Bản tin ngày 16-4-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
BBC đặt câu hỏi về diễn biến mới ở Biển Đông: VN tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa để ‘tỏ thái độ’ với TQ? TS Nguyễn Thành Trung, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ISCS) bình luận về sự kiện tàu khu trục Quang Trung đến tập trận ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng: “Chính phủ Việt Nam muốn gửi đi một thông điệp lớn lao hơn nhiều: khẳng định Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa”.
TS Trung nhận định: “Trung Quốc sẽ bị thiệt hại về chiến lược nếu đẩy căng thẳng ở biển Đông lên cao vào thời điểm này… Tôi cũng cho rằng Việt Nam vẫn giữ chính sách nhất quán của mình đối với chủ quyền ở khu vực biển Đông, nhưng vẫn áp dụng chính sách mềm dẻo với Trung Quốc hơn là một chính sách đối đầu mang tính cứng rắn trong tương lai”.
RFA đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có là quốc gia quyết định số phận Biển Đông hay không? ThS Hoàng Việt phân tích: “Đúng ra là Việt Nam chỉ góp phần quan trọng trong đó thôi chứ Việt Nam không phải là quốc gia có thể tạo ra những thay đổi ở Biển Đông… Nếu Việt Nam đứng về phía Mỹ lúc này thì cục diện Biển Đông sẽ thay đổi rất lớn. Nhưng cho đến bây giờ thì Việt Nam vẫn chưa muốn”, dù Mỹ đã ra tín hiệu mời gọi VN tham gia liên minh các nước muốn kiềm chế yêu sách của TQ ở Biển Đông.
VnExpress đưa tin: Philippines công bố ảnh áp sát tàu Trung Quốc ở Ba Đầu. Cảnh sát biển Philippines công bố hình ảnh, cho thấy hoạt động của tàu tuần tra BRP Cabra trên vùng biển gần bãi Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn Đông, trong quần đảo Trường Sa. Ít nhất 6 tàu vỏ sắt của TQ được thấy, đang thả neo trong khu vực. Trong các bức ảnh được công bố, có một ảnh cho thấy, xuồng cao su của lực lượng chức năng Philippines áp sát nhóm tàu TQ vào ngày 14/4.
VietNamNet có clip: Bí mật đằng sau thứ gọi là Dân Quân Biển của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự hiện diện của lực lượng này. Mỗi khi bị chất vấn, họ gọi đó là “dân quân biển”. Nhưng các chuyên gia phương Tây cho rằng, lực lượng này thực chất “là một phần không thể tách rời trong nỗ lực thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông”.
Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc đánh bắt cá quá mức ở Biển Đông ‘nguy hiểm hơn xâm lược’? Tàu dân binh TQ dàn quân ở Đá Ba Đầu không phải để đánh cá, nhưng vì tàu của “dân quân biển” được hoán cải từ tàu cá thật, nên các tàu này vẫn khai thác hải sản. Hôm qua, Tổ chức cứu trợ môi trường Homonhon (Hero) ở Philippines, cảnh báo, các tàu TQ bị phát hiện hoạt động ở cụm đảo Sinh Tồn và đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa có chiều dài ít nhất 60 m, mỗi tàu có khả năng đánh bắt ít nhất một tấn cá/ ngày.
Ông Villardo Abuene, Chủ tịch Tổ chức Hero cảnh báo: “Ngư dân Trung Quốc đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển của chúng ta. Thậm chí, họ bán hải sản cho ngư dân của chúng ta với giá cao hơn”. Một số ngư dân ở tỉnh Zambales, của Philippines đã phải ngưng hành nghề ở khu vực bãi cạn Scarborough, do nguồn hải sản ở đó bị cạn kiệt.
VnExpress dẫn tin từ Sputnik: Tàu sân bay Type-003 của Trung Quốc lộ hình hài. Gần 4 năm sau khi TQ hạ thủy tàu sân bay thứ 2, tàu Sơn Đông, cũng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, hiện TQ đang hoàn thành tàu sân bay thứ 3. Không ảnh do vệ tinh Kompsat của Hàn Quốc chụp ngày 28/3, được công bố gần đây, cho thấy, tàu sân bay Type-003 của TQ tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải đã được ráp nối phần thân, nhưng chưa được hoàn thiện sàn đáp và lắp đài chỉ huy.
Hôm qua, chuyên gia hàng hải H. I. Sutton bình luận trên Naval News: “Ảnh vệ tinh cho phép chúng ta ước tính chiều dài mớn nước của chiến hạm vào khoảng 300 m, ngắn hơn một chút so với tàu sân bay lớp Ford của Mỹ với chiều dài 317 m và dài hơn các tàu sân bay trước của Trung Quốc. Tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc có mớn nước dài khoảng 270 m”.
Vụ TQ tổ chức tập trận gần Đài Loan vào lúc phái đoàn Mỹ thăm Đài Bắc, Infonet đặt câu hỏi: Trung Quốc tập trận quy mô lớn gần Đài Loan ‘chỉ để cho Mỹ xem’? Một nguồn tin thân cận với giới an ninh Đài Loan cho biết, ít nhất một trong số các hoạt động tập trận mà quân đội TQ tiến hành là diễn tập “chống tiếp cận” để ngăn các lực lượng quân sự nước ngoài vào hỗ trợ Đài Loan, trong trường hợp TQ tổ chức tấn công hòn đảo: “Trung Quốc tuyên bố các cuộc tập trận diễn ra gần Đài Loan và vị trí Trung Quốc lựa chọn diễn tập chính là nhằm gửi thông điệp tới quân đội Mỹ”.
RFI đưa tin về cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ – Nhật: Hai lãnh đạo Mỹ – Nhật có thể ra tuyên bố chung về Đài Loan. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp giấu tên của chính quyền Mỹ, cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ ra một tuyên bố chung về Đài Loan, nhằm đáp lại một loạt hành động quân sự của TQ nhắm vào Đài Loan gần đây.
VTC có bài: Bộ tứ hợp tác đối phó với ‘chiến tranh không tuyên bố’ của Trung Quốc. Diễn đàn Đối thoại Raisina của Ấn Độ có sự tham gia của các ông Tim Cahill, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực phòng không và phòng thủ tên lửa của hãng Lockheed Martin, Tổng tư lệnh quân đội Australia Angus Campbell và người đồng cấp Nhật Bản Koji Yamazaki, cùng các khách mời đến từ nhóm “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.
Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Raisina, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, các thành viên “Bộ Tứ” đang tìm cách đạt được “sự cân bằng mang tính chiến lược và lâu bền” trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông Morrison cảnh báo, khu vực này đã trở thành “tâm điểm của cạnh tranh chiến lược, nơi xuất hiện ngày càng nhiều yêu sách về lãnh thổ và việc hiện đại hóa quân sự diễn ra với tốc độ chưa từng có”.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Đến Biển Đông, nhóm tàu sân bay Anh sẽ ‘né’ eo biển Đài Loan. Nguồn tin của báo The Telegraph cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ di chuyển theo một hải trình tránh khiêu khích TQ. Nhóm tàu của Anh vẫn sẽ đi qua Biển Đông nhưng không đi qua eo biển Đài Loan, mà sẽ rời Biển Đông theo hướng đông, kết thúc chuyến hải trình tại Nhật Bản.
Hải trình nói trên đã gây tranh cãi trong chính giới Anh quốc. Ông Iain Duncan Smith, cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ phát biểu: “Tôi hài lòng về việc nhóm tác chiến tàu sân bay được triển khai ở Biển Đông, nhưng hạm đội này cần kết thúc quá trình bằng cách đi qua eo biển Đài Loan, theo đó cho Trung Quốc biết rằng họ không chấp nhận các hành động hung hăng của Bắc Kinh đối với các [nước] láng giềng. Tôi hy vọng họ sẽ xem lại hải trình của mình”.
Mời đọc thêm: Diễn biến nóng quanh eo biển Đài Loan (TN). – Australia cảnh báo thảm họa nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan (VNE). – Cảnh sát biển Philippines đăng ảnh tiếp cận tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu (VTC). – Trung Quốc dùng chiêu cũ ở Biển Đông thử thách ông Biden? (VNN). – Trung Quốc phủ bóng thượng đỉnh Mỹ – Nhật (NLĐ. – Quân đội Nhật Bản có ‘động thái lạ’ tăng cường đối phó Trung Quốc (Infonet). – Tàu HMS Queen Elizabeth của Anh gặp sự cố trước hải trình đầu tiên (TTXVN). – Ảnh vệ tinh tiết lộ bất ngờ về tàu sân bay mới của Trung Quốc (DT).
Về phiên tòa xử vụ “gang thép Thái Nguyên”
Phiên tòa xử sai phạm trong dự án gang thép Thái Nguyên, liên quan đến Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng Công ty Thép VN (VNS) tiếp tục diễn ra. Trong các ngày xử trước đó, HĐXX tỏ rõ quan điểm sẽ không xét đến cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, dù ông này đã ký duyệt nhiều văn bản quan trọng của dự án. Cho nên, trong ngày xử hôm nay, các bị cáo và LS chuyển sang xin giảm nhẹ tội chứ không tranh cãi vấn đề trách nhiệm nữa.
Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Luật sư đồng loạt đề nghị chuyển tội danh, trang An Ninh Thủ Đô đưa tin. Các LS Trương Anh Tú, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu cho rằng, các cựu lãnh đạo, quan chức của VNS và TISCO đều chỉ là những người thừa hành, chuyện can thiệp vào hợp đồng với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim TQ để làm giảm thiệt hại của dự án vốn đã quá khả năng của họ. Các LS đề nghị chuyển tội danh cho các bị cáo thành “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Zing dẫn lời bị cáo Mai Văn Tinh: Mức án 6-7 năm tù là hơi nặng. Cựu Chủ tịch HĐQT VNS khẳng định, trong quá trình làm dự án, ông và các đồng sự đều đã tìm cách thúc đẩy, để dự án không bị chậm tiến độ: “Nhưng muốn có phương án tối ưu thì phải xin ý kiến cấp trên. Sau khi được phê duyệt, phương án đó giao cho tổng giám đốc TISCO thực hiện”.
Mời đọc thêm: Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm (Tin Tức). – Cựu chủ tịch tổng công ty thép VN: “VKS đề nghị án hơi nặng’ (PLTP). – Cựu Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam: Hình phạt 6-7 năm tù hơi nặng (VTC). – Đề nghị chuyển tội danh các bị cáo trong vụ án tại TISCO (HNM). – Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Bộ Công Thương giới thiệu nhà thầu yếu kém (GDTĐ).
Thành Hồ đòi đất để làm đường
Vụ đòi đất ở thành Hồ: TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng chuyển giao 3 khu đất để làm đường, VTC đưa tin. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã ký 3 văn bản, kiến nghị Bộ Quốc phòng chuyển giao gần 9.000m2 đất, nhằm thực hiện 3 dự án giao thông quy mô lớn trong lộ trình giải quyết vấn đề ùn tắc ở quận Gò Vấp.
Để thực hiện 3 dự án nói trên, thành Hồ cần một khu đất rộng 3.800m2 thuộc quyền quản lý của 8 đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, một khu đất rộng hơn 3.600m2, do Cục Quân nhu quản lý và một khu đất rộng 1.400m2 do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý. Không rõ phía Bộ Quốc phòng có chịu “nhả” ra hơn 8.800m2 đất cho quan chức thành Hồ làm đường?
Mời đọc thêm: TP Hồ Chí Minh kiến nghị chuyển giao 3 khu đất để làm đường (KTĐT). Mời đọc lại: TP.HCM kiến nghị sớm giao đất quốc phòng để mở đường nối khu sân bay Tân Sơn Nhất (TT).
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Giáo dân đào ao thả cá trên đất Giáo xứ; chính quyền cản vì nói đất của Nhà nước. Đó là vụ báo “lề phải” cho rằng, nhiều giáo dân ở Giáo xứ Dũ Thành “lấn chiếm đất”, đào hồ nuôi cá, với diện tích gần 2.000 m2 đất nông nghiệp ở thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Phía báo chí “lề phải” cáo buộc giáo dân xâm phạm đất nhà nước, nhưng các giáo dân nói rằng, đó là đất của họ.
Linh mục Phạm Thế Hưng cho biết, mảnh đất mà các giáo dân đào hồ nuôi cá vốn là đất dư ra sau khi linh mục Trần Quốc Toản kêu gọi các giáo dân ở địa phương góp đất để làm sân bóng cho trẻ em: “Đất đó bây giờ không cần thiết vấn đề gieo mạ nữa, mà đất thì là đất cát nên làm ruộng cũng không ăn thua gì. Để đó cả nhiều năm không làm gì thì đào hồ nuôi cá để không uổng phí. Khi đào hồ cũng không nghe ai nói gì cả, sau đó họ mời Cha Hưng và ban Hành Giáo, nói rằng Giáo xứ đào hồ mà không xin phép”.
Mời đọc thêm: Bộ Công an thuê công ty chuyên về định vị tham gia dự án dữ liệu công dân (LK). – Cán bộ xã ở Nghệ An ký khống nhận tiền Tết của 15 hộ nghèo (RFA). – Hàng chục nghị sĩ Mỹ yêu cầu ngừng trục xuất người Việt tị nạn (VOA). – Hồng Kông : 9 khuôn mặt hàng đầu của phong trào dân chủ bị kết án từ 8 đến 18 tháng tù (RFI).
Tin môi trường
Bãi rác tạm thời gây ô nhiễm ở Đồng Nai: Dân kêu trời vì bãi tập kết rác thải hôi thối, ruồi nhặng bâu kín, VTC đưa tin. Hơn một năm qua, người dân ở tổ 7, khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đã phải sống chung với tình trạng ô nhiễm từ bãi tập kết rác thải tạm thời nằm ngay cạnh tỉnh lộ 768. Người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không có gì thay đổi.
Một người dân địa phương cho biết: “Đêm nào cũng vậy, hàng chục chiếc xe chở rác ở tận đâu túa về đây, mãi đến gần sáng thì mới có xe đến gom rác chở đi. Thế nhưng, rác chở về đổ nhiều, còn chở đi xử lý thì lại rất ít, vì thế rác cứ ứ đọng lại gây ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn. Người dân phản ánh nhưng mãi cũng không thấy cán bộ nào đến giải quyết”.
Báo Công Thương có bài: Ô nhiễm tại cảng cá Lạch Vạn Nghệ An – S.O.S. Tình hình ô nhiễm ở cảng cá Lạch Vạn: “Rác thải ngổn ngang, nước đen kịt, sặc sụa mùi thôi thối, ruồi nhặng bu bám khắp nơi”. Nguyên nhân chủ yếu là do vỏ sò, vỏ ốc bị đổ tràn lan tại 2 bên cảng cá và dọc mép dòng sông Lạch Vạn trong các tháng qua. Vỏ ốc được đổ chất thành đống, kéo dài trên tuyến đường ra vào cảng cá Lạch Vạn và khu vực rừng ngập mặn.
Mời đọc thêm: Kiến nghị thu hồi giấy phép sản xuất với các công ty xả thải ra sông Mã (Tin Tức). – Vụ cá chết hàng loạt trên sông: Đề nghị thu hồi giấy phép 4 công ty (DT). – Hải Phòng: Truy tìm doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường (ĐĐK). – Bắc Giang: Trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm (KT). – “Giải cứu” kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước nguy cơ ô nhiễm bằng cách nào? (LĐ).
– Các quy định về thương mại có thể giúp ứng phó với biến đổi khí hậu — Trung Quốc: Thủ đô Bắc Kinh chìm trong cát bụi ô nhiễm (TTXVN). – Bão cát tấn công, Bắc Kinh (Trung Quốc) chìm trong bụi bẩn ô nhiễm (VOV). – Nguy cơ nào khi Nhật Bản xả xuống biển nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima? (TN). – Người Nhật Bản lo sợ biển ô nhiễm vì nước nhiễm xạ (Zing).
***
Thêm một số tin: Hơn 60% người già ở Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp xã hội (NV). – Hơn nửa triệu người Việt mất việc vì dịch Covid-19 bùng phát lần 3 (DT). – Người Việt sống dưới lệnh phong tỏa ở Phnom Penh (VNE). – Mỹ ra lệnh trừng phạt Nga vì các cuộc tấn công mạng (BBC). – Bí ẩn đội quân dân tộc Arakan đối đầu quyết liệt với quân đội Myanmar (VOV).
0 comments