Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tranh chấp Biển Đông – 23/09/2016

Friday, September 23, 2016 6:41:00 PM // , ,

Tin Biển Đông – 23/09/2016

Thấy gì trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới

của TT Philippines?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đến Việt Nam vào tuần tới để bàn chuyện Biển Đông, Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin Andanar hôm thứ Năm (22/9) khẳng định với báo chí quốc tế. Trong khi đó, một nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng ông Duterte đến Việt Nam nhằm “trấn an” và tranh thủ sự ủng hộ của Việt Nam để không bị cô lập hóa vì những phát ngôn gây nghi ngờ về lập trường của Philippines trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Trước đó tại Hội nghị Thượng định ASEAN ở Lào, Tổng thống Philippines nói ông không có ý định đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra trong các cuộc thảo luận cùng với các nước ASEAN khác. Ngoài ra, những phản ứng có phần dè chừng của Washington đối với Philippines sau phát ngôn “gây sốc” của ông Duterte dành cho Tổng thống Barack Obama trong kỳ họp trên đã khiến cho không chỉ các nước trong khu vực, mà cả các đối tác và đồng minh phương Tây e ngại.
Một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Trường đại học Maine, Hoa Kỳ, nhận định mục tiêu đầu tiên của chuyến đi Việt Nam của ông Duterte là nhằm trấn an Việt Nam. Ông nói:
“Tôi nghĩ Tổng thống Philippines đến Việt Nam là để trấn an Việt Nam và cũng để so sánh thông tin với Việt Nam. Bởi vì gần đây, ông ấy có những tuyên bố có vẻ hơi hàm hồ rằng ông sẽ thương lượng với Trung Quốc. Mặc dù ông nói rõ rằng ông sẽ thương lượng với Trung Quốc về cái phán quyết của Tòa án thường trực nhưng thái độ của ông đối với Mỹ đã làm cho nhiều nước trong khu vực bất an”.
Gần đây, đặc sứ của ông Duterte về Trung Quốc, cựu Tổng thống Fidel Ramos đã bay sang Hồng Kông để gặp cựu Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc Phó Oánh. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về việc giảm thiểu căng thẳng thông qua đàm phán. Tuy nhiên, cuộc thảo luận của hai giới chức đã không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye, trong đó khẳng định đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra để xác định chủ quyền là hoàn toàn phi pháp.
Tổng thống tiền nhiệm của ông Duterte, ông Benigno Aquino, trước đây đã kiên quyết không chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Ông Aquino chính là người đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế.
Trong khi đó, chính quyền của ông Duterte được cho là đang theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập bằng cách từ chối mọi nỗ lực can thiệp của các chính phủ nước ngoài, khiến cho đồng minh lâu năm Mỹ và các nước phương Tây nghi ngờ về lập trường của nước này.
Lâu nay, Việt Nam và Philippines là hai nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong vấn đề Biển Đông. Do đó, việc tìm kiếm sự ủng hộ từ phía Việt Nam trong chuyến đi sắp tới của ông Duterte cũng sẽ giúp cho Philippines tránh được thế “bị cô lập”, theo GS. Ngô Vĩnh Long:
“Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực và là nước có quyền lợi nhiều nhất trong khu vực. Cho nên nếu không có Việt Nam ủng hộ Phi Luật Tân trong lúc này thì có lẽ Phi Luật Tân sẽ bị các nước khác cô độc hóa qua những phản ứng và tuyên bố không rõ ràng. Bây giờ Phi Luật Tân và Việt Nam phải làm sao cho mọi người thấy là hai nước cùng nhau bảo vệ quyền lợi không những của nhau mà còn của tất cả các nước khác trên thế giới và trong khu vực”.
Theo lịch trình, Tổng thống Philippines sẽ đến Việt Nam vào ngày 28 và 29/9. Ngoài ra, ông Duterte dự kiến cũng sẽ đến Trung Quốc và Nhật Bản sau đó.
Trong cùng ngày 22/9, Tổng thống Duterte nói nếu đến Trung Quốc, ông sẽ đòi Bắc Kinh trao trả quyền đánh cá cho ngư dân của nước này trong khu vực có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Đồng thời, ông khẳng định “không hề có kế hoạch làm ngơ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc”. Ông Duterte nói ông tin là Trung Quốc sẽ thảo luận với ông “bằng thiện chí”.

Mỹ-Philippines diễn tập tác chiến quy mô lớn

Các giới chức quân sự Philippines ngày 22/9 loan báo đợt diễn tập tác chiến quy mô lớn lần đầu tiên với lực lượng Hoa Kỳ dưới thời đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte, người gần đây lên tiếng chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ.
Giới lãnh đạo quân sự cho hay các cuộc thao dượt quân sự thường niên với sự tham gia của khoảng 1.400 quân nhân Mỹ và 500 lính thủy quân lục chiến Philippines sẽ có cả các cuộc đổ bộ lưỡng cư và các đợt tập bắn đạn thật từ ngày 4 đến 12/10.
Tổng thống Duterte, tự mô tả mình là một người theo chủ nghĩa xã hội, đang có mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Hoa Kỳ.
Ông từng tuyên bố đang tạo dựng một chính sách ngoại giao không lệ thuộc vào Mỹ, một đồng minh theo hiệp ước, và đồng thời đang tiến hành những bước vực dậy mối quan hệ với Trung Quốc. Dưới thời người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Begnino Aquino, quan hệ Manila-Bắc Kinh có những xích mích căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền.
Trong bài diễn văn ngày 22/9, Tổng thống Duterte nhắc lại ông sẽ không cho phép lực lượng Philippines tiến hành tuần tra chung với quân đội Mỹ trong vùng Biển Đông có tranh chấp vì việc này có thể khơi mào xung đột võ trang trong lãnh thổ Philippines. Trước đó, ông Duterte cũng từng tuyên bố rằng muốn lực lượng Mỹ ra khỏi miền Nam Philippines, nơi ông nói rằng cộng đồng thiểu số Hồi giáo đang bất bình vì sự hiện diện của binh sĩ Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Philipines khẳng định sẽ không hủy bỏ hiệp ước quốc phòng hỗ tương với Mỹ và sẽ duy trì là một đồng minh lâu năm với Washington.

Việt Nam kêu gọi các nước

tuân thủ luật pháp trong vấn đề Biển Đông

Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như ở Châu Á Thái Bình Dương.
Đó là nội dung phát biểu của ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đưa ra trong cuộc họp báo thường lệ ở Hà Nội ngày hôm nay, khi được hỏi về việc Nhật Bản mới loan báo sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông, bao gồm cả việc sẽ cùng Hoa Kỳ thực hiện chương trình huấn luyện tuần tra chung trong khu vực.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình cũng nói rằng là một quốc gia ven biển và cũng là thành viên của Công Ước Luật Biển 1982 do Liên Hiệp Quốc ban hành, Việt Nam kêu gọi tất cả các hoạt dộng, kể cả những hoạt động quân sự ở Biển Đông phải theo đúng những quy định của luật pháp quốc tế.
Điều này được phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đưa ra liên quan đến việc hải quân Nga và Trung Quốc vừa hoàn tất tập trận chung lần đầu tiên diễn ra ở biển Đông. Cuộc tập trận này kéo dài một tuần lễ, từ 12 tháng Chín đến 21 tháng Chín 2016.
Trả lời câu hỏi về phát biểu của Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói rằng Maxcova ủng hộ lập trường của Trung Quốc là không công nhận phán quyết mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế đưa ra hồi giữa tháng Bảy vừa rồi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nhắc lại lập trường của Việt Nam là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng thương thuyết ngoại giao, ôn hòa, và đi đúng với luật lệ quốc tế.
Trong phán quyết công bố tại The Hague hôm 12 tháng Bảy vừa rồi, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử lẫn pháp lý ở những khu vực Bắc Kinh đang chiếm giữ và tự nhận là thuộc về họ.
Cũng trong cuộc họp báo, chuyện Đài Loan xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa đã được nêu ra, và theo lời ông Lê Hải Bình, phía Việt Nam đang theo dõi rất sát chuyện này.
Ông cũng nhắc lại Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường toàn bộ Trường Sa là của Việt Nam, chuyện Đài Loan đang chiếm giữ và có những hoạt động trên đảo Ba Bình là phi pháp.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa có tên quốc tế là Itu Aba, còn Đài Loan gọi là đảo Thái Bình.
Đây là hòn đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa, đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.

Tổng Thống Philippines

muốn thăm Nhật Bản và Trung Quốc

Tin từ Manila cho hay các viên chức ngoại giao Philippines đang dàn xếp với đối tác Nhật Bản và Trung Quốc, để Tổng Thống Rodrigo Duterte sang thăm Bắc Kinh và Tokyo vào tháng tới.
Đến giờ, cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, chưa rõ khi nào ông Duterte sẽ đến Nhật hay Trung, cho dù có dự đoán nếu thành hình, chuyến đi sẽ diễn ra vào cuối tháng Mười.
Tin này được Tokyo xác nhận, nhưng Trung Quốc chưa lên tiếng nói gì.
Một vài ngày trước đây, nguồn tin phát xuất từ giới ngoại giao ASEAN cho Ban Việt Ngữ chúng tôi biết Tổng Thống Phi sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối tháng Chín, đến cuối tháng Mười ông sẽ ghé Bắc Kinh, Tokyo và Brunei trước khi sang Peru dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, tức APEC.
Tin chúng tôi nghe được cũng cho hay trên đường từ Peru về nước, Tổng Thống Phi sẽ ghé San Francisco, thuộc bang California, để gặp cộng đồng người Philippines tại đây.
Trở lại với chuyến viếng thăm Trung Quốc và Nhật Bản mà Tổng Thống Phi dự định thực hiện, các nhà quan sát nói rằng chuyến đi này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Manila và Tokyo, đồng thời sẽ giúp hàn gắn những khó khăn trong mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh, xảy ra trước cũng như sau ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế công bố phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Phi kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở Biển Đông.
Theo tin chưa thể kiểm chứng, tuần tới, Tổng Thống Duterte sẽ gửi đặc sứ là Cựu Tổng Thống Fidel Ramos sang Bắc Kinh để dàn xếp cho chuyến viếng thăm.
Các nhà quan sát cũng đặc biệt chú ý đến việc Tổng Thống Duterte một mặt dịu giọng với Trung Quốc, mặt khác lại dùng những lời lẽ được xem là thô lỗ để nói về Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Có người cho rằng điều đó chứng tỏ ông Duterte muốn thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, giảm bớt mức độ lệ thuộc với Hoa Kỳ.

Biển Đông :

Mỹ cần áp dụng một loạt biện pháp mới chống Trung Quốc

Nhân cuộc điều trần hôm 21/09/2016 tại Hạ Viện Mỹ, ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông đã phê phán các thiếu sót trong đối sách của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điểm lý thú là các chuyên gia này đã đề xuất nhiều biện pháp rất cụ thể, cả về pháp lý, chính trị hay quân sự, được cho là có tác dụng răn đe Bắc Kinh nhiều hơn.
Về pháp lý, tiến sĩ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn sai lầm khi chỉ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là « quá đáng », mà không dám gọi thẳng đó là « phi pháp ».
Đối với giáo sư Kraska, Hoa Kỳ cần phải làm rõ vấn đề cách gọi, vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ là « quá mức » mà là « bất hợp pháp ». Do vậy ông Kraska đề nghị : « Chúng ta phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự mơ hồ và hoài nghi, có lợi cho Trung Quốc ».
Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, thì nhấn mạnh trên tác hại của thái độ quá thận trọng của chính quyền Obama đối với Trung Quốc trong thời gian qua. Đối với chuyên gia này, vì rụt rè, Hoa Kỳ đã không được Trung Quốc coi trọng.
Bà Glaser nêu bật việc chính quyền Obama đã dành ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong lãnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, vì thế đã không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
Thế nhưng theo chuyên gia này, chính quyền Mỹ đã sai lầm khi cho rằng quá cứng trên vấn đề Biển Đông sẽ hại cho các hồ sơ khác cần sự hợp tác của Trung Quốc. Đối với bà Glaser Mỹ hoàn toàn « có thể làm cả hai việc cùng một lúc, và nhất thiết phải nói nói rất rõ cho Trung Quốc biết rằng hành vi của họ không thể chấp nhận được. »
Về phương diện quân sự, các chuyên gia đều chỉ trích thể thức « qua lại vô hại » (innocent passage) mà Hải Quân Mỹ đã áp dụng trong ba chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa.
Đối với giáo sư luật Kraska, Hoa Kỳ không nên dùng thủ tục yếu nhất để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc, vì rõ ràng là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận lãnh hải chung các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Giáo sư Kraska đề nghị là Hoa Kỳ phải cho phi cơ bay qua các đảo nhân tạo trong tay Trung Quốc ở Trường Sa, chẳng hạn như qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, một mình hay với nước khác.
Đấy cũng là khuyến nghị của bà Glaser, muốn Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra một cách thường xuyên hơn để phá vỡ chiến thuật ngăn chặn tàu Mỹ của Bắc Kinh.
Riêng tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, thì phê phán các quan chức Mỹ không dám thừa nhận một cách công khai là ngoài lực lượng Hải Quân và Hải Cảnh, Trung Quốc còn có một lực lượng thứ ba đang giúp Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông : Đó là lực lượng « dân quân biển ». Đối với chuyên gia này, Washington phải cấp tốc đề ra một chiến lược toàn diện hơn để đối phó với Bắc Kinh.
Trong chiến lược toàn diện này có vấn đề pháp lý và giáo sư Kraska gợi ý rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thì các nước vẫn có thể kiện Trung Quốc ra các tổ chức quốc tế khác về các vi phạm mà Tòa Trọng Tài nêu bật.
Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế có thể xét xử vụ Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc vi phạm các quy định quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS), Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế có thể xử lý các vi phạm mã số bay, và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc có thể phán quyết về việc biến tàu cá thành công cụ của quân đội.

Hạ Viện Mỹ

đả kích thái độ rụt rè của chính quyền Obama về Biển Đông

Ngày 21/09/2016, tiểu ban Hải Lực (Seapower and Projection Forces) thuộc Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện Mỹ đã mở phiên điều trần về Biển Đông, và đã nghe tham luận của 3 chuyên gia tên tuổi. Không hẹn mà gặp, tất cả các ý kiến đều nêu bật thái độ bị cho là quá rụt rè của chính quyền Obama, với hệ quả là đã không ngăn cản được việc Bắc Kinh áp đặt được quyền kiểm soát thực tế trên khu vực Biển Đông.
Trong tuyên bố khai mạc buổi điều trần với chủ đề « Hải lực tại Biển Đông » (Seapower and Projection Forces in the South China Sea), dân biểu Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Hải Lực, chuyên trách các vấn đề liên quan đến Hải Quân Mỹ, đã không ngần ngại đánh giá rằng chiến lược xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama là một chủ trương đúng đắn. Vấn đề là những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ để thể hiện chiến lược đó không đủ để chống lại đà vươn lên về quân sự và thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc.
Dân biểu Forbes đã tỏ ý rất quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc lợi dụng thời cơ mấy tháng cuối trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Barack Obama để « thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, mở rộng việc bồi đắp bãi Scarborough, tăng tốc quân sự hóa các đảo nhân tạo (tại Trường Sa)… nhằm thách thức quyết tâm của Hoa Kỳ ».
Trong tình hình đó, Mỹ cần phải có biện pháp mạnh để răn đe không cho Bắc Kinh tiến hành các việc đó, và theo ông Forbes, các ý kiến của giới chuyên gia rất cần thiết để có thể chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, trấn an các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực và duy trì một thế cân bằng quân sự ổn định trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Trong các tham luận của mình, các chuyên gia được mời góp ý – từ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College), và Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, cho đến bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, tất cả đều đã phê phán một số hành vi bị xem là quá rụt rè của chính quyền Obama trong việc chống lại những hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Các chuyên gia đã cho rằng các động thái như không dám gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là « phi pháp », hay là việc tuần tra nửa vời bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, đều phản tác dụng, không những không răn đe được Trung Quốc, mà thậm chí còn khuyến khích Bắc Kinh « khẳng định chủ quyền một cách phi pháp trên một số đảo trong vùng ».

Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ bỏ rơi Philippines?

Chuyên mục “Freeman Opinion” trên trang Philstar, ngày 22/09/2016, đăng nhận định của Josephus Jimenez sau loạt tuyên bố chống Mỹ của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong thời gian gần đây. Theo tác giả, thái độ bốc đồng như vậy không thể kéo dài trong tương lai.
Bất luận là cách thể hiện tâm trạng bức xúc, dù là thoáng qua, hay sự tức giận tức thời trước những lời chỉ trích từ phía Mỹ liên quan đến chiến dịch chống ma túy tại Philippines, bất luận sự hiểu lầm nào đang diễn ra với cả hai nước, tất cả những chuyện này không nên trở thành yếu tố quyết định trong chính sách đối ngoại của Manila.
Đúng vậy, một chính sách đối ngoại độc lập không chỉ là chọn lựa một điều tốt mà nhất thiết còn là một nguyên tắc của quốc gia có chủ quyền. Thế nhưng, khi lựa chọn quyền này, liệu Philippines có cần phải phá vỡ tình hữu nghị có từ lâu với đồng minh thân cận nhất không ?
Giả sử chính phủ Mỹ quyết định giữ khoảng cách với Philippines. Liệu Manila có một mình chống lại được quyết tâm “bắt nạt” và chiếm lãnh thổ Philippines của Trung Quốc hay không ? Liệu chính phủ có bảo đảm được an ninh quốc gia trước những cuộc tấn công bất ngờ của“kẻ cướp” tại châu Á-Thái Bình Dương và truớc các mối đe dọa nguyên tử của Bắc Triều Tiên hay không ? Phải chăng để có một chính sách đối ngoại độc lập thì nhất thiết phải chống lại một đồng minh lâu đời và luôn đáng tin cậy ?
Đúng là Hoa Kỳ không phải là một người bạn hoàn hảo. Mỹ có nhiều khiếm khuyết, thậm chí là có nhiều điều không chấp nhận được. Nhưng liệu Philippines có một giải pháp thay thế tốt hơn không ? Liệu Manila đã thật sự sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Chú Sam ? Phải chăng nói thì dễ mà làm thì khó ?
Người dân Philippines không bao giờ trông cậy vào Trung Quốc vì từ lâu cường quốc này vẫn nhòm ngó vùng lãnh hải tại biển Tây Philippines (Biển Đông) mà Bắc Kinh luôn tự nhận là một phần của biển Nam Trung Hoa. Giống thời xưa, Trung Quốc ngày nay tiến hành cạnh tranh thương mại không lành mạnh đối với nền kinh tế và các lĩnh vực kinh doanh của Philippines. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập đất nước, có giá rẻ nhưng lại không an toàn và có hại cho sức khỏe.
Trung Quốc còn nhẫn tâm tử hình nhiều công dân Philippines bị cáo buộc buôn bán và vận chuyển ma túy. Thế nhưng, hầu hết các ông trùm lại là người Hoa ; các loại ma túy, như methamphetamine hay các chất gây nghiện khác của họ, tràn ngập Philippines.
Manila cũng không thể trông cậy vào Nga dù các nhà lãnh đạo tỏ lòng ngưỡng mộ tổng thống Putin. Nga chưa giúp Philippines trong lúc hoạn nạn hay lúc khải hoàn. Ngược lại, Hoa Kỳ luôn đứng sau Philippines khi xảy ra thiên tai, những cuộc bạo loạn hoặc thảm họa. Dù có khuynh hướng áp đặt với Philippines những chính sách hay hệ tư tưởng của Mỹ, dù có thiên hướng bắt Manila dập khuôn theo các nguyên tắc tự do về nhân quyền và các quyền tự do công dân thì Mỹ vẫn là người bạn đáng tin cậy nhất của Manila. Có hàng triệu người Philippines đang sống ở Hoa Kỳ, từ Hawai đến New York, từ Seattle đến Floria, Philippines không nên chống Hoa Kỳ.
Washington không phải là một đồng minh hoàn hảo mà thường có thái độ ban ơn. Họ đã từng có những lúc trục lợi do sự ngây thơ và không biết lo xa của giới lãnh đạo trước đây. Nhưng phải nói là Mỹ đã làm rất nhiều cho đất nước và người dân Philippines. Cả hai nước đã sát cánh bên nhau hơn một thế kỷ để chống lại kẻ thù chung và đối mặt với những vấn đề chung.
Người Mỹ chưa từng lạm dụng phụ nữ Philippines như người Nhật từng làm, họ chưa bao giờ ức hiếp tổ tiên của người Philippines như người Tây Ban Nha đã làm trong suốt 377 năm.
Đúng là nước Mỹ không hoàn hảo, nhưng điều quan trọng hơn cả là chính Hoa Kỳ, chứ không phải nước nào khác, sát cánh cùng Manila khi những kẻ xâm lược muốn chiếm đất đai và tàn sát người dân. Philippines không có người bạn nào như Mỹ cả, vì vậy, thật điên rồ nếu chọn đối đầu với Mỹ và thậm chí là điều không nên nghĩ tới vào lúc này.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.