Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/09/2016

Friday, September 16, 2016 6:36:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 16/09/2016

Bắt tàu chở 160 tấn bauxite từ Trung Quốc đến Formosa

Việt Nam vừa bắt giữ một tàu chở 160 tấn bùn bauxite từ Trung Quốc vào công ty Formosa ở Hà Tĩnh.
Báo Tuổi Trẻ hôm 16/9 trích nguồn tin từ Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết đơn vị này đang cùng với cảnh sát môi trường kiểm tra 160 tấn bùn bauxite vừa bắt được trên một tàu hàng từ cảng Đại Liên, Trung Quốc, cập cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh, để đưa vào công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Tin cho hay lô hàng bauxite được Formosa nhập về để làm gạch và lò cao, phục vụ một số hạng mục của dự án.
Phó Chi cục Hải quan Vũng Áng cho báo Dân Trí biết kết quả kiểm tra sẽ được đưa ra trong 1 tuần nữa. Giới chức này cũng cho biết nếu sau khi xét nghiệm, lượng bùn này không đúng trong danh mục được phép nhập thì sẽ bị xử phạt, “trục xuất về nước” theo quy định.
Thảm họa môi trường do hệ thống xả chất thải của Formosa gây ra thời gian gần đây được xem là lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Sau khi Formosa chính thức bị quy trách nhiệm trong việc gây cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, doanh nghiệp này đã bồi thường cho nhà nước Việt Nam 500 triệu đôla. Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam không thỏa mãn với cách xử lý của chính quyền. Một số nhà hoạt động và người dân địa phương đã liên tục tổ chức biểu tình dưới nhiều hình thức, kêu gọi Việt Nam đóng cửa Formosa và buộc doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út từ TP.HCM, cho rằng việc buộc trách nhiệm hình sự hay rút giấy phép của Formosa là khó thực hiện được vì những rào cản, bất cập về pháp lý của Việt Nam:
“Hành vi này thuộc về vi phạm pháp nhân thì chủ yếu là phạt tiền, đồng thời bắt buộc phục hồi. Nhưng vấn đề pháp nhân hiện nay đã dời ngày thi hành đối với Bộ luật Hình sự và phải sửa đổi, bổ sung. Thành ra dự kiến sẽ là ngày 1/1/2017 nếu điều luật về pháp nhân gây thiệt hại môi trường, thì lúc đó pháp nhân sẽ bị khởi tố và phạt tiền khắc phục hậu quả. Luật hiện nay chưa quy định cụ thể, thành ra pháp nhân hiện nay không phải chịu trách nhiệm. Còn sau này có luật thì nó không coi là vấn đề hồi tố hiện nay”.
Theo Luật sư Út, ngoài những bất cập về quy định pháp lý, việc rút giấy phép đầu tư của Formosa chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư vào những ngành nghề ưu tiên ở Việt Nam. Vì vậy, Luật sư Út cho rằng điều Việt Nam có thể làm hiện nay là để cho người dân khiếu kiện về những thiệt hại trên thực tế do thảm hoa môi trường mà Formosa gây ra.
Ông nói: “Cái rào cản [pháp lý] không trừng phạt được Formosa một cách thỏa mãn được người dân thì trước mắt là hãy để cho người dân kiện Formosa. Thiệt hại tới đâu thì Formosa sẽ chịu trách nhiệm tới đó. Có thể thiệt hại tổng cộng là 100 triệu đô, hay 10 tỷ đô, hay 100 tỷ đô. Cái đó tùy thuộc vào vấn đề chứng minh thiệt hại của người dân, của những nạn nhân”.
Theo Luật sư Phạm Công Út, mức bồi thường hiện nay của Formosa là thấp và không thỏa đáng so với các thiệt hại nghiêm trọng đã gây ra:
“Nhà nước phải chấp nhận hành lang pháp lý cho người dân kiện, chứ không phải nhà nước cầm 500 triệu đó rồi ban phát cho những người bị thiệt hại”.
Luật sư từ Sài Gòn cho biết một số luật sư ở Việt Nam khi tìm cách giúp đỡ về pháp lý cho những người dân bị ảnh hưởng từ thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh đã gặp phải nhiều trở ngại và phải giúp một cách “lén lút”:
“Tôi biết một số nhóm luật sư sẵn sàng hỗ trợ, nhưng hiện nay họ phải tự mình đi thu thập chứng cứ, tự mình đi liên lạc với người dân một cách ‘chui’, không chính thức, không được công khai. Nếu công khai, có thể gặp rắc rối, phức tạp, khó khăn, giống như đi xúi người dân đi kiện vậy. Nhưng thực tế, họ làm bằng trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội”.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến Formosa, báo Đời Sống Pháp Luật hôm 14/9 trích nguồn tin từ Người Đưa Tin cho biết công ty Môi trường Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã hủy hợp đồng xử lý 400 tấn bùn thải của Formosa Hà Tĩnh. Đây là số bùn thải mà Formosa đã giao trái phép cho Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh và hiện đang bị công an tỉnh Hà Tĩnh thu giữ và niêm phong.

Tân Sơn Nhất đối diện với nguy cơ bị đóng cửa vì ngập

Sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam, Tân Sơn Nhất, đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vì tình trạng thường xuyên ngập nước trong thời gian gần đây.
Theo báo VnExpress, trong 2 năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã liên tục bị ngập sau các cơn mưa. Đỉnh điểm là các trận mưa hồi cuối tháng 8 vào đầu tháng 9 đã biến phi trường quốc tế của Việt Nam thành “con sông”.
Cũng theo VnExpress, chỉ riêng trận mưa hôm 26/8 đã khiến cho các bãi đậu của Tân Sơn Nhất bị ngập sâu hơn 30cm, làm ảnh hưởng đến 70 chuyến bay, 4 chuyến bay quốc tế đã không thể hạ cánh và phải đáp xuống sân bay của Campuchia và Thái Lan.
Nguyên nhân gây ngập được UBND TP.HCM cho biết là do mương thoát nước bị “lấn chiếm” ở một số khu vực, gây ách tắc dòng chảy.
Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá được VnExpress trích lời nói khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là khu đất phù sa cổ, có nền cao và độ dốc nên trước đây không bị ngập nước. GS. Bá cho rằng tình trạng “biến thành sông” sau mỗi cơn mưa ở Tân Sơn Nhất là do việc xây dựng sân goft gây ảnh hưởng đến diện tích thoát nước của sân bay. Diện tích của sân bay này trước năm 1975 gấp 4 – 5 lần hiện nay nên nước mưa dễ dàng thoát đi.
Hiện Việt Nam đang bàn thảo về các giải pháp chống ngập và giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với ước tính chi phí lên đến 1.800 tỷ đồng.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón lượng khách lên đến 15,7 triệu người, đạt mức tăng trưởng 23%. Dự kiến, lượng khách đến Tân Sơn Nhất trong năm nay sẽ vượt mức 31 triệu, gây ra tình trạng quá tải đối với công suất chỉ 25 triệu hành khách của sân bay này.
Theo VnExpress, Tuổi Trẻ

Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ

Báo chí Việt Nam cho hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói hôm 15/9 trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng việc phê chuẩn hiệp định TPP sẽ cần căn cứ vào chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Cụ thể, bà Ngân nói việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương “cần phải được Ban chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến để có cơ sở quyết định”. Bà chủ tịch Quốc hội nói thêm việc phê chuẩn TPP “cũng cần phải xem xét, căn cứ tình hình các nước phê chuẩn như thế nào, cũng như ảnh hưởng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến TPP ra sao”.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, Chủ tịch Quốc hội Ngân cho rằng vì các lý do trên nên bà đề nghị chưa đưa việc phê chuẩn TPP vào chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 24 ngày, bắt đầu vào ngày 20/10 tới.
TPP là một hiệp định thương mại tự do, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo hiệp định, 18.000 chủng loại hàng hóa sẽ được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan xuất nhập khẩu.
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vì hàng hóa Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường các nước thành viên. Đồng thời, hiệp định cũng mang lại hy vọng là đầu tư từ các nước TPP vào Việt Nam sẽ tăng.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cam kết về các biện pháp cải cách kinh tế, bảo đảm các quyền của người lao động, trong đó có lộ trình cho phép thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam mà nhiều người hy vọng sẽ giúp gia tăng dân chủ.
Hiệp định TPP đã được đại diện 12 nước thành viên ven Thái Bình Dương ký hồi tháng 2/2016. Nhưng hiệp định chỉ có hiệu lực khi chính phủ và Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Từ đó đến nay, chưa có thêm diễn biến mới liên quan đến TPP do Quốc Hội Mỹ chưa thông qua. Trong khi đó, cả hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, là bà Clinton của đảng Dân chủ và ông Trump của đảng Cộng hòa, đều nói họ không ủng hộ hiệp định vì cho rằng nó không có lợi cho nền kinh tế và người lao động Mỹ.
Về việc Việt Nam “nghe ngóng động tĩnh” ở Mỹ để cân nhắc thông qua TPP, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế uy tín ở Việt Nam, đưa ra nhận xét với VOA:
“Cái việc là Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét một cách tích cực nhưng không quá vội vã cái việc thông qua hiệp định TPP này là bởi vì Việt Nam còn phải cân nhắc khả năng là Hoa Kỳ thông qua như thế nào, bao giờ thông qua, và có điều chỉnh gì hay không”.
Tin tức ở Mỹ trong cuối tháng 8, đầu tháng 9 này cho hay Tổng thống Obama vẫn tin tưởng TPP sẽ được Quốc hội thông qua trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Trong trường hợp TPP sớm được thông qua, Việt Nam cũng sẽ phải nhanh chóng thực hiện các cam kết của mình, đặc biệt là những điều khoản về công đoàn độc lập và xã hội dân sự được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cởi mở, tiến bộ và dân chủ hơn. Tiến sỹ Doanh nhận định:
“TPP có rất nhiều cam kết về cải cách. Trong đó có cải cách về công đoàn độc lập. Tôi nghĩ rằng với nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện hiệp định TPP cũng như là thực hiện các cam kết khác như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu thì môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ được cải thiện, và xã hội dân sự sẽ được công nhận, và các quyền tự do dân chủ đã được ghi trong Hiến pháp của Việt Nam sẽ được thực hiện một cách cụ thể và đầy đủ hơn”.
Trong khi nhiều người bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau rằng họ trông đợi TPP là tác nhân lớn dẫn đến cải cách, dân chủ ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh Việt Nam phải thay đổi trước hết vì nhu cầu nội tại bên cạnh việc đáp ứng các cam kết quốc tế. Ông nói:
“Trước hết là đáp ứng các đòi hỏi của người dân ở trong nước. Hiện nay có rất nhiều yêu cầu về đất đai, về giải quyết các thiếu sót trong quản lý môi trường, hiện nay được quần chúng đông đảo rất là quan tâm. Và tôi nghĩ là sự quan tâm đó sẽ được Quốc hội và chính phủ xem xét rất là nghiêm túc để đẩy mạnh công cuộc cải cách ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Chắc chắn là cái yêu cầu nội tại của Việt Nam đòi hỏi công cuộc cải cách đó là chủ yếu chứ không phải là cái sức ép từ TPP”.
Một số tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và nước ngoài cho rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi TPP. Có dự báo cho rằng TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ đôla vào năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada hay Nhật Bản khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%.
TPP có 12 nước tham gia là Việt Nam, Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Nguyên tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận bị bắt giam

Một cựu quan chức của Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC, ông Vũ Đức Thuận bị Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Bộ Công An khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam khẩn cấp, cùng khám xét.
Các lệnh liên quan được cơ quan chức năng Việt Nam ký vào ngày hôm qua và ông Vũ Đức Thuận bị cáo buộc ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ theo điều 163 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ông Vũ Đức Thuận cùng với nhân vật đang bị đảng Cộng sản Việt Nam truy tìm cũng như bị khai trừ khỏi đảng là Trịnh Xuân Thanh là hai lãnh đạo chủ chốt của PVC lúc tổng công ty này thua lỗ hơn 3200 tỷ đồng.
Biện pháp đối với hai ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận như vừa nêu được giới quan sát cho là nằm trong kế hoạch bài trừ tham nhũng mà ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành.

Ninh Thuận ‘ưu đãi’ dự án thép Cà Ná

Một chuyên gia kinh tế ở Việt Nam vừa đưa ra các phân tích cho rằng UBND tỉnh Ninh Thuận đã có những ưu đãi để Tập đoàn Hoa Sen (HSG) xây nhà máy thép tại đây.
Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen đang gây tranh cãi trong dư luận tại Việt Nam.
Trong thông báo ngày 14/9, UBND tỉnh Ninh Thuận nói họ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nếu dự án đáp ứng được các điều kiện cần thiết.
Viết trên Facebook hôm 16/9, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, dẫn ra các điểm từ bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND Ninh Thuận với Tập đoàn Hoa Sen ngày 27/8, trong đó có các điểm như:
Tỉnh chịu toàn bộ chi phí thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.500 ha đất dự án.
Tỉnh chịu toàn bộ chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án.
Áp dụng miễn hoàn toàn tiền thuê đất, mặt nước cho toàn bộ 70 năm vòng đời dự án.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh chỉ trích: “Với tất cả những ưu đãi này, quả thật phải rất ngu mới không lợi dụng. Nếu trách Tập đoàn Hoa Sen một thì phải trách UBND Ninh Thuận n lần (n>1).”
Trước đó ngày 14/9, UBND tỉnh Ninh Thuận nói họ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án nếu dự án “đáp ứng các yêu cầu về môi trường, công nghệ tiên tiến kiểm soát được môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
“Việc thực hiện dự án sẽ theo từng giai đoạn, sau khi các giai đoạn trước vận hành ổn định, đảm bảo về môi trường mới cho tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo”.
Tỉnh Ninh Thuận nói dự án đang lập báo cáo tiền khả thi và sẽ trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để quyết định.
‘Ưu đãi’ của Ninh Thuận
“1. Tỉnh chịu toàn bộ chi phí thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.500 ha đất dự án.
2. Tỉnh chịu toàn bộ chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án.
3. Áp dụng miễn hoàn toàn tiền thuê đất, mặt nước cho toàn bộ 70 năm vòng đời dự án.
4. Cho phép HSG toàn quyền ấn định giá thuê đất cho các nhà đầu tư thứ cấp trong suốt thời hạn dự án.
5. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế (hưởng thuế TNDN 0%), giảm 50% trong 9 năm kế tiếp (hưởng thuế TNDN 5%), và áp dụng thuế suất TNDN ưu đãi 10% trong 30 năm đối với Dự án KCN Hoa Sen – Cà Ná và Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen – Cà Ná. Riêng với Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná, thời gian hưởng thuế ưu đãi 10% lên tới 70 năm.
6. Áp dụng mức thuế suất thấp nhất của Luật thuế tài nguyên.
7. Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động thường xuyên và không thường xuyên, trong và ngoài nước làm việc tại tất cả các dự án cho HSG làm chủ đầu tư tại Ninh Thuận.
8. UNND Ninh Thuận cam kết tự lo ngân sách và tự chịu trách nhiệm xây dựng 2 đê chắn sóng.
9. UBND Ninh Thuận cam kết cùng với HSG vận động trung ương để xây đường sắt từ dự án đến ga Cà Ná, ưu tiên xây dựng hạ tầng đường bộ đảm bảo xe trọng tải lớn hoạt động, đáp ứng yêu cầu cung ứng điện đủ công suất cho toàn Dự án.
10. UBND đảm bảo cung cấp nguồn nước đầy đủ, ổn định cho các dự án của HSG.
11. UBND Ninh Thuận tạo điều kiện để cấp phép cho cán bộ, công nhân viên liên quan đến dự án của HSG được đưa đi đào tạo ở nước ngoài.
12. Tỉnh hỗ trợ kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Khu liên hợp nhà máy.”
Nguồn: Phân tích của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, từ Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND Ninh Thuận với Tập đoàn Hoa Sen.

Tuyên bố phản đối dự án thép Tôn Hoa Sen ở Ninh Thuận

Ba tổ chức xã hội dân sự và hơn ba chục người thuộc nhiều thành phần khác nhau hôm qua ra tuyên bố phản đối dự án thép do Tập đoàn Tôn Hoa Sen sẽ đầu tư tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận.
Tuyên bố được công khai trên mạng Internet nêu ra 7 điểm với những phân tích cụ thể về nguy hại mà dự án thép được Bộ Công Thương công bố đã vào qui hoạch và Tôn Hoa Sen là đơn vị triển khai dự án tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận.
Theo những người ký tên vào tuyên bố phản đối thì dự án thép này có khuất tất, cực kỳ phiêu lưu, nguy hiểm đối với đời sống kinh tế xã hội. Dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận được những người ký tên mệnh danh là ‘Formosa thứ hai’ và yêu cầu chính phủ, quốc hội cũng như trung ương đảng Cộng sản Việt Nam phải vì trách nhiệm không để xảy ra thêm một thảm họa môi trường nữa tại Việt Nam.
Ba tổ chức và những người ký tên cũng kêu gọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước hãy bằng mọi cách phản đối dự án thép do Tôn Hoa Sen sẽ triển khai ở Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận.

Lập Ban Hỗ trợ

Các Nạn Nhân Thảm họa Ô Nhiễm Môi trường Biển

Ban Hỗ trợ Các Nạn Nhân Thảm họa Ô Nhiễm Môi trường Biển tại giáo phận Vinh vừa được Tòa giám mục Xã Đoài quyết định thành lập.
Theo thông báo đăng trên trang chủ của Tòa Giám mục Giáo Phận Vinh thì quyết định được chính giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp ký hôm 13 tháng 9 và bắt đầu có hiệu lực từ khi ký.
Theo thông báo của Tòa Giám mục Vinh thì Ban Hỗ trợ Các Nạn Nhân Thảm họa Ô Nhiễm Môi trường Biển được lập ra căn cứ vào đơn xin trợ giúp của giáo dân các xứ Đông Yên, Quý Hòa, Song Ngọc, Côn Sẻ, Xuân Hòa, Tân Mỹ, Nhân Thọ, Đan Sa, Chợ Sàng và Tân Phong.
Ban gồm ba linh mục phụ trách chính và một số linh mục khác tham gia với chức năng cộng tác. Ba vị chịu trách nhiệm là Giuse Phan Sĩ Phương, Phê rô Hoàng Biên Cương, Giu se Nguyễn Công Bắc.
Giáo Phận Vinh là nơi có nhiều giáo dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa thải hóa chất thẳng ra biển Vũng Áng khiến hải sản chết hằng loạt kể từ đầu tháng tư vừa qua; ngoài ra môi trường biển bị ô nhiễm tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau. Bốn tỉnh chịu tác động gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên- Huế.
Chính phủ có kế hoạch đến cuối tháng 9 này sẽ chi tiền bồi thường trong 6 tháng qua cho người dân. Tuy nhiên rất nhiều người cho biết suốt những tháng qua họ thất nghiệp vì biển chết, đời sống vô cùng khó khăn.

Nữ tù nhân lương tâm suy kiệt trong tù

Tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy người hiện đang phải chịu án tù 8 năm về cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền bị trại An Phước, tỉnh Bình Dương từ chối không cho khám chữa bệnh phù hợp.
Tổ chức Ân xá Quốc tế, Amnesty International, ra thông cáo cho biết như vừa nêu vào ngày hôm qua và kêu gọi có hành động khẩn cấp đối với trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy.
Bà là 1 trong số 84 tù nhân lương tâm tại Việt Nam nằm trong danh sách mà Ân Xá Quốc tế vừa gửi cho lãnh đạo cao nhất của chính phủ Hà Nội.
Thông tin cho biết gia đình tù nhân Trần Thị Thúy vừa đi thăm nuôi bà này lần mới nhất vào hôm 3 tháng 9 vừa qua. Tình trạng của bà hiện nay rất đáng ngại vì khi được đưa ra để gia đình thăm gặp thì bà thoạt đầu không thể nhận ra thân nhân.
Theo lời bà kể lại cho gia đình thì y tế trại giam cho bà uống một loại thuốc không rõ mà bà tin đã làm trí nhớ bị tác động và trở nên lẫn.
Tin tức cho biết hiện bà Trần Thị Thúy có ba khối u mà thuốc của nhà tù cấp cho bà uống không hề có tác dụng chữa trị mà trái lại còn gây những biến chứng như vừa nêu.
Một khối u gần bụng mưng mủ và chảy máu có thể dẫn đến bị nhiễm trùng.
Thức ăn gia đình gửi vào nhà tù không cho nhận trừ phi bà nhận tội như cáo buộc Nhà nước đưa ra đối với bà.
Theo Ân xá Quốc tế thì biện pháp từ chối không để tù nhân được chữa trị đúng cách như trong trường hợp bà Trần Thị Thúy hiện nay liên quan đến việc cố ý gây đau đớn, chịu đựng nhằm mục tiêu buộc nhận tội. Như thế là hình thức tra tấn và vi phạm Công ước Chống Tra tấn mà chính phủ Hà Nội phê chuẩn và có hiệu lực kể từ tháng hai năm ngoái tại Việt Nam.

Có khác biệt giữa chùa Liên Trì và các cơ sở Công giáo?

Cát Linh, RFA
Sau khi Chùa Liên Trì, một trong những cơ sở còn sót lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trước 1975 bị san bằng vào ngày 8/9 vừa qua, hai cơ sở tôn giáo khác ở Quận 2 cũng đang nằm trong diện bị giải tỏa là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá. Hai cơ sở này rồi có như Chùa Liên Trì hay không?
Chưa có dấu hiệu bị thu hồi
Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Phòng Công lý Hoà Bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là người đã cùng các chức sắc tôn giáo trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam ký tên vào thư “Hiệp thông với Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm” gửi đến các tổ chức và cơ quan nhân quyền quốc tế trước đây.
Nói về khả năng liệu hai cơ sở tôn giáo của giáo hội Công giáo còn lại ở Thủ Thiêm có sẽ bị cưỡng chế như trường hợp của Chùa Liên Trì hay không, ông cho biết:
“Từ lâu nay rồi thì họ không đề cập đến vấn đề thu hồi hay giải toả hai cơ sở đó. Tôi nghĩ là chắc là họ rất ngại đụng đến tài sản của Giáo hội công giáo, tôi nghĩ vậy, chắc họ chưa đụng đến khu đó đâu.”
Tôi nghĩ là chắc là họ rất ngại đụng đến tài sản của Giáo hội công giáo, tôi nghĩ vậy, chắc họ chưa 
đụng đến khu đó đâu.
LM Đinh Hữu Thoại
Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trả lời chúng tôi cho biết, ông và các chức sắc khác thuộc Hội đồng liên tôn Việt Nam đã liên đới với nhau, cùng cầu nguyện, và ra một thông báo để phản đối vụ việc Chùa Liên Trì.
Còn đối với hai cơ sở còn lại là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá thì sau những lần thăm viếng Linh mục quản xứ Lê Đăng Nghiêm, ông được biết:
“Tôi được biết lập trường của ngài là gìn giữ và bảo vệ nhà thờ. Còn trách nhiệm và câu trả lời chính thức là thuộc về ngài Tổng Giám Mục. Về Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thì tôi được biết vừa rồi nhà nước có xâm phạm vào cái đất đó, nhưng cái đất đó là trường học thôi chứ không phải nhà dòng.
Tôi biết chính xác là như vậy. Trường học đó sau năm 1975 thì bị nhà nước tiếp quản. sau đó họ đổi công năng là không làm trường học nữa mà làm Uỷ ban gì đó, và không làm Uỷ ban nữa thì họ giải toả, nhưng bên nhà dòng giữ lập trường của mình, là cơ sở đó thuộc về mình, bằng lòng giải toả nhưng phải có sự đền bù thoả đáng.”
Sự việc lúc đó (tháng 10/2015), Linh mục Phạm Trung Thành nói rằng vì nhà nước chưa đền bù nhưng đã can thiệp vào nên nhà dòng và các vị linh mục khác đã liên đới phản đối và gìn giữ mảnh đất đó.
Người đại diện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm từng phát biểu với Đài RFA tiếp tục yêu cầu chính quyền thực hiện đúng qui định của Nhà nước; ngoài ra Nhà Dòng cũng trình bày vấn đề với Đấng Bản quyền trong Giáo Hội là Tòa Giám mục Sài Gòn.
Liên quan đến việc bồi thường và đền bù cho Chùa Liên Trì trong quyết định cưỡng chế, qua những lần trả lời phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, Thượng Toạ Thích Không Tánh cũng khẳng định chùa và các quí thầy không chấp nhận cơ sở do chính quyền đã dựng sẵn ở Cát Lái để đền bồi cho chùa.
Sự khác biệt?
Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá là hai cơ sở tồn tại ở Thủ Thiêm hơn một thế kỷ qua. Vào tháng 10 năm 2015, một cơ sở giáo dục được các nữ tu dòng Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xây dựng từ thập niên 1960. Thế nhưng sau đó thì chính quyền quyết định “tạm ngưng tháo dỡ”.
Nói về quyết định “tạm ngưng tháo dỡ” thì chính Chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, Thành Phố Hồ Chí Minh trước đây cũng từng nhận được thông báo cưỡng chế lần thứ nhất vào tháng 7 năm 2016. Sau thời gian “tạm ngưng” thì ngày 8 tháng 9 vừa qua đã bị nhà cầm quyền dùng vũ lực tháo dỡ và bị san lấp hoàn toàn.
Về “sự an toàn tạm thời” của hai cơ sở này so với quyết định cưỡng chế Chùa Liên Trì, Linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết vì sao cho đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu gì cho thấy  chính quyền Quận 2 muốn thu hồi hai cơ sở đó:
Quyết tâm triệt hạ chùa Liên Trì là họ muốn xoá đi một ngôi chùa mà đối với họ là một cái gai. Nơi đó thầy Không Tánh đã làm rất nhiều việc cho dân oan, xã hội dân sự, thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà…
LM Đinh Hữu Thoại
“Cái quyết tâm triệt hạ chùa Liên Trì là họ muốn xoá đi một ngôi chùa mà đối với họ là một cái gai. Nơi đó thầy Không Tánh đã làm rất nhiều việc cho dân oan, xã hội dân sự, thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, thuộc Giáo hội Việt Nam thống nhất nữa.
Đó là những yếu tố mà họ quyết tâm họ triệt hạ. Đối với bên Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm thì nó chỉ về giá trị vật chất, tài sản thôi. Cho đến bây giờ thì chưa thấy dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ thu hồi hai nơi đó cả.”
Hòa thượng Thích Không Tánh đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm Tổng ủy viên Từ thiện – Xã hội nên ông thường tiến hành những hoạt động từ thiện giúp đỡ cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông cũng thường giúp đỡ bà con dân oan, trẻ em ung bướu…
Trong thời gian qua, một số tổ chức xã hội dân sự cũng đến gặp nhau tại cơ sở chùa Liên Trì.
Bên cạnh lý do như đã nói, thì theo Linh mục Đinh Hữu Thoại, còn có sự khác biệt giữa sự việc năm 2015 đối với Dòng Mến Thánh Giá và biến cố ngày 8 tháng 9 vừa qua của Chùa Liên Trì:
“Đó là vì cơ sở họ đã chiếm và họ muốn chuyển sang một mục đích khác. Cho nên các sơ phản ứng và không muốn họ đụng đến cơ sở đó. Không phải là vấn đề giải toả nhà dòng đang hiện hữu.
Nó khác nhau. Đó là ngôi trường của các sơ, họ lấy làm trường. Sau đó không làm trường nữa nhưng không trả. Rồi vì vấn đề giải toả nên UBND cũng đi nên họ muốn chiếm khu đó làm chuyện khác nên họ đưa máy ủi vô. Các sơ ngăn chặn nên mới có biến cố tháng 10 năm ngoái.”
Những người quan tâm đất đai của những cơ sở tôn giáo còn lại tại Thủ Thiêm như linh mục Đinh Hữu Thoại đều hy vọng sẽ không có cưỡng chế, san bằng như vụ chùa Liên Trì vừa qua. Họ lập luận rằng ‘khu đô thị mới thì cũng cần những nơi dành cho tín đồ, giáo dân đến nguyện cầu, sinh hoạt sau những chuỗi ngày vất vả mưu sinh’.

‘Không nên tăng gánh nặng trên vai học sinh’

Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh NhànGửi cho BBC từ Sơn Tây, Hà Nội
Ý kiến đưa chữ Hán vào dạy trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam thưc ra đã từng được đề cập tới từ năm 1994, trong các bài viết của một số nhà ngôn ngữ và văn học như ông Cao Xuân Hạo, ông Nguyễn Đình Chú, ông Lê Cảnh Toàn v.v…
Đến nay, vấn đề này lại được khơi lại, từ hội thảo Vai trò của Hán – Nôm trong đời sống đương đại. Các nhà khoa học có những lí lẽ của riêng mình về cái lợi, cái hại khi đưa tiếng Hán vào dạy trong nhà trường phổ thông của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi vấn đề được đưa ra đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, thậm chí có những phản ứng khá gay gắt: có người bị “ném đá”, thậm chí bị dọa nạt, bị chửi rủa… Theo tôi, không nên có thái độ quá khích như vậy, vì bất cứ vấn đề gì cũng có thể được bàn bạc để đi đến kết luận cuối cùng.
Không thể phủ nhận là trong tiếng Việt của chúng ta có rất nhiều chữ gốc Hán, trong giao tiếp hàng ngày chúng ta sử dụng rất nhiều từ Hán Việt và cũng có một thực tế là không phải ai cũng hiểu được nghĩa của tất cả các từ, nhiều từ bị dùng sai.Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Là một giáo viên, trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Ngữ văn cho học sinh tôi xin mạo muội đưa ra một số ý kiến của cá nhân mình.
Có người nói rằng không biết chữ Hán thì không biết được lịch sử dân tộc và không giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt. Theo tôi, chữ Hán chỉ là một trong nhiều công cụ để tìm hiểu về quá khứ của dân tộc.
Không biết chữ Hán dứt khoát không đồng nghĩa với việc khiến cho kiến thức về văn hóa, lịch sử của dân tộc kém đi. Việc học chữ Hán cũng không phải để có thể đọc trực tiếp và hiểu được các văn bản mà ông cha ta đã viết ra hàng nghìn năm trước.
Không thể phủ nhận là trong tiếng Việt của chúng ta có rất nhiều chữ gốc Hán, trong giao tiếp hàng ngày chúng ta sử dụng rất nhiều từ Hán Việt và cũng có một thực tế là không phải ai cũng hiểu được nghĩa của tất cả các từ (ví dụ, từ “phương phi” được dùng để chỉ người béo tốt, mập mạp, ít người hiểu nó vốn có nghĩa là “hoa cỏ thơm tho”), rất nhiều từ bị dùng sai.
Không thêm gánh nặng
Nhưng theo tôi, không phải cứ biết chữ Hán thì mới biết cách dùng đúng tiếng Việt. Tôi nhất trí với ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết: “Để dùng từ đúng, người Việt Nam cần hiểu nghĩa các từ Hán Việt, nhưng không nhất thiết phải biết chữ Hán và chữ Nôm”.
Tôi không phủ nhận vai trò của chữ Hán. Trong vốn từ vựng tiếng Việt, số lượng từ tiếng Hán chiếm quá nửa thì phải công nhận là các từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hán có vị trí đặc biệt quan trọng.
Trong xu thế giảm tải chương trình học như hiện nay, việc bắt học sinh học thêm môn chữ Hán nữa theo tôi là không cần thiết, mà việc cần là thiết kế chương trình các bộ môn xã hội sao cho thiết thực.Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Thế nhưng, không phải vì thế mà học sinh cần học chữ Hán. Ngay từ khi học bậc tiểu học, học sinh đã được tiếp xúc và được dạy các từ Hán Việt cơ bản, các em đã tích lũy được vốn từ Hán – Việt khá lớn khi học lên đến bậc trung học phổ thông.
Trong khi dạy môn Ngữ văn cho học sinh, tôi và các đồng nghiệp của mình, vẫn cắt nghĩa những từ tiếng Hán cho học sinh, để các em có thể hiểu thấu đáo văn bản, năm bắt và cảm thụ được tác phẩm.
Thiết nghĩ như vậy là đủ. Chứ học sinh không cần biết các chữ ấy được viết ra sao, hình thù nó như thế nào.
Trong xu thế giảm tải chương trình học như hiện nay, việc bắt học sinh học thêm môn chữ Hán nữa theo tôi là không cần thiết, mà việc cần là thiết kế chương trình các bộ môn xã hội sao cho thiết thực.
Đó là một số suy nghĩ của tôi về việc có nên đưa chữ Hán vào dạy ở nhà trường phổ thông hay không.
Ý kiến nhỏ, nhưng tôi mạo muội nghĩ là rất thực. Không nên để học sinh thêm một gánh nặng trên vai mình trong khi việc học đã rất nặng như hiện nay.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là nhà giáo đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở một trường Trung học Phổ thông tại Sơn Tây, Hà Nội. Quý vị cũng có thể theo dõi thêm một trao đổi trực tuyến (Live) về chủ đề này trên trang Facebook của chúng tôi tại đây.

Điều tra vì sao cá chết ở Thanh Hóa

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam yêu cầu “khẩn trương” điều tra nguyên nhân cá chết ở tỉnh Thanh Hóa.
Hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra tại khu vực ven biển xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà hôm 15/9 giao Tổng cục Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa điều tra và báo cáo trước ngày 20/9.
Vụ Formosa Đài Loan bị cáo buộc gây ra tình trạng cá chết ven biển 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế đã gây ra phẫn nộ tại Việt Nam.
Formosa đã cam kết bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Tại Thanh Hóa, hiện tượng cá chết tại vùng biển gần bờ phía sau Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được ghi nhận từ hôm 5/9.
Thông tin ban đầu nói mẫu nước gửi Viện TNMT biển Hải Phòng cho kết quả phát hiện loài tảo Hairoi – Ceratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ.
Tuy vậy, cũng có nghi vấn về việc Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống dẫn dầu.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty này báo cáo việc súc rửa đường ống dẫn dầu từ ngoài biển.

Ám ảnh ung thư ở Việt Nam

Thiên ThanhGửi từ TP. HCM
Trong vài năm gần đây, báo mạng ở Việt Nam (bao gồm tất cả các trang lề phải, lề trái, fanpage…) dày đặc những bài tổng hợp nói về nguy cơ bị ung thư và những cách phòng chống bệnh ung thư. Việc phát hiện bệnh ung thư ở nghệ sĩ này hay nghệ sĩ nọ….càng làm tăng lên nỗi sợ hãi. Và truyền thông ở Việt Nam đang chạy theo xu hướng khai thác sự sợ hãi của công chúng.
Ung thư gõ cửa nhà nghèo lẫn nhà giàu
Sau kỳ nghỉ lễ, tôi theo một người chị vào bệnh viện (BV) Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM). Chị có lịch xạ trị ở đây sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Khu xạ trị gia tốc ở BV Ung Bướu TP HCM được đưa vào hoạt động tháng 4/2005 với vốn đầu tư gần 100 triệu đồng với hai máy xạ trị gia tốc kể ra cũng là mới so với các máy xạ trị ở trong khuôn viên cũ của bệnh viện.
Căn phòng xạ trị nằm dưới tầng hầm, có phòng ngồi chờ tươm tất, sạch sẽ với quạt máy, ti vi màn hình LCD. Tôi nhìn thấy nhiều phụ nữ lứa tuổi U40 – 50 – 60 – 70 và thuộc các tầng lớp khác nhau qua cách họ ăn mặc. Có phụ nữ xuề xòa mặc đồ bộ, chân đi dép…thì cũng có phụ nữ xăm chân mày, trang điểm nhẹ với áo choàng và váy chống nắng, mùi nước hoa thoang thoảng. Căn bệnh này không chừa ai.
Trong khi những người phụ nữ xuề xoà giản dị hồn nhiên kể lể về tiến trình chữa trị của mình để mong học hỏi nhau điều gì đó thì chị của tôi (và những người phụ nữ sang trọng khác) ngồi yên lặng, mặt căng thẳng hoặc lo âu.
Chị cấm không cho tôi kể với ai về căn bệnh của mình, thậm chí không được nói về căn bệnh đó ngay cả với chị. Chị muốn quên đi, muốn mau mau thoát ra khỏi BV để trở lại cuộc sống bình thường.
Trước khi theo chị của mình vào BV, tôi đã từng đem phim chụp CT Scan của một ngưởi bạn cho một vị bác sĩ rất giỏi ở đây xem. Tôi không quên vẻ mặt cáu kỉnh và xanh xám của anh tại phòng chờ khám bệnh của BV hôm đó. Có một khối u trong tuỷ của anh và nó cần được mổ càng sớm càng tốt, nhưng các bác sĩ tiên liệu nếu lên bàn mổ thì khả năng sống của anh chỉ có 50%. Là một người khôn ngoan nhiều trải nghiệm mà khi bác sĩ bảo anh kết quả mổ có thể chỉ đạt 50/50, anh hỏi tôi: “Họ nói thế có nghĩa gì?”. “Là có thể ca mổ sẽ không thành công, một sống một chết”. Thế là anh ôm hồ sơ về, quyết định kiếm thuốc nam uống.
Vài tháng cất công đi bốc thuốc tận phía bắc, mỗi ngày anh đều tuân thủ đúng thời gian uống thuốc và chế biến đúng kiểu thầy dặn dù không dễ tí nào. Anh gặp tôi sau đó với vẻ lạc quan: theo lời thầy bắt mạch thì khối u trong tuỵ có vẻ ngày càng nhỏ đi….Thế nhưng, không lâu sau đó anh bị ngất đột ngột và đã phải nhập viện để mổ cấp cứu. May mà ca mổ thành công, và anh lại hỏi tôi về quá trình hoá trị, với một thái độ chấp nhận khác hẳn trước.
Đau nhất là một ông anh họ tôi thương mến: khi phát hiện bị ung thư phổi anh đã trốn tất cả mọi người và quyết định…không chữa trị. Nhưng rồi khi bị khối u hành hạ, anh đã lên đường sang Mỹ. Hơn một năm sau, tôi gặp lại anh với thần sắc tốt hơn, nhưng anh vẫn không thể bỏ được thuốc lá… dù đã điều chỉnh lại nhiều thói quen trong cuộc sống!
Cũng đầu năm nay, tôi đi dự đám tang một đồng nghiệp mất vì ung thư di căn lần thứ 3. Phát hiện bị ung thư cách nay 16 năm, chị chỉ cầu mong được sống để nuôi con khôn lớn. Và với quyết tâm đó, chị đã vượt qua 3 lần điều trị (lần đầu và 02 lần di căn) và chỉ buông tay lần thứ 4. Nhưng không ít người bị bệnh giống chị đã ra đi sau một vài tháng, bởi cùng một loại bệnh, cùng một giai đoạn bệnh, cùng một cách điều trị, diễn tiến bệnh ung thư trên mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, có một cái chung là người nghèo bị bệnh ung thư thường mất nhanh hơn do không đủ tiền theo đuổi quá trình chữa trị hoặc không đủ tiền ăn uống đầy đủ.
Đã hơn 10 năm nay, tôi ra vô BV Ung Bướu TP HCM không biết bao nhiêu lần. Trong tất cả những lần đến đây, tôi đều ngồi ở ghế…chờ (chờ một người thân, chờ một người bạn), nhưng dù tôi không nếm trải sự đau đớn hay hoảng loạn của bệnh nhân, tôi lại có nỗi sợ khác ám ảnh: không biết với liệu trình này, cách chữa trị này….người thân hay bạn của mình có vượt qua được hay không? Làm sao giúp họ thoát khỏi căn bệnh này? Làm sao chia xẻ với họ nỗi đau (thể xác lẫn tinh thần) trong quá trình chữa trị?
Mỗi liệu trình chữa trị bệnh ung thư thường kéo dài ít nhất 6 tháng đến một năm với nhiều tác dụng phụ. Khi chữa xong, bệnh nhân phải quay trở lại BV để kiểm tra mỗi ba tháng hoặc 6 tháng trong vòng 05 năm với nỗi hồi hộp bệnh quay trở lại. Vì thế, kết quả chẩn đoán “bệnh ung thư” của các bác sĩ thường đem lại nỗi tuyệt vọng cho bệnh nhân và gia đình họ. Kết quả đó không còn là chẩn đoán thông thường mà trở thành sự phán quyết, chẳng khác gì “án tử” treo trên đầu! Nhất là khi các bệnh nhân chữa trị bệnh ung thư ở đây không nhận được bất kỳ sự tư vấn tâm lý miễn phí nào như ở Singapore. Sống cực đoan hay sống buông thả?
Có ai đó nói với tôi rằng bệnh ung thư ở Việt Nam giờ cũng giống như bệnh cảm cúm nhưng không có thuốc chích ngừa. Quả là như vậy. Ngoảnh đi ngoảnh lại nhà nào cũng có người bị bệnh, thật kinh khủng, vì chả biết bao giờ căn bệnh này “ghé thăm” mình nữa?
Chứng kiến những cái chết trẻ vì ung thư, đọc những câu chuyện chia sẻ về căn bệnh này ngày càng nhiều, cho dù gia đình chưa ai mắc bệnh thì vô hình chung, nỗi sợ hãi ung thư đã lan toả trong cộng đồng. Trên cộng đồng mạng facebook hiện nay, không ít người thường xuyên chia sẻ những bài thuốc chữa ung thư hoặc cảnh báo những loại thực phẩm độc hại có thể gây ung thư. Thông tin này nhiều khi không có nguồn rõ ràng mà chỉ là bài viết tổng hợp, thế nhưng không ít người tin theo và lại tiếp tục nhấn nút “share”.
Chung quanh tôi, có những gia đình hoàn toàn không sử dụng bất kỳ một loại bột nêm hay gia vị chế biến sẵn nào, mà chỉ dùng thuần muối hay nước mắm chế biến thủ công biết rõ nguồn gốc. Họ hạn chế ra ngoài ăn uống mà tự chế biến ở nhà. Không chỉ người lớn tuổi mới sợ, có cả những người trẻ tự đun nước uống mang theo đi làm và từ chối uống các loại thức uống đựng trong những chai lọ bằng nhựa dù được mời, đến mức cực đoan vậy đó!
Một anh bạn của tôi cả chục năm nay đã mua đất làm trang trại ở một vùng biển miền trung và sống hẳn ngoài đó, căn nhà to ở Sài Gòn thì cho thuê. Vợ chồng anh tự trồng rau, tự làm nước mắm, bánh mì, giò chả, xúc xích ….Lúc trước biển chưa nhiễm độc, anh chị hay phơi cá biển tươi rồi đóng bao hút chân không gửi biếu bạn bè ở Sài Gòn. Bây giờ ở gần biển mà không dám mua cá biển, anh chị nuôi thêm gà, bò….để khi cần có thịt tươi đãi bạn. Anh sống như một nông dân chính hiệu mà lại rất tự hào vì tự mình kiểm soát được chất lượng thực phẩm.
Trong cơn tuyệt vọng không tin vào sự kiểm soát thực phẩm của chính quyền, mạnh ai nấy tìm kiếm nguồn cung thực phẩm cho riêng mình nếu không có đất “tự cung tự cấp” giống như anh bạn tôi. Những cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, những loại thực phẩm chế biến thủ công tại nhà… bỗng nhiên nở rộ và có lượng khách riêng của mình. Dĩ nhiên, giá không rẻ.
Mặt khác, chưa bao giờ thấy thức ăn nước uống bày bán trên đường phố nhiều như bây giờ. Không kể quán ăn nhà hàng có bảng hiệu đàng hoàng, con đường nào cũng đầy hàng quán rong: bán trên xe đẩy dạng “to go” hoặc bán trên lề đường với vài cái ghế nhỏ ăn tại chỗ. Lạ một chỗ trên mạng ai cũng lo sợ thực phẩm bẩn nhưng ra đường thấy chỗ nào cũng có người xì xụp ăn uống, bất kể chỗ bán bên cống rãnh. Nạn bạ đâu cũng ăn cũng uống đã biến những con phố vốn sạch đẹp trước kia trở thành nhếch nhác với nước thải, rác rến đọng quanh các hố ga…Và mỗi khi trời mưa thì do rác đã ngập cống, nước không thoát được gây ngập ngụa hôi thối thì có gì đâu mà lạ?
Thực phẩm bẩn có thể tự mình tránh, tự mình kiểm soát, nhưng môi trường bẩn thì bất lực rồi. Thống kê từ các chuyên gia chữa trị ung thư cho thấy 40% các ca mắc ung thư có nguyên nhân từ môi trường ô nhiễm. Giờ dân Sài Gòn ra đường đeo khẩu trang, bịt kín mặt mũi như dân Ả Rập đi trong sa mạc, ngay cả đàn ông. Khói bụi, tiếng ồn, kẹt xe bất kể giờ giấc, nước ngập khi trời mưa…đã biến Sài Gòn xinh đẹp ngày nào trở thành nơi chứa đầy nguy cơ “ung thư”.
Và dù sống kỹ càng đến mức cực đoan hay sống buông thả – ăn uống vô tội vạ – bất kể ngày mai thì rồi chúng ta cũng sẽ chết như nhau thôi: nếu không bị mắc bệnh ung thư thì cũng chứng kiến người thân, bạn bè mình ra đi vì bệnh ung thư.
Bài viết thể văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là giáo viên từ thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Trịnh Xuân Thanh tẩu thoát,

nhiều lãnh đạo cấp cao PVC đã bị bắt

Vào sáng ngày 16 tháng 9 năm 2016, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã quyết định khởi tố bắt giam 4 lãnh đạo cấp cao thuộc Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An cho biết, bốn người bị bắt giam gồm: ông Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC; ông Nguyễn Mạnh Tiến, phó tổng giám đốc; ông Trương Quốc Dũng, nguyên phó tổng giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng Tổng công ty PVC để điều tra.
Cảnh sát điều tra, Bộ Công An cho biết là đang điều tra mở rộng vụ án, và trùy tìm những đối tượng khác liên quan.
Được biết, trong khoảng thời gian từ năm 2011-2013, Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí PVC đã làm ăn thua lỗ, thất thoát hơn 3,300 tỉ đồng do đầu tư vào lãnh vực bất động sản và đầu tư tài chính. Trong giai đoạn này, ông Trịnh Xuân Thanh còn đương nhiệm là tư cách chủ tịch hội đồng quản trị, còn ông Vũ Đức Thuận là tổng giám đốc công ty PVC.
Hiện tại, ông Trịnh Xuân Thanh và gia đình đã không còn ở Việt Nam. Trong một bức thư gần đây được cho là do ông Thanh viết, ông đã tố cáo tổng bí thư Trọng tham nhũng, chỉ đạo Bộ công an chụp mũ không có bằng chứng mình. Số tiền thâm hụt 3,300 tỉ đồng của tổng công ty PVC là do hậu quả từ trước để lại, và còn có sự nhúng tay của một số uỷ viên trong Bộ Chính Trị nữa.
Sự việc này cho thấy, tổng bí thư Trọng đang phải làm gấp hơn chuyện bắt giữ những phe cánh còn lại của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đảng CSVN đang ở trong giai đoạn rối ren hơn bao giờ hết.
Nguyên Nguyễn/SBTN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.