Tin Việt Nam – 12/11/2016
Thêm một công dân Việt Nam bị bắt
với cáo buộc hoạt động chính trị
Thêm một công dân Việt Nam bị công an bắt giữ, đánh đập, cáo buộc tội hoạt động đảng phái chính trị.
Anh Đỗ Phi Trường một công dân cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh bị công an bắt vào hai ngày trước đây sau khi ông Lưu Văn Vịnh và một người bạn bị bắt tại nhà với cáo buộc vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự.
Sau khi được thả ra anh Đỗ Phi Trường cho Đài Á Châu Tự Do biết chi tiết việc bắt giữ anh như sau:
“Công an mời tôi lên đồn vì có liên quan tới nhóm Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự Quyết do anh Vịnh lãnh đạo hoạt động cho chương trình thiện nguyện cho các nơi nghèo. Họ gài tôi vô với cái tội là Phó chủ tịch Liên minh, họ bắt tôi nhận tội nhưng tôi không nhận vì tôi không phải là Phó chủ tịch. Họ bắt tôi lên phường họ giữ tôi hai ngày rưỡi, họ đánh đập không cho ăn uống và sau đó đưa tôi lên an ninh thành phố nửa ngày. Sau 9 giờ tôi được tự do nhưng hôm nay tôi phải làm việc với họ nửa ngày nữa. Họ kêu tôi ghi lời khai những gì đã diễn ra trong những ngày qua và hỏi tôi có liên quan gì đến Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết và cái tổ chức đó đã làm gì nhưng những gì tôi biết tôi đã khai hết rồi.”
Anh Đỗ Phi Trường cũng cho biết công an có thể triệu tập anh bất cứ lúc nào trong khi anh hoàn toàn không phải là người có các hoạt động mà họ cáo buộc.
Tổng thống Trump là ‘cú đòn mạnh’ giáng vào lưỡng đảng
Việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống sau khi đánh bại đối thủ, bà Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 08/11/2016 là một cú đòn giáng mạnh vào giới lãnh đạo của Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo một học giả từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Nêu quan điểm riêng về sự kiện đang gây chú ý trên khắp toàn cầu này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia chính trị và bang giao quốc tế, đồng thời là nhà nghiên cứu khách mời tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói với bàn tròn trực tuyến tuần này của BBC:
“Trước hết, nhận xét tiên khởi của tôi, tôi thấy đây là một ‘cái tát’ vào mặt giới lãnh đạo Hoa Kỳ, kể cả bên Dân chủ lẫn bên Cộng hòa. Nó là hiện tượng mà tôi gọi là từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình.
“Người dân bầu ra cho mình, thì mình phải đại diện họ. Họ kỳ vọng rằng mình là người tài giỏi hơn họ, hiểu biết, thì mình có thể hướng dẫn họ, nhưng mấy ông này không chịu hướng dẫn dân và chỉ (dùng) giải pháp giản dị là mị dân.
Tôi thấy đây là một ‘cái tát’ vào mặt giới lãnh đạo Hoa Kỳ, kể cả bên Dân chủ lẫn bên Cộng hòa. Nó là hiện tượng mà tôi gọi là từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình.Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
“Tôi thấy hiện tượng đó xảy ra ở cả Âu châu và nước Mỹ nữa, Brexit (rời khỏi Liên minh châu Âu) của nước Anh là một trường hợp, ông lãnh đạo (nước) Anh đâu có cần đi ra khỏi cộng đồng, không phải hỏi ý kiến ai, nhưng ông thấy các thăm dò dư luận bất lợi với ông, là ông đổ cho dân bắt buộc phải theo, nếu nhân dân chống lại, thì ông buồn, ông thua và cả nước Anh cũng thua.
“Trong trường hợp của nước Mỹ cũng vậy, những ông đảng Cộng hòa bảo thủ thì không thích ông Trump, nhưng lại không dám đả động, đụng tới khối người thầm lặng chống đối, những phần tử cực đoan của ông Trump.
“Thành ra không dám đoàn kết lại ‘đánh’ ông Trump từ đầu, hy vọng rằng ông sẽ ngã ngựa trước đường, bởi vì cử tri, chính tình trạng đó gây chuyển động cho ông Trump,” học giả từ Đại học George Masson nói.
Đối phó với lời hứa
Tuy nhiên, vẫn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump của nước Mỹ tới đây sẽ phải đối diện thách thức với chính những điều mà ông đã hứa hẹn trong quá trình tranh cử, ông nói:
“Bây giờ ông Trump sẽ phải đối phó rất nhiều với những lời hứa của ông ấy, mà lời hứa rất là khó thực hiện.
“Thí dụ như xây bức tường và rồi bắt Mexico phải trả tiền. Thứ hai, giải quyết làm sao vừa giải quyết, vừa đuổi được 11 triệu người di dân không có giấy tờ hợp lệ, toàn những điều khó cả.
“Ngoài ra ông lại còn hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng, giảm thuế, thì trường hợp này đúng như trường hợp của ông (Ronald) Reagan và ông George Bush, đã đưa đưa nước Mỹ đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng, vì thế bây giờ ông ấy rất là khó khăn, không phải là dễ.
“Nhìn về đối nội, đối ngoại, đối nội, tôi thấy ông sẽ có khả năng bổ nhiệm được một số (nhân sự) cao cấp (vào) Tối cao Pháp viện, do đó trong rất nhiều năm, có thể các thế hệ nước Mỹ về chính sách đối nội sẽ đi vào con đường bảo thủ.
Bây giờ ông Trump sẽ phải đối phó rất nhiều với những lời hứa của ông ấy, mà lời hứa rất là khó thực hiệnGiáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
“Về phương diện đối ngoại, chúng ta thấy ngay tờ Wall Street Journal nói rằng ông Trump chưa chuẩn bị, bởi vì trong cuộc tranh cử, thường thường người ta đưa ra rất nhiều tài liệu chính sách và chính sách rất rõ rệt, dài tràng giang, ông này, cố vấn của ông chỉ đưa ra những điểm luận bàn khoảng vài ba trang…”
Trong một chia sẻ thêm ngay sau khi tham gia Bàn tròn thứ Năm của BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận thêm về khía cạnh chính sách đối ngoại của vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông nói:
“Ông Trump tuyên bố trong ngày đầu tiên sẽ làm một số việc, trong đó có tuyên bố sẽ điều đình lại Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).”
Cũng học giả này trên truyền thông quốc tế bằng tiếng Việt nhận định: “Đây là một quyết định có hệ quả quan trọng đối với chính sách xoay trục của chính quyền Obama. Làm được việc ấy, ông Trump có cái thích thú là phá bỏ một di sản ngoại giao quan trọng của Obama, nhưng đồng thời ông Trump cũng phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ.
“TPP không chỉ là một hiệp ước kinh tế mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nó là xương sống của chính sách xoay trục của Mỹ về Á Châu. Bỏ TPP, chính sách xoay trục bị giảm rất nhiều hiệu lực,” học giả nói với đài RFI hôm thứ Sáu.
Và học giả này đặt câu hỏi với BBC về chính sách của ông Trump với cả NAFTA lẫn TPP: “Có ai nghĩ được giải pháp cho vấn đề này chưa?”
Nước Mỹ sẽ chấp nhận?
Còn từ tiểu bang California, nhà báo Đỗ Dũng của tờ Người Việt chia sẻ thêm với Bàn tròn của BBC hôm 10/11 về phản ứng của nước Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử, ký giả nói:
“Nước Mỹ theo thống kê, hơn 50 triệu người bầu cho bà Clinton và cũng gần hơn số đó bầu cho ông Trump, chúng ta có thể nói là nửa này, nửa kia, tất nhiên những người hài lòng, người ta rất là vui khi thấy ông Trump thắng và ủng hộ.
“Còn những người không hài lòng, tôi thấy cũng nhiều và ngày 9/11, chúng ta theo dõi tin tức thấy rằng hơn mười thành phố lớn ở nước Mỹ đã ra biểu tình, họ thể hiện sự không hài lòng đó.
“Và chúng ta thấy người thể hiện đa số là người trẻ…, họ đốt cờ v.v… Tất nhiên phải mất một thời gian họ mới chấp nhận kết quả này, bởi vì nó quá sốc, không phải chỉ với dân Mỹ mà cả thế giới.
Chúng ta thấy người thể hiện đa số là người trẻ…, họ đốt cờ v.v… Tất nhiên phải mất một thời gian họ mới chấp nhận kết quả này, bởi vì nó quá sốc, không phải chỉ với dân Mỹ mà cả thế giớiNhà báo Đỗ Dũng
“Mặc dù ông Obama và bà Clinton cũng kêu gọi mọi người bỏ qua mọi chuyện và tiếp tục đưa nước Mỹ đi lên và chấp nhận Tổng thống mới sẽ là ông Donald Trump, nhưng nó quá bất ngờ, thành ra đối với một số người còn ‘đau đớn lắm’. Và điều đó là dễ hiểu.”
Về sự chia rẽ của nước Mỹ, nhìn từ góc độ của người dân và từ cộng đồng, nhà báo Đỗ Dũng cho rằng đây chỉ là phản ứng nhất thời và ông nói thêm:
“Cái mà tôi thấy rõ ràng nhất là qua tám năm của Tổng thống Barack Obama, có nhiều người cảm thấy cuộc sống của họ bị đe dọa, nhất là những người Mỹ da trắng ở những vùng nông thôn hoặc những vùng kỹ nghệ, những tiểu bang mà vừa rồi ông Donald Trump bất ngờ thắng như là ở Michigan, Pensylvania… mà người ta gọi là vùng Rust Belt.
“Đây là cái mà người ta nói là nếu bà Clinton lên thì sẽ tiếp tục (chính sách) của ông Obama trong 8 năm thành 12 năm, thậm chí thành 16 năm, thành thử họ phản ứng như vậy, và chúng ta thấy rằng trong cuộc bầu cử này, khi người dân Mỹ phản ứng (phản đối), thì nhóm nào đi bầu nhiều nhất, nhóm ấy thắng và cuối cùng nhóm phản ứng (phản đổi) bà Clinton (đã) đi bầu nhiều hơn nhóm ủng hộ bà, chuyện rất đơn giản như vậy,”nhà báo Đỗ Dũng nói với BBC từ California, Hoa Kỳ.
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi thêm các bài vở mà BBC Việt ngữ đã giới thiệu ý kiến trao đổi tại Bàn tròn hậu bầu cử Mỹ tại đây hay tại đây.
Quý vị cũng có thể bấm vào đây để theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn trực tuyến với sự tham gia của các học giả, nhà báo từ Việt Nam, hải ngoại và Hoa Kỳ.
Việt Nam cần 40 tỷ USD
để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam
Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải của Việt Nam, ông Trương Quang Nghĩa cho biết số tiền cần có để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam là 40 tỷ đô la Mỹ.
Ông Nghĩa nói với các đại biểu quốc hội trong một phiên họp quốc hội sáng nay tại Hà nội bàn về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này.
Ông Nghĩa nói thêm là khi xây xong thì tốc độ tối đa của tàu hỏa chạy trên tuyến đường này là 200 cây số một giờ. Tuy nhiên ông nói rằng kế hoạch cần một nguồn vốn 40 tỉ đô la sẽ khó được thực hiện nếu như ngành đường sắt không được vay vốn mà chỉ trông chờ vào số tiền cấp phát từ ngân sách nhà nước như hiện nay.
Tất cả các ý kiến của các đại biểu quốc hội được báo chí Việt Nam trích dẫn đều có vẻ ủng hộ cho dự án đường sắt cao tốc này.
Hà Tĩnh biện bạch
vụ bắt giáo viên ca hát phục vụ hội nghị đầu tư
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam rõ ràng đã giao cho tỉnh Hà Tĩnh nhiệm vụ làm kinh tế bất chấp mọi khía cạnh khác của đời sống như văn hóa, xã hội hay môi trường.
Một giới chức trong tỉnh này vừa viện dẫn cái gọi là “nhiệm vụ chính trị”, để biện hộ cho việc nhà cầm quyền địa phương điều động giáo viên đến ca hát phục vụ một hội nghị dành cho các nhà đầu tư. Theo báo Dân Việt, trong hội nghị đầu tư diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng 8 vừa qua, ủy ban thị xã Hồng Lĩnh điều động 44 viên chức, trong đó có 21 giáo viên tham gia chương trình văn nghệ gọi là “Liên Hoan Dân Ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh”. Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc, ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân của họ.
Nói chuyện với báo mạng VietnamNet hôm 11 tháng 11, ông Nguyễn Văn Hổ, chủ tịch ủy ban thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, giải thích rằng, “Việc tuyển các cô giáo có ngoại hình đẹp, cùng với nghiệp vụ sư phạm sẽ khiến việc tiếp khách hiệu quả hơn.” Ông Hổ nhấn mạnh rằng những cô giao được cử đến phục vụ hội nghị đầu tư đều phải hãnh diện mới phải, vì họ là người được chọn đại diện “tiếp khách cho địa phương”.
Quan chức này còn ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục điều động giáo viên phục vụ cho những sự kiện lớn của địa phương trong thời gian tới.
Huy Lam / SBTN
Việt Nam lo xuất cảng sụt giảm
vì chính sách mới của ông Trump
Ông Trump đã được bầu làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sau cuộc chạy đua đầy khó khăn với bà Clinton. Ông Trump đã dọa bác bỏ nhiều chính sách của tổng thống Obama, có thể sẽ huỷ bỏ hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.
Tại cuộc hội thảo về thị trường tài chính diễn ra vào ngày 10/11 do Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia CSVN tổ chức, ông Lương Văn Khôi, người đứng đầu Trung Tâm Thông Tin Kinh Tế Xã Hội Và Dự Báo Kinh Tế Thế Giới nói thế giới chấn động vì nước Anh rút khỏi Liên Âu, và nay vì Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Nền kinh tế thế giới sẽ phải đối phó với nhiều rủi ro vì sự biến động giá dầu. Chính sách toàn cầu hoá và tự do thương mại sẽ bị tác động mạnh bởi các phong trào chống toàn cầu hoá và chủ nghĩa dân tộc. Giá trị xuất cảng cũng như tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh, do ông Trump có thể áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch và tăng thuế nhập cảng. Điều đó chắc chắn sẽ tác động xấu đến ngành xuất cảng của Việt Nam gồm dệt may, giày dép, thuỷ sản và sản phẩm gỗ trang trí nội thất.
Theo Forbes, giới lãnh đạo CSVN đã bắt đầu tìm kiếm một loạt thoả thuận hai chiều, có thể giúp họ duy trì nền kinh tế 193 tỉ Mỹ kim dựa phần lớn vào xuất cảng. Một thông báo của ngân hàng đầu tư Natixic của Pháp hôm thứ Năm 10/11 cho rằng Việt Nam sẽ phải than khóc trước cái chết của TPP.
Song Châu / SBTN
“Tiến sĩ để làm gì?”
TTO - Học vị tiến sĩ có vẻ đang được xem là thứ trang sức mà khi khoác lên, nhiều người nghĩ mình sẽ có một giá trị khác.
Tiến sĩ để làm gì? Bao nhiêu phần trăm tiến sĩ có đáp án cho câu hỏi này là để làm khoa học? GS.TSKH Trần Văn Nhung – tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước – đưa ra so sánh rất thú vị: 45 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.
Còn ở Việt Nam, số lượng người làm cơ quan quản lý, làm hành chính có học vị tiến sĩ đang quá nhiều.
Học vị tiến sĩ có vẻ đang được xem là thứ trang sức mà khi khoác lên, nhiều người nghĩ mình sẽ có một giá trị khác.
Thực tế muốn nâng cao chất lượng tiến sĩ thì trước hết phải định nghĩa được tiến sĩ là ai, xác định rõ tiến sĩ để làm gì.
Trên thế giới, nhiều nước định nghĩa rất ngắn gọn người được trao bằng tiến sĩ dứt khoát không thể không có cái mới, không có phát minh, cho dù những cái mới ấy có tầm vóc khác nhau.
Trong khi tại Việt Nam, dù đã sở hữu đến hơn 20.000 tiến sĩ nhưng vẫn đang loay hoay tìm cách đặt “hàng rào” ngoại ngữ từ đầu vào, nâng chuẩn đầu ra bằng công bố quốc tế hay những nghiên cứu có giá trị…
Đến lúc này, Bộ GD-ĐT đã buộc lòng phải thừa nhận việc tăng quy mô đào tạo tiến sĩ trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng
tiến sĩ.
Có chuyên gia đặt vấn đề: đã lo “nâng chất” tiến sĩ thì cũng nên bàn đến nơi đến chốn về chất lượng PGS, GS vốn là đích phấn đấu tiếp theo của nhiều tiến sĩ.
Không khó để nhận ra cũng như học vị tiến sĩ, nhiều quan chức Việt Nam dù không giảng dạy, phải vào cơ sở đào tạo để “xin” giờ dạy, rồi quay đi quay lại cũng được công nhận PGS, GS tự bao giờ.
Hóa ra cuộc đua bằng cấp không dừng lại ở bậc tiến sĩ.
Đứng trước số PGS, GS tăng đều, thậm chí tăng mạnh lên đến hơn 700 GS, PGS được công nhận mới năm 2016, chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định “số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn”.
Nghe sơ qua thì có lý, nhưng nhìn số lượng GS, PGS tăng hằng năm lại không khỏi ngẫm ngợi. Một cơ sở đào tạo thuộc khối khoa học xã hội một năm có đến 350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, nghĩa là cứ tính trung bình thì gần như mỗi ngày “ra lò” một tân tiến sĩ.
Một cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước, quy mô đào tạo tiến sĩ đến cả ngàn người, nhưng số lượng nghiên cứu sinh của ngành khoa học tự nhiên chỉ bằng 1/4 so với khối khoa học xã hội và nhân văn.
Hẳn nhiên những con số ấy sẽ chẳng đáng bàn nếu như các đề tài nghiên cứu của các tiến sĩ từ các cơ sở đào tạo thật sự có giá trị khoa học, hay đem lại những lợi ích trong thực tiễn. Đằng này…
Bất cập trong đào tạo, sự nghi ngờ về chất lượng tiến sĩ đã làm “vàng thau lẫn lộn”, khiến dư luận đánh đồng những tiến sĩ thật sự chất lượng, có đề tài nghiên cứu giá trị với những tiến sĩ thiếu thực học, thực tài.
“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” không chỉ đúng trong câu chuyện nói về người tài, về đội ngũ trí thức tinh hoa.
Đừng đem số nhiều đọ với tinh hoa, cũng đừng đơn thuần so với thế giới để thấy số lượng ấy “chưa thấm vào đâu”, trong khi GS ở nhiều nước đơn giản là do trường ĐH bổ nhiệm, là danh xưng dành cho người giảng dạy ĐH, còn Việt Nam đã lâu xem GS là tinh hoa đất nước.
Cho nên, xét đến cùng, cũng không nên nói chuyện nhiều hay ít, mà hãy xem học vị, học hàm ấy có xứng đáng hay không.
Đành rằng có nhiều cách lý giải về số lượng tiến sĩ, PGS, GS Việt Nam đang tăng mạnh – trong đó có cả cách lý giải tăng thế vẫn chưa thấm vào đâu, chưa đuổi kịp thế giới… nhưng bản chất chỉ có một.
Chất lượng khoa học có nâng lên, xã hội có được hưởng lợi tương xứng nhờ các nghiên cứu khoa học, từ nguồn nhân lực đào tạo do tăng số lượng các chức danh này đem lại?
Từ góc nhìn ấy thì nỗi lo về nguy cơ “lạm phát” chức danh GS, PGS so với mặt bằng trình độ khoa học – công nghệ thực tế, cũng như không ít trường hợp tiến sĩ đào tạo ra không biết để làm gì là chuyện rõ như ban ngày…
NGỌC HÀ
Vì sao Trump sẽ là Tổng thống Mỹ thành công?
Việc Donald Trump, một người thiếu kinh nghiệm chính trị, đắc cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhiều người lo sợ. Tuy nhiên, có một số lý do cho thấy ông Trump có thể là một Tổng thống Mỹ thành công.
Biết mình biết người
Thứ nhất, để đi tới chiếc ghế Tổng thống, với tư cách là một doanh nhân, thay vì chính trị gia, Trump chắc hẳn là một người thông minh. Thứ hai, ông biết rõ một điều mà chúng ta ai cũng rõ. Đa phần những gì ông hứa nếu đắc cử chả có ý nghĩa gì, và đó là lý do ông có thể không thực hiện lời hứa, giáo sư Richard W. Painter thuộc trường luật Đại học Minnesota bình luận trên báo NY Times .
Ngoài ra, theo nhà bình luận Sandhu của Lancashire Eveningpost, khi làm Tổng thống, không phải ông Trump muốn gì cũng đều thực hiện được. Bởi dù quyền hạn của Tổng thống Mỹ đã được mở rộng, song Trump sẽ phải đối mặt với rất nhiều hạn chế nếu muốn thay đổi. Trump có thể ký kết hiệp ước, nhưng chỉ khi 2/3 số thượng nghị sĩ cũng đồng ý với việc đó.
Đó là theo Điều 2 của Hiến pháp Mỹ, điều luật vạch ra những quyền lực của Tổng thống. Trump không thể tạo ra luật nhưng có thể phủ quyết các dự luật, và Tổng thống Trump cũng không thể nâng hay hạ thuế mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Ông Trump cũng phải cấp ngân sách theo những gì Quốc hội đã phê chuẩn. Trong trường hợp cần cấp tiền cho hạng mục gì, Trump sẽ phải thuyết phục Quốc hội.
Có ưu điểm lớn
Ngoài những luật và dự luật, còn nhiều thứ Trump có thể đem vào phòng Bầu Dục mà cử tri thấy thích thú. Có một điểm các cử tri bị hút vào Trump. Đó là niềm tin rằng, một doanh nhân doanh giàu có sẽ không bao giờ tham nhũng.
Với những người trong nội bộ Trump, các kỹ năng kinh doanh là một điểm mạnh của Trump. Cố vấn của Trump là Anthony Scaramucci nói trên BBC rằng sau khi truyền thông điên đảo vì Trump thắng cử, họ sẽ thấy ông ấy là nhà thương thuyết đại tài. “Sự cao thượng của Trump cũng sẽ khiến tất cả mọi người bị sốc”.
Scaramucci nói, “Trump là một người rất, rất tốt và ông ấy có thể điều hành đất nước thành công vì xung quanh luôn có những người tài giỏi”.
Điều hành một tập đoàn và một siêu cường có hai điểm khác biệt. Tuy nhiên, nhiều người hy vọng khả năng điều hành đế chế kinh doanh của Trump rất tốt thì khả năng thấu hiểu kinh tế Mỹ của ông này cũng như vậy. Tầm nhìn, tạo ra một nền kinh tế bùng nổ mạnh mẽ, sẽ tạo ra 25 triệu việc làm mới trong thập niên tới của Trump sẽ được hoan nghênh nếu nó xảy ra.
Ngoài ra, Trump có thể áp dụng kỹ năng kinh doanh vào các mối quan hệ quốc tế Mỹ bằng cách áp dụng lối tiếp cận quản lý kinh doanh. Trump muốn đảm bảo Mỹ được lợi từ các đồng minh quốc tế, nhà phân tích của báo Lancashire Evening nhận định.
Trong một diễn biến khác, tỷ phú Warren Buffett, người được mệnh danh là “Nhà tiên tri xứ Obama” và cũng là người từng ủng hộ bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử, đã lên tiếng cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump “xứng đáng được tất cả mọi người tôn trọng”.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 10/11, ông Buffett cho biết: “Tôi ủng bộ bất kỳ tổng thống nào của nước Mỹ. Điều rất quan trọng là người dân Mỹ thống nhất phía sau Tổng thống”. “Điều đó không có nghĩa rằng họ không thể chỉ trích ông ấy hay không thể không đồng ý với những gì ông ấy đang làm”.
“Tuy nhiên, chúng ta cần một quốc gia đoàn kết. Ông ấy xứng đáng được sự tôn trọng của tất cả mọi người”, tỷ phú giàu hàng đầu thế giới nói thêm.
Hoài Linh
0 comments