Thử thách xếp hàng chờ Tổng thống Joe Biden
18-04-2021 - 11:02 AM
(NLĐO) - Thế giới dường như đã trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn so với thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cách đây chưa đầy 3 tháng, một phần là do các đối thủ của Washington.
Trong một bài bình luận đăng tải hôm 14-4, đài CNN cho biết Mỹ đang bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu với một số cường quốc bao gồm Trung Quốc và Nga. Trong lúc này, Iran bắt đầu làm giàu uranium lên mức 60%, cao nhất từ trước đến nay và Triều Tiên quay lại thử tên lửa đạn đạo.
Ngoài những vấn đề trên, Tổng thống Biden còn đối mặt với nhiệm vụ chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan và giới hạn về quyền lực của ông bộc lộ rõ nét trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar khi lệnh trừng phạt và sự lên án của Washington không phát huy hiệu quả.
Trong bản "Đánh giá Đe dọa thường niên", cộng đồng tình báo Mỹ dự đoán những đợt di cư xuyên biên giới đầy bất ổn và sự chao đảo của các chính phủ do hậu quả địa chính trị của đại dịch Covid-19 có thể khiến Tổng thống Biden thêm đau đầu.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
Một loạt vấn đề tồi tệ đặt ra thách thức đối với Tổng thống Biden, người đang ưu tiên đánh bại Covid-19, phục hồi nền kinh tế và xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên nhu cầu của người lao động Mỹ.
Theo đài CNN, về mặt lý thuyết, các bài phát biểu của giới chức Mỹ và chính sách ngoại giao từ chính quyền Washington mới là rất tốt. Nhưng các đối thủ của Mỹ hiếm khi hành xử theo đánh giá của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Washington.
Khó khăn từ Trung Quốc và Nga
Không có gì lạ khi cho rằng các đối thủ của Mỹ đang "thử thách" Tổng thống Biden. Với Nga, đó là động thái tập trung quân sự gần biên giới Ukraine thời gian gần đây, còn Trung Quốc là "thăm dò" khả năng phòng thủ của Đài Loan.
Về Triều Tiên, đây là một quốc gia bí ẩn luôn thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo Mỹ. Nước này vừa phóng 2 tên lửa dẫn đường mới hôm 25-3. Trong khi đó, hy vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Biden có thể gặp trở ngại nếu Tehran đối thoại cứng rắn.
Đài CNN cho biết Trung Quốc đã tăng tốc trong nhiều năm và hiện sẵn sàng khẳng định sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ ở châu Á cũng như ảnh hưởng siêu cường của mình tại các khu vực khác trên thế giới.
Nga, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, cũng đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm chia rẽ và làm suy yếu phương Tây.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Dimsum Daily
Chính quyền Tổng thống Biden hiểu rõ những vấn đề trên. Cuộc đụng độ ngôn từ nảy lửa bất thường giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc ở bang Alaska vào tháng trước đã gửi một thông điệp rõ ràng từ Washington tới Bắc Kinh rằng Tổng thống Biden sẽ không lùi bước.
Kể từ đó, Mỹ và Trung Quốc thay nhau điều tàu sân bay qua biển Đông. Bắc Kinh còn huy động số chiến đấu cơ kỷ lục - 25 chiếc - vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan với một thông điệp rõ ràng cho Washington rằng hãy tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cứng rắn
Trước những cảnh báo về khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trên đài NBC News hôm 11-4, đề cập tới hành vi gây hấn của Bắc Kinh đối với Đài Loan: "Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng cho bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".
Tại châu Âu hôm 13-4, ông Blinken gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleb. Trả lời phỏng vấn đài NBC News, ông tuyên bố: "Nếu Nga tiếp tục leo thang căng thẳng, Tổng thống (Biden) cho biết (họ) sẽ phải trả giá và chịu hậu quả". Sau đó 2 ngày, Mỹ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Nga về cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, tấn công mạng, bắt nạt Ukraine và những hành vi "khiêu khích" khác.
Tại châu Âu hôm 13-4, ông Blinken (phải) gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleb. Ảnh: Twitter
Giọng điệu cứng rắn của ông Blinken có thể là phản ứng trước những lập luận ở Nga và Trung Quốc rằng Mỹ là một cường quốc đang trong giai đoạn suy tàn, đã bị suy yếu bởi 2 thập kỷ chiến tranh, khủng hoảng tài chính, xung đột chính trị nội bộ và đại dịch Covid-19.
Quan điểm của Nhà Trắng đối với cả Nga lẫn Trung Quốc là sẽ tìm kiếm sự hợp tác với cả 2 nước nếu có thể. Cựu Ngoại trưởng John Kerry, hiện là đặc phái viên khí hậu toàn cầu của Tổng thống Biden, sẽ sớm đến Bắc Kinh để tìm kiếm điểm chung trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Scotland vào tháng 11 năm nay. Hôm 13-4, Tổng thống Biden đã gọi điện cho Tổng thống Putin, đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở nước thứ ba vào những tháng tới.
Cảnh báo về Afghanistan
Tổng thống Biden vừa quyết định rút lính Mỹ khỏi Afghanistan và điều này dĩ nhiên gây nhiều tranh cãi trong nước. Các đảng viên Cộng hòa lo ngại về việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ để lại khoảng trống nguy hiểm, từ đó châm ngòi nội chiến và tạo điều kiện cho phong trào Taliban trỗi dậy.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nói: "Rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan sớm là một sai lầm nghiêm trọng khi kẻ thù chưa bị tiêu diệt". Ngược lại, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz lập luận: "Việc đưa quân đội của chúng ta về nước không nên bị xem là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ kém cảnh giác hơn trong việc bảo vệ tính mạng của người Mỹ và các đồng minh của chúng ta. Chúng ta có thể làm như vậy mà không cần sự hiện diện quân sự thường trực ở những nơi thù địch".
0 comments