Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 12/11/2016

Saturday, November 12, 2016 7:58:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 12/11/2016

Thái Lan : Hoàng thái tử trở về nước

Hoàng thái tử Vajiralongkorn đã trở về Thái Lan hôm qua, 11/11/2016, trong khi ngôi vua vẫn để trống từ khi quốc vương Bhumibol băng hà ngày 13/10/2016. Việc hoàng thái tử trở về, sau hai tuần ở Đức, có thể làm giảm bớt những quan ngại về việc nối ngôi vua. Thế nhưng, cho tới nay Hoàng cung chưa đưa ra thông báo chính thức nào.
Từ Bangkok, thông tín viên RFI Arnaud Dubus gởi về bài tường trình :
« Hoàng thái tử Vajiralongkorn đã khiến dư luận hoang mang phần nào sau cái chết của vua cha, khi tuyên bố rằng ông muốn chờ một thời gian trước khi lên nối ngôi. Ông biện minh cho quyết định này là vì muốn cùng với người dân Thái để tang vị quốc vương quá cố.
Điều này đã tạo nên một tình hình chưa từng có trong lịch sử Thái Lan : ngôi vua bị để trống trong suốt nhiều tuần. Nếu tình trạng này kéo dài, nó sẽ gây ra nhiều vấn đề về định chế. Chẳng hạn như trước cuối tháng 02/2017, Hiến pháp mới phải được quốc vương ký phê chuẩn.
Hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết là hoàng thái tử sẽ được phong quốc vương ngày 01/12/2016. Nhưng hoàng cung chưa có thông báo chính thức nào. Điều này, cùng với việc hoàng thái tử vào tháng trước quay trở lại Đức, nơi ông sống phần lớn thời gian, khiến mọi người càng thêm đồn đoán.
Việc ông trở về nước có vẻ cho thấy là việc chuẩn bị cho ông lên ngôi sắp được được tiến hành. Trong mọi trường hợp, lễ đăng quang chính thức sẽ chỉ diễn ra trong một năm nữa, sau khi kết thúc thời kỳ để tang quốc vương Bhumibol ».

Hàn Quốc :

Biểu tình rầm rộ tại Seoul đòi tổng thống từ chức

Theo AFP, hôm nay 12/11/2016, tại Seoul, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình đài tổng thống Park Geun-Hye phải từ chức vì những bê bối chính trị và tiền bạc. Đây là một trong những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ nhiều thập kỷ qua ở Hàn Quốc.
Đây là đợt biểu tình thứ 3 trong tuần qua, trực tiếp chống lại tổng thống Park Geun-Hye đang sa lầy trong vụ bê bối chính trị lớn. Cảnh sát ước tính có khoảng 260.000 người tham gia biểu tình, nhưng theo các nhà tổ chức, phải có tới một triệu người tham dự cuộc tuần hành lớn hôm nay. Khoảng 25.000 cảnh sát đã được triển khai tại thủ đô Seoul, phong tỏa các ngả dẫn tới phủ tổng thống vốn được gọi là Nhà Xanh.
Cuộc biểu tình bắt đầu từ lúc 16 giờ, giờ địa phương (7giờ GMT) trước cửa tòa thị chính Seoul để tiến về phủ tổng thống. Tư pháp đã ra lệnh cho cảnh sát mở một số rào chắn, nhưng người biểu tình phải đứng cách dinh tổng thống hơn 1km.
Theo ghi nhận tại chỗ của AFP, có hàng chục nghìn người ở cách xa thủ đô hàng trăm km đã đổ về Seoul bằng xe bus hoặc tàu để tham gia biểu tình. Thậm chí có những người từ vùng đảo cực nam đất nước còn dùng cả máy bay để về Seoul biểu tình.
Tổng thống Park Geun Hye bị tố cáo để cho bà « quân sư » Choi Soon-Sil, bạn thân, thao túng và nhân vật này lợi dung quan hệ với tổng thống để vòi tiền các tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn nổi tiếng Samsung. Nhưng điều nghiêm trọng hơn là dư luận Hàn Quốc lo ngại, quân sư Choi Soon-Sil còn nhúng tay cả vào các công việc quốc sự, bí mật quốc gia. Bà Choi đã bị bắt hồi đầu tháng 11 vì cáo buộc gian lận và lạm quyền.
Để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, bà tổng thống đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi, cách chức các quan chức chính quyền, hay thậm chí bà còn sẵn sàng từ bỏ một số đặc quyền, nhưng tất cả như đã quá muộn. Yêu sách duy nhất của người dân lúc này là bà Park Geun-Hye phải từ chức vì đã không biết chăm lo cho đất nước. Chỉ còn hơn một năm nữa là bà Park Geun-Hye sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống nhưng bà đang phải đứng trước một trong những làn sóng chống chính phủ lớn nhất từ hơn hai thập kỷ qua tại Hàn Quốc.

Miến Điện xét lại

dự án đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư

Theo AFP, hôm nay 12/11/2016, chính phủ Miến Điện thông báo xem xét dự án đập thủy điện lớn Myitsone do Trung Quốc đầu tư, đã bị ngừng lại vì phản đối của dân chúng.
Dự án xây đập Myitsone có giá trị 3,6 tỷ đô la, chủ yếu do Trung Quốc đầu tư. Năm 2011 công trình đập Myitsone đã bất ngờ bị chính phủ của tổng thống Thein Sein cho ngừng lại khi mới khởi công được 2 năm, trước sự ngỡ ngàng của Bắc Kinh. Lý do là vì dân chúng phản đối dữ dội bởi lo ngại công trình hủy hoại môi trường sống.
Dự án đập Myitsone còn bị coi như là một biểu tượng của sự đô hộ kinh tế của Trung Quốc đối với Miến Điện dưới thời chính quyền quân sự. Giờ đây, công trình trở thành một vấn đề khó xử đối với chính quyền dân sự.
Ở Miến Điện, nhiều người ủng hộ dự án vẫn muốn duy trì quan hệ tốt với các nhà đầu tư Trung Quốc, đang tìm cách vận động chính phủ cho tái khởi động dự án. Theo nhật báo Miến Điện Global New Light of Myanmar, hôm qua ngày 11/11 một ban tư vấn đã trình báo cáo đầu tiên lên chính phủ về các vấn đề liên quan đến dự án đập Myitsone.
Theo tờ báo, quyết định cuối cùng về số phận con đập lớn này sẽ phải tính đến các yếu tố như cái giá phải trả về môi trường, ý kiến nguyện vọng của dân chúng địa phương, cũng như tác động đối với đầu tư nước ngoài.
Dự án đập thủy điện Myitsone nằm ở thượng nguồn sông Irrawaddy, tại bang Kachin, vùng đông bắc Miến Điện, gần biên giới Trung Quốc. Đây là công trình đầu tư khổng lồ của tập đoàn năng lượng China Power Investment Corporation. Công ty Trung Quốc độc quyền khai thác trong vòng 50 năm và 90% sản lượng điện sẽ được xuất khẩu qua Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh bắt đầu gây sức ép với chính quyền dân sự hiện nay để khởi động lại dự án. Cho dù từ khi có các cải cách dân chủ, đầu tư phương Tây đã bắt đầu đổ vào Miến Điện nhưng Trung Quốc vẫn luôn là nhà đầu tư lớn nhất ở đất nước này.

Nhật-Ấn ký thỏa thuận hạt nhân dân sự

Nhật Bản và Ấn Độ ngày 11/11 ký thỏa thuận hạt nhân dân sự, mở đường để Tokyo cung cấp cho New Delhi nhiên liệu, thiết bị và công nghệ sản xuất năng lượng hạt nhân trong lúc Ấn đang hướng tới năng lượng nguyên tử để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh.
Đây là lần đầu tiên Nhật, quốc gia duy nhất trên thế giới từng gánh chịu một cuộc tấn công hạt nhân, chung kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự với một nước không phải thành viên ký kết Hiệp ước Không phổ biến võ khí hạt nhân (NPT).
Thỏa thuận ghi rõ các nhiên liệu và thiết bị Nhật cung cấp sẽ chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình, một văn kiện riêng được ký kết kèm theo thỏa thuận hạt nhân này có đoạn nói Nhật được quyền chấm dứt thỏa thuận nếu Ấn tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân.
Thỏa thuận Nhật-Ấn hôm nay được ký sau cuộc họp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với người đồng nhiệm Narendra Modi.
Ấn nói Hiệp ước Không phổ biến võ khí hạt nhân mang tính phân biệt và bày tỏ quan ngại về một nước Trung Quốc có trang bị hạt nhân cũng như đối thủ lâu năm của Ấn có trang bị hạt nhân là Pakistan.
Ấn đang thương thuyết với công ty Westinghouse Electric đặt tại Mỹ do tập đoàn Toshiba của Nhật làm chủ để xây 6 lò phản ứng hạt nhân ở miền Nam Ấn , trong khuôn khổ kế hoạch tăng cường khả năng hạt nhân của New Delhi lên hơn 10 lần trước năm 2032.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn với Nhật theo sau một thỏa thuận tương tự với Mỹ hồi 2008, vốn giúp Ấn tiếp cận với công nghệ hạt nhân sau nhiều chục năm cô lập.
Đây là bước đi lớn để biến Ấn thành một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực,
Thủ tướng Ấn hôm nay nói các mối quan hệ vững mạnh Ấn – Nhật sẽ giúp hai nước đóng một vai trò bình ổn ở Châu Á và thế giới.

Đánh bom tự sát tại căn cứ không quân Mỹ ở Afghanistan

Một kẻ đánh bom tự sát nghi là người của phe Taliban đã kích nổ bom mang trên người bên trong căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan của Mỹ, giết chết ít nhất 4 người và làm bị thương hơn 14 người.
Truyền thông Afghanistan cho hay vụ tấn công xảy ra ngay bên ngoài phòng ăn của căn cứ không quân này. Kẻ đánh bom đã giả dạng thành một người lao động làm việc tại đây. Căn cứ không quân Bagram là căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ ở Afghanistan, nằm về hướng Bắc thủ đô Kabul.
Trong một tin nhắn trên trang Twitter, lãnh đạo Afghanistan Abdullah Abdullah nói ông “lên án vụ đánh bom tự sát ở Bagram và sát cánh đoàn kết với các gia đình và bạn hữu của những người bị sát hại và bị thương hôm nay”.
Trong một thông báo, Đại tướng Mỹ John Nicholson xác nhận tin này. Ông nói:
“Ngày 12/11, một thiết bị nổ đã được kích nổ tại căn cứ không quân Bagram gây ra nhiều thương vong. 4 người đã chết trong vụ tấn công, khoảng 14 người bị thương.”
Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cho biết là kẻ đánh bom đã xâm nhập hàng ngũ nhân viên làm việc tại căn cứ trong nhiều tháng trước khi thực hiện ý định. Ông ta nói thêm rằng các nhân viên quân sự Mỹ đang bận rộn với các khoá huấn luyện khi xảy ra vụ tấn công.

Tình báo Rumani cộng sản

tiếp cận các chính khách Pháp như thế nào

Tạp chí L’Express tuần này có bài nói về việc giải mật nhiều tài liệu của cơ quan tình báo Rumani Securitate dưới chế độ cộng sản của Ceausescu, với hàng tựa « Khi Ceausescu do thám người Pháp ».
Trong hơn bốn thập niên, các nhân viên tình báo Rumani dưới thời cộng sản, hoạt động tại Pháp đã theo dõi nhiều chính khác Pháp và thậm chí họ đã tuyển dụng được một số người. Kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, hàng trăm nhà nghiên cứu đã thu thập, phân tích các hồ sơ được giải mật của cơ quan an ninh, tình báo Rumani Securitate. Một phần của kho tài liệu mật này được công bố kể từ những năm 2000. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 60 ngàn tài liệu chưa được giải mật vì được coi là quá nhậy cảm. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Pháp là một trong những mục tiêu ưu tiên của Securitate, bởi vì Paris được coi là nơi trú ngụ chủ yếu của phe đối lập, chống chính quyền Ceausescu, nơi lưu vong của đông đảo người Rumani.
Tại Bucarest, các lãnh đạo phản gián Rumani thời đó tin tưởng rằng tại Paris, những người Rumani lưu vong và đối lập đang chuẩn bị các kế hoạch dự án lật đổ chính quyền và được Mỹ tài trợ. Do vậy, họ điều rất nhiều các nhân viên an ninh và tình báo, dưới các vỏ bọc khác nhau, sang thủ đô Pháp để « ngăn chặn » những kế hoạch này.
Một cựu nhân viên phản gián Pháp cho tuần báo L’Express biết là vào thời đó, khoảng 100 nhân viên Rumani hoạt động trên lãnh thổ Pháp. Việc nhận diện và theo dõi cũng tương đối dễ: Đó là những người duy nhất có máy sao chụp cá nhân và có chỗ đỗ xe hơi riêng…
Thế lực của Securitaté bị suy giảm từ sau 1978, đặc biệt sau vụ lãnh đạo cơ quan này, Ion Pacepa, đào thoát sang Hoa Kỳ. Securitate bị giải thể sau cái chết của Ceausescu và sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Mặc dù luật cho phép giải mật tài liệu lưu trữ được thông qua từ năm 1999 nhưng phải đến năm 2004, thì văn bản này mới thực sự được áp dụng. Và cho đến nay, cơ quan an ninh của Rumani vẫn chưa chịu giải mật nhiều tài liệu, làm rõ những tội ác của Securitate.
Trong khối tài liệu của Securitate được giải mật, các nhà báo của L’Express chú ý đến hồ sơ Claude Estier.
Chỉ vài tháng sau khi ông François Mitterand được bầu làm tổng thống Pháp, năm 1981, một nhân viên tình báo Rumani hoạt động tại Pháp, Oros Popescu, đã có được quan hệ với ông Claude Estier, một trong những cộng sự trung thành nhất của tổng thống Mitterrand. Ông Estier lúc đó là dân biểu, rồi giữ chức chủ tịch tiểu ban đối ngoại Quốc Hội, từ năm 1983 đến 1986 và sau đó trở thành thượng nghị sĩ cho đến 2004.
Theo phiếu tài liệu đề ngày 28/02/1982, nhân viên Popescu báo về Securitate là nguồn tin (tức ông Estier), cho biết sẵn sàng có những hoạt động gây ảnh hưởng và do đối tượng có cảm tình với Rumani, đề nghị xem xét sử dụng. Cấp trên của Popescu rất vui mừng, thông báo mở một hồ sơ, với mật danh là Stanica để thực hiện dự án có tên gọi là Ariana. Mục tiêu của Securitate là sử dụng ông Estier vận động lập ra một nhóm các chính khách gây ảnh hưởng trong các định chế thuộc nghị viện Pháp.
Là chính khách có thể lực trong đảng Xã Hội của tổng thống Mitterrand, ông Estier đã tỏ ra là người có tài trong việc gây ảnh hưởng, có lợi cho chế độ Ceausescu. Một tài liệu của Securitate cho biết : « Sĩ quan của chúng ta đã thành công, thuyết phục được ông Estier chuyển trực tiếp đến tổng thống Mitterrand những mối quan ngại của chúng ta liên quan đến chiến dịch báo chí mà một số tờ báo và những phần tử Rumani lưu vong phát động chống lại đất nước chúng ta ».
Tình báo Rumani đã lên cả một kế hoạch để duy trì quan hệ lâu dài với ông Estier, trong đó có việc « chuẩn bị những điều kiện để mời ông ta sang Rumani, với một lý do chính thức ».
Còn nhiều thông tin của Securitate không thể kiểm chứng bởi vì ông Estier đã qua đời hồi tháng 03/2016. Nhưng theo L’Express, ông Estier khó có thể thuyết phục được tổng thống Mittterrand trong hồ sơ Rumani, bởi vì tổng thống Pháp rất ghét Ceausescu, thậm chí ông đã hủy một chuyến công du chính thức sau khi xẩy ra một vụ điệp viên Rumani bị phát giác trên lãnh thổ Pháp.
Vậy cơ quan phản gián Pháp có biết trường hợp ông Estier hay không ? Nhiều cựu lãnh đạo cao cấp của cơ quan này khẳng định là có và thậm chí còn bổ sung rằng hồ sơ này không chỉ liên quan đến Securitate mà còn cả với KGB của Liên Xô. Thông tin đã được chuyển lên tổng thống Mitterrand và ông không sốt sắng tìm hiểu, nhưng điều này không có nghĩa là nguyên thủ Pháp không chú ý tới thông tin này. Phải chăng vì lý do đó mà tổng thống Mitterrand không bao giờ bổ nhiệm ông Estier làm bộ trưởng.

Nổ bom tại một ngôi đền ở Pakistan, ít nhất 30 người chết

Một quả bom có sức công phá lớn đã phát nổ gần một đền thờ Sufi đông người tại một khu vực hẻo lánh thuộc tỉnh Baluchistan ở vùng Tây-Nam Pakistan hôm thứ Bảy 12/11. Các giới chức địa phương cho hay ít nhất 30 người bị giết chết và hơn 70 người bị thương.
Số tử vong dự kiến sẽ còn tăng cao. Tin tức địa phương nói hàng trăm người có mặt khi xảy ra vụ nổ tại ngôi đền nằm cách Hub khoảng 100 km, thành phố này nằm ở vùng biên giới giáp ranh với tỉnh Sindh.
Trong số các nạn nhân có nhiều phụ nữ và trẻ em. Một giới chức địa phương nói rất nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.
Những người chứng kiến nói không có bệnh viện hay trung tâm y tế để điều trị nạn nhân vụ nổ, và phải mất nhiều tiếng đồng hồ trước khi các toán cấp cứu tới nơi.
Một số khách thăm đền phải dùng xe riêng để chuyên chở những người bị thương và những nạn nhân đã chết.
Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nhưng trong quá khứ, các tín đồ giáo phái Sufi ở Pakistan thường là nạn nhân bị các nhóm cực đoan Sunni nhắm tấn công.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.