Bản tin ngày 17-5-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
RFA đưa tin: Hai ngư dân Quảng Bình mất tích trên biển khi tàu cá bị một tàu lạ đâm chìm. Chiều qua, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, xác nhận, một tàu cá ở Quảng Bình có 5 thuyền viên trên tàu đã bị một tàu hàng không rõ số hiệu tông chìm, khiến 2 ngư dân mất tích. Bộ đội biên phòng Quảng Bình vẫn đang tìm kiếm 2 người mất tích sau vụ đâm chìm tàu.
Vụ việc xảy ra vào lúc 4h sáng hôm qua, tàu cá do ông Hồ Lương Thành làm chủ, cùng 4 ngư dân đang khai thác đánh bắt cá, thì bị một tàu màu xám, chưa rõ là tàu cá hay tàu hàng, cũng không ghi nhận được số hiệu, đâm sau đuôi, khiến tàu cá của ông Thành bị chìm tại vị trí cách bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng khoảng 26 hải lý. Cả 5 người trên tàu bị rơi xuống biển, có 3 người đã được một tàu biển của ngư dân thị xã Ba Đồn cứu sống.
VietNamNet có bài: Đòi chủ quyền ở Biển Đông, động cơ nơi đáy biển sâu của Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các đồng minh, cùng một số nước ASEAN, TQ vẫn duy trì sự hiện diện các tàu “dân quân biển” ở Đá Ba Đầu, thậm chí tăng số lượng từ khoảng 200 tàu lên mức 300 tàu dân binh. Bá quyền TQ quyết tâm biến Biển Đông thành “ao nhà”, một trong các lý do được cho là để sở hữu lượng tài nguyên dồi dào dưới đáy biển, từ dầu mỏ, khí đốt đến các mỏ khoáng thạch, để duy trì nguồn đất hiếm.
VOA có clip: Người biểu tình Philippines yêu cầu TQ rút khỏi lãnh hải của họ ở Biển Đông.
Kênh News Direct có clip: Cách thức TQ “vũ khí hóa” lực lượng tàu đánh cá của nước này.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Mỹ triển khai UAV cỡ lớn tăng cường do thám Trung Quốc. Hải quân Mỹ thông báo, 2 máy bay do thám không người lái MQ-4C Triton của nước này tạm thời đã được di dời từ căn cứ trên đảo Guam đến căn cứ Misawa, Nhật. Hải quân Mỹ nói về sự kiện lần đầu tiên máy bay không người lái có độ bền cao được triển khai tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật: “MQ-4C Triton là một máy bay trinh sát không người lái, không vũ trang, hỗ trợ liên minh Nhật-Mỹ tăng cường khả năng giám sát hàng hải”.
Nguồn tin từ South China Morning Post cho biết, loại máy bay không người lái này được đưa đến Guam lần đầu vào đầu năm 2020, để Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ trong khu vực. Chúng đã giám sát các “điểm nóng” xung quanh TQ, gồm eo biển Đài Loan và các căn cứ của quân đội TQ dọc theo bờ biển và trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
VTC đặt câu hỏi: ‘Căn cứ hải quân nổi’ của Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc? Đó là tàu USS Miguel Keith, được chế tạo từ khung tàu chở dầu, với mục đích làm “căn cứ di động” trên biển, rộng 239 m, có thể chở khoảng 100 thủy thủ và 44 dân thường, tầm hoạt động hơn 9.500 hải lý. Sàn đáp của tàu đủ lớn để chứa các máy bay trực thăng lớn nhất của hải quân Mỹ và cả máy bay phản lực F-35B của thủy quân lục chiến.
Chuyên gia Collin Koh của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết, sự kiện tàu USS Miguel Keith chính thức vào biên chế ngày 8/5 cho thấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh giá TQ như đối thủ quân sự chính: “Trung Quốc rõ ràng có thể dị ứng với ý tưởng này, khi xem tàu như một thách thức trực tiếp đối với nỗ lực thống trị trên Biển Đông”.
RFI có bài phỏng vấn LS Nguyễn Hoàng Dũng: Việt Nam vẫn là yếu tố quan trọng trong chính sách châu Á của Biden. LS Dũng bình luận về quan hệ Mỹ – Việt trong chiến lược của Mỹ nhằm duy trì tình hình ổn định ở Biển Đông: “Tổng thống Biden và những người cộng tác với ông, từ bộ trưởng Ngoại Giao đến bộ trưởng Quốc Phòng, cho đến những chỉ huy các lực lượng Ấn Độ – Thái Bình Dương đều có những phát biểu cho rằng Việt Nam là một yếu tố quan trọng, và nhiều khi họ so sánh vị trí của Việt Nam với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đối phó với Trung Quốc”.
Tổng thống Biden sẽ không để nước Mỹ đơn độc đối đầu với TQ, mà sẽ “liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực để cùng nhau đối đầu với Bắc Kinh”. Cho nên, VN vẫn được xem là một đối tác quan trọng của Mỹ trong chiến lược về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Mời đọc thêm: Vì sao Trung Quốc lo ngại ‘Hải thần’ của Mỹ? (ĐV). – Mỹ-Nhật-Pháp tập trận: Khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là mẫu số chung (TG&VN). – Đài Loan có thể là căn cứ cho quân đội Mỹ khi bùng nổ xung đột với Trung Quốc (RFI). – Ký sự Trường Sa: ‘Mắt thần’ nơi đảo xa (TP). – Phút giao lưu qua sóng radio với chiến sỹ nhà giàn KD1/8 giữa biển Đông (Tin Tức).
Tổng Trọng nói về “kinh tế”
Chỉ còn 6 ngày nữa là đến kỳ bầu cử ĐBQH khóa 15 và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026, TBT Nguyễn Phú Trọng lại lên tiếng, để diễn màn kịch “dân túy” và hơn nữa là để nhắc người dân, dù tuổi cao với nhiều bệnh tật, Tổng Trọng vẫn quyết bám ghế. Hôm qua, các báo “lề đảng” có bài viết mới của Tổng Trọng, bàn về con đường xây dựng CNXH ở VN.
VTC dẫn lời Tổng Bí thư: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là phải gắn kinh tế với xã hội. Bài viết của Tổng Trọng nhiều lần đề cập đến khái niệm “kinh tế”, nhưng càng đề cập lại càng để lộ những lỗ hổng kiến thức cơ bản của người đứng đầu chế độ. Tổng Trọng viết: “Các nhà nước, các chính phủ tư sản ở phương Tây đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy thành công”.
Để phân tích hiệu quả của các gói cứu trợ kinh tế thường thấy ở các nước phương Tây, gần đây là gói cứu trợ 1.900 tỉ Mỹ kim của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cần có các bảng phân tích tài chính, thống kê số liệu đúng bài bản, chứ không chỉ một lời nhận xét võ đoán, không hề có căn cứ và bằng chứng của ông Trọng.
Chiêu trò “dân túy” quen thuộc trước màn kịch bầu cử: Kỳ vọng một Quốc hội chuyên nghiệp cùng những đại biểu đủ tâm, đủ tầm làm ‘nghề nghị sỹ’, báo Thế Giới và VN đưa tin. Tổng Trọng kêu gọi người dân: “Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp”.
Tổng Trọng vừa muốn có một QH “chuyên nghiệp”, với các ĐBQH làm “nghề nghị sỹ”, nghĩa là ông Trọng muốn một nghị trường đầy các ông bà nghị xem cái ghế ĐBQH của họ là một “nghề”, là công cụ kiếm tiền. Luật Khoa từng có bài viết phân tích vai trò thượng nghị sĩ ở Mỹ, trong đó nhận định: “So với các đại biểu Quốc hội Việt Nam thì nghị sĩ Hoa Kỳ nói chung và các TNS nói riêng có năng suất làm việc và mức độ chủ động gấp cả ngàn lần”.
Báo Người Việt có bài: Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ‘đổ thừa’ cho ‘các thế lực thù địch’. Mâu thuẫn lớn nhất trong bài tuyên truyền của Tổng Trọng là những lời “có cánh” dành cho “nhân dân”, song hành với lời mạt sát và cay độc nhắm vào “thế lực thù địch”, trong khi thế lực đó chẳng ở đâu xa, mà chính là những người dân khác chính kiến lãnh đạo đảng.
Mời đọc thêm: Sáu nội dung trong chương trình hành động ứng cử ĐBQH của Tổng Bí thư (ĐT). – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân (DNHN). – “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội” (DNVN). – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc trực tuyến với hơn 2.400 cử tri Hà Nội (TT).
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu bị giam trong phòng chật hẹp cùng với người nhiễm HIV. Chiều nay, cô Trịnh Thị Thảo, con gái của bà Thêu, cho biết: “Tình trạng giam giữ của mẹ tôi trong trại (tạm) giam công an tỉnh Hòa Bình thì ngay từ hôm diễn ra phiên tòa thì mẹ tôi đã tố cáo trại tạm giam công an tỉnh Hòa Bình là có 7m2 nhưng giam đến 13 người. Giam mẹ tôi với người nhiễm HIV, trong sinh hoạt hằng ngày thì nước lúc nào cũng thiếu và phòng giam đóng cửa suốt ngày không khi nào mở, rất là nóng bức”.
Cô Thảo cho biết thêm, cô nhận được thông tin từ một người tù bị tạm giam cùng với bà Thêu trong thời gian qua. Gia đình của bà Thêu còn bị gây khó dễ trong việc gửi đồ thăm nuôi. RFA cho biết, đã gọi vào số điện thoại của Công an tỉnh Hòa Bình, nhưng không có người nhấc máy, cũng không thể liên lạc được với Trại tạm giam công an tỉnh để hỏi về vụ việc.
Báo Người Việt đưa tin: Một người bị điều tra vì ‘rạch phá pa nô tuyên truyền bầu cử’ ở Đà Nẵng. Đó là ông Nguyễn Hùng Đức, ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, bị công an bắt để điều tra, với cáo buộc “cầm vật nhọn rạch phá làm hư hỏng hàng loạt pa nô tuyên truyền về bầu cử” tại các quận Thanh Khê và Cẩm Lệ vào lúc tối 15/5.
Trước đó, vào ngày 12/5, một người dân khác ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đã bị công an TP Vinh bắt, với cáo buộc “rạch, xé các pano tuyên truyền về bầu cử Quốc Hội và Hội Ðồng Nhân Dân các cấp, trước khu vực đường Trường Thi, thành phố Vinh”.
RFA có clip: Đài Loan bị lên án vì cưỡng bức ngư dân nước ngoài. Đó là các ngư dân chủ yếu là người di cư nghèo từ Philippines, Indonesia và Việt Nam, mà Chính phủ Đài Loan thất bại trong việc chấm dứt lạm dụng họ.
Mời đọc thêm: Công an bắt giữ một người dân bị cáo buộc đã phá một loạt các pa nô tuyền truyền bầu cử — Vụ kiện Formosa ở Đài Loan: Các nạn nhân quyết tâm đòi lại công lý (RFA).
Tin môi trường
Báo Thanh Niên đưa tin: Cận cảnh cá chết bất thường quanh khu công nghiệp Quán Ngang. Hiện tượng xảy ra ở khu công nghiệp tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Người dân ở thôn Hà Thanh cho biết, mấy năm nay, hiện tượng cá chết ở khu vực diễn ra thường xuyên, nhưng hiện tượng cá chết trong những ngày qua diễn ra với quy mô lớn, nhiều loại cá khác nhau cùng chết bất thường.
Người dân địa phương nhận định, nguyên nhân dẫn đến cá chết có liên quan tới hệ thống nước thải của khu công nghiệp Quán Ngang. Hiện nay, cùng với hiện tượng cá chết, ống cống nước thải… quanh khu vực bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khu vực này bị ô nhiễm đến mức không chỉ cá mà cả lúa cũng chết rụi.
VTC có clip về tình hình ở Vĩnh Phúc: Báo động tình trạng xả thải gây ô nhiễm Thác Bạc.
Trang Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin từ Thái Nguyên: Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp không thể canh tác vì trang trại nuôi lợn xả thải. Đó là trang trại chăn nuôi lợn của ông Hồ Quang Tuấn ở xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên, bắt đầu hoạt động từ năm 2009, diện tích đất phục vụ chăn nuôi lên đến 4.000m2. Hệ thống xử lý nước thải của trang trại này không được bảo đảm, chất thải, nước thải từ trang trại không qua xử lý, mà xả thẳng ra môi trường.
Một người dân địa phương kể: “Sau khi trang trại đi vào hoạt động khoảng 3 năm, số lượng lợn chăn nuôi nhiều, nước thải, chất thải, khí thải chưa qua xử lý tuồn thẳng ra môi trường khiến toàn bộ diện tích đất nông nghiệp rộng hàng nghìn m2 nhà tôi phải bỏ hoang và không canh tác được. Đấy là về chất thải và nước thải, còn khí thải mùi hôi, thối nồng nặc từ trang trại cứ ngày ngày phát tán ra môi trường”.
Truyền hình Cần Thơ có clip về vụ ô nhiễm ở Tiền Giang: Bãi rác xã Thanh Bình vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mời đọc thêm: Cải tạo rạch Xuyên tâm TP Hồ Chí Minh: Lòng vòng gần 20 năm vẫn nằm trên giấy, đội vốn hơn 4.000 tỷ đồng (KTĐT). – Bãi rác giữa phố quá ô nhiễm! (PLTP). – Hồ tôm ở Quảng Bình xả thải gây ô nhiễm, “đầu độc” bờ biển (DNVN). – Huyện Thủy Nguyên yêu cầu xử lý vụ đốt rác thải đầu độc làng quê (NNVN). – Hiểm họa môi trường nghiêm trọng ở châu Á (SGGP). – Các thành phố ở châu Á chịu rủi ro môi trường cao nhất (SKĐS). – Hội nghị COP26 – ‘cơ hội cuối cùng’ để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng (Tin Tức).
***
Thêm một số tin: Vũ ‘Nhôm’ viết đơn kêu oan và tố cáo dài 64 trang (RFA). – Công an CSVN chống tham nhũng ‘xin ra khỏi ngành’ gây bão dư luận (NV). – Miến Điện : Đụng độ dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy ở Mindat — Miến Điện: Đại Hội Đồng LHQ chuẩn bị thông qua một nghị quyết cấm vận vũ khí — Israel vẫn oanh kích dữ dội dải Gaza, Liên Hiệp Quốc gặp bế tắc ngoại giao — Xung đột trên dải Gaza: Những tính toán của Netanyahu và Hamas (RFI).
0 comments