Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/09/2016

Wednesday, September 21, 2016 8:18:00 PM // , ,


Tin Việt Nam – 21/09/2016

Hơn 10,000 giáo dân Giáo phận Vinh

dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Hòa Bình – Công Lý

Dù trời mưa rất lớn, tiết trời se lạnh, đường sá bùn lầy, nhưng nhưng đông đảo giáo dân thuộc Giáo phận Vinh vẫn hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo phận và đã tập trung đông đảo tại Trung tâm Linh Địa Trại Giáo, thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để cùng hiệp dâng thánh lễ cho Hòa Bình – Công Lý.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 2016, khoảng 10,000 giáo dân Giáo phận Vinh có mặt để tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho thế giới được hòa bình và công lý sẽ sớm ngự trị trên đất nước Việt Nam.
Người chủ sự thánh lễ là Đức cha Nguyễn Văn Viên – giám mục phụ tá Giáo Phận Vinh, cùng với sự có mặt của Đức cha oàng Đức Oanh – nguyên giám mục giáo phận Kontum, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành – nguyên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, và hơn 100 linh mục đến từ trong và ngoài Giáo phận.
Trong phần giảng lễ, cha Nguyễn Văn Viên chia sẻ: “…Hòa bình luôn khát vọng cháy bọng đối với mọi người, và kéo dài đến mọi thời. Chiến tranh luôn là điều dữ và chiến tranh luôn đưa đến sự chết chóc, không được hòa bình. Không có sự chết chóc nào nhiều như chiến tranh, không khó khăn bếp bênh nào bằng như chiến tranh, không sự hủy diệt nào lớn bằng chiến tranh,…” 
Khi nhắc đến những sự bất ổng trên thế giới, cha Viên cũng không quên nhắc về sự kiện biển Đông và những dã tâm của Trung Cộng đối với Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung. Từ việc vẽ đường lưỡi bò xác định chủ quyền cách trơ tráo đến việc xây các bãi đá nhân tạo chiếm biển. Từ việc cho tàu quân sự đâm chìm các tàu cá cùng tàu tuần tra vùng biển trên vùng biển Việt Nam đến việc cướp đài truyền thanh để phát tiếng Tàu.
Theo cha, những điều này nhắc cho người dân Việt Nam nhớ lại những vụ xâm lấn ồ ạt và đô hộ triền miên của người anh em “quý hóa” từ phương Bắc.
“Điều này làm lộ rõ bản chất xâm lăng của Trung Cộng, đến những mỹ từ mang nặng gửi đến Bộ Ngoại Giao là “4 tốt 16 chữ vàng” thực chất đang hàm chứa những từ ngược lại. Nguyên nhân bất hòa, bất ổn trên thế giới là do nhiều thứ nhưng chung quy lại là do thiếu bác ái, do lòng tham và bạo lực leo thang…” - cha Viên nói trong bài giảng.
Sau khi đã nêu ra cách tổng quan những hiện tình bất ổn của thế giới, cha Nguyễn Văn Viên cho rằng, nguyên nhân của chiến tranh chung quy lại là do thiếu công bình và bác ái, là do lòng tham vô đáy của con người. Từ đó, cha mời gọi mọi người cùng nhau cầu nguyện để xin Thiên Chúa ban cho thế giới một nền hòa bình đúng nghĩa.
Cuối Thánh lễ, Đức cha Hoàng Đức Oanh đã gửi lời chào thăm tới cộng đoàn giáo phận Vinh, và bày tỏ sự thán phục trước những hành động vì Công lý và Hòa bình mà giáo phận Vinh đã và đang thực hiện. Ngài cũng cầu chúc mọi thành phần trong giáo phận Vinh tiếp tục một lòng một ý với nhau trong mọi sự để công cuộc bảo vệ sự thật, công lý và hòa bình sẽ không bao giờ bị lãng quên.
“Đây là dịp để anh em chúng tôi đến chiêm ngắm, học hỏi nơi anh chị em để sức mạnh từ nơi anh chị em và từ giáo phận Vinh như là ngọn đuốc đi đầu cho công cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, bảo vệ sự thật – công lý – hòa bình…” - nguyên Giám mục Giáo phận Kontum chia sẻ.
Cuối Thánh lễ, đoàn người cất vang lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxico Assisi để cầu nguyện cho thế giới, cho đất nước Việt Nam một ngày có được hòa bình, công lý, và sự thật.
Nguyên Nguyễn / SBTN

Hậu Trịnh Xuân Thanh tung tăng tẩu thoát:

Tổng bí thư Trọng bất ngờ ‘vào’ đảng ủy công an trung ương

Chỉ ít ngày sau khi xảy ra biến cố Trịnh Xuân Thanh ung dung tẩu thoát ngay trước mũi công an và biến Tổng bí thư Trọng thành trò hài hước trong dư luận xã hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã “được chỉ định” vào Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương.
Báo chí nhà nước ghi nhận: đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, Tổng bí thư tham gia đảng ủy và Ban thường vụ đảng ủy Công an Trung ương.
Sự kiện được xem là rất đặc biệt này xảy ra vào ngày 21/9/2016 với lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị Khóa XII về việc chỉ định đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 người; Ban thường vụ đảng ủy gồm 7 người, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy kể từ nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành “công an”, và lịch giao ban định kỳ của Tổng bí thư Trọng sẽ có thêm mục làm việc tại đảng ủy công an trung ương. Cũng kể từ nay, Đảng ủy công an trung ương sẽ phải giao ban định kỳ và họp dột xuất với sự “giám sát” của Tổng bí thư Trọng.
Duy có điều, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 lại không nói rõ vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng là gì trong Ban thường vụ Đảng ủy công an trung ương. Sự thể này là khác hoàn toàn với chức danh “được chỉ định” của ông Trọng là bí thư trong Quân ủy trung ương.
Vậy ông Tổng bí thư Trọng sẽ là cấp dưới hay cấp trên của Bộ trưởng công an Tô Lâm trong Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương?
Vào ngày 4/5/2016, Bộ Chính trị đã công bố quyết định “phân công đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương”.
Sắp tới, nếu chức danh Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương được giữ nguyên cho ông Tô Lâm, ông Trọng sẽ phải chấp nhận giữ vai trò không đứng đầu trong Đảng ủy Công an Trung ương, và do đó bộ trưởng công an mới là người có quyền quyết định cuối cùng.
Còn nếu ông Nguyễn Phú Trọng “được chỉ định” vào chức danh Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Tô Lâm sẽ vô hình trung bị “cách chức”. Lúc này sẽ xảy ra một tình huống ngoạn mục: Bộ Công an cùng lúc có hai “bộ trưởng” – một bộ trưởng về chính quyền và một “chính ủy” chỉ đạo bộ trưởng.
Và nếu ông Trọng được cơ cấu là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, sẽ là lần đầu tiên một tổng bí thư vừa là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương lẫn Bí thư Quân ủy Trung ương, mà về thực chất chính là nhân vật “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” chứ không còn là chủ tịch nước làm chuyện này theo Hiến pháp.
Khi đó, ông Trần Đại Quang sẽ làm gì?
Cũng cần nhắc lại, vụ Trịnh Xuân Thanh tung tăng đào tẩu nhưng đến giờ chưa dò ra đã khiến bùng nổ nhiều dư luận về việc có một đường dây giúp cho Thanh trốn và Tổng bí thư Trọng không “nắm” được Bộ Công an lẫn Đảng ủy Công an Trung ương.
Còn bây giờ, xin chúc mừng ông Trọng đã cố “nắm” được Đảng ủy Công an Trung ương.
Chỉ có điều, chưa biết đây có phải là một nước cờ đủ sức tập quyền cho ông Trọng hay sẽ khiến mọi chuyện trở nên rối beng?
Lê Dung / SBTN

TQ chuẩn bị xét xử nữ doanh nhân Mỹ gốc Việt về tội gián điệp

Greg Flakus
HOUSTON —
Trung Quốc dự định xét xử nữ doanh nhân Mỹ Sandy Phan-Gillis về tội làm gián điệp tại một thời điểm chưa được ấn định trong tháng tới, tuy nhiên chồng bà ở Houston, Texas nói ông có chứng cớ cho thấy vợ ông không có mặt ở Trung Quốc trong những ngày được ghi trong cáo trạng. Từ thành phố Houston, Thông tín viên Greg Flakus của VOA tường thuật rằng ông Jeff Gillis vẫn hạ quyết tâm muốn thấy vợ ông được trả tự do.
Những người biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đòi trả tự do cho bà Sandy Phan-Gillis.
Nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa có quốc tịch Mỹ này đã bị giam cầm ở Trung Quốc trong hơn một năm nay với cáo buộc làm gián điệp.
Đa số những người ủng hộ bà là những người thân hoặc đã quen biết bà trong một thời gian dài.
Cô Katherine Phan nói:
“Tôi có mặt ở đây là bởi vì tôi muốn mẹ tôi trở về nhà. Tôi muốn mẹ tôi trở về và không bị tố cáo về một điều gì đó mà bà không hề làm.”
Anh Kevin, một người bạn của gia đình nói:
“Thật là tệ hại khi bị rơi vào tình huống khó khăn như thế, bởi vì thực sự, tôi không tin bà Gillis đã làm bất cứ điều gì sai trái.”
Phiên toà xét xử đã được ấn định cho tuần này, tuy nhiên nhà chức trách Trung Quốc đã hoãn lại ngày bắt đầu phiên xét xử.
Chồng bà, ông Jeff Gillis thấy hoãn lại cũng có một số điểm thuận lợi.
Ông nói:
“Có thêm một ít thời giờ để các luật sư bảo vệ rộng đường làm việc là điều tốt. Sự kiện họ đã lên lịch một buổi làm việc để xét chứng cớ là một điều tích cực bởi vì có rất nhiều chứng cớ mà chúng tôi đang có trong tay và muốn bảo đảm sẽ được đưa vào tiến trình xét xử.”
Ông Jeff Gillis nói ông có thể chứng minh là vợ ông ngay cả không có mặt ở Trung Quốc vào năm 1996, là thời gian mà những người tố cáo bà nói bà đã có hoạt động gián điệp.
Ông Gillis nói tiếp:
“Chúng tôi có vô số chứng cớ cho thấy Sandy lúc ấy đang có mặt ở Houston. Chúng tôi có chứng cớ trên hộ chiếu, hộ chiếu của vợ tôi không có visa của Trung Quốc vào năm 1996, không có dấu đóng visa khi rời khỏi Trung Quốc, và cũng không có dấu đóng thị thực nhập cảnh.”
Doanh nhân Justin Gardiner ở Houston chưa từng gặp Sandy, nhưng ông tham gia vận động cho bà sau khi đọc tin về cuộc đấu tranh đơn độc của chồng bà. Ông phát biểu:
“Tôi thật sự cảm thấy đau lòng về việc người đàn ông này đã phải gánh vác cuộc đấu tranh này về phần lớn một cách đơn độc như vậy.”
Vận dụng những sự quen biết của ông trong giới doanh nghiệp, ông Gardiner hy vọng có thể tăng cường nỗ lực hỗ trợ cho ông Gillis. Ông nói về nỗ lực này:
“Dư luận công chúng sẽ đòi hỏi những cá nhân có quyền thế ở nước Mỹ này phải tăng áp lực đối với những người nắm quyền lực ở Trung Quốc để làm điều đúng đắn và thả bà ra để bà có thể trở về nhà.”
Tuy nhiên ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang rất hạn chế giữa lúc hai nước đang đối đầu nhau trên một loạt vấn đề đang phủ bóng lên tình trạng khó khăn mà một phụ nữ đang bị lâm vào.
Ông Jeff Gillis thừa nhận sự khó khăn trong việc có được một vụ xét xử công bằng. Ông nói:
“Hiện giờ thì đây vẫn là một vụ xét xử bí mật. Kín. Không một ai được cho phép tham dự ngoại trừ Sanday và các luật sư bảo vệ vợ tôi.”
Trong khi đó Trung Quốc không có dấu hiệu nào là sẽ huỷ bỏ vụ án này, hoặc cho phép các giới chức đại sứ quán Mỹ tham gia phiên xét xử.

Dân biểu Mỹ đề nghị đưa VN vào CPC vì phá chùa Liên Trì

Sau sự kiện chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dùng sức mạnh buộc Hòa thượng trụ trì Thích Không Tánh và các nhà sư khác phải rời chùa rồi tiến hành phá chùa Liên Trì ở khu Thủ Thiêm hôm 8/9, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Mỹ hôm 11/9 đã ra tuyên bố phản đối.
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Chủ tịch của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho VOA biết tuyên bố nói mạng lưới và những tổ chức, hội đoàn tôn giáo, nhân quyền, cũng như cộng đồng trong và ngoài nước đồng thanh lên tiếng “cực lực lên án hành động đàn áp tôn giáo một cách dã man và trắng trợn của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam” và đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam “phải trả lại tài sản đã cướp đoạt của chùa, và đền bù tất cả những thiệt hại cho Hòa thượng Thích Không Tánh và các phật tử”.
Tuyên bố cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các quốc gia yêu chuộng tự do, dân chủ trên thế giới “lên án hành động bất tuân luật Quốc tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết”, đồng thời “yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) vì đã chà đạp tự do tôn giáo”.
Mới đây hai dân biểu Mỹ là ông Alan Lowenthal thuộc Đảng Dân chủ và ông Ed Royce thuộc Đảng Cộng hòa cũng đã có những tuyên bố lên án việc phá chùa.
Trên trang Facebook chính thức, Dân biểu Lowenthal viết hôm 17/9: “Với việc phá chùa Liên Trì, tiếp tục giam giữ Mục sư Nguyễn Công Chính, và đàn áp các cơ sở tôn giáo độc lập và các lãnh tụ tôn giáo, tôi tin rằng đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước Đặc biệt Đáng Quan tâm (CPC) trong những ngày tới là việc làm phù hợp, tôi sẽ cùng Chủ tịch [Ủy ban Đối ngoại Hạ viện] Royce đề nghị các đồng nghiệp tại Hạ viện ủng hộ việc đưa nước Việt Nam Cộng sản vào danh sách đó”.
Một bức thư của Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, do trang Việt Nam Thời báo của Diễn đàn Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam công bố hôm 18/9, có đoạn: “…gần đây vụ phá hủy Chùa Liên Trì chứng tỏ nhà cầm quyền Công sản Việt Nam đã không còn kiêng dè gì nữa để phủ nhận các quyền của người công dân. Chúng ta phải lên tiếng và nói với nhà cầm quyền CSVN rằng Chùa Liên Trì phải được tái xây dựng lại ngay tại chỗ cũ, từng viên gạch. Nếu không làm như vậy, đây chính là một sự xúc phạm mà chúng ta không thể chịu đựng được… Nếu Chùa Liên Trì không được xây lại, nếu chúng ta không thấy những quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và của các giáo hội khác được tôn trọng, một lần nữa chúng ta phải kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước Đặc biệt Đáng Quan tâm (CPC) vì đã vi phạm quyền tự do tôn giáo”.
Chùa Liên Trì có lịch sử trên 70 năm, là một trong số các cơ sở còn lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước 1975. Chính quyền Việt Nam không công nhận giáo hội này.
Nhà chức trách từ lâu đã có kế hoạch giải tỏa ngôi chùa ở nơi được coi là “khu đất vàng” ở Phường An Khánh, Quận 2, trong khuôn khổ dự án đưa khu vực Thủ Thiêm của Tp. HCM trở thành khu dân cư hiện đại.
Ngoài hành động trên, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Chủ tịch của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho VOA biết mạng lưới cũng đã tiến hành kiến nghị trên trang change.org để phản đối hành động của chính quyền. Đến ngày 20/9, đã có gần 1600 người ủng hộ kiến nghị này.
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết khi đạt số người ủng hộ là 2500 hoặc hơn, bản kiến nghị sẽ được gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, Đặc phái viên về Tự do Tôn giáo Liên Hiệp Quốc Heiner Bielefeldt, và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang.

LS nói gì về việc truy nã Trịnh Xuân Thanh?

Một luật sư Hà Nội bình luận với BBC về chuyện ‘truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh’ và giải thích vì sao tên ông này chưa có trên website của Interpol.
Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9 ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.
Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam nói việc truy nã liên quan vụ án ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Quyết định khởi tố ông Thanh, cùng lệnh bắt tạm giam và khám nhà ông Thanh được đưa ra hôm 16/9.
Hôm 21/9, trả lời BBC, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, nói: “Việc tên của một nghi can xuất hiện trên website truy nã của Interpol hay không tùy thuộc vào mức độ cập nhật của tổ chức này.”
“Đến nay, đã có một số trường hợp nghi phạm đã bị bắt giam tại Việt Nam nhưng không rõ vì sao tên họ vẫn còn trong danh sách truy nã trên website Interpol.”
“Trong trường hợp nghi can bỏ trốn như ông Thanh, vấn đề là nếu sau khi gia hạn điều tra ba lần mà vẫn không xác định họ đang ở đâu thì vụ án có khả năng phải tạm đình chỉ.”
“Truy nã quốc tế trong tiền lệ thì Việt Nam đã tiến hành nhiều vụ, nhưng hiệu quả đến đâu thì tôi không nắm được số liệu để đánh giá.”
‘Minh bạch’
Bình luận về thông tin trên mạng xã hội nói Trịnh Xuân Thanh “sẽ xuất hiện khi có phiên tòa xét xử vụ thất thoát 3.300 tỷ đồng nhưng phải có luật sư, nhà báo, đại diện nhân quyền quốc tế”, luật sư cho hay: “Ông Thanh có quyền yêu cầu mở một phiên tòa như vậy.”
“Các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xem xét đồng ý hay không.”
“Nhưng ông Thanh có quyền bào chữa và chứng minh mình không phạm tội.”
“Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, điều tôi quan tâm nhất là phải đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, cũng như quyền lợi các bên được bảo vệ, tranh biện công khai, minh bạch.”
“Bất kể cơ quan tố tụng nào của Việt Nam cũng đều phải tuân theo pháp luật vì nếu làm sai và truy tố nghi can khi không đủ chứng cứ, họ cũng phải chịu trách nhiệm.”
“Luật Hình sự Việt Nam có quy định, những hành vi sai trong hoạt động tư pháp, anh khởi tố sai hay làm án theo chỉ đạo thì anh cũng chết.”
“Những vụ dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Trịnh Xuân Thanh thì khó có ai có thể làm sai được.”
Ông Truyền cũng nói thêm: “Việc cơ quan điều tra có phần chậm khi công bố quyết định khởi tố ông Thanh là do đây là đại án kinh tế, việc thu thập và xác minh chứng cứ, tài liệu mất nhiều thời gian, thường thì cần từ 3 đến 6 tháng mới đủ căn cứ để khởi tố nghi can.”

Lãnh đạo Việt Nam và mạng xã hội

Lan PhươngBBC Tiếng Việt
Phản ứng của các bí thư Hà Giang, Thanh Hóa trước thông tin trên mạng xã hội được nhà hoạt động và các trí thức đánh giá là “rất nhanh” và “đáng mừng”.
Cuối tuần qua mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền thông tin bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có con riêng và cung cấp tài sản “nhiều chục tỉ đồng” cho một viên chức sở xây dựng Thanh Hóa.
Đồng thời, cư dân mạng cũng chia sẻ cáo buộc rằng tám người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh.
Rất nhanh sau đó, cả ông bí thư Thanh Hóa và Hà Giang đều có trả lời trên báo chí tại Việt Nam về sự việc liên quan đến họ.
Thông thường, các lãnh đạo tại Việt Nam hiếm khi trả lời các tin đồn hoặc thông tin từ mạng xã hội.
Ông Hoàng Văn Dũng, nhà hoạt động của nhóm Con Đường Việt Nam nhận định các vị trên “đã phản ứng rất nhanh với mạng xã hội” và cho rằng “tức là người ta rất quan tâm”.
“Tôi cho rằng cộng đồng mạng có sức mạnh. Chắc chắn là thế, bởi vì những sự kiện nào bên tuyên giáo chỉ định không được đăng thì dù mạng xã hội có lên tiếng đến mấy thì nó cũng chỉ nằm trên mạng xã hội. Chứ còn những sự kiện như ông Triệu Tài Vinh hay ông bí thư Thanh Hóa thì không nằm trong sự kiểm duyệt của Ban tuyên giáo thì người ta sẽ phải phản ứng ngay lập tức,” ông Dũng nói.
Nhóm Con đường Việt Nam là một trong những trang lan truyền thông tin về bí thư tỉnh Hà Giang có nhiều người nhà làm quan chức.
Chưa rõ ảnh hưởng
Tuy nhiên, ông Dũng không lạc quan về việc các thông tin này có ảnh hưởng thực sự hay không. Ông nói với BBC: “Ảnh hưởng hay không còn phụ thuộc vào nội bộ người ta. Nội bộ họ đã thống nhất với nhau, hay gọi là thân mến nhau, cùng phe nhau thì rất khó để có ảnh hưởng gì. Nếu họ không cùng phe và có những vấn đề nội bộ thì đây là cơ hội để người ta tìm cách thay đổi nội bộ.”
“Một số độc giả cảm thấy điều đó là bình thường vì không như thế mới lạ. Một bộ phận nhỏ thì thấy bất ngờ vì cho rằng đó là thêm một lần minh chứng nữa chất lượng cán bộ trong Đảng có rất nhiều vấn đề trục trặc đằng sau về tình ái, tài sản, các quan hệ mang tính chất họ hàng của quan chức.”
Nhà hoạt động này nhận định các vụ việc “là ví dụ cho thấy Đảng đang độc quyền lãnh đạo và đang có rất nhiều vấn đề đằng sau.”
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) nhận định sự việc là “dấu hiệu tích cực”.
“Các thông tin trên mạng xã hội có ảnh hưởng đến đời sống và nó buộc các quan chức không thể giữ im lặng, cũng không thể phớt lờ như đã cư xử suốt hàng chục năm qua,” bà Quỳnh nói.
“Nhưng cách phản ứng ngược lại nó cho thấy thay vì chọn một phương thức là công bố hoặc minh bạch thông tin. Thì cách mà ông bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa chọn là bịt miệng. Ông yêu cầu thu hồi tên miền và xử lý các trang thông tin vi phạm. Hướng xử lý này vẫn chưa vượt qua khỏi cái suy nghĩ có thể kiểm soát được mạng xã hội và thông tin”
“Tôi không nghĩ cách phản ứng của ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa là cách hay, minh bạch. Phản ứng của ông bí thư Hà Giang cho người ta thấy một vấn đề sâu hơn. Đó là nếu đúng quy trình thì bí thư không đồng ý bổ nhiệm thì sẽ không có ai đồng ý bổ nhiệm được người nhà ông ấy làm ở các vị trí giữ chức vụ trong cùng một tỉnh,” nhà hoạt động này bình luận về phản ứng của hai lãnh đạo tỉnh.
Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những trí thức nổi tiếng tại Việt Nam nói với BBC ông cho rằng sự phản ứng của các bí thư là “điều đáng mừng”.
Ông nói: “Tiếng nói của dân chúng, đặc biệt trong thời của chúng ta, mạng xã hội, không ai ngăn nó được cả.”
“Người ta phản ứng với những hiện tượng xấu trong xã hội, đặc biệt là trong những người có trách nhiệm lãnh đạo. Đã đến lúc thông tin đó giờ lan rộng lắm.”
“Người ta không chỉ đọc trên báo chí. Thậm chí theo tôi biết những người có điều kiện không quan tâm đến báo chí công khai hàng ngày nhiều. Ở đấy chẳng có thông tin gì đáng để mà đọc cả. Và người ta đọc trên mạng xã hội nhiều. Áp lực đó buộc quan chức phải tìm cách trả lời và thanh minh. Nó chứng tỏ rằng mặc dầu sự xiết chặt trở lại nhưng không gian tự do vẫn đang dần được nống ra [mở rộng ra].”
Cơ hội để nhà báo lên tiếng?
Trong hai vụ việc tin đồn này, các tờ báo tại Việt Nam trở thành nơi “thanh minh” và lên tiếng của hai bí thư tỉnh ủy. Nhiều tờ báo trích lời ông Trịnh Văn Chiến và ông Triệu Tài Vinh về những vấn đề họ bị cư dân mạng nhắc đến.
“Điều này làm cho những nhà báo chính thống có thể nói về tin đồn một cách chính thức trên mặt báo,” nhà hoạt động Như Quỳnh nói.
“Việc tung một tin đồn từ một trang không rõ, rồi toàn bộ báo chí phải chạy đi xác minh tin đồn, rồi có công văn về tin đồn. Nó cho thấy một nỗ lực dập tắt đám cháy, nhưng đám cháy ấy sẽ lan ra các tỉnh thành khác không sớm hoặc muộn.”
Bà Như Quỳnh gọi đây là “cơ hội xác minh một tin đồn trên trang báo chính thống”.
“Là một nhà hoạt động tôi lại thấy rằng bất cứ thông tin nào có dấu hiệu sai phạm, đặc biệt là sai phạm tham nhũng, lạm quyền suốt mấy chục năm qua, được đưa ra đều tốt hết. Thứ nhất là tốt cho nhận thức người dân. Thứ hai là rồi sẽ phải thay đổi chứ không thể giữ mãi cơ chế ấy được nếu người dân phát hiện được thông tin và lên tiếng. ”
“Nếu tình hình vẫn tiếp tục phát triển như thế, đến lúc báo chí công khai sẽ phải tìm đến cách khác. Và thực ra với sự o ép mà chúng ta biết, ngay trên báo chí công khai một số nhà báo vẫn tìm cách này cách khác để nói đến một mức độ nào đó để biểu lộ ý kiến của người ta, hoặc tình hình xã hội ở mức độ nào đó trên báo chí công khai.”
“Xã hội vừa bị siết chặt trở lại, thậm chí các mảng tự do, thậm chí những mảng tự do ngay trên báo chí công khai cũng được nống ra dần dần từng chút một. Tất nhiên là ít hơn rất nhiều và khó khăn hơn rất nhiều. ”
“Tôi biết có rất nhiều nhà báo còn có lương tâm. Họ buộc phải giữ cái diễn đàn đó. Họ phải giữ gìn, nhưng vẫn tìm cách này cách khác để phản ánh dư luận xã hội, ” nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc bình luận.
Ông Nguyên Ngọc nhắc đến trải nghiệm của chính bản thân: “Vừa rồi tôi có nói một số ý kiến về những điều đáng lo ở Tây Nguyên. Một số báo công khai cũng tìm cách đưa lại ý kiến đó. Cách đây vài năm thậm chí họ không dám nhắc đến tên tôi đâu. Vẫn còn những người làm báo có lương tâm trong tình trạng o ép, để họ đưa thông tin đến người đọc.”
Nhà văn Nguyên Ngọc thừa nhận thông tin “đấu đá nội bộ” là rất nhiều nhưng vẫn “đưa tác động tốt”
“Khi các phe phái đánh nhau, thì có một điều là nó phơi thông tin đó ra cho mọi người. Độc giả bây giờ tinh lắm. Người ta thấy các thế lực đánh nhau thế nào. Nhân dân biết được là rất tốt. ”
“Họ [người dân] biết như thế và họ mất lòng tin đi. Họ không còn tin những thế lực đó nữa. Khi những thế lực đó tìm cách mị dân, dụ dỗ họ. Tôi thấy vậy cũng được. Còn tình trạng thông tin đấu đá nội bộ mình không thể nói là không có. Cái tốt, xấu ở chỗ nào cũng có.”
“Cuộc giằng co này còn kéo dài lắm,” ông Nguyên Ngọc bình luận về những gì đang diễn ra.

Khởi tố phó công an huyện tông chết người rồi bỏ trốn

Tối ngày 20/9/2016, ông Phạm Văn Hội, đại tá công an CSVN- trưởng phòng Tham mưu, kiêm phát ngôn nhân công an tỉnh Ninh Bình- cho biết cơ quan điều tra đã cho khởi tố ông Hoàng Đức Huân, phó công an huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) vì tội đụng xe chết người rồi bỏ trốn.
Từ những điều tra sơ khởi, vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 16/9/2016, đang chạy trên Quốc lộ 10, đoạn ngang qua xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, bà Bùi Thị Tú (44 tuổi, ở xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn) đã bị một chiếc xe Toyota Camry chạy cùng chiều đâm thẳng từ phía sau. Bà Tú đang từ nhà người thân trở về nhà. Bà là cô giáo của một trường tiểu học, con trai bà là thủ khoa trong kỳ thi vừa rồi.
Chiếc xe hơi chạy quá nhanh, hất văng bà Tú khiến bà này tử vong ngay tại chỗ. Chiếc xe máy của bà bị hư hại nặng.
Ngay sau khi gây tai nạn, thay vì đứng lại để giải quyết hậu quả, tài xế đã phóng xe trốn mất. Nhưng những người dân làm đồng tại đó đã kịp thời nhớ biển số xe liền đi báo công an. Bà Tú sau đó được người thân đưa về nhà để lo hậu sự.
Từ những tin báo của người dân, công an đã điều tra, người gây ra tai nạn chính là ông Hoàng Đức Huân (sinh năm 1978, ngụ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phó công an huyện Kim Sơn.
Tin tức từ công an lại nói rằng, sau khi gây tai nạn, ông Huân đã “hoảng loạn”, nên đã chạy khỏi hiện trường. Sau đó, ông này chạy một mạch từ huyện Kim Sơn, lên thành phố Ninh Bình để “trình diện” tại cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Ninh Bình, mà không trình diện tại cơ quan công an huyện Kim Sơn.
Hiện ông Huân đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cho việc điều tra. Công an tỉnh cũng không cho biết ông này có bị bắt giam như người dân, hay được hưởng tại ngoại hầu tra.
Ngọc Quân/SBTN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.