Bản tin ngày 6-5-2021
BTV Tiếng Dân
Đại án Nhật Cường
Chỉ sau một ngày xét xử, chưa xét hỏi và tranh luận được gì nhiều, nhưng đại diện VKS đã vội đề nghị mức án với 14 bị cáo trong vụ Công ty Nhật Cường buôn lậu, báo Pháp Luật VN đưa tin. An ninh VN vẫn chưa bắt được ông chủ Nhật Cường, nên ông phó đành “thế thân”. Bị cáo Trần Ngọc Ánh, cựu Phó Tổng GĐ Nhật Cường bị đề nghị mức án 15-16 năm tù, nặng nhất trong 14 bị cáo. Còn bị cáo Bùi Quốc Việt, anh trai Bùi Quang Huy, bị đề nghị 7-8 năm tù.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Phó tổng giám đốc Nhật Cường từng xin nghỉ việc vì biết công ty buôn lậu. Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận, bị cáo Ánh nói, hơi sốc khi bị VKS đề nghị mức án 15-16 năm tù, là mức án đề nghị cao nhất trong số 14 bị cáo. Bị cáo thừa nhận việc mình làm là sai nhưng có lý do.
Bị cáo Ánh thanh minh: “Lúc đó cần công việc và tiền nên bị cáo tiếp tục làm. Đến tháng 9-2018, khi một lô điện thoại di động của Nhật Cường bị bắt ở cảng sân bay Nội Bài, bị cáo mới biết việc công ty đang làm là phạm tội buôn lậu. Sau đó, bị cáo gặp Bùi Quang Huy xin nghỉ việc, nhưng được níu lại để giúp công ty rút dần ra khỏi mảng kinh doanh này, hỗ trợ hơn 500 nhân sự không bị mất việc làm”.
VTC dẫn lời khai của bị cáo Trần Ngọc Ánh trong phiên tòa xử đại án Nhật Cường: ‘Ông chủ là người hưởng lợi duy nhất nhưng lại bỏ trốn’. Bị cáo Ánh khẳng định, tất cả thành viên doanh nghiệp Nhật Cường dưới quyền ông Bùi Quang Huy đều chỉ là người làm công ăn lương theo hợp đồng, “tuyệt đối không được chia lợi nhuận nào khác”.
Bị cáo Ánh nói: “Bị cáo rất hối hận và xin nhận trách nhiệm của mình về những hậu quả cả một tập thể gây ra. Mong HĐXX xem xét bởi các bị cáo đều vì cuộc sống mưu sinh mà làm theo lệnh của ông chủ. Hơn nữa, người hưởng lợi duy nhất ở công ty là Bùi Quang Huy mà ông ấy lại bỏ trốn, không có mặt ở đây để gánh hậu quả cùng các bị cáo”.
Công ty Nhật Cường bị khám xét vào đầu tháng 5/2019, nghĩa là Bùi Quang Huy đã bỏ trốn đã 2 năm, nhưng lực lượng công an “tinh nhuệ” của VN vẫn chưa bắt được.
Zing có bài: Bùi Quang Huy lập phần mềm riêng để giấu dòng tiền buôn lậu. Trả lời câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Ánh nói, năm 2013, Tổng GĐ Bùi Quang Huy chỉ đạo cấp dưới xây dựng phần mềm nội bộ có tên ERP để quản lý dòng tiền ra vào, theo dõi doanh thu của Nhật Cường: “Bị cáo được biết phần mềm ERP do ông chủ Huy lập ra nhằm quản lý chặt chẽ dòng tiền, tránh bị thất thoát”. Bị cáo Ánh nói thêm, nhân viên được cấp các quyền truy cập khác nhau để sử dụng phần mềm.
Mời đọc thêm: Cáo trạng buộc tội trong vụ Công ty Nhật Cường — Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Bị cáo Trần Ngọc Ánh bị đề nghị từ 15-16 năm tù (Tin Tức). – Đề nghị mức án cho các bị cáo trong vụ án tại Công ty Nhật Cường (HNM). – Ông chủ Nhật Cường vẫn đang bỏ trốn, loạt nhân viên bị đề nghị án nặng (GT). – Phát lộ phần mềm bí mật thể hiện lợi nhuận ‘khủng’ của Nhật Cường (TP). – Những lần chuyển tiền, rút tiền “ngoài luồng” của Công ty Nhật Cường (ĐTCK). – Bị cáo vụ Nhật Cường: Công ty nhiều lần bị cảnh sát kinh tế phạt tiền (Zing).
Tin nhân quyền
Vụ đàn áp nhân quyền mới ở Việt Nam: Thêm người bị truy tố liên quan đến Nhà Xuất Bản Tự Do, BBC đưa tin. Đó là vụ ông Nguyễn Bảo Tiên bị khởi tố và cáo buộc phạm tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, do liên quan đến vấn đề phát hành sách của NXB Tự Do.
Theo tin từ trang web Công an tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Bảo Tiên, sinh năm 1986, ngụ ở Phú Yên, đã bị bắt từ ngày 20/4/2021, tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Hơn hai tuần sau, ông Tiên mới bị khởi tố, báo CAND và các báo khác mới bắt đầu đưa tin về vụ bắt bớ và khởi tố này. Hôm 29/4, Công an tỉnh Phú Yên cũng đã được Tỉnh ủy Phú Yên khen thưởng nóng về vụ bắt bớ này.
Báo chí trong nước cáo buộc, ông Tiên làm lái xe cho một công ty, nhưng “do có tư tưởng xấu” nên khi thấy fanpage của “Nhà xuất bản Tự Do – Liberal Publishing House” đăng thông báo về khó khăn khi phát hành sách, ông Tiên đã liên hệ và đảm nhận khâu phát hành.
NXB Tự Do do do nhà báo Phạm Đoan Trang, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, cùng một số bạn bè, thân hữu thành lập hồi tháng 2/2019, chuyên xuất bản sách về tư tưởng tự do, nhân quyền, bị chế độ đảng trị kiểm duyệt. Bà Trang đã bị bắt hồi tháng 10/2020.
VOA đưa tin: Các tổ chức nhân quyền lên tiếng về bản án đối với bà Cấn Thị Thêu và con trai. Ngay sau phiên tòa “bỏ túi” kết án bà Thêu và ông Trịnh Bá Tư mỗi người 8 năm tù, bà Emerlynne Gil, Phó GĐ Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho biết trong một thông cáo: “Việc kết tội này là một sự phản bội công lý. Bà Cấn Thị Thêu và con trai của bà, Trịnh Bá Tư, là những nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm nên lẽ ra phải được chính phủ Việt Nam bảo vệ, không bị sách nhiễu hay giam cầm”.
Tổ chức nhân quyền Article 19 cũng ra thông cáo cho biết, vụ kết án một bà mẹ và con trai VN vì hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ “cho thấy rõ sự đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự độc lập và việc biểu đạt trên mạng ở Việt Nam”. Mạng lưới Nhân quyền VN và Người Bảo vệ Nhân quyền cũng ra tuyên bố phản đối phiên tòa “bỏ túi”.
Mời đọc thêm: Ân Xá Quốc Tế: Kết án bất công bà mẹ và người con là một trò đùa công lý (RFA). – Bị tuyên 8 năm tù, bà Cấn Thị Thêu và con trai thét lên ‘đả đảo Cộng Sản’ (NV). – Ông Nguyễn Bảo Tiên bị bắt vì ‘phát tán’ các ấn phẩm của NXB Tự Do (VOA). – Đang ở tù, Hoàng Chi Phong nhận thêm 10 tháng tù (TT).
Cập nhật vụ bê bối VinFast
Diễn biến mới vụ VinFast “méc” công an để xử lý khách hàng tố cáo xe bị lỗi, RFA đưa tin: GoGo TV nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý trước đơn tố cáo của Vinfast với công an. Hôm qua, ông Trần Văn Hoàng, chủ kênh Youtube GoGo TV lần đầu lên tiếng, sau vụ Vinfast tố ông ra công an. Trong video mới nhất, ông Hoàng cho biết, đã nhờ LS Lê Ngọc Luân bảo vệ mình, đồng thời khẳng định, LS Luân sẽ đi cùng ông trong các buổi làm việc với công an.
Ông Hoàng cho biết thêm, trước khi Vinfast làm lớn chuyện, ông đã đến gặp đại diện hãng xe này về vụ chiếc xe bị lỗi. Ông Hoàng khẳng định đã làm việc với Vinfast trong tinh thần “thiện chí và cầu tiến” nhưng họ vẫn ép ông ký vào một biên bản sai sự thật, nên ông không ký.
Thông qua kênh Youtube GoGo TV, ông Trần Văn Hoàng đăng clip về buổi làm việc với LS Lê Ngọc Luân: Vấn đề của GoGo TV và VinFast.
Vinfast là một doanh nghiệp “tư bản đỏ” thế lực hàng đầu VN, không có gì lạ khi Vin được sự hỗ trợ vô điều kiện của các tờ báo lề đảng. Zing có bài phỏng vấn ông Hoàng Chí Trung, Quyền Phó TGĐ Kinh doanh, đại diện VinFast: ‘Cực chẳng đã chúng tôi mới phải viện đến pháp luật’. Ông Trung nói: “Về phía VinFast, quan điểm nhất quán là lấy khách hàng làm trung tâm”, nhưng doanh nghiệp thuê ông lại xem khách hàng là tội phạm, mượn tay công an để “chăm sóc” khách hàng.
Mời đọc thêm: Chủ kênh YouTube GoGo TV lên tiếng sau tuyên bố của VinFast (CafeF). – Hãng ô tô Vinfast tố cáo khách hàng với công an sau những lời phàn nàn “không đúng” trên Youtube (Reuters). – “Kiện ra công an” và kiện ra tòa (LK/TD). – Viva Vượng Vin đại đế, TUY NHIÊNNNNNNN…. (RFA).
Tin môi trường
VietNamNet có bài: Cứu những dòng sông đang chết… Dù ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức họp, đưa ra quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, nhưng vấn nạn ô nhiễm làng nghề giấy Phú Lâm, Phong Khê vẫn tồn tại sau nhiều thập niên. Nước thải không qua xử lý vẫn chảy thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê.
Ở miền Nam, 2 tỉnh Đồng Nai – Bình Thuận có chung một dòng sông Giêng. Năm 2008, Đồng Nai duyệt dự án Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, phải dùng tới 6.000 m3 nước mỗi ngày, lấy từ sông Giêng. Còn Bình Thuận lại phê duyệt nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt cấp nước cho hàng vạn hộ dân thị xã La Gi. Năm 2012, sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường ra sông Giêng của nhà máy cồn Tùng Lâm khiến Bình Thuận chịu trận.
Trang Doanh Nhân VN đặt câu hỏi về dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Có hay không chuyện nhà thầu đổ thải sai quy định? Theo đó, dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 9.220,83 tỉ đồng, sử dụng diện tích đất tới 99,62 ha. Dự kiến, tổ máy 1 dự án sẽ phát điện vào quý 3 năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý 4 năm 2024.
Dự án NMTĐ Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hòa Bình bàn giao khu vực đổ thải riêng từ cuối năm 2020. Nhưng những người làm dự án này lại đổ đất vào dự án khác là khu Đô thị Thống Nhất, không đúng địa điểm mà tỉnh đã bàn giao. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình xác nhận thông tin này.
Trang Hành Tinh Titanic cho biết: “Dự báo cho thấy các điều kiện thời tiết và khí tượng tự nhiên tại nhiều bang bờ Tây Hoa Kỳ (California, Nevada, Oregon, Washington) đang hội đủ điều kiện cho một mùa cháy rừng lịch sử khác”. Hành Tinh Titanic cung cấp ảnh đồ họa của trang AccuWeather, cho thấy, phần lớn các bang duyên hải Bờ Tây của Mỹ đang đứng trước nguy cơ cháy rừng rất cao (extreme).
Mời đọc thêm: Bắc Giang: Đề nghị tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông Cầu (BG). – Đất sụt, giếng cạn nước ở Nghệ An (VNE). – Quảng Bình: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại mỏ đá Lèn Bảng (DNVN). – Dân ngạt thở vì 60 trại chăn nuôi trong thôn (TP). – Đề nghị báo cáo đánh giá chất lượng khí thải xe máy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh — Đồng Nai: Tìm hướng khắc phục môi trường khu vực mỏ đá Tân Cang (KTĐT). – Bể chứa nước thải và rác khổng lồ! (NNVN). – Thị trường carbon của EU “nóng” lên với mục tiêu khí hậu mới (BNews).
***
Thêm một số tin: Vụ du học sinh VN ‘đạp cờ vàng’ dưới góc nhìn pháp lý của Úc — Tên lửa của TQ nguy cơ rơi xuống trái đất ‘không kiểm soát’ (BBC). – Việt Nam và Hoa Kỳ, những đồng minh tình thế? — Liên Âu đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng quân sự phản ứng nhanh — Châu Âu muốn ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh (RFI).
0 comments