Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 18/11/2016

Friday, November 18, 2016 7:11:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 18/11/2016Đại sứ VN lạc quan về Chính sách châu Á của ông Trump
WASHINGTON —
Trong các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, từ Tổng thống Carter tới Tổng thống Reagan, không phải là tất cả những lời hứa hẹn đưa ra đều trở thành hiện thực. Theo ông Ralph Cossa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì tới phân nửa những lời hứa hẹn của ứng cử viên sẽ không được thực hiện: “Thách thức ở đây là tìm ra phân nửa nào sẽ được thực hiện”.
Ông Cossa nói với VOA:
“Sẽ không mấy thực tế và công bằng đối với ứng cử viên nếu chúng ta tập trung quá mức vào những lời hứa hẹn to tát đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Giả thiết của tôi là mọi sự sẽ như cũ cho tới khi có ai đó thuyết phục được tôi là chính quyền mới thực sự có ý định thay đổi hiện trạng, và có khả năng để biến điều đó thành hiện thực.”
Nhưng những tuyên bố của ông Trump về chính sách đối với Châu Á xem ra vượt quá giới hạn thông thường so với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác. Nhiều tuyên bố của ông là đề tài đang làm bận tâm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông và ông Trump gặp nhau ở New York vào chiều tối ngày thứ Năm, cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống tân cử Mỹ với một nguyên thủ nước ngoài kể từ sau cuộc bầu cử.
Sau đây là một trong số những tuyên bố của tỷ phú Donald Trump về chính sách châu Á trong cuộc vận động tranh cử của ông:
Ông Trump đề nghị Hoa Kỳ nên rút binh lính ra khỏi Nhật Bản và Nam Triều Tiên trừ phi hai nước chia sẻ gánh nặng tài chính cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ trú đóng tại những nước này. Trên thực tế, Seoul và Tokyo trả phân nửa chi phí đóng quân của Mỹ.
Ông nói rằng hai quốc gia này nên tự túc về an ninh. Trong tình huống rút hết binh sĩ Mỹ mà xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên thì ông Trump hồi tháng Tư nói Nhật Bản phải tự phòng vệ.
Ngoài ra, Ông Trump cũng có những phát biểu rất mạnh mẽ về chính sách đối với Trung Quốc. Ông hứa sẽ áp đặt mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái có thể gây ra một chiến tranh thương mại với nước này.
Ông chống đối Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, tâm điểm của các nỗ lực của Toà Bạch Ốc nhằm tái cân bằng lực lượng của Mỹ, xoay trục sang Châu Á.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, một quốc gia trong khu vực đang làm đau đầu cộng đồng quốc tế, ông Trump không có một thông điệp nhất quán, ông nói ông sẵn sàng thương lượng với lãnh tụ Kim Jong Un của nước này, và có lúc tỏ ý mong Trung Quốc ám sát ông Kim.

Đại sứ VN: Học tiếng Trung là nhu cầu của dân Việt

Hôm 16/11, trong bài phát biểu trước báo giới tại Trung tâm Lợi ích quốc gia ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ), đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Châu Á cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Tuy nhiên ông cho rằng Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng số một tại khu vực. Ông nói:
“Về mặt chiến lược, chúng ta có những nước lớn trong khu vực, số một vẫn là Hoa Kỳ, một quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng. Xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là Nhật Bản và Trung Quốc với vai trò ngày càng tăng trong khu vực và trên toàn thế giới.”
Ông Vinh cho rằng quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực Châu Á có lich sử lâu dài và mật thiết. Vẫn theo lời ông, Việt Nam hy vọng và tin rằng rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho mối quan hệ này.
TPP và quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ trong nhiệm kì Tổng thống đắc cử Donald Trump
Khi được hỏi về kế hoạch của Việt Nam trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, đại sứ Việt Nam tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục, và xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Việt Nam.
Một trong những trọng tâm của cuộc trao đổi lần này là vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã liên tục khẳng định sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama mới đây cũng tuyên bố ngừng nỗ lực để Quốc hội phê chuẩn TPP. Hôm 17/11, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết “Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP”.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng nếu không có TPP, Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn là Đối tác toàn diện, cùng tham gia nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế.
“Mỹ và Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh và cả vấn đề nhân quyền. Chúng tôi tin rằng cho dù hai nước có thể chế chính trị xã hội không giống nhau, chúng ta đều là thành viên của Liên hiệp quốc. Hai nước đã có những kênh đối thoại hiệu quả để giải quyết những khác biệt, và tôi tin rằng cho dù ai trở thành Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong tất cả lĩnh vực.”
Ông Vinh cũng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền cho dù thừa nhận quan liêu, tham nhũng đang là những trở lực lớn trong quá trình dân chủ hoá.
Quan hệ Việt- Mỹ- Trung và việc dạy tiếng Trung tại trường phổ thông
Trong cuộc thảo luận lần này với báo chí, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đa phương hoá, đa dạng hoá và mong muốn củng cố mối quan hệ với hai siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOA về việc dạy tiếng Trung bắt buộc tại các cấp học của Việt Nam, ông Vinh cho biết:
“Khi nền kinh tế mở cửa, chiến tranh lùi xa, Việt Nam hội nhập nhiều hơn với thế giới, thì việc học các ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, Nhật, Hàn và cả tiếng Trung, là một nhu cầu của người dân hơn là một thứ bắt buộc. Đây là kết quả của quá trình toàn cầu hoá, sức ép của nhu cầu tìm việc và cơ hội làm ăn.”
Trước đó ngày 22/09, bộ GD-ĐT Việt Nam đã có thông tin chính thức giải thích về kế hoạch thí điểm đưa chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường, trong đó khẳng định học sinh có thể lựa chọn 4 thứ tiếng, trong đó có tiếng Trung là ngoại ngữ bắt buộc.

Trao đổi Thư tín ngày 18.11.2016

Hòa Ái, RFA
Phát biểu gây sốc của các Bộ trưởng
Các buổi chất vấn trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội Việt Nam khóa XIV, diễn ra trong tuần qua tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng ngay cả khi không có Hiệp định TPP thì Việt Nam cũng cam kết mở cửa kinh tế với thế giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, ông Trần Hồng Hà khẳng định vùng biển bốn tỉnh Bắc miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa môi trường, do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả hóa chất độc hại hồi tháng Tư thì nay đã an toàn cho các hoạt động du lịch và thể thao.
Hòa Ái ghi nhận nhiều khán thính giả và độc giả RFA thảo luận về viễn ảnh kinh tế thương mại của Việt Nam những ngày sắp tới sẽ ra sao qua lời phát biểu của Thủ tướng đương nhiệm và ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường. Tuy nhiên, ghi nhận đáng chú ý nhất là lời phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục& Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong buổi chất vấn về việc Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều động hơn 20 giáo viên rót rượu, tiếp khách khi ông nói rằng nếu các giáo viên này có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên; xong rồi mới tính đến người ép buộc. Lời phát biểu vừa nêu của người đứng đầu ngành giáo dục tại Việt Nam đối diện với búa rìu dư luận trong quần qua.
Hiện tượng điều động nhân viên nữ cấp dưới làm trò mua vui cho các quan chức không phải là ít, ngày càng tinh vi và thủ đoạn. Điều đáng nói là quan chức công tác mà ăn nhậu, vui chơi lại không bị lên án. Nếu cứ để những bầy sâu mọt này ngang nhiên hoành hành thì tương lai Việt Nam sẽ hỗn loạn và tan nát.
-Thính giả RFA
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Nhà nghiên cứu Biển Đông-Đinh Kim Phúc, với tư cách là giảng viên đại học, ông cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi chất vấn là “trả lời của một tên đầu gấu bảo vệ cho những tên ma cô trong giáo dục Việt Nam hiện nay”. Đồng tình với quan điểm của ông Đinh Kim Phúc, rất nhiều khán thính giả và độc giả RFA gửi về ý kiến của họ. Hòa Ái trích đăng một số nhận xét liên quan lời phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
“Không đi là cãi lệnh cấp trên. Còn đi là phải xét tư cách. Thật không tin nỗi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam phát biểu như vậy!”
“Tôi là công dân Việt Nam, học vấn không nhiều và làm công ăn lương bình thường còn biết phân biệt thế nào đúng sai và thế nào là nhân phẩm đạo đức; huống hồ ông ta là một bộ trưởng, mà là người đứng đầu của một nghành cao quý, lại phát ngôn như một kẻ thất học, thiếu đạo đức. Thật đáng thất vọng cho nghành giáo dục của nước nhà. Tôi không biết con mình sau này sẽ ra sao đây?”
“Tôi lên án thái độ gần như bao che của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi nói về chuyện buộc nữ giáo viên đi phục vụ mua vui cho cán bộ. Tôi nghĩ ông Bộ trưởng Giáo dục phải phẫn nộ lên án việc làm đó và kiên quyết nhanh chóng sa thải ngay bọn quan lại giáo dục địa phương mới phải; đàng này còn có ý định bao che cho chúng, chỉ bằng hình thức ‘kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm’. Đây là một lối nói quá dễ dãi mà các quan chức Việt Nam hay tuyên bố.”
“Những người như ông Phùng Xuân Nhạ làm Bộ trưởng Giáo dục, hèn chi nền giáo dục Việt Nam bị suy đồi, đạo đức học đường xuống tận đáy bùn.”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 14/11. Courtesy giaothong.vn
“Đầu óc của ông Bộ trưởng Giáo dục như thế nên nền giáo dục tạo ra những người lãnh đạo vô liêm sĩ.”
“Hiện tượng điều động nhân viên nữ cấp dưới làm trò mua vui cho các quan chức không phải là ít, ngày càng tinh vi và thủ đoạn. Điều đáng nói là quan chức công tác mà ăn nhậu, vui chơi lại không bị lên án. Nếu cứ để những bầy sâu mọt này ngang nhiên hoành hành thì tương lai Việt Nam sẽ hỗn loạn và tan nát.”
“Không bảo vệ giáo viên trước việc làm sai trái của bọn quan lại địa phương, là công dân Việt Nam, tôi đề nghị Chính phủ cách chức bộ trưởng đối với ông Phùng Xuân Nhạ.”
Sự phẫn nộ và phản đối của dư luận
Trong không khí tri ân thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, 20 tháng 11 năm 2016, có lẽ chưa bao truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt bị sa sút như bây giờ vì sự phẫn nộ của những ai quan tâm đến nền giáo dục Việt Nam đối với ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Và trong tuần qua, quý khán thính giả cùng độc giả RFA cũng bày tỏ sự phản đối trước lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân rằng việc kỷ luật hành chính đối với ông cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng do có những sai phạm bổ nhiệm trong thời gian đương chức là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ. Thính giả Chau Lee đặt câu hỏi: “Có gì mà khó ? Nếu kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng thì tương lai các ông cũng vậy, nên bây giờ che cho ông ta, tức là che cho các ông sau nầy. Có công thì thưởng, còn có tội thì trừng, ‘quân pháp bất vị thân’… Sao gọi là khó?”.Thính giả Van Luyen đưa ra lập luận “Tất cả người nhân dân đều bình đẳng trước pháp luật; đó là theo Hiến pháp Việt Nam”. Thính giả Nguyễn Quyết Thắng nói tuy là xử lý ông cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng theo quy định pháp luật trong Hiến pháp rất chính xác nhưng quyền hạn của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lại đứng trên pháp quyền của quốc gia nên mọi vấn nạn hiện tại đều do sự lãnh đạo trái khoáy này mà ra.
Mất chủ quyền ngay cả trong buổi họp Quốc hội. Thật, không thể chấp nhận được! Ôi, dân tộc-tổ quốc Việt Nam của chúng ta sẽ đi về đâu.
-Thính giả RFA
Một ghi nhận đặc biệt trong tuần qua là lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ông Trương Đức Giang dự khán kỳ họp thứ hai của Quốc hội Việt Nam khóa XIV. Rất nhiều thính giả RFA cho rằng “Đây là quốc nhục” như thính giả Nguyễn Thanh Long chia sẻ
“Mất chủ quyền ngay cả trong buổi họp Quốc hội. Thật, không thể chấp nhận được! Ôi, dân tộc-tổ quốc Việt Nam của chúng ta sẽ đi về đâu?”
Hòa Ái xin lưu ý, hiện nay chương trình phát thanh mỗi ngày chỉ còn một chương trình buổi tối, phát trên làn sóng ngắn 22 và 25 mét cùng trên làn sóng trung bình 1503 KHz, từ 9 giờ đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam. Quý thính giả vui lòng nghe các chương trình phát thanh trực tiếp hoặc các chương trình mới nhất qua internet tại trang
nhà www.rfa.org/vietnamese hoặc www.RFATiengViet.net hoặc www.achautudo.info. Quý vị cũng có thể nghe qua trang mạng Soundcloud tại www.soundcloud.com/rfavietnam
Quý thính giả tại Hoa Kỳ có thể nghe qua điện thoại tại số 563-999-3262. Sau khi bấm dãy số này, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh hàng ngày của chúng tôi. Và vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do. Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem. Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

WWF: Điều tra Nhị Khê ‘cực kỳ nghiêm trọng’

Đại diện Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) nói trong chương trình Bàn tròn thứ Năm hôm 17/11 của BBC Tiếng Việt rằng những cáo buộc tham nhũng và quan chức liên quan tới buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC) tại làng Nhị Khê là điều tra cực kỳ quan trọng.
“Chúng tôi coi trọng những tìm hiểu này và đây là một trong những điều tra kỹ lưỡng và chi tiết nhất về buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, và điều tra này đã được một hội đồng các nhà báo và luật sư kỳ cựu ở lĩnh vực này thông qua, mà một số người trong đó cũng rất nổi tiếng.
“Và nếu họ đã kết luận rằng điều tra này là đúng thì đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng và cần được xem xét kỹ lưỡng,” chuyên gia phân tích chính sách về buôn bán trái phép động vật hoang dã, Tiến sỹ Colman O Crodain nói trong chương trình.
Ông cũng cho biết phía WWF muốn được biết quan điểm của chính phủ Việt Nam về vụ việc này.
Tuy nhiên, phóng viên Ben Ngo tường thuật từ Hà Nội cho biết trong trao đổi bên lề hội nghị với BBC Tiếng Việt, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) nói: “Những thông tin mà tổ chức này đưa ra được chụp từ trên Internet.”
“Thật sự thì các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã hành động quyết liệt, dẫn đến những vụ bắt giữ buôn trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác gần đây.”
Chào bán da hổ nguyên tấm tại làng Nhị Khê
Động thái hủy khoảng hai tấn ngà voi gần đây của chính quyền Việt Nam được một đại diện của Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế (EIA) đánh giá là dấu hiệu tích cực “nhưng chỉ là con số rất nhỏ trong toàn bộ số lượng ngà voi mà Việt Nam lưu trữ”.
“Ví dụ, từ năm 2005 đến nay, Việt Nam thu được 46 tấn ngà voi, như thế có nghĩa là có ít nhất 6.000 con voi đã chết. Việt Nam cũng thu được hơn một nghìn kg sừng tê và cũng có nghĩa là rất nhiều tê giác đã phải chết.
“Ngoài ra còn là buôn bán hổ và các loài động vật lớn họ mèo ở châu Á, rồi tê tê… tất cả những loài này đều nằm trong hạng mục có nguy cơ tuyệt chủng,” cô Shruti Suresh, nhà vận động chiến dịch cấp cao của EIA nói.
Hôm 14 – 15/11, một phiên điều trần đặc biệt của WJC đã diễn ra ở The Hague với một số cáo buộc nghiêm trọng liên quan tới chính phủ Việt Nam, được trình bày trước hơn 200 thành viên tham dự.
Lo ngại về Bộ luật hình sự
Mua bán sừng tê, ngà voi ở Nhị Khê
Chuyên gia của hai tổ chức bảo tồn thiên nhiên quan trọng của quốc tế cũng tỏ ra đặc biệt lo ngại trước việc hoàn chỉnh và thực thi Bộ luật Hình sự của Việt Nam trong ngăn chặn buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã.
Tiến sỹ Colman O Criodain nói trong chương trình bàn tròn của BBC Tiếng Việt rằng, Việt Nam cần “củng cố Luật Hình sự để có các mức phạt thích đáng đối với những ai phạm tội”.
Đây cũng là lo ngại lớn nhất của Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế (EIA).
“Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khâu trung chuyển cũng như tiêu thụ những loài này thế nhưng những người liên quan lại không bị xử lý một cách thích đáng, đó là lo ngại lớn nhất của chúng tôi,” nhà vận động chiến dịch cấp cao của EIA, cô Shruti Suresh nói trong chương trình trực tiếp.
“…EIA hối thúc chính phủ Việt Nam sửa đổi những vấn đề trong Bộ luật hình sự, và sớm đưa ra thực thi một cách có hiệu quả vì cần có những hành động mạnh mẽ để chống lại tội phạm về động vật hoang dã,” cô nói thêm.
Bàn tròn thứ Năm về các vấn đề bảo tồn môi trường được thực hiện cùng các khách mời quốc tế và Việt Nam trong bối cảnh Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Trái phép Động vật, Thực vật Hoang dã (IWT) lần thứ ba được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị IWT lần 2 diễn ra tại London năm 2014.
‘Hàng ngàn voi chết’
Tiến sỹ Colman của WWF cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam chủ động đề nghị tổ chức hội nghị IWT năm nay, và điều này “giúp chúng tôi soi rọi vào tình hình ở châu Á cũng như ở Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc một video trên mạng xã hội của WWF cáo buộc Việt Nam “hầu như không làm gì” trong việc ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã, ông Colman nói:
“Nói là Việt Nam làm rất ít thì cũng không chính xác nhưng chắc chắn là họ vẫn làm chưa đủ. Chúng tôi muốn thấy có 3 điểm được thực hiện cụ thể:
Đóng cửa các trại nuôi hổ và các trại nuôi trái phép động vật hoang dã
Ngừng hẳn việc mua bán động thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động thực vật hoang dã như sừng tê và ngà voi ở thị trường nội địa
Và chúng tôi cũng muốn thấy Việt Nam củng cố Luật Hình sự để có các mức phạt thích đáng đối với những ai phạm tội
Chuyên gia Suresh của EIA cũng cho biết, tổ chức này đã thực hiện điều tra và đánh giá việc thực hiện các cam kết về môi trường của 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sau hội nghị IWT ở London.
“Chúng tôi phát hiện thấy ở những quốc gia này, tuy về mặt hạ tầng đã có những thứ như luật cơ bản, các cơ quan chống buôn bán trái phép động vật hoang dã vv. Tất cả những điều này đều đã sẵn có nhưng không được huy động hết mức có thể để chống lại tội phạm về động vật hoang dã, để bắt giữ, truy tố tội phạm và tất nhiên là cả với các quan chức tham nhũng nữa.
“Đặc biệt với trường hợp của Việt Nam, đã có một số tiến bộ như việc xem xét lại Luật Hình sự – là bước phát triển đáng hoan nghênh mà có thể giúp giải quyết một số vấn đề đang tồn tại. Nhưng điều này đang bị tạm hoãn cho tới khoảng năm sau.”
Trả lời câu hỏi của khán giả theo dõi trực tiếp chương trình về việc điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không thực hiện lời hứa với quốc tế của mình, cô Suresh nói “mọi chú ý đang dồn vào Việt Nam và cũng chỉ có chính phủ Việt Nam mới có thể biến tất cả những cam kết, lời hứa ngăn chặn tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã của mình thành hành động.
“Việt Nam tham dự Hiệp ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, vậy nếu họ không thực hiện những cam kết của hiệp ước này, họ có thể áp dụng những hành động nghiêm trọng hơn, như cấm vận thương mại, và có lẽ là chính phủ Việt Nam không muốn để điều này xảy ra.
“Tất nhiên cũng có những biện pháp khác và tôi mong là sự việc sẽ không đi xa tới mức đó, nhưng chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp có hành động cụ thể bởi chúng ta không có thời gian cứ ngồi đó mà không làm gì.”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.