HLV Park Hang-seo chỉ đưa ra 1 sự điều chỉnh trong đội hình xuất phát gặp UAE với Quang Hải trở lại thay Công Phượng.

Ở chiều ngược lại, UAE tái đấu Việt Nam với một diện mạo hoàn toàn khác biệt so với trận thua 0-1 tại Mỹ Đình tháng 11.2019 cả về khía cạnh nhân sự lẫn lối chơi.

Lựa chọn an toàn

Công Phượng phải trở lại băng ghế dự bị chứ không phải Hoàng Đức - người thay thế trực tiếp Quang Hải trong trận gặp Indonesia - là lựa chọn thể hiện rõ ý đồ hướng tới một thế trận an toàn, chắc chắn của ban huấn luyện.

Thực tế trên sân đã chứng minh điều đó khi Việt Nam nhập cuộc với hệ thống 5 - 4 - 1 cùng khối đội hình lùi sâu, chủ động thiết lập thế trận phòng ngự phản công sở trường dưới thời HLV Park Hang-seo.

4 tiền vệ của Việt Nam được ông thầy người Hàn Quốc chỉ đạo chơi gần nhau nhằm bù lấp hạn chế về sức mạnh và khả năng tranh chấp của Xuân Trường cùng các đồng đội.

Sự thật là những toan tính của ban huấn luyện Việt Nam đã phần nào phát huy hiệu quả trong 30 phút đầu trận khi Việt Nam vô hiệu hóa tương đối tốt các đường lên bóng của đối thủ.

Sự kỷ luật, chắc chắn và khả năng bọc lót hiệu quả của hàng phòng ngự giúp Việt Nam trải qua 1/3 đầu tiên của trận đấu không quá lép vế về mặt thế trận so với đối thủ.

Sức mạnh và bản lĩnh của UAE

UAE cho thấy lý do tại sao họ được đánh giá cực kỳ cao trong loạt trận tập trung này dù Việt Nam mới là đội luôn nắm giữ vị trí nhất bảng xuyên suốt chiến dịch.

Một hệ thống luôn có xu hướng kéo giãn tối đa cả về chiều ngang lẫn chiều sâu sân của UAE khiến hệ thống phòng ngự Việt Nam thường xuyên bị đặt trong trạng thái báo động.

Phòng ngự phản công là đặc sản của Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo nhưng trước UAE ở một đẳng cấp khác biệt, chúng ta đã bị áp đảo hoàn toàn.

Những con số thống kê ở hiệp 1 đã chứng minh điều đó: ở khía cạnh tấn công, UAE kiểm soát bóng tới gần 80%, khiến hàng phòng ngự đối thủ khốn khổ với những tình huống dồn bóng sang cánh trái nhằm thu hút quân số của Việt Nam, sau đó luân chuyển quả bóng sang hướng ngược lại khi khoảng trống đã lộ ra; ở khía cạnh phòng ngự, UAE đạt hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn nguy cơ dính phản công từ Việt Nam với một hệ thống pressing cực rát và đồng bộ.

UAE không chỉ mạnh mà còn rất quái, cái quái ấy thể hiện ở bàn mở tỷ số, một pha tấn công được triển khai chớp nhoáng ngay sau khoảng nghỉ cho cầu thủ hai đội tiếp nước khi hàng phòng ngự Việt Nam chưa kịp trở lại nhịp thi đấu tốt nhất.

Đẳng cấp của UAE được thể hiện rõ ràng sau đó khi họ nhanh chóng kết liễu trận đấu với thêm 2 bàn thắng đến ở những thời điểm cũng nhạy cảm không kém bàn mở tỷ số: bàn nâng tỷ số lên 2-0 ở cuối hiệp 1 và bàn nâng tỷ số lên 3-0 ở đầu hiệp 2..

Tinh thần thi đấu

Tinh thần thi đấu vẫn luôn là vũ khí lợi hại của Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo và nó tiếp tục được thể hiện ở cuộc đối đầu UAE.

Bất chấp việc liên tục để đối thủ chọc thủng lưới, các cầu thủ Việt Nam vẫn giữ vững tinh thần và nỗ lực chiến đấu đến phút cuối cùng.

Thành quả cho những nỗ lực ấy là lần lượt các bàn thắng của Tiến Linh và Minh Vương cuối trận xuất phát từ các pha phối hợp đẹp cho thấy sự bình tĩnh, lạnh lùng và dứt khoát của các cầu thủ bất chấp đang bị đối thủ dẫn trước và gần như nắm chắc phần thua.

Thua vẫn đi tiếp

Trận thắng của Australia trước Jordan đã giúp Việt Nam dù thua và đánh mất ngôi nhất bảng G vào tay UAE nhưng vẫn giành vé đi tiếp vào vòng loại thứ 3 với tư cách là 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Đây là một thành quả xứng đáng cho thầy trò HLV Park Hang-seo, những người đã duy trì thành tích bất bại cho tới lượt trận cuối cùng ở một bảng đấu được đánh giá là khó lường nhất vòng loại thứ 2.

Việt Nam đã hòa Thái Lan ở cả 2 lượt trận, giành 12 điểm tối đa trước Malaysia và Indonesia cũng như có chiến thắng quý giá trước UAE tại Mỹ Đình ở lượt đi.

Hàng phòng ngự, sự kỷ luật và tinh thần thi đấu như thường lệ vẫn là nền tảng cho thành công của chiến dịch vừa qua.

Việt Nam cần cải thiện nhiều

Bước vào vòng loại thứ 3, đối thủ của Việt Nam sẽ không còn là những Malaysia, Indonesia, thậm chí UAE vốn áp đảo Việt Nam trận vừa qua cũng không là gì so với những gã khổng lồ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Australia.

Rõ ràng, để làm được một điều gì đó như kiểu vượt qua thành tích của Thái Lan ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018, HLV Park Hang-seo còn rất nhiều việc phải làm với đội tuyển.

Hàng tiền vệ là vấn đề lớn nhất qua màn thể hiện của Việt Nam 3 trận vừa qua: mất Hùng Dũng bị gãy chân, Tuấn Anh cũng sớm rời cuộc chơi sau chấn thương gặp phải ở hiệp 1 trận gặp Indonesia, hàng tiền vệ Việt Nam tỏ ra yếu ớt trước các đối thủ và là điểm yếu chí tử để những Malaysia hay UAE khai thác.

Nói không quá, nếu không có sự xuất sắc của hàng phòng ngự và sự tỏa sáng đúng lúc của hàng công, Việt Nam có thể phải trả giá đắt cho điểm yếu nơi hàng tiền vệ.

Vòng loại thứ 3 sẽ diễn ra từ tháng 9, khi đó Hùng Dũng đương nhiên vẫn chưa trở lại, Tuấn Anh cũng chẳng ai dám chắc sẽ sẵn sàng với sự mẫn cảm với chấn thương của mình.

HLV Park Hang-seo sẽ phải tìm cách giải quyết bài toán hóc búa ấy trong 2 - 3 tháng tới.

Chiến lược gia người Hàn Quốc có lẽ sẽ tiếp tục kiên định với lối chơi phòng ngự phản công của mình ở vòng loại thứ 3, nhất là khi đối thủ của chúng ta đều mạnh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trước những Nhật Bản hay Hàn Quốc, Việt Nam sẽ không thể chỉ phòng ngự với đơn thuần 5 hậu vệ mà đó phải là câu chuyện của cả hàng tiền vệ hay thậm chí cả 11 con người trên sân.