúng đi đổi tiền. Mục đích là buộc những người cất giấu nhiều tiền mặt phải khai báo, để kiểm soát dòng tiền ngầm và chống tham nhũng. Tuy nhiên, biện pháp này đã làm tê liệt một phần nền kinh tế vốn chủ yếu sử dụng tiền mặt và khiến tiền mặt trở nên khan hiếm.
Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi tường thuật :
« Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng hai ngày, thủ tướng Narenda Modi bảo vệ kế hoạch đổi các tờ bạc mệnh giá lớn. Thủ tướng Ấn Độ thậm chí đã bảo đảm sẽ đánh cược cuộc đời mình để chống lại việc người giàu có biển thủ công quỹ và tham nhũng.
26 tỉ tờ bạc mệnh giá 500 và 1000 rupi, chiếm 86% lượng tiền mặt đang lưu thông không còn giá trị. Nhưng tạm thời, chính những người dân nghèo lại phải trả giá. Họ phải xếp hàng nhiều ngày để đổi tiền. Những người buôn bán nhỏ, không có máy thanh toán tiền bằng thẻ ngân hàng, đã mất khách từ hơn một tuần nay.
Đối với nhà nghiên cứu Gurbachan Singh của Viện Thống Kê Ấn Độ, biện pháp này của thủ tướng không hiệu quả, vì những người kiếm tiền phi pháp từ nhiều năm nay đã rửa phần lớn số tiền họ có và họ vẫn có cách xoay xở, nhất là chuyển sang tích trữ vàng.
Tốt hơn hết là chính phủ phải kiểm soát thông qua thu thuế và mật vụ. Vị chuyên gia này đánh giá là chắc chắn biện pháp này khiến những người như vậy lo sợ nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Ông cũng cảnh báo nếu không tìm ra các giải pháp lâu dài, Ấn Độ lại nhanh chóng quay về điểm xuất phát mà thôi.
Còn Thủ tướng Modi đã tuyên bố cuộc chiến của ông nhằm chống tham nhũng và trốn thuế sẽ không chỉ dừng ở đây. »
Còn Thủ tướng Modi đã tuyên bố cuộc chiến của ông nhằm chống tham nhũng và trốn thuế sẽ không chỉ dừng ở đây. »
Bí ẩn về tập phác thảo mới được tìm thấy của danh họa Van Gogh
Một cuộc tranh luận đã nổ ra sau khi báo chí cho biết một tập 65 bức phác họa chưa từng được công bố và được coi là của danh họa Van Gogh mới được tìm thấy. Đây là một khám phá nghệ thuật lớn hay chỉ là một trò lừa gạt ?
65 bức phác thảo được vẽ trong một cuốn sổ ghi chép chi tiêu của một quán cà phê có tên gọi « Café de la Gare » ở thành phố Arles, miền Đông Nam nước Pháp, vào năm 1888. Arles là nơi danh họa Van Gogh sống trong những năm 1888-1890. Tập tranh phác thảo được tìm thấy trong kho của một người phụ nữ sống tại miền Nam nước Pháp. Bà đã liên lạc với chuyên gia nghệ thuật Frank Baille, chủ một hãng đấu giá để nhờ ông đánh giá. Và ông Frank Baille đã nhờ sử gia nghệ thuật người Canada, bà Bogomila Welsh-Ovcharov, chuyên gia về tranh Van Gogh đánh giá tính xác thực của tập phác thảo.
Bà Bogomila Welsh-Ovcharov, đã bất ngờ thốt lên khi nhìn thấy các bức phác thảo : « Ôi trời! Không thể tin được, vào thời hiện đại này mà chúng ta vẫn còn có thể tìm thấy một bức phác thảo của Van Gogh, thậm chí không phải một mà tới 65 bức ! ». Nữ sử gia nghệ thuật và một chuyên gia người Anh khác về tranh Van Gogh là ông Ronald Pickvance đã tìm hiểu trong vòng ba năm và kết luận các bức phác họa đúng là của danh họa Van Gogh. Chuyên gia Pickvance đánh giá đây là khám phá có ý nghĩ quan trọng nhất về lịch sử hội họa Van Gogh.
Nhưng bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan lại có nhiều nghi vấn về loại mực vẽ, phong cách hội họa và những lỗi đo vẽ về địa hình, cho rằng đó không phải là những phác thảo của danh họa Van Gogh mà chỉ là những bản sao chép.
Nhà xuất bản Seuil của Pháp gọi tập phác thảo của Van Gogh là một kho báu và ngày 17/11 đã xuất bản đồng thời tại nhiều nước Pháp, Mỹ, Đức, Anh và Nhật cuốn sách dày 288 trang chứa bản in của 65 bức phác họa này.
0 comments