Tin Việt Nam 25-10-2016
Mưa lũ gây lụt ở miền Trung
Những cán bộ thu lại tiền cứu trợ lũ lụt của người dân sẽ bị cách chức ngay lập tức.
Đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài vào chiều hôm nay, 25 tháng 10, khi trả lời báo giới liên quan đến thông tin cán bộ thôn tự ý thu tiền cứu trợ của dân sau lũ.
Theo phản ánh của dân chúng ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn với báo Người Lao Động Online, cán bộ thôn đến từng hộ gia đình thu lại 400 ngàn đồng trong số tiền 500 ngàn, mà người dân nhận được từ một đoàn từ thiện ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22 tháng 10, với lý do để chia đều cho toàn bộ các hộ dân.
Tại thôn Trường Thọ, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn và xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cũng xảy ra tình trạng tương tự.- RFA
Tòa thánh Vatican và Việt Nam họp song phương lần thứ 6
Cuộc họp song phương lần thứ 6 của Nhóm Làm việc (Tổ Công tác) giữa Tòa thánh Vatican và Việt Nam diễn ra tại Vatican, trong 3 ngày, từ ngày hôm qua 24 đến ngày 26 tháng 10.
Thông cáo của Văn phòng Báo chí Tòa thánh Vatican công bố thông tin vừa nêu vào hôm 22 tháng 10.
Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Greg Burke cho biết Đức ông Antonie Camilleri đại diện trưởng đoàn Tòa thánh Vatican và phái đoàn Việt Nam do thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu trong cuộc họp song phương lần thứ 6 này.
Cuộc họp song phương lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2014. – RFA
Hàng trăm công an cưỡng chế khu nghĩa địa Giải Phướn ở Dương Nội
Sáng sớm hôm nay, 25 tháng 10, hàng trăm công an, bộ đội tiến hành cưỡng chế khu nghĩa địa Giải Phướn ở Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Đây là khu đất cuối cùng tại Dương Nội bị cưỡng chế. Biện pháp này bị dân chúng địa phương phản đối vì cho rằng lấy đất sản xuất của nông dân giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án kinh tế; như thế là trái với qui định của luật pháp Việt Nam.
Anh Trịnh Bá Phương, một thanh niên đấu tranh giữ đất Dương Nội, cho Đài Á Châu Tự Do biết một số diễn biến cuộc cưỡng chế:
“Sáng nay vào lúc 6 giờ sáng lực lượng cưỡng chế kéo đến và đến 7 giờ sáng họ bắt đầu quây tôn. Số tôn này được chở bằng xe containers đến từ chiều hôm qua. Hôm nay lực lượng công an được huy động rất đông, và cả lực lượng côn đồ, đến khu vực cưỡng chế.
Khu cưỡng chế hôm nay là Nghĩa địa Giải Phướn, ở đây có những thi hài được chôn cất từ năm 1945. Vào ngày 19 tháng 3 năm 2010, nghĩa địa từng bị ủi phá một lần; nhiều mộ bị bật nắp ván thiêng, xương cốt vương vãi ra khắp cánh đồng. Trong đợt cưỡng chế lần thứ hai hôm nay, họ cho xe ủi đào đất đổ tràn qua các ngôi mộ còn sót lại.
Một số người dân Dương Nội có mặt từ lúc 5 giờ sáng, và khi lực lượng cưỡng chế đến đã ghì, bóp cổ ông Phạm Xuân Huynh và một số bà con khác rồi lôi kéo họ ra bên ngoài và quây tôn lại.”
Được biết khu nghĩa địa Giải Phướn ở Dương Nội nằm trong các dự án buôn bán bất động sản của chủ đầu tư là Công Ty Xuất Nhập Khẩu Hà Nội. Người dân địa phương phản đối giá cả đền bù rẻ mạt và các cuộc khiếu kiện kéo dài của bà con Dương Nội vẫn còn tiếp diễn.
Anh Trịnh Bá Phương trình bày kế hoạch tiếp tục khiếu kiện về đất đai của dân Dương Nội mà họ cho là bị thu hồi không đúng pháp luật:
“Bà con tiếp tục đấu tranh pháp lý, tiếp tục khiếu kiện yêu cầu các doanh nghiệp và những người liên quan trong việc tước đoạt đất đai của người dân phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân.
Mặt khác người dân Dương Nội sẽ vận động các đại sứ quán, các nước Phương Tây hỗ trợ trong việc chống cướp đất mà đã đẩy hằng triệu người dân Việt Nam trở thành thất nghiệp, nghèo đói do mất tư liệu sản xuất. Bà con cũng biết tòa quốc tế ICC cũng nhận đơn về các vụ chiếm đất phi pháp, nên bà con sẽ liên lạc với một số tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International … cũng như Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc để kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa án Hình sự Quốc tế.”
Trong cuộc khiếu kiện về đất đai ở Dương Nội, một số người từng bị bắt và kết án tù; trong đó có bà Cấn Thị Thêu được biết đến về sự kiên quyết không chịu nhượng bộ.
Bà bị kết án lần thứ nhất 15 tháng vào tháng 11 năm 2014 và lần gần nhất vào tháng ngày 20 tháng 9 vừa qua tòa tuyên bà 20 tháng tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. – RFA
Tàu chiến Trung Quốc vấp phản đối ở Việt Nam
Chuyến cập cảng Cam Ranh chiến lược của Việt Nam lần đầu tiên của ba chiến hạm từ Trung Quốc đang tiếp tục gây tranh cãi ở trong nước.
Đội tàu hộ tống 23 của hải quân Trung Quốc gồm ba chiến hạm Tương Đàm, Châu Sơn và Sào Hồ tới cảng quốc tế nằm ở tỉnh Khánh Hòa hôm 23/10 để, theo lời quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới, nhằm “củng cố quan hệ hải quân”.
Tuy nhiên, chuyến cập cảng kéo dài 5 ngày này cũng đã vấp phải sự phản đối của một số người dân trong nước.
Ông Trần Bang, người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng những hành động mà nhà hoạt động này nói là “bạo lực” của Trung Quốc đối với người Việt đã khiến ông và những người bạn khác phải lên tiếng.
Ông nói thêm:
“Tôi cũng không phải là người dân tộc cực đoan đến mức mà đòi cắt đứt quan hệ kinh tế và dân sự với Trung Quốc. Riêng quan hệ quân sự, rõ ràng họ đã dùng vũ lực để họ chiếm đất, chiếm biển đảo của Việt Nam, bắt ngư dân, bắn giết ngư dân, húc tàu cá của chúng ta ở những vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và từ chuyện đó, rõ ràng tôi không đồng ý cho Trung Quốc vào cảng Cam Ranh của Việt Nam. Còn quan hệ về kinh tế, dân sự tôi không phản đối”.
Đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy ông Bang cùng với 9 người khác, trong đó có cựu ký giả Huỳnh Ngọc Chênh, cầm biểu ngữ có nội dung “Phản đối tàu chiến Trung Quốc tới Cam Ranh”.
Ông Bang cho biết ông và nhóm bạn phải “biểu tình tại gia” vì nhà của ông ở quận Bình Thạnh ở Sài Gòn bị “canh giữ”. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với chính quyền quận này để phỏng vấn về việc này.
Trong khi đó, một bạn đọc tên Minh gửi ý kiến cho VOA Việt Ngữ: “VN là bạn với tất cả các nước nên việc tiếp đón các phái đoàn quân sự nói chung và các đoàn tàu chiến nói riêng đến thăm là chuyện bình thường. Tàu chiến các nước khác như Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Úc… đều đã đến thăm cảng Cam Ranh thì tàu chiến của TQ cũng được đến thăm là chuyện không có gì lạ. Thử đặt giả thiết VN cho tàu chiến các nước Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Úc… đến thăm cảng Cam Ranh mà không cho tàu chiến của TQ đến thăm thì quan hệ TQ – VN sẽ như thế nào?”
Hồi tháng Ba, hải quân trong nước khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh với số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng. Báo chí trong nước khi đó dẫn lời các quan chức nói rằng cảng này “phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự”, “vừa phát triển kinh tế, và vừa tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế”.
Ngoài ra, quan chức trong nước được trích lời nói rằng nó sẽ “góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định”. - VOA
Việt Nam bán các tập đoàn bia vì ‘khát’ tiền
Theo nguồn tin từ chính phủ, cổ phiếu của Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán bắt đầu từ năm sau cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Lần đầu tiên chính phủ Việt Nam quyết định bán toàn bộ cổ phần của 2 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống để tìm nguồn tiền cho ngân sách đang thiếu hụt.
Chính phủ trong tháng này đã công bố sẽ bán toàn bộ cổ phần trị giá 2,2 tỷ đô la từ 2 công ty bia lớn nhất do nhà nước sở hữu – Sabeco và Habeco. Với văn hóa uống bia và mức tiêu thụ bia tăng cao, 2 tổng công ty bia rượu và nước giải khát của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong số những doanh nghiệp ‘vàng’ của nhà nước.
Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ khi chính phủ quyết định từ bỏ toàn bộ quyền sở hữu của mình trong những doanh nghiệp lớn nhất để đẩy nhanh kế hoạch tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này cho thấy chính phủ Việt Nam đang gặp khó khăn với nguồn vốn ngân sách. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển được tờ Bưu Điện Nam Hoa Buổi Sáng trích lời nói rằng “điều này cho thấy ngân sách nhà nước đang căng thẳng như thế nào.”
Kinh tế gia Phạm Chi Lan cũng đồng ý với nhận xét này và cho rằng nhà nước đang cần vốn để đầu tư vào các lĩnh vực khác phục vụ cho cuộc sống của đông đảo người dân và các nhu cầu khác của nền kinh tế. Bà Lan nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là một động thái đáng hoan nghênh của chính phủ Việt Nam:
“Tôi động viên nhà nước là nên bán bớt các cổ phiếu đi. Theo nguyên lý cơ bản nhất là nhà nước nên dứt khỏi các hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy để cho thị trường làm. Ngoài ra xuất phát từ thực tế ở Việt Nam là nhà nước còn nắm giữ quá nhiều các công ty nhà nước mà các công ty này sử dụng quá nhiều tài sản của đất nước và phần lớn trong họ lại không sử dụng một cách có hiệu quả. Họ giữ những đặc quyền trong nhiều mặt kể cả quyền kinh doanh về những lĩnh vực có giá trị thương mại cao như ngành bia chẳng hạn.”
Gần đây, chính phủ Việt Nam cho biết đang cần có hàng tỷ đô la để đầu tư vào cơ sở hạ tầng để xây dựng các đường cao tốc và sân bay trong khi doanh thu ngân sách nhà nước giảm do giá dầu xuống thấp và hạn hán làm thất thu về lợi nhuận nông nghiệp. Theo Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, thâm hụt ngân sách năm 2016 có thể vượt quá mức 4,95 % của GDP như đã đề ra. – VOA
Vụ trốn trại cai nghiện tập thể: Còn 230 người tại đào
Nhà chức trách Việt Nam ngày 24/10 truy lùng 230 học viên cai nghiện sau vụ trốn trại tập thể từ Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai.
Ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết vụ việc xảy ra tối Chủ nhật 23/10 do hai trại viên đầu têu và sau đó tổng cộng 562 con nghiện, trong đó có 58 phụ nữ, đào thoát.
Ông Lộc nói nhân viên bảo vệ, không chống chọi nổi với số đông trại viên áp đảo, đã mở cổng cho con nghiện thoát ra.
Vẫn theo nguồn tin này, công an đã bắt lại được 332 người, và đang tiếp tục truy lùng số còn lại.
Trung tâm này chứa 1.481 trại viên.
Các giới chức từng nói những chương trình phục hồi nhân phẩm ở Việt Nam có tỷ lệ thất bại cao, với hơn 90% học viên cai nghiện ‘ngựa quay đường cũ’ trong vòng 5 năm. Các chương trình này kết hợp giáo dục, lý tưởng cộng sản và lao động thể chất cho các con nghiện từ 1 đến 2 năm.
Ước tính có khoảng 200.000 người nghiện ma túy tại Việt Nam. – VOA
0 comments