NATO vạch "lằn ranh đỏ" với Nga và siết chặt hàng ngũ chống Trung Quốc
RFI
Đăng ngày:
Lo ngại về thách thức do Nga và Trung Quốc đặt ra, tại thượng đỉnh hôm qua 14/06/2021 ở Bruxelles, Bỉ, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO đã nêu ra các giới hạn mà Nga không nên vượt qua, và siết chặt hàng ngũ, lập mặt trận chung để đối phó với Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu : « Nga và Trung Quốc tìm cách chia rẽ chúng ta, nhưng liên minh của chúng ta vững chắc. NATO đoàn kết và nước Mỹ đang trở lại ». AFP cho biết văn bản tuyên bố chung của NATO dài 45 trang, gồm 79 điểm, nhấn mạnh vào những mối lo ngại của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương : Nga, Trung Quốc, các mối đe dọa mới trong không gian và cả trên không gian mạng internet, nạn khủng bố cũng như sự vươn lên của các chế độ toàn trị.
Theo ghi nhận của thông tín viên Pierre Benazet, tại Bruxelles, các thành viên NATO đều rất hài lòng với « sự trở lại hàng ngũ » của một vị nguyên thủ Mỹ mà NATO có thể tin cậy và cũng chính vì thế các thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương muốn làm ông tổng thống Mỹ Biden hài lòng, nhất là liên quan đến Trung Quốc :
« Nước Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại. Khẩu hiệu của tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện chính xác điều mà 29 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên còn lại của NATO muốn nghe. Các nhà lãnh đạo này đã tập trung vào việc đưa ra các cam kết với tổng thống Mỹ, và trong tuyên bố chung, các nước đã đưa thêm Trung Quốc và Nga vào danh sách đối thủ của NATO. Bất chấp những tác động kinh tế đối với Pháp và đặc biệt là đối với Đức, nước đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc, các quốc gia đồng minh đã lựa chọn, đánh giá thái độ và chính sách quốc tế của Trung Quốc là "những thách thức mang tính hệ thống" đối với NATO.
Ngay cả khi địa bàn hoạt động của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương trải từ Bosnia đến tận Afghanistan, quốc gia có biên giới với Trung Quốc, thì theo tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, điều đó không có nghĩa là NATO mở rộng địa bàn hoạt động. Bằng cách này, tổng thư ký Jens Stoltenberg đã đáp lại thái độ hoài nghi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đối với tổng thư ký NATO, Trung Quốc đe dọa các lợi ích của các thành viên NATO ngay trên lãnh thổ của các nước này, chẳng hạn về kinh tế hoặc thông qua các cuộc tấn công mạng. Và chính trên lãnh thổ tiêng của từng nước, 30 quốc gia thành viên NATO phải đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những hướng chính của thượng đỉnh lần này. Hội nghị đã tái khởi động một khái niệm chiến lược mới để đối phó với những thách thức trong tương lai, như vấn đề khí hậu, không gian, không gian mạng … có rất nhiều ưu tiên cho hội nghị thượng đỉnh tái ngộ xuyên Đại Tây Dương lần này »
0 comments