Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu công du, sẽ nói gì về Myanmar?
BBC
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh của Asean về Myanmar, người phát ngôn của ông cho biết hôm thứ Năm, theo Reuters.
Bộ ngoại giao nước này nói "Philippines ủng hộ mạnh mẽ việc triệu tập phiên họp ngay cả khi không có đầy đủ lãnh đạo Asean nhóm họp".
Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định sẽ không tham dự cuộc họp mặc dù ông bày tỏ "quan ngại và lo lắng" về tình hình ở Myanmar và thừa nhân đây là thách thức cho “ổn định và hóa bình khu vực”.
Bàn tròn BBC: Thủ tướng VN Phạm Minh Chính sẽ nói gì về Myanmar?
Cuộc họp thượng đỉnh hai ngày (23-24 tháng 4) cũng đánh dấu chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên của tân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam mô tả Hà Nội “với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4/2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ASEAN phát huy vai trò trung tâm, là cầu nối giữa ASEAN với Hội đồng Bảo an để đảm bảo thông tin khách quan, cân bằng, hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn”.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Asean đã được Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi nhóm họp vào tháng Ba trong khi các cuộc biểu tình chống chế độ quân sự và cuộc đàn áp người biểu tình đã và đang tiếp tục diễn ra.
Trong khi đó lãnh đạo quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta vào thứ Bảy, quân đội nước này cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ thảo luận về tình hình ở Myanmar và cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ khi quân đội giành chính quyền từ trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 từ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.
Phát ngôn viên quân đội Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun được Kyodo News dẫn lời nói rằng ông Min Aung Hlaing sẽ đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Nhưng sự hiện diện, nếu có, của lãnh đạo quân đội Myanmar có thể được xem là việc Asean thừa nhận ông là đại diện của Myanmar và là điều một số người xem là Asean đáng hổ thẹn.
Những người biểu tình chống chính quyền quân đội cũng phản đối gay gắt sự tham gia của ông, coi đây là sự xúc phạm lớn với người dân Myanmar.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên ASEAN dường như đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar bằng cách đưa nhà lãnh đạo quân đội vào bàn thảo luận.
Một số nguồn tin vào tuần trước cho biết các thành viên Asean dường như chia sẻ cảm giác khủng hoảng rằng uy tín của khối có thể bị tổn hại trừ khi họ chủ động vạch đưa ra được một lộ trình để cải thiện tình hình ở Myanmar.
0 comments