Hong Kong: Người dân biểu tình khi 47 nhà hoạt động ra hầu tòa
BBC
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia mới, lớn nhất trong nhiều tháng.
Hàng trăm người tụ tập bên ngoài tòa án, nơi 47 nhà hoạt động đồng đội của họ xuất hiện hôm thứ Hai để đối mặt với cáo buộc âm mưu lật đổ.
Cảnh sát nói với đám đông biểu tình rằng họ cũng đang vi phạm Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi.
Trung Quốc đã ban hành luật vào năm ngoái, nói luật rất cần thiết để mang lại sự ổn định. Giới phê bình nói luật này đã làm im tiếng của những người bất đồng chính kiến.
Luật có hiệu lực sau hàng loạt cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn nổ ra vào năm 2019, một số cuộc biểu tình đã leo thang thành bạo động.
47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ra tòa - 39 nam và 8 nữ, tuổi từ 23 đến 64 - nằm trong số 55 người bị bắt trong các cuộc bố ráp vào rạng sáng hồi tháng trước.
Họ đã giúp tổ chức một cuộc bầu cử "sơ bộ" không chính thức vào tháng 6 năm ngoái, để chọn các ứng cử viên đối lập cho cuộc bầu cử hội đồng lập pháp vào năm 2020, mà chính phủ sau đó đã hoãn lại.
Các quan chức Trung Quốc và Hong Kong nói rằng cuộc bầu cử sơ bộ chính là nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ.
Vào thứ Hai, cảnh sát đã được điều động để khống chế đám đông khi mà các nhà ủng hộ dân chủ xếp hàng để vào phiên xử.
Một số người hô vang các khẩu hiệu bao gồm "giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta" và "đấu tranh cho tự do, sát cánh cùng Hong Kong".
Tại hiện trường: Băng rôn, cờ cảnh báo được viết bằng tay
Grace Tsoi, BBC News, Hong Kong
Hàng trăm người đã xếp hàng bên ngoài Tòa án sơ thẩm Tây Kowloon trước phiên điều trần của 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ - một số đã đến sớm nhất là từ đêm hôm trước.
Hầu hết họ vận đồ đen, màu sắc được những người biểu tình chọn làm chủ đạo vào năm 2019. Các biểu ngữ chứa ngập những thông điệp viết bằng tay được giương lên. Tiếng hô hào "giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta" - mà chính phủ cho là vi phạm Luật An ninh Quốc gia - thỉnh thoảng vẫn được nghe thấy.
Cuối Twitter tin, 1
Ông Chak, trong độ tuổi 50, nói với tôi rằng ông đến tòa vào buổi chiều và biết rằng mình sẽ không được vào trong vì chỗ ngồi có hạn. Nhưng ông muốn thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần với các nhà hoạt động.
Sự việc trở nên căng thẳng khi cảnh sát sử dụng cờ màu để cảnh báo đám đông về việc tham gia vào một cuộc tụ tập bất hợp pháp và có thể vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Nhưng một số người ủng hộ Bắc Kinh cũng có mặt với tâm trạng ăn mừng. Một trong những biểu ngữ của họ có nội dung: "Hãy trừng trị nghiêm khắc những kẻ phản quốc và bán nước, và tất cả chúng sẽ bị bỏ tù bằng Luật An ninh Quốc gia."
Cảnh sát cảnh báo những người tụ tập chia thành các nhóm nhỏ không quá bốn người nếu không sẽ phải bị phạt tiền.
Hôm Chủ nhật, những người ra hầu tòa để đối mặt với các cáo buộc đã được yêu cầu đến trình báo ở đồn cảnh sát và tạm giam trước phiên điều trần.
Cảnh sát Hong Kong nói trong một tuyên bố: "Chiều nay, cảnh sát đã buộc tội 47 người ... với một tội danh 'âm mưu lật đổ'."
Những ai bị cáo buộc?
47 người là một số nhà vận động dân chủ nổi tiếng nhất của vùng lãnh thổ này.
Họ gồm các cựu chiến binh như học giả Benny Tai và chính trị gia Leung Kwok-hung, và những người biểu tình trẻ tuổi hơn như Gwyneth Ho, Sam Cheung và Lester Shum.
Jimmy Sham, người dẫn đầu một nhóm biểu tình bất bạo động lớn, vẫn đầy vẻ bất chấp khi đến đồn cảnh sát.
Ông nói: "Dân chủ không bao giờ là món quà trên trời rơi xuống. Nó phải được đạt được nhờ vào nhiều người có ý chí mạnh mẽ." "Chúng tôi sẽ vẫn mạnh mẽ và chiến đấu cho những gì chúng tôi muốn."
Trước khi tự nộp mình, Gwyneth Ho viết trên mạng xã hội: "Mong mọi người tìm được con đường bình yên cho tâm trí để rồi tiến bước với ý chí bất khuất".
Sam Cheung nói: "Tôi hy vọng mọi người sẽ không từ bỏ Hong Kong ... hãy cố lên."
Các cáo buộc có án phạt tối đa là tù chung thân. Việc tại ngoại hầu tra khó khả thi, và Benny Tai nói cơ hội của anh "không quá lớn".
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm thứ Hai nói quyết định đưa ra cáo buộc đối với số 47 là một bước đi "đáng quan ngại sâu sắc", vi phạm tuyên bố chung mà Bắc Kinh đã đạt được với Anh khi trao trả lại thuộc địa cũ cho Trung Quốc.
Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả các cuộc bố ráp vào tháng 1 bắt giữ 55 người là "minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Luật An ninh Quốc gia đã được vũ trang hóa như thế nào để trừng phạt bất kỳ ai dám thách thức tầng lớp lãnh đạo".
Cho đến nay, khoảng 100 người đã bị bắt theo luật an ninh, gồm cả nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc và ông trùm truyền thông Jimmy Lai, người đã bị từ chối việc bảo lãnh và đang bị tạm giam chờ xét xử.
Chưa có phiên tòa được xử một cách đầy đủ. Phiên xử đầu tiên được cho là của Tong Ying-kit, người bị cáo buộc tông xe máy vô cảnh sát vào tháng 7 năm ngoái. Tong Ying-kit đã ra hầu tòa vào tháng 11 để không nhận tội và dự kiến sẽ được xử bởi ba thẩm phán khảo hơn là một bồi thẩm đoàn.
Luật An ninh Quốc gia là gì?
Từng là thuộc địa của Anh, Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 nhưng theo nguyên tắc Một quốc gia, hai hệ thống".
Nguyên tắc này được cho là đảm bảo các quyền tự do nhất định cho lãnh thổ - gồm quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận, cơ quan tư pháp độc lập và một số quyền dân chủ - mà Trung Quốc đại lục không có.
Nhưng Luật An ninh Quốc gia đã làm giảm quyền tự trị của Hong Kong và khiến việc trừng phạt những người biểu tình trở nên dễ dàng hơn.
Đạo luật đưa ra các tội danh mới, bao gồm cả hình phạt lên đến tù chung thân. Bất kỳ ai bị phát hiện có hành động bị cho là thông đồng với người ngoại quốc để kích động "thù hận" đối với chính phủ Trung Quốc hoặc chính quyền Hong Kong có thể phạm phải tội.
Các phiên tòa có thể được xử kín và không có bồi thẩm đoàn, và các vụ án có thể được chính quyền đại lục tiếp quản. Sĩ quan an ninh đại lục có thể hoạt động hợp pháp tại Hong Kong mà không bị trừng phạt.
Sau khi luật được ban hành, một số nhóm ủng hộ dân chủ đã giải tán vì lo ngại cho sự an toàn của mình.
0 comments