Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 10/11/2016

Thursday, November 10, 2016 7:38:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 10/11/2016

Matxcơva : Tàu ngầm Hà Lan

theo dõi tàu chiến Nga tại Địa Trung Hải

Hôm qua 09/11/2016, Matxcơva tố cáo là một tàu ngầm Hà Lan đã tìm cách theo dõi tàu sân bay và các tàu hộ tống của Nga tại vùng biển Địa Trung Hải. Matxcơva gọi đó là các hành động nguy hiểm.
Trong một thông cáo, bộ Quốc phòng Nga cho biết : « Các tàu chống tàu ngầm Severomorsk của Nga và Phó đô đốc Kulakov hôm nay đã phát hiện một tàu ngầm của Hà Lan đang tìm cách tiếp cận khu trục hạm của Nga thuộc hạm đội biển Bắc tại vùng biển phía Đông của Địa Trung Hải ».
Cũng theo thông cáo này, khi tàu ngầm Hà Lan còn cách khu trục hạm của Nga 20km thì bị trực thăng chống tàu ngầm của Nga phát hiện lần đầu tiên. Các tàu của Nga đã theo dõi động thái của tàu ngầm Hà Lan trong vòng hơn 1 giờ và đã buộc tàu này rời khu vực hoạt động của tàu khu trục Nga.
Hãng tin Pháp AFP cho biết, Matxcơva cảnh báo rằng những hành động tiếp cận vụng về và nguy hiểm của Hải quân Hà Lan đối với các tàu chiến Nga của có thể dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng trên biển. Bộ Quốc Phòng Hà Lan đã từ chối trả lời hãng tin AFP về các hoạt động của hải quân nước này.
Trong những tháng vừa qua, Nga đã tăng cường lực lượng hải quân ở vùng biển phía Đông biển Địa Trung Hải, trong khuôn khổ chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Bộ Quốc Phòng Nga cũng cho biết thường xuyên phát hiện các tàu ngầm của NATO trên đường hướng ra Địa Trung Hải.

Irak: Daech tiếp tục gây kinh hoàng tại Mossoul

Phiến quân của Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong thành trì cuối cùng tại Irak là Mossoul đã hành quyết dã man ít nhất 20 người mà Daech buộc tội đã cung cấp thông tin cho « kẻ thù » của tổ chức. Cảnh sát tôn giáo của lực lượng Daech cũng xuất hiện công khai trên phố.
Hãng tin Anh Reuters cho biết, thi thể của 5 trong số các nạn nhân đã bị đóng đinh và bị đặt tại ngã tư đường phố nhằm khẳng định với 1,5 triệu dân chúng là phe Hồi Giáo cực đoan hệ Sunni vẫn nắm quyền kiểm soát thành phố, bất chấp các chiến dịch tấn công trên nhiều mặt trận mà các lực lượng Irak và người Kurdistan phát động ngày 17/10.
Tối thứ Ba 08/10, nhiều người dân cho Reuters biết nhiều khu phố ở Mossoul yên tĩnh hơn những ngày trước đó, kể cả trong những khu vực đã từng diễn ra giao tranh ác liệt trong những ngày gần đây. Người dân đã có thể đi ra ngoài để nhận tiếp phẩm. Thế nhưng, đến hôm qua, mọi chuyện đã thay đổi.
Một người dân cho biết hôm qua ông nhìn thấy nhiều cảnh sát tôn giáo đi kiểm tra râu, trang phục của người dân và tìm kiếm những người hút thuốc. Theo người dân này, dường như Daech muốn chứng tỏ sự hiện diện trở lại sau khi biến mất gần 10 ngày qua, đặc biệt ở khu phía Đông. Một cảnh sát đã về hưu kể lại là khi ông đi lĩnh lương hưu, người phụ trách đã yêu cầu ông nộp sim điện thoại để kiểm tra thông tin và cho biết đó là lệnh của Daech.
Syria: Liên quân oanh kích giết nhầm thường dân
Liên quân quốc tế chống khủng bố do Hoa Kỳ dẫn đầu đang tiến dần về Raqqa, cứ địa của Daech tại Syria. Tuy nhiên theo cáo buộc của tổ chức Đài Quan sát Nhân Quyền Syria, các cuộc không kích của liên quân đã làm thiệt mạng hàng chục thường dân.
Cuộc tấn công vào Raqqa ở Syria được tiến hành đồng thời cùng với chiến dịch đánh chiếm thành phố Mossoul tại Irak, với sự kết hợp của lực lượng quân đội nước này và liên quân quốc tế.
Thế nhưng, theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, các trận không kích của liên quân được tiến hành tối thứ Ba 08/11/2016 đã làm thiệt mạng 20 thường dân, trong đó có 9 phụ nữ và 2 trẻ em, và làm bị thương 32 người khác.
Theo số liệu của các tổ chức nhân quyền, tính từ năm 2014, ước tính có khoảng hơn 1700 thường dân là nạn nhân của các cuộc không kích do Hoa Kỳ tiến hành tại Irak và Syria. Trước áp lực của nhiều cuộc điều tra, Washington hôm qua 09/11/2016 đã lên tiếng nhìn nhận cuộc chiến chống khủng bố tại hai nước này do Mỹ tiến hành chỉ làm thiệt mạng có 119 người.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ biện minh chỉ sử dụng các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao, nên đã hạn chế được tác động lên thường dân. Trong khi đó, các cuộc oanh kích của Nga tại Syria thường được tiến hành bằng các loại bom đạn thông thường, gây thiệt hại nặng nề hơn cho thường dân.

Châu Âu “mài gươm”

chống thép tránh thuế của Trung Quốc

Vũ khí mới bảo vệ thép của Liên Hiệp Châu Âu được trình làng ngày 09/11, chống thủ đoạn phá giá “dumping” của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành luyện kim tiếp tục gây sức ép với những cuộc biểu tình tràn ngập Bruxelles ngày thứ Tư vừa qua đòi phải có biện pháp mạnh hơn.
Thời gian gấp rút đối với cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 11/11 tới, Ủy Ban Châu Âu buộc phải thông báo quyết định công nhận quy chế « kinh tế thị trường » của Trung Quốc trong Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Một khi Trung Quốc được quy chế này thì Liên Hiệp Châu Âu bị trói tay, không còn biện pháp nào để bảo vệ ngành luyện kim của mình.
Theo lý giải của phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jyrki Katainen trong cuộc họp báo này hôm qua, Bruxelles cần phải « thích ứng với tình thế mới, một là tình trạng sản xuất thép quá tải trên thế giới và khung luật pháp quốc tế thay đổi ».  Tuy không gọi đích danh một nước nào, Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ sử dụng cách tính toán mới về trợ giá nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia… có truyền thống không tôn trọng kinh tế thị trường và can thiệp mạnh vào nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp trợ giá hàng xuất khẩu để tràn ngập thị trường châu Âu.
Nga và Trung Quốc là hai đối tượng
Cụ thể, để bảo vệ ngành luyện kim đang đứng trước nguy cơ khánh tận và làm hàng chục ngàn người thất nghiệp, vũ khí tự vệ của châu Âu là tăng thuế vào khỏang trên dưới 20% đối với thép Trung Quốc và từ 18% đến 36% đối với Nga.
Tuy nhiên, đối với giới công kỹ nghệ gia luyện kim của châu Âu, các biện pháp mới của Bruxelles không đủ hiệu quả. Công đoàn Aegis Europe, đại diện cho khoảng 30 tập đoàn châu Âu từ luyện kim cho đến pin mặt trời, dệt may và xe đạp thì các biện pháp trên quá yếu trong khi công nghiệp thép của châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh thị trường thép đã bão hoà, các nhà máy ở châu Âu không cạnh tranh lại với hàng giá rẻ của Trung Quốc. Công đoàn chủ nhân Eurofer tuy ủng hộ « các biện pháp mới, theo mô hình của Mỹ » , tuy vậy tổ chức này tỏ ra thận trọng về tính hiệu quả của biện pháp châu Âu.
Trên thực tế, giới công đoàn muốn Bruxelles phải đánh thuế mạnh hơn, cũng như Hoa Kỳ, từ 45% đến 70% vào một số loại thép Trung Quốc.
Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc tăng gắp ba lần lượng thép sản xuất, đã chiếm đến phân nửa lượng thép sản xuất trên thế giới là 1,7 tỷ tấn, nhưng vẫn tiếp tục « xả lũ thép » ra thị trường thế giới với sự trợ giúp của nhà nước.
Vì sao Bruxelles không dám mạnh tay trừng phạt Trung Quốc ?
Theo chuyên gia François Godement, không phải chỉ có thép được sản xuất quá tải mà nhiều vật liệu khác như là nhôm và đồ sứ cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp châu Âu và đã gây thêm bất hoà trong quan hệ thương mại song phương. Vấn đề là cả Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu không muốn xảy ra chiến tranh bảo hộ thị trường.
Tháng Tư năm nay, Bắc kinh đã ban hành biện pháp trả đũa một số loại thép châu Âu. Có lẽ đó là lý do tại sao « vũ khí mới » của Bruxelles lại khá chừng mực, không mạnh tay như của Mỹ.
Ngoài các biện pháp hải quan, Liên Hiệp Châu Âu, qua cơ quan chống gian lận Olaf, đã mở điều tra xem các công ty Trung Quốc gian trá như thế nào để luồn lách các biện pháp chống phá giá của Châu Âu. Bruxelles có tin là Trung Quốc tuôn hàng sang Việt Nam rồi từ đó lấy nhãn hiệu Made in Vietnam để xuất sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan trong hai năm 2013-2014.

Đầu não Daech đã ra lệnh

tấn công Paris và Bruxelles năm 2015

Cuộc điều tra vụ khủng bố đẫm máu tại Paris hồi tháng 11/2015 và tại Bruxelles hồi tháng 3/2016 đã có những tình tiết mới. Theo khẳng định của chưởng lý liên bang Bỉ, Frédéric Van Leeuw với hãng tin Pháp AFP, ngày hôm qua, 09/11/2016, lệnh tiến hành khủng bố được đưa ra từ “thượng tầng”  lãnh đạo của nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Chưởng lý liên bang Bỉ, người điều hành cuộc điều tra chống khủng bố tại Bruxelles cho biết :  “Chúng tôi biết là lệnh đến từ vùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (…), và đến từ cấp “rất cao” trong hàng ngũ chỉ huy”.
Tuy nhiên, ông không cho biết cụ thể những kẻ chủ mưu Daech ở Irak hay Syria. Lãnh đạo của tổ chức này, như thủ lãnh Abou Bakr al-Baghdadi, buộc phải “di chuyển” liên tục từ Irak sang Syria để tránh các cuộc oanh kích của liên quân quốc tế.
Lời khẳng định được đưa ra trong bối cảnh tư pháp nước này đã xác định danh tính một trong số kẻ chủ mưu, người Bỉ gốc Maroc có tên là Oussama Atar. Tuy nhiên, đó chỉ là một giả thuyết, vì “còn một loạt các chi tiết khác cần phải được thẩm định.”
Về phía Pháp, AFP trích dẫn một nguồn thạo tin cho rằng “rất có khả năng đó là Oussama Atar, kẻ điều phối duy nhất từ Syria đã được xác định trong khuôn khổ cuộc điều tra này”.
Từ nhiều tháng nay, các nhà điều tra đặt nghi vấn về một biệt danh bí ẩn Abou Ahmad, được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc điều tra về nhóm người tiến hành cuộc khủng bố tại Paris và Bruxelles.
AFP nhắc lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã từng lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11/2015 làm thiệt mạng 130 người và các vụ khủng bố tại Bruxelles hôm 22/03/2016 làm 32 người chết.

Hậu bầu cử Mỹ:

Website nhập cư NZealand, Canada đông khách

Trang web nhập cư của New Zealand nói đã có lượng người vào trang này tăng cao bất ngờ sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Sở di trú New Zealand (INZ) nói trang mạng của họ nhận được 56.300 lượt vào thăm trong thời gian 24 giờ, tăng gần 2.500%. Trang này có mức vào thăm trung bình là 2.300 lượt.
Trước đó, trang web nhập cư của Canada cũng có lượng người vào thăm cao đột biến hôm thứ Tư, khiến tắc nghẽn.
Trang mạng New Zealand Now, có các thông tin về đời sống, làm việc, học tập và đầu tư vào New Zealand, cũng có lượng người vào tăng vọt.
Trên mạng, một số người Mỹ tỏ ý quan tâm tới việc chuyển sang New Zealand sống sau khi ông Trump giành chiến thắng.
Quan tâm tới Canada
Hôm thứ Tư, trang web xin nhập cư của Canada bị báo lỗi liên tục không thể truy cập được trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Mỹ.
Các quan chức xác nhận nguyên nhân là do lượng truy cập cao khác thường.
Người ta cho rằng đây là do các công dân Mỹ tìm hiểu xem có thể sang Canada thế nào sau khi ông Donald Trump thắng cử.
Nhà tài phiệt đã giành chiến thắng, bất chấp các dự đoán trước đó đa phần đều nói ông sẽ thua bà Hillary Clinton.
“Chính phủ Canada cam kết cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáng tin cậy để đảm bảo dịch vụ chất lượng cao cho tất cả người dùng”, một người phát ngôn nói với BBC.
“Trang web của Cục Di trú, Tỵ nạn và Công dân tạm thời không truy cập được do lượng truy cập tăng đáng kể.
“Các chuyên gia của Shared Services Canada đã làm việc suốt đêm và tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề để đảm bảo người dùng lại truy cập được trang này càng sớm càng tốt”.
Đây không phải là sự cố duy nhất liên quan đến các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Các quan chức không truy cập được cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri của bang Colorado trong nửa tiếng chiều thứ ba.
Ban bầu cử bang North Carolina cũng buộc phải chuyển từ hệ thống đăng ký bầu cử điện tử qua hệ thống dùng giấy tại một số quận sau khi gặp phải “sự cố kỹ thuật”.
Ban này sau đó đã khắc phục được sự cố này nhưung 93.000 kết quả bỏ phiếu bị chậm đăng cập.
Cũng có tin đồn là có vài máy tính đã nhầm lẫn phiếu của ứng viên này với ứng viên khác.
“Các máy này, bạn chọn bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa nhưng máy lại đăng ký là bạn bỏ cho ứng viên đảng Dân chủ; đã có rất nhiều phàn nàn về chuyện đó,” ông Donald Trump nói với hãng Fox News.
Tuy nhiên, các quan chức đổ cho các sự cố này là do “lỗi của người sử dụng.”
Ngoài ra, trang “the Verge” đưa tin một công ty cung cấp dịch vụ điện thoại vận động dân đi bầu (get-out-the-vote) và nhắn tin cho chiến dịch của bà Clinton đã bị tấn công mạng gây ra “những giai đoạn không truy cập được”.
Hãng Bloomberg xác nhận có “sự cố nội bộ” làm công cụ nhắn tin trực tuyến của hãng này ngừng hoạt động trong nửa giờ sáng thứ Ba.
Dịch vụ này được sử dụng bởi những người kinh doanh tài chính và quản lý tiền tệ để bàn thảo diễn biến trên thị trường.
Tờ Financial Times đưa tin những người sử dụng công cụ này phải tạm thời chuyển sang dùng WhatsApp, nhưng lỗi này làm nhiều người “đau đầu” trước khi kết quả bầu cử được thông báo.

Tổng thống Tân cử Donald Trump

cam kết bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc

Tại Seoul, Văn phòng Tổng thống Nam Hàn cho biết Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh quốc phòng cho quốc gia này, theo đúng bản hiệp ước an ninh chiến lược song phương mà hai quốc gia đã ký kết và đang thực hiện.
Cam kết này được ông Trump đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye hồi sáng nay, đảm bảo tiếp tục mối quan hệ vững chắc đã có và sẽ cùng Seoul đương đầu với những bất ổn do Bắc Hàn gây nên.
Ông Trump còn nói là quân đội Hoa Kỳ luôn ở thế sẵn sàng để bảo vệ an ninh quốc phòng cho Nam Hàn.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump có nói rằng sẽ tính đến chuyện rút quân khỏi Nam Hàn, nếu Seoul không chia sẻ chi phí mà Hoa Kỳ đang phải gánh chịu.
Hoa Kỳ hiện có 28.500 binh sĩ đồn trú ở Nam Hàn.

Bắc Hàn cảnh báo ông Trump

sẽ phải đương đầu với vũ khí hạt nhân

Qua bình luận mới được truyền thông Bắc Hàn phổ biến sáng nay, Bình Nhưỡng lên tiếng cảnh báo tân chính phủ của ông Trump sẽ phải đương đầu với cường quốc hạt nhân Bắc Hàn, đồng thời nhắc lại Washington đừng tiếp tục mở tưởng chuyện sẽ buộc Bắc Hàn phải hủy bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân.
Bài bình luận có đoạn viết rằng chính sách mà chính phủ Obama đang cho thi hành chỉ khiến nước Mỹ trở nên nguy hiểm hơn, ám chỉ Bắc Hàn có khả năng tấn công Hoa Kỳ bằng võ khí hạt nhân.
Bài bình luận cũng nhắc lại điều lãnh đạo Bình Nhưỡng từng nhiều lần nói tới là Bắc Hàn phải có võ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc phòng, trước nguy cơ bị Hoa Kỳ tấn công bằng quân sự.
Cũng cần nói thêm chưa rõ chính sách của Tổng Thống đắc cử Donald Trump sẽ như thế nào, nhưng tháng Sáu vừa rồi khi đến Atlanta thuộc bang Georgia để vận động, ông Trump có tỏ ý cho biết sẵn sàng gặp lãnh tụ Kim Jong-Un của Bắc Hàn, để thảo luận và giải quyết những vần đề liên quan đến chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng đang theo đuổi.
Ngoài ra, theo những chuyên gia quốc tế về võ khí, Bắc Hàn đang nỗ lực chế tạo hỏa tiễn liên lục địa có thể chở đầu đạn hạt nhân, bắn xa tới các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đảo Guam và bang Hawaii, cũng như bắn tới cả các bang miền Tây của nước Mỹ.

Thứ trưởng công an Trung Quốc

đắc cử Tân chủ tịch Interpol

Tại đại hội mới kết thúc hôm nay ở Bali, Indonesia, đại diện các nước thành viên đã bỏ phiếu chọn ông Mạnh Hồng Vĩ, Thứ trưởng công an Trung Quốc làm Tân chủ tịch tổ chức cảnh sát hình sự Quốc tế Interpol.
Ngay sau khi kết quả được công bố, các tổ chức tranh đấu, bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên tiếng bày tỏ quan ngại, cho rằng trong vai trò mới, ông Tân Chủ Tịch Interpol có thể giúp Trung Quốc bài trừ tham nhũng bằng cách truy lùng những người tội phạm kinh tế đang lẫn trốn ở nước ngoài, nhưng đồng thời cũng có thể tiếp tay với Bắc Kinh để bắt giữ những nhà tranh đấu cho dân chủ may mắn trốn được sang nước khác để tránh bị đàn áp.
Chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng nói gì về quan ngại này, nhưng trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hoan nghênh việc ông Thứ trưởng Công An trở thành Chủ Tịch Interpol, và chính phủ Trung Quốc sẽ hoạt động sát cánh với tổ chức quốc tế này trong các lãnh vực an ninh, bài trừ phạm pháp.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.