Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Hoa Kỳ – 12/11/2016

Saturday, November 12, 2016 7:57:00 PM // , ,


Donald Trum xúc tiến thành lập bộ máy lãnh đạo

Ba ngày sau chiến thắng bất ngờ, từ hôm qua, 11/11/2016, tổng thống tân cử Donald Trump đẩy mạnh việc chuẩn bị thành lập bộ máy chính quyền mới, sẽ đi vào hoạt động từ ngày 20/01/2017.
Ông Trump đã trao cho phó tổng thống tân cử Mike Pence quyền lãnh đạo nhóm chuyển tiếp quyền lực, thay ông Chris Christie – thống đốc bang New Jersey, người được dự kiến trước đó.
Thống đốc bang New Jersey vẫn là phó trong nhóm xúc tiến thành lập chính phủ mới bên cạnh các nhân vật đã trung thành ủng hộ ông Trump trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, như cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gringrich, một thượng nghị sĩ có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư bất hợp pháp – ông Jeff Sessions, ông Steve Bannon – tổng chỉ huy chiến dịch vận động tranh cử cho Donald Trump và chủ tịch đảng Cộng Hòa Reince Priebus.
Ngoài ra, nhóm chuẩn bị chính phủ mới còn có ba người con của ông Trump : Ivanka, Donald Junior, Eric và Jared Kushner – chồng của Ivanka.
Nhiệm vụ của nhóm được ông Trump giải thích trong một thông cáo là : « tập hợp một nhóm có trách nhiệm cao, ưu tú, để có thể thực thi chương trình thay đổi của chúng ta ở Washington ». Có thể thấy trong nhóm này vẫn còn rất nhiều người thuộc hệ thống chính trính trị hiện hành mà ông Donald Trump đã phủ nhận mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử.
Hôm qua, tổng thống tân cử Mỹ đã dành cả ngày để làm việc với nhóm xúc tiến thành lập nội các tại cao ốc Trump Tower ở New York. Trên twitter, tổng thống tân cử viết : « Một ngày bận rộn như dự tính tại New York. Tôi sẽ sớm có những quyết định rất quan trọng về những người sẽ lãnh đạo chính phủ của chúng ta ».
Trong một cuộc phỏng vấn của nhật báo Wall Street Journal hôm qua, Donald Trump có nhắc đến khả năng sẽ chỉ « sửa đổi » luật bảo hiểm y tế vẫn được gọi là Obamacare, chứ chưa chắc sẽ hủy bỏ như các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Với bên ngoài, hôm qua ông Trump đã có cuộc nói chuyện điện thoại với tổng thống Pháp François Hollande. Tổng thống Pháp cho biết, hai ông « đã nêu một số chủ đề, dự kiến sẽ cùng nhau sáng tỏ quan điểm: chống khủng bố, Ukraina, Syria, Irak và thỏa thuận Paris COP 21 về chống biến đổi khí hậu ».

Dân Mỹ tiếp tục biểu tình phản đối Donald Trump

Ngày 11/11/2016  là ngày thứ ba tiên tiếp người dân Mỹ xuống đường biểu tình phản đối tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Các cuộc biểu tình diễn ra ở khoảng 20 thành phố, đặc biệt là ở Miami, Los Angeles et New York.
Tại New York, khoảng 1.200 người đã tuần hành hòa bình, hô vang khẩu hiệu « Lòng yêu thương vượt qua thù hận », « Ông sẽ không phải tổng thống của chúng tôi ». Trong số họ, có rất nhiều phụ nữ, người đồng tính, người gốc Phi và người gốc Mỹ La tinh. Cảnh sát cho biết 11 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường thuật :
« Công kênh một bé gái 6 tuổi trên vai, địu một em bé 18 tháng tuổi trước ngực, một người phụ nữ rất xúc động. Cô tới đây để nói lên nỗi lo của cô. Cô chia sẻ : « Tôi lo sợ cho những người nhập cư. To lo ngại cho phụ nữ, cho những người dân không có nhiều tiền. Tôi sợ thay cho những người không có đủ tiền để mua bảo hiểm phòng thân. Tôi sợ lòng hận thù và sự giận dữ ».
Sự giận dữ ấy, anh Daniel, người Porto Rico, đã cảm nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày. Anh cho biết : « Giờ đây, mọi người nghĩ rằng có thể chửi rủa kỳ thị người khác mà không gặp rắc rối gì, bởi vì tổng thống sẽ làm điều đó ».
Bà Diane, 62 tuổi, hy vọng cuộc bầu cử vừa rồi sẽ có tác dụng như một cú sốc điện. Bà nói : « Liệu tôi có đi hỏi mọi người xem họ có ủng hộ ông Trump không ? Không, tôi chỉ muốn hiểu họ từ đâu tới. Cuộc bầu cử vừa qua đã giúp tôi hiểu ra rằng tôi đã sai lầm. Là người có học thức, được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng tôi đã không chú ý tới người khác. Bây giờ, tôi sẽ phải chú ý hơn tới mọi người ». Nhưng bà Diane cũng nói thêm là điều đó sẽ không hề đơn giản. »

Chính quyền Obama đình hoãn thủ tục thông qua TPP

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Obama hôm qua, 11/11/2016, đã thông báo đình chỉ mọi thủ tục để hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được thông qua ở Quốc hội Mỹ, tuyên bố rằng số phận của hiệp định này sẽ do tổng thống tân cử Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa quyết định.
Các giới chức chính quyền Hoa Kỳ cho biết là tổng thống Obama sẽ cố gắng giải thích tình hình này với lãnh đạo của 11 quốc gia khác tham gia vào TPP, trong đó có Việt Nam, nhân dịp ông dự thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Perou tuần tới.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Obama đã nỗ lực vận động các nghị sĩ để sau bầu cử tổng thống Mỹ, hiệp định TPP được thông qua bởi Quốc hội khóa cũ. Thế nhưng chiến thắng bất ngờ của ông Trump và việc đảng Cộng hoà tiếp tục chiếm đa số ở Quốc hội mới khiến kế hoạch nói trên không thể thành công.
Hôm thứ tư vừa qua, chính lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố sẽ không đưa hiệp định TPP ra Quốc hội trong thời gian trước khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống. Ông cho biết là số phận của hiệp định này tùy thuộc vào quyết định của tân tổng thống.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump đã nhấn mạnh lập trường chống TPP, xem hiệp định này là một « thảm họa » đối với Mỹ, vì nó sẽ kéo việc làm ra khỏi nước này. Chính những tuyên bố chống tự do mậu dịch và lời hứa ngăn chận làn sóng hàng nhập khẩu Trung Quốc đã góp phần giúp ông thu hút phiếu cử tri thuộc thành phần lao động, đặc biệt là tại những bang công nghiệp như Ohio, Michigan, Wisconsin và Pensylvania, từ đó giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua.
Hiệp định TPP, được ký kết vào tháng 10/2015 sau hơn 5 năm thương lượng, có mục tiêu là giảm bớt hàng rào mậu dịch và cũng nhằm tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh châu Á, trước đà lớn mạnh của Trung Quốc.

Ông Trump nói có thể giữ lại một số điều khoản Obamacare

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói với báo Wall Street Journal rằng sau khi thảo luận với Tổng thống Barack Obama, ông sẽ xem xét giữ lại một số phần của Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, còn được gọi là Obamacare.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông kể từ khi đắc cử hôm thứ Ba, ông Trump cho biết ông có thể giữ lại lệnh cấm từ chối cung cấp bảo hiểm cho những người có bệnh từ trước và điều khoản cho phép cha mẹ giữ con cái họ lại trong kế hoạch bảo hiểm của họ vài năm sau khi trưởng thành.
Ông Trump cho biết ông “rất thích” hai khía cạnh đó của Obamacare.
Ông Trump trong lúc tranh cử từng nói rằng bãi bỏ luật chăm sóc y tế năm 2010 là một trong những ưu tiên cao nhất của ông sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu, ông kể về cuộc trò chuyện của ông với ông Obama: “Tôi đã nói với ông ấy là tôi sẽ xem xét đề xuất của ông ấy, và vì sự tôn trọng, tôi sẽ làm điều đó.”
Về ưu tiên hàng đầu của ông khi nhậm chức, ông Trump từ chối nêu ra. “Tôi có rất nhiều ưu tiên hàng đầu,” ông nói.

Tổng thống Obama

chủ trì Lễ Cựu chiến binh cuối cùng của mình

Vào lúc ông chủ trì buổi lễ tưởng niệm Ngày Cựu chiến binh cuối cùng của mình trên cương vị tổng tư lệnh, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảm ơn những cựu quân nhân của đất nước vì họ đã giúp giữ gìn tiến trình bầu cử dân chủ của Mỹ, có ý nhắc tới chiến thắng gây bàng hoàng của ông Donald Trump sau một chiến dịch tranh cử tổng thống quyết liệt.
Ông Obama phát biểu vào sáng thứ Sáu tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, ngay phía nam thủ đô Washington, khi nước Mỹ vinh danh gần 22 triệu cựu chiến binh.
Tổng thống tham gia buổi lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh của nghĩa trang, một đài tưởng niệm dành riêng cho những quân nhân không rõ danh tính đã hi sinh tính mạng của mình.
Trước đó Tổng thống đã tổ chức bữa ăn sáng tại Tòa Bạch Ốc cho những cựu chiến binh và gia đình của họ.
Bill Mohr, một cựu chiến binh Thế chiến thứ hai 108 tuổi, là một trong số những người tham dự bữa ăn sáng hàng năm. Ông Mohr, sống ở thành phố Hatboro thuộc bang Pennsylvania ở vùng đông bắc, từng là trung sĩ lục quân thuộc sư đoàn bộ binh thứ 45. Con gái của ông cho biết ông Mohr từng tham gia Chiến dịch Long Kỵ binh ở Pháp và là một trong số những người hành quân sang Đức để giải phóng trại tập trung Dachau.
Những quân nhân được vinh danh hàng năm vào Ngày Cựu chiến binh 11 tháng 11, kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất. Ban đầu Tổng thống Woodrow Wilson tuyên bố ngày này là Ngày Đình chiến vào năm 1919 và nó trở thành ngày lễ liên bang của Mỹ vào năm 1938. Tổng thống Dwight Eisenhower ký một dự luật năm 1954 đổi Ngày Đình chiến thành Ngày Cựu chiến binh vì thế tất cả các cựu chiến binh có thể được vinh danh.
Trong số 21,7 triệu cựu chiến binh ở Mỹ, 4,3 triệu người nhận được một số hình thức bồi thường thương tật từ chính phủ liên bang, theo Bộ Sự vụ Cựu chiến binh của Mỹ. Gần 530.000 cựu chiến binh được phân loại là 100 phần trăm tàn tật. Khoảng 300.000 cựu chiến binh nhận lương hưu từ chính phủ liên bang.
Có khoảng 40.000 cựu chiến binh đang sống trong cảnh vô gia cư, theo Liên minh Quốc gia vì Cựu chiến binh Vô gia cư. Tổ chức này ước tính 1,4 triệu cựu chiến binh khác có nguy cơ trở thành vô gia cư.

Một người bị bắn trong cuộc biểu tình chống ông Trump

Các cuộc biểu tình chống đối Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã trở nên bạo động ở thành phố Portland, bang Oregon sáng hôm nay, thứ Bảy 12/11, giữa lúc có nhiều lo sợ rằng các quyền dân sự sẽ bị sói mòn trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, gây bất ổn. Những người tổ chức biểu tình cảnh báo sẽ còn nhiều cuộc tập hợp khác tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ trong những ngày tới để phản đối kết quả bầu cử.
Hàng trăm người tuần hành hôm thứ Sáu trên các đường phố Portland, làm tắc nghẽn giao thông.
Cảnh sát Portland phải dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng sau khi một số người biểu tình ném vào cảnh sát những đồ vật đã được phóng hoả. Chính quyền địa phương nói nạn phá hoại và các cuộc tấn công đã diễn ra trong cuộc biểu tình mà trước đó trong ngày đã diễn ra trong ôn hoà, theo ban tổ chức.
Các nhân chứng cho biết một người biểu tình đã bị bắn vào chân vào sáng thứ Bảy. Hiện không rõ ai là người đã bắn người này, và chi tiết về cá nhân người bị thương vẫn chưa được tiết lộ.
Cảnh sát dọc theo bờ biển Los Angeles cho hay họ đã câu lưu 185 người, nhiều người trong số này đã tìm cách phong toả các xa lộ đông đúc xe cộ của thành phố.
Đêm thứ Sáu 11/11 hàng trăm người tụ tập tại Công viên Washington Square ở New York, để dự cuộc tập họp “cho tình yêu”, sau đó đám đông tiến về quảng trường Union trên đảo Manhattan, địa điểm nơi thường diễn ra các cuộc tuần hành chính trị, cách đó 1 km. Họ mang những biểu ngữ ghi hàng chữ: “Tình yêu luôn luôn thắng hận thù”, và vừa tuần hành vừa hô to: “Không phải Tổng thống của tôi!”
Dưới phố Manhattan, thêm nhiều người biểu tình tụ tập gần Tháp Trump, nơi cư ngụ hiện tại của Tổng thống tân cử Mỹ toạ lạc tại trung tâm khu mua sắm sang trọng nhất New York. Toà tháp này giờ đây được bảo vệ bằng một hàng rào gồm các xe vận tải chở đầy cát, trong khi đám đông biểu tình bị chặn lại cách đó một dãy phố.
Tại Philadelphia, khoảng 100 sinh viên Đại học Temple tuần hành từ khuôn viên nhà trường tới Toà Thị chính để nói lên quan tâm của họ, cho rằng ông Trump sẽ không đoàn kết người dân, mà ngược lại chia rẽ dất nước.
Tại Miami, hàng trăm người tham gia một cuộc tuần hành chống Trump, với những khẩu hiệu: “Mỹ nói Không với những kẻ kỳ thị.”
Một nhóm tách ra khỏi cuộc tuần hành để phong toả một xa lộ đông đúc xe cộ chạy từ thành phố miền Nam Florida, gây tắc nghẽn xe cộ trong nhiều giờ đồng hồ.
Hôm thứ Sáu, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các bang Atlanta và Georgia, và tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee.
Phản ứng trước các cuộc biểu tình, ông Trump tải hai tin nhắn lên Twitter với thông điệp trái ngược. Hôm thứ Năm, ông than phiền về “những người biểu tình chuyên nghiệp” mà ông quy lỗi cho giới truyền thông khích động, nhưng có lẽ nội dung này bị chê là “không phù hợp với tư cách một Tổng thống”, nên hôm thứ Sáu tin nhắn của ông viết: “Tôi yêu sự kiện các nhóm biểu tình nhỏ bày tỏ những xúc cảm mạnh mẽ cho đất nước vĩ đại của chúng ta. Chúng ta sẽ đoàn kết và tự hào.”
Làn sóng phản đối khởi sự chỉ vài giờ sau khi thắng lợi bất ngờ của ông Trump được loan báo, và được xác nhận sáng hôm sau bởi cựu Ngoại Trưởng Clinton. Kể từ đó các cuộc biểu tình nổ ra hàng ngày tại hơn một chục thành phố Mỹ.
Tại một số nơi, hình nộm ông Trump và quốc kỳ Mỹ bị đốt, nhưng về phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hoà.

Cố vấn an ninh:

Trump xem Nhật là đồng minh đẩy lùi TQ

Cuộc họp tuần tới giữa Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump với Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, có thể đánh dấu bước đầu các cuộc thảo luận để huy động sự hậu thuẫn của Nhật nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á, một cố vấn an ninh của ông Trump cho biết.
Những phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, trong đó có yêu cầu Nhật chi trả thêm tiền để duy trì lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Nhật, đã khiến Tokyo quan ngại về sự rạn nứt trong đồng minh an ninh với Washington trước một Trung Quốc trỗi dậy và một Bắc Triều Tiên khó lường.
Thủ tướng Nhật sẽ gặp ông Trump tại New York vào thứ năm tuần tới trước khi tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Peru.
Cố vấn của ông Trump không muốn nêu tên nói với Reuters rằng ông Trump trông đợi Nhật ‘đóng vai trò tích cực hơn tại châu Á.’
Các tư lệnh cao cấp của hải quân Hoa Kỳ đã ngỏ ý hoan nghênh các cuộc tuần tra trên không và trên biển chung với quân đội Nhật tại Biển Đông, trong khi Tokyo tỏ dấu hiệu muốn hỗ trợ các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam hay Philippines.
Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump sẽ đệ trình một ngân sách tài trợ cho việc xây dựng hàng chục tàu chiến mới, vị cố vấn ẩn danh cho biết.
Ông nói thêm rằng việc này sẽ gửi thông điệp cho Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc và các nước khác rằng Hoa Kỳ có ý định hiện diện ở châu Á lâu dài.
Ông Abe trong cuộc gặp sắp tới tại New York với tân Tổng thống Mỹ có phần chắc sẽ muốn bắt đầu xây dựng một mối quan hệ có thể đưa tới cái nhìn chung về thế giới, một người thân cận với Thủ tướng Abe cho biết.

Chủ tịch EU: Ông Trump có nguy cơ đe doạ quan hệ MỸ-EU

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đặt ra những mối rủi ro cho quan hệ Mỹ-EU.
Phát biểu với các sinh viên tham gia một buổi hội thảo ở Luxembourg chiều tối thứ Sáu 11/11, ông Juncker nói rằng ông Trump phải nhanh chóng tìm hiểu cách vận hành của EU để tránh “phí phạm hai năm dài” khi ông lên nhậm chức vào tháng Giêng sang năm.
Ông nói: “Nói tổng quát, các tầng lớp chính trị và Hoa Kỳ nói chung không mấy lưu tâm tới Châu Âu. Trong chiến dịch tranh cử của ông, ông Trump từng nói: ‘tôi đã nói với Tổng thống chúng tôi ở đây, rằng Bỉ chỉ là một ngôi làng nhỏ ở Châu Âu’. Vâng, điều đó đúng nếu bạn nhìn từ xa, nhưng nó không phản ánh thực tế. Thế cho nên chúng ta phải giảng cho Tổng thống tân cử Mỹ Châu Âu là gì, và Châu Âu vận hành như thế nào.”
Ông Juncker nhắc nhở cử toạ rằng ông Trump đã từng nêu nghi vấn về liên minh NATO, và lập luận đó có thể “có những hậu quả tai hại” bởi vì liên minh NATO là nền tảng của hệ thống phòng thủ của Châu Âu.
“Ông ấy nêu nghi vấn về liên minh Bắc Đại Tâ Dương, tức là ông ta đặt nghi vấn về nền tảng phòng thủ của Châu Âu. Liên quan tới những người tị nạn và các thành phần không phải da trắng ở Mỹ, lối tiếp cận của ông Trump không phù hợp với những niềm tin và tình cảm ở Châu Âu. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta sẽ phí phạm 2 năm trước khi ông Trump tìm hiểu về những nơi trên thế giới mà ông không biết đến.”
Những phát biểu thẳng thừng của ông Juncker phản ánh cú sốc và những quan tâm của các nhà lãnh đạo Châu Âu về việc bầu ông Trump, người đã từng ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, và có nhiều phát biểu gây sốc khác, đồng thời đặt nghi vấn về nguyên tắc phòng thủ chung của NATO.
Những phát biểu của ông Juncker tương phản với những phản ứng có tính cách ngoại giao hơn của các nhà lãnh đạo Châu Âu khác, khi họ nói rằng họ mong đợi làm việc chung với Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hoà.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.