Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giớii – 11/09/2016

Sunday, September 11, 2016 3:26:00 PM // , ,

No sub-categories
Tin khắp nơi – 11/09/2016

Bà Clinton xin lỗi vì lên án ủng hộ viên của ông Trump

Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ của Mỹ, Hillary Clinton, đã lên tiếng xin lỗi vì gọi các ủng hộ viên của đối thủ Donald Trump bên Đảng Cộng hòa là “những người tệ hại”.
Bà Clinton ra tuyên bố hôm nay, 10/9, một ngày sau khi nói tại một cuộc gây quỹ rằng “một nửa” ủng hộ viên của ông Trump thuộc “nhóm tệ hại” – như “những người kỳ thị chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, phân biệt giới tính, chống Hồi giáo, hay sợ hãi những người không giống họ”.
Bà Clinton nói rằng bà lấy làm tiếc về một nửa tuyên bố của mình, cho rằng nó “quá chung chung”, nhưng vẫn cho rằng “một nửa” người ủng hộ ông Trump phù hợp với mô tả trước đó của bà.
Bà nói tiếp: “Điều đáng lên án là ông Trump xây dựng chiến dịch tranh cử của mình phần lớn dựa trên thành kiến và hoang tưởng, cũng như tạo cơ hội cho các ý kiến và tiếng nói đầy hận thù có dịp phát tán bằng cách đăng lại các tweet của những người mù quáng chỉ với vài chục người theo dõi tới với 11 triệu người (theo dõi ông Trump trên Twitter)”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp rằng, chính vì lý do đó, bà sẽ không ngưng “lớn tiếng về sự mù quáng và phát ngôn phân biệt chủng tộc trong chiến dịch này”.
Trước đó, nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã lên án bình luận của bà Clinton, chỉ trích bà đã thiếu tôn trọng các cử tri.
Phát biểu tại một sự kiện hôm 10/9, ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mike Pence lên tiếng bảo vệ những người ủng hộ ông Trump.
Ông nói: “Họ không thuộc một nhóm người nào hết. Họ là người Mỹ và họ đáng được tôn trọng”.
Ông Pence nói thêm rằng “không thể để cho người có ý kiến thấp kém về người Mỹ được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Chúng ta cần phải quyết tâm để Hillary Clinton không bao giờ được làm tổng thống của đất nước vĩ đại này”.

Peace Corps của Mỹ sắp hiện diện tại Việt Nam

Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) của Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam. Với sứ mạng giảng dạy tiếng Anh, lớp trẻ sau thế hệ từng tham chiến tại Việt Nam sẽ tới đây để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị song phương.
Được thành lập hơn nửa thế kỷ nay, Tổ chức Peace Corps đã đưa hàng trăm ngàn tình nguyện viên Mỹ tới hơn 140 quốc gia để phát huy hòa bình-hữu nghị thế giới thông qua các mục tiêu: giúp đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân các nước và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người dân các nước. Tháng 9 này, những thiện nguyện của Peace Corps sẽ tới Myanmar và Việt Nam sẽ là đích đến thứ 142 của tổ chức trên toàn cầu.
Peace Corps là một chương trình tình nguyện do chính phủ điều hành. Công dân Mỹ tham gia chương trình thường sẽ lưu lại làm việc ở nước chủ nhà khoảng hai năm, nhưng có thể xin gia hạn thời gian phục vụ dài hơn.
Những tình nguyện viên Peace Corps sẽ nỗ lực phát triển các giải pháp bền vững để giải quyết những thách thức về giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, nông nghiệp, môi trường, và phát triển giới trẻ. Thông qua quá trình phụng sự, các tình nguyện viên sẽ rút tỉa được những hiểu biết độc đáo về văn hóa và sự dấn thân phục vụ sẽ đưa họ đến những thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay.
Trong cuộc phỏng vấn của chương trình VOA’s English Press Conference USA, Trà Mi đã trao đổi với Giám đốc Peace Corps, Carrie Hessler-Radelet, về các kế hoạch cho chương trình mới mang tính lịch sử tại Việt Nam.
Giám đốc Peace Corps: Thế giới của chúng ta liên kết qua lại chặt chẽ, phức tạp, và thay đổi nhanh chóng. Cho nên, hơn bao giờ hết, Peace Corps rất cần thiết để giúp xây dựng các giềng mối chặt chẽ của tình hữu nghị giữa Mỹ với thế giới. Để đạt được sứ mạng hòa bình và hữu nghị thế giới, chúng tôi có ba mục tiêu. Thứ nhất là mục tiêu phát triển, giúp cộng đồng phát triển những kỹ năng và sự thành thạo cần có để tăng trưởng. Mục tiêu thứ hai là cổ súy sự hiểu biết của người dân các nước mà chúng tôi đến phục vụ về người Mỹ. Mục tiêu thứ ba là mang thế giới bên ngoài về nước để giáo dục người Mỹ về các nước. Đây là hai mục tiêu văn hóa. Mỹ muốn duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế trong tương lai thì cần phải nỗ lực mạnh mẽ cùng với các nước đối tác. Trong thế giới toàn cầu ngày nay, chúng ta cần những người Mỹ có thể nói được những ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, hiểu được các nền văn hóa khác nhau, và có thể phối hợp cùng làm việc để giải quyết những vấn đề phức tạp mà các nước trên toàn cầu đang đối mặt. Chúng tôi cũng chú trọng đến việc xây dựng tính chuyên môn tại các nước chúng tôi đến để cùng nhau tạo nên một cộng đồng toàn cầu tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Trà Mi: Chương trình Peace Corps đầu tiên tại Việt Nam sắp ra đời, theo loan báo hồi tháng 5 trong chuyến công du của Tổng thống Obama. Xin giải thích một chút về thời điểm thành lập Peace Corps tại Việt Nam, tại sao là lúc này mà không là sớm hơn?
Giám đốc Peace Corps: Câu hỏi rất hay. Chúng tôi đã nhiều lúc muốn thành lập Peace Corps nhưng vì lịch sử hai nước, cho nên đã phải mất một thời gian dài. Chương trình Peace Corps thật sự dựa trên mối quan hệ tin cậy. Thời điểm này thật đúng lúc, nhất là được loan báo nhân chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. Chúng tôi có sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam. Chúng tôi háo hức muốn phục vụ người dân Việt Nam và xây dựng mối quan hệ giữa hai nước thông qua chương trình giáo dục, dạy tiếng Anh.
Trà Mi: Bao lâu nữa thì chương trình chính thức có mặt tại Việt Nam?
Giám đốc Peace Corps: Chúng tôi đã ký thỏa thuận giữa hai nước vào tháng 5. Peace Corps chỉ bước vào một nước khi được nước đó mời. Chúng tôi không tự ý tới. Chúng tôi luôn chờ thư mời của nguyên thủ quốc gia. Chúng tôi đã có lá thư đó từ Việt Nam, chúng tôi đã ký thỏa thuận cụ thể hóa công việc sẽ làm, đó là giáo dục tiếng Anh. Còn nhiều chi tiết phải xác định rõ. Tôi dự định quay lại Việt Nam vào tháng 10 tới đây để thảo luận về các bước tiếp theo. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhanh nhất có thể, nhưng thật lòng mà nói, sẽ phải mất ít nhất 1 năm nữa. Chúng tôi cần thiết lập sự đồng thuận, thuê mướn nhân viên, xác định các trường học mà những thiện nguyện viên sẽ tới dạy cũng như những gia đình chủ nhà đón tiếp các thiện nguyện viên. Có rất nhiều thứ phải làm trước khi có thể mở một chương trình hoạt động. Cho nên phải mất thời gian ít nhất 1 năm.
Trà Mi: Và một khi được thành lập, chương trình này sẽ kéo dài trong bao lâu?
Giám đốc Peace Corps: Cho tới chừng nào chính phủ Việt Nam vẫn còn muốn các tình nguyện viên Peace Corps hiện diện ở đó. Không có thời hạn chót.
Trà Mi: Xin bà cho biết sẽ có bao nhiêu tình nguyện viên được phái sang Việt Nam?
Giám đốc Peace Corps: Chúng tôi thường bắt đầu với một nhóm nhỏ, thường khoảng 20 tình nguyện viên và từ từ sẽ tăng lên. Như Mông Cổ chẳng hạn, hiện đã có 141. Chúng tôi thường nhắm tới con số cuối cùng là 150 tình nguyện, nhưng khởi đầu thường là một nhóm nhỏ.
Trà Mi: Xin cho biết thêm về những nỗ lực sắp tới tại Việt Nam?
Giám đốc Peace Corps: Các nỗ lực chính là thiết lập lên chương trình và khởi sự chương trình dạy tiếng Anh. Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng tiếp cận tiếng Anh. Hiện đã có chương trình Fulbright ở đó, rất thành công, và chúng tôi vui mừng được hợp tác với các bạn trong chương trình Fulbright. Chủ yếu các thiện nguyện viên của chúng tôi sẽ dạy tiếng Anh, không chỉ cho các học viên tiếng Anh mà còn hỗ trợ cho cả các giáo viên dạy tiếng Anh nữa.
Trà Mi: Tại sao trọng tâm của chương trình Peace Corps tại Việt Nam lại là dạy tiếng Anh?
Giám đốc Peace Corps: Vì đó là điều mà chính phủ Việt Nam yêu cầu, chúng tôi đáp ứng đề nghị của nước chủ nhà. Họ có nhu cầu gì nằm trong phạm vi hoạt động của chúng tôi thì chúng tôi sẵn lòng đáp ứng. Dạy tiếng Anh thường là chương trình chúng tôi bắt đầu trước nhất, thường là chương trình mà các nước chủ nhà cần nhất.
Trà Mi: Vì sao sự hiện diện của Peace Corps tại Việt Nam được đánh giá là quan trọng?
Giám đốc Peace Corps: Tôi cho là hết sức quan trọng. Nó cho thấy mối quan hệ bình thường hóa hoàn toàn của bang giao Việt-Mỹ. Nhìn vào lịch sử, rồi nhìn lại hiện tại, thấy người Mỹ sinh sống và làm việc cùng với người Việt ở cấp độ cộng đồng quả là một bước quan trọng, một biểu hiện rõ rệt của mối quan hệ bình thường hóa giữa hai nước.
Trà Mi: Một trong những mục tiêu chính của Peace Corps là giúp giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất tại nước chủ nhà, trong trường hợp của Việt Nam, các nhu cầu đó là gì, thưa bà?
Giám đốc Peace Corps: Nhu cầu bức thiết nhất của họ cũng chính là điều họ yêu cầu chúng tôi: dạy tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ của thương mại, của du hành, và của thế giới. Các nước như Việt Nam và nhiều nước khác nữa trên thế giới hiểu rõ là nếu họ muốn giao tiếp với thế giới, họ cần phải nắm được ngôn ngữ giao tiếp chung, đó chính là tiếng Anh.
Trà Mi: Có những thử thách hay trở ngại gì trước mắt khiến bà quan tâm chăng?
Giám đốc Peace Corps: Tại Việt Nam, hiện giờ chưa có trở ngại gì. Tôi rất nóng lòng muốn khởi động chương trình tại Việt Nam. Tôi rất lạc quan, rất vui mừng khi thấy chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cho việc này. Họ khuyến khích chúng tôi sớm trở lại và ổn định kế hoạch thực thi chương trình để bắt tay ngay.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với Giám đốc Peace Corps
Khi tới Việt Nam, các tình nguyện của Peace Corps sẽ trải qua 3 tháng đào tạo về văn hóa, ngôn ngữ, và kỹ thuật trước khi nhận nhiệm vụ kéo dài trong 2 năm.
Giáo dục là lĩnh vực lớn nhất trong chương trình Peace Corps, chiếm 37% tổng số tình nguyện viên trong tổ chức.
Peace Corps đến và lưu lại một quốc gia theo yêu cầu của nước chủ nhà. Có những nơi họ rời đi sau khi nước chủ nhà cảm thấy mục tiêu đã đạt và không cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ Peace Corps nữa. Ngoài ra cũng có những lý do khác khiến các tình nguyện viên Peace Corps phải từ giã một quốc gia, chẳng hạn như các yếu tố về an ninh, an toàn, và chăm sóc y tế.
Peace Corps dựa trên nền tảng sự tự nguyện dấn thân, một trong những giá trị được đề cao trong giáo dục Hoa Kỳ. Chương trình được thành lập vào năm 1961 bởi Tổng thống John F. Kennedy, nhà lãnh đạo nổi tiếng với câu nói bất hủ: ‘Đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi rằng bạn có thể làm gì cho quốc gia của mình.’
Tổ chức Hòa bình từng được xem là cách thức đối trọng với tình cảm bài Mỹ hoặc những ấn tượng không đẹp về ‘chủ nghĩa đế quốc Mỹ’, đặc biệt tại thế giới thứ ba, tại các quốc gia mới xuất hiện ở châu Á và châu Phi thời hậu thuộc địa.
Dù đa số tình nguyện viên tham gia Tổ chức Hòa bình là người trẻ, nhưng Giám đốc Carrie Hessler-Radelet cho biết tình nguyện viên cao tuổi nhất trong Peace Corps hiện nay là bà Alice Carter, 87 tuổi.
Giám đốc Peace Corps, Carrie Hessler-Radelet, cũng từng là một tình nguyện viên của tổ chức phục vụ tại Western Samoa vào đầu thập niên 80.

Mỹ và Hàn Quốc truy tìm vật liệu phóng xạ

Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm nay, 10/9, bắt đầu tìm kiếm vật liệu phóng xạ, sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ năm và cũng là lớn nhất từ trước tới nay của Bắc Hàn một ngày trước đó.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, nhóm điều tra của hai nước sẽ thu thập các mẫu không khí và nước để xét nghiệm xem có bị nhiễm phóng xạ hay không.
Chia sẻ quan ngại với các nhà lãnh đạo trên thế giới, cùng ngày, chính quyền Seoul nhận định rằng khả năng hạt nhân của miền Bắc bán đảo Triều Tiên đang phát triển nhanh chóng.
Trong cuộc họp của Bộ Ngoại giao Nam Hàn hôm nay, Bộ trưởng Yun Byung-Se kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với Bắc Hàn.
Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng, tuyên bố rằng nó “không có lợi cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại nói với đại sứ Bắc Hàn tại Bắc Kinh: “Trung Quốc kêu gọi Bắc Hàn không có các hành động gây thêm căng thẳng, và ngay lập tức trở lại hướng đi đúng đắn là phi hạt nhân hóa”.
Vụ thử hạt nhân mới nhất và có lẽ là mạnh nhất được thực hiện khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang trên đường trở về Washington sau chuyến công du châu Á. Ông Obama đã lên án vụ thử hôm 9/9.
Hội đồng Bảo an LHQ họp kín chiều 9/9 ở New York, và 15 thành viên của Hội đồng đã mạnh mẽ lên án vụ thử dưới lòng đất.
Vụ thử hạt nhân gây ra chấn động tương tự như một trận động đất mạnh 5,3 độ richter.
Các cuộc đàm phán 6 bên với Bắc Hàn về việc phi hạt nhân hóa chấm dứt năm 2009.

Ngày quan trọng nhất trong cuộc hành hương

của người Hồi giáo diễn ra ở Ả Rập Xê Út

Gần 2 triệu người Hồi giáo đã mừng ngày quan trọng nhất trong cuộc hành hương 5 ngày hàng năm. Họ đã tập trung tại địa điểm sùng kính nhất của Hồi giáo ở Ả-rập Xê-út.
Các tín đồ đã tập trung từ sáng sớm Chủ nhật trên một ngọn đồi đá và vùng đất bằng rộng lớn xung quanh có tên Đỉnh Arafat, cách Mecca 15km.
Các tín đồ đã cầu nguyện và đọc kinh Koran trong ngày đầu của lễ hành hương Hajj. Người Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Muhammad đã giảng đạo lần cuối tại địa điểm này.
Iran tẩy chay lễ Hajj năm nay, với lý do là Ả-rập Xê-út “không đủ khả năng” và các quan chức y tế và an toàn đã ứng phó kém. Nhiều người Iran dòng Shiite thay vào đó đã tập trung ở thành phố thánh địa Karbala của Iraq để hành hương thay vì đến Ả-rập Xê-út.
Trong cuộc hành hương năm ngoái, hàng trăm người Iran ở trong số ít nhất 2.000 người chết trong vụ giẫm đạp ở thành phố Mecca.
Đây không phải là lần đầu tiên Iran tẩy chay lễ Hajj, nhưng lần này xảy ra vào lúc căng thẳng với đối thủ Ả-rập Xê-út đang ở mức cao nhất có liên quan đến cuộc xung đột tại Syria và Yemen, nơi Tehran và Riyadh trợ giúp các bên đối địch.
Ả-rập Xê-út đã cắt đứt quan hệ với Iran hồi tháng 1 sau khi những người biểu tình đốt cháy đại sứ quán Ả-Rập Xê-Út ở Tehran sau vụ hành quyết một giáo sĩ Shiite nổi tiếng, Sheikh Nimr al-Nimr Riyadh.
Trong những tuần gần đây, những tranh cãi giữa hai thủ đô đã leo thang. Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã thách thức quyền của Ả-Rập Xê-Út về việc quản lý các thánh địa của Hồi giáo, cáo buộc hoàng gia Ả-Rập Xê-Út phạm tội “giết người” trong vụ giẫm đạp năm ngoái. Một giáo sĩ Ả-Rập Xê-Út nổi tiếng đã đáp lại bằng cách nói rằng nhà lãnh đạo Iran “không phải là người theo đạo Hồi”.
Cuộc hành hương là một trong năm trụ cột của Hồi giáo. Tất cả người Hồi giáo có cơ thể bình thường mà có thể hành hương thì cần tham gia lễ Hajj ít nhất một lần trong đời.

Pakistan từ chối lời kêu gọi

về thương mại giữa Afghanistan và Ấn Độ qua đường bộ

Pakistan đã bác bỏ lời kêu gọi mới đây của Afghanistan về việc được tiến hành thương mại trực tiếp với Ấn Độ thông qua các tuyến đường bộ của Pakistan. Afghanistan là đất nước nằm sâu trong lục địa và hiện đang có xung đột. Pakistan nêu ra lý do để bác bỏ là các thỏa thuận chính thức hiện có giữa Islamabad và Kabul.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, trước chuyến thăm chính thức sắp tới của ông ở New Delhi, đã đe dọa đóng cửa các cơ sở thương mại quá cảnh đối với Pakistan nếu nước này tiếp tục từ chối việc nước ông tiếp cận thị trường Ấn Độ thông qua cửa khẩu Wagah của Pakistan.
Islamabad cung cấp cho Kabul tuyến đường bộ có hiệu quả chi phí ít nhất và ngắn nhất để Kabul giao thương với toàn cầu. Trong nhiều thập niên, Pakistan cũng giúp Afghanistan tiến hành hoạt động thương mại thông qua các cảng biển của Pakistan phù hợp với Hiệp định Quá cảnh Thương mại Afghanistan Pakistan (APTTA) mới đây đã được đàm phán lại, theo đó cũng giúp cho Pakistan tiếp cận thương mại với các nước láng giềng của Afghanistan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nafees Zakaria đã đáp lại lời cảnh báo của ông Ghani rằng “Pakistan đã luôn luôn để cho Afghanistan tiếp cận các cảng của Pakistan để thực hiện quá cảnh thương mại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho quá cảnh thương mại của Afghanistan như là một phần cam kết của chúng tôi đối với người dân Afghanistan”.
Zakaria lưu ý rằng “Mặc dù hiệp định song phương về quá cảnh thương mại APTTA không liên quan đến việc quá cảnh tới và từ Ấn Độ, song Pakistan tiếp tục cho phép việc vận chuyển quá cảnh trái cây Afghanistan đến Ấn Độ thông qua Wagah như một cử chỉ đặc biệt”.
Quan hệ của Pakistan với đối thủ Ấn Độ đã liên tục xấu đi trong những năm gần đây và các quan chức cấp cao luôn nói rằng không thể đáp ứng lời kêu gọi của Kabul về việc đưa cả New Delhi vào tham gia APTTA do hoàn cảnh hiện nay.
Thương mại của Pakistan với nước các nước cộng hòa Trung Á thông qua Afghanistan hiện không ở mức đáng kể và ước tính chỉ chiếm khoảng 0,054% tổng xuất khẩu của Pakistan, trong khi nhập khẩu từ các tài khoản của khu vực đó chỉ chiểm khoảng 0,05% tổng nhập khẩu của cả nước.
Các thương nhân Pakistan cho rằng kim ngạch thương mại thấp như vậy là vì những trở ngại cơ bản như thiếu cơ sở hạ tầng và những liên kết về giao thông, cũng như những quan ngại về an ninh khi vận chuyển hàng từ Afghanistan.
Quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan gần đây cũng đã căng thẳng vì những cáo buộc lẫn nhau về tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố vào lãnh thổ của nhau. Sự căng thẳng này đã dẫn đến nhiều lần đóng cửa các cửa khẩu biên giới của Pakistan là Torkham và Chaman, gây ra thiệt hại hàng triệu đôla cho thương nhân của cả hai bên.
Nhưng quan hệ của Kabul với New Delhi tiếp tục phát triển trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là mối quan hệ quốc phòng, điều này dường như đã làm tăng quan ngại ở Islamabad. Pakistan cũng đã cáo buộc các cơ quan tình báo Ấn Độ sử dụng mối quan hệ với các đối tác Afghanistan để lập âm mưu tấn công khủng bố trên đất Pakistan, nhưng Kabul và Ấn Độ đã phủ nhận các cáo buộc đó.

Những người ủng hộ Brexit

đòi thủ tướng đẩy nhanh việc Anh rời EU

Nền kinh tế của Vương quốc Anh dường như đã vận hành với kết quả tốt trong 78 ngày kể từ khi có cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu, còn gọi là Brexit.
Giờ đây, những người đi đầu ủng hộ Brexit đang kêu gọi lớn tiếng hơn về việc rời khỏi EU ngay và luôn. Họ nêu ra thị trường chứng khoán sôi động và các số liệu tốt về việc làm và doanh số bán lẻ, lấy đó làm bằng chứng để cho rằng chính phủ không nên trì hoãn việc áp dụng Điều 50 trong hiệp ước, theo đó sẽ bắt đầu quá trình dài hai năm để Anh chính thức rời khỏi khối.
Trong số đó là một cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Iain Duncan Smith. Ông nói cần bắt đầu áp dụng Điều 50 trước Giáng sinh, mặc dù bà Theresa May, thủ tướng mới của Anh, đã nhiều lần nói khác hẳn.
Hôm Chủ nhật, những người ủng hộ Brexit hàng đầu đã thành lập một nhóm gây áp lực mới có tên là Thay đổi nước Anh, có mục đích góp phần “thực hiện kết quả trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh theo cách hiệu quả nhất”.
Một số người ủng hộ Brexit muốn rút khỏi EU hoàn toàn; những người khác – cùng với nhiều người theo phái ủng hộ việc ở lại với EU – hy vọng là Anh có thể thương lượng một thỏa thuận giống như của Na Uy và vẫn là một thành viên của khối Thị trường Chung, được hưởng tự do thương mại với các nước thành viên EU.
Những người ủng hộ Brexit như ông Duncan Smith lo lắng rằng chừng nào Thủ tướng May còn trì hoãn quá trình rút ra, điều đó càng làm tăng khả năng về mối quan hệ gần gũi hơn với khối, trên mức ông mong muốn.
Trong các cuộc nói chuyện riêng với đài VOA, một số người ủng hộ Brexit hàng đầu trong chính phủ nói rằng họ lo ngại bà May và các đồng minh thân cận nhất sẽ định hình một thỏa thuận với EU theo đó Anh ở lại với Thị trường Chung, nhưng phải chấp nhận tự do đi lại, có nghĩa là Anh sẽ không thể áp đặt kiểm soát di cư đối với người châu Âu sống và làm việc ở Anh.
Giữ quyền tiếp cận khối Thị trường Chung cũng sẽ gần như chắc chắn kéo theo việc Anh tiếp tục đóng góp tài chính lớn cho ngân sách EU.
Trong cuộc trưng cầu, Bà May đã vận động để nước Anh ở lại trong EU. Hiện bà đang đi dây về mặt chính trị. Bà có nguy cơ gặp một cuộc nổi loạn bởi những người ủng hộ Brexit trong đảng của bà. Những người này muốn đảm bảo rằng Anh rút ra hoàn toàn khỏi EU. Họ sẽ chống đối nếu có dấu hiệu bà có những động thái ở hậu trường để định hình một thỏa thuận theo đó Anh gắn bó với EU.
Nhưng cùng lúc, bà đang chịu áp lực mạnh mẽ từ các đối tác phi EU của Anh muốn đàm phán một thỏa thuận theo đó Anh vẫn giữ quyền tiếp cận khối Thị trường Chung.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria được chào đón thận trọng

Syria nói rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do đồng minh Nga của họ và Hoa Kỳ làm trung gian.
Hãng thông tấn Syrian nói: “Việc chấm dứt chiến sự sẽ bắt đầu ở Aleppo vì lý do nhân đạo”. Vài giờ sau đó, nhóm chiến binh Hezbollah có căn cứ ở Libăng chiến đấu cùng với lực lượng trung thành với ông Assad cho biết họ cũng sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn, đồng thời thề sẽ tự vệ nếu bị tấn công.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đưa quân vào cuộc xung đột đa bên hồi cuối tháng trước, cũng tuyên bố ủng hộ lệnh ngưng bắn bắt đầu có hiệu lực vào cuối ngày thứ Hai. Thỏa thuận này đã được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng công bố sáng thứ Bảy ở Geneva.
Các lực lượng đối lập Syria cũng nói họ hoan nghênh thỏa thuận này. Tuy nhiên, vì họ cảm thấy cả các lực lượng của Nga lẫn của chính phủ Syria đã không tôn trọng các kế hoạch ngừng bắn trước đó, họ hoài nghi rằng một lệnh ngừng bắn có thể tồn tại lâu được.
Một tuyên bố của Bassma Kodmani thuộc Ủy ban Đàm phán Cấp cao của Phe đối lập Syria cho rằng ảnh hưởng của Moscow đối với Damascus “là cách duy nhất để buộc chính quyền phải tuân thủ”.
Thỏa thuận ngừng bắn phức tạp và có phần bí mật do Hoa Kỳ và Nga làm trung gian hầu như không có tác động đến Aleppo, thành phố bị chiến tranh tàn phá. Chiến sự ác liệt vẫn diễn ra và số người tử vong tăng lên ở đó hôm thứ Bảy.
Một tổ chức của các nhà hoạt động có tên Trung tâm Truyền thông Aleppo thông báo ít nhất 45 người đã thiệt mạng ở những nơi do phiến quân kiểm soát trong thành phố, trong khi Đài quan sát Nhân quyền Syria đặt ở Anh nói con số tử vong trong toàn khu vực là 69 người.
Ngoài lệnh ngừng bắn, mục đích hàng đầu của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các nhóm phi chính phủ hoạt động ở Syria là tìm cách đưa nhiều hàng viện trợ nhân đạo hơn đến với cư dân của thành phố bị bao vây, nơi từng là trung tâm dân số lớn nhất của Syria. Thành phố đã bị cắt đứt khỏi trợ giúp từ bên ngoài trong nhiều tháng.
Nếu bạo lực giảm đi ở Syria trong bảy ngày liên tiếp sau lệnh ngừng bắn hôm thứ Hai, và nếu đủ lượng viện trợ nhân đạo được cho phép đi vào Aleppo, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng như vậy hai thành phần chính của thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực.
Phát biểu hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Kerry cho biết các cuộc không kích của chính phủ Syria là nguyên nhân chính của thương vong của thường và các dòng người di cư cũng như các hành vi vi phạm thường xuyên nhất trong chiến sự.
Ông Kerry nói: “Ngăn chặn tất cả các hoạt động quân sự trên không của chính phủ ở các khu vực trọng điểm sẽ có thể chấm dứt việc thả bom thùng và ném bom bừa bãi vào các khu phố của thường dân”. Ông nói thêm rằng điều này sẽ “thay đổi bản chất của cuộc xung đột” đã kéo dài 5 năm rưỡi.
Ông Lavrov nói với các phóng viên là Moscow đã thông báo cho chính phủ Syria về những dàn xếp “và họ sẵn sàng để thực hiện chúng”. Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng “không ai có thể đảm bảo 100%” rằng cuộc ngưng bắn và các biện pháp khác tiếp theo sẽ thành công, vì có những lực lượng trong khu vực sẽ cố gắng để làm phá hoại thỏa thuận quốc tế này.

Croatia tiến hành thêm bầu cử sớm

Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, Croatia bỏ phiếu để lựa chọn một chính phủ mới trong cuộc bầu cử sớm hôm Chủ nhật, 11/9.
Các cuộc thăm dò ngay sau khi cử tri bỏ phiếu dự báo rằng kết quả sẽ sít sao giữa các ứng cử viên, có thể dẫn đến một quốc hội mới mà một số người cho rằng khó có thể hình thành một chính phủ có toàn quyền hoạt động.
Các điểm bỏ phiếu mở cửa sáng sớm Chủ nhật. Dự kiến vào cuối ngày sẽ có kết quả sơ bộ.
Cuộc bỏ phiếu sớm ở nước thành viên mới nhất của Liên hiệp châu Âu diễn ra chỉ một ngày sau khi quốc hội chính thức giải tán, và chưa đầy một năm kể từ cuộc bỏ phiếu gần đây nhất.
Chính phủ liên minh trung hữu của Thủ tướng Tihomir Oreskovic đã sụp đổ vì bất đồng giữa đảng Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) và đối tác nhỏ hơn có tên là MOST theo đường lối cải cách.
Bế tắc chính trị đã làm đình trệ công cuộc cải cách kinh tế của Croatia, một trong những nước yếu nhất trong khối EU.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy liên minh bốn bên do đảng Xã hội Dân chủ dẫn đầu sẽ giành được ít nhất 60 trong số 151 ghế, nhưng đảng HDZ bảo thủ vẫn sẽ chỉ ít hơn vài ghế. Các nhà phân tích nói rằng sẽ không có đảng nào giành đủ số phiếu để nắm quyền một mình.
Gần bốn triệu người có đủ tư cách bỏ phiếu tại Croatia.

Mỹ, Nhật cân nhắc

trừng phạt thêm Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân

Hoa Kỳ đang cân nhắc bổ sung các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ năm và lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại Tokyo hôm Chủ nhật, 11/9, Đặc phái viên Mỹ về chính sách đối với Bắc Triều Tiên Sung Kim nói: “Bên cạnh hành động trong Hội đồng Bảo an, cả Mỹ và Nhật Bản” cùng với Hàn Quốc “sẽ xem xét các biện pháp đơn phương, cũng như song phương” và các biện pháp hợp tác ba bên. Ông không nói chi tiết là những gì những biện pháp đó có thể là gì.
Ông Kim đã phát biểu như trên sau cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, gọi hành vi của Bình Nhưỡng là “gây bất ổn”.
Vài giờ sau đó, Bắc Triều Tiên gọi những nỗ lực bổ sung các biện pháp trừng phạt là điều “nực cười”, và tuyên bố sẽ tăng cường chương trình hạt nhân của họ hơn nữa. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh lực lượng hạt nhân của họ “cả về chất lẫn về lượng”. Bắc Triều Tiên tuyên bố họ cần có một chương trình vũ khí hạt nhân mạnh để bảo vệ họ không bị Hoa Kỳ xâm lược.
Có tin Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm các chất phóng xạ sau vụ thử hạt nhân. Yonhap đưa tin nhóm điều tra sẽ thu thập mẫu không khí và nước để kiểm tra xem có chất phóng xạ như xenon hay không.
Trong một cuộc họp hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói với các quan chức cao cấp của bộ rằng “Người ta tin rằng khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang ngày càng tiên tiến hơn, đạt mức độ đáng kể, và đang có tốc độ nhanh hơn”. Vị ngoại trưởng kêu gọi “trừng phạt thêm nữa và mạnh hơn” sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối các vụ thử, nói rằng chúng “không có lợi cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại nói với đại sứ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc rằng “Trung Quốc thúc giục Bắc Triều Tiên không thực hiện thêm bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng, và quay trở lại càng sớm càng tốt với hướng đi đúng đắn về phi hạt nhân hóa”.

Chính phủ Afghanistan và thủ lãnh đối lập Hekmatyar

sắp ký thỏa thuận hòa bình

Tin nói các giới chức cấp cao của Afghanistan và đại diện của một nhóm vũ trang chống chính phủ do cựu lãnh chúa Gulbuddin Hekmatyar lãnh đạo đạt được những tiến bố đáng kể trong các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài, và hai bên dự trù sẽ tiến tới ký kết một thỏa thuận, có thể trong ngày thứ Bảy 10/9.
Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani đã đàm phán với phái Hezb-i-Islami (HIA) của thủ lãnh Hekmatyar nhiều tháng qua. Trong quá trình đàm phán, nhiều bất đồng tồn tại đã gây ách tắc cho hòa ước được trông đợi này.
Hy vọng nổi lên lại về hòa ước bị ách tắc này xuất phát từ loan báo vào chiều tối thứ Sáu do người con trai tên là Habibur Rehman của lãnh chúa Hekmatyar loan tải trên trang Facebook của mình. Ông Habibur Rehman nói rằng phái HIA và chính phủ Afghanistan đã đồng ý về mọi điều khoản của dự thảo hòa ước, và “nếu thượng đế phù hộ, hòa ước sẽ được công bố vào thứ Bảy.”
Con trai ông Hekmatyar, người không tham gia nhóm đàm phán của HIA, viết tiếp rằng: “Cám ơn đất nước, và tất cả người Hồi giáo Hezb-i-Islami về hòa ước này. Tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ phát huy tác dụng dài lâu để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan, mang lại hòa bình và ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào Afghanistan.”
Người phát ngôn Shah Hussain Murtazavi của Tổng thống Ashraf Ghani nói với đài VOA rằng “có những tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán với HIA và hy vọng sẽ đạt thêm nữa trong ngày hôm nay.”
Ông Hekmatyar là một thủ lãnh du kích lâu năm. Các lực lượng du kích của ông đã dùng vũ khí do CIA của Mỹ cung cấp để chiến đấu chống các lực lượng của Liên Xô cũ vào những năm 1980. Sau đó các du kích quân của ông đã chiến đấu chống lại Taliban khi nhóm này cầm quyền tại Afghanistan trong suốt cuộc nội chiến tàn khốc vào những ngăm 1990. Ông Hekmatyar bị Mỹ đưa tên vào danh sách khủng bố băm 2003 với cáo buộc là ông này đã ủng hộ các cuộc tấn công của al-Qaida và của các lực lượng Taliban.

Trung Quốc:

Thị trưởng thành phố Thiên Tân bị điều tra tội tham nhũng

Thị trưởng thành phố Thiên Tân của Trung Quốc là ông Hoàng Hưng Quốc đang bị điều tra tội tham nhũng.
Ông Hoàng năm nay 61 tuổi, là thị trưởng thành phố cảng Thiên Tân từ năm 2008. Thành phố Thiên Tân là một thành phố công nghiệp và đầu mối giao thông quan trọng ở miền Bắc Trung Quốc.
Trong một thông cáo đưa ra vào cuối tuần rồi, Ủy ban kiểm tra trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc nói rằng ông Hoàng Hưng Quốc đã vi phạm kỷ luật một cách nghiêm trọng. Đây là cách nói đến tội tham nhũng liên quan đến các quan chức cao cấp của Đảng.
Trong khi đó thì vào hôm thứ bảy, tờ báo địa phương là Thiên Tân nhật báo vẫn đưa tin ông Hoàng đi thăm viếng một trường học trên trang nhất của tờ báo này.
Xin nhắc lại là từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc từ năm 2012 đến nay đã có hàng chục quan chức cao cấp của Trung Quốc bị kết tội tham nhũng trong một chiến dịch làm trong sạch đảng cộng sản của ông Tập Cận Bình được gọi là đả hổ diệt ruồi.
Trong các quan chức đó có ông Chu Vĩnh Khang, một ủy viên Bộ chính trị nhiều quyền lực, từng nắm ngành công an của Hoa Lục.
Nhưng cũng có người nói rằng chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập chủ yếu là nhằm triệt hạ những đối thủ chính trị của ông mà thôi.

Bắc Hàn: Lũ lụt nặng ở miền Đông Bắc vì mưa lớn

Miền Đông Bắc của Bắc Hàn đang bị lũ lụt nặng nề sau những cơn mưa lớn. Tin của nhà nước Bắc Hàn cho hay là chính phủ thúc giục binh lính và dân chúng cùng hợp lực với nhau để giúp đỡ các nạn nhân.
Bản tin của hãng thông tân nhà nước Bình Nhưỡng không nói rõ là có người chết hay không, nhưng có nói là hàng chục ngàn ngôi nhà bị hư hại.
Theo một bảng báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì có đến 60 người thiệt mạng, và 44  ngàn người bị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất ở khu vực dọc con sông biên giới với Trung Quốc và Liên bang Nga.
Xin được nói thêm là Bác Hàn là một quốc gia nghèo khó thường xuyên đối mặt với nạn đói do mất mùa. Ngoài ra việc phá rừng lấy đất để trồng trọt cũng làm xảy ra lũ lụt, hay đất trượt khi có mưa lớn xảy ra.

Kenya: ba đối tượng nữ tấn công cảnh sát

Ba phụ nữ đã thiệt mạng sau khi tấn công vào đồn cảnh sát chính ở thành phố cảng Mombasa của Kenya, theo giới chức.
Những người phụ nữ này mặc trang phục Hồi giáo với khăn choàng đầu.
Họ bước vào đồn nói rằng muốn trình báo một tội phạm, theo cảnh sát.
Những người phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo với khăn choàng đầu. Họ bước vào đồn nói rằng muốn trình báo một tội phạm.Cảnh sát Kenye
Một trong những người phụ nữ sau đó đã rút ra một con dao và tung một trái bom xăng.
Hỏa hoạn đã xảy ra và hai sĩ quan cảnh sát bị thương.
Hiện chưa rõ ai đứng sau vụ tấn công, nhưng nhóm Hồi giáo al-Shabab đã tổ chức nhiều cuộc tấn công ở Kenya.
Tuyển dụng
Nhóm này có căn cứ ở Somali và đã nhắm mục tiêu vào Kenya kể từ năm 2011.
Khi đó quân đội Kenya đã được triển khai để đưa Somalia thoát khỏi tay của các chiến binh.
Al-Shabab đã tuyển dụng hàng trăm người Kenya, đặc biệt ở xung quanh Mombasa, khu vực có một dân số lớn theo đạo Islam.
Al-Shabab nói đã đứng sau vụ thảm sát ở Đại học Garissa vào tháng 4/2015, trong đó 147 người đã thiệt mạng.
Nhóm này cũng nói đã tổ chức cuộc tấn công vào trung tâm mua sắm Westgate của Nairobi hồi năm 2013.
Vụ tấn công đẫm máu này đã làm 68 người đã thiệt mạng.

Bữa ăn đêm bí ẩn ở Hong Kong

Sarah Treleaven
Ngay cả mặt trời đã lặn ở Cảng Victoria, phố xá Hong Kong vẫn đông nghịt. Quá nửa đêm đã lâu, các du khách vẫn có thể thấy các thuyền gỗ lướt trên mặt nước dưới trăng, phố xá rực rỡ dưới ánh đèn quảng cáo, chợ đêm đông đúc bán đủ thứ từ giầy thể thao dởm đến túi cá vàng, và tất nhiên, tiếng hát karaoke lả lướt trong màn đêm sương ẩm. Nhưng mặc dù những thú tiêu khiển như vô giới hạn ở Hong Kong đông đúc này, ăn uống vẫn là nỗi ám ảnh văn hoá thực sự thống lĩnh 24/24 giờ.
Thực ra người Hong Kong tôn sùng món ăn nhiều đến nỗi thậm chí họ tạo ra một bữa ăn ít được biết, siu yeh (ăn đêm), để ăn về đêm, điển hình từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, nhưng có thể ăn bất kỳ lúc nào giữa bữa chiều và lúc đi ngủ. Trong khi ít quán ăn mở cửa 24/24 ở Hong Kong, nhiều quán mở cửa muộn, khoảng 9 giờ tối, phục vụ ăn đêm. Nhiều quán ăn, quán nước và quầy vỉa hè có món ăn đêm đặc biệt, và ngay cả các hộp đêm có thể cũng nổi tiếng vì các món ăn vặt cũng như rượu cocktails trong tiếng nhạc DJ.
“Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nói làm ra tiền là để ăn,” Silvana Leung, thuộc hãng du lịch Hong Kong Foodie Tasting Tours, nói. “Đó là cách để hưởng thụ.”
Celia Hu, cộng tác viên cho tạp chí Foodie Magazine và blogger của trang Girl Meets Cooking, giải thích rằng điều làm cho siu yeh (ăn đêm) của Hong Kong khác biệt với các văn hoá ăn muộn khác là ở chất lượng và tính đa dạng của nó.
“Đó không chỉ là món thịt cừu kebab làm qua quít để ăn khi đã say khướt,” bà nói. “Ở Hong Kong rất nhiều hàng ăn mở muộn hoặc mở thâu đêm có đầy đủ các món hải sản tươi, hoành thánh gói ghém rất đẹp và dim sum mới hấp xong.”
Cách thức phục vụ ăn uống ở Hong Kong thì vô cùng nhiều, từ ăn tự chọn ở khách sạn và quầy hàng bán lẻ đến các quán nằm rất khuất và quầy vỉa hè. Dân ở đây vui vẻ xếp hàng để mua được bánh nhân custard hoặc ngỗng quay ướp rượu vang. Các bát mì hoành thánh đơn giản, rẻ và ngọt lừ được bán ngay gần các nhà hàng gắn sao Michelin với các món rất ngon như bào ngư om và tôm hùm Brittany.
Nhưng phần lớn các món ăn đêm là dễ ăn, ít cầu kỳ phức tạp như món Quảng Đông cổ điển. “Tất cả những thức ăn này là một phần các món hàng ngày và dân đi là để ăn các món quen thuộc từ thuở nhỏ,” bà Hu nói. “Những người quý mến nhau tụ tập để thưởng thức cuộc sống.”
Nếu ghé vào bất kỳ quầy vỉa hè (dai pai dong) nào về đêm, bạn sẽ có thể gọi món thấy món bánh xèo, hàu tráng trứng, bánh bao, cá viên, cháo trắng ăn với thịt băm hoặc trứng muối, mì tả pí lù (với đủ các loại mì, xốt và thịt), đậu phụ nhự rán ròn và thành từng xiên để ăn.
Món dim sum là lựa chọn đặc biệt biểu tượng của món ăn đêm với hàng trăm lựa chọn khác nhau, trong đó món bánh nhân xá xíu luôn được ưa thích, bên cạnh món bánh cuốn nhân tôm và bánh củ cải chiên.
Và trong khi phần lớn các món ăn đêm có vẻ tồn tại lâu năm, món tráng miệng lại không như vậy.
“Nó tùy thuộc Instagram lúc này đang nói gì,” bà Hu nói. Những lựa chọn truyền thống là chè đậu đỏ hoặc bánh xoài, nhưng mới đây người ta thích bánh ngọt Pháp và kem que. Nếu bà Hu cần nhiều năng lượng cho buổi tối, thì bà chọn bánh sữa trứng lỏng. “Nó giống như bánh nhân lỏng nhưng cải tiến theo kiểu Quảng Đông,” bà nói.
Janice Leung Hayes, cây bút về ẩm thực và người thành lập ra Island East Markets (chợ lớn nhất ở Hồng Kông của nông dân), cho rằng nguồn gốc ăn đêm là từ tỉnh Quảng Đông.
“Một số nói rằng ở phía Nam Trung Quốc thì ngày dài hơn nên người ta thức lâu hơn và ăn nhiều bữa hơn, nhưng một số người khác cho là vì văn hoá Quảng Đông là gặp nhau uống trà hoặc rượu sau bữa tối,” bà nói. “Những tài liệu cổ của Trung Quốc từ thời nhà Đường có nói về phong tục này.”
Nhưng một số yếu tố đóng góp của thời nay đã làm cho ăn đêm thành một hiện tượng văn hoá kéo dài.
Cái nóng và ẩm nhiệt đới của Hong Kong làm giảm thú ăn vào ban ngày, nghĩa là người dân đã quen ăn ngon miệng sau khi mặt trời lặn. Người dân thường thức muộn do phải làm việc lâu và cả do cuộc sống xã hội sôi động thường xảy ra nơi công cộng ở những căn hộ chật chội đông người.
“Chúng tôi có nhiều cửa hàng ăn tính trên đầu người hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, nhưng tôi nghĩ một phần cũng vì nhà chúng tôi nhỏ, nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ mất các bữa tối vui vẻ,” bà Hayes nói.
Ngoài ra, văn hoá Trung Quốc đề cao ẩm thực, và mọi lễ hội đều có nghi lễ và truyền thống liên quan đến ẩm thực, từ bánh nướng vào rằm tháng Tám đến bánh bao thịt lợn bắp cải vào đầu năm.
“Chúng tôi coi đồ ăn là một cách để con người đến với nhau,” bà nói.

Hàn Quốc sẵn sàng ‘san phẳng Bình Nhưỡng’

Hàn Quốc nói nước này có kế hoạch tiêu diệt thủ đô của Bắc Hàn nếu miền Bắc cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của một cuộc tấn công hạt nhân.
Một nguồn tin quân sự nói với hãng tin Yonhap từng phần của Bình Nhưỡng “sẽ bị phá hủy hoàn toàn bởi các hỏa tiễn đạn đạo và hỏa lực với sức nổ lớn”.
Hãng Yonhap có quan hệ chặt chẽ với chính phủ của Hàn Quốc và nhận tài trợ công khai.
Hôm thứ Sáu, Bắc Hàn thực hiện những gì nước này nói là vụ thử hạt nhân lần thứ năm và cũng là lớn nhất.
Cộng đồng quốc tế đang cân nhắc phản ứng và chế tài trừng phạt.
Những lời đe dọa về lệnh trừng phạt là vô nghĩa… hết sức nực cườiBình Nhưỡng
Hoa Kỳ nói đang xem xét biện pháp trừng phạt riêng, ngoài những lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc áp đặt.
Bình Nhưỡng đáp lại vào hôm Chủ Nhật bằng cách gọi các lời đe dọa về “lệnh trừng phạt là vô nghĩa… hết sức nực cười”.
Giới chức quân sự Hàn Quốc nói với hãng Yonhap rằng các quận, huyện được cho là những nơi ẩn lánh của lãnh đạo Bắc Hàn ở Bình Nhưỡng sẽ được nhắm mục tiêu đặc biệt trong bất kỳ cuộc tấn công nào.
Thành phố này, vẫn theo nguồn tin trên, “sẽ được biến thành tro bụi và xóa khỏi bản đồ”.
Phóng viên về Hàn Quốc của BBC, Steve Evans nói miền Nam đang sử dụng những ‘lời lẽ kinh hoàng’ mà miền Bắc vẫn thường xuyên sử dụng nhắm vào chính phủ Hàn Quốc ở Seoul.
Đã có những chỉ trích gia tăng bên trong Hàn Quốc cho rằng các nỗ lực của chính phủ nhằm cô lập miền Bắc đã thất bại trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hành động đơn phương
Tin tức về kế hoạch tấn công của Hàn Quốc đối với miền Bắc được cho là đã được tiết lộ với Quốc hội sau vụ thử hạt nhân hôm thứ Sáu.
Trong khi đó, đặc phái viên của Mỹ về Bắc Hàn nói Washington đang xem xét hành động đơn phương chống lại Bình Nhưỡng.
“Bắc Hàn tiếp tục chứng tỏ một mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với khu vực, với các đồng minh của chúng tôi, bản thân chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để tự vệ chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng đó,” đặc phái viên Sung Kim nói.
“Ngoài việc xử phạt ở Hội đồng Bảo an, cả Mỹ và Nhật Bản, cùng với [Hàn Quốc], sẽ xem xét bất kỳ biện pháp đơn phương cũng như các biện pháp song phương hay hợp tác ba bên nào có thể.”
Bắc Hàn tiếp tục chứng tỏ một mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với khu vực, với các đồng minh của chúng tôi, bản thân chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để tự vệĐặc phái viên Hoa Kỳ về Bắc Hàn
Bắc Hàn bị Liên Hợp Quốc cấm thử nghiệm bất cứ công nghệ hạt nhân và hỏa tiễn nào.
Nước này cũng bị ảnh hưởng bởi năm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành lần thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Miền Bắc nói cuộc thử nghiệm hôm thứ Sáu là một “đầu đạn hạt nhân đã được chuẩn hóa để có thể gắn trên các hỏa tiễn đạn đạo chiến lược”.
Các ước tính về cường độ của vụ nổ mới nhất đã có thay đổi.
Giới quân sự của Hàn Quốc nói nó đạt được khoảng 10 kilotonnes, đủ để làm cho đây trở thành vụ “thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay” của miền Bắc.
Các chuyên gia khác lại nói các chỉ dấu ban đầu cho thấy cường độ của vụ nổ là 20 kilotonnes hoặc nhiều hơn.
Trái bom hạt nhân mà Hoa Kỳ ném xuống Hiroshima vào năm 1945 có cường độ khoảng 15 kilotonnes.

Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ công nhận là « cường quốc hạt nhân »

Hai ngày sau vụ thử nghiệm nổ hạt nhân lần thứ năm, Bình Nhưỡng kêu gọi Washington công nhận Bắc Triều Tiên là « quốc gia có vũ khí hạt nhân » và cho biết là « sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hạt nhân » để đối phó với Mỹ.
Bắc Triều Tiên không chờ nhiều thời gian để tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế và nhất là Hoa Kỳ sau khi thực hiện vụ nổ hạt nhân hôm thứ sáu 09/09.
Trong bản tin chủ nhật 11/09/2016, KCNA, hãng thông tấn chính thức của Bình Nhưỡng cho biết một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao yêu cầu Hoa Kỳ phải nhìn nhận « quy chế chiến lược » của Bắc Triều Tiên, một « quốc gia có vũ khí hạt nhân ». Với giọng điệu khiêu khích cố hữu, viên chức này, một mặt khuyến cáo tổng thống Mỹ Barack Obama « đừng dại dột lấy tay che mặt trời », mặt khác khẳng định là Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo và trang bị vũ khí hạt nhân «càng ngày càng nhiều và tối tân hơn ».
Theo Reuters, trong bối cảnh Hội Đồng Bảo An bất lực vì lập trường của Nga và Trung Quốc không muốn trừng phạt thêm Bắc Triều Tiên, Mỹ cùng hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản không loại trừ giải pháp « đơn phương hành động ».
Ông Sung Kim, nhà ngoại giao Mỹ gốc Hàn, đặc trách hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên cho biết Mỹ và Nhật Bản muốn cộng đồng quốc tế phải có hành động mạnh mẽ với Bắc Triều Tiên.
Sau khi thảo luận với đồng nhiệm Nhật Bản Kenji Kanasugi tại Tokyo ngày hôm nay, ông Sung Kim tuyên bố với báo chí là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xem xét các biện pháp «đơn phương » để đối phó với chế độ Kim Jong Un. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ không nói cụ thể là biện pháp gì.

Khủng bố 11/09:

Obama có thể bác luật cho phép kiện Ả Rập Xê Út

Hôm qua, 09/09/2016, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép gia đình và người thân các nạn nhân Hoa Kỳ trong loạt khủng bố ngày 11/09/2001 được quyền kiện các quốc gia bị nghi ngờ dính líu đến những vụ khủng bố chống lại nước Mỹ. Thực ra, dự luật chủ yếu nhắm vào Ả Rập Xê Út.
Văn bản này đã được Thượng viện thông qua hồi tháng Năm. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết là có thể tổng thống Barack Obama chống lại dự luật.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
« Do có tới 15 người Ả Rập Xê Út trong số 19 kẻ thực hiện loạt khủng bố ngày 11/09/2001, gia đình các nạn nhân, từ 15 năm nay, đã cố gắng tìm hiểu xem liệu chính quyền Ryiad có dính líu hay không đến vụ này và nếu có, thì họ muốn được đền bù.
Đạo luật vừa được Quốc hội lưỡng viện thông qua cho phép họ kiện Ả Rập Xê Út, bất chấp nguyên tắc các Nhà nước được hưởng quyền miễn trừ truy tố dân sự và hình sự.
Thế nhưng, chính quyền Obama chống lại và có thể từ chối chấp thuận, bởi vì Nhà Trắng lo ngại là điều này có thể dẫn đến việc chính Hoa Kỳ cũng sẽ bị khởi tố do nước Mỹ can thiệp vào nhiều nơi trên thế giới. Hơn nữa, Washington cũng không muốn làm phật ý một đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Tổng thống Barack Obama có 10 ngày để xem xét và bác bỏ đạo luật này. Việc phủ quyết sẽ gây mất lòng dân và Quốc hội lưỡng viện sẽ có đa số cần thiết để bỏ qua quyết định của tổng thống.
Thế nhưng, gia đình các nạn nhân lo ngại là chính quyền Obama tranh thủ lúc các dân biểu tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử, để phủ quyết dự luật. Vợ của một nạn nhân đã khẩn thiết đề nghị các dân biểu không nên rời thủ đô Washington ngay bây giờ. Bà nói, đây là công việc ưu tiên, các vị có thể đi vận động tranh cử sau đó ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.