Lo ngại Covid 'lây lan vào trong Bệnh viện 108', nơi điều trị lãnh đạo VN
BBC
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi điều trị y tế cho các lãnh đạo cấp cao Việt Nam vừa thông báo tạm không nhận bệnh nhân chuyển tuyến để tránh Covid 'lây lan vào trong'.
Các báo Việt Nam hôm 09/05 cho hay Bệnh viện TWQĐ 108, nơi điều trị y tế cho các lãnh đạo cấp cao "xác định mục tiêu, vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn, tránh dịch lây lan vào trong bệnh viện".
Việt Nam nên đổi cách 'dập dịch Covid' để cứu nhiều thứ khác?
Hôm 08/05, Bệnh viện này, tại Hà Nội, ra thông báo "ngừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến từ các bệnh viện khu vực Hà Nội và các tỉnh" kể từ ngày có thông báo.
Hà Nội đang ghi nhận số ca Covid-19 nhiều nhất trong 23 tỉnh thành trong đợt dịch này ở Việt Nam.
Lãnh đạo Bệnh viện 108 cho biết ngừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến là để phòng lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện do tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp, theo trang VnExpress.
Tuy thế, các báo Việt Nam không cho biết về nguy cơ có ca lây nhiễm Covid bên trong bệnh viện này là như thế nào, tới đâu, và có phải tất cả các nhân viên đã được tiêm chủng hay là chưa.
Việc đón nhận bệnh nhân nhập viện là một khâu rất quan trọng để kiểm soát nguy cơ có ca dương tính ngay bên trong Bệnh viện 108.
Niềm tự hào của Quân y Việt Nam
Trang web của Bệnh viện 108 cho hay đây là bệnh viện có truyền thống 70 năm (thành lập năm 1951 ở Thái Nguyên) chuyên điều trị cho lực lượng vũ trang của chính quyền VNDCCH trong chiến tranh.
Trước là Bệnh viện Quân y 108, nay cơ sở y tế "hàng đầu Việt Nam" có tên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Từ sau 1975, bệnh viện có nhiệm vụ "đặc biệt chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khỏe, khám và điều trị cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội Việt Nam", theo trang web.
Bên cạnh đó, theo chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam thì bệnh nhân từ các tỉnh khi được chuyển tuyến lên các bệnh viện trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, 108 thì vẫn được nhận về đây bình thường.
Quân nhân, cựu chiến binh QĐNDVN cũng là nhóm đối tượng được điều trị tại đây.
Trang web của Bệnh viện 108 cho hay "nhiều lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện hội nhập được với khu vực và ở vị trí hàng đầu của quân đội, quốc gia".
Bệnh viện hướng tới cung cấp dịch vụ y tế đạt chất lượng quốc tế trong các lĩnh vực chuyên môn, đối ngoại, nghiên cứu y khoa.
Tháng 4 vừa qua, Bệnh viện TWQĐ 108 được trao nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Đến dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; và một loạt các ủy viên Bộ Chính trị đương chức và cựu ủy viên Bộ Chính trị, các tướng lĩnh quân đội, theo báo Nhân Dân hôm 19/04.
Liên quan đến Covid
Cũng hôm 09/05, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn với sáu tỉnh biên giới Tây Nam về phòng chống dịch.
"Trong một tuần qua, tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp", theo moh.gov.vn.
Lý do là Campuchia đã dỡ phong toả, nên chính quyền Việt Nam dự báo trong những ngày tới "lượng người nhập cảnh cả hợp pháp, cả trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng…, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn".
Tình hình tiêm chủng của Việt Nam được cho là chậm và thấp hơn cả Campuchia (xem thêm bảng cuối bài của BBC News), trong khi các nguồn vaccine theo chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam tham gia đang thiếu hàng trầm trọng.
Cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế thông báo cho đến cuối ngày 8/5, đã có hơn 830 ngàn người được chủng ngừa:
"Tính đến 16 giờ ngày 08/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 832.635 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội."
Tính đến đầu tháng 5/2021, mới chỉ có 49 triệu liều vaccine thuộc chương trình COVAX được tiêm trên thế giới, đa số ở các nước thu nhập thấp hơn Âu Mỹ, chứ không phải hàng trăm triệu liều như mong muốn.
Cùng thời gian, các báo quốc tế và Việt Nam đăng tin Lào có ca tử vong chính thức đầu tiên vì Covid-19 và lại là một phụ nữ Việt Nam.
Theo CNN, người phụ nữ 53 tuổi làm việc tại một quán karaoke ở thủ đô Vientiane.
Báo Lao Động của Việt Nam trích nguồn Đại Sứ quán VN thì nói người này sang Lào đầu năm 2020.
Đến sáng 9/5, thủ đô Hà Nội ghi nhận 100 ca Covid, tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 61 ca, Bệnh viện K 11 ca.
Cũng sáng 9/5, Bộ Y tế thông báo có thêm 15 ca bệnh mới trên toàn quốc, nâng tổng số người bị bệnh kể từ đầu dịch lên 3.245 người, trong đó 1.826 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tính từ ngày 27/4, đã có 24 tỉnh thành có ca nhiễm trong cộng đồng.
0 comments