Bản tin ngày 5-5-2021
BTV Tiếng Dân
Vụ án Nhật Cường
Ngày đầu tiên xét xử đại án Nhật Cường: Anh trai hầu tòa, em trai bỏ trốn bị truy nã, VTC đưa tin. Hôm nay, TAND TP Hà Nội bắt đầu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo liên quan vụ án “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Bị cáo chính là cựu Tổng GĐ Bùi Quang Huy đã bỏ trốn trước khi “sân sau” của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khám xét. Công an đã phát lệnh truy nã nhưng đến nay vẫn chưa bắt được ông Huy. Anh trai ông Huy là Bùi Quốc Việt đã bị bắt và có tên trong danh sách 14 bị cáo hầu tòa hôm nay.
VTC có clip về ngày đầu tiên xét xử đại án Nhật Cường: Công an áp giải các bị cáo đến tòa.
Báo Lao Động Thủ Đô đưa tin về phiên tòa xét xử vụ án tại Công ty Nhật Cường: Đình chỉ xét xử một bị cáo do đã tử vong. Đó là bị cáo Mai Tiến Dũng, Trưởng ngành hàng điện thoại cũ của Công ty Nhật Cường, bị buộc tội “Buôn lậu”. Bị cáo Dũng qua đời ngày 23/4/2021 tại Bệnh viện E Hà Nội, với lý do “mắc bệnh hiểm nghèo”, chỉ 12 ngày trước khi diễn ra phiên tòa. TAND TP Hà Nội công bố quyết định đình chỉ vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Dũng.
Diễn biến trong ngày đầu xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, theo Thông Tấn Xã VN. Trả lời thẩm vấn của HĐXX, hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng của VKSND tối cao. Nhưng các bị cáo cho rằng, họ chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, nên họ mong được lượng hình.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh, cựu Phó Tổng GĐ Công ty Nhật Cường thừa nhận, có tham gia các nhóm “chat” trên mạng xã hội để trao đổi, liên hệ với các nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài, trao đổi loại hàng, giá cả, số lượng. Từ năm 2017, theo lệnh của Bùi Quang Huy, bị cáo Ánh đã tham gia trực tiếp đàm phán với 12 nhà cung cấp, trong tổng số 16 nhà cung cấp hàng hóa cho Công ty Nhật Cường.
VietNamNet có bài: ‘Cánh tay phải’ của ông chủ Nhật Cường khai những phi vụ chuyển nghìn tỷ. Bị cáo Trần Ngọc Ánh khai nhận, anh ta được ông chủ Nhật Cường giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra, tiêu thụ hàng tại doanh nghiệp này. Nguồn hàng thiết bị điện tử của Nhật Cường đến từ Hồng Kông, Singapore, không có hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ.
Bị cáo Ánh kể, chính anh ta đã trực tiếp cùng các đồng phạm khác tại Công ty Nhật Cường giao dịch mua bán với các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển do Bùi Quang Huy tạo lập trên phần mềm Wechat, WhatsApp, để thống nhất về giá cả, số lượng, loại hàng hóa, cũng như thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa.
Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Nhật Cường đưa 255 nghìn thiết bị điện tử lậu về Việt Nam như thế nào? Bị cáo Ánh kể, sau khi mua hàng, các bị cáo không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch, mà thuê một số đường dây vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hồng Kông, tổ chức vận chuyển trái phép về VN. Với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan, hàng chục ngàn chiếc điện thoại đã được đường dây buôn lậu của Nhật Cường vận chuyển trót lọt qua sân bay Nội Bài.
Báo Pháp Luật VN có bài: Anh trai ông chủ Nhật Cường khai từng trông xe, hưởng lương 1 triệu đồng. Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn. Bị cáo Bùi Quốc Việt khai nhận, đã đi xuất khẩu lao động ở Đức từ năm 19 tuổi, về nước vào năm 2004. Sau khi về VN, do không có việc làm, năm 2009, ông chủ Nhật Cường bảo anh trai vào làm việc tại Công ty Nhật Cường, lúc đầu chỉ trông xe, hưởng lương một triệu đồng. Bị cáo Việt nói: “Bị cáo không biết có được ký hợp đồng hay không nhưng có đóng bảo hiểm xã hội”.
Báo Tiền Phong có bài: Anh trai ông chủ Nhật Cường khai nhận hàng lậu từ người đi xe bồn chở xăng. Bị cáo Việt kể, sau một thời gian trông xe, đến năm 2012, có một số lần bị cáo được em trai cử đi nhận hàng lậu cho Nhật Cường, có 3 lần nhận hàng từ một người tên Lợi đi xe bồn chở xăng đến Hà Nội. Khi được hỏi về số hàng trị giá hơn 7 tỉ đồng, bị cáo Việt khai không biết vì bản thân “chỉ biết nhận”.
Mời đọc thêm: Hà Nội xét xử vụ án buôn lậu tại công ty Nhật Cường (TTXVN). – 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường hầu tòa (KTĐT). – Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, nhân viên “kể tội” trước tòa (GT). – Anh trai ông chủ Nhật Cường nhận lương 1 triệu, trông xe vỉa hè (VNN). – Anh trai khai không biết Tổng giám đốc Nhật Cường trốn ở đâu (VNE).
– Xét xử đại án Nhật Cường: Hàng nghìn tỷ được chuyển ra nước ngoài thế nào? (GĐ). – Công ty Nhật Cường chuyển hàng nghìn tỷ đồng buôn lậu như thế nào? (ANTĐ). – Công ty Nhật Cường chuyển hơn 2.000 tỷ đồng qua tiệm vàng để trốn thuế? (KTĐT). – Vụ án Nhật Cường Mobile: Những thương vụ hàng nghìn tỷ đồng (NNVN).
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai bị tuyên án tổng cộng 16 năm tù. Chiều nay, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên bà Cấn Thị Thêu và con trai bà là anh Trịnh Bá Tư, mỗi người 8 năm tù và 3 năm quản chế, với cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước”.
LS Đặng Đình Mạnh cho biết: “Cả hai người đều chuẩn bị tốt cho phiên tòa; họ điềm đạm, kiên định, mạnh mẽ. Tôi từng tham gia nhiều vụ án chính trị nhưng chưa thấy ai như họ”.
Cô Trịnh Thị Thảo, con gái bà Thêu và là chị của anh Trịnh Bá Tư, cùng cô Đỗ Thị Thu, (con dâu bà Thêu, vợ anh Trịnh Bá Phương), được cho vào dự phiên xử. Nhưng ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Thêu lại không được vào dự, với lý do không có giấy căn cước, dù ông khẳng định đang làm giấy này.
LS Đặng Đình Mạnh có bài: Luận cứ pháp lý bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư… LS Mạnh cho biết, khi được hỏi họ tên trong phần xác định lý lịch, bà Cấn Thị Thêu trả lời: “Tên tôi là nạn nhân Cộng Sản”. Ông Mạnh cho biết thêm, đây là lần đầu tiên trong một phiên tòa của chế độ CSVN, câu nói nổi tiếng của ông Thiệu được nhắc đến “Đừng tin…”.
Mời đọc thêm: Việt Nam: Tòa tuyên án bà Cấn Thị Thêu và con trai, mỗi người 8 năm tù (BBC). – Ứng viên độc lập bị giam trong nhà tủ nhỏ, người vợ khiếm thị trong nhà tù lớn (RFA).
Bạo lực học đường
Diễn biến mới vụ giáo viên tát, đá học sinh ở Bắc Giang: Công an nhập cuộc, báo Tiền Phong đưa tin. Lãnh đạo Công an huyện Lục Ngạn xác nhận, họ đang làm việc với các bên liên quan để điều tra, làm rõ vụ việc GV Khúc Xuân Hòa ở Trung tâm GD nghề nghiệp – GD thường xuyên huyện Lục Ngạn đá và tát học sinh lan truyền trên mạng xã hội. Công an cho biết, trên cơ sở học sinh đi viện và giám định thương tích mới có có sở xem xét xử lý hình sự với “ông giáo” Hòa.
VTC có clip về vụ việc: Nam giáo viên đấm đá, lăng mạ nhiều học sinh trên bục giảng.
Đoạn clip ghi lại cảnh trong giờ sinh hoạt lớp ở Trung tâm GD nghề nghiệp – GD thường xuyên huyện Lục Ngạn, GV Khúc Xuân Hòa đã bắt ít nhất 4 học sinh đứng xếp hàng ngang rồi có những lời nói và hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo. GV này tát mạnh vào mặt nhiều học sinh, lấy đà dùng chân đá mạnh vào phần ngực một học sinh.
Sau khi sự việc bị phanh phui, Trung tâm GD nghề nghiệp – GD thường xuyên huyện Lục Ngạn đã chấm dứt hợp đồng đối với thầy giáo chửi bới, đá học sinh ngã trên bục giảng, theo báo Gia Đình VN. Một lãnh đạo trung tâm xác nhận, cơ quan này đã tổ chức họp, yêu cầu thầy giáo Hòa, GV chủ nhiệm lớp 10A3 kiểm điểm, tường trình sự việc và đã bị chấm dứt hợp đồng từ hôm qua.
Báo Giáo Dục VN có bài: Ông Khúc Xuân Hoà đánh đập học trò là phạm vào điều tối kỵ. TS Nguyễn Tùng Lâm bình luận: “Sử dụng vũ lực không bao giờ giúp học trò có thể thay đổi được nhận thức, nhận ra được đúng sai, lẽ phải. Đạo đức nhà giáo bất kể thời kỳ nào, hoàn cảnh nào cũng không cho phép thầy giáo có những hành vi không tôn trọng nhân phẩm, thân thể học trò như vậy. Bản thân tôi cũng không hiểu nổi vì sao một giáo viên lại kém nhận thức như vậy, đó là những điều cấm kỵ khi chúng ta là người thầy”.
Zing đưa tin: Nữ sinh Sóc Trăng đánh bạn khi đi uống trà sữa. Ban Giám hiệu trường THPT An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã làm việc với GV chủ nhiệm lớp 8A2 chiều nay, để có hướng xử lý vụ nữ sinh C.T đánh nhau với một thiếu nữ từng học tại trường này. Vụ việc xảy ra tối 2/5.
GV Võ Trường Giang kể: “Lúc đó C.T. đi uống trà sữa, không mặc đồng phục của trường. Do em M. đánh trước nên C.T. lột nón bảo hiểm đánh lại. Tôi thấy nên can ngăn và mời phụ huynh của em C.T. lên làm việc, yêu cầu kết hợp với nhà trường giáo dục các em”.
Mời đọc thêm: Bắc Giang: Thầy giáo “tung cước” với học sinh, ngành giáo dục chỉ đạo khẩn (GĐ). – Bắc Giang: Chấm dứt hợp đồng với giáo viên tát, đá… học sinh (GDTĐ). – Bắc Giang: Chấm dứt hợp đồng lao động với thầy giáo có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh (BG). – Xin đừng nhân danh giáo dục để tung cú đá, vung ngọn roi! (GDVN).
***
Thêm một số tin: Giá thép tăng ‘nóng’ 45%, Bộ Công Thương nói gì? (VTC). – Câu chuyện gạo ST 25: Bài học lớn về bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt (VOV). – Lương Huệ Trinh, âm nhạc Xa Xôi – âm nhạc Gần (RFI). – Hai phụ nữ gốc Á bị đâm dao giữa phố ở Mỹ (Zing). – TT Biden đề cử nữ quan chức gốc Việt làm Giám đốc Tài chính của NASA (VOA). – Trung Quốc có thực sự là nước đông dân nhất thế giới ? — Cơ quan Dược phẩm châu Âu khởi động thủ tục xem xét vac-xin Trung Quốc (RFI).
0 comments