Thấy gì từ câu chuyện cụ Sơn bán vé số?
VOA blog - Trân Văn
20/04/2021
Cô Nguyễn Đỗ Trúc Phương và ông Võ Văn Sơn. (Hình: Facebook Trúc Phương Nguyễn Đỗ)
Nhiều người sử dụng mạng xã hội đang chuyển cho nhau xem câu chuyện về cụ Võ Văn Sơn, 63 tuổi, bị câm điếc, kiếm sống bằng việc bán vé số ở TP.HCM.
Vì không thể mời chào thiên hạ mua vé số như nhiều người khác, cụ Sơn tới lui với tấm bảng nhỏ: Tôi bị câm điếc, xin cô bác giúp đỡ! Hình ảnh đó làm Nguyễn Đỗ Trúc Phương, 25 tuổi, chạnh lòng và qua facebook Phương kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ cụ Sơn. Mới rồi, Phương đem 75 triệu đồng đến trao cho cụ Sơn, cụ từ chối vì khoản tiền này quá lớn! Phương giữ lại 55 triệu để trao cho những người nghèo khác và chỉ giao cho cụ Sơn 20 triệu nhưng cụ vẫn từ chối. Cụ Sơn chỉ xin nhận… năm triệu đồng. Qua… bút đàm với Phương, cụ Sơn đề nghị cô giữ lại thêm 15 triệu để có thể giúp nhiều người hơn. Phương tâm sự rằng đây là lần đầu tiên cô gặp một người đáng giúp, được giúp nhưng lại chỉ chịu nhận một khoản nhỏ và chính cụ Sơn đã dạy Phương, rằng nếu biết đủ, lòng sẽ thấy an nhiên (1).
Tờ Thanh Niên vừa đăng lại câu chuyện của Phương, vừa đi gặp cụ Sơn để viết thêm về cụ. Qua giấy bút, cụ Sơn kể rằng cụ không phải là người bị câm điếc bẩm sinh. Câm điếc là di chứng do bị pháo kích khi đang ở dưới hố cá nhân hồi chiến tranh Việt Nam. Cụ giải thích thêm, rằng sở dĩ cụ chỉ nhận 5/75 triệu vì còn có thể kiếm ra tiền trong khi còn rất nhiều người khổ hơn rất cần được giúp đỡ. Cụ Sơn bảo, “có” gì đó là diễm phúc. Nhu cầu vốn bất tận và ít ai bằng lòng với hiện tại. Cụ chọn biết “đủ” để có bình an. Cụ khẳng định cụ thấy hạnh phúc vì được yêu thương. Giàu có mà không được yêu thương cũng giống như cây thiếu nước. Theo tờ Thanh Niên, tuy già yếu, cụ Sơn vẫn tới lui rất nhiều nơi chứ không quẩn quanh một chỗ bởi sợ làm phiền thiên hạ, vì thương mà ngày nào cũng mua giúp, giống như họ… thiếu nợ cụ vậy (2)!
***
Câu chuyện về cụ Sơn khiến kẻ viết bài này nhớ đến vài chuyện khác. Tại Việt Nam, cho dù ai cũng biết bán vé số, bán trà đá, bán hàng rong, chạy xe ôm,… là kiểu mưu sinh của những người không may bị cuộc đời đẩy vào tuyệt lộ nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ dã tâm bóp, nặn giới cùng đinh bằng thuế, phí. Năm 2005, Tổng cục Thuế từng ban hành một qui định mà bản chất là tước đoạt khoản hoa hồng vốn đã rất ít ỏi của người bán vé số dạo (3). Do bị công chúng chỉ trích kịch liệt, Tổng cục Thuế phải tạm ngưng thực thi… sáng kiến tàn bạo ấy, tuy nhiên từ đó đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không ngừng… thay đổi lập luận, ban hành đủ loại qui định, sáng tạo nhiều cách thức nhằm nâng cao khả năng vắt kiệt sinh lực người nghèo...
Năm 2018, sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã tăng đủ loại thuế (giá trị gia tăng - GTGT, tiêu thụ, tài sản, thu nhập cá nhân - TNCN, môi trường với xăng dầu...) nhưng vẫn không thể cân đối thu – chi ngân sách, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, công khai chỉ trích hệ thống công quyền bỏ sót những người… bán trà đá vì đó là lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, từ 5.000% đến 7.000% nhưng không góp đồng nào cho ngân sách (4)!.. Khi nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân gồm phần lớn những người như ông Tiến thì tất nhiên là phải có những văn ban pháp qui như Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Hướng dẫn cách thức thực hiện Luật Quản lý Thuế: Tính thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế,…) mà chính phủ Việt Nam ban hành hồi năm ngoái (2020).
Năm 2019, chính quyền Việt Nam liên tục đốc thúc ngành thuế phải thường xuyên rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, người kinh doanh quán cóc, vỉa hè (5)… Năm 2020, với Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tài xế công nghệ (mỹ từ dùng để gọi giới chạy xe ôm ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm – nhận khách qua một số ứng dụng trên Internet, điện thoại ), không được nộp thuế theo mức cũ (khoán thuế GTGT ở mức 3%) mà phải đóng thuế GTGT là… 10% trên doanh thu (6)… Năm 2019, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xác định nguồn thu từ vé số là 29.000 tỉ, sang năm 2020, nguồn thu từ vé số được ấn định là phải đạt khoảng 31.700 tỉ đồng – chẳng thua chỉ tiêu dự thu từ xuất cảng dầu thô (34.000 tỉ) bao nhiêu (7)!
Cứ so các khoản đầu tư cũng như những ưu đãi dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với giới bán vé số sẽ thấy… trên con đường xây dựng CNXH, người nghèo tại Việt Nam mặc nhiên được ấn vào tay một loại… giải đặc biệt mà nhóm thân yếu, thế cô ở những xứ sở khác không bao giờ được… trao tặng! Loại giải đặc biệt ấy là tiền đề tạo ra một loại giải đặc biệt khác dành riêng cho những cá nhân tuy không được ủy thác vẫn tự giành lấy vai trò… suốt đời phục vụ nhân dân.
Cách nay khoảng hai tháng, hệ thống truyền thông chính thức loan báo, Bộ Công an Việt Nam đang xúc tiến việc xây trụ sở mới ở Hà Nội. Theo ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, sở dĩ Bộ Công an phải thay đổi trụ sở vì trụ sở hiện nay còn rất khiêm tốn, quy hoạch còn bất cập so với nhu cầu sử dụng... cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng, sửa chữa, bảo đảm tính uy nghiêm, trang trọng (8)... Cần phải nhớ rằng, trụ sở hiện nay của Bộ Công an mới sử dụng chừng mười năm và vào lúc ấy được giới thiệu thế này: Công trình nằm trên diện tích 5,3 héc ta, có kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tầm cỡ quốc tế, đảm bảo chỗ làm việc cho lãnh đạo Bộ Công an và hơn 4.000 cán bộ Văn phòng Bộ. Trụ sở có 182.000 mét vuông sàn, bao gồm nơi làm việc, hội trường, phòng họp, nhà khách, khu thể thao,… có thể chống được động đất cấp 7, cấp 8. Đặc biệt, công trình được lắp đặt hệ thống thiết bị sử dụng tiết kiệm điện năng, hệ thống điều khiển tòa nhà thông minh và hệ thống kiểm soát an ninh hiện đại (9)…
Dẫu chi phí xây dựng trụ sở hiện nay của Bộ Công an không được bạch hóa nhưng dựa trên những số liệu liên quan đến trung tâm hành chính của một số tỉnh, thành phố được thi công vào thời điểm đó (diện tích khuôn viên, diện tích sàn, công năng, tiện nghi,…) có thể ước đoán, số tiền chi cho việc xây dựng trụ sở Bộ Công an hiện nay và sắp bị loại bỏ để xây mới không thể dưới 10.000 tỉ. Khoản tiền đó dù không nhỏ nhưng ông Tô Lâm và các công bộc trong ngành vẫn thấy chưa… tương xứng với vị thế của họ!
Vì sao có sự khác biệt rất lớn về tâm thế giữa những người như cụ Sơn với ông Tô Lâm và các đồng chí của ông? Chẳng lẽ không được ủy thác, chỉ cần giành – giữ vai trò… suốt đời phục vụ nhân dân là đương nhiên có quyền… ăn trên, ngồi trước, có quyền chất... nghĩa vụ đặc biệt lên vai đồng bào buộc họ gánh vác, có quyền ấn vào tay những người yếu thế… giải đặc biệt thấm đẫm mồ hôi, nước mắt để tạo ra một loại… giải đặc biệt khác cho mình?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/phon.halyza/posts/10216268902789925
(4) https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/thue-voi-toi-nguoi-ban-tra-da-967152.html
(6) https://tuoitre.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-run-vi-thue-sap-tang-20201124210837981.htm
(7) https://tuoitre.vn/nhin-vao-nen-kinh-te-ve-so-20200824231635519.htm
(9) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Khanh-thanh-cong-trinh-tru-so-Bo-Cong-an/105228.vgp
0 comments