Bản tin ngày 25-5-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thế Giới và VN có bài của nghiên cứu sinh Phạm Duy Thực, Viện Biển Đông, Bộ Ngoại giao, bàn về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu. Theo tác giả, tất cả các điểm yếu đều liên quan đến vấn đề nội các của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục có những phát biểu không thống nhất trong vấn đề Biển Đông, lúc “nóng”, lúc “lạnh”, khi thì nhân nhượng, thậm chí ngầm đầu hàng, lâu lâu lại “cương” với TQ.
Các điểm yếu pháp lý của Philippines đối với Đá Ba Đầu: 1. không phải EEZ mà lãnh hải mới là cơ sở để xác định chủ quyền đối với thực thể lúc nổi lúc chìm bên trong đó; 2. Philippines đã không yêu sách Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của nước này; 3. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã bác bỏ cả yêu sách trong Sắc lệnh 1596 của Philippines thiết lập Nhóm đảo Kalayaan; 4. Đá Ba Đầu không nằm trong lãnh hải của các thực thể hiện do Philippines chiếm đóng.
VnExpress đưa tin: Tiêm kích bom Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo nguồn tin từ kênh truyền hình TƯ TQ CCTV, hàng chục tiêm kích bom JH-7 nã pháo, rocket và ném bom nhằm vào mục tiêu trên mặt nước trong đợt diễn tập ở Biển Đông. Một lữ đoàn không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của quân đội TQ, đã triển khai các tiêm kích bom JH-7 tham gia cuộc diễn tập được tiến hành gần đây, nhưng địa điểm và thời gian cụ thể không được tiết lộ.
VnExpress chia sẻ video của quân đội TQ (PLA) ghi cảnh các tiêm kích bom JH-7 thực hành bắn pháo, rocket và ném bom ở Biển Đông:
CCTV thông báo, trọng tâm của cuộc diễn tập là thực hiện không kích chính xác và chế áp hỏa lực. Các tiêm kích bom JH-7 tham gia huấn luyện cách bay bám mặt biển để xuyên qua lưới phòng không đối phương, sau đó nã hàng ngàn phát pháo cùng rocket và ném bom các mục tiêu trên biển. Cuộc diễn tập được cho là, nâng cao kỹ năng tác chiến của phi công TQ trong những chiến dịch không kích chính xác mục tiêu trên biển.
Sau hội nghị thượng đỉnh của TT Joe Biden với TT Moon Jae-in, người đồng cấp Hàn Quốc, Trung Quốc cảnh báo Mỹ – Hàn Quốc ‘không đùa với lửa’, VTC đưa tin. Đáp lại tuyên bố chung của 2 lãnh đạo Mỹ – Hàn, trong đó đề cập đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên lên giọng:
“Tuyên bố đề cập đến vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Đài Loan hoàn toàn là nội bộ và liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Do đó, sẽ không bị can thiệp bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào. Chúng tôi yêu cầu các nước có liên quan thận trọng với lời nói và hành động đối với Đài Loan và không đùa với lửa”.
Mời đọc thêm: Cường kích Trung Quốc rầm rộ tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông (VTC). – Chiến đấu cơ Trung Quốc ‘trút mưa đạn’ xuống Biển Đông khi tập trận (TN). – Trung Quốc cảnh báo Mỹ “không đùa với lửa” (TT). – Đằng sau việc Trung Quốc ngừng đàm phán thương mại với Australia (VNN). – Đất hiếm dưới đáy Biển Đông: Điều quan trọng nhất… (ĐV). – Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một cộng đồng chiến lược chia sẻ tương lai với Việt Nam — Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Mỹ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bất chấp Trung Quốc (RFI).
“Đốt lò” ở Nam Bộ
Trong cuộc họp hôm nay tại trụ sở TƯ đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật thiếu tướng Trần Văn Tài, phó tư lệnh Quân khu 9, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ban Bí thư quyết định cách tất cả các chức vụ trong đảng của ông Trần Văn Tài trong hai nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025, do sai phạm trong công tác huấn luyện và quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định ở Quân khu 9.
Quân khu 9 là một trong 7 quân khu của QĐND VN, bảo vệ vùng Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển phía nam Việt Nam, gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang…
Ban Bí thư cho rằng, ông Tài cũng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015 – 2020. Văn phòng TƯ đảng ra thông báo về vụ kỷ luật, trong đó có đoạn: “Vi phạm của đồng chí thiếu tướng Trần Văn Tài là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần phải kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng”.
Mời đọc thêm: Kỷ luật Thiếu tướng Trần Văn Tài, Phó Tư lệnh Quân khu 9 vì loạt sai phạm (VnEconomy). – Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 9 bị cách chức tất cả chức vụ trong Đảng (NLĐ). – Cách tất cả các chức vụ trong Đảng của Thiếu tướng Trần Văn Tài (KTĐT).
Tin môi trường
Báo Pháp Luật TP HCM có bài về tình hình ô nhiễm ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút, Đắk Nông: 1 thôn có gần 50 trại heo, quá ô nhiễm! Một người dân địa phương cho biết, tình trạng ô nhiễm ở đây kéo dài đã lâu, chưa thấy cơ quan chức năng, chính quyền quan tâm giải quyết dứt điểm. Một số người dân gần các trại heo, do không chịu nổi mùi hôi nên đã phải bán đất, bán nhà đi nơi khác ở. Không chỉ nhà dân mà cả trường học ở đây cũng chịu chung số phận.
Nguồn tin trên cho biết thêm: “Người dân ở đây không biết kêu hay phản ánh tới cơ quan nào. Khi chịu không nổi, chúng tôi chỉ biết gọi điện thoại báo cho trưởng thôn mà thôi. Nhà tôi ở xa trại heo nhất mà còn không chịu nổi, cả nhà không ai có giấc ngủ ngon vì phải hít cái mùi hôi của các trại heo”.
Truyền hình Quảng Trị có clip: Ô nhiễm nguồn nước do xả thải ngay trước khu công nghiệp Quán Ngang.
Chuyên trang Văn Hóa và Đời Sống của báo Thanh Hóa đặt câu hỏi: Đến bao giờ những dòng sông hết ô nhiễm? Kênh Bắc, còn gọi là sông Nông Giang, có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất ở các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và TP. Thanh Hóa, cũng là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân TP Thanh Hóa với lưu lượng hơn 50.000 m3/ngày. Nhưng tình trạng người dân xả thải xuống kênh, gây ô nhiễm lòng kênh kéo dài nhiều năm, vẫn chưa được khắc phục.
VTC có clip về vụ ô nhiễm ở Hà Nội: Tiêu hủy lốp ô tô, gây ô nhiễm môi trường.
Mời đọc thêm: Điểm mặt hàng loạt công ty gây ô nhiễm môi trường ở Bắc Ninh (KT). – Nước thải hôi thối lại ngập làng sản xuất giấy Bắc Ninh: Chủ tịch huyện nói gì? (VTC). – Làng học sinh trường THPT Mường Lát xuống cấp nghiêm trọng (VHĐS). – Trên 50% trường học ở nội thành Hà Nội bị ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng (TP). – Bà bầu tiếp xúc với ô nhiễm không khí, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cho con (SKĐS). – Bất chấp yêu cầu của EU, Ba Lan sẽ không đóng cửa mỏ than Turow (VOV).
Vụ Belarus “không tặc”, bắt đối lập
VnExpress đưa tin: EU trừng phạt Belarus sau vụ ép máy bay hạ cánh. Các nước EU tuyên bố, sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những quan chức, cá nhân liên quan tới vụ chính quyền Belarus dùng vũ lực ép máy bay chở nhà báo của phe đối lập hạ cánh khẩn cấp, cũng như những doanh nghiệp tài trợ cho Belarus và lĩnh vực hàng không nước này.
Vụ việc xảy ra ngày 23/5, chính quyền Belarus huy động máy bay chiến đấu MiG-29 áp sát một máy bay chở khách của hãng Ryanair, đang bay từ Athens đến Litva. Giới chức Belarus báo động “có bom”, để ép máy bay Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở thủ đô Minsk. Sau khi máy bay này hạ cánh, Belarus bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich.
Zing có bài: Chân dung nhà hoạt động khiến Belarus dùng Mig-29 để ‘cướp máy bay’. Nguồn tin từ báo Washington Post cho biết, nhà báo Roman Protasevich là nhân vật “nổi tiếng” trong giới truyền thông Belarus. Dù còn khá trẻ, mới 26 tuổi, anh Protasevich đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko, nhất là sau hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn, bùng phát năm 2020.
Protasevich từng làm biên tập viên của Nexta, có trụ sở ở Ba Lan, có quan điểm đối lập với chính quyền Tổng thống Lukashenko. Nhà phân tích chính trị Ihar Tyshkevich ở Viện nghiên cứu Tương lai, Ukraine, cho biết: “Nexta là kênh rất quan trọng trong cuộc chiến thông tin giữa chính phủ và phe đối lập. Họ giúp điều phối các cuộc biểu tình”.
Thêm vụ bắt giữ trong vụ máy bay Ryanair: Nghi vấn Belarus bắt giữ một sinh viên; EU kêu gọi điều tra quốc tế, Anh nói ‘không tặc’, theo báo Thế Giới và VN. Trường ĐH Nhân văn châu Âu (EHU) tại Vilnius, Lithuania cho biết, một sinh viên trường này đã bị bắt giữ cùng nhà báo Roman Protasevich trên chuyến bay của Ryanair. Gia đình của nữ sinh viên Sofia Sapega, 23 tuổi, đã xác nhận vụ bắt cóc. Nguồn tin từ EHU cho biết, cô Sapega có liên hệ với nhà báo Protasevich, lúc đó 2 người đến Hy Lạp du lịch.
Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Anh, kêu gọi tất cả các hãng máy bay dân sự tạm dừng bay qua Belarus sau vụ bắt máy bay. Ông Tugendhat nói: “Chúng ta cần ngăn chặn bất kỳ máy bay nào bay qua Belarus. Đây là một hành động không tặc và thậm chí liên quan tới bắt cóc”.
Sau thông báo trừng phạt của EU, Kiev cắt đường hàng không với Minsk, nhiều hãng bay lớn tránh Belarus, theo RFI. Thông tín viên Stéphane Siohan cho biết: “Sau cuộc họp với các cố vấn và nhiều bộ trưởng ngày 24/05, tổng thống Volodymyr Zelensky đã quyết định cho ngừng các chuyến bay trực tiếp giữa Ukraina và Belarus, đồng thời cấm các máy bay đăng ký tại Ukraina bay qua không phận Belarus”.
Báo Thế Giới và VN đưa tin: EU chốt kèo ‘xử’ Belarus, tiến hành phong tỏa gói đầu tư 3 tỷ Euro. Cùng với việc phong tỏa không phận Belarus, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, gói đầu tư trị giá 3 tỉ Euro của EU dành cho Belarus sẽ bị tạm giữ lại và bị phong tỏa cho tới khi “nước này trở nên dân chủ hơn”. Bà von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ gây sức ép đối với chính quyền Belarus cho tới khi họ rốt cuộc phải tôn trọng tự do truyền thông, tự do báo chí và tự do bày tỏ ý kiến”.
VOV đưa tin: Tổng thư ký LHQ yêu cầu hợp tác điều tra minh bạch sự cố máy bay Ryanair. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại vụ Belarus bắt giữ nhà báo đối lập hôm 23/5. Vụ việc có dấu hiệu “không tặc” vì: 1. Máy bay chở anh Protasevich lúc đó đang trên đường bay từ thủ đô Hy Lạp đến thủ đô của Cộng hòa Litva, thì bị Belarus dùng máy bay chiến đấu ép hạ cánh; 2. Hãng Ryanair của Ireland, chứ không phải hãng hàng không của Belarus để nước này muốn bắt người là bắt.
Báo Người Lao Động có bài: Nga ủng hộ Belarus giữa tâm bão chỉ trích. Từ khi Liên bang Soviet sụp đổ, Ukraine và các nước vùng Baltic đều lần lượt ngả về phương Tây, chỉ còn Belarus là “lá chắn” duy nhất còn sót lại, đứng chắn giữa Nga và châu Âu. Trong tình hình các nước phương Tây cùng phản đối Belarus, Nga lấy lý do “an ninh quốc gia” để ủng hộ hành động bắt máy bay dân sự.
Cùng là chế độ độc tài nên sử dụng thủ đoạn giống nhau: Video blogger Roman Protasevich đã xuất hiện và thú tội tại Belarus, theo báo Giao Thông. Trò ép người bất đồng chính kiến phải “thú tội” trên truyền hình này đã được chế độ CSVN sử dụng thường xuyên, nay cũng được áp dụng ở Belarus. Trên kênh Belarus 1 TV, nhà báo Protasevich “thừa nhận” vai trò của anh trong chuỗi các vụ biểu tình hàng loạt, nhằm phản đối kết quả bầu cử Tổng thống Belarus.
Kênh Ruptly đăng lại đoạn clip, ghi lại lời “thú tội” của anh Protasevich.
Mời đọc thêm: Hội nghị thượng đỉnh EU: Nhiều vấn đề nóng trong chương trình nghị sự (Tin Tức). – EU phản ứng mạnh về vụ Belarus chuyển hướng máy bay của hãng Ryanair (TTXVN). – Châu Âu trừng phạt Belarus vì tiến hành không tặc cấp Nhà nước (RFI). – Belarus bị tố “cướp máy bay” khi chặn chuyến bay của Ryanair (VietTimes). – Nữ sinh viên bị bắt cùng nhà hoạt động đối lập Belarus (Zing).
– Động thái tương đồng của Mỹ, EU sau vụ Belarus buộc máy bay đáp khẩn (KTĐT). – Belarus: Khi phi cơ quân sự chặn máy bay dân dụng (BBC). – Vụ máy bay hạ cánh khẩn ở Belarus: Blogger hoảng loạn, biết chắc sẽ bị bắt — Nga phản ứng gì về vụ máy bay Ryanair phải hạ cánh ở Minsk, Belarus? (GT).
Cập nhật tin Miến Điện
VnExpress đưa tin: Myanmar bắt biên tập viên người Mỹ. Nhà báo Mỹ Danny Fenster, 37 tuổi, biên tập viên của trang tin Frontier Myanmar, đã bị bắt tại TP Yangon ngày 24/5 khi chuẩn bị bay đến Malaysia. Ông Fenster bị đưa đến nhà tù Insein của TP Yangon.
Frontier Myanmar nói: “Chúng tôi không biết tại sao Danny bị bắt và không thể liên lạc được với ông ấy… Chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của Danny và kêu gọi trả tự do lập tức cho ông ấy. Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là đảm bảo an toàn cho Danny và cung cấp bất cứ trợ giúp nào mà ông ấy cần”. Ông Fenster là nhà báo nước ngoài thứ 4 bị bắt kể từ vụ đảo chính 1/2.
VTC có bài: Hình ảnh đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi sau đảo chính. Bài báo cung cấp ảnh chụp bà Suu Kyi trong phiên tòa ngày 24/5. Nhà cựu cố vấn chính quyền dân chủ Miến Điện ngồi ở ghế bị cáo, đặt tay trên đùi và đeo khẩu trang y tế. Ngồi cạnh bà là cựu Tổng thống Win Myint và cựu Thị trưởng thủ đô Naypyitaw, ông Myo Aung. Đứng sau họ là 2 sĩ quan cảnh sát. LS Thae Maung Maung cho biết, bà Suu Kyi “trông có vẻ có sức khỏe tốt” trong cuộc họp báo kéo dài 30 phút với nhóm pháp lý.
Mời đọc thêm: Myanmar bắt giữ một nhà báo Mỹ, EU áp đặt lệnh cấm bay với Belarus (VNN). – Nhà báo Mỹ bị bắt ở Myanmar (VTC). – Hình ảnh đầu tiên của bà Suu Kyi sau đảo chính (VNE). – Nga sẽ làm chậm Google nếu không xóa nội dung bị cấm trong 24 giờ (Infonet).
***
Thêm một số tin: Nhà nước tính siết quy định sau vụ nghệ sĩ Hoài Linh nhập nhèm về tiền từ thiện (VOA). – Phát hiện hơn 300 công nhân ở Bắc Giang dương tính với SARS-CoV-2, Bộ Y tế họp khẩn (SKĐS). – Tại sao Việt Nam không hoãn cuộc bầu cử bất chấp bệnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh? (RFA). – Đài Bắc phản đối Bắc Kinh ngăn chặn Đài Loan tham dự Đại Hội Đồng WHO — Trên không gian mạng, Mỹ chọn cách âm thầm phản công tin tặc (RFI).
0 comments