Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bộ trưởng trẻ nhất: Đường rộng mở cho con trai cựu Thủ tướng Dũng?

Sunday, April 18, 2021 11:42:00 AM // ,

VOA

15/4/2021 

Nguyễn Thanh Nghị (thứ 2 từ phải), con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Xây dựng, trở thành thành viên trẻ nhất trong nội các mới của chính phủ Việt Nam.


Con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thành viên trẻ nhất trong nội các mới của chính phủ Việt Nam

Nguyễn Thanh Nghị được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng hôm 8/4, ở tuổi 45. Theo truyền thông trong nước, con trai của cựu Thủ tướng Dũng là bộ trưởng trẻ nhất trong bộ máy Chính phủ vừa được kiện toàn do tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu.

Ông Nghị trở thành người đứng đầu Bộ Xây dựng sau khi giữ chức thứ trưởng bộ này từ tháng 10 năm ngoái. Lúc đó ông được bổ nhiệm quay trở lại chức vụ này sau khi làm bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang giữa lúc Bộ Chính trị Việt Nam đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng 13 vừa kết thúc hôm 1/2.

Nhận định về việc bổ nhiệm con trai cựu Thủ tướng Dũng, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á IASEAS Yusof-Ishak có trụ sở ở Singapore cho rằng việc này đã nằm trong “quy hoạch” về nhân sự từ trước.

“Trường hợp của ông (Nghị), cũng như nhiều trường hợp khác, đã được quy hoạch từ lâu rồi. Không có bất ngờ gì cả,” TS Hợp nói.

Trước khi được “điều động” trở lại Hà Nội làm công việc mà trước đó ông đã đảm nhận – thứ trưởng Bộ Xây dựng – động thái mà truyền thông trong nước khi đó gọi là “thuyên chuyển công tác”, ông Nghị đã bị kỷ luật “kiểm điểm rút kinh nghiệm” do những sai phạm đất đai theo kết luật của Thanh tra Chính phủ hồi cuối tháng 8 năm ngoái.

Ông Nghị là người duy nhất trong số 5 bí thư tỉnh Kiên Giang bị uỷ ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề nghị xem xét kỷ luật vì liên đới về trách nhiệm đối với các sai phạm trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường ở tỉnh này từ năm 2011 đến 2017, gây thất thoát hơn 2.300 tỷ đồng.

“Kỷ luật của ông (Nghị) ở Kiên Giang vừa rồi là rất nhẹ, đó là kỷ luật phê bình – mức thấp nhất so với khiển trách và cảnh cáo rồi khai trừ khỏi Đảng,” theo TS Hợp. “Theo quy định về kỷ luật thì phê bình về mặt chính quyền không bị ghi vào lý lịch cá nhân và Đảng viên. Người ta không coi đấy là một hình thức kỷ luật nặng cho nên đây chỉ như một lời nhắc nhở và không ảnh hưởng gì để (người bị kỷ luật) không làm gì khác được nữa.”

Trong tiểu sử tóm tắt tân Bộ trưởng Xây dựng mà VTV đăng tải, phần kỷ luật được ghi là “Không.”

So sánh với việc kỷ luật của ông Trương Tấn Sang, người lúc đó là uỷ viên Bộ Chính trị và trưởng ban Kinh tế Trung ương bị “khiển trách” vì thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam, thường được biết là vụ án “Năm Cam”, thì TS Hợp cho rằng việc kỷ luật của ông Nghị ở mức nhẹ hơn. Ông Sang sau đó tiếp tục thăng tiến trở thành chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2011-2016.

Khi con trai cựu Thử tướng Dũng bị kỷ luật kiểm điểm, đã có những nhận định từ giới quan sát chính trường Việt Nam cho rằng có khả năng chính phủ Hà Nội, với chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước, sẽ đụng đến sai phạm của ông Dũng – còn được biết là ‘đồng chí X’ – lúc còn đương nhiệm.

Trong thời gian con trai ông bị kỷ luật, ông Dũng bất ngờ xuất hiện trở lại khi trả lời phỏng vấn VTV nhân dịp ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương mà ông từng giữ chức trưởng ban để ca ngợi “cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng,” và theo giới quan sát đó có thể là “tín hiệu gì đó về thế cân bằng” quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 được tổ chức trong vài tháng sau đó.

Chiến dịch chống tham nhũng, được truyền thông trong nước gọi là “đốt lò” của ông Trọng – người thâu tóm đuợc nhiều quyền lực trong tay hơn khi kiêm nhiệm chức Chủ tịch vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, trong vài năm qua được giới quan sát cho là nhắm vào ông Dũng thông qua một loạt các ‘đại án’ liên quan tới nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo các ngân hàng, và cả ngành công an, dẫn tới việc cựu Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù.

Thăng tiến sau kỷ luật

Sau khi được luân chuyển trở về đảm nhiệm chức thứ trưởng Bộ Xây dựng lần thứ 2, ông Nghị tiếp tục thăng tiến lên chức bộ trưởng.

Ông Nghị lần đầu tiên được bổ nhiệm chức thứ trưởng Bộ Xây dựng vào năm 2011, khi bố ông đang làm thủ tướng, và lúc đó ông mới có 35 tuổi. Sau đó ông trở thành người đứng đầu tỉnh Kiên Giang, nơi xuất thân của ông Dũng, từ 2015-2020. Theo truyền thông trong nước, con trai ông Dũng là bí thư Tỉnh uỷ trẻ nhất Việt Nam tại thời điểm được bầu.

“Chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng là khá phù hợp với nghề mà ông (Nghị) có kinh nghiệm và được học,” TS Hợp nói. “Ông ấy học cả thạc sỹ và tiến sỹ một cách xuất sắc ở một trường đại học có tiếng của Mỹ và đúng ngành xây dựng.”

Theo lý lịch của ông Nghị được VTV đăng tải, tân Bộ trưởng Xây dựng có trình độ chuyên môn là Tiến sỹ Khoa học ngành Kỹ thuật xây dựng và từng có thời gian công tác tại trường Đại học Kiến trúc TPHCM với vai trò là giảng viên và sau đó là phó hiệu trưởng. Ông có bằng thạc sỹ và tiến sỹ tại Đại học George Washington của Mỹ.

Theo nhận định của TS Hợp, với việc ông Nghị được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ra ứng cử Quốc hội thì giờ đây con trai cả của Thủ tướng Dũng đã trở thành một chính khách với con đường sự nghiệp chính trị rộng mở phía trước.

“Tôi nghĩ rằng với đà này và ông (Nghị) giữ được nhịp độ làm việc có hiệu quả thì ông ấy còn lên nữa,” TS Hợp nói và nhận định rằng ông Nghị ít nhất có thể “lên đến chức phó thủ tướng.”

TS Hợp hy vọng rằng, với việc ông Nghị trở thành bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong nội các mới của Việt Nam, một chính phủ mới ở Hà Nội đang hướng tới việc thu hút tài năng mà không phải vì họ là “con quan” hay có bệ đỡ từ gia đình. 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.