Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 18/11/2016

Friday, November 18, 2016 7:09:00 PM // , ,

No sub-categories
Tin khắp nơi – 18/11/2016

COP 22 : Thỏa thuận Khí hậu Paris sẽ có hiệu lực từ 2018

Thượng đỉnh Khí hậu toàn cầu COP 22 tại Maroc bế mạc hôm nay, 18/11/2016. Tối hôm qua, 17/11, COP22 ra tuyên bố chung Marrakech, kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng nỗ lực nhằm giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C. Điểm mới của bản tuyên bố là cộng đồng quốc tế nhất trí đẩy sớm thời điểm Thỏa thuận Paris có hiệu lực.
Theo AFP, các nhà thương thuyết của gần 190 quốc gia kết thúc thượng đỉnh Khí hậu mà không có tiến bộ đáng kể nào, ngoài việc quyết định sẽ thực thi Thỏa thuận Paris ngay từ năm 2018, chứ không phải là 2020 như dự kiến. Trong bối cảnh ông Donald Trup vừa đắc cử tổng thống Mỹ, việc đẩy nhanh thời hạn thực thi Thỏa thuận Paris có thể coi là một câu trả lời kiên quyết của cộng đồng quốc tế đối với lãnh đạo dân túy Mỹ có quan điểm phủ nhận biến đổi khí hậu.
Một trong các vấn đề chủ yếu của cộng đồng quốc tế hiện nay là huy động được đủ 100 tỉ đô la/năm, kể từ khi thỏa thuận Paris có hiệu lực, để giúp các nước nghèo. Các nước đang phát triển một mặt hối thúc các nước giàu nhanh chóng đóng góp, mặt khác, cũng khẳng định rằng chỉ riêng việc thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến 2030 cũng tốn từ 140 đến 300 tỉ/năm, theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc. Người phát ngôn của quỹ môi trường Nicolas Hulot nhận xét : “Nhìn chung, các nước giàu đến COP lần này với bàn tay trắng”.
Tại thượng đỉnh lần này, sự phân hóa giữa nhóm nước nghèo và nước giàu lại trỗi dậy, cụ thể về đóng góp tài chính. Các thương thuyết cấp bộ về vấn đề này trong tuần qua không có kết quả đáng kể. Theo nữ chuyên gia về khí hậu của tổ chức 3G, Liz Gallagher, “20 tỉ đô la cho năm 2020 cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (bao gồm hệ thống cảnh báo thời tiết, cơ sở hạ tầng như đê điều, thủy lợi, hệ thống bảo đảm nguồn nước sạch…) là hoàn toàn không đủ”.
Một nhà thương thuyết châu Âu thừa nhận : “Các thảo luận (tại COP 22) mang tính xây dựng, nhưng khá là hỗn loạn, và còn nhiều việc phải làm”. Đại diện của Grenad, nhóm các đảo quốc – các quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất – thì có phần lạc quan hơn : “Không có các tiến bộ lớn (…), nhưng ít nhất là thương lượng không rơi vào bế tắc”.
Có một điểm đáng khích lệ nữa là kể từ khi thượng đỉnh khai mạc đến nay, đã có thêm nhiều quốc gia chính thức ký kết Thỏa thuận Paris, trong đó có Anh Quốc ký hôm qua, 17/11, nâng tổng số các nước ký lên 111.
Thượng đỉnh về khí hậu năm tới COP 23 sẽ do quốc đảo Fiji – ở Thái Bình Dương tổ chức. Đây là lần đầu tiên một tiểu quốc Thái Bình Dương tổ chức sự kiện lớn này. Do Fiji không có đủ cơ sở hạ tầng, COP 23 sẽ diễn ra tại Bonn, trụ sở của Công Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (UNFCCC).

Lãnh đạo APEC hoang mang về số phận TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/11 sẽ tới Peru tham dự cuộc họp các lãnh đạo APEC, nhưng sự hiện diện của ông bị lu mờ bởi một nhân vật không tham dự cuộc họp này cho tới năm sau: Tổng thống kế nhiệm Donald Trump.
Ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (TPP) là một đòn giáng sinh tử, ‘một sự cưỡng đoạt’ đối với nước Mỹ.
Chiến thắng bất ngờ của ông Trump hôm 8/11 đã đập tan cơ may TPP được Quốc hội Mỹ hiện thời thông qua và cũng không có chỉ dấu cho thấy chính quyền kế tiếp sẽ ủng hộ việc này.
‘Giờ đây, TPP chắc chắn đã chết,’ bà Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore nhận xét.
Là người ủng hộ TPP, bà Elms hy vọng ông Trump sẽ thấy rằng không cách nào giúp nhân công Mỹ hơn là Hiệp định TPP giữa 12 nước thành viên và rằng ‘bóp nghẹt TPP nghĩa là trao chiến thắng sớm cho Trung Quốc.’
Tuy nhiên, ông Trump đang chọn những người như ông, những người xem thế giới là thắng-thua và cho rằng các thỏa thuận thương mại là lý do gây thâm thủng mậu dịch cho Mỹ, bà Elms nói. ‘Không thể lý luận với những người này,’ bà nói thêm.
Những người ủng hộ TPP hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp hôm 17/11 với ông Trump có thể giúp thay đổi quan điểm của Tổng thống tân cử Mỹ.
Nếu TPP bị chôn vùi, ‘Trung Quốc sẽ cầm được bánh lái mà họ chưa từng có được trước đây,’ bà Elms dự đoán.
Peru, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh APEC, đã khởi sự các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc gia nhập hiệp định thương mại khu vực do Bắc Kinh dẫn đầu, RCEP.
7 nước trong TPP cũng là thành viên của RCEP.

Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ,

APEC lo ngại bị tan rã

Chính sách bảo hộ của Donald Trump trong nhiệm kỳ bốn năm tổng thống Mỹ sắp tới, nguy cơ hiệp định TPP bị khai tử, hoài nghi ngày càng lớn vào tự do mậu dịch và chính sách toàn cầu hóa, tham vọng của Trung Quốc áp đặt luật chơi trên bàn cờ thương mại là những mối đe dọa bao phủ lên hội nghị Diễn Đàn APEC lần thứ 24 mở ra tại Peru trong hai ngày 19 và 20/11/2016.
Kể từ ngày 18/11/2016, các lãnh đạo 21 thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương tập hợp về Lima, thủ đô Peru dự thượng đỉnh lần thứ 24 và chia tay với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Dù vậy, mọi chú ý đang dồn về phía nhà tỷ phú Donald Trump, tổng thống thứ 45 trong tương lai của nước Mỹ, cho dù ông Trump đang đóng đô trong tháp ngà ở New York để chuẩn bị thành lập ê-kíp lãnh đạo.
Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC được thành lập tháng 11/1989 với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa các luồng trao đổi mậu dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư. Từ 12 thành viên ban đầu, nay tổ chức này quy tụ 21 quốc gia, bao gồm 40% dân số toàn cầu và bảo đảm 60% tổng trao đổi mậu dịch của thế giới.
Nhưng tương lai của APEC đi về đâu sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ ?
Dư âm từ thắng lợi của Donald Trump
Trong suốt thời kỳ vận động tranh cử, nhà tỷ phú New York, đại diện cho đảng Cộng Hòa không ngừng tuyên bố lập trường bảo hộ. Ông đã liên tục tấn công hiệp định tự do mậu dịch mà Washington đã đạt được với các đối tác trong vùng Thái Bình Dương qua Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương. Cũng ông Trump đòi xét lại hiệp định tự do thương mại giữa Mỹ với Canada và Mêhicô đã hiện hành từ năm 1994.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas, đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của cơ quan tư vấn tài chính Mỹ IHS, “thắng lợi của ông Donald Trump có khuynh hướng định hình lại mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với các đối tác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương”. Một nhà quan sát khác thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Luân Đôn, Capital Economics, bi quan hơn khi cho rằng “một trong những tác động trực tiếp sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ là ít có khả năng hiệp định TPP có hiệu lực”.
Giáo sư Robert Lawrence, giảng dậy tại đại học Harvard chờ đợi, với Donald Trump ở Nhà Trắng, cả chính sách tự do mậu dịch của thế giới sẽ phải đối mặt với những “chuyển biến” lớn : chẳng những Mỹ sẽ không còn đóng vai trò đầu tàu trong tiến trình hội nhập kinh tế mà Hoa Kỳ dưới thời đại Donald Trump mà còn làm “thay đổi trật tự trên bàn cờ thương mại quốc tế”. Bởi vì trong một thế giới toàn cầu hóa và mở rộng, nếu như nền kinh tế số 1 của thế giới là Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ, thương mại và đầu tư ở khắp mọi nơi đều sẽ bị chựng lại.
Ý thức được những mối đe dọa đối với các hoạt động của ngành xuất nhập khẩu trên toàn cầu, tổng thư ký APEC Eduard Pedrosa báo trước, mọi người chờ đợi, Diễn đàn APEC thứ 24 sẽ đưa ra một tuyên bố “mạnh mẽ” để bảo vệ tự do mậu dịch, nhất là cho tới nay, “chưa có bằng chứng cụ thể và rõ rệt nào chứng minh được là các luồng giao thương là nguyên nhân cướp đi công ăn việc làm tại một số quốc gia”.
Trung Quốc chờ đợi thời cơ
Phải đợi đến ngày 20/01/2016 Donald Trump mới nhậm chức. Từ nay tới đó có thể là một khoảng thời gian được Trung Quốc tận dụng để chuẩn bị sẵn một số nước cờ. Như ghi nhận của kinh tế gia Biswas, cơ quan tư vấn IHS, chính quyền Trump còn đang trong giai đoạn hình thành, toàn cảnh kinh tế của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại thay đổi rất nhanh, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để đóng vai trò đầu tàu, lấp vào chỗ trống của Mỹ.
Bắc Kinh bị gạt ra ngoài hiệp định tự do mậu dịch TPP, một sáng kiến của Washington để làm đối trọng với Trung Quốc. Giờ đây là thời điểm thuận lợi để Bắc Kinh lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình, đẩy mạnh dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP mà trong đó không có Hoa Kỳ.
Nói cách khách, nếu TPP của tổng thống Barack Obama bị khai tử, thì không có gì ngăn cản ông Tập Cận Bình thay thế thỏa thuận đó bằng hiệp định RCEP. Chưa gì mà nước Úc, qua phát biểu của bộ trưởng Thương Mại Steven Ciobo đã tuyên bố “đề nghị của Bắc Kinh là một ý kiến thú vị”.
Như ghi nhận của một người trong cuộc đang có mặt tại Lima dự Diễn đàn APEC lần thứ 24, nếu TPP thất bại thì đây sẽ là một “thắng lợi lớn” đối với Bắc Kinh cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế.

Bắc Triều Tiên đề nghị Mỹ “rút quân để bang giao”

Nếu lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc triệt thoái thì Bình Nhuỡng sẽ bình thường hóa quan hệ với chính quyền Donald Trump. Trên đây là tuyên bố của đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc với Reuters.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Reuteurs ngày 17/11/2016 tại Genève, đại sứ Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc, So Se Pyong, cho biết là Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi chính sách phát triển song hành : vũ khí hạt nhân và kinh tế.
Lời xác quyết này được đưa ra vào lúc chính quyền Bình Nhưỡng bắt đầu « thảo luận chính thức và không chính thức » với các cựu viên chức cũng như chuyên gia Mỹ tại Genève. Phái bộ Bắc Triều Tiên gồm bốn người do ông Choe Son Hui, trưởng đoàn thương thuyết về hồ sơ hạt nhân tại bàn đàm phán 6 bên, dẫn đầu. Đây là đợt tiếp xúc không chính thức cuối cùng của năm 2016 trong bối cảnh hai bên không có quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Bắc Triều Tiên đặt điều kiện là nếu ông Donald Trump « từ bỏ thái độ thù nghịch, rút hết quân và vũ khí ra khỏi Hàn Quốc, ký kết hiệp định hoà bình với Bắc Triều Tiên » thì « có thể sẽ có cơ may thảo luận bình thường hóa quan hệ song phương » với Bình Nhưỡng.
Trả lời câu hỏi về tuyên bố của ứng cử viên Donald Trump, sẵn sàng đi gặp lãnh đạo Kim Jong Un để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, đại sứ So Se Pyong cho rằng « chuyện này tùy vào quyết định của lãnh đạo tối cao ».
Seoul phản quốc ?
Bốn ngày sau khi Hàn Quốc và Nhật Bản ký tắt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, Bình Nhưỡng lên án Seoul « phản bội dân tộc »  « bắt tay với kẻ thù truyền kiếp, mở đường cho Nhật xâm lăng ».

Trump thắng cử:

Liệu Trung Quốc kéo được ASEAN ra khỏi quỹ đạo Mỹ?

Tương lai kế hoạch hình thành một nền hòa bình liên Mỹ (Pax Americana) có thể được quyết định tại chính châu Á, nơi được coi là trung tâm kinh tế của thế kỷ XXI. Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Oliver Stuenkel, thuộc Quỹ Fundação Getúlio Varga (Brazil), được đăng trên website The Conversation (15/11/2016).
Việc tiếp tục duy trì trật tự hòa bình này còn phụ thuộc đáng kể vào khả năng của Washington chứng tỏ họ là một tác nhân quan trọng trong vùng, bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và hơn hết, Hoa Kỳ vẫn là lực lượng đảm bảo an ninh cho nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc, như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nếu có thể buộc các nước láng giềng chấp nhận vai trò thủ lĩnh trong vùng (kể cả chấp nhận những yêu sách chủ quyền tại Biển Đông), thì Bắc Kinh có thể làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ tại một khu vực có hơn một nửa dân số toàn cầu sinh sống.
Mong muốn này của Bắc Kinh không có gì là đáng ngạc nhiên. Không một quốc gia nào mang tham vọng trở thành đại cường lại có được vị thế và sự tôn trọng bằng cách nhường trách nhiệm đảm bảo an ninh đối với các nước sân sau của mình cho một nước nằm ngoài khu vực.
Sáng kiến của Trung Quốc và đòn trả đũa của Mỹ
Để nhận được sự ủng hộ trong vùng, Trung Quốc đã tung hàng loạt sáng kiến mang tính biểu tượng cao để lôi kéo các nước láng giềng vào việc thành lập các định chế, như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (AIIB), Hội nghị thượng đỉnh về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (Conference on Interaction and Confidence Building Measures in Asia, CICA) và xây dựng các hành lang kinh tế đi qua Pakistan và Miến Điện dẫn đến Ấn Độ Dương (CPEC).
Các nỗ lực của Bắc Kinh bị chế giễu là “ngoại giao ngân phiếu” và Trung Quốc bị chỉ trích dùng tiền mua bạn bè. Nhưng nếu thành công, mọi cố gắng của quốc gia Đông Á này sẽ giúp hình hành một châu Á mà Trung Quốc là trung tâm (Sinocentric Asia) ngày càng lớn mạnh.
Dự án tham vọng nhất của Trung Quốc là “Con đường Tơ lụa mới”, còn được gọi là “Một Vành Đai Một Con Đường”. Hành lang kinh tế này sẽ chạy xuyên lục địa Á-Âu, không chỉ kết nối Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu, mà còn liên kết nước này vào khu vực.
Trung Quốc đầu tư vào sáng kiến “Một Vành Đai Một Con Đường” từ 800 tỉ đến 1.000 tỉ đô la với gần 900 dự án tại hơn 60 nước đối tác. Dự án của Bắc Kinh đồ sộ đến mức nhiều nhà bình luận so sánh với Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ vào năm 1948 để giúp châu Âu tái kiến thiết sau Thế Chiến II.
Phản ứng của Hoa Kỳ về các sáng kiến của Trung Quốc được thể hiện trên hai mặt. Thứ nhất, Washington tìm cách cản trở ngân hàng AIIB bằng cách gây áp lực để các nước khác không gia nhập. Thế nhưng, nỗ lực này bị thất bại thảm hại khi Anh Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, lại là nước đầu tiên phá rào. Hiện nay AIIB có 50 thành viên, trong đó có rất nhiều đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới.
Tiếp theo, Hoa Kỳ xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc, New Zealand, Canada, Mêhicô, Chilê và Pêru. Nếu được nghị viện tất cả các thành viên thông qua, đây sẽ là bằng chứng thực tế đầu tiên trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của tổng thống Barack Obama, vốn cho đến nay làm được thì ít mà nói thì nhiều.
Bị gạt ra khỏi TPP, Trung Quốc trả đũa bằng cách xúc tiến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (the Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) và loại trừ Hoa Kỳ. Hiệp định này cũng được đánh giá là giúp Bắc Kinh và Tokyo xích gần nhau hơn. Hiệp định RCEP gồm một loạt quy định liên quan đến đầu tư, kinh tế, hợp tác kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và quản lý chính phủ.
Những đồng minh đặc biệt của Mỹ
Sự tranh giành ảnh hưởng tại châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc giải thích tại sao hồi chuông báo động đã ngân lên tại Washington khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “chia tay” với Mỹ. Thật vậy, từ khi đắc cử tổng thống Philippines, rất nhiều phát biểu của cựu thị trưởng Davao đã lật lại vấn đề quan hệ đối tác có từ nhiều thập kỷ với Washington.
Một tháng sau, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã làm một việc gần như vậy : xích lại gần với Bắc Kinh khi ông thông báo mua các tầu tuần duyên của Trung Quốc. Đây là hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh, đồng thời là một tín hiệu đáng chú ý, do Hoa Kỳ cũng kỳ vọng đạt được một thỏa thuận tương tự với Malaysia.
Tất cả những động thái trên rất đáng ngạc nhiên vì cả Philippines và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền với các quần đảo và bãi đá đang có tranh chấp tại Biển Đông. Washington từng hy vọng sử dụng mối quan hệ căng thẳng tại đây để xây dựng một liên minh trong vùng chống lại Bắc Kinh và gây sức ép quốc tế với Trung Quốc.
Philippines là nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông duy nhất có hiệp ước đồng minh với Mỹ. Năm 2014, cả hai đối tác đã ký Hiệp định Nâng cao Hợp tác Quốc phòng (The Enhanced Defence Cooperation Agreement, EDCA), cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận với năm căn cứ quân sự của Philippines.
Thế nhưng có nhiều lý do giải thích vì sao Philippines và Malaysia lại “rũ áo ra đi”. Lãnh đạo hai nước này có những lý do đặc biệt để ngả về phía Bắc Kinh và lãnh đạo các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực không thể viện dẫn những lý do tương tự.
“Cuộc chiến chống ma tuý” gây nhiều tranh cãi của tổng thống Duterte vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, buộc Hoa Kỳ phải lên tiếng chỉ trích. Còn tại Malaysia, thủ tướng Najib đang bị áp lực sau khi Mỹ điều tra gian lận của quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Tương lai trong vùng sẽ ra sao ?
Điều quan trọng không nên quên là các phát biểu hùng hồn thân Trung Quốc thông thường không đi đôi với hành động. Hiện Malaysia đang tập trận chung với Bắc Kinh, nhưng mối quan hệ giữa Kuala Lumpur và Washington vẫn mạnh hơn. Ngoài trường hợp của Bắc Triều Tiên, hai láng giềng của Trung Quốc là Lào và Cam Bốt vẫn gắn bó với Washington hơn là với Bắc Kinh. Hơn nữa, người dân ở châu Á vẫn ưa thích Hoa Kỳ hơn Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua số người châu Á mong muốn sáng Mỹ hơn là đến Trung Hoa.
Tuy nhiên, kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm duy trì mạnh mẽ ảnh hưởng chính trị ở châu Á và xây dựng các quan hệ liên minh để kiềm chế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể. Trước hết, một số đồng minh của Mỹ không tin tưởng nhau, như trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc. Và điều này có thể dẫn đến nhiều rắc rối trong hoạt động tập thể, như từng được nêu trong lý thuyết “kẻ hưởng thụ miễn phí” (free-riding) trong quan hệ quốc tế, có nghĩa là những người thụ hưởng từ thành quả chung mà không chịu đóng góp.
Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực ngày càng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Thực tế này cũng làm giảm tinh thần chống đối Bắc Kinh. Cho dù nhìn chung, trên nguyên tắc, các nước này dường như chống lại Trung Quốc hơn là ủng hộ, do gần gũi về mặt vị trí địa lý và tham vọng bá quyền trong vùng của Bắc Kinh. Rất ít khả năng tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ủng hộ TPP, trong khi đó Trung Quốc luôn đưa ra những “sáng kiến” để kéo các nền kinh tế trong vùng vào quỹ đạo của mình. Như vậy, rõ ràng thời cơ đang nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh.
Các nước trong vùng có thể chọn một chiến lược tay đôi : vừa duy trì mối quan hệ với Mỹ như một đồng minh bảo đảm an ninh, vừa hưởng lợi từ tiến trình hội nhập kinh tế rộng rãi hơn với Trung Quốc. Theo nhận định của nhà nghiên cứu, một vài nước trong số này, như Việt Nam và Philippines, có thể là những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ mối quan hệ năng động này, với điều kiện họ phải sử dụng ngay các lá bài đang có. Ví dụ, tổng thống Duterte có thể chỉ tìm cách đạt thêm được sự đảm bảo chắc chắn hơn về an ninh từ phía Mỹ, đồng thời vẫn nhận được thêm hỗ trợ từ Trung Quốc.
Tác giả bài viết kết luận trong khi Hoa Kỳ đang phải tập trung vào mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Tây phương và Nga, cũng như tình hình bất ổn vẫn dai dẳng ở Trung Đông, thì tương lai trật tự thế giới lại được quyết định ở các khu vực xung quanh Trung Quốc.

Quân đội Syria oanh kích dữ dội phía đông Aleppo

Ít nhất 25 thường dân thiệt mạng tại các khu phố phía đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát, trong các cuộc tấn công dữ dội bằng không quân và pháo binh của Damas vào ngày 17/11/2016, với sự hỗ trợ của Nga. Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, 65 thường dân bị giết hại kể từ khi oanh kích tiếp tục sau một tháng tạm ngưng.
Cho đến nửa đêm 17/11, quân đội Syria liên tục thả bom và thùng thuốc nổ – một vũ khí mà Hội Đồng Bảo An đã kêu gọi ngừng sử dụng – xuống nhiều khu phố phía đông Aleppo. Về tình hình tại chỗ thông tín viên Paul Khelifeh cho biết thêm :
“Ngoài các cuộc không kích và pháo kích, dân cư đông Aleppo còn phải sống trong các điều kiện vô cùng khốn khổ. Thực phẩm, nước, điện và dầu mazút dùng để chạy máy điện được cấp hết sức nhỏ giọt. Ở chợ đen, các mặt hàng này vô cùng đắt giá.
Tại một số khu phố, cư dân phẫn nộ biểu tình phản đối những người phụ trách phân phối nhu yếu phẩm. Theo bộ Quốc Phòng Nga, có nhiều thường dân chết và bị thương, khi quân nổi dậy bắn vào người biểu tình.
Giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, Rami Abdel Rahman, khẳng định là Damas và Matxcơva mượn cớ các cuộc phản đối của dân chúng tại phía đông Aleppo để mở lại cuộc tấn công nhằm vào các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Hôm nay (18/11), cuộc tấn công bước sang ngày thứ tư. Quân đội Nga huy động oanh tạc cơ chiến lược, tiêm kích đa năng và tên lửa hành trình để phá hủy các vị trí và phương tiện quân sự của phe nổi dậy. Hiện tại, chưa có cuộc tấn công trên bộ nào nhắm vào đông Aleppo. Trong khi đó, tại phía nam và phía tây thành phố, quân đội Syria và các lực lượng thân chính quyền tiếp tục chiến dịch phản công lấn đất”.

Nga : Mạng xã hội LinkedIn bị chính quyền ngăn chặn

Ngày 17/11/2016, cơ quan phụ trách truyền thông Nga Roskomnadzor quyết định chặn mạng LinkedIn, một mạng xã hội nổi tiếng của giới chuyên gia. Quyết định nói trên dựa theo một luật cấm lưu trữ dữ liệu cá nhân của các công dân Nga bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Luật bị phản đối dữ dội do cách định nghĩa mơ hồ. LinkdedIn là nạn nhân đầu tiên của luật này.
Nhà đối lập Leonid Volkov, người sáng lập một hiệp hội bảo vệ internet (Society for the Defence of the Internet) gọi đây là một hành động đàn áp mới của Matxcơva nhắm vào thế giới mạng. LinkedIn được hơn 467 triệu người sử dụng trên thế giới.
Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Matxcơva :
“Các công ty mạng bắt đầu chặn mạng xã hội LinkedIn trong ngày hôm qua (17/11). Cơ quan quản lý truyền thông Nga đã ra lệnh này, sau quyết định của tư pháp hồi tháng 8/2016, được được tái khẳng định hôm 10/11 vừa qua.
Đối với tư pháp Nga, mạng LinkedIn không tuân thủ luật ngày 01/9/2015, buộc “các tổ chức nước ngoài phải lưu trữ các dữ liệu cá nhân của các công dân Nga ngay tại lãnh thổ Nga”. Các thông tin về vé máy bay không bị luật này quy định.
Các công ty internet, quản lý hộp thư điện tử, công cụ tìm kiếm và các mạng xã hội có thời gian một năm để tổ chức việc chuyển các dữ liệu này về các máy chủ đặt tại Nga. Tuy nhiên, luật này lại mơ hồ đặc biệt trong định nghĩa thế nào là các dữ liệu được coi là ‘‘cá nhân’’.
LinkedIn, mạng xã hội chuyên về các trao đổi chuyên môn, lên án một quyết định gây hậu quả xấu đối với 6 triệu người Nga đang sử dụng mạng này. Công ty này yêu cầu gặp cơ quan phụ trách truyền thông Nga và hai bên đang thảo luận về thời điểm.
Cố vấn của tổng thống Nga Putin về internet tin tưởng rằng mạng LinkedIn tuân thủ luật trên và mạng sẽ được hoạt động trở lại, bên cạnh đó luật về các dữ liệu cá nhân trên mạng có thể sẽ thay đổi một số chi tiết”.

Bầu cử địa phương :

Trung Quốc sách nhiễu ứng viên độc lập

Từ đầu tuần, gần 900 triệu cử tri Trung Quốc bắt đầu bỏ phiếu bầu ra hai triệu rưỡi lãnh đạo cấp địa phương. Dù chỉ là một cuộc bầu cử ở cấp địa phương, một số ứng cử viên độc lập đã bị sách nhiễu và bị loại ngay từ đầu, bởi vì 2.300 đại biểu trong số đó sẽ trực tiếp tham gia Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2017.
Thông tín viên đài RFI, Heiker Schmidt tại Bắc Kinh, đã gặp được một trong số các ứng viên độc lập Trung Quốc.
« Mặc áo bông đỏ, trang điểm kỹ càng, bà Diệp Tĩnh Xuân (Ye Jing Chun), một phụ nữ 60 tuổi, đã nghỉ hưu, không có vẻ gì là một người có tinh thần nổi loạn. Bà chỉ muốn ra tranh cử, vì đó là cái quyền của một công dân, để phục vụ xã hội. 
Ứng cử viên Diệp Tĩnh Xuân nói với phóng viên đài RFI là từ 20 năm nay, bà đã không thể trông cậy vào các đại biểu nhân dân để bảo vệ quan điểm của mình, bởi vậy, nếu đắc cử bà sẽ công bố địa chỉ để mọi người dễ dàng liên lạc với bà. Bà Diệp Tĩnh Xuân mong muốn có thể giúp đỡ những con người bình thường.
Có vóc dáng gầy gò nhưng bà Diệp tỏ ra rất quyết tâm. Trong lúc chính quyền quảng bá đây là cuộc bầu cử “có quy mô nhất thế giới”, thì ứng viên độc lập này cay đắng nhận thấy là bà bị cản trở trong lúc vận động tranh cử. Công an khu phố đã ngăn cản bà gặp gỡ với cử tri trên đường phố, bà Diệp Tĩnh Xuân cũng không được phép phát biểu trong các cuộc họp. Tổ trưởng ủy ban bầu cử kêu gọi bỏ phiếu cho ông tổ trưởng, thế là mọi người răm rắp nghe theo. 
Quả thật, về lý lịch, bà Diệp Tĩnh Xuân có một nhược điểm lớn : bà không phải là một đảng viên trung thành của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bà giải thích : Tôi không phải là con rối, bảo gì làm nấy. Trong lúc nhiều người không dám cưỡng lại một số các dự án, thì tôi cả gan nói lên quan điểm của người dân, của những người thấp cổ bé miệng trước các các quan chức của chế độ. 
Cuối cùng, bà Diệp Tĩnh Xuân phải nhìn nhận một thực tế, đó là Đảng Cộng Sản kiểm soát 100 % các hoạt động kinh tế tại nơi được gọi là “nền dân chủ theo mô hình Trung Quốc” ».

Barack Obama gặp các lãnh đạo châu Âu tại Đức

Ngày 18/11/2016, tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama có kế hoạch gặp lãnh đạo một số quốc gia chủ chốt của châu Âu tại Đức, trong chuyến công du cuối cùng đến châu Âu với tư cách nguyên thủ.
Theo Phủ tổng thống Pháp, “cuộc họp không chính thức này cho phép các bên trao đổi cởi mở về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng”, như cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Cận Đông hay khủng hoảng nhập cư châu Âu. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng tỏ ra hoài nghi về ý nghĩa của tiểu thượng đỉnh này, diễn ra trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước các thách thức chưa từng có đe dọa chính sự tồn tại của khối, và tổng thống tân cử Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định sẽ xét lại liên minh lâu đời giữa Mỹ và châu Âu.
Trước buổi làm việc ngày 18/11, ông Barack Obama bày tỏ hy vọng là tổng thống tân cử Donald Trump sẽ không có các thỏa thuận riêng rẽ với tổng thống Nga Putin, gây tổn hại cho các quốc gia nhỏ. Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin :
“Giống như trong chuyến công du lần trước của Barack Obama tới Đức hồi mùa xuân năm 2016 tại hội chợ Hannover, cuộc gặp Đức-Mỹ đã biến thành một tiểu thượng đỉnh của châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời bốn lãnh đạo châu Âu khác tham gia buổi nguyên thủ Mỹ chào từ biệt Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy vị thế của thủ tướng Đức trên trường quốc tế.
Tối qua (17/11), Barack Obama đã kêu gọi các nước châu Âu hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ thành quả của hàng chục năm nỗ lực và bảo vệ sự đoàn kết của khối. Kêu gọi này càng mang tính thời sự hơn, trong bối cảnh tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump rất có thể sẽ cắt giảm các chi phí của Hoa Kỳ dành cho châu Âu.
Tuy nhiên, bốn vị khách mời của thủ tướng Đức hôm nay (18/11) không chắc là những người có đủ khả năng thực hiện ước vọng của tổng thống mãn nhiệm Mỹ. Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đàm phán với Bruxelles về việc Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Pháp François Hollande đang rất suy yếu, thủ tướng Ý Matteo Renzi bị đe dọa bởi một cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, còn thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa phải rất vất vả mới lập được chính phủ. Trong khi đó, không có ai trong số khách mời thuộc khu vực đông Âu”.

Không có TPP ở Việt Nam, cơ hội vàng cho Trung Quốc

Một chuyên gia Việt Nam nói việc Việt Nam ‘bỏ cuộc’ trong nỗ lực tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ tuyên bố không trình lên Quốc hội để thông qua hiệp định như dự kiến, là một ‘cơ hội vàng’ cho Trung Quốc.
Hôm 18/11, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nhận định với VOA rằng nếu Hoa Kỳ để lại một “khoảng trống TPP” mà không có gì thay thế, chắc chắn Trung Quốc sẽ tận dụng “cơ hội vàng” này để thực hiện chiến lược đã rất thành công lâu nay trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam:
“Nếu TPP không được thực hiện, đấy là một cơ hội vàng của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tất cả những nỗ lực của mình để mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Nếu Hoa Kỳ để lại một khoảng trống với TPP, và khoảng trống đó chưa có ai kịp thời trám vào thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng dùng tất cả tiềm lực và khả năng của mình để làm việc đó. Đấy là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam vì Việt Nam hiện nay đã nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc”.
Các chuyên gia quốc tế cho hay sau khi TPP bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự hiện nay của Mỹ, Bắc Kinh đang ra sức để xúc tiến các hiệp định thương mại tiềm năng để cạnh tranh với TPP, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Nhưng các chuyên gia cho rằng hiệp định do Trung Quốc khởi xướng không hấp dẫn các nước bằng TPP.
Trong khi đó, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác cũng đang bắt đầu ngay vào việc tạo ra thỏa thuận thương mại mới khác mà không có sự hiện diện của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn cho chính phủ Việt Nam, nói bà vẫn rất hy vọng Nhật Bản cùng các nước thành viên khác sẽ quyết tâm để thực hiện TPP cho dù số phận của TPP là “rất mong manh” tại Mỹ:
“Các nước khác thành viên của TPP cũng như Việt Nam đều không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng bây giờ, Nhật Bản cũng đã thông qua TPP rồi. Tôi nghĩ với việc Nhật Bản đã thông qua TPP thì họ cũng có thể mong muốn thương lượng với các nước thành viên khác và có thể cùng nhau thực hiện TPP như chưa có Hoa Kỳ. Cũng vẫn có thể dựa trên những gì các nước đã đàm phán, đã cam kết với nhau trong suốt 5 năm đàm phán vừa qua và cũng thấy rõ lợi ích để có thể quan hệ kinh tế với nhau, để có thể tiếp tục chăng? Thực sự tôi cũng rất hy vọng điều đó. Nếu như các nước khác cũng có đủ quyết tâm tham gia cùng với Nhật Bản thì tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy. Bởi vì lợi ích kinh tế và các mặt của TPP đối với Việt Nam là rất rõ”.
Việt Nam hôm 5/11 đã ban hành Nghị quyết trung ương 4 về hội nhập quốc tế, trong đó đề cập đến việc đa dạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế để không bị phụ thuộc vào một nền kinh tế riêng lẻ nào để tránh tăng rủi ro trên nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế nói chắc chắn Việt Nam sẽ phải sắp xếp lại các quan hệ kinh tế với các nước để tránh ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam. Một trong những nỗ lực hiện nay của Việt Nam là thúc đẩy các hiệp định đối tác thương mại với các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo bà Phạm Chi Lan, dù có hay không có TPP, Việt Nam vẫn phải cố gắng tìm mọi cách thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc:
“Trong thời gian qua cũng đã thấy xuất hiện chiều hướng ví dụ như Trung Quốc có thể lợi dụng Việt Nam là thành viên của các hiệp định này khác để qua con đường của Việt Nam để xuất khẩu hàng Trung Quốc đi. Những cái đó, với TPP dù có hay không, thì Việt Nam cũng phải cố gắng để tránh điều đó”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc không có TPP chắc chắn sẽ có tác động lên xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam, nhưng ông cho rằng Việt Nam sẽ có các biện pháp khác để khắc phục điều này:
“Việt Nam cần phải tìm kiếm một thị trường xuất khẩu để có thể thay thế thị trường xuất khẩu rất to lớn của Hoa Kỳ. Thứ hai, Việt Nam đang rất cần vốn để đầu tư vào kết cấu hạ tầng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Nếu không có TPP, rất có thể luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm tốc độ. Lúc bấy giờ, Việt Nam sẽ phải nỗ lực để cải thiện các môi trường kinh doanh của Việt Nam”.
TPP được xem là một đòn bẩy chính trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Nhưng khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử, hiệp định này đã bị đình chỉ không trình lên Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo các đánh giá trước đây, nếu TPP thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong hiệp định thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia.

Nhà cựu độc tài Philippines

được an táng với nghi thức danh dự

Nhà cựu độc tài Philippines Ferdinand Marcos được an táng với nghi thức danh dự quân sự vào ngày thứ Sáu, 30 năm sau khi bị lật đổ trong cuộc cách mạng được gọi là Quyền lực Nhân dân.
Buổi lễ bắt đầu với 21 phát đại bác trong khi binh sĩ trong trang phục đại lễ cầm súng đứng nghiêm tại “Nghĩa trang Anh hùng” ở thủ đô Manila.
Bất chấp sự chống đối ngày càng tăng từ một liên minh bao gồm những nạn nhân bị xâm phạm nhân quyền dưới chế độ độc tài của ông Marcos, Tòa án Tối cao Philippines tuần trước đã ra phán quyết cho phép chôn cất ông Marcos tại nghĩa trang dành cho các vị anh hùng dân tộc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chấp thuận việc chôn cất nhà cựu độc tài này, bất chấp sự chống đối của phe đối lập. Hài cốt của ông Marcos đã được bí mật đưa lên máy bay trực chỉ Manila nhằm tránh những cuộc biểu tình.
Hàng ngàn cảnh sát chống bạo động và binh sĩ canh gác quanh nghĩa trang và không thấy có người biểu tình nào.
Gia đình Marcos chạy khỏi Philippines vào cao trào của cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân được quân đội hậu thuẫn. Cuộc cách mạng này đã gợi cảm hứng cho những phong trào dân chủ khác ở Châu Á.
Ông Marcos qua đời vào năm 1989 khi đang sống lưu vong ở Hawaii. Thi hài của ông được đưa về thành phố quê nhà Batac ở miền bắc Philippines vào năm 1993. Kể từ đó, thi hài của ông được trưng bày trong một quan tài bằng kính và trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

Pakistan phá vỡ tổ tuyển mộ cho IS

Nhà chức trách Pakistan loan báo bắt được một nhóm 8 phần tử hiếu chiến điều hành một tổ tuyển mộ theo chỉ thị của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo có căn cứ tại Syria.
Một giới chức Pakistan ngày 17/11 cho biết là các lực lượng chống khủng bố trong một cuộc bố ráp đêm qua đã bắt những người này tại Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan và là thủ phủ của tỉnh Punjab đông dân cư.
Loan báo này cho biết là nhà cầm quyền cũng tịch thu được nhiều điện thoại di động, máy vi tính xách tay và những tài liệu tuyên truyền của Nhà nước Hồi Giáo.
Những người bị bắt đã tuyển mộ người trẻ để đưa họ một cách bất hợp pháp sang Syria qua ngả Afghanistan và Iran, là hai nước láng giềng của Pakistan có chung biên giới dài dễ qua lại.
Cơ quan chống khủng bố Pakistan cho biết các nghi can khai với các điều tra viên rằng họ đã đưa một số chiến binh không rõ bao nhiêu người sang Syria và sẵn sàng đưa các nhóm mới tuyển.
Các giới chức Pakistan nói trong vòng hai năm qua, họ đã bắt hàng trăm người hoạt động cho Nhà nước Hồi Giáo tại nhiều thành phố khác nhau, nhưng vẫn cho rằng nhóm Trung Đông này không có sự hiện diện có tổ chức tại Pakistan.
Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong vụ nổ bom vào tuần trước tại một ngôi đền Sufi ở một quận xa xôi thuộc tỉnh Baluchistan vùng tây nam Pakistan. Vụ đánh bom này làm hơn 50 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Vào cuối tháng 10, 3 tay đánh bom tự sát Nhà nước Hồi Giáo tấn công một trung tâm huấn luyện cảnh sát tại Quetta, thủ phủ của tỉnh, làm ít nhất 60 người mới được tuyển mộ thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
Nhà nước Hồi Giáo mở các cuộc tấn công trong khu vực vào đầu năm 2015 sau khi lập căn cứ tại vùng biên giới xa xôi phía đông Afghanistan.
Tổ chức này gọi Afghanistan, Pakistan và nhiều phần ở Iran là tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi Giáo và nhận lệnh của các lãnh tụ tổ chức này tại Syria.

Thái Lan

tăng cường kiểm duyệt sau khi Quốc vương băng hà

Trong nỗ lực truy quét những lời lăng mạ hoàng gia trên mạng sau khi Quốc vương băng hà, nhà chức trách Thái Lan thúc ép Google và Facebook giúp đỡ trong chiến dịch đóng sập hơn 1.300 trang web hồi tháng rồi. Số này được cho là nhiều hơn tổng số website bị đóng cửa trong 5 năm trước đó cộng lại, theo nguồn tài liệu được cung cấp riêng cho hãng thông tấn AP.
Trong khi cả nước Thái đau buồn vì Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10, chính phủ Thái cũng tập trung loại bỏ những bình luận trực tuyến mà họ cho là xúc phạm đến Quốc vương quá cố, hoàng hậu hoặc người kế vị của nước này là Thái tử Maha Vajiralongkorn. Luật khi quân của Thái Lan được xem là đạo luật khắt khe nhất thế giới. Theo luật này, người phạm tội phỉ báng bất kỳ ai trong 3 nhân vật này của hoàng gia sẽ phải chịu hình phạt lên đến 15 năm tù giam.
Kể từ sau khi Quốc vương băng hà, Thái Lan đã kết án hơn 20 người về những phát ngôn chống hoàng gia, yêu cầu trục xuất các nghi phạm phỉ báng hoàng gia thuộc ít nhất 7 quốc gia khác nhau và đang cố gắng xóa sạch các nội dung được phát hiện là tấn công hoàng gia trên các website và mạng xã hội.
Quân đội nói luật khi quân là cần thiết để bảo vệ chế độ quân chủ và an ninh quốc gia.
Dữ liệu do nhóm hỗ trợ của Bộ Quốc phòng cung cấp cho AP cho thấy chính phủ đã đóng cửa 1.370 trang web trong tháng 10, nhiều hơn số 1.237 trang bị đóng cửa trong 5 năm trước cộng lại. Trong tháng 9, chỉ có 2 trang bị đóng cửa.
Thái Lan ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải khóa chặn các trang web gây phản cảm. Người sử dụng khi nhấp vào các trang này chỉ thấy con dấu của chính phủ và một thông báo bằng tiếng Thái rằng “Trang web này có chứa nội dung và thông tin bị xem là không thích hợp. Trang này bị Bộ Kinh tế kỹ thuật số và xã hội kiểm duyệt”.
Phó Thủ tướng Prachin Chantong cho biết chính phủ đã thành lập một toán khẩn trương kiểm soát các nội dung trực tuyến.
Phó Thủ tướng Thái nói đã liên lạc với Google, Facebook và các diễn đàn mạng xã hội khác ở nước ngoài, yêu cầu họ theo dõi và loại bỏ những nội dung có thể xúc phạm đến chế độ quân chủ Thái.
Ông Prachin cho biết Google và Facebook đã đồng ý. Nhưng cả hai công ty đều phủ nhận điều này và nói rằng họ chỉ đáp ứng các khiếu nại gửi tới họ chứ không chủ động tìm kiếm các nội dung công kích chế độ quân chủ.
Google cho biết năm ngoái họ đã loại bỏ 1.331 nội dung theo yêu cầu của chính quyền Thái Lan, tăng lên so với 74 nội dung của năm 2014.
Còn Facebook cho biết họ nhận được 5 yêu cầu liên quan đến các vụ án hình sự năm 2015 và đã không cung cấp dữ liệu cho bất kỳ vụ nào. Facebook và Google từ chối cho biết họ đã nhận được bao nhiêu yêu cầu kể từ khi Quốc vương Thái băng hà và nói rằng họ sẽ công bố trong báo cáo trực tuyến định kỳ một năm hai lần.

Bình Nhưỡng

có thể vực dậy quan hệ với Mỹ dưới thời ông Trump

Nếu chính quyền của Tổng thống tân cử Donald Trump rút binh sĩ và thiết bị ra khỏi Hàn Quốc, bảo đảm một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên thì có thể mở ra bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên, một đặc sứ của Bình Nhưỡng phát biểu với Reuters ngày 17/11.
Còn hiện nay, Bắc Triều Tiên sẽ theo đuổi chính sách “phát triển song song” cả chương trình hạt nhân và nền kinh tế, ông So Se Pyong, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh.
Ông So phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại phái bộ ngoại giao của Bắc Triều Tiên ở Geneva trong lúc các giới chức Bình Nhưỡng bắt đầu các cuộc thảo luận ‘không chính thức’ với giới học giả và các cựu quan chức của Mỹ tại Geneva.
Hai nước không có kênh đối thoại chính thức kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011.
Bắc Triều Tiên đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn bất chấp nghị quyết và lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 5, ông Trump từng tuyên bố sẵn sàng thảo luận với ông Kim Jong Un để tìm cách ngưng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng cũng kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn để kìm chế đồng minh cộng sản của họ.
Bình luận về phát biểu của ông Trump, đại sứ So nói ‘Cuộc gặp tùy vào quyết định của lãnh tụ tối cao chúng tôi.’
‘Nếu ông Trump thật sự từ bỏ chính sách thù địch đối với Bắc Triều Tiên, rút toàn bộ thiết bị quân sự ra khỏi Hàn Quốc, kể cả binh sĩ Mỹ, và tiến tới chung quyết một hiệp ước hòa bình, lúc đó tôi nghĩ sẽ là cơ hội để thảo luận quan hệ như từng làm trong thập niên 90.’
Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đóng ở Hàn Quốc giúp bảo vệ Seoul trước một Bắc Triều Tiên có trang bị võ khí hạt nhân.
Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, đã cam kết bảo vệ Hàn Quốc theo liên minh an ninh hiện hữu, văn phòng bà Park cho biết tuần trước.

Mỹ-Iran xung đột về thỏa thuận hạt nhân

Hoa Kỳ và Iran ngày 17/11 công khai tranh cãi tại cơ quan giám sát nguyên tử năng của Liên hiệp quốc lần đầu tiên kể từ khi hai bên ký một thỏa thuận hạt nhân cột mốc vào năm ngoái. Hai bên bất đồng về việc Iran liên tục thách thức một trong những giới hạn trong thỏa thuận không mấy được định nghĩa nghiêm ngặt .
Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA, kiểm tra việc thi hành thỏa thuận nói Iran lần thứ nhì trong năm nay đã vượt quá giới hạn lưu trữ nguyên liệu nhạy cảm, có nguy cơ phá hoại sự ủng hộ của nhiều nước đối với thỏa thuận này.
Chiến thắng của ông Donald Trump-người thường lên tiếng chỉ trích thỏa thuận- trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng nêu lên những nghi vấn là liệu Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này hay không. Thỏa thuận hạn chế những hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ những chế tài chống nước Cộng hòa Hồi Giáo này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại IAEA Laura Holgate trong một tuyên bố tại phiên họp hàng quý của Hội đồng Quản trị nói “Iran cần phải nghiêm chỉnh tôn trọng tất cả những cam kết và những biện pháp kỹ thuật trong suốt thời hạn của thỏa thuận.”
Tranh chấp đặt trọng tâm vào một phần của thỏa thuận giữa Tehran và 6 cường quốc lớn giới hạn kho nước nặng của Iran, nguyên liệu được dùng để điều chỉnh trong các lò phản ứng như lò phản ứng chưa hoàn tất của Iran tại Arak đã ngưng không sử dụng nữa.
Trái ngược với những hạn chế nghiêm ngặt được ghi trong thỏa thuận về những nguyên liệu trong đó có uranium tinh chế, văn bản thỏa thuận nói Iran không được trữ nhiều lượng nước nặng hơn mức cần thiết, và nhu cầu này ước lượng vào khoảng 130 tấn.
IAEA nói Iran chuẩn bị chuyên chở một số nước nặng ra khỏi nước để trở lại với giới hạn 130 tấn nhưng bà Holgate nói Iran được xem như không tuân thủ thỏa thuận cho đến khi nào nước nặng được chuyển giao cho người mua nước ngoài theo như yêu cầu của thỏa thuận.
Iran nói vấn đề không được phân biệt trắng đen như thế.
Đại sứ Iran tại IAEA Reza Najafi nói với các phóng viên bên ngoài phiên họp của Hội đồng quản trị rằng “Đâu là giới hạn?” Ông cho biết thêm Iran đã chuẩn bị xuất khẩu hơn 5 tấn nước nặng mà trước đây đã thông báo cho IAEA.

Đức trục xuất nhiều di dân trong năm 2016

Đức có thể trục xuất tới 26.500 di dân trong năm 2016, nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ 2003 tới nay, báo chí Đức ngày 17/11 dẫn các văn kiện cảnh sát liên bang cho biết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới. Bà từng bị chỉ trích về chính sách mở cửa cho di dân sau làn sóng di dân hơn một triệu người trong năm rồi.
Bà Merkel nhấn mạnh rằng cần phải xúc tiến trục xuất các di dân đã bị khước từ quy chế tị nạn.
Nhật báo The Rheinische Post đưa tin rằng tính tới cuối tháng 9 đã có 19.914 người bị Đức trục xuất, gần ¾ số này bị trục xuất sang phía Tây Balkan.

Mozambique: Nổ xe tải nhiên liệu, 73 người chết

Ít nhất 73 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương tại Mozambique hôm 17/11 khi một xe tải chở nhiên liệu nổ tung.
Những người chứng kiến cho hay chiếc xe lao tới, lật nhào tại một ngôi làng ở tỉnh Tete, gần biên giới Malawi.
Điều tra ban đầu cho thấy nhiệt cao xung quanh xe tải đã làm bốc hỏa nhiên liệu. Một toán các bộ trưởng trong chính phủ đã tới hiện trường để xem xét thảm họa.
Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Kinh tế nước này chưa khôi phục sau 15 năm nội chiến chấm dứt vào năm 1992. Quốc gia Đông Nam Phi này còn bị hoành hành bởi hạn hán và khan hiếm thực phẩm trầm trọng.

Lithuania lại nêu lo ngại về Nga

Lithuania cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thách thức Nato trong những tuần trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Ngoại trưởng Linas Linkevicius nói ông “rất lo ngại” cho các nước vùng Baltic, và thành phố Aleppo của Syria.
Lithuania tin rằng quan điểm u ám của họ về âm mưu của Nga được chứng minh nhờ vị trí địa lý và lịch sử.
Từng thuộc Liên Xô, Lithuania nay là thành viên của Nato và EU. Nước này có biên giới đất liền với Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic.
Tại thủ đô Vilnius, đang có một bức tranh tường vẽ ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm nhau thắm thiết.
Chính phủ Lithuania chia sẻ quan ngại căn bản của nghệ sĩ tác giả tranh rằng ông Trump và Putin quá gần nhau.
Nga khẳng định họ không phải là đe dọa, mà nói Nato đã khuấy động căng thẳng khu vực khi tiến về phía đông và di chuyển khí tài về biên giới Nga.
Ông Linkevicius nói có nguy hiểm là ông Putin sẽ xem giai đoạn từ nay đến lúc ông Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng là cơ hội thử thách khả năng chuẩn bị và quyết tâm ngoại giao của liên minh phương Tây.
Lithuania đã bày tỏ lo ngại Moscow củng cố và tăng cường khí tài ở các căn cứ quân sự tại Kaliningrad.
Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius nói với BBC: “Nga không phải là siêu cường, họ là siêu vấn đề.”
Lithuania xem khả năng Nga xâm lược nước này là rất nghiêm trọng.
Lithuania đã đưa trở lại chính sách tòng quân bắt buộc và xuất bản tài liệu khuyên người dân phải làm gì nếu Nga xâm lược.

Peggy Whitson: nữ du hành vũ trụ nhiều tuổi nhất

Nhà du hành vũ trụ Peggy Whitson đã phá kỷ lục khi bay vào vũ trụ trong chuyến bay thứ ba lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS- và hy vọng sẽ phá thêm nhiều kỷ lục khi bà đang làm việc ở đó.
Nhà du hành vũ trụ Nasa kỳ cựu này là người phụ nữ đầu tiên điều hành trạm ISS và tới giờ bà đang giữ kỷ lục là người phụ nữ sống trên vũ trụ lâu nhất.
Lần này, bà sẽ tròn 57 tuổi khi đang làm nhiệm vụ trong chuyến bay và là người phụ nữ nhiều tuổi nhất bay vào vũ trụ.
Bà đã cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan hôm thứ Sáu 18/11.
Bay cùng chuyến với bà trên tên lửa Soyuz là nhà vũ trụ học Oleg Novitsky và nhà du hành vũ trụ người Pháp mới bay lần đầu Thomas Pesquet.
Dự tính họ sẽ tới trạm ISS ngày thứ Bảy, cùng làm việc với một nhà khoa học người Mỹ và hai nhà khoa học người Nga đã ở trạm này. Họ sẽ tiến hành hàng loạt nghiên cứu khoa học cho tới tháng 5/2017.
Peggy Whitson, sinh ở bang Iowa, Mỹ, có bằng sau đại học về sinh hóa. Bà đã giữ một số vị trí nghiên cứu y học quan trọng trong Nasa và được chọn làm ứng cử viên du hành vũ trụ năm 1996.
Bà bay vào vũ trụ năm 2002 và trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành trạm ISS năm 2007. Bà sẽ phá thêm nhiều kỷ lục nữa khi bà phụ trách phòng thí nghiệm bay quanh quỹ đạo lần thứ hai vào tháng 2/2017.
Khi kết thúc nhiệm vụ lần này, bà sẽ là người sống trong vũ trụ lâu hơn bất kỳ nhà du hành vũ trụ nào khác, vượt qua kỷ lục 534 ngày do ông Jeff Williams đang giữ.
“Điều quan trọng nhất trên trạm vũ trụ là tình bằng hữu và công việc chúng tôi sẽ hoàn thành tại đây”, bà nói trong một cuộc họp báo trước khi phi đoàn cất cánh lúc 02:20 giờ địa phương sáng thứ Sáu (03:20 giờ Hà Nội).

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.