Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Ðiểm Báo Pháp – 19/4/21

Monday, April 19, 2021 7:05:00 PM // ,

Ðiểm Báo Pháp – 19/4/21

Bí ẩn về nguồn gốc Covid khuấy động xung đột Mỹ-Trung

19/04/2021 – «Thật kỳ lạ khi đại dịch lại xuất phát ngay chính thành phố duy nhất của Trung Quốc có được một phòng thí nghiệm sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về virus corona trên loài dơi». Nếu Covid khởi đầu từ vùng Essonne ở ngoại ô Paris, nơi đặt trụ sở một trong ba phòng thí nghiệm P4 của Pháp, thì ai có thể tin rằng đó chỉ là một sự ngẫu nhiên như Trung Quốc đang tuyên truyền?

Trang nhất của Le Figaro hôm nay dành cho tổng thống Pháp, trong bài phỏng vấn độc quyền ông Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm làm giảm tình trạng tội phạm, «vì quyền được sống yên ổn» của người dân. Libération quan tâm đến những người mà việc giải phẫu phải hoãn lại để dành chỗ cho bệnh nhân Covid, Le Monde nói về nỗ lực trị liệu của ngành y tế để những thủ phạm bạo hành tình dục không tái phạm. Les Echos cảnh báo «Nợ công, quả bom nổ chậm», khi nợ của 35 nước giàu nhất đã tăng gấp bốn lần trong 25 năm qua. La Croix đặt câu hỏi «Một hiệp ước nguyên tử Iran, liệu vẫn còn có thể?»

Bên ngoài khu vực phòng thí nghiệm P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán, ngày 03/02/2021.
Bên ngoài khu vực phòng thí nghiệm P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán, ngày 03/02/2021. AP – Ng Han Guan

Đại dịch xảy ra tại nơi có phòng thí nghiệm P4: Ngẫu nhiên?

Về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Les Echos có bài phân tích «Bí mật về nguồn gốc Covid càng làm tăng thêm sự đối địch Mỹ-Trung». Chính quyền Biden muốn buộc Bắc Kinh phải trả giá vì đã dối trá, giấu diếm nguyên nhân xảy ra đại dịch, đây sẽ là mối đe dọa nặng nề cho Trung Quốc.

«Vụ con virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 một cách bí ẩn», nghe chừng như là tựa đề của một truyện phiêu lưu Tintin, nhưng lại là một thực tế đang làm gay gắt thêm cuộc đối đầu thế kỷ giữa Washington và Bắc Kinh. Giáo sư Matt Ridley của đại học Oxford khẳng định đây là một giả thiết khả tín, ông nói : « Thật kỳ lạ khi đại dịch lại xuất phát ngay chính thành phố duy nhất của Trung Quốc có được một phòng thí nghiệm sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về virus corona trên loài dơi».

Bắc Kinh đã thành công trong việc áp đặt ý tưởng con virus độc hại xuất phát từ những con dơi bày bán ở chợ Vũ Hán, tuy nay đã nhìn nhận rằng không có chợ nào bán loài vật này tại Vũ Hán, và con virus có bộ gien gần giống với Covid-19 nhất sống bám trên dơi trong những hang động cách đó tận 1.200 kilomet. Nếu đại dịch khởi đầu từ Vert-le-Petit thuộc vùng Essonne ở ngoại ô Paris, nơi đặt trụ sở một trong ba phòng thí nghiệm P4 của Pháp, thì ai có thể tin rằng đó chỉ là một sự ngẫu nhiên như Trung Quốc đang tuyên truyền?

Virus SARS đã hai lần thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc

Bắc Kinh gặp may mắn là giả thiết virus corona thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán, nơi chuyên nghiên cứu những con virus nguy hiểm nhất, được tổng thống Donald Trump đưa ra, vì lời nói của ông ít được tin tưởng.

Thế nên trong cuộc chiến về xuất xứ đại dịch, Bắc Kinh đã thắng được ván đầu. Quốc gia duy nhất đòi phải mở điều tra quốc tế là Úc đã phải chịu đựng sự trả thù về hàng xuất khẩu sang Trung Quốc – không thể bình an vô sự khi chọc giận đối tác thương mại chính của 15-20 nước lớn trên thế giới. Châu Âu từ một năm qua tự bằng lòng với hàm ý về sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, những người ủng hộ giả thiết con virus thoát khỏi phòng thí nghiệm bị coi là theo thuyết âm mưu.

Nhưng tờ báo rất nghiêm túc Washington Post ngay từ tháng 4/2020 đã nhấn mạnh giả thiết không có gì là hoang tưởng : virus SARS, người anh em nguy hiểm của Covid-19, đã bốn lần thoát khỏi các phòng thí nghiệm có độ an toàn cao, trong đó có hai lần tại Trung Quốc. Và một kỹ thuật viên của một phòng thí nghiệm Vũ Hán (ít an toàn hơn, cách nơi xảy ra ca đầu tiên chỉ có 300 mét) từng khoe trong một video đang thao tác với các virus độc hại mà không mặc trang phục bảo hộ. Các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nuôi cấy đến 1.500 dòng virus, là « ngân hàng » lớn nhất tại châu Á.

Gió đang đổi chiều

Tuy nhiên gió đang bắt đầu đổi chiều. Cựu giám đốc Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ, Robert Redfield hồi cuối tháng Ba tuyên bố ông tin rằng đây là một sự cố phòng thí nghiệm. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dù những năm qua thông đồng với Bắc Kinh, cũng cho là « tất cả các giả thiết đều phải được xem xét », nhất là ê-kíp của WHO bị cấm tiếp cận các dữ liệu quan trọng của Vũ Hán. Tổng thống Biden cùng với 13 nước đồng minh hôm 30/03 tố cáo sự mập mờ của Bắc Kinh. Giám đốc tình báo Mỹ Avril Haines thứ Tư 14/04 khẳng định trước một ủy ban Thượng Viện là không loại trừ giả thiết con virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.

Nếu rốt cuộc dư luận tin rằng các nhà khoa học Trung Quốc thiếu thận trọng để xảy ra tai nạn, sau đó lại nói dối khiến nhân loại phải rơi vào một cuộc khủng hoảng dịch tễ, xã hội, kinh tế, tâm lý chưa từng thấy xưa nay, sẽ là thảm họa cho Bắc Kinh. Chuyên gia François Heisbourg của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược đánh giá đó là « một Tchernobyl lũy thừa 10 ». Chế độ sẽ bị mất mặt và bị trừng phạt, tất cả các Nhà nước và doanh nghiệp làm ăn với một quốc gia nguy hiểm như vậy gánh lấy rủi ro cao, chủ yếu là về uy tín.

Câu chuyện Trung Quốc chiến thắng vẻ vang con virus cũng sẽ bị xé toạc, hơn nữa vac-xin Trung Quốc lại tỏ ra kém hiệu quả. Dù không thể kiện tụng, nhiều nước sẽ buộc Bắc Kinh phải trả giá, chiến lược bành trướng thông qua « Con đường tơ lụa » coi như tiêu tùng. Vấn đề là làm thế nào Washington tranh thủ được tình thế này. Theo ông Heisbourg, Joe Biden không có lợi khi gây chiến. Biden sẽ dấn thêm nước cờ nhưng không vượt qua lằn ranh đỏ, đòi hỏi phải làm rõ khiến Bắc Kinh ngày càng lao sâu vào gian dối và mất uy tín. Dù sao đi nữa, rất khó tìm được bằng chứng, 16 tháng sau khi đại dịch khởi phát. Trong khi hồi năm 2003 Bắc Kinh chỉ mất vài tuần lễ để tìm ra xuất xứ dịch SARS.

Tiêm chủng ở Mỹ: Kết quả gặt hái từ chiến dịch Thần tốc của Donald Trump

Về mặt y tế đơn thuần, Les Echos giải thích « Làm thế nào Hoa Kỳ đã vượt qua thử thách tiêm chủng ». Tất cả những người Mỹ trưởng thành kể từ hôm nay đã được chích ngừa Covid, mục tiêu là đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa hè này.

Ngưỡng 200 triệu liều đã vượt được, và nhịp độ tiêm chủng ngày càng nhanh, với 3,35 triệu liều mỗi ngày. Đó là nhờ chiến dịch Warp Speed (Thần tốc) do cựu tổng thống Donald Trump tung ra hồi tháng 5/2020 : đầu tư ồ ạt, chấp nhận mọi rủi ro, điều hành theo kiểu nhà binh… Chính quyền Trump không từ bất cứ điều gì để tìm ra vac-xin. Nhiều công nghệ được lựa chọn để có được tối đa cơ hội, việc triển khai và sản xuất được công tư cùng phối hợp, các liều vac-xin được đặt mua trước. Ông Joe Biden kế tục với chiến lược tiêm chủng cấp quốc gia tại các bệnh viện, nhà thuốc, ngay cả trong siêu thị. Theo CDC, trong số 66 triệu người Mỹ đã được chích ngừa, chỉ có 5.800 ca bị lây nhiễm, tức 0,008%, hết sức thấp nếu so với vac-xin cúm thông thường.

Nga: Nhà đối lập Navalny đang chết dần mòn trong tù

Liên quan đến Nga, các báo đều chú ý đến tình trạng sức khỏe tồi tệ của nhà đối lập Alexei Navalny đang bị giam giữ trong một nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt. Theo Libération, Navalny đang chết dần mòn trong cảnh tù tội.

Cuối tuần qua, phát ngôn viên của Navalny kêu cứu trên mạng xã hội « Alexei sắp chết, trong tình trạng hiện nay sự sống chỉ tính theo từng ngày ». Nhà đối lập 44 tuổi từ nhiều tuần qua đòi được gặp bác sĩ vì đau lưng, chân tay mất cảm giác nhưng vô vọng, để phản đối ông bắt đầu tuyệt thực từ 31/03 và mỗi ngày sụt mất một kí lô. Một trong những bác sĩ quen của Navalny báo động ông cần phải được chăm sóc tích cực vì có nguy cơ ngưng tim. Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, điện Kremlin sẽ không để Navalny chết vì không có lợi, nhưng Putin sẽ không dành cho nhà đối lập một ưu đãi nào. Đối với Putin, hồ sơ đã đóng lại, Navalny đã ở trong tù, mọi việc nay phó mặc cho trời. Nhà hoạt động sẽ trở thành món hàng trao đổi với phương Tây một ngày nào đó.

Hai điệp viên Nga đầu độc Skripal cũng nhúng tay vào các vụ ở CH Séc

Cũng về nước Nga, Libération cho biết Praha vừa phát hiện một vụ gián điệp : các nhân viên tình báo Nga bị nghi ngờ đã đầu độc Sergeui Skripal tại Anh năm 2018 được cho là đã gây ra vụ nổ kho đạn năm 2014 tại Cộng hòa Séc. Vì vậy Praha đã trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga.

Hôm 16/10/2014, một nhà kho ở Vrbetice chứa 58 tấn đạn dược đã bị nổ tung làm hai người chết. Nguyên nhân không được rõ, cho đến tối thứ Bảy 17/04 vừa rồi. Chính quyền loan báo cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) có thể là thủ phạm, cho biết đang nắm giữ những « bằng cớ không thể chối cãi » nhờ thông tin mới nhận được, không cho biết nguồn. Cảnh sát Cộng hòa Séc nêu ra hai nghi can : Alexander Petrov và Ruslan Boshirov, hai cái tên giả được sử dụng trong vụ đầu độc Skripal.

Theo trang web điều tra Bellingcat, tên thật của hai điệp viên này là Alexander Mishkin và Anatoly Chepiga, đều thuộc đơn vị 29155 của GRU. Cả hai đã đến Praha trước vụ nổ vài ngày và thuê một căn hộ ở Ostrava gần kho đạn. Đúng ngày xảy ra vụ nổ, họ bay trở về Matxcơva. Vụ này còn liên quan đến cái chết khó giải thích vài tháng sau của một nhà buôn chuyên bán vũ khí cho Ukraina, rất giống với vụ đầu độc bằng Novitchok. Trước tiết lộ của Praha, Matxcơva đe dọa « trả đũa ». Chủ đề này được thảo luận hôm nay trong cuộc họp các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu.

Erdogan, Tập và Putin: Ba khuôn mặt, một tham vọng

Tác giả Dominique Moisi trên Les Echos cho biết trên tường chỗ làm việc của tổng thống Putin ở điện Kremlin có treo ba bức chân dung : Pierre Đại đế, Alexandre Pouchkine và tướng De Gaulle. Ông tự hỏi, chân dung nào được treo ở văn phòng Tập Cận Bình ? Có thể là hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Khổng Tử và Mao Trạch Đông. Còn nơi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, rất có thể là người hùng Mustafa Kemal Ataturk, « Cha già dân tộc Thổ ». Một bộ phim nhiều tập của Thổ Nhĩ Kỳ trên Netflix mang tên « Ottoman » được mở đầu bằng câu « Để khai sinh một đế quốc, cần phải có một đế quốc chết đi ».

Công thức này là chìa khóa cho chính sách của Putin, Tập Cận Bình và Erdogan. Tham vọng của họ : trả thù cho những nhục nhã trong quá khứ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ là dọc theo chiều dài lịch sử, từ 1840 đế giữa thế kỷ 20 với Trung Quốc và 1991 đến 2000 đối với Nga. Cảm giác của Thổ Nhĩ Kỳ khi phương Tây can thiệp vào những vùng đất thuộc đế quốc Ottoman cũ rất giống với Nga về Ukraina và Trung Quốc về Đài Loan. Khích động chủ nghĩa dân tộc để đánh lạc hướng những bất bình của nhân dân cũng là điểm chung của các chế độ này.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210419-b%C3%AD-%E1%BA%A9n-v%E1%BB%81-ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-covid-khu%E1%BA%A5y-%C4%91%E1%BB%99ng-xung-%C4%91%E1%BB%99t-m%E1%BB%B9-trung 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.