G7 tìm một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc
RFI
Đăng ngày:
Trung Quốc là hồ sơ lớn tiếp theo, sau chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, được ngoại trưởng các nước nhóm G7 họp bàn ngày 04/05/2021 tại Luân Đôn. Trước một Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhóm G7 đã thảo luận về khả năng hình thành một mặt trận chung để đối phó.
Trước đó, trả lời báo giới ngày 03/05, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại nhóm G7 “không cố cản trở Trung Quốc”, nhưng muốn Bắc Kinh “tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà các nước (thuộc nhóm G7) đã đầu tư rất nhiều trong những thập niên gần đây, không chỉ vì lợi ích cho công dân nước họ, mà cho mọi dân tộc trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Quốc”.
Theo AFP, Hoa Kỳ cam kết “hợp tác chặt chẽ” với Anh Quốc, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7, để gây sức ép với Trung Quốc về những hồ sơ trấn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và đàn áp người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chính sách này đã bị Washington xếp vào tội “diệt chủng”.
Trung Quốc hiện là một tác nhân kinh tế không thể thiếu, nhưng mong muốn khẳng định là một cường quốc quân sự và gây ảnh hưởng khắp thế giới khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Ngoại trưởng Anh khẳng định trong buổi họp báo ngày 03/05 rằng “cánh cửa luôn rộng mở” cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, để làm việc một cách “xây dựng” với nước này, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. “Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào thái độ và hành động” của Trung Quốc.
Cho đến thứ Tư 05/05, ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 (Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Nhật Bản và Anh) tiếp tục họp để tìm ra những câu trả lời chung trước những mối đe dọa toàn cầu.
0 comments