Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tương lai nào đang chờ đón Hong Kong?

Friday, June 18, 2021 4:54:00 PM // ,

BBC

  • Ngô Tuyết Lan
  • Nhà nghiên cứu Trung Quốc
Hong Kong

NGUỒN HÌNH ẢNH,NURPHOTO/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Hong Kong vẫn mua báo Apple Daily tại các quầy báo hôm 18/6/2021, một ngày sau khi tòa soạn của tờ báo ủng hộ dân chủ này bị cảnh sát khám xét và năm lãnh đạo báo bị chính quyền bắt giữ

Năm 2007-2009 tôi có cơ hội được sống và làm việc ở Hong Kong, trong ấn tượng của tôi, Hong Kong là mảnh đất duyên dáng, ngăn nắp sạch sẽ với hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng vô cùng thông minh tiện lợi.

Mặc dù nhiều người Hong Kong có định kiến về người Việt Nam do những di chứng của lịch sử để lại như vấn đề thuyền nhân, trại tị nạn, nhìn chung người Hong Kong rất thân thiện và lịch sự.

Đi đường nếu sơ ý va nhẹ vào một thanh niên Hong Kong, bạn sẽ không kịp có hội xin lỗi vì họ ngay lập tức nói "sorry" hay lời xin lỗi với bạn.

Cảnh sát Hong Kong bắt 5 người tại tờ báo ủng hộ dân chủ

Người Hong Kong rất có ý thức tuân thủ pháp luật và giữ vệ sinh nơi công cộng. Tôi chưa bao giờ chứng kiến người Hong Kong vứt rác nơi công cộng.

Năm 2008, khi tham dự Lễ tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6 tại công viên Victoria, tôi thật sự xúc động chứng kiến sau buổi lễ mọi người lặng lẽ ra về trong trật tự, cả công viên không một mảnh rác, thậm chí trước khi đứng lên tất cả ngồi xuống cạo sạch lệ nến tan chảy trên nền bê tông.

Trước năm 1997, bạn khó có cơ hội mua hàng giả ở Hong Kong. Người Hong Kong tự hào về "ngôi nhà chung hiện đại duyên dáng", tự hào về nền giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống pháp luật nghiêm minh không tham nhũng.

Hiểu được những đặc điểm trên sẽ giúp chúng ta lý giải vì sao người Hong Kong phản ứng cực đoan với người Trung Quốc Đại Lục, đặc biệt du khách du lịch từ Đại Lục sang với thói quen vứt rác khạc nhổ bừa bãi, nạn hàng giả tràn lan v.v…

Năm 2019, chính quyền Đặc khu Hong Kong đưa ra Dự luật dẫn độ, theo đó nghi phạm sẽ có khả năng bị dẫn độ sang Đại Lục xét xử, ngay lập tức gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hong Kong vì phản bội lại nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

Hàng triệu người dân Hong Kong đã xuống đường phản đối dự luật, ban đầu là diễu hành ôn hòa sau leo thang thành xung đột bạo lực nghiêm trọng giữa người biểu tình và cảnh sát.

Hong Kong

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANTHONY KWAN/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Báo Apple Daily vẫn ra 500.000 bản trong ngày 18/6/2021 ngay sau khi tòa soạn bị bố ráp

Điểm sáng của phong trào là sự tham gia của sinh viên người Hong Kong. Mặc dù, phía chính quyền Đặc khu đã nhượng bộ đình chỉ sau đó rút bỏ hoàn toàn Dự luật nhưng những người lãnh đạo của phong trào như tỷ phú truyền thông Jimmy Lai, Joshua Wong, Agnes Chow đều bị bắt giam và tuyên án tù.

Mới đây thôi, truyền thông quốc tế đưa tin Cảnh sát Hong Kong sáng ngày 17/06/2021 bắt giữ năm người có trách nhiệm của Apple Daily, tờ báo do nhà tỷ phú ủng hộ tự do và nhân quyền Jimmy Lai sáng lập, trong đó có tổng biên tập bị câu lưu và tòa soạn bị khám xét.

Đây được cho là chiến dịch bố ráp thứ hai trong vòng chưa đầy một năm được tiến hành nhắm vào tờ báo ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Mảnh đất bị lựa chọn

Vài năm sau chuyến đi đầu tiên, tôi đã có một dịp khác trở lại Hong Kong, tuy nhiên trước khi chia sẻ những suy nghĩ của mình về tương lai của Hong Kong qua những gì tôi thực tế cảm nhận được từ chuyến đi ấy, tôi muốn nhắc lại đôi điều về nơi này, một nơi mà theo tôi là một mảnh đất bị lựa chọn.

Như chúng ta biết, đặc khu hành chính Hong Kong ngày nay mà vốn bao gồm đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và khu Tân Giới, trước khi trở thành thuộc địa của Anh, dưới triều đại Mãn Thanh là một làng chài và vùng đất hoang sơ thuộc tỉnh Quảng Đông.

Từ khi được người Anh để mắt tới như một địa điểm quan trọng trên tuyến đường thương mại vận chuyển thuốc phiến vào Trung Quốc, Hong Kong từng bước trở thành thuộc địa của Anh.

Năm 1842, cái tên Hong Kong lần đầu tiên xuất hiện trong một bản thỏa thuận chính thức giữa chính phủ Anh và triều đình Mãn Thanh dưới tên gọi "Hiệp ước Nam Kinh" sau khi triều Thanh thua trận trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, chấp nhận nhượng đảo Hong Kong làm thuộc địa của Anh.

Hong Kong

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Một nhà hoạt động dân chủ, ông Sam Cheung chia tay vợ trước khi vào trình diện cảnh sát

Năm 1860, bán đảo Cửu Long đối diện đảo Hong Kong tiếp bước gia nhập mạng lưới thuộc địa của Anh. Sau gần 40 năm, khu Tân giới được triều đình Thanh cho Anh thuê 99 năm vào năm 1898.

Đây là mốc thời gian để chính quyền Trung Quốc đứng đầu là ông Đặng Tiểu Bình đàm phán với chính phủ Anh trao trả Hong Kong vào năm 1997. Trong gần một thế kỷ, Hong Kong dưới sự quản trị của người Anh và tố chất chăm chỉ thông minh của người người Hong Kong đã khiến đây trở thành trung tâm tài chính thương mại của thế giới.

Sau năm 1997, Hong Kong trở thành Đặc khu hành chính của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. và theo "Luật cơ bản", từ năm 1997 - 2047, trong vòng 50 năm người dân Hong Kong được hưởng chế độ đặc biệt "một quốc gia, hai chế độ", được hưởng quyền tự chủ cao độ và giữ nguyên chế độ tư bản.

Tuy nhiên, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm giữ quyền chi phối các hoạt động ngoại giao và quốc phòng của Hong Kong. Về nguyên tắc, Trưởng đặc khu do người dân Hong Kong bầu, nhưng các đời Trưởng Đặc khu từ năm 1997 đến nay đều là những nhân vật thân Bắc Kinh.

Tương lai nào chờ đón?

Có một thực tế đáng buồn mà theo tôi phải thừa nhận rằng cho đến thời điểm này, quyền quyết định sinh mệnh của Hong Kong đang nằm trong tay ông Tập Cận Bình và tập thể lãnh đạo ĐCSTQ.

Năm 2014, khi tôi có dịp trở lại thăm Hong Kong, tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất mà tôi đã từng lưu giữ nhiều tình cảm tốt đẹp.

Ấn tượng sâu sắc nhất là khi tôi tham quan thư viện công cộng và thư viện của các trường đại học, đập vào mắt tôi là những mảng màu đỏ chói của những bộ Tuyển tập Mao Trạch Đông in bìa cứng màu đỏ chễm chệ trên các kệ sách. Những vị giáo sư tôi gặp đa phần từ Đại Lục sang, khuôn viên trường đại học đi đâu cũng nghe thấy tiếng Phổ thông (Mandarin).

Hong Kong

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tỷ phú Jimmy Lai bị bắt giữ hồi tháng 8/2020 theo luật an ninh mới của chính quyền ban hành tại Hong Kong

Cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong năm 2019 là giọt nước tràn ly. Sau hơn hai thập kỷ chuyển giao quyền lực, chất lượng cuộc sống đi xuống, môi trường ô nhiễm, giá nhà tăng chóng mặt, cơ hội việc làm và thu nhập đi xuống, vị thế trung tâm tài chính thương mại quốc tế dần mất đi… những yếu tố từng là niềm kiêu hãnh của người Hong Kong lần lượt vẫy tay đi vào quá khứ.

Các cuộc biểu tình dẫn đến bạo động đập phá các công trình công cộng và trường học mặc dù còn gây nhiều nghi vấn về đối tượng tham gia cũng như động cơ, gây shock cộng đồng quốc tế, khiến những người từng yêu mến sự duyên dáng của mảnh đất này như tôi đau lòng xót xa, nhưng phong trào đã gây tiếng vang lớn và nhận được sự đồng tình của hầu hết các quốc gia và người dân trên thế giới.

Xét ở góc độ tích cực, người dân Hong Kong đang nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Anh và châu Âu.

Vấn đề Hong Kong luôn được đề cập trong các Hội nghị và văn kiện quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh G7 và Tuyên bố chung của Hội nghị vừa diễn ra tại Anh. Sức ép từ bên ngoài là ưu thế tuyệt đối và vô cùng quý giá đối với người dân Hong Kong.

Hong Kong

NGUỒN HÌNH ẢNH,NURPHOTO/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong năm 2019 với sự tham gia của đông đảo thành phần cư dân trong đó có giới trẻ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới

Một người bạn Hong Kong từng tâm sự với tôi, nhìn về Đại Lục người Hong Kong chúng tôi như những người họ hàng xa lâu ngày không gặp, chúng tôi không thể chia sẻ với họ hệ giá trị cũng như phong cách sống.

Năm 2007-2009 khi tôi làm việc ở Hong Kong, đồng nghiệp của tôi nhiều người không nói được tiếng Phổ thông, chưa từng đặt chân đến Đại Lục mặc dù cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ thường bay đi du lịch các quốc gia Đông Nam Á hoặc Mỹ, Úc, châu Âu.

Thật đáng tiếc đến thời điểm này người Hong Kong vẫn bỏ qua vai trò và giá trị sự ủng hộ của người dân Đại Lục. Giới trí thức, tầng lớp trung lưu ở Đại Lục không hiếm những tài năng xuất chúng không bị tẩy não bởi ĐCSTQ.

Tuy nhiên, trong mắt của số đông người dân Đại Lục, người Hong Kong luôn chối bỏ nguồn gốc, không muốn trở thành một phần của Trung Quốc. Đa phần người Trung Quốc Đại Lục, thậm chí sinh viên Đại Lục đang sinh sống và học tập ở Hong Kong đều không có cái nhìn thiện cảm đối với các cuộc biểu tình năm 2019.

Trong mắt họ, những người lãnh đạo phong trào và tham gia biểu tình là những kẻ phá hoại, phần tử ly khai.

Tôi thấy rằng người Hong Kong không có nhiều thứ để đàm phán với Bắc Kinh ngoài sự ủng hộ và sức ép từ quốc tế và cộng đồng người Hoa hải ngoại.

Hong Kong

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tương lai của Hong Kong phải do chính người dân Hong Kong quyết định, theo nhà nghiên cứu

Tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, những biến cách lịch sử lớn từng đưa lịch sử Trung Quốc rẽ dòng luôn phát sinh từ nội tại do chính người dân Trung Quốc tự phản tỉnh, phát động và tiến hành.

Xét từ đặc tính của các thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ, đặc biệt thái độ ngạo mạn bất hợp tác của ông Tập Cận Bình và tập thể lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch Covid, điều tra nguồn gốc của virus SARS-Cov2, hy vọng Bắc Kinh nhượng bộ trong vấn đề Hong Kong là điều không tưởng.

Tôi nghĩ rằng nếu những thành phần ưu tú của Hong Kong lựa chọn ra đi định cư nước ngoài, sau khi trải qua một tới hai thế hệ, Hong Kong sẽ bay màu trở thành phiên bản của Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Và dù kịch bản nào xảy ra, thì Hong Kong hòn ngọc viễn đông một thời, theo tôi đã trở thành quá khứ và tương lai chỉ có thể do chính người Hong Kong quyết định mà thôi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Ngô Tuyết Lan, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và Đông Phương học, cựu thành viên nghiên cứu Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Thành thị Hong Kong (City University Hong Kong), nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.