Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới – 21/09/206

Wednesday, September 21, 2016 8:16:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 21/09/206

TT Obama chia tay Đại Hội đồng LHQ

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói thế giới phải thừa nhận rằng chính những lực toàn cầu hoá đã “kéo chúng ta lại gần với nhau, cũng đã phơi bày những đường nứt sâu rộng.”
Trong bài diễn văn cuối cùng đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama đơn cử sự tan rã của “trật tự xã hội căn bản” ở Trung Đông, và nói rằng “các xã hội của chúng ta” đang đầy rẫy những sự bất định và bất an.
Ông nói quá nhiều chính quyền đang bịt miệng các nhà báo và trấn áp bất đồng, và kiểm duyệt thông tin. Ông nói các mạng lưới khủng bố đã sử dụng truyền thông xã hội để lôi kéo giới trẻ, gây nguy hại cho các xã hội của chúng ta, và khích động sự giận dữ chống lại những người di dân và các tín đồ Hồi giáo vô tội.
Nhà lãnh đạo Mỹ còn nói rằng “các quốc gia hùng mạnh đang thách thức những hạn chế do luật pháp quốc tế áp đặt. Và đó chính là nghịch lý đang định nghĩa thế giới chúng ta ngày nay.”
Trước đó trong ngày, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã khai mạc cuộc tranh luận tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc với lời kêu gọi hãy chấm dứt cuộc tranh chấp ở Syria.
Tổng Thư ký Ban Ki Moon nói:
“Có mặt trong hội trường hôm nay là các vị đại diện của các chính quyền đã từng làm ngơ, tạo điều kiện, tài trợ, tham gia và ngay cả hoạch định và thực hiện các hành vi tàn bạo nhắm vào tất cả mọi bên trong cuộc tranh chấp Syria, chống thường dân Syria.”
Ông nói thêm: “Nhiều nhóm đã giết hại thường dân vô tội, và không có nhóm nào làm như vậy nhiều hơn là chính quyền Syria.”

Biểu tình ở Charlotte phản đối cảnh sát bắn chết người

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát và chặn không cho xe cộ qua lại trên một xa lộ chính đêm hôm 20/9 tại thành phố Charlotte ở miền đông nước Mỹ sau khi một cảnh sát người da đen giết chết một người đàn ông da đen tại một chung cư.
Cảnh sát nói vụ nổ súng xảy ra vào chiều ngày 20/9 khi cảnh sát đang tìm một người khác và thấy ông Keith Lamont Scott, 43 tuổi, bước ra khỏi một chiếc xe với một khẩu súng.
Cảnh sát trưởng Charlotte-Mecklenburg, ông Kerr Putney nói với các phóng viên rằng cảnh sát viên đã bắn ông Scott vì coi ông “là một mối đe dọa rõ rệt” và khẩu súng được thu hồi ngay tại hiện trường. Thân nhân gia đình nói ông Scott không có vũ trang.
Các vụ biểu tình xảy ra ngay sau vụ nổ súng và kéo dài cho đến ngày 21/9. Cảnh sát trang bị chống bạo động tìm cách kiểm soát các đám đông và có lúc đã sử dụng hơi cay. Có nhiều người bị thương trong đó có khoảng 12 nhân viên cảnh sát.
Thị trưởng Charlotte Jennifer Roberts viết trên trang Twitter rằng “cộng đồng cần được trả lời” và hứa điều tra toàn diện vụ nổ súng này.
Những người biểu tình hô to các khẩu hiệu trong đó có câu “Đã đưa tay lên, đừng bắn.” Câu này được nghe tại khắp nơi trên nước Mỹ trong vài năm qua như một động thái để đáp trả việc cảnh sát sử dụng vũ lực gây chết người.
Một vụ biểu tình khác xảy ra hôm 20/9 bên ngoài trụ sở cảnh sát tại thành phố Tulsa ở miền trung tây nước Mỹ. Tại đây vào ngày 16/9, một cảnh sát viên đã bắn chết một người da đen đứng bên chiếc xe của ông.
Luật sư của nữ cảnh sát viên đã giết chết Terrence Crutcher nói bà lo sợ cho tính mạng của mình và đã nổ súng khi Crutcher luồn tay vào xe qua cửa kiếng.
Tuy nhiên gia đình nạn nhân hôm 20/9 không đồng ý với lập luận đó và đưa ra những hình ảnh trong một băng video do cảnh sát công bố cho thấy cửa kiếng xe vẫn đóng. Họ kêu gọi phải có hành động đối với cảnh sát viên này.

Máy bay do thám rớt tại California, 1 phi công chết

Không quân Mỹ cho biết một phi công đã thiệt mạng và một người khác bị thương khi nhảy dù ra khỏi một chiếc máy bay do thám U-2 vài phút sau khi chiếc máy bay này rơi xuống miền Bắc California hôm 20/9.
Phi công thuộc Căn cứ Không quân Beale đang tham gia một phi vụ huấn luyện khi chiếc máy bay rớt ít lâu sau khi cất cánh. Tai nạn xảy ra tại Sutter Butte, một dãy núi cách Sacramento 97 kilômét về hướng bắc.
Không quân Mỹ không tiết lộ danh tánh của các phi công hay bất cứ thông tin nào về viên phi công sống sót qua tai nạn này.
U-2 là một máy bay trinh sát và do thám có khả năng bay ở độ rất cao. Máy bay thu thập hình ảnh và những dấu hiệu điện tử cho các nhà phân tích tình báo và các cấp chỉ huy trên chiến trường.

Loan báo đề tài tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton

Người chủ trì cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ vào tuần tới đã công bố 3 đề tài sẽ được mang ra thảo luận.
Cuộc tranh luận sẽ gồm hai phần, mỗi phần 15 phút dành cho mỗi đề tài trong 3 đề tài sau đây: Hướng đi tương lai của nước Mỹ, Làm thế nào đạt thịnh vượng, và Đảm bảo An ninh cho Hoa Kỳ.
Chủ trì cuộc tranh luận là người dẫn chương trình tin tức Nightly News của đài NBC, ông Lester Holt. Ông sẽ mở đầu mỗi phần với một câu hỏi, hai ứng cử viên Tổng thống mỗi người có 2 phút để trả lời. Các ứng cử viên cũng sẽ có cơ hội để hồi đáp lại những phát biểu của nhau.
Các ứng cử viên Tổng thống của các đảng thứ ba, bà Jill Stein và ông Gary Johnson không được mời tham gia tranh luận bởi vì họ không đạt được tỷ lệ ủng hộ cần thiết là ít nhất 15% trong 5 cuộc thăm dò công chúng mà Uỷ ban đặc trách cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã chọn hồi tháng trước.

Mỹ tố cáo Syria không kích đoàn xe cứu trợ gần Aleppo

Hoa Kỳ tố cáo Syria là thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các đoàn xe cứu trợ đang tìm đường tới thành phố Aleppo đang bị vây hãm.
Liên Hiệp Quốc và Hội Lưỡi liềm đỏ nói rằng một đoàn xe của nhiều cơ quan đang chuyên chở vật phẩm cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho hàng chục ngàn người, đã bị tấn công trong một khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy gần thị trấn Urm al-Kubra về hướng Tây Aleppo.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh nói rằng 12 nhân viên cứu trợ và nhiều tài xế xe tải đã bị giết chết trong các cuộc không kích.
Vụ tấn công hầu như phá hoại cuộc ngưng bắn kéo dài 1 tuần lễ đã được thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Nga nhằm tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo tiếp cận được thành phố Aleppo và các thành phố bị vây hãm khác.
Thoả thuận ngưng bắn xấu đi nhanh chóng sau một cuộc không kích của liên minh do Mỹ lãnh đạo vào phi trường Deir al-Zor hôm 17/9, bị Moscow và Damascus tố cáo là đã giết hàng chục binh sĩ Syria.
Giới quan sát sau đó nói rằng các cuộc không kích, bị quy là máy bay quân sự Syria hay Nga, thực hiện các cuộc không kích tấn công các khu xóm đối lập tại Aleppo.

Úc bảo vệ chính sách không mở cửa cho di dân

Phil Mercer
SYDNEY —
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bảo vệ chính sách thắt chặt của chính phủ đối với vấn đề người tị nạn tại hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn của Liên hiệp quốc diễn ra tại New York. Tuy nhiên, các nhà hoạt động yêu cầu Australia đóng cửa các trại tị nạn gây nhiều tranh cãi ở Nam Thái Bình Dương.
Ðại hội đồng Liên hiệp quốc đang tìm một cách thức tốt hơn để giúp đỡ cho hơn 65 triệu người thất tán trên khắp thế giới.
Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia phát biểu tại hội nghị rằng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của nước ông được lập ra để giải quyết có trật tự cho những người xin tị nạn.
Những người vượt biển đến Australia bị đưa ra các trại tạm cư chờ giải quyết đơn trên đảo Papua New Guinea và Nauru.
Chính phủ Australia tin rằng chính sách giữ người tị nạn ngoài khơi này sẽ làm nản lòng các di dân muốn vượt biển đầy nguy hiểm để đến Australia từ các nước như Indonesia.
Ông Turnbull nói rằng các biện pháp hạn chế này đang phát huy tác dụng:
“Nhu cầu kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng đối với di dân chưa bao giờ trở nên rõ hơn như hiện nay. Kinh nghiệm của Australia cho phép giải quyết vấn đề này. Giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp bằng cách tăng cường bảo vệ biên giới là cần thiết để tạo niềm tin rằng chính phủ có thể giải quyết vấn đề di dân bằng cách giảm thiểu rủi ro và tập trung vào trợ giúp nhân đạo cho những người đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Cách làm này có một tác động trực tiếp đến khả năng trợ giúp hào phóng và hiệu quả của chúng tôi cho những người tị nạn.”
Nhưng những người chỉ trích nói rằng điều kiện của các trại tị nạn ngoài biển ở Nam Thái Bình Dương là quá nghiệt ngã và việc giam giữ vô thời hạn một số di dân cũng tương đương với tra tấn.
Ông Graham Thom, nhà điều phối về vấn đề người tị nạn của nhóm tranh đấu cho nhân quyền Ân xá Quốc tế, đã đến New York để vận động cho việc thay đổi các chính sách về tị nạn của Canberra.
Ông kêu gọi Australia đóng cửa các trại tị nạn ở Papua New Guinea và Nauru, và rộng lượng hơn với những người trốn chạy áp bức:
“Chúng tôi cần đưa tất cả 12.000 người Syria mà cách đây một năm chúng tôi hứa sẽ giúp họ tái định cư đến Australia, và chúng tôi phải tăng kế hoạch tái định cư cho khoảng 13.750 người lên gần 30.000 người, và đó là những gì chúng tôi đã làm trong cuộc khủng hoảng thuyền nhân tị nạn Việt Nam hồi cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Cuộc khủng hoảng hiện nay tồi tệ hơn bất cứ cuộc khủng hoảng nào từng thấy trước đây.”
Australia cấp visa tị nạn cho chưa tới 14.000 người mỗi năm theo một số thỏa thuận quốc tế. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ và giữ người tị nạn ở các đảo ngoài khơi để xử lý đơn xin của họ nhận được sự ủng hộ rộng lớn của công chúng Australia, đất nước có khoảng một phần tư dân số sinh ra ở nước ngoài.

Al-Qaida huấn luyện các tổ chức khủng bố IS ở châu Âu?

Theo một phúc trình mới thì có những liên hệ trực tiếp giữa các mạng lưới khủng bố Al-Qaida của thập niên qua với những tổ chức khủng bố liên hệ với Nhà nước Hồi Giáo tại châu Âu đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công trong những tháng gần đây. Cuộc nghiên cứu của Hội Henry Jackson, một tổ chức phân tích có trụ sở tại London kêu gọi phải giám sát kỹ hơn những thành phần có thể được tuyển mộ để ngăn ngừa những người này bị cực đoan hóa bởi các phần tử khủng bố đã bị kết án.
Cuộc nghiên cứu xem xét những mạng lưới khủng bố tại châu Âu có liên hệ với Al-Qaida trong những năm đầu 2000, vào khoảng thời gian các lực lượng do NATO lãnh đạo xua quân vào Afghanistan, và những mạng lưới hiện nay có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công tại Paris và Brussels hồi gần đây.
Các nhà nghiên cứu nói rằng một số tên tuổi quen thuộc xuất hiện nhiều lần.
Ông Ruper Sutton thuộc Hội Henry Jackson nói:
“Những cá nhân trước đây bị kết án vì hoạt động cho Al-Qaida, lại xuất hiện trong vai trò huấn luyện và chuẩn bị cho những người có dính líu đến các cuộc tấn công tại Paris và Brussels.”
Những cá nhân đó bao gồm Abdelhamid Abaaoud, người phối hợp chính trong những cuộc tấn công tại Paris vào tháng 11 năm 2015, và Najim Laachraoui, một trong những kẻ chế tạo bom chính của mạng lưới khủng bố, và là người đã nổ bom tự sát tại phi trường Brussels vào tháng 3 năm nay.
Ông Rupert Sutton nói tiếp:
“Những người này được kết nối với một số cá nhân trước đây từng bị kết án vì hoạt động cho Al-Qaida, và với một giáo sĩ tên là Khalid Zerkani, người được xem như là cha tinh thần của một số phần tử này. Ông ta được biết đến dưới tên ‘Ông già Noel.’”
Nhiều thành viên lớn tuổi của mạng lưới Al-Qaida trước đây đã đến Afghanistan chiến đấu trong thập niên trước và truyền đạt những sự hiểu biết của mình cho các tổ chức khủng bố mới phát triển tại châu Âu, vào lúc cuộc nội chiến Syria trở thành nơi tụ tập của các chiến binh thánh chiến.
Ông Rubert Sutton nhận xét thêm:
“Những thành viên kỳ cựu của Al-Qaida cung cấp cho những người này thông tin chuyên môn để chế bom hay để thành lập mạng lưới, đồng thời cố vấn cho họ về cách du hành tới các vùng giao tranh để được huấn luyện, làm thế nào thu thập kinh nghiệm chiến đấu và làm thế nào dùng những vùng xung đột đó để hình thành những ý kiến riêng của mình để hoạch định các cuộc tấn công của riêng họ.”
Các tác giả của phúc trình nói kinh nghiệm chiến đấu là cốt lõi – bởi vì hầu hết các kế hoạch khủng bố nghiêm trọng có liên hệ đến Nhà nước Hồi giáo ở châu Âu đều được hoạch định bởi các công dân châu Âu trở về từ mặt trận Syria. Tuy nhiên những cá nhân này thường bị cơ quan tình báo các nước châu Âu theo dõi.
Ông Rubert Sutton nói:
“Có lẽ những cá nhân ấy chưa từng liên hệ với nhà cầm quyền trong quá khứ. Do đó trong khi có những mối liên hệ trực tiếp giữa hai mạng lưới, những cá nhân được các cựu chiến binh tuyển mộ chỉ tiếp xúc với cảnh sát vì đã phạm các tội vặt vãnh.”
Các tác giả của phúc trình nói những liên hệ đó nêu bật sự cần thiết phải cải thiện những nỗ lực nhằm đối phó với tiến trình cực đoan hóa trong các trại giam và đồng thời, cần phát triển những phương cách tốt nhất để ngăn ngừa những người phạm tội bị lôi kéo vào chủ nghĩa khủng bố.

Những chỉ dấu khủng hoảng trước mắt

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
Thế giới đang có quá nhiều chỉ dất bất ổn, trong đó là nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp tới tại Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ cùng chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa tìm hiểu xem người ta đã thấy những gì mà có kết luận u ám này…
Kinh tế Trung Quốc và Âu Châu đáng ngại nhất
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do cùng Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong mấy ngày qua, các thị trường tài chính đều chờ đợi xem Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ quyết định thế nào về lãi suất trong hai ngày họp định kỳ vào Thứ Ba và Thứ Tư của một ủy ban chuyên môn về chính sách tiền tệ và tín dụng. Nhưng trong khi đó, thế giới bên ngoài lại có nhiều dấu hiệu đáng ngại hơn là một vụ tăng lãi suất tại Mỹ. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bức tranh toàn cảnh về các dấu hiệu đáng ngại này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhìn riêng trường hợp Hoa Kỳ, bản thân tôi thì mong là Ngân hàng Trung ương Mỹ sớm ra khỏi tình trạng quá bất thường và bất lợi khi duy trì lãi suất mấp mé ở số không. Nhưng định chế này phải đắn do cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau nên chắc là chưa tăng lãi suất ngắn hạn kỳ này, và người ta còn phải nghe ngóng tình hình và quyết định về lãi suất vào kỳ sau, trong sáu tuần nữa. Nhưng như cô vừa nêu ra, thế giới bên ngoài có nhiều dấu hiệu kinh tế đáng ngại và tôi cho rằng đáng ngại nhất là tình hình kinh tế Trung Quốc và Âu Châu ở hai đầu Đông Tây của cả đại lục Âu-Á. Kỳ này ta sẽ tập trung vào hai nơi đó.
Nguyên Lam: Như vậy, xin nhờ ông mở đầu và nói về những dấu hiệu này.
Thế giới bên ngoài có nhiều dấu hiệu kinh tế đáng ngại và tôi cho rằng đáng ngại nhất là tình hình kinh tế Trung Quốc và Âu Châu ở hai đầu Đông Tây của cả đại lục Âu-Á. 
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tại Hoa Kỳ, người ta tưởng niệm vụ khủng bố 9-11 ngày 11 Tháng Chín năm 2001 với hậu quả là 15 năm sau vẫn còn lan rộng ra toàn cầu nhưng đa số lại đã quên vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 với sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư Leman Brothers vào ngày 15 Tháng Chín. Về kinh tế, ta không nên quên biến cố đó vì hậu quả vẫn kéo dài cho đến nay chưa dứt. Hôm 15 vừa qua, một thống kê u ám từ Âu Châu cho thấy hậu quả đó, qua ngày 18, vụ bầu cử tại thành phố Berlin của Đức càng xác nhận chuyện này. Sau đó thì ta mới nhìn vào Trung Quốc, là nơi sẽ xảy ra một biến cố còn nguy ngập hơn vụ Lehman Bros. tại Mỹ.
Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu là ông nhìn trên toàn cảnh và chấm vào hai nơi có thể có nhiều biến động kinh tế nhất trong thời gian tới. Xin đề nghị ông giải thích cho chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất, thống kê ngoại thương tại Âu Châu cho thấy xuất khẩu của Đức bị giảm 10% trong Tháng Bảy so với năm ngoái. Với sản lượng kinh tế đứng hạng thứ tư thế giới, Đức là một trụ cột của khối Âu Châu vì có nến kinh tế mạnh nhất, nhưng nhược điểm sinh tử của Đức là quá lệ thuộc vào xuất khẩu, với xuất khẩu chiếm 46% tức là gần 50% của Tổng sản lượng. Nếu hàng hóa dịch vụ bán ra ngoài mà sụt thì sản lượng kinh tế Đức có thể giảm 5% và nạn suy trầm tại Đức sẽ gây khó khăn cho Âu Châu. Thật ra Âu Châu đã bị nguy ngập từ năm 2008 và khối Euro bị khủng hoảng từ năm 2010 tới nay chưa dứt.
Vì vậy, Đức mới tìm cách bán hàng nhiều hơn qua Mỹ và qua Tầu. Khi ấy, và nhìn vào quan hệ tay ba Mỹ, Tầu, Đức, nếu Hoa Kỳ mua của Trung Quốc ít hơn thì xuất khẩu của Đức qua Tầu để bán cho Mỹ cũng sụt. Nếu Hoa Kỳ lại mua của Đức ít hơn thì hậu quả còn tai hại gấp bội. Kinh tế Mỹ lệ thuộc rất ít vào xuất khẩu trong khi khả năng nhập cảng của một thị trường tiêu thụ quá lớn lại là nguồn sống cho các nước xuất khẩu như Đức và Tầu. Mà từ vài năm nay, cơ cấu kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển theo hướng tự sản xuất nhiều hơn, nếu Hoa Kỳ mua hàng ngoại ít hơn thì hai nước kia sẽ bị tai họa lớn. Bây giờ ta mới nói qua chính trị và bầu cử.
Một trung tâm chứng khoán ở Fuyang, Trung Quốc hôm 20/4/2016.
Nguyên Lam: Nghe chuyên gia kinh tế trình bày quan hệ mua bán giữa các nước thì thính giả của chúng ta mới hiểu vì sao khi kinh tế toàn cầu còn suy yếu sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, xứ nào càng lệ thuộc vào xuất khẩu thì càng bị rủi ro suy thoái kinh tế, đứng đầu có lẽ là nước Đức và Trung Quốc ở hai đầu của đại lục. Bây giờ ta mới nói tới chuyện chính trị của nước Đức trước khi ngó qua Trung Quốc. Thưa ông, chuyện ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta thấy là qua các cuộc bầu cử hội đồng hàng tỉnh tại Đức từ mấy tuần qua, gần đây nhất là hôm 18 tại Berlin, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo theo xu hướng trung hữu của Thủ tướng Angela Merkel bị thua nặng. Bên cạnh đó, đảng Dân Chủ Xã Hội theo xu hướng trung tả cũng mất phiếu. Hai đảng truyền thống này mà gom lại cũng chưa đạt 30%. Trong khi đó, các đảng nhỏ ở ngoài lề, từ cực tả đến cực hữu đều thắng lớn. Năm tới, Đức lại có tổng tuyển cử, và nếu chiều hướng phân rã tiếp tục, với sáu đảng mỗi đảng chỉ có chừng 15% số phiếu thì bất ổn chính trị tại Đức ở trung tâm Âu Châu sẽ là bất ổn lớn cho cả khối. Kinh tế suy trầm và chính trị tanh bành là một rủi ro lớn cho Liên Âu, giữa vụ khủng hoảng về di dân và nạn khủng bố. Đấy là lúc ta quan tâm đến báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS cũng vừa công bố hôm 18. Đây mới là chuyện đáng lo nhất.
Nạn vay mượn quá nhiều
Nguyên Lam: Dường như ông trình bày bối cảnh chung rồi mới đi vào báo cáo đáng lo ngại này. Thưa ông, Ngân hàng BIS là gì và vừa báo cáo những gì mà ông cho là đáng lo nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới có Ngân hàng Thanh toán Quốc tế gọi tắt là BIS (Bank of International Settlement), là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương”, do các ngân hàng trung ương Âu-Mỹ thành lập từ năm 1930 với chức năng yểm trợ luồng trao đổi tư bản cho thông thoáng và ổn định. Nhưng BIS còn có trách nhiệm quan trọng hơn nữa, là theo dõi tình hình tài chánh toàn cầu để gióng chuông cảnh báo. Các phúc trình kinh tế của họ cho từng quý có giá trị chuyên môn rất cao nên được người ta đặc biệt chú ý.
Báo cáo mới nhất của họ nêu ra một rủi ro tài chánh lớn cho hệ thống ngân hàng trên thế giới. Dựa trên một số tiêu chuẩn chuyên môn khi so sánh lãi suất với hối suất tức là tỷ giá ngoại tệ, Ngân hàng BIS cho rằng các thị trường tài chính đã có sự lệch lạc tiên báo một vụ khủng hoảng và lần này có thể còn nghiêm trọng hơn vụ Lehman Brothers năm 2008.
Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo một rủi ro suy trầm toàn cầu, với đà tăng trưởng bình quân chỉ ở khoảng 2-3%, thì một vụ khủng hoảng tài chính sẽ là tai họa đáng sợ cho năm tới. Đáng chú ý hơn vậy là việc Ngân hàng BIS cảnh báo rằng chính Trung Quốc lại có thể bị khủng hoảng tài chính trong vòng ba năm tới đây vì nạn vay mượn quá nhiều.
Nguyên Lam: Bây giờ ta mới đi vào trọng tâm của vấn đề là khủng hoảng tài chính bên Trung Quốc. Thưa ông, Ngân hàng BIS nhận định thế nào về Trung Quốc?
Vụ khủng hoảng do Ngân hàng BIS cảnh báo càng dễ xảy ra nay mai. Và triệu chứng tiên báo sẽ là hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ. Vụ khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc sẽ là một chấn động toàn cầu, còn kinh hãi hơn vụ tập đoàn Lehman Bros. sụp đổ…
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin vắn tắt thế này: các chuyên gia kinh tế tài chính thường theo dõi tình hình từng nước và so sánh đà tăng trưởng của tín dụng với đà tăng trưởng của sản lượng kinh tế. Họ đề ra một cái ngưỡng đáng quan tâm là khi tín dụng cao gấp 10 sản lượng thì đấy là chỉ dấu tiên báo quốc gia này có thể bị khủng hoảng tài chánh, là trường hợp xảy ra cho Hoa Kỳ năm 2007 khi thị trường gia cư bị bể và dẫn tới vụ khủng hoảng năm 2008. Khi hệ số này lại có chiều hướng tăng tốc thì tình hình dễ thành nguy ngập.
Ngân hàng BIS theo dõi tình hình Trung Quốc từ nhiều năm và thấy đà gia tăng ngày càng mạnh. Từ hệ số 6,7 vào năm 2011 đã vọt lên 22,1 vào năm 2014. Năm ngoái thì hệ số này lên tới 24,5 và vừa qua thì đã là 30,1! Nói cho gọn thì mức rủi ro này đã vượt các nước Đông Á trong vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ ngày hai Tháng Bảy năm 1997 và bỏ xa hệ số 10,6 của Mỹ trước vụ Lehman Bros. Tôi xin nhắc lại là Tháng Sáu vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế định chế IMF đã khuyến cáo Bắc Kinh là phải giải quyết chuyện này càng sớm càng hay, nhưng mãi tới nay, chưa thấy ai nhúc nhích vì họ không thể làm khác được là cứ phải theo lao.
Nguyên Lam: Vì chuyện này hơi chuyên môn nên Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm cho thính giả của chúng ta hiểu vì sao mà sự cách biệt gia tăng giữa tín dụng và sản lượng lại là dấu hiệu của khủng hoảng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thông thường, người ta đi vay với hy vọng dùng tiền đó tạo thêm tài sản cho tương lai và tài sản ấy phải cao hơn số tiền đi vay gồm cả vốn lẫn lời thì mới có lợi. Đấy là chức năng của tín dụng, đối chiếu với kết quả đo lường ở sản lượng. Nếu nghĩ rằng tài sản trong tương lai còn tăng giá mạnh thì người ta càng có khuynh hướng đi vay nhiều hơn và lấy rủi ro lớn hơn. Khi ấy, người ta có tinh thần đầu cơ, tức là đầu tư để kiếm lời nhiều và nhanh, nhưng cũng gặp nhiều rủi ro hơn nữa. Đây là trường hợp mà người ta gọi là bong bóng đầu cơ. Bước thứ ba còn nguy hơn vậy, là người ta vẫn có thể đi vay rất nhiều mà chưa chắc đã có khả năng thanh toán trong tương lai. Thực chất thì đấy là sự lường gạt, rất dễ xảy ra trong một hệ thống tài chính lỏng lẻo về kiểm soát và lệch lạc về chính sách. Trung Quốc đã bị nạn bong bóng đầu cơ và đang bị thêm nạn lường gạt tín dụng hay vỡ nợ vì chính sách.
Nguyên Lam: Ông vừa trình bày ba cấp tín dụng đo lường ở ba cấp rủi ro và giải thích ở chính sách của Trung Quốc. Tức là ông cho là vụ khủng hoảng tài chính sắp tới tại Trung Quốc lại xuất phát từ chính sách của nhà cầm quyền, thưa ông tại sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Xưa nay, Trung Quốc dùng đầu tư làm đòn bẩy, là sức bật cho sản xuất và sản xuất thừa thì xuất khẩu. Từ vụ khủng hoảng tài chính rồi Tổng suy trầm 2008-2009, số nhập khẩu của các nước có giảm và xuất khẩu của Trung Quốc cũng vậy như chúng ta vừa nói. Nhưng vì chưa thể cải cách cơ chế để lấy tiêu thụ nội địa làm đầu máy tăng trưởng, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn thúc đẩy đầu tư, chủ yếu là để tạo ra việc làm hầu tránh nạn thất nghiệp và họ tài trợ đầu tư bằng tín dụng. Vì tín dụng là từ các ngân hàng của nhà nước, và tài trợ cho các cơ sở sản xuất chủ yếu cũng của nhà nước, các khách nợ thuộc loại quốc doanh này bất kể tới rủi ro và thấy nhà nước bơm tiền thì dùng đồng tiền đó vào việc đầu cơ. Đây là lý do khiến cho lượng tín dụng tăng vọt từ mấy năm nay vì các doanh nghiệp đi vay còn nhiều hơn trước. Và mặc dù sản xuất ra hàng không bán được, hoặc trút tiền vào các dự án xây dựng có tính chất đầu cơ, tức là thổi lên bong bóng, người ta vẫn cứ đi vay, trong tinh thần lường gạt chủ nợ là nhà nước. Vì vậy, vụ khủng hoảng do Ngân hàng BIS cảnh báo càng dễ xảy ra nay mai. Và triệu chứng tiên báo sẽ là hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ. Vụ khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc sẽ là một chấn động toàn cầu, còn kinh hãi hơn vụ tập đoàn Lehman Bros. sụp đổ…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Tổng thống Philippines lại chửi bới EU

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tấn công Liên hiệp châu Âu bằng lời lẽ thô lỗ sau khi bị chỉ trích vì trấn áp ma túy.
Ông Duterte nói Nghị viện châu Âu vì hổ thẹn mà lên tiếng kêu gọi ông chấm dứt “làn sóng tàn sát [tội phạm ma túy] bất hợp pháp” hiện tại.
Ông tuyên bố những nước cựu thực dân “đạo đức giả” như Anh và Pháp đang tìm cách gỡ tội cho chính mình.
Kể từ khi Duterte lên nắm quyền ngày 30/6, khoảng 3.000 người đã bị sát hại.
Đứng đằng sau các vụ bắn giết này là cảnh sát hoặc dân phòng, nhưng ông tân tổng thống bị cho là đã dung túng cho việc giết hại tội phạm và buôn bán ma túy.
Cộng đồng quốc tế lên án các vụ này.
Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về “con số người quá lớn bị sát hại trong các hoạt động của cảnh sát… giữa bối cảnh chiến dịch chống tội phạm và ma túy ngày càng gia tăng” và yêu cầu ông Duterte “điều tra ngay lập tức”.
Thế nhưng ông tổng thống phản ứng gay gắt, nói rằng tổ tiên các nước cựu thực dân châu Âu đã giết “hàng nghìn” người Ả rập và các nước khác.
Ông phát biểu ở Davao: “Những ông bà đó, họ cao đạo chính bởi vì họ thấy hổ thẹn. Tôi giết ai nào? Giả sử con số 1.700 người họ đưa ra là đúng, thì những kẻ bị giết là ai? Bọn tội phạm. Thế sao lại gọi là diệt chủng được?”
“Thế mà giờ EU to gan lên án tôi.”
Vị tổng thống 71 tuổi, người từng gọi Barack Obama là “con của gái điếm” và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là “đồ ngu”, cũng chửi thề liên tục, thậm chí giơ ngón tay giữa trong cử chỉ tục tĩu.
Hôm Chủ nhật 18/9 ông Duterte nói ông cần gia hạn chiến dịch chống ma túy của ông thêm sáu tháng vì vấn đề ma túy trong nước nghiêm trọng hơn trước nghĩ. Ông cũng hứa sẽ bảo vệ cho cảnh sát và binh lính, không để họ bị truy tố.

Ahmad Rahami bị buộc tội hai vụ đánh bom

Mỹ buộc Ahmad Khan Rahami tội đặt bom ở New York và New Jersey.
31 người bị thương khi một quả bom phát nổ tại khu Chelsea của Manhattan hôm 17/9.
Ông Rahami đã bị tòa tiểu bang New Jersey buộc tội mưu toan giết cảnh sát, trong lúc bị bắt.
Việc buộc tội mới gồm việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đánh bom, phá hoại tài sản và sử dụng thiết bị hủy diệt.
Tòa án liên bang Manhattan công bố hồ sơ buộc tội làm sáng tỏ động cơ của ông Rahami.
Nhật ký của ông dường như bày tỏ mong muốn tử vì đạo, hồ sơ tiết lộ.
Một đoạn nhật ký ghi: “Quý vị [Chính phủ Mỹ] tiếp tục giết hại các chiến binh thánh chiến tại Afghanistan, Iraq, Sham (Syria), Palestine”.
Một đoạn khác ca ngợi Osama Bin Laden, Anwar al-Awlaki, một giáo sĩ Hồi giáo sinh tại Mỹ bị tiêu diệt trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái năm 2011, và Nidal Hasan, một cựu sĩ quan quân đội giết 13 người tại căn cứ không quân Texas năm 2009.
Các nhà điều tra cho rằng ông Rahami, 28 tuổi, đặt hai quả bom ở Chelsea nhưng một quả không phát nổ.
Quả bom khác phát nổ tại thị trấn ven biển New Jersey trước đó trong cùng ngày nhưng không có ai bị thương.
Ông cũng bị cáo buộc để một ba lô chứa chất nổ trong thùng rác tại Elizabeth, New Jersey.
Ông Rahami đã chuẩn bị nhiều tháng cho cuộc tấn công, hồ sơ tòa án giả định.
Ông mua một số thiết bị chế tạo bom trên eBay.
Một loạt vụ đánh bom cuối tuần qua làm dấy lên cuộc tranh luận nóng bỏng về an ninh quốc gia giữa hai ứng viên tổng thống trước khi diễn ra cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên của họ.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tận dụng chi tiết ông Rahami sinh ra ở Afghanistan để củng cố lập trường cứng rắn về người nhập cư.
Nhưng đối thủ Hillary Clinton cáo buộc ông Trump tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố bằng cách làm lợi cho kẻ thù.
Ông Rahami đang được chữa trị trong bệnh viện do bị thương trong vụ đấu súng trước khi bị bắt.

Mỹ: Nga ‘chịu trách nhiệm’ vụ không kích cứu trợ

Hoa Kỳ nói Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc không kích chết người nhắm vào đoàn hộ tống cứu trợ gần thành phố Aleppo ở Syria hôm thứ Hai 20/9.
Nhà Trắng gọi đó là “thảm kịch nhân đạo khủng khiếp”.
Trong khi đó, quan chức Hoa Kỳ nói với BBC hai máy bay chiến đấu của Nga chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Nga mạnh mẽ phản đối sự liên quan của mình hay máy bay Syria, và nói vụ việc do hỏa lực từ mặt đất gây ra chứ không phải không kích.
“Không có hố sâu nào và các mảnh vỡ của xe không có các dấu hiệu hư hại liên quan đến vụ nổ do bom từ không kích,” thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nói.
Và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nói Hoa Kỳ “không có cơ sở” cho cáo buộc của họ, và nói: “Chúng tôi không liên quan gì đến trường hợp này.”
Nhưng các quan chức Hoa Kỳ trả lời với điều kiện giấu tên, cho biết hai máy bay chiến đấu Su-24 của Nga đang ở trên bầu trời ngay phía trên đoàn hộ tống vào chính xác thời điểm đoàn xe bị tấn công ở Urum al-Kubra.
Họ nói thêm, vụ tấn công quá tinh vi đến mức quân đội Syria không thể tiến hành được.
Người phát ngôn Nhà Trắng Ben Rhodes sau đó nói: “Chỉ có thể là có hai bên chịu trách nhiệm, hoặc là chính phủ Syria hoặc chính phủ Nga.
“Trong bất kỳ sự kiện nào, chúng tôi cũng coi như chính phủ Nga chịu trách nhiệm về không kích trong không phận này.”
Liên hiệp Quốc trước đó nói họ “không ở trong vị trí có thể xác nhận liệu trong thực tế có cuộc không kích không.”
“Thỏa thuận chưa tan vỡ”
18 trong 31 xe tải đã bị phá hủy và 20 thường dân thiệt mạng gồm một quan chức cao cấp của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Syria Ả Rập.
CUộc tấn công khiến Liên hiệp Quốc quyết định đình chỉ mọi cứu trợ đến Syria.
Trong khi đó, các quan chức ngoại giao ở New York cố gắng cứu thỏa thuận đình chiến trong một tuần do Nga và Mỹ sắp xếp, trong khi quân đội Syria tuyên bố thời gian đình chiến đã kết thúc nhiều giờ trước cuộc tấn công.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, cùng phát biểu với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov, nói thỏa thuận đình chiến “chưa tan vỡ”, theo sau các đàm phán với đại biểu từ các nhóm Ủng hộ Syria.
Họ sẽ có cuộc gặp tiếp hôm thứ Sáu 23/9. Và Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc sẽ chủ trì một cuộc gặp cấp cao về vấn đề Syria hôm thứ Tư 21/9.
“Tay nhuốm máu”
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, nói chính phủ Syria đã giết nhiều thường dân nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm.
Sử dụng những ngôn từ không sắc sảo như thường lệ trong bài diễn thuyết cuối tại Đại Hội đồng LHQ, ông Ban nói những người ủng hộ phe đối lập trong cuộc giao tranh đã để “tay nhuốm máu”.
“Rất nhiều nhóm đã sát hại rất nhiều người vô tội, nhưng không nhiều hơn so với chính phủ Syria vẫn tiếp tục ném bom vào khu vực và tra tấn một cách có hệ thống hàng ngàn người bị giam giữ.”
Ông nói các quốc gia khác “tiếp tục khiến cỗ máy chiến tranh vận hành cũng đã nhuốm máu trên tay”.
Ông Ban gọi cuộc tấn công vào đoàn hộ tống cứu trợ là “bệnh hoạn, dã man và dường như là cố ý” và kêu gọi những ai chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt.
Syria phản ứng bằng cách cáo buộc ông Ban coi thường Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
“Những gì ông Ban Ki-moon nói hôm nay về Syria đã đi qua xa khỏi quy định trong Hiến chương Liên hiệp Quốc, vốn cần phải được tôn trọng bởi (người) nắm chức vụ Tổng thư ký,” thông cáo của bộ ngoại giao Syria nói.
Thông cáo cho rằng Liên hiệp Quốc đã “không hoàn thành vai trò” trong việc tìm kiếm giải pháp cho xung đột quốc tế.
Việc triển khai cứu trợ đến các vùng chiếm đóng là phần quan trọng của thỏa thuận đình chiến.
Chủ tịch Hội đồng Quốc tế của Tổ chức Chữ Thập đỏ, Peter Maurer lên án cuộc tấn công là “vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế” và nói đây là hành vi cấu thành tội ác chiến tranh.
Chính phủ Syria và phe phiến quân cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Cảnh sát bị thương trong biểu tình ở Mỹ

12 cảnh sát bị thương trong cuộc phản đối vụ cảnh sát bắn một người đàn ông da đen ở Charlotte, bang Bắc Carolina.
Người biểu tình phá xe cảnh sát đỗ xung quanh các khu nhà nơi xảy ra vụ bắn trước đó. Một sĩ quan bị ném đá vào mặt.
Vào hôm thứ Ba, Keith Lamont Scott, 43 tuổi, bị một viên cảnh sát da đen bắn và chết tại bệnh viện.
Cảnh sát nói rằng ông mang theo một khẩu súng và “đe dọa chết người”, nhưng người nhà Scott nói với truyền thông địa phương rằng ông không mang vũ khí mà chỉ là một cuốn sách.
Những người biểu tình giận dữ đối với vụ việc đã chặn đường và cảnh sát sử dụng hơi cay, truyền thông địa phương đưa tin.
Vụ biểu tình diễn ra một ngày sau khi cảnh sát tại thành phố Tulsa, Oklahoma, cho biết người đàn ông da đen bị giết hôm thứ Sáu không mang vũ khí.
Hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát tại đó.
Mối đe dọa
Video clip cho thấy Terence Crutcher đi với hai tay giơ lên hàng và bị cảnh sát bắn.
Tại Charlotte, Scott bị giết khi cảnh sát truy lùng một một nghi phạm khác tại một khu chung cư, phát ngôn viên cảnh sát Keith Trietley cho biết.
Họ nhìn thấy ông Scott ra khỏi một chiếc xe và mang theo một khẩu súng trước khi quay lại xe, người phát ngôn nói. Khi cảnh sát tiếp cận, ông Scott đã ra khỏi xe mang theo súng và cảnh sát đã nổ súng sau khi thấy ông tạo mối đe dọa.
Ông không phải là đối tượng cảnh sát đang tìm, ông Trietley xác nhận.
Brentley Vinson, viên cảnh sát bắn ông Scott, nhận lệnh nghỉ hành chính như là một phần của thủ tục cảnh sát.
Một người phụ nữ tự xưng là con gái của ông Scott đã đưa ra cách giải thích khác với thông tin của cảnh sát trong một video trên Facebook, Charlotte Observer đưa tin.
Cô nói rằng ông Scott không mang súng và đang đọc sách trong lúc ông đang đợi xe buýt trường học của con trai thì bị bắn bằng súng điện taser trước khi bị bắn bốn lần.
Cô cũng cho biết ông là người khuyết tật. Cảnh sát không bình luận về nội dung người phụ nữ này nói nhưng nói rằng họ thu được một khẩu súng tại hiện trường.

Cựu tổng thống Brazil Lula sẽ ra tòa

Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sẽ phải ra tòa vì cáo buộc tham nhũng và rửa tiền liên quan công ty dầu khí nhà nước Petrobras, theo quyết định của một quan tòa.
Bên công tố nói ông nhận 3,7 triệu real (1,11 triệu đôla) hối lộ.
Ông Lula, 70, trước đó từng bị khởi tố tháng Tám vì cáo buộc cản trở điều tra.
Ông bác bỏ mọi sai trái, nói rằng các tố cáo có động cơ chính trị.
Quan tòa Sergio Moro, người giám sát cuộc điều tra cáo buộc tham ô ở Petrobras, nói “có đủ bằng chứng về trách nhiệm” của ông Lula.
Theo công tố, tiền mà cựu tổng thống bị tố cáo nhận đã được rửa nhờ việc mua và trang hoàng căn hộ ven biển.
Căn hộ được xây bởi một công ty xây dựng dính líu bê bối.
Vợ ông, Marisa Leticia, và sáu người khác cũng bị truy tố.

Tin tặc Nga là ai?

Nhóm tin tặc Fancy Bear, được cho là người Nga, đã công bố thêm hồ sơ y khoa các vận động viên Olympic, gồm cả huy chương vàng người Anh Mo Farah và Helen Glover.
Họ đã tấn công kho dữ liệu Cơ quan chống doping thế giới (WADA), bắt đầu tiết lộ chi tiết vận động viên từ 13/9.
Hồ sơ chủ yếu ghi lại các trường hợp cho phép vận động viên dùng chất cấm cho nhu cầu y khoa.
Các ngôi sao Olympic Mỹ là nạn nhân đầu tiên như Venus và Serena Williams, Simone Biles và Elena Delle Donne.
Loạt tấn công vì mục đích chính trị từ Nga vào hệ thống điện tử phương Tây bắt đầu từ giữa thập niên 2000.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng biết Fancy Bear qua những tên khác như CozyDuke, Sofacy, Pawn Storm, APT 28, Sednit và Tsar Team. Các công ty an ninh mạng Fidelis Cybersecurity, SecureWorks, ThreatConnect và CrowdStrike đã ghi nhận liên hệ giữa Fancy Bear, Cozy Bear và mật vụ Nga.
Nhưng người phát ngôn tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố Moscow sẵn sàng giúp Wada chống tin tặc nếu được yêu cầu.
Ranh giới giữa tin tặc tội phạm và tin tặc hoạt động chính trị ở Nga mù mờ hơn ở phương Tây.
Liên hệ giữa tin tặc Nga và an ninh lần đầu được nhắc năm 2007. Khi đó, trang web chính phủ Estonia và đảng Cải Cách cầm quyền bị phá, trong khi tranh cãi về việc gỡ bỏ tượng đồng người lính Xô Viết khỏi quảng trường ở Tallinn.
Ngày 20/7/2008, chừng hai tuần trước khi Nga can thiệp quân sự ở Nam Ossetia, trang web cựu tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili bị hạ trong 24 giờ.
Nhà phân tích an ninh mạng Jart Armin ghi nhận server dùng trong vụ tấn công mạng Georgia liên quan nhóm tin tặc St Petersburg với tên lạ Rossiiskaya Biznes Set. Năm 2000, nhóm này có tiếng vì tội phạm mạng, virus, phá email.
Không phải tin tặc Nga nào cũng chọn mục tiêu ở nước ngoài. Anonymous International nổi danh vì công bố các tài liệu chính phủ Nga và trao đổi riêng tư giữa viên chức, chính khách và doanh nghiệp Nga.
Một số tin tặc tập trung vào tội phạm. Tháng Sáu 2016, an ninh FSB và bộ nội vụ Nga chặn nhóm 50 tin tặc bị nghi ăn cắp gần 1,7 tỉ rouble từ ngân hàng Nga.
Tội phạm có tổ chức
Kinh nghiệm cho thấy các nhóm dính líu tội phạm mà không hợp tác với đặc nhiệm Nga sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.
Tháng Tư 2016, một cựu cư dân Tver, Alexander Panin, bị kết án chín năm rưỡi tù ở Mỹ vì tạo virus SpyEye gây hại 50 triệu máy tính.
Panin phải ra tòa tháng Bảy 2013 khi anh ta bay đến gặp bạn ở Cộng hòa Dominic. Sau khi bị bắt, anh ta nhanh chóng bị dẫn độ sang Mỹ.
Cuối năm 2015, Alexei Burkov từ St Petersburg bị bắt giữ ở Israel sau khi có lệnh bắt từ Interpol. Người này bị nghi đột nhập các hệ thống trả tiền và đánh cắp hàng triệu đôla từ thẻ tín dụng của người Mỹ.
Trong khi đó, Yevgeny Bogachev bị FBI truy nã vì tạo mạng botnet, GOZ, gậy thiệt hại 100 triệu đôla, theo báo Telegraph.
Nhưng anh ta sống trong căn hộ ở khu nghỉ mát Anapa ở Biển Đen, lái xe Volvo cũ ghi biển “sửa máy tính” và thỉnh thoảng đi du lịch trên du thuyền. Hàng xóm ngưỡng mộ “thành tích” của anh và chính phủ Nga không định giao nộp anh ta.
Bốn nước được cho là có nhiều tội phạm mạng nhất là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Tin tặc ở Iran và Bắc Hàn cũng có tiếng quốc tế.
Một khảo sát tại một hội thảo quốc tế về an ninh mạng năm 2014 của công ty Anh MWR InfoSecurity cho thấy 34% xem tin tặc Nga là mạnh nhất, còn 18% xem tin tặc Trung Quốc là mạnh nhất.

Iran trình làng vũ khí mới giữa lúc có căng thẳng với Hoa Kỳ

Tehran, Iran. (Reuters) – Iran đánh dấu kỷ niệm cuộc chiến vào năm 1980 giữa Iran và Iraq bằng việc phô diễn các tàu và hỏa tiễn mới nhất của nước này. Iran cũng cảnh cáo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào vùng Vịnh.
Tại một cuộc duyệt binh ở Tehran được trình chiếu trên truyền hình quốc gia, quân đội Iran đã cho phô diễn các loại hỏa tiễn tầm xa, xe tăng, và hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-300 hiện đại của Nga. Tại cảng Bandar Abbas trên vùng Vịnh, hải quân Iran cũng cho phô diễn 500 tàu chiến, tàu ngầm và các máy bay trực thăng.
Việc phô diễn quân sự đã đến vào lúc có các căng thẳng với Hoa Kỳ trong hải lộ chiến lược. Trong số các loại vũ khí được trình làng là loại hỏa tiễn đạn đạo tầm xa Zolfaqar, được đặt theo tên của một thanh kiếm huyền thoại mà đã được nhà tiên tri Mohammad trao cho giáo chủ Ali. Ngoài ra đoạn phim trên truyền hình cũng chiếu các hỏa tiễn Qadr H có tầm hoạt động 2,000 km.
Chương trình phát triển hỏa tiễn đạn đạo của Iran đã bị phương Tây chỉ trích. Bộ tài chánh Hoa Kỳ đã trừng phạt hai công ty Iran trong tháng Ba vì có dính líu tới chương trình này. (Lê Hoàng)

Môi trường : Thêm hàng triệu km² biển được bảo vệ

Trong những tháng gần đây, các nỗ lực quốc tế để bảo vệ biển cả đang gia tăng. Hoa Kỳ mở rộng khu bảo tồn biển tại Thái Bình Dương và lập khu bảo tồn đầu tiên tại Đại Tây Dương. Anh và Pháp –hai cường quốc đại dương – tăng gấp bội diện tích biển được bảo vệ.
Một hội nghị về đại dương (2016 Our Ocean Conference), với sự tham gia của khoảng 90 quốc gia, giới khoa học và nhiều tổ chức phi chính phủ, đã diễn ra trong hai ngày, 15 và 16/09/2016, tại Washington D.C. Theo Reuters, tại hội nghị này, hơn 20 quốc gia – trong đó có Hoa Kỳ – tuyên bố lập 40 khu bảo tồn biển mới để bảo vệ đại đương trước các đe dọa của biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Tại các khu bảo tồn này, hoạt động đánh cá thương mại cũng như việc khoan dầu hay các hoạt động khác của con người bị kiểm soát. Toàn bộ các khu bảo tồn mới rộng khoảng 1,2 triệu cây số vuông (tương đương hơn một phần ba Biển Đông).
Đại dương chiếm 70% diện tích Trái đất và khoảng 80% nhân loại sống tại các khu vực cách bờ biển dưới 100 km, thế như đại dương tương đối ít được chú ý. Mối liên hệ giữa sức khỏe của đại dương với biến đổi khí hậu là điều đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra, nhưng chỉ đến thượng đỉnh khí hậu COP21 tại Paris cuối năm ngoái, lần đầu tiên đại dương mới được đưa vào chương trình nghị sự.
Theo Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới WWF, các không gian biển được bảo vệ « là một công cụ để phục hồi, bảo vệ và củng cố đa dạng sinh thái, tăng cường khả năng chống chịu và hiệu quả của các đại dương (nói chung) ». Đại dương là nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nhưng cũng là « bộ máy hút nhiệt », hãm mức tăng nhiệt độ của Trái đất. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đại dương đang rơi vào tình trạng quá tải trên nhiều phương diện.
Mỹ lập khu bảo tồn đầu tiên tại Đại Tây Dương
Trong bài phát biểu tại hội nghị Washington, tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh đến việc con người đã khai thác và đòi hỏi quá nhiều từ đại dương, trong khi đó nỗ lực bảo vệ biển hoàn toàn không tương xứng với các thách thức.
Tổng thống Mỹ tuyên bố lập một khu bảo tồn biển đầu tiên của Hoa Kỳ tại Đại Tây Dương, với diện tích 12.700 km², ngoài khơi tiểu bang New England, đông bắc nước Mỹ, một khu vực nổi tiếng với các rặng núi hay hẻm núi ngầm. Nhiều loại động vật như cá voi, rùa biển hay san hô nước sâu là đối tượng được bảo vệ hàng đầu. Bốn rặng núi ngầm tại vùng biển này là nơi ẩn náu của nhiều loài sinh vật quý hiếm, có nguy cơ diệt vong.
Tại hội nghị về đại dương thế giới, nhà tranh đấu môi trường, tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio đã giới thiệu một phần mềm miễn phí trên mạng, được sử dụng để theo dõi các hoạt động đánh cá trên toàn thế giới. Chương trình « Global Fishing Watch» cho phép công chúng theo dõi trực tiếp hoạt động đánh bắt hải sản của khoảng 35.000 tàu cá công nghiệp (trên tổng số 1,3 triệu chiếc). Theo những người khởi xướng, mục tiêu của phần mềm này là cổ vũ cho việc chống lại các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, khai thác cạn kiệt cũng như việc phá hủy nơi trú ẩn của các sinh vật biển.
Theo tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), hiện nay khoảng một phần ba trữ lượng cá biển đang bị khai thác quá mức. Hơn 90% vùng đánh bắt bị khai thác tối đa.
Khu bảo tồn lớn nhất thế giới ở Thái Bình Dương
Hồi giữa tháng 8/2016, ít tháng trước khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ quyết định mở rộng gấp bốn lần diện tích khu bảo tồn biển tại Hawai, được tổng thống Bush (con) thành lập năm 2006. Khu bảo tồn mang tên « Papahanaumokuakea », vốn được dùng để chỉ vùng biển gồm 10 hòn đảo không người ở nằm ở phía tây bắc tiểu bang Hawai, được UNESCO xếp hạng di sản nhân loại. « Papahanaumokuakea » là khu bảo tồn biển đứng đầu thế giới về diện tích.
Khu bảo tồn « Papahanaumokuakea » từ nay rộng tới 1,5 triệu km², là nơi trú ẩn của khoảng 7.000 loài sinh vật biển, trong đó có cá voi xanh, chim hải âu đuôi ngắn hay các loài hải cẩu, cùng với loài san hô đen có tuổi thọ 4.500 năm, cao nhất thế giới. Việc đánh cá thương mại sẽ hoàn toàn bị cấm tại khu vực rộng gấp hai lần tiểu bang Texas này. Khu bảo tồn «Papahanaumokuakea » trở thành vùng biển được bảo tồn rộng nhất thế giới.
Theo tổng thống Mỹ, khu vực bảo tồn mở rộng nằm giữa Thái Bình Dương này sẽ cho phép nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái trong lòng biển.
Kể từ khi lên nằm quyền năm 2009, Barack Obama đã có các nỗ lực bảo vệ đại dương được đánh giá là vượt bậc, so với những người tiền nhiệm, dựa trên bộ luật Antiquities Act, được Theodore Roosevelt ký năm 1906.
Pháp và Anh tăng gấp bội vùng biển được bảo vệ
Cũng tại hội nghị tại Washington về đại dương, Anh Quốc tuyên bố sẽ tăng gấp đôi diện tích biển được bảo vệ tại các lãnh thổ hải ngoại. Các đảo Pitcam (Thái Bình Dương), Saint Helene và Ascencion (Đại Tây Dương) nằm trong các vùng được bảo vệ. Cụ thể là, Luân Đôn sẽ cấm đánh bắt cá tại các diện tích biển rộng khoảng 1 triệu km².
Về phần mình, Pháp khẳng định đã tăng gấp hơn 4 lần diện tích biển được bảo vệ trong vòng hai năm trở lại đây, với 21% (trên tổng diện tích hơn 4 triệu km²). Cũng tại Washington, Pháp cùng Maroc và Monaco khởi động chương trình chống vứt túi nylon xuống Địa Trung Hải, một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái tại vùng biển kín này.
Sáng kiến Địa Trung Hải
Kế hoạch bảo vệ Địa Trung Hải theo sáng kiến của Pháp và Maroc – được 11 quốc gia trong số 21 quốc gia ven bờ ủng hộ – có mục tiêu giảm nước ô nhiễm, rác thải công nghiệp, tăng cường phát triển các năng lượng tái tạo tại các đảo nhỏ, và cổ vũ phát triển các vùng được bảo vệ trên toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, một vùng biển hết sức phong phú về tài nguyên, sinh thái, nhưng cũng bị đe dọa hàng đầu.
Pháp dự kiến sẽ có một hội nghị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ toàn bộ 21 quốc gia ven bờ Địa Trung Hải vào tháng 1/2017, để thúc đẩy dự án này, với hy vọng biến vùng biển lịch sử này trở thành « không gian du lịch số một thế giới ».
Chạy đua với thời gian
Các nỗ lực bảo vệ đại dương gia tăng trong bối cảnh mức tăng nhiệt độ trên Trái đất được ghi nhận là diễn ra nhanh chóng. Tháng 8/2016 được coi là tháng tám nóng nhất từ 137 năm nay, theo cơ quan đại dương và khí quyển Mỹ NOAA (nhiệt độ tăng vọt năm nay, một phần là do hiện tượng El Nino). Nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương tháng 8 năm nay cao hơn 0,77 °C so với mức trung bình của thế kỷ XX, mức tăng cao thứ nhì từng đo được. Các nhà khoa học dự báo đến 2030, Bắc Cực sẽ không còn phủ kín băng vào mùa hè. Và điều này sẽ để lại những hệ quả vô cùng lớn đối với khí hậu ở các khu vực phía nam.
Cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực để thỏa thuận hạn chế biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris cuối năm ngoái, nhanh chóng có hiệu lực. Tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia khẩn trương thực thi các cam kết, để các thế hệ tiếp theo không phải gánh chịu các hệ quả nặng nề như « làn sóng di cư tăng vọt, đô thị quá đông người, dự trữ thực phẩm cạn kiệt và xung đột bùng phát do tuyệt vọng ».
Thỏa thuận COP21 hạn chế biến đổi khí hậu, ở mức không quá 2°C, phải được ít nhất 55 quốc gia chịu trách nhiệm 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua để có hiệu lực.

Mỹ lại biểu dương lực lượng trên báo đảo Triều Tiên

Hôm nay, 21/09/2016, một oanh tạc cơ siêu âm của Mỹ lại đáp xuống Hàn Quốc, mà theo lời Washington là nhằm nhắc nhở Bình Nhưỡng về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong vùng.
Cuộc biểu dương lực lượng này diễn ra sau khi hôm qua Bình Nhưỡng loan báo thử nghiệm thành công một động cơ tên lửa. Các chuyên gia xem thành công này là một bước tiến mới trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Nhiều đài truyền hình Hàn Quốc đã chiếu các hình ảnh 2 oanh tạc cơ B-1B bay bên trên căn cứ quân sự Mỹ Osan, cách Seoul 64km về phía Nam. Theo hãng tin Yonhap, một trong hai chiếc oanh tạc cơ này sau đó đã bay trở về căn cứ không quân Mỹ Andersen trên đảo Guam, còn chiếc kia thì đáp xuống căn cứ Osan.
Vào tuần trước, hai chiếc B-1B cũng đã bay bên trên lãnh thổ Hàn Quốc, vài ngày sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ năm của Bắc Triều Tiên. Hai chiếc này sau đó đã bay trở về căn cứ ở đảo Guam.
Hàn Quốc nêu vấn đề tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc của Bắc Triều Tiên
Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York, vào hôm qua, 20/09/2016, ngoại trưởng Hàn Quốc đã nêu bật câu hỏi là liệu Bắc Triều Tiên có xứng đáng là thành viên Liên Hiệp Quốc hay không ? Lý do là chế độ Bình Nhưỡng đã liên tục coi thường các nghị quyết nghiêm cấm của Hội Đồng Bảo An và tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, ông Yun Byung Se đã không đi đến mức đòi trục xuất Bắc Triều Tiên ra khỏi Liên Hiệp Quốc, nhưng cho rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm các điều khoản làm cơ sở cho việc kết nạp cả hai miền Triều Tiên vào định chế quốc tế này cách đây 25 năm.
Đối với ngoại trưởng Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã trở thành nước duy nhất vẫn tiến hành thử bom nguyên tử trong thế kỷ 21 này, và đã phải chịu đến năm nghị quyết trừng phạt từ phía Hội Đồng Bảo An. Trong tình hình đó, ông Yun Byung Se cho rằng « tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc phải tự hỏi là liệu Bắc Triều Tiên thực sự có tư cách của một thành viên hay không ».
Mệnh danh Bắc Triều Tiên là một « kẻ vi phạm liên hoàn » (serial ofender), ngoại trưởng Hàn Quốc nghĩ rằng Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cần phải sửa chữa các sơ hở hiện nay lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng, và áp đặt các biện pháp cứng rắn sau cuộc thử nghiệm nguyên tử thứ năm gần đây nhất của Bình Nhưỡng.
Đối với ông Yun Byung Se, đây là một điều cần thiết vì vụ nổ ngày 09/09, với cường độ của quả bom ném xuống Hiroshima trước đây, kèm theo với khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và những tiến bộ trong năng lực phóng tên lửa, đã biến Bắc Triều Tiên thành một mối đe dọa hủy diệt thực sự, không chỉ đối với Hàn Quốc, hay Nhật Bản, mà cả đối với Mỹ và hầu hết các thành viên của cộng đồng quốc tế.
Nạn lụt Bắc Triều Tiên : Hồng Thập Tự kêu gọi viện trợ khẩn 15,5 triệu đô la
Hội Hồng Thập Tự hôm nay 21/09/2016 đã kêu gọi đóng góp khẩn cấp 15,5 triệu đô la để giúp đỡ các nạn nhân bị lụt lội tại Bắc Triều Tiên nhằm tránh một « thảm họa » mới.
Có ít nhất 138 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị mất tích do những trận lụt ở miền đông bắc Bắc Triều Tiên vào cuối tháng Tám. Theo Liên Hiệp Quốc, có 140.000 người đang cần được trợ giúp ; còn Hồng thập tự quốc tế và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (FICR) ước tính khoảng 70.000 người Bắc Triều Tiên bị mất nhà ở.
FICR cho biết một số vùng bị lụt nhận được rất ít viện trợ vì đất lở và đường sá bị hư hại. Quỹ cứu trợ khẩn cấp sẽ dùng để mua lều bạt, thuốc men, dựng tạm nhà và mua than đá để sưởi ấm.
Ông Chris Staines, trưởng phái đoàn Hồng Thập Tự tại Bắc Triều Tiên nói rằng tỉnh Hamgyong nằm gần biên giới Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề, trong khi mùa đông sắp tới, nhiệt độ có thể xuống đến âm 30°C. Theo ông, nếu không có ngay lập tức số viện trợ cần thiết, có thể diễn ra một « thảm họa » tiếp theo.
Báo chí nhà nước Bắc Triều Tiên tuần rồi nhận định trận lụt vừa rồi là « thảm họa tệ hại nhất » kể từ Đệ nhị Thế chiến, cho biết quân đội và cư dân đã được huy động đông đảo để tái thiết.
Do cơ sở hạ tầng thiếu thốn và quy hoạch không phù hợp, Bắc Triều Tiên khó chống chọi được thiên tai, đặc biệt là lụt lội do nạn phá rừng cây trên các ngọn đồi. Mùa hè năm 2012, mưa lớn gây lụt và lở đất đã làm 169 người chết, 400 người mất tích và 212.200 người phải sơ tán, 650 km2 đất nông nghiệp bị tàn phá. Nạn lụt cũng gây ra trận đói lớn năm 1994-1998 làm hàng trăm ngàn người chết.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.