TS Lê Đăng Doanh: 'Con đường để VN thoát dịch, phục hồi kinh tế'
BBC
Trong suốt một năm vừa qua, Việt Nam phải đương đầu với đại dịch Covid-19, đồng thời phải lo ổn đỉnh nền kinh tế.
Mặc dù được cho là đã đạt được một số kết quả, thành tích nhất định, nhìn tới phía trước, để lộ trình đưa quốc gia gần 100 triệu dân tái khởi động hiệu quả nền kinh tế cho một chu kỳ mới, có nhiều điểm cần phải được chính phủ ưu tiên và lưu ý, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Sau dịch Covid-19: Cơ hội chuyển hướng cho công nghiệp Việt Nam
Hôm 01/3/2021 từ Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói với BBC News Tiếng Việt:
"Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng dương năm 2020 và đã kiểm soát được đợt đầu của Covid-19, nhưng bây giờ sau khi có đợt dịch ở Đà Nẵng, thì bây giờ đợt dịch thứ ba ở Hải Dương là phức tạp và nó liên quan các khu công nghiệp, tạo ra các cách ly, giãn cách, cho nên sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
"Nếu như Việt Nam kiểm soát được sớm đại dịch Covid này vào tháng Tư và tiếp tục khôi phục được nền kinh tế, thì có thể kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vào khoảng 3% cho đến 4%, còn nếu không kiểm soát được thì có thể sẽ khó khăn hơn.
"Về lộ trình thoát dịch và phục hồi kinh tế, tôi thấy rằng Việt Nam rõ ràng cần phải có ưu tiên để kiểm soát dịch bệnh, bởi vì Việt Nam là một nước láng giềng của Trung Quốc và các nước ở Asean hiện vẫn phải đối mặt với đại dịch này.
"Cho nên phải kiểm soát được dịch bệnh và kiểm soát được người nhập cảnh, kịp thời cách ly những người có khả năng lây nhiễm, theo tôi đó là một trong các kinh nghiệm rất quan trọng của Việt Nam và được nhân dân ủng hộ.
"Điều thứ hai nữa là Việt Nam cần có những gói trợ giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giãn thời gian nộp thuế, giãn thời gian trả nợ.
"Và đồng thời, có những tín dụng ưu đãi, có mục tiêu, điều kiện rõ ràng để trợ giúp cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể tạo công ăn, việc làm. Và bằng cách đó, ngành thuế sẽ lại có thể thu thuế của những doanh nghiệp này."
Chấp nhận hộ chiếu vaccine và tiêm chủng nhanh?
Khi được hỏi để tạo điều kiện giúp mở cửa trở lại nhanh trong một chu kỳ mới nền đối với nền kinh tế, hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế sau một năm chống Covid-19, liệu Việt Nam có nên chấp nhận hộ chiếu vaccine, tiến hành tiêm chủng nhanh trên toàn quốc hay không, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đáp:
"Theo tôi đó là những biện pháp mà Việt Nam có thể sẽ chấp nhận trong thời gian sắp tới đây để có thể mở lại các đường bay quốc tế, khôi phục các hoạt động du lịch, hầu dĩ tạo thêm công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân.
"Thời gian qua và gần đây, một số địa phương tiến hành một số biện pháp ngăn cách và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh, chỉ đạo.
"Hiện nay, Việt Nam đã rút kinh nghiệm để không áp dụng việc giãn cách hay cách ly trên quy mô cả tỉnh, hoặc trên quy mô cả nước như hồi tháng Ba năm ngoái.
"Mà bây giờ, sau một năm, Việt Nam sẽ cách ly rất cụ thể từng khu phố một, trong một chung cư, thì cách ly từng nhà một, chứ không phải là cách ly toàn bộ chung cư.
"Như vừa rồi ở Hà Nội có chung cư mấy nghìn người sinh sống, bây giờ cố gắng không cách ly toàn bộ chung cư, mà nếu có một chung cư nào đó cũng bị trường hợp tương tự, thì sẽ cách ly từng tầng một, cách ly cầu thang thường, cách ly cầu thang máy.
"Và bằng cách đó hạn chế một cách tối đa tác động tiêu cực trong việc kiểm soát dịch bệnh, và tôi nghĩ những kinh nghiệm đó của Việt Nam với sự hỗ trợ, hợp tác, ủng hộ của người dân, sẽ giúp cho Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh, trong khi đó vẫn tăng trưởng được kinh tế, tạo việc làm; như tôi thấy Hải Phòng, chẳng hạn, đã nhanh chóng bãi bỏ một số hạn chế được đưa ra ban đầu."
Hài hòa chống dịch và ổn định, tăng trưởng kinh tế thế nào?
Trước mắt và nhìn về chung, dài hạn, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần có những động thái, biện pháp hài hòa được hai mục tiêu chống dịch Covid-19 và ổn định, tăng trưởng nền kinh tế, mà theo ông đều rất quan trọng, ông nói:
"Về các biện pháp và phản ứng của các doanh nghiệp, tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang tiếp tục sẵn sàng cho việc khôi phục các hoạt động.
"Và số doanh nghiệp mới đăng ký đang tiếp tục tăng lên, theo tôi đó là một tín hiệu hết sức quan trọng.
"Đặc biệt là Việt Nam vừa qua đã có chú ý phát triển nông nghiệp và nông nghiệp đã có đóng góp đáng kể vào việc tăng trưởng xuất khẩu, bên cạnh các nỗ lực khác.
"Nhưng để quá trình sắp tới đây có thể vừa phục hồi, lại vừa tăng trưởng kinh tế, tôi thấy Việt Nam vẫn còn phải làm nhiều việc để tinh giản bộ máy nhà nước, cắt giảm những giấy phép, những chi phí về thời gian và tiền bạc không cần thiết cho kinh doanh.
"Ngoài ra, Việt Nam phải đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để có thể thu hút đầu tư nước ngoài với chất lượng cao hơn, bởi vì hiện nay đầu tư nước ngoài đang có một sự dịch chuyển và nếu Việt Nam có một nguồn nhân lực tốt, giới đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đến Việt Nam để đầu tư.
"Tiếp theo, tôi cho rằng Việt Nam cũng cần phải tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng của đường giao thông, đặc biệt của các bến cảng và dĩ nhiên cần đẩy mạnh chuyển sang làm kinh tế số hóa, thực hiện chính phủ điện tử, thực hiện doanh nghiệp và giao dịch điện tử trong nước và quốc tế, nếu làm được tích cực các việc đó, tôi nghĩ Việt Nam sẽ có cơ hội tốt và tạo đà cho tương lai lâu dài cũng như tới đây."
0 comments