Ðiểm Báo Pháp – 11/5/21
Covid-19 tại Ấn Độ và “vẻ ngoài dối lừa” của Trung Quốc
11/05/2021 – Khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ có mang lại cho Bắc Kinh « niềm vui » hay không, bởi Ấn Độ vừa là láng giềng lớn, vừa là đối thủ của Trung Quốc ? Trong bài viết « Đối phó với Covid-19, Bắc Kinh tỏ lòng ủng hộ New Delhi, nhưng sự cảnh giác vẫn còn đó », Le Monde nhấn mạnh mặc dù ngày càng có nhiều cử chỉ « tương thân tương ái », nhưng Bắc Kinh cũng không ngần ngại tận dụng cuộc khủng hoảng để quảng bá cho mô hình phát triển Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện chia buồn tới thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 30/04, cho biết sẵn sàng tăng cường hợp tác với Ấn Độ và hỗ trợ New Delhi. Theo hải quan Trung Quốc, vào cuối tháng 4, Bắc Kinh đã giao hơn 5.000 máy trợ thở, hơn 21.500 máy tạo ô-xy, hơn 21 triệu khẩu trang và gần 4 tấn thuốc cho Ấn Độ. Hôm 09/05, tàu chở hàng đầu tiên của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã đến Ấn Độ. Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi đã kể rất nhiều chuyện về tình đoàn kết với Ấn Độ, mà ông gọi là « láng giềng và đối tác » của Trung Quốc.
Nhưng thông tín viên Le Monde nhận định đó chỉ là « vẻ bề ngoài lừa dối », không có gì cho thấy cuộc khủng hoảng này có thể giúp xây dựng mối quan hệ bền vững giữa hai đối thủ. Vào ngày 30/04, ngoại trưởng Ấn Độ đã phàn nàn với đồng nhiệm Trung Quốc rằng các công ty Ấn Độ đặt hàng Trung Quốc đang gặp vấn đề về hậu cần. Trên thực tế, lấy lý lo dịch tễ, các công ty vận tải hàng hóa của Trung Quốc đã ngừng chuyển hàng sang Ấn Độ từ tháng Tư.
Covid-19 cũng không ngăn cản New Delhi công bố, vào hôm 04/05, danh sách các công ty viễn thông nước ngoài được phép thử nghiệm 5G ở Ấn Độ, bao gồm một số nhà cung cấp nước ngoài (Vodafone, Ericsson, Nokia, Samsung), nhưng lại không có công ty nào của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh trong cùng ngày lưu ý bộ Quốc Phòng Ấn Độ thông báo vị tướng Naravane, tướng lĩnh cấp cao nhất của nước này, đã đi thị sát dãy Himalaya. Thông điệp New Delhi gửi tới Bắc Kinh rất rõ ràng: Dịch bệnh không gây hại tới khả năng phòng thủ của Ấn Độ.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng coi việc công bố vào ngày 07/05 mối quan hệ đối tác kinh tế tăng cường giữa Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu là một sáng kiến của New Delhi để chống Trung Quốc. Ngay tại Trung Quốc, hôm 01/05, một tài khoản chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc trên mạng Weibo (Twitter của Trung Quốc) đăng tải hai bức ảnh: một về vụ phóng tên lửa Trung Quốc vào không gian ngày 29/04, một về vụ hỏa táng thi thể ở Ấn Độ và đều dùng chữ « phóng lửa». Bị chính nhiều cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích, bài đăng nói trên đã bị gỡ bỏ sau vài giờ.
Quyết định hồi tháng Tư của New Delhi về việc ngừng xuất khẩu vac-xin sản xuất trong nước cũng là cơ hội cho Bắc Kinh bởi Ấn Độ là nhà xuất khẩu vac-xin lớn thứ ba thế giới, sau Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với các đồng nhiệm Đông Nam Á hồi cuối tháng Tư là Trung Quốc có thể tiếp quản việc xuất khẩu vac-xin mà Ấn Độ đã tạm ngưng. Trong bối cảnh đó, mặc dù có tranh chấp với Bắc Kinh, Indonesia và Philippines đành hướng sang vac-xin Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã xuất khẩu 240 triệu liều vac-xin và cam kết sẽ cung cấp thêm 500 triệu liều.
Sự hy sinh của giới trẻ Miến Điện
Vẫn về châu Á, La Croix quan tâm đến « Sự hy sinh của giới trẻ Miến Điện ». 100 ngày đã trôi qua kể từ vụ quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, giới trẻ Miến Điện, bất kể giới tính, sắc tộc, ngành nghề, hiện giờ đang can đảm và đầy quyết tâm trên tuyến đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ, chống chế độ quân sự độc tài, bất chấp đã có gần 800 người biểu tình bị quân đội sát hại và hơn 3.000 vụ bắt giữ.
Giới trẻ Miến Điện, vốn dĩ được hưởng hạnh phúc nhờ có tự do, dân chủ từ chục năm nay, nay thấy không thể chấp nhận sống mà thiếu công lý, bị quân đội kiểm soát, trấn áp. Là giới trẻ được toàn cầu hóa, sống vô tư, tràn đầy năng lượng, kết nối với nhau và với thế giới bên ngoài qua các mạng xã hội, điện thoại di động… thanh niên Miến Điện có chiến lược đấu tranh lấy cảm hứng từ phong trào dân chủ Thái Lan, Hồng Kông.
Từng ngây thơ nghĩ rằng châu Âu, Mỹ và Liên Hiệp Quốc sẽ điều quân đến lật đổ tập đoàn quân sự Miến Điện, nay giới trẻ nước này đã hiểu ra rằng họ phải phản kháng dù có phải hy sinh, dù tay không họ cũng phải chống quân đội, những người đã cướp đi tương lai của họ, đẩy họ vào cảnh « không còn gì để mất ».
Covid-19: Bi kịch trên «nóc nhà thế giới» – Nepal
Báo công giáo La Croix cũng quan tâm tình hình dịch Covid-19 tại quốc gia vốn được gọi là « nóc nhà thế giới » : Đất nước Nepal với 28 triệu dân, hệ thống y tế yếu kém, hôm 08/05/2021 ghi nhận tỉ lệ xét nghiệm dương tính lên tới gần 50%. Tương tự như nước láng giềng Ấn Độ, Nepal thiếu giường bệnh và ô-xy cho bệnh nhân Covid-19. Thủ tướng Nepal hồi tuần trước đã phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Nepal cũng bị chỉ trích là phản ứng quá chậm trước làn sóng dịch Covid-19 : cuối tháng Tư mới phong tỏa đất nước, từ ngày 05/05 mới đình chỉ nhiều tuyến hàng không, trong khi hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người Nepal làm việc tại Ấn Độ, ổ dịch thế giới trong những ngày qua, và thường qua lại biên giới mở dài tới 1850 km.
Bi kịch của Nepal phần nhiều bắt nguồn từ việc đất nước nghèo khó này phụ thuộc nhiều vào láng giềng Ấn Độ, mà Ấn Độ thì cũng lâm khủng hoảng nghiêm trọng, không thể giúp được nhiều cho quốc gia nhỏ bé kề bên. Một bác sĩ ở bệnh viện Bir, Nepal, dự báo với đặc phái viên La Croix tại Katmandou là tình hình chắc chắn còn xấu đi. Tuy nhiên, La Croix nhận định đất nước nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa hai quốc gia khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn có thể hưởng lợi từ cuộc chiến ảnh hưởng của hai láng giềng khổng lồ.
«Covid lâu dài» – gánh nặng cho sức khỏe con người
Cũng liên quan đến virus corona, trong mục khoa học, báo Le Figaro nói về hiện tượng « Covid lâu dài ». Theo một nghiên cứu trên 1137 bệnh nhân và mới được công bố hôm qua, 6 tháng sau khi nhiễm virus, 60% người nhiễm Covid-19 phải điều trị trong bệnh viện vẫn còn ít nhất một triệu chứng. 25% vẫn còn 3 triệu chứng, chủ yếu là mệt mỏi, khó thở, đau cơ và khớp ; 1/3 số bệnh nhân có việc làm trước khi nhiễm Covid-19 không đủ sức khỏe làm việc trở lại.
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ bị nhiễm Covid-19 nặng ngay từ đầu thường có nhiều nguy cơ bị « Covid lâu dài ». Le Figaro kết luận virus corona tác động lâu dài đến nhiều cơ quan và hệ chức năng như hô hấp, thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, chuyển hóa, tâm lý… của người bệnh và sẽ là gánh nặng lâu dài đối với sức khỏe người dân trên toàn thế giới.
Pháp: Con đường tìm lại khả năng cạnh tranh
Liên quan đến nước Pháp, Le Monde quan tâm đến giải pháp tìm lại khả năng cạnh tranh cho nền sản xuất Pháp, bởi trong năm 2020, thị phần của Pháp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu chiếm 13,5% tổng doanh số bán hàng, so với tỉ lệ 18% vào năm 2000. Trong bài viết « Đi tìm tính cạnh tranh đã mất », nhà báo Béatrice Madeline nhận định đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về xu hướng phi công nghiệp hóa, chuyển dịch sản xuất công nghiệp từ Pháp ra nước ngoài, điển hình nhất là sự biến mất của các nhà máy sản xuất xe hơi và « sự bốc hơi » của hàng trăm ngàn việc làm.
Trong năm 2020, chỉ tính riêng trên thị trường châu Âu, thị phần của các sản phẩm Pháp đã giảm một điểm. Theo Viện COE-Rexecode, cơ quan công bố những số liệu nói trên vào tháng 03/2021, tất nhiên đó là do sự sụt giảm giao thương quốc tế do tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đến một số lĩnh vực xuất khẩu truyền thống, chẳng hạn như công nghiệp hàng không. Nhưng lý do không chỉ có vậy, bởi sự sụt giảm thị phần xuất khẩu xảy ra với mọi loại sản phẩm Pháp, một điều không xảy ra ở các nước láng giềng.
Tất nhiên, Pháp sẽ phải tiếp tục nỗ lực giảm thuế. Thuế sản xuất, đóng góp 3,2% cho GDP, đã giảm xuống 2,8%, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 1,6% ở khu vực đồng euro, trong khi tỉ lệ này ở Đức chỉ là 0,4%. Tuy nhiên, ông Xavier Ragot, chủ tịch Đài quan sát kinh tế Pháp (OFCE), nhắc lại để cải thiện khả năng cạnh tranh, cần cải thiện toàn bộ môi trường kinh doanh : đào tạo, tính hấp dẫn của lãnh thổ, sự ổn định về hành chính, chính sách công nghiệp … chứ không chỉ cần tập trung vào giảm thuế sản xuất.
Còn Patrick Artus, kinh tế gia trưởng tại ngân hàng Natixis, lưu ý điều đầu tiên cần làm là cải thiện năng lực của người lao động, bởi Pháp đang thiếu rất nhiều nhân lực tay nghề cao và kỹ sư, các chủ doanh nghiệp Pháp gặp khó khăn trong tuyển dụng. Chất lượng đào tạo đặc biệt cần phải được coi là trọng tâm bởi có ảnh hưởng trực tiếp tới một lĩnh vực khác : phát minh, nghiên cứu và phát triển, cũng như bằng sáng chế, những chìa khóa mang lại khả năng cạnh tranh ngoại hạng. Về vấn đề này, Pháp sẽ còn phải thay đổi mạnh. Chủ tịch Đài quan sát kinh tế Pháp (OFCE) nêu ví dụ một số công ty điện tử Hàn Quốc, đã chi gần 100 tỉ euro cho nghiên cứu trong 10 năm, nhiều tương đương với ngân sách kế hoạch tái thiết của Pháp.
Tập đoàn Pháp – nhà vô địch châu Âu về dịch chuyển sản xuất ra ngoài lãnh thổ
Quy mô doanh nghiệp cũng là một điều đáng lưu ý. Le Monde trích dẫn chuyên gia Denis Payre, theo đó bên cạnh những công ty lớn, rất mạnh, những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp lại khá yếu và Pháp thiếu nhiều doanh nghiệp quy mô tầm trung. Số lượng các công ty công nghiệp quy mô tầm trung của Pháp đã giảm 40% từ năm 2000 đến năm 2016, trong khi con số này ở Đức đã tăng 2%. Hiện giờ, tại Pháp chỉ có khoảng 200 công ty công nghiệp có trên 5.000 nhân viên.
Việc các công ty của Pháp là « nhà vô địch châu Âu » về dịch chuyển sản xuất ra ngoài lãnh thổ, thực hiện phần lớn hoạt động và đạt lợi nhuận bên ngoài nước Pháp, đã góp phần tăng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước và xuất khẩu. Những điều đó phần lớn có thể giải thích cho thâm hụt thương mại của Pháp. Hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ năng lực cạnh tranh thấp của Pháp, và càng làm tăng sự yếu kém đó, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Kinh tế gia của France Stratégie, Vincent Aussilloux giải thích cứ có 100 lao động trong nước thì các tập đoàn công nghiệp của Pháp sử dụng tới 62 lao động ở nước ngoài, con số này ở Đức chỉ là 38.
Mạng lưới sản xuất rất cần các công ty có quy mô bậc trung (ETI) đủ mạnh để tạo hiệu ứng lan tỏa trong các vùng lãnh thổ, tạo nền kinh tế theo quy mô cần thiết để giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng khả năng cạnh tranh. Philippe Martin, chủ tịch Hội đồng Phân tích Kinh tế, cho biết : « Phát triển các công ty quy mô bậc trung sẽ là một chiến lược hiệu quả, bởi vì các công ty này có khả năng sáng chế cao hơn các tập đoàn lớn, còn các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng sáng chế lại thường bị các công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp nước ngoài mua lại ». Ông Pierre-André Buigues, giáo sư của trường Toulouse Business School, lưu ý kể từ năm 2017, đã có khoảng 500 công ty khởi nghiệp của Pháp thuộc chương trình French Tech đã bị các công ty khổng lồ của Silicon Valley, Hoa Kỳ, mua lại.
Tuy nhiên, theo Le Monde, Pháp vẫn giữ được khả năng cạnh tranh trong một số lĩnh vực đặc biệt như chế tạo máy bay, công nghiệp hàng cao cấp. Pháp có nhiều thế mạnh về dược phẩm, công nghệ sinh học, hóa học xanh (hóa học bền vững)… Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cũng đầy hứa hẹn, với việc chính quyền mong muốn phát triển các ngành chế tạo pin điện, điện hydrogène.
Le Monde lạc quan cho rằng nươc Pháp cũng có thể có một vị trí trên thị trường thế giới về phát triển các công nghệ mới như máy tính lượng tử, trí thông minh nhân tạo, an ninh mạng và công nghiệp kết nối, với điều kiện đáp ứng được các điều kiện đã nêu về trình độ, chất lượng nhân công, sự hấp dẫn về lãnh thổ… Nói cách khác, nước Pháp cần có « một Nhà nước có chiến lược » và cần tận dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để khẩn trương tái xây dựng một chính sách công nghiệp hiện đại.
Chuyển đổi năng lượng: Cơ quan năng lượng quốc tế khuyến cáo các nước dự trữ kim loại
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos cho biết Cơ quan Năng lượng Quốc tế lưu ý xu hướng chuyển đổi sang kinh tế không carbon sẽ đi kèm với sự bùng nổ nhu cầu về kim loại. Sự tập trung kim loại tại một vài quốc gia làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung hoặc gây biến động giá cả.
Theo báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc sản xuất tuabin phong điện, tấm pin năng lượng mặt trời hoặc pin điện xe hơi cần rất nhiều kim loại. Nhu cầu lithium từ nay tới năm 2040 sẽ tăng 42 lần, graphite (25), cobalt (21) và nickel (19).Theo ước tính, nhu cầu khoáng sản của ngành năng lượng toàn cầu có thể tăng gấp 4 lần nếu thế giới tuân thủ các cam kết của Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Rủi ro càng nhiều bởi những nguyên vật liệu nói trên chỉ tập trung ở một số ít quốc gia. Ba quốc gia khai thác 50% lượng đồng của thế giới là Chilê, Peru và Trung Quốc. 60% cobalt đến từ Congo. Còn Trung Quốc khai thác 60% đất hiếm trên thế giới và kiểm soát hơn 80% quá trình tinh lọc.
Thùy Dương
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210511-diem-bao-phap-20210511
0 comments