Việt Nam chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng
18/06/2021
Một người đàn ông dùng Ipad tại một tiệm cà phê Internet tại Hà Nội, ngày 18/5/2021.
Hôm 17/6, Việt Nam ban hành bộ quy tắc nhằm “xây dựng chuẩn mực đạo đức” về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội để “môi trường mạng an toàn, lành mạnh.” Bộ quy tắc yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật và không đưa thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên mạng.
Trong quyết định ban hành Bộ quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội (MXH), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết Bộ quy tắc này có hiệu lực từ ngày ký (17/6), nhưng không nói rõ nó sẽ được thực hiện như thế nào hay liệu có áp dụng hình thức chế tài hay không.
Bộ quy tắc yêu cầu các cá nhân phải dùng tên thật và “chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy,” đồng thời “khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.”
Trang VietnamNet dẫn Bộ quy tắc cho biết: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.”
Trao đổi với VOA về Bộ Quy tắc mới này, cũng như Luật An ninh mạng mà Việt Nam đã ban hành từ năm 2018, blogger Tôn Phi ở Tp. Hồ Chí Minh, nói:
“Cả Luật An ninh mạng lẫn Bộ quy tắc ứng xử trên mạng đều là cần thiết. Song, văn hóa Việt Nam là văn hóa dân gian [tác phẩm thường không nêu tên tác giả], cho nên tự do ngôn luận vẫn sẽ tiếp tục chảy. Và nếu càng cấm thì người ta càng có ý kiến khác để thể hiện tự do ngôn luận. Vậy nên tạo điều kiện để tự do ngôn luận có thể được thực thi một cách hài hòa nhất.
“Cần thiết hơn là phải tìm ra một nền luân lý độc lập để phân định một việc làm, lời nói là “đúng quy tắc” hay không “đúng quy tắc”. Nền luân lý này phải đúng cho mọi người và mọi nơi. Nếu nền luân lý đó không độc lập thì một lời nói có thể đúng với quy tắc của bộ, ngành này nhưng lại sai với quy tắc của bộ, ngành kia,” ông Tôn Phi cho biết thêm.
Nhà hoạt động Trần Bang ở Hà Nội nêu nhận định với VOA:
“Thêm cái Quy tắc này nữa họ lại càng có cơ sở khiến cho những người hoạt động vì tự do ngôn luận bị chèn ép và khó phát biểu. Mỗi khi họ ra quy định nào cũng đều ảnh hưởng đến những người hoạt động trên mạng truyền thông.”
Trước đó, vào tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng sẽ ban hành Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội trong năm 2020, đồng thời yêu cầu công ty mạng định danh người dùng và nỗ lực hợp tác với Việt Nam nhằm “làm sạch” không gian mạng. Ông Hùng nói rằng trong thời gian qua Bộ đã xác định việc “làm sạch” không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm và “đã làm rất quyết liệt.” Không rõ lý do vì sao Bộ Quy tắc này bị hoãn lại cho đến nay.
Hôm 18/6, hãng tin Reuters nói rằng Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam không chấp nhận những lời chỉ trích, và kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông. Cũng theo Reuters, trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường đàn áp đối với các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến, một số người trong số họ đang phải chịu án tù dài hạn vì các bài viết đăng trên Facebook và YouTube.
Vào tháng 11/2021, Reuters đưa tin rằng chính quyền Việt Nam đe dọa đóng cửa nhà mạng Facebook nếu công ty mạng này không hợp tác để kiểm duyệt các bài viết có nội dung liên quan đến tình hình chính trị Việt Nam.