Tin Hoa Kỳ – 18/11/2016
Nhật-Mỹ : Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố
“tin cậy” vào Donald Trump
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là lãnh đạo quốc tế đầu tiên hội kiến tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump. Tokyo lo ngại chính quyền mới tại Mỹ sẽ quay lưng lại với châu Á về mặt an ninh và sẽ co cụm trong lãnh vực thương mại. Sau cuộc « thăm dò » dài 90 phút, thủ tướng Nhật tuyên bố « tin cậy »vào ông Donald Trump.
Cuộc tiếp xúc Abe-Trump diễn ra tại toà nhà Trump Tower, biểu tượng thành công của tỷ phú địa ốc ở New York vào thứ Năm 17/11/2016.
Theo AFP, mục tiêu của thủ tướng Nhật là muốn tìm hiểu đường lối của tổng thống tân cử của Mỹ thật sự sẽ như thế nào. Sau cuộc trao đổi 1 giờ 30 phút, thủ tướng Nhật cho biết ông « tin chắc rằng » ông Donald Trump sẽ là một nhà lãnh đạo mà Nhật Bản có thể « đặt niềm tin ». Tuy nhiên, thủ tướng Shinzo Abe, với hai mối ưu tư lớn là phải chấn hưng nền kinh tế Nhật và cùng lúc đương đầu với thế mạnh của Trung Quốc, từ chối bình luận cụ thể hơn.
Những lời tuyên bố gây sốc trong cuộc tranh cử của Donald Trump như rút quân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, hủy bỏ ô dù nguyên tử bảo vệ các đồng minh châu Á, khai tử hiệp định tự do mậu dịch TPP và tăng cường bảo hộ thị trường nội điạ đang làm Tokyo (và Seoul) lo lắng.
Thủ tướng Shinzo Aba đã đem hết uy tín của mình để thuyết phục công luận và chính giới Nhật Bản chấp thuận hiệp định Tự Do Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong cuộc gặp Abe-Trump, giới quan sát chú ý có cô con gái của ông Trump là Ivanka. Theo một số nhật báo bình dân tại Tokyo, thì Ivanka Trump rất có thể sẽ được cha bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Tokyo.
Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sắp tăng lãi suất
Jim Randle
WASHINGTON —
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, gọi tắt là Fed, bà Janet Yellen nói rằng kinh tế Mỹ đang tiến triển ổn định và có lẽ sắp đến lúc không cần phải kích thích bằng biện pháp giảm lãi suất xuống mức cực thấp nữa. Bà Yellen phát biểu tại một ủy ban trọng yếu của Quốc hội hôm thứ Năm rằng lãi suất có thể sẽ được tăng lên trong thời gian tương đối gần sắp tới, nhưng sẽ được áp dụng từng giai đoạn một. Bà nói:
“Điều kiện thích hợp cho một đợt tăng lãi suất lên mức nằm trong phạm vi được nhắm đến tiếp tục tiến triển ổn định.”
Nhiều người thất nghiệp và mất nhà cửa trong thời kỳ suy thoái kinh tế, và kinh tế suy giảm khiến Cục Dự trữ Liên bang phải hạ lãi suất xuống mức gần bằng không để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp 10% vào thời điểm xấu nhất của cuộc suy thoái đã được cải thiện dần đến nay còn 4,9%.
Lãi suất thấp giúp tăng công việc làm, nhưng cũng có thể châm ngòi cho lạm phát nguy hại. Fed đã tăng nhẹ lãi suất hồi tháng 12 năm ngoái, và nhiều nhà đầu tư dự đoán lãi suất sẽ được tăng lên một đợt nữa vào tháng tới.
Bà Yellen nói rằng giữ cho lãi suất thấp quá lâu có thể khuyến khích các hình thức đầu tư nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến tình hình tài chánh ổn định. Nếu giữ cho lãi suất ở mức quá thấp, lạm phát có thể tăng đột biến buộc Fed phải chận lại bằng cách tăng nhanh lãi suất lên sẽ phá hỏng kế hoạch của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Bà Yellen cho biết:
“Nếu các ủy viên của hội đồng quản trị Fed trì hoãn quá lâu việc tăng lãi suất lên sẽ có nguy cơ đến một lúc nào đó phải tăng lãi suất lên đột ngột.”
Tổng thống tân cử Donald Trump đề nghị giảm thuế và tăng chi tiêu cho các dự án xây dựng đường xá và quân sự nhằm thúc đẩy tăng trưởng công việc làm. Những người chỉ trích nói rằng các chính sách đó cũng có thể làm tăng lạm phát.
Ông Trump đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang, và bà Yellen hôm thứ Năm đã bị chất vấn về các chính sách của ông Trump đề suất sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Bà Yellen nói các giới chức điều hành Fed sẽ chờ xem:
“Khi các chính sách kinh tế thể hiện rõ nét hơn và có thể có hiệu lực, thì hội đồng quản trị sẽ phân tích cách thẩm định về những tác động lên thị trường công việc làm và lạm phát, và có thể sẽ điều chỉnh dự đoán của chúng tôi tùy thuộc vào tình hình thực tế.”
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang nói trong thời gian này thị trường công việc làm vẫn còn chỗ để mở rộng, nhất là cho người Mỹ gốc châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Ông Trump đã chọn bộ trưởng tư pháp, giám đốc CIA
Truyền thông Mỹ loan tin Tổng thống đắc cử Donald Trump đã quyết định chọn ông Jeff Sessions, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện bang Alabama, làm bộ trưởng tư pháp trong chính quyền của ông.
Nhóm chuyển tiếp của ông Trump chưa xác nhận quyết định này nhưng nhiều bản tin dẫn những nguồn tin giấu tên nắm rõ quá trình tuyển chọn cho biết như vậy. Chưa rõ liệu ông Trump đã chính thức mời ông Sessions vào chức vụ này hay chưa. Ông Sessions là một nhà lập pháp lâu năm và đã mạnh mẽ ủng hộ ông Trump. Ông đã cố vấn cho ông Trump kể từ đầu chiến dịch tranh cử.
Thượng nghị sĩ 69 tuổi này phục vụ trong Thượng viện Hoa Kỳ kể từ năm 1997 và trước đây từng là công tố viên liên bang tại bang nhà Alabama của ông.
Bộ trưởng tư pháp là công tố viên và quan chức chấp pháp cao nhất của Mỹ.
Tin cũng cho hay ông Trump đã đề cử Dân biểu Mike Pompeo làm giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Tin nói ông Pompeo, một dân biểu quốc hội ba nhiệm kỳ đến từ bang Kansas thuộc vùng trung tây, đã nhận lời mời làm việc của ông Trump.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa tại học viện quân sự West Point vào năm 1986, dân biểu 52 tuổi này từng là sĩ quan thuộc Lực lượng Kỵ binh Lục quân Hoa Kỳ.
Ông Pompeo là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện và là người sáng lập Thayer Space, một công ty chuyên sản xuất cấu phần cho máy bay thương mại và quân sự.
Ông Trump có thể cấm cửa người tị nạn không?
Khi còn là ứng cử viên Tổng thống, Tổng thống tân cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ không nhận người tị nạn, đặc biệt những người tị nạn từ Syria. Ông nói ông sẽ cấm di dân Hồi Giáo nói chung. Và trong tháng 11, ông cổ súy việc hạn chế di dân “từ những vùng dễ có khủng bố.”
Tuy nhiên liệu Tổng thống Trump có thể ngưng ngay lập tức làn sóng người tị nạn đến Mỹ hay không? Câu trả lời ngắn là có thể.
Ông Jeremy Mayer, phó giáo sư về chính trị học tại Trường đại học George Mason nói “Ngày thứ nhất ông có thể thay đổi mọi việc.”
Còn khoảng 9 tuần lễ nữa trước khi Tổng thống thứ 45 tuyên thệ nhậm chức, nhưng kế hoạch của ông liên hệ đến người tị nạn vẫn chưa rõ rệt. Tuy nhiên trong phạm vi quyền hạn của ông, ông có thể quyết định nhóm người tị nạn nào- được định nghĩa là những người trốn khỏi sự đàn áp tại nước họ-sẽ bị cắt giảm. Và ông không cần sự ủng hộ của Quốc hội.
Có khoảng 14.500 người Syria được chấp thuận tái định cư tại Mỹ và đã đến Hoa Kỳ kể từ tháng 10 năm ngoái. Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ước lượng có gần 1,2 triệu người tị nạn cần được tái định cư vĩnh viễn vì họ không thể trở về nước họ trong đó người Syria chiếm khoảng 40% con số người tị nạn trên toàn thế giới.
Hoa Kỳ có một lịch sử từ nhiều thập niên tái định cư người tị nạn. Không có sự hỗ trợ của quốc hội, Tổng thống không thể thay đổi luật trọng tâm của chương trình người tị nạn.
Tuy nhiên theo luật này, Tổng thống có quyền đơn phương rộng rãi về việc chấp nhận bao nhiêu người tị nạn và họ từ đâu đến. Trước năm tài khóa bắt đầu mỗi năm, Tổng thống ấn định bao nhiêu người tị nạn được phép vào nước Mỹ.
Tổng thống Barack Obama đã nâng con số này lên từ 70.000 lên 85.000 người trong năm tài chánh 2016, phần lớn để phù hợp với con số người tị nạn Syria ngày càng tăng. Chính quyền Obama đã nâng mức trần này lên 110.000 trong năm tài chánh năm nay, được nới rộng sang tháng 9 năm 2017.
Ông Trump có thể dùng quyền hành pháp để giữ mức này, giảm bớt, ngưng chương trình, hay giới hạn người tị nạn từ các nước nhất định. Các chuyên gia nói ông Trump có thể tạo ra một khung cảnh có thể cấm người Hồi Giáo bằng cách ra lệnh chỉ có một số nhóm người bị đàn áp nào đó, chẳng hạn như những người theo Cơ Đốc Giáo tại Syria hay Iraq – được cứu xét để cho vào nước Mỹ trong khi loại bỏ người Hồi Giáo trong nhóm được bảo vệ này, dù họ có thể trốn chạy để tránh nguy hiểm như những người theo Cơ Đốc Giáo.
Tân Ngoại trưởng Mỹ có thể là Mitt Romney
Tổng thống tân cử Donald Trump đang cân nhắc ông Mitt Romney cho vị trí tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Reuters dẫn tin NBC News ngày 17/11 cho biết.
Ông Romney là ứng viên Tổng thống năm 2012.
Cựu Thống đốc bang Massachusetts sẽ gặp ông Trump vào Chủ nhật tuần này để thảo luận về việc này, NBC News loan tin.
Dân Mỹ muốn Trump ưu tiên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Chăm sóc sức khỏe là vấn đề hàng đầu dân Mỹ muốn Tổng thống tân cử Donald Trump phải giải quyết trong 100 ngày đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc, theo cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện công bố ngày 17/11.
Khoảng 21% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ muốn ông Trump tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe khi bước vào Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/1, theo cuộc thăm dò từ ngày 9 đến ngày 14 tháng này được thực hiện trong tuần lễ sau khi ông Trump thắng cử.
Công ăn việc làm là vấn đề tiếp theo, với 16% người Mỹ hy vọng vấn đề này sẽ trở thành mục hàng đầu trong nghị sự của ông Trump. Vấn đề di dân là quan tâm kế tiếp, 14% dân Mỹ muốn ông Trump chú trọng việc này trong những ngày đầu nắm chính quyền. 11% xem vấn đề về quan hệ sắc tộc nên được ông Trump ưu tiên.
Cuộc thăm dò cho thấy những ưu tiên nào dân Mỹ đang kỳ vọng ở tân Tổng thống nhưng không đo lường chính xác là họ muốn ông phải làm gì.
Đạo luật chăm sóc y tế giá phải chăng của Tổng thống Obama năm 2010 được ca ngợi là giúp mở rộng bảo hiểm sức khỏe cho 25 triệu người, nhưng luật này bị suy yếu vì nhiều thách thức pháp lý. Một số công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất đã rút ra khỏi chương trình sau khi thua lỗ, và chi phí người tiêu dùng phải trả hàng tháng đã tăng lên đối với những thành phần không nhận được trợ cấp bảo hiểm của nhà nước.
Ông Trump từng hứa sẽ bỏ Obamacare để thay thế bằng những gì hữu hiệu hơn dù chưa nói rõ ông sẽ đề nghị thay thế ra sao. Cũng chưa rõ chính quyền Trump và tân Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ thay đổi Obamacare tới mức nào.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện trên mạng tại 50 tiểu bang, với sự tham gia của 1.782 người.
Con rể ông Trump sẽ tham chính?
WASHINGTON —
Con rể của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Jared Kushner, đã đóng một vai trò quan trọng ở hậu trường để giúp cha vợ chiến thắng các cuộc bầu cử sơ bộ và sau cùng, giành được chiếc ghế trong Tòa Bạch Ốc. Giờ đây có tin cho hay ông Kushner sẽ có một vị trí quan trọng trong chính quyền Tổng thống Trump.
Tin tức cho hay nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã yêu cầu tiến hành kiểm tra hồ sơ an ninh của ông Kushner, một thủ tục bắt buộc khi vào làm công chức chính phủ Mỹ, mặc dù chưa có loan báo nào về khả năng ông Kushner có thể nắm một chức vụ hay đóng vai trò chính thức nào trong Tòa Bạch Ốc.
Là chồng của Ivanka, ái nữ của ông Trump, ông Kushner được cho là có nhiều cơ may sẽ phục vụ trong tư cách một cố vấn đặc biệt.
Đầu tuần này, người phát ngôn của ông Trump, bà Hope Hicks nói với AP rằng nhóm chuyển giao quyền lực sẵn lòng ủng hộ ông Kushner tham gia chính phủ.
Luật chống nạn gia đình trị
Ông Trump có rất nhiều sự lựa chọn nếu ông muốn con rể ông tham gia chính quyền, mặc dù hiện chưa rõ liệu luật liên bang chống nạn gia đình trị có cản trở ông Trump tiến cử con rể Kushner vào một vị trí được trả lương tại Tòa Bạch Ốc hay không.
Luật pháp Mỹ cấm bổ nhiệm người thân vào các vị trí trong nội các liên bang, như Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao, nhưng các chuyên gia pháp lý nói hình như luật này không được áp dụng cho nhân viên Tòa Bạch Ốc.
Ngay cả trong trường hợp luật được áp dụng đối với ông Kushner, luật này cũng chỉ áp dụng đối với các nhân viên được trả lương, trong khi ông Kushner đã ra dấu hiệu ông sẽ không nhận lương cho bất kỳ công việc nào trong Tòa Bạch Ốc.
Như ông Trump, ông Kushner là con trai của một tài phiệt bất động sản và bản thân cũng là một nhà phát triển địa ốc thành công. Nhưng khác với cha vợ, ông Kushner hình như không muốn bị người khác chú ý, như trong giai đoạn ông còn giúp lèo lái chiến dịch tranh cử của ông Trump tới thành công.
Ông Kushner tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump ngay sau cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa hồi tháng Hai và đã đóng một vai trò quan trọng dẫn tới sự thành công của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo nguồn tin thân cận với chiến dịch tranh cử, ông Kushner đã trở thành tai mắt của ông Trump tại bản doanh của chiến dịch vận động, trong khi ông Trump và người phụ trách chiến dịch vận động lúc bấy giờ, là Corey Lewandowski đi khắp nước Mỹ để tham gia các sự kiện.
Mặc dù chưa từng nắm một chức vụ chính trị chính thức nào, ông Kushner đã trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Trump và hiện đang tích cực tham gia để đưa ra những quyết định về nhân sự của nhóm chuyển giao quyền lực.
Ông Kushner là một trong vài cố vấn đã cùng đi với ông Trump tới Tòa Bạch Ốc hồi tuần rồi để gặp Tổng thống Obama.
0 comments